Đề bài: Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, cuộc đời làm dâu của Mị vô cùng khổ đau, tủi nhục. Sau khi bố Mị chết, Mị không nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tử nữa, "Mị tưởng mình là con trâu, mình cũng là con ngựa..". Nhưng khi nghe tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân thì khát vọng sống trong Mị trỗi dậy: ".. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi. Mày có con trai con gái Mày đi làm nương Ta không có con trai con gái Ta đi tìm người yêu. Anh/ chị hãy phân tích sự thay đổi về nhận thức của nhân vật Mị để làm nổi bật sức sống tiềm tàng, khát vọng sống mãnh liệt của nhân vật qua những tình cảnh đó. Từ đó, khái quát về giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài). Bài làm " Văn học là cuộc đời ". Người nghệ sĩ thả hồn mình trên trang giấy, chính là đang vẽ nên khung cảnh hiện thực trước mắt theo cách riêng của mình. Vẻ đẹp của văn chương không nằm ở những thứ xa hoa, lộng lẫy, xa rời thực tế, mà nằm ở chất" đời "bên trong con mắt của nhà văn: " Mỗi nhà văn chân chính bước lên văn đàn, về thực chất là sự cất tiếng bằng nghệ thuật của giá trị nhân văn sâu sắc nào đó được chưng cất từ những trải nghiệm của sự đời " Họ thả xuống dòng chảy thời gian một chiếc lá mảnh mai, e lệ. Chiếc lá đó chính là tác phẩm văn chương được kết tinh trong một khoảng thời gian dài. Tô Hoài là minh chứng cho điều đó thông qua tác phẩm" Vợ chồng A Phủ ". Bằng những trải nghiệm từ chuyến đi thực tế lên vùng núi rừng Tây Bắc, ông đã khắc họa nên nhân vật Mị là đại diện cho nét đẹp tính cách đặc trưng của con người nơi đây. Đồng thời là biểu trưng cho khát vọng sống cao đẹp của con người trong hoàn cảnh éo le cùng cực. " Để có được cái nhìn thấu đáo, toàn diện trước cuộc đời và trong thế giới nghệ thuật, mỗi người nghệ sĩ phải mất năm, mười năm, thậm chí là cả cuộc đời để miệt mài khám phá. "Tô Hoài là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20 về trước. Được biết đến với lối viết văn hóm hỉnh, lạc quan, có kiến thức sâu rộng về phong tục, tập quán cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân nhiều vùng miền. Trong 95 năm cuộc đời mình, ông dành hơn phân nửa để cống hiến cho nền văn học và sau 60 năm lao động nghệ thuật, ông đã để lại cho chúng ta một số lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị nghệ thuật cao. Một trong số đó là tác phẩm" Vợ chồng A Phủ "với câu chuyện xoay quanh nhân vật Mị: " Nhân vật là nơi tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác "(Tô Hoài) Mị là một cô gái dân tộc Mèo sinh ra trong một gia đình thiếu thốn về vật chất. Bố mẹ cô vì nợ thống lí Pá Tra một khoản tiền lớn nên mỗi năm phải nộp một nương ngô để trả nợ. Đến khi lớn lên chính cô cũng bị bắt về làm dâu để gạt nợ, cũng từ ấy Mị sống trong cảnh tối tăm, cùng cực, bị bóc lột về cả thể xác lẫn tinh thần. Từ đoạn mở đầu, tác giả mở ra một tình huống hiểu lầm đặc biệt:" Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô con gái.. cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra. "Cách mở đầu độc đáo này thu hút sự chú ý của độc giả vào nhân vật Mị: Cô con dâu nhà thống lí, lúc nào cũng thấy" Ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. "Tạo cho ta cái nhìn khái quát về cuộc sống của nhân vật Mị. Một cuộc sống bức bối, phải làm lụng quần quật cả ngày với tâm trạng" Buồn rười rượi ". Từ đó, tác giả kể lại câu chuyện về cuộc đời cô. Thì ra Mị về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, lấy A Sử làm chồng chẳng phải vì yêu thương gì hắn mà là vì trả nợ. Chung sống với kẻ mà mình không thương, suốt ngày phải làm những công việc nặng nhọc, Mị trở nên" Lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa ". Căn phòng của Mị là một không gian chật hẹp, tăm tối. Chỉ bằng vài dòng miêu tả ngắn ngủi, cũng đủ để cho ta cảm nhận được không khí ngột ngạt bên trong căn phòng:" Căn buồng mà Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng lòng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay nắng. Mị cứ ngồi mà trông ra ngoài, đến khi nào chết thì thôi. "Chi tiết này khá giống với căn buồng của Lixơn trong tác phẩm" Buồng tầng thượng "(Ohenry) :" Trong buồng có một cái giường sắt nhỏ, một cái chậu và một chiếc ghế. Bốn bề trường trơ trụi như ép lấy bạn chẳng khác gì những tấm ván quan tài. Bạn đưa bàn tay lần lên cổ, há hốc mồm thở hổn hển, ngước mắt nhìn lên, có cảm giác như mình đang đứng ở đáy giếng. "Tuy nhiên, nếu như trong tác phẩm của Ohenry, từ cửa kính trên mái nhà, bạn sẽ thấy một mảnh trời vuông xanh thăm thẳm. Ấy là vì Lixơn là một cô gái vui tươi và hay mơ mộng. Thì với Tô Hoài, cái cửa sổ phòng Mị cũng chỉ là cái" lỗ "để ánh sáng chiếu vào mà thôi, nhìn ra chỉ thấy" Trăng trắng, không biết là sương hay nắng. "Hình ảnh căn phòng như một phép ẩn dụ cho sự giam cầm con người và thủ tiêu ý chí sống của họ. Thực tế nó có cửa sổ hay không cũng thế thôi. Vì Mị chẳng biết được ngoài kia" Là sương hay nắng ", cô chỉ ngồi trông ra," chờ chết ". Phải chăng cái nhà tù đó đã giết chết hoàn toàn đi khát vọng hướng tới tự do của cô? Không, chỉ tiết ấy chỉ góp phần phản ánh chế độ cai trị độc tài của bọn thực dân địa chủ, góp phần thúc đẩy Mị nghĩ đến chuyện phản kháng mà thôi. Lần phản kháng đầu tiên là lần Mị bị A Sử bắt về làm vợ." Có đến mấy tháng liền đêm nào Mị cũng khóc. Một hôm, Mị trốn về nhà, hai tròng mắt đỏ hoe. "Lúc đó, Mị định ăn lá ngón tự tử nhưng vì thương bố nên không đành. Và từ đó" Sống trong cái khổ Mị quen khổ rồi "đến khi bố mất, cô cũng không còn tưởng đến ăn lá ngón nữa. Ở đây thấy rõ được nét tinh tế trong ngòi bút khắc họa tâm lý nhân vật của Tô Hoài. Nếu trước đó, Mị bị ràng buộc bởi hoàn cảnh của bố, vậy tại sao sau này khi bố mất, Mị cũng thôi nghĩ đến chuyện tự tử? Con người ta một khi bị dồn nén, áp bức trong một thời gian dài sẽ sinh ra một loại cảm giác" an phận "." Mị ở lâu trong cái khổ nên Mị quen khổ rồi "," Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa.. chỉ biết ăn có đi làm mà thôi.. bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời là như thế ". Lần thứ hai phản kháng của Mị cũng là lần tác động sâu sắc đến nhận thức của cô. Khung cảnh xuân ở Hồng Ngài đẹp đẽ:" Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa đã gặt xong, ngô lúa xếp yên đầy các nhà kho.. đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. "Không khí vui tươi đã phần nào xoa dịu đi tâm trạng u uất của Mị. Đêm tình mùa xuân rạo rực gợi cho Mị nhớ lại thời xưa. Ngày xưa, Tết Mị uống rượu, bây giờ Mị cũng uống, rồi Mị say:" Lòng Mị đang sống về ngày trước. "Sự đối lập giữa khung cảnh thực tại của Mị khiến cô không thôi rạo rực mong chờ:" Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi: Mày có con trai con gái rồi Mày đi làm nương Ta không có con trai con gái Ta đi tìm người yêu. " Ngày ấy cô Mị đẹp lắm, như bông hoa ban trắng của núi rừng. Lại có tài thổi sáo hay:" Mị uốn chiếc lá trên môi thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị ". Bây giờ, chính tiếng sáo đã làm trỗi dậy niềm khát khao yêu đời, yêu tự do, sức sống tiềm tàng trong con người Mị:" Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. "Chi tiết nhỏ thôi nhưng lại khéo léo lột tả được tâm trạng của nhân vật Mị, ngọn đèn đó chiếu rọi căn buồng tối tăm, rọi cả vào tâm hồn Mị. Sự tác động của ngoại cảnh vào tâm hồn Mị mạnh mẽ. Nhưng tâm cảnh mới là yếu tố quyết định ngoại cảnh. Cuộc phản kháng không thành, cô không thoát khỏi ngôi nhà ấy dù chỉ một giây. Nhưng Mị đã không còn là" Con rùa nuôi trong xó cửa "," Con ngựa chỉ biết ăn cỏ biết đi làm "nữa. Mị đã là Mị của ngày xưa, một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống, tiếng sáo đã chỉ ra lối thoát cho cuộc đời bế tắc của cô. Và có lẽ, đây cũng là khoảnh khắc" đốn ngộ ", thúc đẩy Mị đến hành động mang ý nghĩa lớn lao là cởi trói cho A Phủ và cùng anh ta bỏ trốn sau này. Sự hồi sinh của nhân vật Mị chứng tỏ sức sống bền bỉ của người dân lao động trước sự tàn bạo của bọn cầm quyền. Qua đó, ta cảm nhận sâu sắc ngòi bút nhân đạo của Tô Hoài cùng vơi nghệ thuật xây dựng tâm lí nhân vật tinh tế sắc sảo. Nhân vật Mị chính là minh chứng tố cáo chế độ độc tài, tàn bạo của bọn thực dân chúa đất, đồng thời thể hiện niềm xót xa thương cảm của Tô Hoài dành cho số phận của người dân miền núi Tây Bắc trong thời điểm Cách mạng chưa về. Đoạn kết trong" Vợ chồng A Phủ "là lẽ tất yêu phải xảy ra trong bối cảnh lúc bấy giờ: A Phủ và Mị tìm đến Cách mạng để giải thoát cho hai số phận lầm than, cơ cực, bị bóc lột tàn nhẫn." Có áp bức thì có đấu tranh". Góp phần thể hiện nét đẹp anh hùng trong phẩm chất của người dân Tây Bắc và khát vọng sống, đổi đời của họ.