Nghị luận văn học: Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nguyễn Thị Linh, 14 Tháng năm 2022.

  1. Nguyễn Thị Linh

    Bài viết:
    337
    Đề bài: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ sau:

    [​IMG]

    Gợi ý làm bài:

    1. Vị trí đoạn trích


    Đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm: Gặp gỡ và đính ước . Sau bức chân dung của chị em Thúy Kiều là bức họa về cảnh sắc trong tiết thanh minh và cảnh du xuân của trai tài gái sắc.

    2. Bốn câu đầu: Bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong sáng, tươi đẹp, tràn đầy sức sống

    - Cảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp riêng của mùa xuân. Giữa bầu trời cao rộng, từng đàn chim én rộn ràng bay lượn như chiếc thoi trên khung cửi. Hình ảnh con én đưa thoi gợi bước đi thời gian. Đất trời tràn ngập ánh thiều quang - ánh sáng đẹp của ngày xuân ấm áp, trong trẻo. Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh thiên nhiên tươi sáng đồng thời thể hiện niềm tiếc nuối trước sự trôi nhanh của thời gian. Mùa xuân thấm thoắt trôi mau, tiết trời đã bước sang tháng ba, tháng cuối cùng của mùa xuân, cái đẹp của mùa mở đầu một năm sắp hết.

    - Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du, mùa xuân hiện lên tươi đẹp, tràn đầy sức sống: Trên nền xanh tươi sáng mơn mởn của cỏ non trải ra mênh mông tới chân trời, nhà nghệ sĩ ngôn từ điểm xuyết vài bông hoa lê trắng muốt. Vẻ đẹp của mùa xuân được khắc họa với tất cả sự mới mẻ, tinh khôi, sức sống căng tràn. Tiếp thu từ câu thơ cổ Trung Quốc: "Phương thảo liên thiên bích / Lê chi sổ điểm hoa" (Cỏ thơm liền với trời xanh / Trên cành lê có mấy bông hoa), ý thơ của Nguyễn Du có nhiều sáng tạo. Nhà thơ đã vẽ thêm màu trắng vào bức tranh thơ. Đặc biệt, phép đảo ngữ trắng điểm đã khiến không gian mùa xuân hiện lên trong trẻo lạ thường. Sắc xanh của cỏ và sắc trắng của hoa lê gợi vẻ đẹp tươi sáng, tràn đầy nhựa sống. Tính từ "trắng" kết hợp với động từ "điểm" gợi hình ảnh lay động của hoa làm cho cảnh vật mùa xuân sinh động, có hồn chứ không tĩnh tại. Phải là người có tâm hồn rung động tinh tế với thiên nhiên, tạo vật, thi nhân mới có thể viết được những câu thơ tuyệt bút như vậy.

    - Bốn câu thơ đầu được Nguyễn Du viết rất hàm súc, giàu sức gợi từ phong cảnh (đường nét, màu sắc, khí trời, cảnh vật) cho đến tâm trạng của con người trước cảnh vật, tạo nên một bức tranh xuân diễm lệ và tươi sáng. Điều đó có được nhờ khả năng sử dụng, phối hợp từ ngữ đến mức điêu luyện. Những màu sắc tương phản được đặt cạnh nhau, việc sử dụng các yếu tố ngôn ngữ dân gian khiến cho ngôn ngữ thơ thêm sinh động, giàu sức gợi tả.

    3. Sáu câu cuối: Bức tranh thiên nhiên mùa xuân nên thơ, tĩnh lặng, đượm buồn

    - Vẫn là cảnh mùa xuân nhưng bây giờ là giây phút cuối ngày. Hội đã hết, ngày đã tàn nên nhịp thơ không còn rộn ràng, giục giã mà trái lại thật chậm rãi, khoan thai. Cuộc du xuân vừa náo nức là thế, giờ lặng lẽ, chìm vào cô tịch. Không gian yên tĩnh lạ thường không còn người đi, kẻ lại tấp nập, không còn ríu rít tiếng nói, tiếng cười. Gam màu tươi sáng, rực rỡ của bức tranh xuân đến đây được thay bằng màu nhạt nhòa của nắng chiều bảng lảng. Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu, vẫn đẹp, vẫn nên thơ nhưng tĩnh lặng, đượm buồn.

    - Nguyễn Du từng viết: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?" Vì vậy, khi vào lễ hội, người vui thì cảnh sắc rộn ràng tươi mới. Lúc lễ hội tan rồi, tâm trạng con người không khỏi lưu luyến, bâng khuâng. Hai chữ nao nao nhuốm nỗi buồn lên cảnh vật. Dòng nước nao nao, trôi chậm lưu luyến bên chân cầu nho nhỏ, phải chăng cũng là nỗi niềm lưu luyến, tiếc nuối của lòng người khi ngày vui chóng qua? Hai chữ thơ thẩn có sức gợi lớn, chị em Thuý Kiều ra về trong sự nuối tiếc, lặng buồn. Hai chữ dan tay tưởng là vui nhưng thực ra là chia sẻ cái buồn không nói hết, thể hiện cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui xuân đã hé mở vẻ đẹp tâm hồn thiếu nữ tha thiết với niềm vui cuộc sống của chị em Thuý Kiều.

    - Nhìn chung, bước chân thơ thẩn trên dặm đường trở về của chị em Kiều như có cái gì đó giăng mắc, mơ hồ, tiếc nuối. Các từ láy tà tà, thanh thanh, nao nao không chỉ gợi tả cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người; không những gợi cảm giác nuối tiếc về ngày vui qua mau mà còn linh cảm một điều gì đó sắp xảy ra trong tâm hồn đầy nhạy cảm của Thúy Kiều. Rõ ràng, cảnh đã nhuốm màu tâm trạng. Lòng người hòa trong cảnh vật như đang lắng lại cùng cảnh vật.

    - Sáu câu thơ cuối, Nguyễn Du không chỉ miêu tả tâm trạng buồn tiếc khi lễ hội vừa tàn, mà hình như ông chuẩn bị đưa nhân vật của mình vào một cuộc gặp gỡ khác, một thế giới khác. Sau buổi du xuân, Nguyễn Du đã sắp đặt để Thúy Kiều gặp nấm mộ Đạm Tiên và gặp Kim Trọng. Vì thế, cảnh vật trong hoàng hôn này cũng là một dự báo, một linh cảm cho đoạn trường mà đời Kiều sắp phải bước qua. Tả cảnh, tả tình như thế thật khéo, cách chuyển ý cũng thật tinh tế, tự nhiên.

    4. Nghệ thuật miêu tả bức tranh khung cảnh thiên nhiên mùa xuân

    - Thể thơ lục bát của dân tộc đạt đến mức mẫu mực cổ điển. Bút pháp ước lệ nghiêng về sự gợi tả, giàu chất tạo hình. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Nghệ thuật đối lập. Hình ảnh thơ gợi hình, gợi cảm.

    - Nguyễn Du là bậc thầy trong khả năng sử dụng ngôn ngữ. Đoạn thơ thể hiện tài quan sát và sử dụng ngôn ngữ tinh diệu khi miêu tả thiên nhiên của thi hào Nguyễn Du. Trong thơ ông, tiếng Việt không chỉ giàu đẹp, tinh tế mà còn rất gợi cảm. Dưới bàn tay tài hoa của nhà thơ, ngôn ngữ như chạm khắc, giàu chất tạo hình, thoát khỏi khuôn khổ trói buộc của công thức ước lệ; sử dụng sáng tạo từ ghép, từ láy..



    5. Tổng kết


    - Đoạn thơ miêu tả bức tranh thiên mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, giàu sức sống nhưng cũng tĩnh lặng, đượm buồn. Qua đó cho thấy Nguyễn Du là nhà thơ yêu thiên nhiên, thiết tha với tạo vật và có tấm lòng đồng cảm sâu sắc với con người.

    - Đoạn trích Cảnh ngày xuân được xem là một trong những thiên tả cảnh tuyệt bút trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cái tâm và tài của Nguyễn Du đã tạo nên sức sống lâu bền cho đoạn trích cũng như Truyện Kiều - kiệt tác bất hủ của nền văn học dân tộc.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...