Đề bài: Có ý kiến cho rằng: "Dù tác phẩm văn học viết về bất kì điều gì thì cũng phải truyền thổi đến con người niềm tin bát ngát về sự sống." Làm sáng tỏ ý kiến bằng truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long và bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy. *** Bài làm Nhà văn Nga Macxim Gorki từng viết: "Văn học là nhân học". Nhận định ấy cho ta hiểu rằng, văn học xuất phát từ con người, lại tìm đến con người, cải tạo và cảm hóa tâm hồn người. Văn nhân muốn tác phẩm của mình hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy phải tìm đến hiện thực cuộc đời để cảm hiểu mọi vui buồn, tốt xấu trong đời sống con người. Song, "dù tác phẩm viết về bất kì điều gì thì cũng phải truyền thổi đến con người niềm tin bát ngát vào sự sống". Nhà văn phải gột rửa thời đại bằng vẻ đẹp của văn chương, cho con người thêm yêu cuộc sống, yêu con người và hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long và bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy đã "kích hoạt" bao xúc cảm thẩm mĩ trong ta, truyền cho ta niềm tin về vẻ đẹp tâm hồn người. Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, là sự thể hiện đời sống khách quan qua tư tưởng, tình cảm của người viết. Văn học luôn "soi bóng" hiện thực thời đại và phản ánh cuộc sống bộn bề với bao thanh âm của số phận nên tác phẩm có thể viết về cái đúng, cái đẹp, cũng có quyền nói đến cái xấu xa, hèn nhát, ghê tởm. Song dù viết về điều gì, dù khai thác những mảng tối của hiện thực, nhà văn cũng phải hướng ngòi bút của mình đến các giá trị "người", các quy luật chân thiện mĩ. Tác phẩm phải "truyền thổi đến con người niềm tin bát ngát vào sự sống" tức là nhà văn phải chắt lọc và thể hiện được vẻ đẹp chân thực, sinh động của con người và cuộc đời trên trang viết, một vẻ đẹp ngỡ như tàng ẩn, khuất lấp nhưng lại luôn trăn trở, rạo rực, có sức lay động mạnh mẽ trái tim con người. Nhìn thấy cái đẹp nở hoa trên trang viết, con người thêm tin yêu cuộc sống, con người và bỗng khát khao sống đúng hơn, thiện lương hơn. "Văn học có quyền viết về cái xấu xa, ghê tởm, cái hèn nhát, nhưng thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái tốt đẹp, cái cao cả, thủy chung" (Nguyễn Khải). Văn học, bằng tất cả sự phản ánh, lí giải, ước mơ.. phải khơi dậy ở con người niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của đời sống. Bao đời nay, tha nhân đến với văn chương còn vì điều gì khác hơn là tìm ở đó sự sẻ chia, để cảm ở đó những vẻ đẹp diệu kì và rồi sống ý nghĩa hơn trong cuộc đời thực? Tác phẩm văn học nếu muốn thực sự sống chứ không phải những "vệt đen trên giấy trắng" thì nó phải chạm đến được trái tim người đọc, truyền thổi vào tâm hồn họ bát ngát những yêu thương, tin tưởng.. Văn học, xét đến cùng là "sự cất tiếng của lòng hiếu sinh" (Chu Văn Sơn), thử hỏi tác phẩm văn học nếu không nâng đỡ tâm hồn người bằng những vẻ đẹp, niềm tin mà nó trao gửi thì liệu tác phẩm có thể neo lại trong trái tim người đời hay không? Có những tác phẩm văn học chân chính đã được thai nghén từ cảm xúc mạnh mẽ của nhà văn trước cuộc đời, gạn lọc qua tư tưởng rồi truyền thổi đến tâm hồn người đọc bao tin tưởng, khát khao. Dù ngợi ca những vẻ đẹp cao cả hay lên án cách sống vô tình, bội bạc, văn học vẫn hoàn thành sứ mệnh của nó, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long và bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy là những minh chứng xác đáng làm rõ giá trị trao gửi niềm tin của văn chương. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" được nhà văn Nguyễn Thành Long cất bút sau chuyến đi đến Lào Cai năm 1970. Truyện thể hiện văn phong nhẹ nhàng, thơ mộng mà sâu lắng cảu Nguyễn Thành Long. Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên hiện lên trên từng trang viết làm say đắm lòng ta như hương thơm của một bông cúc nhỏ. Nhưng hơn hết, vẻ đẹp của những con người lao động trong thời kì mới được thể hiện đậm nét qua nhân vật anh thanh niên đã "truyền thổi vào ta niềm tin bát ngát về sự sống". Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, tình cờ của ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên đã cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của anh và những con người như anh, cho ta tin yêu thêm cuộc sống. Trước hết, anh thanh niên tỏa sáng vẻ đẹp của lí tưởng, hoài bão, lòng yêu nghề và trách nhiệm với công việc. Mới hai mươi bảy tuổi, anh vẫn chấp nhận rời khỏi phồn hoa đô hội để sống và làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao hai ngàn sáu trăm mét, quanh năm chỉ làm bạn với mây mù, cỏ cây. Như ông họa sĩ từng nói: "Nỗi buồn như con gián gặm nhấm người ta", lúc mới vào nghề, anh thanh niên cũng trông lên một vì sao xa mà nghĩ mình cô độc. Nhưng rồi anh đã vượt lên tất cả để rồi gắn bó với công việc khí tượng suốt bốn năm trời. Anh đã chiến thắng sự cô độc, chiến thắng hoàn cảnh khắc nghiệt của công việc bằng những suy ngẫm thật đúng đắn: "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?". Và anh gắn công việc của mình với việc của "bao anh em đồng chí dưới kia", gắn với sự nghiệp chung của Tổ quốc để rồi anh càng dốc lòng, cần mẫn vì nhiệm vụ của mình. Được cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời, anh thấy mình sống thật hạnh phúc. Cách định nghĩa hai chữ "hạnh phúc" của anh thật giản dị mà cũng sâu sắc biết bao! Những tâm sự của anh thanh niên về công việc làm ông họa sĩ, cô kĩ sư ấn tượng ngay về anh, "xúc động mạnh" và "bàng hoàng" vì anh. Còn với mỗi người đọc chúng ta, ta tin yêu hơn vào vẻ đẹp của con người lao động, ta khao khát được chắp cánh những hoài bão, được sống cống hiến cho đời. Anh thanh niên luôn biết gắn mình với mọi người bằng tấm lòng cởi mở và trái tim ấm áp. Lúc mới vào nghề, đã có lần anh "thèm người" quá nên phải đẩy thân cây to ngáng đường xe chạy chỉ để được gặp người, giúp đỡ và trò chuyện với người. Ta nhận ra nỗi "thèm người" ấy không phải của riêng ai khi câu hỏi của anh thanh niên vang vọng: "Còn người thì ai mà chả thèm hở bác?". Cái "thèm người" nằm trong bản tính rất "người" của chúng ta. Đó là khát vong được hòa nhập, kết nối với cộng đồng, được yêu thương và trao đi yêu thương với người. "Thèm người" nhưng lại "xa người" càng thể hiện rõ vẻ đẹp cao cả của anh. Anh xa người để cống hiến hết mực cho con người bằng công việc của mình; anh xa người để rồi thật hạnh phúc, thật niềm nở khi gặp người, làm ai gặp anh cũng thấy bồi hồi, xúc động. Anh thanh niên quả là vẻ đẹp hạn hữu cho sáng tạo nghệ thuật bởi từ tâm hồn anh ngời sáng bao vẻ đẹp, bao yêu thương, làm bát ngát trong lòng người những niềm tin về cái thiện, cái đẹp. Chưa dừng lại ở đó, ta còn thấy ở anh thanh niên phẩm chất khiêm nhường đáng quý. Làm việc ở Yên Sơn cao hai ngàn sáu trăm mét, anh vẫn luôn ngưỡng mộ người bạn làm việc ở Phan-xi-păng, anh cho rằng: "Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí tưởng chứ!". Lời nói chân thành, vui vẻ của anh càng làm ta hiểu hơn sự trân trọng, đồng cảm của anh dành cho những người cùng chí hướng. Anh tự thấy mình chưa xứng đáng cho ông họa sĩ vẽ, anh dùng mọi mĩ từ để say sưa ngợi ca bao con người khác. Qua đó, ta thấy muôn vẻ đẹp hiện lên trên bức tranh "lặng lẽ", ta hiểu hơn những người lao động tận tụy, miệt mài cống hiến cho đất nước. Họ quả thực là những người hùng nơi hậu phương, xây đắp nên thành lũy kiên cố cho đất nước những năm vừa đấu tranh, vừa xây dựng. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long quả thực là một "mảng đời, một nét của cuộc sống chắt ra". Niềm tin bát ngát mà tác phẩm truyền thổi vào lòng ta không gì khác hơn niềm tin vào chính con người, chính cuộc sống thực muôn màu này.. Vẻ đẹp của anh thanh niên đã được đặt vào chính giữa tác phẩm nhưng không xa xăm như một vì sao mà thật gần gũi, chân thực, cho ta niềm tin mạnh mẽ về phẩm chất tốt đẹp của con người và của chính chúng ta. Và phải chăng, với sức tạo nghĩa và gợi mở vô tận, văn học sẽ truyền thổi những luồng gió niềm tin vĩnh cửu, không ngừng tái sinh, không ngừng rạo rực trong lòng người? Bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy được viết năm 1978, ba năm sau ngày đất nước thống nhất hoàn toàn. Khoảng thời gian ba năm ấy đã xảy ra nhiều chuyển biến trong thời cuộc, con người đã quen với cuộc sống mới ổn định hơn, tiện nghi hơn. Với sự nhạy cảm của một nhà thơ trước hiện thực, Nguyễn Duy đã viết nên "Ánh trăng" như kể một câu chuyện, gửi gắm một triết lí muôn thuở: Cách sống chung thủy, ân tình. Nhà thơ viết về cái xấu xa, lầm lỡ của con người nhưng đằng sau đó vẫn truyền gửi niềm tin bát ngát vào con người, thức tỉnh ta về cách sống của chính mình. Mở đầu bài thơ, Nguyễn Duy đã kể câu chuyện về người và trăng trong quá khứ, một thuở hồn nhiên mà ân nghĩa, chung tình: "Hồi nhỏ sống với đồng Với sông rồi với bể Hồi chiến tranh ở rừng Vầng trăng thành tri kỉ" Từng mốc "hồi.." vang lên êm đềm, bình lặng, tuần tự, không đổi thay thể hiện sự gắn bó khăng khít năm dài tháng rộng của trăng và người. Trăng làm bạn với người suốt thuở ấu thơ, đồng hành bên người một thời chinh chiến kiêu bạc. Tự bao giờ, ánh trăng là tiếng thơ, khơi gợi bao rung cảm trong lòng người. Trong dòng cảm xúc tha thiết, miên man, người nhận ra trăng là "tri kỉ", hai chữ đã nói đến tận cùng sự thiết thân, gắn bó. Tình cảm giữa người và trăng cứ "hồn nhiên, trần trụi" để rồi "tri kỉ" nâng lên thành "tình nghĩa", hai chữ như nói đến tình thương máu thịt, thiêng liêng.. Trong câu chuyện êm đềm, con người hiện lên như một thiên thần trong sáng với bao phẩm chất đẹp. Sự thấu hiểu, gắn bó của người và trăng chính là minh chứng cho trái tim biết rung cảm, biết yêu thương của con người. Nhưng rồi một từ "ngỡ" chênh phô bỗng hiện lên giữa những dòng thơ bình lặng đã mang đến những dự cảm chẳng lành. Nhịp điệu chênh vênh của câu thơ "ngỡ không bao giờ quên" đã chuẩn bị cho sự đổi dòng nghiệt ngã: "Từ hồi về thành phố Quen ánh điện, cửa gương Vầng trăng đi qua ngõ Như người dưng qua đường" Những "hồi" gắn bó, thiết thân dường như đã bị một cái "từ hồi" đánh bay hết thảy. Con người như một hạt bụi bị cuốn đi bởi cơn gió của thời cuộc, bỏ lại quá khứ, bỏ lại nghĩa tình và sớm "quen" với cuộc sống mới. "Ánh điện, cửa gương" đã rọi vào cuộc đời con người những luồng sáng mới, rực rỡ, phù phiếm để rồi trong tâm hồn người hiển hiện những góc tối, những sự xấu xa, bội bạc khó lòng chối cãi. Cách đặt vầng trăng "tri kỉ, tình nghĩa" ngang hàng với "người dưng qua đường" thật bẽ bàng, đau đớn biết bao nhiêu. Mấy chữ "người dưng qua đường" sắc lẹm, lạnh ngắt tưởng chừng như cứa cắt trái tim vầng trăng luôn thủy chung, miệt mài dõi theo người. Lần này, con người đã nói đến cạn cùng của sự bạc tình, bội nghĩa.. Văn học là như thế, không bao giờ tránh né những điều xấu xa, tăm tối. Văn học phản ánh cuộc sống một cách toàn vẹn nhưng đằng sau đó luôn "truyền thổi vào con người niềm tin bát ngát về sự sống". Tình huống mất điện "thình lình" của thành phố đã đẩy đưa con người gặp lại vầng trăng, làm nên giây phút đốn ngộ bàng hoàng. Vầng trăng lãng du gặp con người lãng quên và con người không thể chạy trốn quá khứ, chạy trốn chính mình được nữa: "Ngửa mặt lên nhìn mặt Có cái gì rưng rưng Như là đồng, là bể Như là sông, là rừng" Người đối diện đến trực diện với vầng trăng tri kỉ, một mặt lãng quên đối với một mặt thủy chung. Trong giây phút bàng hoàng thấy vầng trăng vẫn tròn, thấy tấm lòng người thân năm nào giờ vẫn sắt son sau bao biến chuyển, con người đã "rưng rưng" nhìn lại mình. Có "cái gì" đó, rạo rực, bồi hồi trong trái tim con người. Có cái gì đó vẫn sống, vẫn cựa mình trong tâm hồn ngỡ như tăm tối đó của con người. Phải chăng ấy là những kỉ niệm nghĩa tình mà trái tim người vẫn luôn cất giữ? Phải chăng ấy là những rung động chân thật trong trái tim con người, khơi dòng nước mắt chực tuôn rơi? Phải chăng ấy là cái bản tính thiện lương, những phẩm chất tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu bên trong con người? Hai câu thơ với cách điệp cấu trúc "như là.. là.." tựa hai dòng nước mắt chảy xuống, gột rửa đi những mảng tối trong tâm hồn người. Mỗi khổ thơ của "Ánh trăng" cứ như một giọt sáng mà ở đó, nhà thơ truyền thổi vào ta niềm tin mạnh mẽ về những phẩm chất tốt đẹp và khả năng thức tỉnh của con người. Con người không xóa đi kí ức, không ngắt đi những rung động của trái tim mà chỉ bỏ quên nơi cửa ngõ của sự đổi thay. "Ánh trăng" không chỉ nói về sự thức tỉnh mà để chính ta thức tỉnh mình: "Trăng cứ tròn vành vạnh Kể chi người vô tình Ánh trăng im phăng phắc Đủ cho ta giật mình." Dưới cái im lặng của vầng trăng, trong giây phút bàng hoàng xúc động, con người đã tự thức tỉnh. Vị quan tòa lương tâm bên trong con người đã gõ xuống nhát búa làm ta "giật mình". "Giật mình" để nhận thức về chính mình, để thoát khỏi cõi tối tăm mà đổi thay, cải tạo mình. Câu thơ "đủ cho ta giật mình" cho ta thêm tin tưởng vào lương tri và năng lực tự thức tỉnh của con người. Văn học giúp con người hiểu mình hơn, nâng cao niềm tin vào bản thân và từ niềm tin, ta mới có thể hành động để đổi thay. Hai từ "đủ" và "giật mình" ở khổ thơ cuối đầy linh diệu đã truyền thổi vào ta niềm tin bát ngát vào vẻ đẹp của con người, về chính bản thân mình.. Để có thể "truyền thổi vào con người niềm tin bát ngát vào sự sống", nhà văn không chỉ cần thấu hiểu hiện thực mà còn phải bắc những nhịp cầu ngôn ngữ, để những thông điệp của tác phẩm đến được trái tim người đọc. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long và bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy đã biểu hiện vẻ đẹp hình thức độc đáo, tinh tế mà nhà văn sáng tạo nên. Chất thơ nhẹ nhàng bàng bạc trên từng con chữ của "Lặng lẽ Sa Pa", những con chữ hàm súc "nổ ra như tiếng sét" trong "Ánh trăng" làm ta ấn tượng về tác phẩm, niềm tin bát ngát mà mỗi nhà văn gửi gắm vì thế sẽ trường tồn. Từ lúc rời khỏi vòng tay của nhà văn để đến với cuộc đời, truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" và bài thơ "Ánh trăng" đã làm tròn sứ mệnh của mình: "Truyền thổi đến con người niềm tin bát ngát về sự sống". Nhà văn, với lương tâm chức nghiệp cao cả của mình, bao đời vẫn ý thức được rằng, dù tìm thấy ở hiện thực những cái thanh cao, đẹp đẽ hay xấu xa, vô tình, chúng phải được gạn lọc qua những suy tư, qua tình yêu thương sâu nặng để rồi rỏ xuống trang văn không gì khác hơn là niềm tin, hi vọng. Nhà văn bòn đãi muối mặn phù sa của đời để rồi đỡ nâng cả một thời đại chênh vênh.. (Thủy Tô)