Nghị luận văn học: Suy nghĩ của anh chị về cái nhìn của người nghệ sĩ trước cuộc đời

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nhungoc03, 10 Tháng tám 2022.

  1. nhungoc03

    Bài viết:
    6
    Đề: "Tác giả không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch, phát hiện ra cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng chửi mắng cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta."

    Từ nhận định trên, anh chị có suy nghĩ gì về cái nhìn của người nghệ sĩ trước cuộc đời?

    Bài làm

    "Văn chương có hai loại: Loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chú trọng đến văn chương, loại đáng thờ là loại chú trọng đến con người" - Nguyễn Văn Siêu. Có thể nói, nếu một nhà văn không phản ánh cuộc sống, không phản ánh hiện thực trong văn chương thì chẳng đáng là nhà văn. Hiện thực cuộc sống là mảnh đất của văn chương, nếu nhà văn không bám lên đó để hút mật ngọt thì tác phẩm ấy sẽ sống chứ? Không! Không thể! Chính vì thế mà trong tiểu luận chính trị "Những vấn đề với tình anh em", Heinrich Boll đã nói thế này: "Tác giả không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch, phát hiện ra cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng chửi mắng cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta". Và từ đó, bạn nghĩ thế nào về cái nhìn của người nghệ sĩ trước cuộc đời?

    "Ngọn hải đăng tỏa ánh sáng" là gì? Có lẽ đó là một ngọn tháp cao phát ra thứ ánh sáng huy hoàng từ nơi đảo, để những ngư dân sau những hồi lênh đênh trên sóng biển có thể tìm thấy đường về. Nhưng có lẽ, "ngọn hải đăng tỏa ánh sáng" mà Heinrich Boll nói lại mang một hàm nghĩa khác khi thậm chí, ông lại nhắc đến "tác giả". "Tác giả không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch" vì nơi đó, chẳng có tí gì gọi là "hiện thực". Cuộc sống đó chỉ tẻ nhạt, đơn điệu, mỗi người một việc, chẳng cần đối hoài đến ai. Khi ấy, làm sao để một tác giả có thể tồn tại? Và dĩ nhiên "tác giả tôi chỉ sống trên đất đã làm nên anh ta". Cái đất của hiện thực tàn khốc, của sự lầm than, của những điều dối trá, bất nhân mà con người ta đối xử với nhau. Và anh ta sẽ "đau nỗi đau của đất", nỗi đau của những kiếp người, những số phận bi ai sẽ "làm nên anh ta", làm nên một tác giả chân chính. Một tác giả sống giữa hiện thực cuộc sống và phản ánh hiện thực, tố cáo xã hội tàn nhẫn chà đạp lên mạng sống của con người. Có thể nói câu nói trên của Heinrich không chỉ là lời nói, đó là sự khẩn cầu: Một tác giả chân chính nên sống ở giữa cuộc đời và vì cuộc đời!

    Bạn cho rằng văn chương là thứ điêu ngoa, ba hoa, phóng đại? Bạn cho rằng người làm văn chỉ biết tu đúc con chữ, sáng tạo nên câu chuyện? Đúng, nhưng đó chỉ là một phần. "Nhà văn mà không quan sát là hết đời" - Hemingway. Quả thật như thế, cái bạn nói đến là kĩ xảo trong văn chương, là khả năng lột tả câu chuyện của tác giả, nhưng để có được những thứ ấy, tác giả phải vay mượn từ cuộc đời. Cuộc đời này là mảnh đất cắm xào cho những tâm hồn nghệ sĩ, họ yêu cuộc sống này, yêu con người ở trong cuộc sống này, vì thế nên khi họ bị áp bức, bốc lột, chính họ sẽ là người lên tiếng phản đối điều đó. Họ phản đối như thế nào? Phản đổi bằng văn chương! Họ không phải người chiến sĩ vác gươm, xách giáo ra chiến trường, họ là người chiến sĩ cầm bút lên để phản ánh hiện thực trên trang giấy. Đối với người nghệ sĩ, bút là vũ khí tối cao, giấy là chiến trường. Khi những nét mực ấy dần dần lắp đầy một trang giấy, đó là lúc người sáng tạo văn chương "giết" cái xấu xa, tàn ác, Không ác liệt, không "đổ máu" nhưng sẽ khiến không ít người "đổ lệ". Lợi dụng điều đó, nhà văn sẽ mang đến cho người đọc một ánh nhìn thực thụ về hiện thực cuộc sống.

    Nhưng nếu nhà văn không phản ánh hiện thực thì thế nào? Thì hết đời thôi! Đó chẳng phải là nghệ thuật. Chẳng ai lại cần đến một nhà văn chỉ "sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch", thế thì họ sẽ viết những gì vào tác phẩm của mình? Chẳng có gì cả! Nam Cao đã nói thế này: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Sẽ ra sao nếu một người nghệ sĩ "không có mắt" quan sát cuộc sống? Sẽ ra sao nếu người nghệ sĩ chỉ tập trung vào rèn chữ, đúc câu? Khi ấy, giá trị văn chương của một tác phẩm sẽ không thể tồn tại. Chẳng lẽ, họ chỉ đóng cánh cửa tầm mắt và khép mình sáng tạo ra những điều phi hiện thực? Chà! Sáng tạo đó nhưng không có ý nghĩa. Không những nhà văn hiện thực không chấp nhận điều đó mà cả Chế Lan Viên cũng thấm thía:

    "Tôi đóng cửa phòng văn hì hục viết

    Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày."

    Văn chương phải xuất phát từ cuộc đời, người nghệ sĩ phải vì cuộc đời mà được sinh ra. Người nghệ sĩ sẽ mang đến cho độc giả những ánh nhìn, tầm quan sát về cuộc sống mà ngay cả khi người đọc chẳng hề tồn tại ở nơi đó. Đó là thiên chức của nhà văn. Họ phải khiến của độc giả của mình hiểu và thấu nỗi đau thân phận, nỗi đau số phận, nỗi đau sinh mệnh và cả nỗi đau của mảnh đất làm nên tác giả. Đó mới thực sự là một nhà văn chân chính, một "người thư kí trung thành của thời đại" - Banzac.

    Tôi đến từ kỉ nguyên văn minh, từ thời đại của robot nhưng khi đọc tác phẩm "Chí Phèo", Nam Cao vẫn khiến cho tôi phải đau đớn, chua xót. Vì sao lại có một kẻ bị tạo hóa chà đạp lên sinh mệnh như vậy? Một Chí Phèo vô danh, chả ai biết cha mẹ của hắn ở đâu, chả ai biết được làm cách nào mà hắn có mặt trên đời. Tôi nghĩ chỉ có Ngộ Không được sinh ra từ cục đá lớn, nhưng hôm nay tôi lại được chứng kiến một Chí Phèo sinh ra từ cái lò gạch cũ. Chà! Một con số 0 tròn trĩnh cho đến ngày hắn đôi mươi. Nam Cao lạnh lùng thật, không cho hắn cha mẹ chỉ cho hắn sinh ra ở cái lò gạch cũ, thì lấy đâu ra cho hắn một người thân, thì lấy đâu ra cho hắn một mảnh đất cắm xào? Đến khi lớn lên, Nam Cao lại vẽ ra trước mắt tôi một xã hội tàn khốc. Ở nơi đó, địa chủ cường hào có thể nắm quyền quyết định của đời của một con người, cuộc đời của một nông dân - Chí. Hắn không cướp bóc, cũng chẳng dọa nạt nhưng hắn phải đi tù chỉ vì "cơn ghen vô cớ" của tên Bá Kiến - tên xấu xa đại diện cho tầng lớp phong kiến thời bấy giờ. Và rồi, hắn lại phải chịu cảnh ngộ số phận ác liệt, "sự tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính" là kết quả mà tạo hóa đã gây nên cho hắn. Nhưng may thay, bằng những tình cảm, cốt cách của một nhà văn chính hiệu, Nam Cao vẫn cho hắn sự lương thiện cuối cùng khi gặp Thị - người đàn bà mà có lẽ sinh ra chỉ để làm "người đàn bà" của Chí Phèo, "trời sinh một cặp"! Nhưng thì sao chứ? Chí lúc này đã đứng trên cái dốc bên kia của cuộc đời, có lẽ hắn đã mất tất cả, những gì còn sót lại chỉ là chút lương tri mà Thị Nở đã đánh thức cho hắn. Sự đau đớn tột cùng còn liên tục dâng trào khi Chí phải thốt lên: "Ai cho tao lương thiện? Tao muốn làm người lương thiện." Sự đau đớn quằn quại của hắn, sự quẫy đạp của hắn, và cả sự thức tỉnh của hắn đã tạo nên một Chí Phèo ngất ngưỡng bước ra từ hiện thực cuộc sống, ngật ngưỡng bước tạo nên một trang sách, một cuộc đời mà chẳng đáng làm cuộc đời của một con người. Tác phẩm ấy như lời tha thiết, là tiếng chuông ngân lên: Hãy cứu lấy con người mà Nam Cao đã dốc lòng gửi gắm, dốc tâm tạo ra một xã hội tàn khóc thu nhỏ trong chính "Chí Phèo".

    Cùng viết về con người, đọc "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, ta còn thấy cả sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần của một cô gái - chị Dậu. Nhưng chị lại có phần may mắn hơn Chí, chị còn có một căn nhà và cả một gia đình. Nếu Chí Phèo bị tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính, là sự quẫy đạp đòi quyền làm người. Thì chị Dậu là sự quẫy đạp đòi quyền được sống. Chính cái thuế dơ bẩn, chính cái sưu vô lí đã bóp "chết" cuộc sống của chị. Buộc chị phải bán lấy đứa con của mình để đổi lấy tiền. Ngoài sự quẫy đạp đòi quyền được sống, còn là sự đau đớn đồi lấy quyền làm mẹ. Đọc tiếp "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam. Cuộc sống nơi phố huyện lại chẳng còn những tên ác bá bốc lột, chà đạp lên cuộc sống của người khác. Mà đó là khao khát được sống, được tồn tại của những đứa trẻ. "Trẻ em như búp trên cành". Nhưng trẻ em trong truyện của Thạch Lam lại chẳng thể nào trải qua được những thứ mà những đứa trẻ khác nên có. Thứ tồn tại trong tâm trí chúng chỉ là những đêm thao thức chờ đoàn tàu, những ngày tháng không rời gánh hàng để đổi lấy cái ăn cái mặc. Có lẽ, chúng đang ấm thầm tiến đến cái "chết", cái chết tinh thân, chết trong tâm trí, cuộc sống tẻ nhạt cứ liên tục trôi qua. Đọc "Một bữa no" của Nam Cao, sự chua xót dâng đến độ đỉnh điểm khi con người ta không chết vì đói, không chết vì cuộc sống bị chà đạp mà lại chết vì no. Đã có ai phải chết vì no chứ? Nhưng bà của cái Tí thì có! Bà chết khi mất danh dự, khi cố gắng đổi lấy một bữa đầy bụng sau những ngày chịu đói, nhưng có lẽ, bà đã phải đổi cả tính mạng của mình chỉ vì một bữa no. Đó là điều mà một tác giả chân chính mang lại cho người đọc. Những cảm xúc đau xót, chua cay sẽ chẳng thể nào có nếu người tác giả ấy không dùng chính hiện thực ở mảnh đất nơi mình đang sống mà tạo ra. Một sự thật sẽ đánh thức lương tri con người chứ không phải "một kĩ xảo".

    Từ Nam Cao, Ngô Tất Tố đến Thạch Lam, đã có ai "sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch chưa"? Chưa! Họ đều sống ở nơi mà con người ta chẳng được xem là con người nữa. Họ "đau nỗi đau của đất", họ "sống trên cái đất đã làm ra họ". Và họ phản ánh hiện thực bằng chính cuộc đời thực của mình. Không một tác giả nào lại có đủ khả năng tạo nên hiện thực từ chính cái mình không biết. Không một tác giả nào lại tạo nên "sự dối trá" văn chương cho người đọc. Những người "sống trên ngọn hải đăng trong sạch, phát hiện ra những cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lại lên tiếng chửi mắng cái dơ bẩn ấy", đó là sự cẩu thả trong văn chương!

    "Sự cẩu thả trong bất kì nghề nào đã là sự bất lương, nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện" (Trích lời nhân vật Hộ trong "Đời thừa" - Nam Cao). "Một nhà văn chân chính là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ". Những tác phẩm chân chính sẽ mãi là những tác phẩm xuất phát từ những kiếp lầm than. Muốn như thế, người nghệ sĩ phải mở lòng mình ra để quan sát, để cảm nhận cuộc đời.
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...