Nghị luận văn học: Hình tượng dòng sông truyền thống trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi cátcánh2209, 19 Tháng ba 2022.

  1. cátcánh2209

    Bài viết:
    12
    đề bài: Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, nhân vật chú Năm có nói: "Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó."

    Hãy chứng minh trong thiên truyện này, có một dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy từ nhân vật chú Năm đến chị em Chiến – Việt.


    Bài làm

    Người phụ nữ bước chầm chậm dọc theo con đường trong lòng thành phố mang tên Bác. Trên tay bà là bó hoa huệ đỏ. Bà không biết vị trí nào người con trai yêu quý của bà đã ngã xuống. Mùa xuân năm ấy, anh bị bao vây trong lòng thành phố, hi sinh trên mảnh đất miền Nam luôn thường trực trong trái tim anh. Không ai biết thi hài nhà văn Nguyễn Thi ở đâu. Anh chỉ để lại những áng văn thơ của một thời son trẻ. Một trong số đó là tác phẩm "Những đứa con trong gia đình". Hình ảnh dòng sông truyền thống chảy trong tim của chú Năm, Chiến, Việt, chảy trong tim của đồng bào miền Nam ruột thịt, cũng đỏ thắm như máu của anh, đỏ thắm như màu hoa huệ.

    "Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó."

    Nguyễn Thi là cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Được biết đến là cây bút phân tích tâm lí sắc sảo, văn của anh vừa giàu chất hiện thực, lại đằm thắm chất trữ tình mộc mạc, giản dị như tính cách của người dân Nam bộ. Đề tài "Yêu nước" vốn quen thuộc với nền văn học Việt Nam, đặc biệt là trong hoàn cảnh dân tộc ta phải trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt chông Pháp và Mĩ. Khác với thế hệ các nhà văn "tài hoa ra trận" cùng thời với Nguyễn Thi, thường đề cập đến những khía cạnh trong đời sống sinh hoạt và chiến đấu của người lính trên chiến trường. Tiêu biểu có Nguyễn Minh Châu với "Dấu chân người lính", Trần Đình Vân với "Sống như anh", thì nhà văn trẻ Nguyễn Thi lại lựa chọn hướng đi khác. Anh đề cập đến đời sống tâm tư của người lính, đó không chỉ là chiến đấu để giải phóng cho những kiếp người lầm than của hiện tại mà còn là trách nhiệm của lớp trẻ đối với sự hi sinh của cha anh đi trước. Đọc "Những đứa con trong gia đình", ta sẽ thấy rõ được mối liên kết giữa các thế hệ trong gia đình Chiến, Việt. Đó là "dòng sông truyền thống", là mối căm thù giặc được truyền từ đời này sang đời khác. Đúng như câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trung Trực: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây."

    Chiến, Việt sinh ra trong một gia đình nông dân Nam bộ có truyền thống Cách mạng và mối thù sâu nặng với giặc Mĩ- ngụy: Ông nội và bố đều bị giặc giết hại. Mẹ Việt vừa phải gồng gánh nuôi con vừa phải đương đầu với những hạch sách của giặc, cuối cùng chết vì bom đạn. Là một gia đình có nhiều đau thương mất mát do tội ác của giặc, mỗi thành viên trong gia đình đều ý thức được trách nhiệm của bản thân để duy trì truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước như khúc sông sau nối tiếp dòng chảy trước để cùng nhau hòa vào biển lớn, hòa vào dòng chảy chung của toàn dân tộc. Vẻ đẹp của các thế hệ trong gia đình chính là vẻ đẹp chung của những con người trong thời đại kháng chiến: Tình yêu quê hương, đất nước, ý chí quyết tâm chống giặc kiên cường gan góc và họ cũng là đại diện cho tính cách của người dân Nam bộ thẳng thắn bộc trực, tình nghĩa.

    Nếu ví gia đình Việt là một dòng sông, thì chú Năm là khúc sông thượng nguồn. Là một người nông dân thật thà, chất phác, lại thẳng thắn bộc trực, chú chính là biểu trưng cho những người nông dân Nam bộ bấy giờ. Chú Năm là người thân duy nhất còn lại của chị em Chiến, Việt, cũng là trụ cột chính, là điểm dựa vững chắc cho sự trưởng thành của các cháu. Người trực tiếp chứng kiến cảnh những người thân trong gia đình lần lượt hi sinh: Từ bố, em trai, em dâu, và cả vợ, hơn ai hết, chú ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc gánh vác việc nhà, truyền lại truyền thống quý báu của gia đình, của dân tộc cho thế hệ trẻ sau này. Chú là cầu nối cho thế hệ trước và thế hệ sau bằng lòng yêu nước và mối thù giặc Mĩ sâu nặng, cũng là người cặm cụi ghi chép những chiến công đáng tự hào của gia đình mình. Đến khi hai đứa cháu nhập ngũ, chú đã tận tay giao lại cuốn gia phả với lời giặn: "Đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu." Câu nói như lời dặn dò, gửi gắm của chú với hai đứa cháu nhỏ, thể hiện niềm tin tuyệt đối của thế hệ đi trước với thế hệ con cháu về sau. Rằng chúng sẽ còn tiến nhanh, tiến xa hơn nữa để dành lại mảnh đất mà ông cha chúng đã đánh đổi, hi sinh bằng máu thịt. Câu hò cuối đoạn trích của chú cất lên như một tiếng trống thúc giục: "Không phải giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông, rồi dội lại trên cái ghe chèo mướn của chú. Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội." Nếu nói lòng yêu nước của Việt và Chiến được thừa hưởng từ gia đình thì chú Năm là người trực tiếp tác động lên suy nghĩ đó.

    Khúc sông thượng nguồn đã chảy mạnh mẽ tiếp nước cho khúc hạ lưu. Khúc hạ lưu là Chiến và Việt lại càng mãnh liệt, chảy mạnh hơn, đi xa hơn hòa vào biển lớn. Khác với thế hệ trước, Chiến và Việt có cơ hội ra chiến trường, trực tiếp cầm súng trả nợ nước thù nhà. Cả hai chị em đều mang trong mình mối thù giặc Mĩ, cùng với ý chí kiên cường dũng cảm được thừa hưởng từ truyền thống gia đình. Bên cạnh đó là vẻ đẹp riêng của thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ.

    Nhân vật chị Chiến được miêu tả có ngoại hình giống má như tạc: "Hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, cả thân hình to và chắc nịch". Ngay tính cách chị cũng tạc từ má: Từ việc sắp xếp lo toan công việc nhà chu toàn, đến cả lời dặn dò Việt. Khiến cho Việt bất giác thốt lên: "Bộ hồi đó má dặn chị vậy hả?" Điều đó thể hiện được nét trưởng thành của Chiến so với cậu em trai trạc tuổi. Việc nhà Chiến chu đáo đến mức chú Năm còn phải tự hào nhận xét: "Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế đặng bề nước non. Con nít chúng bây kì đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước." Bên cạnh ngoại hình và tính cách được thừa hưởng từ má, Chiến còn có vẻ đẹp trong sáng của người thiếu nữ, cùng với đó là khao khát cầm súng trả thù. Hành động tranh giành với em để đi chiến đấu, một mặt thể hiện ý chí căm thù giặc muốn chiến đấu để chiến thắng, mặt khác còn thể hiện lòng thương yêu cậu em nhỏ dại, muốn giành hết nguy hiểm về phần mình: "Đến tết này nó mới được mười tám anh à! Em nói để em đi trước, nó ở nhà thủng thẳng để chú Năm em thu xếp rồi hẵng đi, mà nó không chịu." Chiến là biểu trưng cho thế hệ nữ thanh niên trong thời kỳ kháng chiến: "Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!".

    Còn Việt, một cậu con trai mới lớn, tộc ngộc, vô tư, nhưng cũng giàu tình cảm giành cho gia đình. Nét tính cách hồn nhiên, có phần trẻ con của Việt được thể hiện ngay từ đầu đoạn trích. Cậu không sợ chết, không sợ địch, chỉ sợ ma: "Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao tròn lấy Việt, kéo theo cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông, cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc." Rồi cả lúc tranh đi bộ đội với chị Chiến, tranh không được thì cãi cùn: "Bộ mình chị biết đi trả thù à?" Trong hành trang của người lính trẻ lúc nào cũng có cây súng ná thun, món đồ chơi thân thuộc hồi nhỏ. Tuy tộc ngộc, vô tư là thế, nhưng Việt cũng rất thương chị, chưa bao giờ kể về chị Chiến trước mặt đồng đội, giấu chị như giấu của, sợ mất chị. Đến cái đêm hai chị em khiêng bàn thờ má qua nhà chú Năm: "Nghe tiếng chân bịch bịch của chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế." Ở Việt còn là tình yêu thương người má đã khuất. Cậu lúc nào cũng nghĩ về má. Cái đêm trước ngày ra trận, Việt còn nghĩ: "Hình như má cũng đã về đâu đây. Má biến theo đom đóm trên nóc nhà hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà cầm nón quạt." Đến lúc trọng thương, cả người không còn sức lực, cậu lại ước: "Ước gì bây giờ được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt ăn..". Chính tình cảm yêu thương dành cho gia đình, đã nhen nhóm lên ngọn lửa căm thù giặc Mĩ, quyết tâm trả thù. Từ ngày má mất, ý nghĩ đi bộ đội đã thôi thúc Việt như thế. Để sau này, Việt trở thành một chiến sĩ gan góc, dũng cảm, can trường: Dùng thủ pháo hạ một xe bọc thép cùng 6 tên lính Mĩ. Bị thương cũng kiên cường bám trụ: "Một ngón tay Việt vẫn đang đặt ở cò súng, đạn đã lên nòng." Ý chí đó còn được thể hiện qua tinh thần lạc quan quả cảm, không sợ địch: "Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này còn có một mình tao, nếu mày bắn tao thì tao cũng bắn được mày.. Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao mày chỉ là thằng chạy." Rõ ràng, Việt đã tiến xa hơn trong "dòng sông" truyền thống của gia đình.

    Qua hình tượng "dòng sông" tác giả đã thể hiện được mối liên kết giữa truyền thống yêu nước của các thế hệ trong gia đình Việt, Chiến nói riêng và các gia đình Việt Nam thời kì kháng chiến nói chung. Qua đó nói lên sự gắn bó chặt chẽ giữa tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước. Để tạo được sợi dây kết nối đó, mỗi "Khúc sông" phải tiếp nối được dòng chảy của thế hệ trước. Những thành viên trong đó phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của gia đình. Để "dòng sông" truyền thống hòa vào biển cả, hòa vào truyền thống yêu nước của toàn dân tộc. Điều đó còn thể hiện được tài năng của Nguyễn Thi, cũng như tấm lòng của nhà văn đối với người dân Nam bộ, với quê hương đất nước.

    Sự ra đi của Nguyễn Thi không phải là đặt dấu chấm hết cho cuộc đời người nghệ sĩ. Anh hi sinh để mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, cho nền văn học của thời đại. Con đường mang tên anh vẫn mãi nằm trong lòng thành phố, nằm trong lòng mảnh đất Nam bộ mà anh hằng yêu dấu và cả trong lòng những người vẫn luôn quý mến tài năng văn chương, cuộc đời của anh. Một tài năng mãi ra đi khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.


     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...