Giá trị nhân đạo trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài. Tô Hoài là nhà văn lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Tác phẩm của ông thiên về diễn tả sự thật đời thường với những nét lạ trong phong tục tập quán ở những vùng khác nhau của đất nước. Truyện "Vợ chồng A Phủ" được hoàn thành 1953, truyện kể về cuộc đời và số phận của đôi thanh niên nam nữ người Mèo: Mị và A Phủ. Và một trong những giá trị làm nên thành công của tác phẩm là giá trị nhân đạo. Một tác phẩm được xem là mang đậm giá trị nhân đạo khi nó bày tỏ được lòng cảm thương sâu sắc với những số phận bất hạnh, lên án tố cáo thế lực phản diện chà đạp quyền sống của con người, đồng thời phát hiện, trân trọng những giá trị cao quý của con người từ đó tìm ra hướng đi cho nhân vật chính diện. Ở "Vợ Chồng A Phủ" nhà văn đã bày tỏ sự cảm thông số phận của những con người bất hạnh, ông am hiểu từ đời sống vật chất đến đời sống tâm lí của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc. Mị là cô gái H'Mông trẻ đẹp yêu đời, có tài thổi lá hay như thổi sáo, "có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Mị còn là người có khát vọng tự do, yêu lao động: "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố, bố đừng bán con cho nhà giàu". Một cô gái như Mị hoàn toàn xứng đáng được hưởng hạnh phúc lứa đôi, Mị biết yêu và cũng được yêu.. Nhưng đóa hoa ban của núi rừng ấy lại bị chế độ phong kiến kìm hảm, vùi dập. Vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, bị đối xử tồi tệ, mất ý thức về cuộc sống. Linh hồn Mị bị ràng buộc bởi những tập tục mê tính của miền núi, Mị bị trói buộc bởi hai thứ dây trói: Dây trói một con nợ và dây trói một con dâu. "Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc" Mị nhận ra nỗi thống khổ khi phải sống với người mình không yêu, Mị trốn về nhà, lạy cha để ăn lá ngón tự tử. Nhưng nếu Mị chết rồi, nợ cha vẫn còn đó, quan lại bắt trả nợ. Thương cha, Mị ném nắm lá ngón xuống đất như ném đi khát vọng, tuổi xuân và cuộc đời mình. "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi, bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa.." Căn buồng của Mị "kín mít, có một chiếc của sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng.." Mị ngỡ cuộc đời mình cứ chết dần, chết mòn trong cái ngục thất giam cầm một tù nhân ấy. Thật đáng thương thay, cô gái trẻ trung yêu đời ấy lại bị khiến cho bần cùng, Mị không nghĩ đến việc ăn lá ngón nữa vì tâm hồn Mị đã chết tự bao giờ bởi sự vùi dập của cường quyền và thần quyền. Đó là A Phủ, chàng thanh niên mồ côi nhưng siêng năng, chăm chỉ, có nhiều cô gái mê nhưng vì nghèo, A Phủ không lấy nỗi vợ. A Phủ còn là chàng trai yêu lao động chân chính "Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu". Ngày tết A Phủ cũng đi chơi: "A Phủ chỉ có độc một chiếc vòng vía lằn trên cổ, A Phủ cũng cứ cùng trai làng đem sáo, khèn, đem con quay và quả pao, quả yến đi tìm người yêu ở các làng trong vùng.." cho thấy A Phủ cũng có khát khao hạnh phúc gia đình. Nhưng cũng giống như Mị, khao khác ấy nhanh chóng bị vùi dập bởi những thế lực phong kiến tàn ác. Qua số phận đầy nghiệt ngã của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã bộc lộ niềm cảm thương, chia sẻ nỗi đau của người nông dân miền núi. Nhà văn đã vạch rõ nguyên nhân của những đau thương, mất mát ấy là từ bọn thực dân, chúa đất tàn ác, bốc lột tuổi trẻ và sức lao động của con người. Đó là khi chúng lợi dụng tập tục cướp vợ của người Mèo, ép Mị về làm dâu gạt nợ một cách tức tưởi. Chúng lợi dụng thần quyền để trói buộc linh hồn Mị: "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi, thì chỉ biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi.." Tâm trí Mị lúc nào cũng bị ám ảnh rằng con ma nhà thống lí đã nhận mặt Mị rồi, Mị đành cam chịu sống kiếp đọa đày nhà thống lí. Không chỉ riêng Mị, A Phủ cũng là nạn nhân của chế độ tàn ác ấy. Hẵn người đọc sẽ không thể nào quên được cái cảnh xử kiện kì hoặt chưa từng có tại nhà thống lí Pá Tra. Đó là cảnh xử kiện diễn ra trong khói thuốc phiện, trong mưa đòn, trong tiếng chửi rủa ồn ào. Khi mà người thưa kiện cũng chính là kẻ cầm cân mài mực. A Phủ phải quỳ giữa nhà, chịu những trần đòn mà không được trình bày, thanh minh: "Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút" A Phủ phải nộp phạt một trăm đồng bạc trắng một cách vô lí và bị biến thành con nợ nhà thống lí. Qua cảnh xử kiện phi lí ấy, Tô Hoài đã lên án một cách gay gắt thế lực cường quyền, bạo ngược miền núi chà đạp quyền sống của con người, chà đạp ước mơ chân chính và khát vọng hạnh phúc nhỏ bé của người lao động nghèo. Những tưởng sức sống và khát vọng ấy sẽ mãi bị vùi dập bởi thế lực phong kiến bạo ngược. Nhưng không! Sức sống mãnh liệt là nguồn sức mạnh tinh thần, khát vọng sống mãnh liệt và những ước mơ về một cuộc đời tự do luôn tiềm ẩn trong tâm hồn con người. Nguồn sức mạnh ấy như một hòn than hồng bị phủ đầy tro tàn, khi có cơ hội thì bùng lên mạnh mẽ.. Và mãi cho đến khi đêm tình mùa xuân đến, Mị lắng nghe tiếng sáo gọi người yêu tha thiết bồi hồi, Mị nhẫm theo lời bài hát của người đang thổi: "Mày có con trai con gái rồi Mày đi làm nương Ta không có con trai con gái Ta đi tìm người yêu" Mị đang sống lại với quá khứ, Mị khao khát được đi chơi. Mị lấy hũ rượu, "cứ uống ực từng bát". Mị uống rượu để say, để sống lại với quá khứ nhưng rượu vào, càng say Mị lại càng tỉnh: "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" – (Hồ Xuân Hương) Rượu không làm Mị say được mà ngược lại nó càng khiến Mị nhớ về quá khứ và chợt nhận ra thực tại ê chề. Mị nghĩ đến cái chết cũng là lúc Mị tha thiết sống, khát khao hạnh phúc: "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra.." Mị nhận ra "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ", kí ức tuổi thanh xuân hiện về. Mị nổi loạn! Mị phản kháng! Mị mặc áo mới, chuẩn bị đi chơi. Nhưng ngọn lửa khát khao ấy chưa kịp bùng phát đã bị A Sử vùi dập, hắn trói đứng Mị cả đêm. "Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cuối, không nghiêng được nữa.." Mị đứng lặng trong bóng tối, Mị không hay mình bị trói, tâm hồn Mị đang dõi theo những cuộc chơi, những đám chơi, A Sử trói buộc được được thể xác Mị nhưng không trói được tâm hồn, sức sống nơi Mị. Mị thả hồn theo tiếng sáo: "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào..", nó thôi thúc "Mị vùng bước đi" nhưng tay chân đau nhứt, Mị không nghe tiếng sáo nữa mà trở về với thực tại đau đớn, ê chề: "Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.." Mị lúc mê, lúc tỉnh.. Mị chợt nhớ đến người đàn bà từng bị trói đứng đến chết trong cái nhà này, "Mị sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết". Mị sợ chết tức là Mị vẫn khát khao sống, khát khao hạnh phúc, tự do. Chính khung cảnh mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn yêu ở đầu làng đã trở thành những động lực làm sống dậy sức sống tiền ẩn trong tâm hồn Mị. Dù sớm bị dập tắt nhưng nó là một con sóng ngầm báo hiệu cho sự thay đổi lớn sau này. Đó là vào một năm sau đó, khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay.. ngọn lửa ấy sưởi ấm Mị vào những đêm mùa đông trên núi cao và dài, nếu không có nó, Mị sợ mình sẽ chết dần, chết mòn ở cái "địa ngục" vô tình này mất. Mị thản nhiên như thế bởi cảnh trói người, đánh người thường xuyên diễn ra trong nhà thống lí. Hơn nữa, nỗi đau của Mị quá lớn, Mị không còn để tâm đến những chuyện xung quanh.. Nhưng khi nhìn thấy "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại trên mặt A Phủ.." Mị xúc động, nhớ lại tình cảnh của mình. Thương người cùng cảnh ngộ và nhận ra tội ác của bọn thống trị: "Chúng nó thật độc ác.." Tình thương, sự đồng cảm và niềm khao khát tự do mãnh liệt thoi thúc Mị có hành động phản kháng, Mị cắt dây cởi trói khỏi Hồng Ngài. Hành động phản kháng của Mị vừa táo bạo, vừa quyết liệt. Đó là hành động tự vùng lên để cứu lấy cuộc đời mình với niềm khao khác sống, khao khát tự do mãnh liệt. Sức sống tiềm tàng của Mị thể hiện sự trân trọng những phẩm chất cao đẹp của con người, nó vẫn tồn tại dù các thế lực phong kiến miền núi thẳng tay đàn áp, vùi dập. Truyện được kết thúc theo lối mở, Mị và A Phủ trốn thoát khỏi Hồng Ngài nên vợ nên chồng, gặp cán bộ A Châu và được soi đường bởi lí tưởng Cách mạng. Cho thấy Tô Hoài đã cảm thông và tìm ra một hướng đi, một con đường mới cho nhân vật của mình. Đây là nét mới mẻ góp phần làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm. Tô Hoài đã thành công trong nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật từ ngoại hình đến nội tâm. Ngôn ngữ và lời văn giàu tính tạo hình và gợi cảm thể hiện tài năng của Tôi Hoài trong việc trần thuật, xây dựng đối thoại và miêu tả nội tâm nhân vật. "Vợ chồng A Phủ" là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hảm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. Qua đó bày tỏ lòng cảm thương sâu sắc cho số phận của những con người bất hạnh, phê phán sâu sắc bọn chúa đất miền núi, những thế lực chà đạp con người. Nhà văn phát hiện, trân trọng những phẩm chất cao đẹp của con người cùng với kết thúc theo lối mở. Với giá trị nhân đạo được kết tinh từ tác phẩm, "Vợ chồng A Phủ" sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc. Người viết: Vũ Quỳnh