Nghị luận văn học: Dẫn chứng cho đề về chức năng văn học

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi minhhannguyen, 27 Tháng chín 2022.

  1. minhhannguyen

    Bài viết:
    9
    Dẫn chứng cho đề về chức năng văn học

    [​IMG]

    Đề 1: Sách rất im lặng. Trước khi được mở ra nó vẫn luôn ở trạng thái chết. Thế nhưng, kể từ giây phút được lật mở, những câu chuyện cứ thế tuôn trào. Từng chút, từng chút một vừa đủ với mong muốn của tôi (Sohn Won Pyung)

    Bằng những trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy viết dẫn chứng cho bài văn với chủ đề "Những mong muốn của tôi từ sách"

    Bài làm

    "Những câu chuyện cứ thế tuôn trào. Từng chút, từng chút một vừa đủ với mong muốn của tôi" đã được tôi trải nghiệm qua tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Những trang sách dẫn dắt người đọc đến với một cốt truyện bất ngờ và hiện đại hơn, khác hẳn với cốt truyện dân gian. Lưu Quang Vũ đã đổ rượu mới vào bình cũ, khiến người đọc chếch choáng và say đắm trong cái nồng đượm hơi thở của đời sống; ta càng uống, lại càng tỉnh, càng trăn trở và suy tư về cuộc đời. Tôi đồng cảm với bi kịch "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo" của Trương Ba, ông được sống nhưng không được là chính mình. Tôi đau xót biết bao khi thấy Trương Ba bị người thân từ chối và dần dần bị đẩy vào cảnh ngộ cô đơn, tuyệt vọng khi sự tha hóa của mình (trong xác hàng thịt) đã gây đau khổ, dằn vặt cho chính ông và người thân. Đến lúc bi kịch đã đến hồi quyết liệt "tồn tại hay không tồn tại", ta nhận ra cách giải quyết đầy nhân văn, cao thượng của một người đầy lòng tự trọng, muốn được là "tôi toàn vẹn". Nơi những trang kịch viết về xã hội đương đại ấy, Lưu Quang Vũ đã gợi trong lòng người đọc về những triết lý nhân sinh và xã hội sâu sắc, những điều đó không hề giáo điều khô cứng mà lại đậm tình cảm trong chất thơ êm đềm "tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm..", tất cả như một cơn gió thoảng qua nhưng cũng đủ lay động tâm hồn độc giả. Đặc biệt, kết thúc hành trình "tôi đi tìm tôi" của Trương Ba là "cái chết đòi quyền được sống", dù rất ngậm ngùi nhưng đó vẫn là khúc vĩ thanh ngân vang trong lòng người đọc về niềm tin vào tương lai, niềm tin vào sự chiến thắng của cái Thiện, cái Đẹp và niềm tin vào giá trị của sự sống đích thực. Tôi nghĩ, độc giả nào cũng mong muốn tìm kiếm những khoảnh khắc trải nghiệm văn học đáng quý như thế từ những tác phẩm văn chương.

    Đề 2: Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng chia sẻ:


    Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối; văn chương cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử văn hóa, ngôn ngữ "

    Viết dẫn chứng cho đề bài trên

    Bài làm

    Thế giới tinh thần con người có lẽ là lãnh địa khó chạm đến nhất, bởi chúng ta không thể nào tiếp cận chỉ bằng những giác quan thông thường. Nhưng tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đã có thể làm được nhiệm vụ khó khăn đó. Tác phẩm đôi lúc nồng nàn như" lửa "; có khi lại lạnh lẽo như" băng "; và thậm chí dịu dàng như" nước ", biến đổi liên tục trong thế giới đa tầng để gắn kết người và người, tất cả được thể hiện thông qua hình tượng người đàn bà hàng chài.

    Chỉ bằng những chân lí giản dị nhưng thấm bao mặn chát của đời thường:" Các chú đâu phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông ". Câu nói ấy như ngọn" lửa "làm tan chảy" bức tường thép ", hiện lên một người đàn bà từng trải, hiểu đời hiểu người và giàu lòng vị tha đằng sau hành động không phản kháng khi bị chồng bạo hành. Khi" bức tường thép "tan chảy, một con đường xuất hiện dẫn lối người đọc đến gần hơn với nhân vật; ta đồng cảm và xót thương cho một kiếp người chứ không còn là sự bất bình phẫn nộ trước hành động cam chịu vô lý của chị. Bên cạnh đó, từ những hiện thực lãnh lẽo như" băng ", tác phẩm đã xây thành cầu nối gắn kết những" ốc-đảo-người "lại với nhau, giúp ta hiểu thêm về nỗi khổ của người đàn ông tàn bạo ấy. Qua những lời bộc bạch tâm sự của người đàn bà, ta nhận ra những nỗi vất vả trên mặt biển đầy sóng gió, cùng gánh nặng mưu sinh đã vượt khỏi giới hạn chịu đựng của con người, khiến một" anh con trai cục tính hiền lành "trở thành lão chồng vũ phu, độc ác. Từ những khối" băng "gắn kết phận người lại với nhau, liệu ta còn cảm thấy căm ghét người đàn ông; hay xót xa khi con người bị biến chất trước nỗi cơ cực của kiếp trời đầy? Hình tượng người đàn bà hàng chài ấy là kết quả của quá trình khám phá khi văn chương len lòi, hòa mình cùng dòng chảy của thời đại để khơi gợi biết bao kiếp người nghèo khổ, lam lũ. Đồng thời, tác phẩm còn vượt qua rào cản hào nhoáng về một cuộc sống bình yên sau chiến tranh, khắc họa chân thực những tàn dư vẫn còn sót lại, cuộc chiến chống giặc đói giặc nghèo vẫn còn đau đáu mãi. Quả thật, sứ mệnh của văn chương trong việc gắn kết con người là không thể khước từ. Nghệ thuật nồng nàn như" lửa "làm tan chảy bức tường thép, tạo cơ hội dẫn lối chúng ta tiếp cận bao kiếp người. Nghệ thuật còn là" băng "để gắn kết" ốc đảo người ", khiến ta đồng cảm với nỗi đau nhân loại và đoàn kết để vượt lên trên nghịch cảnh. Cuối cùng, nghệ thuật còn dịu dàng và êm đềm như" nước", theo dòng chảy để vượt lên giới hạn cuộc sống thường ngày mà hướng đến những cuộc đời, số phận trong góc tối ngoài kia.
     
    Admin, KietTuanDo, Thùy Minh1 người nữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 23 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...