Trong mưa bom lửa đạn, trong chất cay xè của mùi thuốc súng, tình cảm cao đẹp nhất của tình đồng chí đồng đội trào dâng. Những bùi ngùi dấu tận đáy lòng của những người cha lên đường chiến đấu gởi lại quê hương đứa con thân yêu nhất của mình để rồi trong giờ phút hiếm hoi giữa cuộc hành quân nỗi nhớ con không còn dấu được. Tình cảm thiêng liêng ấy càng mãnh liệt hơn trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau năm 1945, tập kết ra Bắc Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn. Những năm chống Mĩ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học. Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng thuộc nhiều thể loại: Truyện ngắn có "Con chim vàng", "Người quê hương", "Chiếc lược ngà", "Người đàn bà đức hạnh", "Vẽ lại bức tranh xưa".. Các tiểu thuyết "Đất lửa", "Mùa gió chướng", "Dòng sông thơ ấu" được nhiều độc giả biết đến và đặc biệt là kịch bản phim nổi tiếng "Một thời để nhớ một thời để yêu". Có lẽ vì sinh ra, lớn lên và hoạt động chủ yếu ở chiến trường miền Nam nên các tác phẩm của ông hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. Tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn trong lòng biết bao người đọc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là truyện ngắn "Chiếc lược ngà". Đoạn trích "Chiếc lược ngà" trong sách văn chín-tập một cho ta hiểu được tình cha con của anh Sáu và bé Thu rất thiêng liêng và đẹp đẽ. Để hiểu rõ hơn về tình cảm cao đẹp đó chúng ta hãy phân tích về nhân vật anh Sáu và bé Thu trong đoạn trích ấy. Ông Sáu là người chiến sĩ xa nhà đi lính từ khi bé Thu - con gái ông vẫn còn rất nhỏ. Tám năm sau, ông Sáu có dịp trở về thăm gia đình, để được gặp lại vợ và con gái. Ngỡ tưởng rằng con gái ông sẽ hạnh phúc, vui mừng khi nhìn thấy ba nhưng không, bé Thu không nhận ra ba vì trông ông Sáu không giống với người ba của bé trong ảnh. Bé hét lên gọi má khi ông Sáu lại gần: "Thu! Con". Trong suốt ba ngày ở bên ba, bé Thu thường nói trống không, lạnh nhạt với ba. Đỉnh điểm, trong bữa ăn, khi ông Sáu gắp cho con cái trứng cá, bé Thu đã hất văng ra, khiến ông Sáu giận dữ và đánh con. Tối hôm đó, bé Thu nghe bà kể về vết sẹo trên gương mặt ba nên bé đã thấy mình cư xử không đúng, bé thương ba. Khi ông Sáu đi, bé Thu đã chạy ra gọi ba, ôm hôn ba khiến cho mọi người đều thấy cảm động. Sau khi chia tay, ông Sáu vẫn luôn nhớ về con gái, ông tỉ mẩn khắc Chiếc lược ngà để tặng cho con gái. Nhưng trong một trận càn của giặc, ông Sáu đã hi sinh. Trước khi chết, ông trao cho anh Ba chiếc lược ngà, chờ anh Ba hứa sẽ trao cho bé Thu rồi mới yên tâm nhắm mắt. Câu chuyện trước hết ca ngợi tình cảm phụ tử thiêng liêng cao đẹp giữa bé Thu và anh Sáu. Tuy họ nhận nhau ở những giờ phút muộn màng nhưng chính khoảnh khắc ấy đã vờ òa và bóp nghẹt bao trái tim bạn đọc. Bên cạnh đó, câu chuyện còn ca ngợi lòng hi sinh, sự kiên nhẫn của người cha dành cho đứa con nhỏ, dù nó có không nhận mình, thậm chí xa lánh mình nhưng vẫn luôn cố gắng để được nhận tình yêu thương từ con gái. Câu chuyện khiến bạn đọc xúc động bởi sự ngây ngô của đứa bé, trong lòng chỉ tôn thờ người ba duy nhất mà mình biết qua tấm ảnh chứ không chịu nhận người khác là ba. Đến khi hiểu ra cơ sự thì ăn năn, tình cảm bao năm dồn ném bùng nổ thành hành động ôm chặt ba, khóc và không cho ba đi lính. Câu chuyện ca ngợi những con người dũng cảm thời chiến, không màng đến những lợi ích nhỏ nhoi mà một lòng lên đường đánh giặc bỏ lại phía sau mẹ già con thơ vì sự nghiệp tổ quốc. Nguyễn Quang Sáng cũng gián tiếp phê phán tội ác của đế quốc đã gây ra chiến tranh khiến con người xa lìa cuộc sống đời thường và chia rẽ tình cảm của họ. Nhiều năm tháng qua đi nhưng câu chuyện vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ban đầu của nó và để lại nhiều ấn tượng, bài học sâu sắc trong lòng bạn đọc.