Pauxtopxki từng cho rằng: "Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm". Một tác phẩm văn chương chân chính sẽ không thể nào thiếu mất những chi tiết nghệ thuật đặc sắc tuy nhỏ mà vô cùng đắt giá. Chúng là phương tiện, là công cụ hỗ trợ đắc lực hay thậm chí là phương tiện, là công cụ chính để nhà văn, nhà thơ dùng để truyền tải thông điệp của mình. Chi tiết nghệ thuật là: "Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng". Chi tiết nhỏ chứa đựng cả một cuộc đời, một kiếp người, một quan niệm nhân sinh, một chuyện thế thái nhân tình bao hàm cả những xúc cảm trong sâu thẳm trái tim. "Sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng" chính là đóa hồng thấm đẫm giọt sương được đúc kết và tinh luyện từ quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ: Sức lực, tâm quyết, tình yêu, kinh nghiệm. "Cảm xúc" và "tư tưởng" được bỏ vào khuôn, vào lò được hung đúc, nén lại trở thành hình hài của mọi chi tiết nghệ thuật rồi tồn tại như một thứ linh thiêng, bất hủ, dường như vĩnh hằng. Người nghệ sĩ của văn chương phải truyền tải cho đời một tư tưởng lớn lao qua tác phẩm của mình. Mặt khác chi tiết nghệ thuật ấy còn mang sức khái quát, có khả năng nói nhiều hơn bản thân nó và cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì mỗi chi tiết hay bao giờ cũng gợi ra những ý nghĩa sâu xa, biểu tượng cho một quan niệm nhân sinh, một giá trị của đời sống xã hội, làm nên nét độc đáo và mới mẻ cho nội dung, khiến nó là độc nhất vô nhị. Nhắc đến nhà văn Nam Cao với văn phong đậm chất hiện thực, giàu giá trị nhân đạo, tình yêu thương con người và chi tiết "vàng" ta không thể bỏ qua đó là tác phẩm để đời "Chí Phèo" với đề tài người nông dân xưa. Mang bối cảnh nửa thực dân, nửa phong kiến, phản ánh hiện thực xã hội sâu sắc, sự tha hóa con người- những kẻ dưới đáy của xã hội. Tuy là đứa con "sinh sau đẻ muộn" nhưng không chịu thua kém "anh chị" của mình vươn lên trở thành kiệt tác đỉnh cao của văn học 1930-1945. Trong tác phẩm "Chí Phèo", Nam Cao đã xây dựng thành công chi tiết nghệ thuật độc đáo: Bát cháo hành của Thị Nở. Chi tiết bát cháo hành xuất hiện ở gần cuối truyện Chí Phèo sau khi uống rượu "nhưng hắn không vào cái túp lều úp xúp mà ra thẳng bờ sông". Hắn bắt gặp Thị Nở người đàn bà xấu đến "ma chê quỷ hờn", "người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm" đang ngủ quên ở bờ sông. Sau đêm ăn nằm với thị thì Chí bị ốm và chính Thị Nở đã chạy đi tìm gạo và nấu cháo hành mang sang cho hắn. Bát cháo hành có ý nghĩa to lớn là một bát cháo của tình yêu và tình người trong cuộc đời hắn đến tận bây giờ mới có một người phụ nữ đối xử với hắn như một người đàn ông và cũng là lần đầu tiên có một người làng vũ đại trong xã hội đối xử với hắn như một con người. Bát cháo chỉ đơn giản là vì thị thấy Chí bệnh mà không có người chăm sóc nên đã rất hồn nhiên nấu cháo hành mang sang. Một hành động vụng vặt đã làm Chí thức tỉnh về tâm hồn. Lần đầu tiên hắn lắng nghe được âm thanh cuộc sống: "Hắn sợ rượu cũng như những người ốm sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!", tiếng "anh thuyền chài gỗ mái chèo đuổi cá", tiếng những người đi chợ trò chuyện. Tất cả khiến hắn phải thốt lên một câu: "Chao ôi là buồn!". Hắn nhớ về ngày xưa giấc mơ về "một gia đình nhỏ" "chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng". Và rồi hắn nhận ra trong cuộc sống hiện tại của mình già mà vẫn còn cô độc với tương lai đói rét và ốm đau. Bâng khuâng về quá khứ ấy, "buồn thay cho đời" rồi nỗi buồn chen vào nỗi sợ hãi của một đời người. "Nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng", hắn ngạc nhiên, xúc động "mắt hình như ươn ướt". Hắn "ăn năn" và "hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa". Khi ăn cháo hắn phải thốt lên: "Trời ơi cháo mới thơm làm sao!". Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi bị cháo? Hắn xót xa, cay đắng cho số phận mình, đau khổ vì cuộc đời bất hạnh. Bát cháo hành đã cho Chí hi vọng hoàn lương. Thị Nở có thể làm hòa với hắn thì mọi người cũng có thể làm hòa với hắn. Bên trong hắn trổi dậy niềm khát khao lương thiện, nó bùng lên mạnh mẽ như một ngọn núi lửa phun trào. Thế nhưng bát cháo hành cũng là chi tiết đẩy cuộc đời của Chí đến với đỉnh điểm của bi kịch. Hắn bị Thị Nở từ chối, đau khổ và tìm đến rượu nhưng "càng uống lại càng tỉnh ra" và cứ "thoang thoảng thấy hơi cháo hành", "hắn ôm mặt khóc rưng rức". Đau đớn cùng tuyệt vọng hắn cầm dao đâm chết Bá Kiến rồi tự sát. Tiếng kêu đầy phẫn uất và tuyệt vọng của Chí Phèo vì tiếp tục trở về với kiếp sống lưu manh thì hắn không muốn còn làm người lương thiện thì không ai chấp nhận. Hơi cháo hành không cho phép hắn làm một con quỷ dữ lần nữa. Nó gọi dậy phần người bên trong Chí, nó mở ra cánh cửa dẫn hắn thoát khỏi kiếp đọa đày. Chi tiết này của Nam Cao cho chúng ta thấy một tư tưởng rằng: Một con người dẫu có tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính thì thiện lương vẫn không hề mất đi, nó tiềm tàng ẩn sâu bên trong tâm hồn như ngọn lửa nhỏ âm ỉ cháy trong đống tro và chỉ chực chờ có một cơn gió thổi qua cuốn hết tro đi, nó sẽ lại bùng lên mạnh mẽ. Chỉ cần con người biết thấu hiểu, một lòng tốt giản đơn ta có thể cứu cả một kiếp người. Hiện thực với định kiến tàn nhẫn cướp đi quyền được sống của con người trong xã hội nông thôn xưa. Qua đó nhà văn đánh một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn thể nhân loại về quyền được sống, dấy lên một thứ cảm xúc thiêng liêng giữa người với người. Nếu Nam Cao với cách hành văn mạnh mẽ, cứng rắn thì Thạch Lam lại là một nhà văn với lối kể chuyện nhẹ nhàng, chuyện mà không có cốt truyện. Điều đặc sắc ở các tác phẩm của ông không nằm ở cốt truyện mà nằm ở chi tiết nghệ thuật, "các tiểu tiết" nhỏ nhặt nhưng mang lại giá trị biểu đạt cao. Tác phẩm "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam là truyện ngắn có sự kết hợp giữa chất tự sự và chất trữ tình. Chi tiết nghệ thuật đoàn tàu xuất hiện ở cuối tác phẩm được đánh giá là giàu ý nghĩa, vô cùng sáng tạo và vận dụng hết sức khéo léo. Đoàn tàu từ Hà Nội về với những "toa đèn sáng trưng", "đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng", "ở những toa hạng sang trọng lố nhố những người". Nó đối lập hoàn toàn với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn và tăm tối của cư dân nơi đây. Ấy thế mà con người ta vẫn "mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ". Chị em Liên cũng thế! Chúng chờ tàu từ chiều cho đến đêm khuya. Thằng bé An dẫu "đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị, mí mắt sắp sửa rơi xuống, còn dặn với:" Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé! ". Tuổi nhỏ, tuổi ăn chơi nhưng An lại mượn việc đợi tàu như một trò chơi của tuổi thơ, để vui lây niềm vui của người khác, là niềm vui duy nhất trong ngày. Hình ảnh của chuyến tàu chính là cái tươi đẹp, là một âm thanh của sự sống còn trở về đây. Nếu không có đoàn tàu thì thật sự nơi đây cũng chẳng còn gì cả ngoài sự ảm đạm, quá ảm đạm! Khi tàu đến trong tâm trạng khắc khoải của Liên, tia hồi quang gợi nhớ quá khứ ấm no, sung túc, hạnh phúc và hơi thở của một thế giới sống nhộn nhịp và rực rỡ. Trong ánh mắt của Liên tàu không chỉ để chở khách mà còn là chở những miền ký ức tươi đẹp từ Hà Nội về đây với chị. Đoàn tàu đã hiện lên với" ngọn lửa xanh biếc như trơi ", với" tiếng còi vọng lại theo ngọn gió xa xôi ". Nêu đến đây chở những ký ức trở về, rít mạnh vào tâm hồn và lòng chị. Khi nó đi rồi thì kéo theo ước mơ nhỏ nhoi của Liên mà bay đi, không tiếc nuối, không chừng chừ. Tiếng vang nhỏ dần rồi tắt hẳn trả lại cho phố huyện tiêu điều cái vẻ vốn có của nó. Hình ảnh Đoàn tàu mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, góp phần thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Nó biểu trưng cho quá khứ đã tàn phai, ước mơ được quay trở về quá khứ, sống một cuộc sống tươi đẹp mà đã qua từ lâu lắm. Đoàn tàu khơi dậy khát vọng của những người dân phố huyện về một tương lai xán lạn. Tia hi vọng ấy chợt loé lên rồi vụt tắt, mọi thứ trở nên mơ hồ, gần như bế tắc. Qua đó, ta cảm nhận được lòng trắc ẩn, sự trân trọng trước những giấc mơ nhỏ bé của con người phố huyện nơi tác giả. Chi tiết đoàn tàu nhỏ bé ấy đã trở thành điểm sáng cho tư tưởng của cả tác phẩm. Tiếng nói của ông là sự thức tỉnh những con người đang sống trong cảnh nghèo khó, tù túng một khát vọng sống, khát vọng vươn lên và đổi thay, đem lại cho họ tia ánh nắng của sự sống. Nhà văn Tô Hoài từng nói:" Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều không tốt ". Thật vậy, với sở trường quan sát những nét chung về phong tục văn hóa của những con người Tây Bắc, Tô Hoài đã khắc họa được chi tiết nghệ thuật đặc sắc: Căn buồng của Mị trong tác phẩm" Vợ chồng A Phủ ". " Mỗi ngày, Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Căn buồng Mị nằm kín mít, chỉ có ô vuông bằng bàn tay trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị cứ ngồi đấy mà trông ra ngoài, đến khi nào chết thì thôi ". Chi tiết này miêu tả không gian sống của Mị ở nhà thống lí Pá Tra, vừa là hình ảnh tả thực vừa là hình ảnh tượng trưng. Hình ảnh giàu sức gợi khiến người ta liên tưởng đến một nhà ngục, một thứ ngục thất đang giam hãm cuộc đời Mị. Đó là một không gian nhỏ bé, trơ trọi, đối lập với cái mênh mông rộng lớn của đất trời Tây Bắc. Sau ý định tìm lá ngón tự tử không thành, vì thương cha, Mị chôn vùi tuổi xuân của mình trong căn ngục thất đó. Nó không giam cầm cô về thể xác nhưng lại giam cầm cô về tâm hồn. Chân dung số phận khổ đau của đời Mị được nhà văn khắc họa thật rõ nét: Mị sống câm lặng như đá núi" không nói ", lầm lũi, chậm chạp, trơ lỳ như" con rùa "quẩn quanh nơi xó cửa. Có lúc Mị tưởng mình là" con trâu con ngựa ", không bằng" con trâu con ngựa ". Không những thế Mị mất hết ý niệm về không gian, thời gian:" Trông ra chị thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng ". Một gam màu lạnh lẽo, không có âm thanh, không có có phân biệt đêm ngày. Căn nhục ấy hút cạn thanh xuân, làm héo mòn, vàng úa từng ngày tháng cuộc đời Mị. Căn buồng ấy là biểu tượng cho ngục thất tinh thần, địa ngục trần gian, giam cầm khát vọng sống, khát vọng tự do, vùi dập mọi ý niệm sống. Qua đó, nhà văn tố cáo chế độ cai trị miền núi đã đầy đọa con người, làm tê liệt quyền sống, khao khát hạnh phúc của họ. Đồng thời bày tỏ sự thương cảm cho số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ Tây Bắc khi cách mạng chưa về. Thể hiện một tư tưởng nhân sinh về quyền sống và quyền được khát khao hạnh phúc. Căn buồng của Mị chỉ là một chi tiết cực kì nhỏ bé nhưng lại chất chứa nhiều tư tưởng mà tác giả muốn bày tỏ trước thời đại. Có thể nói không ngoa rằng văn học Việt Nam là một kho tàng khổng lồ, là nơi mà các nhà văn, nhà thơ viết nên những đứa con tinh thần của mình với rất nhiều chi tiết hay, độc đáo và sáng tạo. Nó mang tư tưởng lớn lao, những cảm xúc làm cho người đọc phải vỡ òa trong một" tiểu tiết "bé nhỏ. Không chỉ có vậy các tiểu tiết ấy còn lưu lại trong tâm trí mỗi con người những câu hỏi, những thắc mắc, những vấn đề của nhân loại, những bài học kinh nghiệm được đúc kết ra từ tác phẩm. Quan niệm cho rằng, chi tiết nghệ thuật là:" Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng"là hoàn toàn chính xác và có hàng loạt các minh chứng cụ thể. Từ đó- các tiểu tiết, cho ta những bài học đắt giá về một cuộc đời, một kiếp người, một quan niệm nhân sinh, một chuyện thế thái nhân tình bao hàm cả những xúc cảm trong sâu thẳm trái tim dâng trào và vỡ òa khi chiêm nghiệm ra ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong đó.