Nghị luận bài thơ tỏ lòng văn 10

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi thaohuong, 5 Tháng ba 2021.

  1. thaohuong

    Bài viết:
    49
    Bài thơ: Tỏ lòng

    Nếu ví lịch sử nước ta là một thanh gươm, thì thanh gươm ấy phải tô đậm màu máu. Quả thật, đất nước ta đã trải qua 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước với bao gian truân trắc trở nhưng rất đỗi anh hùng. Tiêu biểu trong số đó không thể không nhắc tới ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông, nhà Trần đã ghi vào lịch sử vàng Đại Việt những chiến công Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng.. bất tử. Hòa chung vào không khí chiến thắng ấy, Phạm Ngũ Lão -một vị tướng tài dưới triều Trần, từng đóng góp rất nhiều công lao trong cả hai cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược, đã sáng tác khúc tráng ca hào hùng mang tên "Tỏ lòng". Khúc tráng ca hào hùng ấy không chỉ nói lên sự uyên thâm trong học vấn mà còn phải được viết ra từ một người con mang nặng nỗi lòng dân tộc, tình yêu nước thương dân và khát vọng được cống hiến với sự nghiệp của đất nước. Qua bài thơ, tác giả đã gửi gắm tâm sự, nỗi niềm của mình – một tâm hồn yêu nước, tinh thần quyết thắng trước mọi thế lực xâm lăng.

    Ở hai câu thơ đầu, Phạm Ngũ Lão đã tái hiện một cách xúc tích và ấn tượng về vẻ đẹp của con người và quân đội thời Trần.

    "Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

    Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"

    Nói về hình ảnh con người thời Trần, tác giả đã gợi mở ra một bối cảnh không gian và thời gian rộng lớn, đồng thời dưới triều Trần, một triều đại có nhiều biến động, liên tục phải đối mặt những đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, càng làm cho vẻ đẹp của con người thêm đặc sắc và rõ nét hơn cả. Người tráng sĩ ấy được đặt trong bối cảnh "giang sơn" rộng lớn, thời gian "kháp kỉ thu" muôn đời. Không gian rộng lớn mang tầm vũ trụ ấy cùng thời gian trải dài như bất tử hóa, thiêng liêng hóa tư thế hào hùng lẫm liệt của người anh hùng. Trên cái nền không gian, thời gian dài rộng ấy lại nổi bật lên hình ảnh con người trong tư thế "hoành sóc", cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ non sông đã qua mấy thu. Hai chữ "hoành sóc" như khắc tạc lên những con người anh dũng lẫm liệt với ngọn giáo ngang trong tay đi khắp giang sơn để bảo vệ đất nước. Họ góp phần tạo nên một đất nước tươi đẹp như xã hội ngày nay. Hình ảnh ngọn giáo trở nên thật đẹp khi được hiện lên trong cái rộng lớn của không gian và chiều dài của thời gian lịch sử. Hình ảnh ấy cũng như thể hiện được vẻ đẹp của chính tác giả trong những trận chiến nảy lửa, cam go vẫn ngang ngọn giáo để bảo vệ đất nước. Tầm vóc của nhân dân cũng trở nên vĩ đại, sánh ngang với trời đất, trong khí thế mạnh mẽ, sẵn sàng tung hoành ngang dọc, diệt quân thù bằng ngọn giáo cầm chắc trong tay.

    Sánh với hình tượng con người, thì hình tượng quân đội thời Trần cũng hiện lên với những hình ảnh ẩn dụ, so sánh đẹp và đầy hào khí trong câu thơ thứ hai. Tác giả đã sử dụng từ "tam quân" tức là ba quân, là đặc trưng của các tổ chức quân đội thời xưa, của các nước phương Đông bao gồm tiền quân, trung quân và hậu quân. Mà ẩn chứa sau đó là tác giả muốn nói về sức mạnh về sự đồng lòng của toàn quân, toàn dân tộc trong công cuộc kháng chiến. Đặc biệt hơn, để diễn tả được sức mạnh và hào khí của quân đội trong thời đại này, tác giả đã sử dụng phép so sánh "Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu". Phép so sánh này đã gợi ra cho người đọc hai cách hiểu chính, thứ nhất có thể diễn giải đơn giản theo ý trên mặt chữ rằng ba quân mạnh như hổ, như báo có thể nuốt trôi cả một con trâu lớn. Một cách hiểu thứ hai có phần văn vẻ và suy diễn nhiều hơn ấy là sức mạnh của ba quân như hổ báo, thậm chí át cả sao Ngưu đang ngự trên trời. Cách hiểu thứ hai vừa mang giá trị hiện thực vừa mang một chút cảm hứng lãng mạn hiếm có trong thi ca trung đại, gợi tạo cảm hứng sử thi anh hùng ca mạnh mẽ. Câu thơ có sự kết hợp giữa những hình ảnh khách quan và những cảm nhận chủ quan của Phạm Ngũ Lão, góp phần miêu tả vẻ đẹp và hào khí dũng mãnh của quân đội nhà Trần. Kết hợp cả hai câu thơ đầu, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hùng dũng của người tráng sĩ cũng tầm vóc mạnh mẽ của quân đội thời đại Đông A, qua đó gián tiếp thấy được niềm tự hào của tác giả.

    Là một thành viên ưu tú của quân đội hào hùng ấy, Phạm Ngũ Lão ý thức rất rõ về trách nhiệm của bản thân, bởi vậy ông đã bày tỏ nỗi lòng mình:

    "Nam nhi vị liễu công danh trái

    Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu"

    Với người quân tử trong xã hội phong kiến, đã sống trên đời phải được ghi công với núi sông, chí làm trai phải là phẩm chất không thể thiếu. Đó là tuyên ngôn chung, xu hướng chung, quan niệm chung của tất cả các bậc nam nhi có chí thời bấy giờ kể cả Nguyễn Công Trứ hay Phạm Ngũ Lão. "Nam nhi vị liễu công danh trái" ý chỉ lý tưởng, chí lớn lập công danh, thể hiện qua quan niệm, nhận thức của tác giả về món nợ công danh của kẻ làm trai.. Quan niệm ấy đã tạo dựng nên mục đích sống, lý tưởng sống chung của các đấng nam nhi dưới thời đại này là phải lập được công danh, có sự nghiệp, tiếng thơm lưu truyền đến muôn đời, trở thành một trong những điều tối cần của chí làm trai. Trong văn học Việt Nam đã từng có rất nhiều nhà thơ đề cập đến ví như Nguyễn Công Trứ với "Chí làm trai nam bắc đông tây/Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể". Từ đó ta thấy được quan niệm làm trai của Phạm Ngũ Lão rất tiến bộ, tích cực vì nó thống nhất giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, dân tộc, đồng thời là sự thống nhất của sự ngiệp cá nhân với sự nhiệp của đất nuớc. Ngoài ra, chí làm trai của tác giả còn có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ cuộc sống tầm thường ích kỉ, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp đất nuớc, vì dân. Bên cạnh chí lớn làm trai cùng với quan niệm món nợ công danh trước thời cuộc, thì câu thơ cuối chính là câu thơ tỏ rõ vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao thượng của Phạm Ngũ Lão. Nhân cách cao thượng ấy thể hiện qua nỗi thẹn của ông khi nghe chuyện Vũ Hầu. Mượn điển cố điển tích chuyện Vũ hầu – con người hết lòng hết sức, tận tâm tận lực vì non sông đất nước, tác giả đã thể hiện nỗi thẹn của chính bản thân mình khi chưa thực hiện được giấc mộng công danh. Đứng trước con người mang tầm vóc như vậy, Phạm Ngũ Lão dù rằng đã lập được rất nhiều công danh nhưng vẫn cảm thấy bản thân mình quá nhỏ bé, tựa như hạt cát giữa sa mạc mênh mông, đồng nghĩa với việc ông ý thức được rằng món nợ công danh đã trả chẳng thấm tháp vào đâu, mà vẫn còn phải cố gắng trả nhiều hơn nữa thì mới xứng với phận nam nhi, xứng với Tổ quốc. Nhưng nhìn suốt cuộc đời của Phạm Ngũ Lão, chúng ta dễ dàng nhận thấy ông là một người suốt cuộc đời cống hiến, hết lòng phục vụ cho nhà Trần nhưng đến cuối đời mình ông vẫn thấy thẹn. Điều đó một lần nữa cho chúng ta thấy nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão xét đến cùng là nỗi thẹn của một người có nhân cách cao đẹp, thể hiện ước mơ, khát vọng, hoài bão để thực hiện lí tưởng của mình.

    Tóm lại, với việc sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, các điển cố điển tích và bút pháp gợi tả, ngôn ngữ cô đọng hàm súc có sự dồn nén cao độ về cảm xúc, bài thơ của Phạm Ngũ Lão đã thể hiện một cách chân thực vẻ đẹp, sức mạnh của con người, quân đội thời Trần. Đồng thời, bài thơ cũng thể hiện được vẻ đẹp nhân cách của chính tác giả. Thêm vào đó, bài thơ cũng giúp chúng ta rút ra nhiều bài học sâu sắc về lí tưởng sống của thanh niên trong bối cảnh hiện nay. Sống phải có hoài bão, có ước mơ về những điều lớn lao, nỗ lực hết mình, không ngừng thực hiện những hoài bão và hoàn thiện bản thân, gắn khát vọng lợi ích của bản thân với lợi ích của tổ quốc và nhân dân.

    Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người, kết tinh những giọt ngọc của thời đại và ngòi bút của Phạm Ngũ Lão qua "Tỏ lòng" đã làm được điều đó. Những tâm tư, nỗi niềm của tác giả gửi gắm trong tác phẩm qua những ngôn từ súc tích, ngắn gọn nhưng sức biểu đạt cao đã làm lay động trái tim bao bạn đọc, vấn vương trong lòng những người con yêu nước trong suốt bao nhiêu năm qua.

    [​IMG]
     
    Kiệt, quynhquynh.12, Admin10 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng ba 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...