Nghệ thuật trong thơ Tố Hữu thể hiện tính dân tộc và tính trữ tình chính trị

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Xuân Châu, 8 Tháng hai 2023.

  1. Xuân Châu

    Bài viết:
    7
    Đề bài

    Nói về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: "Nghệ thuật trong thơ Tố Hữu thể hiện tính dân tộc". Cũng có ý kiến cho rằng: "Thơ Tố Hữu mang màu sắc trữ tình chính trị". Từ đoạn thơ hãy làm sáng tỏ ý kiến trên:

    "Mình về mình có nhớ ta

    * * *

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.."

    * * *

    Bài làm

    "Chín năm làm một Điện Biên

    Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng"

    Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến- Quyết thắng" của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries, đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn thành, chín năm kháng chiến chống Pháp gian khổ đã được đền đáp bằng thắng lợi vẻ vang. Năm tháng kể từ ngày vui chiến thắng của dân tộc, Đảng và Chính phủ cùng cán bộ kháng chiến đã rời chiến khu Việt Bắc, từ giã những người đồng bảo dân tộc đã sát cánh trong hơn nửa thế kỉ đấu tranh gian lao, để trở về thủ đô Hà Nội tiếp nhận nhiệm vụ mới. Trong hoàn cảnh đó, Tố Hữu dưới tâm thế một người cán bộ kháng chiến cùng như một nhà thơ đi đầu trong dòng thơ Cách mạng, đã viết nên bài thơ Việt Bắc (trích tập thơ cùng tên), một khúc tình ca, bản hùng ca ca ngợi kháng chiến và con người trong kháng chiến ở quê hương Cách mạng Việt Bắc. Nhận xét về áng thơ này, có ý kiến cho rằng "Nghệ thuật trong thơ Tố Hữu thể hiện tính dân tộc đậm đà"; cũng có ý kiến nói: "Thơ Tố Hữu mang màu sắc trữ tình chính trị". Hai ý kiến ấy đã được biểu hiện rất rõ nét và sâu sắc qua 8 câu thơ đầu miêu tả khung cảnh chia ly tiễn biệt cùng những lời tâm tình của người cán bộ và người dân Việt Bắc:

    "- Mình về mình có nhớ ta

    Mười năm năm ấy thiết tha mặn nồng


    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

    - Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

    Áo chàm đưa buổi phân li

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.."

    Hai ý kiến trên đã thể hiện rất đúng đắn những đặc sắc trong sáng tác của Tố Hữu, đặc biệt là trong bài thơ Việt Bắc khi tác giả khắc họa cảnh chia li lưu luyến.

    Đánh giá về nghệ thuật, có thể thấy "Nghệ thuật trong thơ Tố Hữu thể hiện tính dân tộc đậm đà.". Thực vậy, ở Tố Hữu ta thấy được sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật từ thế hệ trước, từ thời kì thơ ca trước, được vận dụng một cách khéo léo và đầy sáng tạo. Ta biết tính dân tộc trong một bài thơ, là một khái niệm thuộc phạm trù tư tưởng- thẩm mĩ, và là mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa văn học và dân tộc. Tính dân tộc trong một bài thơ là cách thức thể hiện và nội dung có tính bền vững cho các sáng tác của dân tộc ta, được hình thành từ quá trình phát triển của dân tộc từ xưa đến nay "Việt Bắc" là một minh chứng tiêu biểu cho tính dân tộc đậm đà trong nghệ thuật sáng tác của Tố Hữu, với bài thơ này thi sĩ đã sử dụng thể thơ dân tộc kết hợp cùng ngôn ngữ, hình ảnh gần gũi, quen thuộc giàu nhạc điệu.

    Về nghệ thuật, Tố Hữu đã vô cùng khéo léo khi sử dụng thể thơ lục bát để diễn tả tình cảm Cách mạng. Những câu lục bát uyển chuyển ngọt ngào đã truyền tải hết sức thành công tình cảm của một nhà thơ, một người cán bộ dành cho Việt Bắc và con người nơi đây trong giờ phút chia xa. Nhà thơ lại tinh tế sử dụng hình thức đối đáp giữa người đi- kẻ ở thông qua cặp đai từ xưng hô "mình"... "

    Ta" mang đậm dấu ấn ca dao, dân ca miền Bắc Bộ. Đọc những câu thơ "Mình về mình có nhớ ta" hẳn ai cũng nhớ đến những lời ca, tiếng ru mang cùng một giọng điệu, một cảm xúc:

    "Anh đi anh nhớ quê nhà



    Nhớ canh rau muốn nhớ cà dầm tương.."

    Sự kết hợp giữa thể thơ lục bát, lối nói đối đáp cùng cặp đại từ xưng hô "mình"... "

    Ta" là một thành công, một nét đặc sắc trong nghệ thuật của bài thơ. Thay vì trực tiếp bộc bạch, giãi bày, Tố Hữu khéo léo làm sao khi tạo nên cuộc đối thoại giữa người ra đi- người ở lại, tình cảm Cách mạng như được thu bé lại thành tình cảm đôi nam nữ trong phút giây li biệt, càng làm tăng thêm tính biểu cảm, trữ tình cho bài thơ. Những tâm tình cứ như vậy được tác giả gợi mở ra rất tự nhiên mà không hề gượng ép, ngược lại còn có sự hô ứng, thấu hiểu giữa hai đối tượng người cán bộ và người đồng bào, góp phần làm nổi bật tình quân dân khăng khít, gắn bó keo sơn dù cách trở về địa lí.

    Một nhà thơ từng viết:

    "phải phí tổn ngàn cân quặng chữ



    Để thu về một chữ mà thôi

    Những chữ ấy làm cho rung động

    Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài"

    Thơ ca là đỉnh cao của ngôn từ, để có được một tác phẩm thơ đủ sức làm lay động đến trái tim, và trường tồn cùng thời gian, người nghệ sĩ phải hao tổn tâm trí, hết sức chắt lọc ngôn ngữ sao cho phù hợp nhất để biểu lộ tình cảm của mình. Và Tố Hữu đã làm thật xuất sắc nhiệm vụ đó, ngôn từ trong "Việt Bắc" vừa tinh tế, lại vô cùng giản dị, vừa súc tích mà lại mang giá trị gợi tả sâu xa. Đầu tiên phải kể đến ngôn ngữ xưng hô "Mình"... "

    Ta" vốn được sử dụng trong ca dao, trong các bài hát truyền miệng để nói về tình cảm nam nữ, tình nghĩa vợ chồng:

    "Mình về ta chẳng cho về

    Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ"

    Nay chính thức đi vào thơ ca và được tác giả sử dụng rất linh hoạt. Nhà thơ còn sử dụng kết hợp những ngôn ngữ vô cùng giản dị, những hình ảnh mộc mạc dễ bắt gặp. Hình ảnh non sông, núi rừng thân thuộc "nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn", hình ảnh hoán dụ "áo chàm" chính là hình ảnh của người VB đôn hậu, giản đơn mà thuỷ chung son sắc, càng khiến người ra đi lưu luyến, nhớ thương.

    Cùng với cấu tứ, ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu của đoạn thơ cũng là một yếu tố tạo nên tính dân tộc đậm đà cho tác phẩm. Nhà thơ xây dựng hệ thống các từ láy như "thiết tha", "tha thiết", "bâng khuâng", "bồn chồn".. Vừa diễn tả tình cảm, tâm trạng, vừa tạo nên nhạc điệu ngập ngừng mà da diết cho câu thơ. Những câu hỏi của người ở lại vang lên với giọng điệu thiết tha kết hợp với phép điệp từ, điệp cấu trúc "Mình về mình có nhớ ta?", "Mình về mình có nhớ không?" diễn tả thật sâu sắc cái bối rối, cái băn khoăn trăn trở trong lòng người dân Việt Bắc về tấm lòng thuỷ chung của người về xuôi. Ngay sau đó là lời hồi đáp của kẻ ra đi đã giãi bày tâm tư tình cảm của mình qua những tính từ chỉ trạng thái, dáng điệu. Người ra đi đồng cảm, đồng âm với những tình cảm, với tiếng lòng "tha thiết" của người ở lại, ra đi với tâm trạng luyến lưu day dứt, những bước chân ngập ngừng. Những ngôn từ ấy viết trên nền nhạc ngọt ngào trữ tình của thể thơ lục bát đã tấu lên bản nhạc thiết tha bịn rịn, tâm tình của cảnh chia li.

    Yếu tố dân tộc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành công của "Việt Bắc". Mang hơi thỏ của dân tộc, bài thơ dễ dàng tiếp cận đến quần chúng nhân dân, giúp người đọc dễ nhớ, dễ thuộc, lại càng dễ truyền tải những suy tư, tình cảm của người viết. Có những câu thơ vang lên đôi khi khiến ta lầm tưởng sang câu hát ru, câu hát ca dao bởi giọng điệu ngọt quá, êm quá: "Mình về mình có nhớ ta..", "Ta về mình có nhớ ta..".. Việt Bắc cùng với những bài thơ khác của Tố Hữu đã khẳng định phong cách độc đáo của ông trong suốt chặng đường cầm bút của người nghệ sĩ cách mạng: Từ hiện đại trở về với cổ điển, trở về với nét dân tộc và truyền thống.

    Cùng với ngòi bút nghệ thuật mang đậm đà tính dân tộc, Tố Hữu còn được đánh giá là một hồn thơ "mang màu sắc trữ tình chính trị". Thơ chính trị là những tác phẩm thơ đề cập đến những vấn đề chính trị, những sự kiện mang tính lịch sử, trọng đại nhằm cổ động, tuyên truyền. Chính vì vậy mà thơ chính trị thường rơi vào cái khô khan và xa vời, áp đặt. Tuy nhiên đến với Tố Hữu, nhà thơ đã thổi cái hồn trữ tình vào những vần thơ chính trị, đã "trữ tình hóa" những vấn đề chính trị bằng tình cảm mộc mạc, chân thành, tạo nên những vần thơ có sức rung cảm sâu xa. Hay như Xuân Diệu nhận xét: "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị đạt đến trình độ rất đỗi trữ tình".

    Chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu, đặc biệt là trong 8 câu mở đầu bài thơ "Việt Bắc" được thể hiện trên hai phương diện chính là về nội dung và nghệ thuật. Nội dung bài thơ đề cập đến những vấn đề mang tính chính trị, được tác giả thể hiện bằng ngòi bút trữ tình đậm đà thông qua các phương tiện như thể thơ, giọng điệu và bút pháp gợi tả. Nói cách khác, chất trữ tình là hình thức để làm nổi bật lên cái cốt lõi chính trị của tác phẩm, giúp truyền đạt những tư tưởng chính trị đến với người đọc.

    Thơ Tố Hữu là thơ chính trị, bời Tố Hữu thường đề cập đến cái ta chung, viết về lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn. Những tác phẩm của Tố Hữu không chỉ là dấu ấn trong sự nghiệp văn học nước nhà, mà còn đánh dấu những cột mốc lớn lao và giàu ý nghĩa trên chặng đường Cách mạng của dân tộc. Đến với bài thơ Việt Bắc, ta thấy được bài thơ được sáng tác nhân sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn với cả dân tộc: Trung ương Đảng và chính phủ rời căn cứ địa Việt Bắc để trở về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Đây hẳn là thời khắc có ý nghĩa lịch sử to lớn với cả đất nước và dân tộc, khi Đảng và Chính phủ chính thức trở về thủ đô, chấm dứt chuỗi ngày tháng nếm mật nằm gai trên căn cứ địa, cũng chấm dứt một thời kì lịch sử đau thương của dân tộc, mở ra thời kì phát triển kinh tế tiến lên chủ nghĩa xã hội.. Trong niềm vui chung của cả dân tộc, thì những người cán bộ Cách mạng, những người đồng bào miền núi Tây Bắc lại đang trong cảnh chia li bùi ngùi xót xa.

    Cuộc chia tay giữa "mình" và "ta" thực chất là sự chia li giữa người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc- ở đây Tố Hữu đã thay mặt, đại diện cho cả một cộng đồng, một tập để nói lên tình cảm quân dân gắn bó sâu nặng. Tình cảm ấy xuất phát từ cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ, là cảm hứng ân tình Cách mạng, cũng như lòng thuỷ chung son sắc với Cách mạng của những con người trải qua vừa gian khổ mà vẫn giữ được tấm lòng "thiết tha mặn nồng".

    Bốn câu thơ đầu đã tạo thành hai câu hỏi rất khéo mà mỗi câu hỏi về một khía cạnh khác nhau, thời gian và không gian gói gọn một thời cách mạng, một vùng cách mạng. Nhà thơ đầu tiên hướng đến thời gian, trong vai "người ở lại" nhà thơ đặt ra mối băn khoăn lo lắng:

    "Mình về mình có nhớ ta

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng"

    Mười lăm năm là khoảng thời gian dài, khoảng thời gian tưởng chừng xa xôi trong quá khứ (phó từ "ấy") nhưng lại như hiển hiện trước mắt bởi những ký ức khắc sâu về tấm lòng, tình cảm "thiết tha mặn nồng". "Mười lăm năm" đó là thời gian của Cách mạng, tính từ khi nổ ra khởi nghĩa Bắc Sơn (1940), là khoảng thời gian từ khi "kháng Nhật, thuở còn Việt Minh" (1941 - 1945), và sau đó là những năm tháng kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Ngày ấy, Việt Bắc trở thành căn cứ địa của cách mạng, trở thành Thủ đô gió ngàn, ngày ấy ta và mình từng gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với biết bao nhiêu tình sâu nghĩa nặng, biết bao nhiêu thiết tha mặn nồng. Nếu cặp câu thơ đầu tiên hướng đến thời gian Cách mạng, thì cặp câu lục bát thứ 2 là câu hỏi hướng đến không gian núi rừng:

    "Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn".

    Câu thơ khéo léo họa lên một vùng không gian cách mạng với những hình ảnh cây, núi, sông, nguồn gợi nhớ về không gian rừng núi, nơi thủ đô gió ngàn với rừng cây núi đá.. Đó là không gian ngày còn Cách mạng, kháng chiến, nơi mà mình và ta cùng nhau san sẻ khó khăn.. Nhớ núi, nhớ rừng, thực chất chính là nhớ Cách mạng, nhớ nơi ngọn nguồn của Cách mạng từ ngày còn trứng nước. "Tiếng ai" không chỉ là tiếng hát tâm tình của "mình" mà còn là lời tiễn đưa từ giã của thiên nhiên rừng núi Việt Bắc. Nỗi nhớ ấy không phù phiếm, không dung dị, nó không chỉ là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương mang đậm cái tôi của đa số những nhà thơ bấy giờ mà mang tầm vóc vô cùng lớn lao khi gắn liền với Cách mạng, kháng chiến đã làm nên chất chính trị của đoạn thơ.

    Bên cạnh chất chính trị thấm nhuần trong tư tưởng của tác phẩm, Tố Hữu còn vận dụng ngòi bút trữ tình để tạo nên hiệu quả diễn đạt tốt nhất cho bài thơ "Việt Bắc" nói chung và đoạn thơ nói riêng.

    Chất trữ tình được thể hiện ngay từ việc tác giả đã cụ thể hỏa hình tượng những người cán bộ kháng chiến và những người dân Việt Bắc bằng hai đại từ xưng hô "mình"... "

    Ta". Nếu nói cuộc chia li của cán bộ- nhân dân mang đậm dấu ấn chính trị thì khi được biến hóa thành cuộc chia tay của đôi lứa, lại kết hợp cùng kết cấu đối đáp đã gợi mở ra những tình cảm gần gũi, gắn bó, riêng tư; không còn là tỉnh cảm ơn nghĩa quá xa cách, vĩ mô. Thể thơ lục bát cùng nhịp thơ chẵn 2/2/2, 4/4 khiến những câu thơ trở thành những lời thủ thỉ tâm tình với giọng điệu nhẹ nhàng tha thiết. Ngòi bút dân tộc càng tô đậm thêm nét trữ tình trong đoạn thơ bởi gợi nhắc đến những khúc ca dao ngọt ngào đằm thắm:

    "Mình về có nhớ ta chăng

    Ta về ta nhớ hàm răng mình cười."

    Chất trữ tình còn được biểu lộ thông quan nghệ thuật sử dụng ngôn từ của Tố Hữu. Bốn câu thơ đầu được cấu tứ bởi 2 câu hỏi tu từ với cấu trúc được điệp lại: "Mình về mình có nhớ ta" và "Mình về mình có nhớ không". Từ "nhớ" trong 4 câu thơ được nhắc lại đến 4 lần, như lột tả hết bao trông ngóng, bao nhớ mong đau đáu, đồng thời hé mở cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ về Việt Bắc. Thông qua câu hỏi ấy của người ở lại, ta thấy được tâm trạng băn khoăn, trăn trở khi nghĩ về cảnh chia xa, nghĩ về tương lai "mình" sẽ trở về nơi phồn hoa đô thị, liệu có còn nhớ căn cứ địa nơi núi rừng trùng điệp còn có những người dân mang nỗi lòng son sắc nhớ mong, khi mà bị thời gian và không gian địa lý cách trở? Đáp lại những băn khoăn ấy, người ra đi

    Đã giải bày tâm tư, tình cảm của mình. Bốn dòng thơ hồi đáp hô ứng với bốn câu thơ của người ở lại, còn đong đầy tình cảm dạt dào. Đại từ phiếm chỉ "ai" trong "tiếng ai" được miêu tả với từ láy "tha thiết", gợi ra những điệu hò, điệu hát quan họ đằm thắm ngọt ngào:

    "Tiếng ai thánh thót đêm trăng



    Phải là nhân ngãi thì sang ăn trầu

    Tiếng ai tha thiết bên cầu

    Phải là nhân ngãi ăn trầu thì sang.."

    Đối với những e ngại âu lo của người ở lại, người ra đi lại thể hiện khéo léo sự thấu hiểu những cảm xúc ấy, khi người ở lại tha thiết nói, có người ra đi vẫn luôn im lặng chú tâm lắng nghe. Chỉ có vậy mới có thể nghe được tiếng lòng ai tha thiết bồi hồi trong phút giây xa cách sau 15 năm đằng đẵng gắn bó quấn quýt. Và tưởng như âm thanh ấy vang vọng mãi trong tâm trí người ra đi, khiến cho họ:

    "Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi"

    Thêm một lần nữa ta thấy được sự tài hoa trong việc chọn lọc ngôn ngữ của Tố Hữu. Những từ láy "bâng khuâng", "bồn chồn" không chỉ gợi thanh điệu, nhạc điệu mềm mại thiết tha mà còn giàu về giá trị gợi cảm. Chỉ một từ "bâng khuâng" mà gợi ra bao cảm xúc, vui buồn đan xen, lưu luyến, vấn vương, day dứt; chỉ một từ "bồn chồn" mà tả được cả tâm trạng thấp thỏm, bứt rứt, lại khéo léo gợi lên dáng vẻ, nhịp bước chân ngập ngừng của người ra đi. Khi kết hợp với biện pháp đảo ngữ, sắc thái cảm xúc của các từ ngữ ấy càng được nhấn mạnh, thành công bộc bạch những tâm tư, cảm xúc sâu kín của người cán bộ đối với quê hương Cách mạng Việt Bắc và cả với con người thân thương nơi đây. Những chiếc "áo chàm" trong giờ khắc chia ly là hình ảnh hoán dụ, là nét bút gợi tả những người đồng bào thân thương ấy, chỉ qua một chiếc áo mà ta thấy được hình ảnh của người dân Việt Bắc trong mắt người cán bộ về xuôi, những người dân ấy luôn mang vẻ đẹp truyền thống nhất, giản dị mà chân chất nhất, và người cán bộ cũng dành cho họ thứ tình cảm nguyên sơ mà bền chặt nhất, tình dân tộc, tình thân, tình quân dân. Những tình cảm ấy tưởng như chỉ có thể diễn đạt trọn vẹn nhất qua hành động ( "cầm tay nhau"), khi mà ngôn từ trở nên bất lực; người cán bộ trong giờ phút chia tay với bao nhiêu cảm xúc, kỉ niệm ùa về, họ không biết phải nói bắt đầu từ đâu, nói như thế nào, nói sao cho hết, cho thỏa? Đặc biệt dấu ba chấm bỏ lửng cuối câu như tô đậm thêm những cảm xúc chưa kịp bộc lộ, những kỉ niệm chưa kịp sẻ chia..

    Bao trùm lên tất cả trong tâm trạng của kẻ ở và người đi là nỗi nhớ da diết mênh mang với nhiều sắc thái khác nhau. Người ở lại băn khoăn tự hỏi về lòng thuỷ chung son sắt của người ra đi thì ngược lại người ra đi khẳng định nghĩa tình mãi không phai nhòa trong kí ức. Và cứ thế Việt Bắc hiện lên trong hoài niệm thật sinh động và cụ thể.

    Ngòi bút như có thần của Tố Hữu đã đưa bút pháp trữ tình-chính trị lên đến đỉnh cao. Chính trị và Trữ tình trong thơ Tố Hữu tuy hai mà một, gắn bó song hành, bù trừ cho nhau, không chỉ góp phần làm cho văn bản chính trị bớt khô khan nhàm chán, mà còn thể hiện trực tiếp tư tưởng chính trị đan xen với tình cảm dành cho Cách mạng, cho Đảng và nhân dân của tác giả: Hết lòng ngợi ca, trân trọng và yêu thương.

    Như vậy hai nhận định trên đã thể hiện một cách đầy đủ và toàn vẹn những nét đặc sắc trong phong cách sáng tác của Tố Hữu. Lối viết đậm đà bản sắc dân tộc hòa quyện với chất trữ tình chính trị độc đáo đã giúp đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung thêm phần sinh động, khác biệt, mang hồn cốt dân tộc và tư tưởng của thời đại. Nhờ vậy mà Việt Bắc trở thành áng thơ Cách mạng tiêu biểu của Tố Hữu và của nền thơ ca Cách mạng bấy giờ. Qua đó Tố Hữu cũng thể hiện được ngòi bút tài hoa cũng như những tình cảm sâu đậm dành cho Cách mạng, Đảng và nhân dân.

    Thành công của bài thơ Việt Bắc còn ở nhiều phương diện khác như: Ngôn ngữ, nội dung, hình tượng nhân vật trữ tình.. Nhưng có thể khẳng định chất dân tộc, chất chính trị trữ tình đã tạo nên sức sống, sức lay động lòng người cho bài thơ. Việt Bắc vang lên như nốt cao thánh thót từ cây đàn thơ ca của Tố Hữu, xứng đáng là bông hoa ngát hương với thời gian trong vườn thơ Cách mạng Việt Nam.
     
    Mình là ChiLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 9 Tháng hai 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...