Nghệ thuật phản hồi - Kal kally

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Povlse, 9 Tháng mười hai 2018.

  1. Povlse

    Bài viết:
    22
    Nghệ thuật phản hồi

    (The Art of Reviews)

    By Kal Kally


    ~*~

    Lời mở đầu

    Phản hồi là những phản ứng, suy nghĩ, tình cảm, nhận xét của một người đối với người khác trên nhiều phương diện khác nhau như văn học, khoa học kỹ thuật, kinh tế, công việc..

    Phản hồi rất quan trọng trong cuộc sống, bởi chúng đem lại cho mỗi người một góc nhìn khác về các hoạt động và kết quả công việc của mình. Phản hồi giúp chúng ta nhìn nhận được những thiếu sót của bản thân, những tiến bộ mà mình đã đạt được, từ đó hoạt động tốt hơn nhờ phát huy điểm tốt và cải thiện những điểm chưa được của mình.

    Chúng ta thường gặp phản hồi trong các dạng nghệ thuật hoặc khoa học kỹ thuật: Nhận xét cho một bộ phim, một tiểu thuyết, một bức tranh, phê bình cho một tiểu thuyết, đóng góp ý kiến cho một dự án nghiên cứu.. Tuy nhiên phản hồi không chỉ bó hẹp trong phạm vi nghệ thuật và học thuật mà còn trải rộng trong mọi mặt của cuộc sống, từ những điều đơn giản nhất như khen một bộ quần áo đẹp cho tới phản hồi trong công việc giữa cấp trên và cấp dưới hay giữa bạn đồng nghiệp với nhau.

    Phạm vi của loạt bài viết này chỉ đề cập tới phản hồi trong văn học.

    Đối với văn học, phản hồi có một vai trò quan trọng. Đó chính là một phần không thể thiếu trong mối quan hệ giữa người đọc và người sáng tác. Một tác phẩm thể hiện những ước mơ, tư tưởng của một người, nhưng nó chỉ thực sự trở thành nghệ thuật khi nó được chia sẻ với nhiều người. Khi một tác phẩm được chia sẻ, mối quan hệ giữa người sáng tác và người đọc được hình thành, và đó là một mối quan hệ hai chiều không phụ thuộc chỉ vào một bên nào.

    Hầu hết người viết đều mong muốn nhận được phản hồi cho những gì mình viết. Có phản hồi có nghĩa là có người đọc. Phản hồi tích cực về một tác phẩm là minh chứng rằng tác phẩm có người yêu thích. Đó là phần thưởng tốt nhất cho những người viết phi lợi nhuận, và là món quà dễ chịu cho những người viết để xuất bản.

    Có thể có những người viết chỉ để cho vui, và những gì viết ra không bao giờ lọt ra ngoài ngăn tủ, nhưng không ai mất công dồn hết tâm huyết vào viết nếu không hy vọng thành quả của mình sẽ được đọc và tán thưởng. Nếu bạn yêu thích một tác phẩm, đừng ngần ngại khi nói lên điều đó, lời phản hồi của bạn là sự khích lệ cho người viết, và góp phần giúp bạn có được những tác phẩm tương tự trong tương lai để đọc. Nếu bạn nghĩ rằng tác phẩm còn thiếu sót, những nhận xét mang tính xây dựng của bạn sẽ giúp người viết tiến bộ hơn.

    Nếu bạn là người viết, đừng nghĩ rằng lời phản hồi của người đọc là điều hiển nhiên. Nếu mối quan hệ giữa người đọc và người viết là một chiều thì nó rất dễ biến mất. Khi bạn nhận được một lời phản hồi tích cực dù ngắn hay dài cũng hãy bỏ một chút thời gian để gửi lại lời cảm ơn cho người đọc. Nếu bạn giữ được mối quan hệ tốt với người đọc, bạn sẽ nhận được nhiều phản hồi hơn trong tương lai. Những lời phản hồi bạn nhận được không phải lúc nào cũng tốt, đôi lúc bạn sẽ nhận được những lời phê bình, trong đó người đọc phân tích từng nhược điểm của tác phẩm. Phản ứng đầu tiên của con người khi bị chỉ trích là khó chịu, tuy nhiên đừng đốp chát lại người đọc. Hãy đối diện với nó với một thái độ chuyên nghiệp để tiếp thu những điểm mình thấy là đúng và giữ vững lập trường trước những điểm mình thấy là sai.

    Mối quan hệ giữa người đọc và người viết có thể đem lại những hiệu quả tốt, nhưng cũng có thể gây ra kết quả xấu. Một lời nhận xét tiêu cực thiếu thông tin và có thái độ công kích không khiến người viết cải thiện được nhược điểm của mình mà có thể khiến người viết mất tự tin vào bản thân hoặc không còn muốn viết. Thái độ thiếu thiện chí của người viết khi nhận được lời phê bình nghiêm túc có thể khiến người đọc cảm thấy ý tốt của họ không được coi trọng và không còn muốn góp ý thẳng thắn với người viết.

    Loạt bài viết này hy vọng sẽ cung cấp được cho bạn thông tin về một số dạng phản hồi, và các cách để viết, cũng như nhận phản hồi.


    Mục lục

    ~ Lời mở đầu

    #1: Phản hồi dạng đối thoại


    #2: Phản hồi dạng bình luận

    #3: Phản hồi phê bình có tính xây dựng (1) – Ý nghĩa

    #4: Phản hồi phê bình có tính xây dựng (2) – Đối diện với phản hồi

    #5: Phản hồi phê bình có tính xây dựng (3) – Phương pháp viết phản hồi

    #6: Phản hồi phê bình có tính xây dựng (4) – Kỹ thuật viết phản hồi

    #7: Phản hồi dạng chỉ trích (1) – Giới thiệu


    #8: Phản hồi dạng chỉ trích (2) – Đối diện với phản hồi

    #9: Phản hồi dạng chỉ trích (3) – Cuộc chiến đả kích và cách trở thành người thắng cuộc

    Review mẫu #1: Phản hồi phê bình mang tính xây dựng

    Fic: The Sun of the Moon của inkcyan

    Người phản hồi: Yomi


    Review mẫu #2 (5) : Phản hồi phê bình mang tính xây dựng

    Fic: A Child of Ice, A Child of Fire của Horcrexhexer

    Người phản hồi: Kal Kally

    Review mẫu #3: Phản hồi bình luận

    Fic: No other way to go của Rei Hino

    Người phản hồi: Kea, Zenzen


    Review mẫu #4: Phản hồi bình luận

    Fic: Thế giới không màu của Kaito

    Người phản hồi: Zenzen

    Review mẫu #5 (2) : Phản hồi phê bình mang tính xây dựng

    Fic: Rainbow của Kal Kally

    Người phản hồi: Rage Point


    ~ Lời kết

    (Còn tiếp)
     
    Phoenixfire thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười hai 2018
  2. Povlse

    Bài viết:
    22
    #1: Phản hồi dạng đối thoại

    Một phản hồi dạng đối thoại là một hoặc nhiều ý kiến không sâu của người đọc về một tác phẩm hoặc một tác giả, hoạt động như một kênh thông tin giữa người đọc với người viết. Trong một phản hồi dạng đối thoại, người đọc muốn người viết 'biết' ý kiến của mình.

    Khó có thể liệt kê hết những thể loại phản hồi dạng đối thoại, bởi điều một người đọc muốn nói với người viết có thể rất đa dạng. Một phản hồi dạng đối thoại có thể thể hiện:

    - Cảm ơn người viết.


    - Khen ngợi người viết một cách chung chung.


    - Nói lên chung chung điều mình thích ở tác phẩm.

    - Yêu cầu người viết tiếp tục viết.

    - Mong muốn người viết nhanh chóng cập nhật.


    - Nêu ý kiến và mong muốn xoay quanh một hành động, sự kiện, nhân vật nào đó trong tác phẩm.

    Nguyên tắc

    Không có khái niệm một lời phản hồi dạng đối thoại tốt là như thế nào, bởi phản hồi dạng đối thoại thường đơn giản. Các nguyên tắc của một phản hồi dạng đối thoại cũng không quá phức tạp.

    Đừng vì sự đơn giản mà không viết

    Một phản hồi dạng đối thoại có thể đơn giản, nhưng chỉ một vài dòng đơn giản ấy có thể đem đến niềm vui cả ngày cho người viết. Chỉ vài dòng cảm ơn cũng có thể giúp người viết cảm nhận được những nỗ lực của mình không phải là vô ích. Chỉ một vài lời mong muốn tác phẩm nhanh chóng được cập nhật là đủ để trở thành động lực cho người viết.

    Hãy chú ý tới ngôn từ và cách thể hiện

    Một cuộc đối thoại không thể diễn ra suôn sẻ nếu tồn tại sự hiểu nhầm hoặc các bên tỏ ra thiếu thiện chí. Phản hồi dạng đối thoại cũng như vậy. Để viết một phản hồi dạng đối thoại, bạn cần có một thái độ đúng mực. Một khi bạn không giữ được nguyên tắc này và chê bai, chỉ trích người viết, phản hồi của bạn không còn là dạng đối thoại nữa mà chuyển sang dạng đả kích.

    Đừng lạc đề

    Một phản hồi dạng đối thoại có thể nói về bất cứ điều gì miễn là điều được nói tới có liên quan tới tác phẩm hoặc cách viết của tác giả. Một khi phản hồi không liên quan tới tác phẩm hoặc cách viết của tác giả thì nó không còn là phản hồi nữa.

    Hãy để ý tới môi trường xung quanh

    Tuy phản hồi dạng đối thoại là một cách tương tác tốt giữa người đọc và người viết nhưng không phải lúc nào bạn cũng nên sử dụng nó. Trong một số cộng đồng viết, phản hồi dạng đối thoại có thể bị xem là phản hồi không có chất lượng, hoặc bị xem là câu bài. Viết một phản hồi dạng đối thoại có thể bị xem là vi phạm quy định. Khi viết phản hồi, bạn cần để ý tới những quy định tại nơi mà bạn viết phản hồi để tránh gây khó chịu không cần thiết cho người khác.

    Đừng chê bai không có cơ sở

    Nhiều người nghĩ rằng đã là người đọc thì có thể chê bai bất cứ điều gì vì tác phẩm mà không cần phải chỉ rõ tại sao họ lại chê, bởi đó là "quan điểm cá nhân" hay "cảm nhận cá nhân."

    Điều đó không sai. Bạn được quyền nhận xét không? Dĩ nhiên. Ai chẳng có quyền nhận xét về bất cứ điều gì. Nhưng có nên hay không thì phải suy xét lại.

    Một lời chê bai có cơ sở gần với phản hồi dạng phê bình. Nó giúp ích cho người viết, và được coi là phản hồi có chất lượng. Một lời chê bai không có cơ sở sẽ khiến người viết phải phân vân: "Anh ta không thích gì ở tác phẩm của mình? Mình viết gượng gạo ở điểm nào? Tình tiết của mình không tốt ở chỗ nào? Liệu mình đổi lại như thế này thì anh ta có thích hơn không?" Những thắc mắc đó không đem lại lợi ích gì cho người viết mà chỉ làm người viết bị rối và mất phương hướng.

    Tại sao một bình luận viên lại nêu lên những ý kiến bất lợi cho một cầu thủ trong trận đấu? Bởi công việc của anh ta là phải phân tích, đem những kiến thức nghiệp vụ của mình để thuyết minh cho những người xem có thể không hiểu bằng mình.

    Tại sao một giáo viên lại chê trách học sinh? Bởi giáo viên muốn học sinh biết mình sai ở đâu để cải thiện.

    Tại sao một người đọc lại khen người viết? Bởi họ muốn thể hiện sự cảm ơn người viết đã đem lại cho họ một tác phẩm họ thích, hoặc bởi họ muốn người viết cảm nhận được sự yêu thích tác phẩm của mình.

    Tại sao một người đọc lại gửi phản hồi dạng phê bình cho người viết? Bởi anh ta mong muốn người viết có thể phát triển cách viết.

    Còn bạn, khi chê bai mà không đưa ra được cơ sở, không lý giải được lý do, mục đích của bạn là gì? Muốn người viết biết rằng tác phẩm của họ không được yêu thích? Muốn những người đọc khác quay lưng lại tác phẩm hay chỉ đơn giản là vì muốn thể hiện bản thân nên không cần quan tâm người nhận sẽ nghĩ gì?


    (Còn tiếp)
     
  3. Povlse

    Bài viết:
    22
    #2: Phản hồi dạng bình luận

    Một phản hồi dạng bình luận là một hoặc nhiều ý kiến sâu thể hiện quan điểm của người đọc về một tác phẩm hoặc một tác giả, có hoặc không nhằm mục đích truyền đạt tới người viết. Trong một lời phản hồi dạng bình luận, người đọc muốn 'thể hiện' quan điểm, cảm xúc hoặc muốn người viết 'hiểu' được ý kiến của mình.

    Phản hồi dạng bình luận phần lớn là tích cực. Nó được thể hiện qua nhiều cách diễn đạt, đôi khi hào hứng, đôi khi dạt dào cảm xúc, đôi khi vụng về, đôi khi đầy tính nghệ thuật, nhưng cho dù với cách diễn đạt nào thì nó cũng có một đặc điểm chung là xuất phát từ cảm xúc chân thật của độc giả. Cũng vì vậy mà phản hồi dạng bình có thể coi là dạng phản hồi được yêu thích và mong chờ nhất.

    Phần lớn những phản hồi dạng bình luận xoay quanh các dạng:

    - Bình luận về toàn bộ hoặc một phần của tác phẩm.


    - Thể hiện những cảm xúc hoặc suy nghĩ mà tác phẩm gợi lên cho mình. Những cảm xúc và suy nghĩ này bắt nguồn từ tác phẩm, nhưng có thể từ đó mở rộng ra những vấn đề bao quát hơn, không còn liên quan tới tác phẩm.

    - Bàn luận về diễn biến của tác phẩm cho tới thời điểm hiện tại và giả tưởng hướng diễn biến tiếp theo nếu tác phẩm chưa kết thúc.

    Nguyên tắc

    Một phản hồi bình luận tốt được tạo nên từ công thức: Yêu thích + Tự nhiên

    Yêu thích

    Nguyên liệu này thật đơn giản. Một khi bạn thực sự yêu thích một tác phẩm, bạn sẽ thấy mình không thiếu điều muốn nói về nó. Có thể là nó khiến bạn gợi nhớ tới một kỷ niệm nào đó trong quá khứ. Có thể truyện càng đến hồi kết càng làm bạn cảm thấy tiếc nuối, không muốn nó kết thúc. Có thể nó dừng lại ở cao trào, khiến bạn phải băn khoăn, đoán già đoán non về diễn biến tiếp theo..

    Tự nhiên

    Người đọc thường viết phản hồi dạng bình luận một cách không chủ ý. Chính vì phản hồi dạng bình luận thể hiện những cảm xúc chân thật nên ít khi nào nó được viết cùng với suy nghĩ: "Ta đang phản hồi dạng bình luận đây." Chỉ đơn giản là hãy viết những gì bạn muốn viết, bàn luận những gì bạn muốn bàn luận và diễn đạt bất cứ cảm xúc nào được tác phẩm khơi dậy trong lòng.


    (Còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười hai 2018
  4. Povlse

    Bài viết:
    22
    #3: Phản hồi phê bình có tính xây dựng (1) – Ý nghĩa

    Một phản hồi phê bình có tính xây dựng (Constructive Critism) là những ý kiến sâu của người đọc về ưu, nhược điểm của một tác phẩm, và những đề xuất để phát triển hoặc cải thiện những ưu, nhược điểm đó. Một phản hồi phê bình có tính xây dựng luôn xuất phát từ việc người đọc mong muốn những gì được viết ra sẽ trở nên hay hơn hoặc phù hợp với gu đọc của mình hơn.

    Phản hồi phê bình có tính xây dựng, quan trọng không chỉ trong văn học mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, bởi nó cho ta một góc nhìn khác về một khía cạnh nào đó của bản thân.

    Thử hình dung bạn đang dồn hết tâm sức để trồng một khu vườn. Bạn luôn phải tìm những góc mà sự kết hợp của cây cối tạo nên phong cảnh đẹp để phát triển. Bạn luôn phải thay thế những cây yếu không thể vươn cao, tước đi những cành lá quăn queo hoặc bị sâu hại.. Với sự nỗ lực của bản thân bạn hoàn toàn có thể biến khu vườn của mình thành một thiên đường xanh. Thế nhưng nếu thay vì đóng kín cửa, bạn mời người khác vào thăm, bạn sẽ thấy nhiều điều mới mẻ từ lời họ nhận xét. Họ có thể chỉ ra cho bạn những vị trí chưa ổn mà bạn chưa bao giờ để ý, những đóa hoa đã tàn bị lấp sau cành lá hay những ý tưởng đắt giá để để trang hoàng cho khu vườn.

    Phản hồi phê bình có tính xây dựng cũng có ý nghĩa như vậy. Qua con mắt của người khác, bạn thấy những thành công và thất bại mà mình không tự nhận biết được. Là người nhận, có thể lòng kiêu hãnh của bạn sẽ bị bầm tím, tuy nhiên nếu có thể đặt cái tôi của mình xuống dưới mong muốn cải thiện bản thân, bạn sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm. Bạn sẽ học được cách để tự đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của mình, và thậm chí có thể dần dần hình thành phong cách viết.

    Do sự tự huyễn hoặc bản thân của nhiều người mà phản hồi đả kích thường bị nhầm lẫn coi là phản hồi phê bình có tính xây dựng. Tuy nhiên mục đích, đặc điểm của hai dạng phản hồi này hoàn toàn khác nhau. Cùng là nêu lên điều người đọc nghĩ chưa được ở tác phẩm nhưng hai loại phản hồi này thường dẫn tới những cách phản ứng và thái độ khác nhau ở cả người viết và những người đọc khác.

    Với phản hồi phê bình có tính xây dựng, bạn có thể nêu ra những nhược điểm mà không xúc phạm người viết. Đồng thời bạn có thể giúp người viết tìm cách giải quyết những nhược điểm trên. Với phản hồi chỉ trích, nếu bạn khéo léo không làm người viết bị xúc phạm, nếu bạn may mắn chưa đánh gục sự tự tin của anh ta thì bạn cũng chỉ khiến anh ta trơ mắt nhìn phản hồi của bạn mà không biết phải làm gì với nó.


    [​IMG]


    (Còn tiếp)
     
  5. Povlse

    Bài viết:
    22
    #4: Phản hồi phê bình có tính xây dựng (2) – Đối diện với phản hồi

    Phản hồi phê bình có tính xây dựng đôi khi thật đáng sợ, bởi một phê bình tốt có thể sẽ xé nát những gì bạn viết và đem chúng ra soi dưới kính hiển vi. Tuy nhiên từ thất bại mà chúng ta học hỏi. Từ học hỏi mà chúng ta thay đổi. Từ thay đổi mà chúng ta trưởng thành. Cả quá trình đó không bao giờ không đau đớn, nhưng phần thưởng cuối cùng bao giờ cũng là sự tiến bộ.

    Để chấp nhận sự đau đớn đó không dễ dàng. Nhận và lắng nghe phản hồi phê bình cũng là một kỹ năng bạn cần học hỏi. Vậy làm thế nào để đối diện với nó?

    Giữ thái độ chuyên nghiệp và tích cực

    Trước một phản hồi phê bình, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu, tức giận hoặc hoảng hốt, mất tự tin. Nên tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân để bình tĩnh đọc lời phản hồi. Hãy hiểu rằng nếu không chờ đợi bạn sẽ thay đổi theo hướng tiến bộ hơn, nếu không có một chút lòng tin ở bạn, người viết sẽ không mất công phản hồi cho bạn. Viết một phản hồi phê bình tốt rất mất thời gian, công sức và thậm chí cả tâm huyết, nhưng người đọc đã viết vì bạn. Hãy biết trân trọng điều đó và giữ một thái độ chuyên nghiệp: Bạn muốn, và bạn cần phản hồi này.

    Tin vào cảm nhận của bản thân

    Trước một phản hồi phê bình có tính xây dựng, bạn cần có thái độ tiếp thu trên cơ sở giữ vững lập trường. Hãy đọc kỹ nó. Nếu một ý kiến nêu hạn chế khiến bạn giật mình thì hãy tìm cách khắc phục. Nếu bạn không đồng ý với ý kiến đó, nhưng nhiều phản hồi đều nhắc đến nó, hãy cân nhắc, có thể đó là sự thực. Nếu đó là ý kiến duy nhất, và bạn không đồng ý, hãy tin vào cảm nhận của bản thân để mạnh dạn quyết định có nên thay đổi theo ý kiến phê bình hay không.

    Lắng nghe và hành động

    Khi một người nói với bạn: "Tôi thấy như thế này không hợp lý" thì hãy nghĩ rằng: "Có thể điều đó không hợp lý thật, ta cần cân nhắc". Bởi một khi một người thấy những gì bạn viết có vấn đề thì có thể nhiều người khác cũng nghĩ như vậy.

    Một khi cân nhắc thấy những gì người đó nói là hợp lý, hãy có động thái. Một lời phản hồi phê bình có tính xây dựng dù hay và tâm huyết tới thế nào cũng trở nên vô nghĩa nếu bạn không chấp nhận nó, không lắng nghe và hành động. Tìm cách khắc phục những nhược điểm được nêu ra trong lời phê bình nhiều khi như xát muối vào vết thương, bởi là một người viết hầu như ai cũng yêu quý và coi trọng những gì mình viết ra. Tuy nhiên nếu chấp nhận đau thì vết thương sẽ bị không nhiễm trùng, và tác phẩm bạn viết sẽ hay và hợp lý hơn.

    Đừng đẽo cày giữa đường

    Nếu bạn nhận được nhiều phản hồi phê bình có tính xây dựng, bạn có thể sẽ phải sàng lọc giữa nhiều chiều quan điểm. Cùng một vấn đề có thể có nhiều ý kiến trái ngược nhau mà ý kiến nào cũng có vẻ hợp lý. Đừng hoảng hốt, bạn không cần phải làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy cân nhắc kỹ giữa những quan điểm, nhưng một khi đã chọn con đường mình thấy tốt nhất để đi theo thì đừng quay đầu lại nhìn những con đường khác. Có thể sẽ có những người không hài lòng với cách bạn lựa chọn, nhưng sẽ có nhiều người khác gật đầu tán thưởng.

    Giữ mối liên hệ tốt với người đọc

    Một lời phê bình tốt là một món quà đáng giá dành cho người viết. Nếu bạn cảm thấy nó đem lại hiệu quả cho mình thì hẳn bạn muốn người đọc sẽ tiếp tục phản hồi như vậy cho bạn, đúng không?

    Khi nhận được một phản hồi phê bình có tính xây dựng, đừng đem "bức tường câm lặng" ra để đáp lại người gửi. Bạn nên đáp lại người gửi để thể hiện rằng: "Tôi đã lắng nghe, hy vọng anh sẽ tiếp tục giúp tôi."

    Một lời phản hồi đáp lại tốt có thể chỉ bao gồm một lời cảm ơn đơn giản, cũng có thể là một lời phản hồi nhiều thông tin. Trong một lời phản hồi nhiều thông tin, người viết đáp lại người đọc cụ thể từng vấn đề, những gì họ cảm thấy đúng và sẽ áp dụng hoặc cải thiện hoặc những gì họ cảm thấy họ không sai, và tại sao.

    Mối quan hệ giữa người viết và người đọc là mối quan hệ hai chiều. Khi bạn tìm được một người đọc sẵn sàng phản hồi phê bình có tính xây dựng cho mình thì cũng có nghĩa là bạn tìm được một người Beta Reader tốt. Hãy học cách để giữ anh ta.


    (Còn tiếp)
     
  6. Povlse

    Bài viết:
    22
    #5: Phản hồi phê bình có tính xây dựng (3) – Phương pháp viết phản hồi

    Để viết một phản hồi phê bình tốt có nhiều phương pháp khác nhau. Không có phương pháp nào là đúng. Không có phương pháp nào là sai. Điều quan trọng là bạn tìm được phương pháp phù hợp với mình.

    Sau đây là một số phương pháp có thể áp dụng:

    Phương pháp tiếp cận

    Trong phương pháp tiếp cận, bạn đặt mình vào những vị trí, những góc nhìn khác nhau để tiếp cận với tác phẩm. Đơn giản nhất, bạn có thể đọc truyện ít nhất là ba lần, giữa mỗi lần cách nhau một thời gian ngắn.

    Lần 1: Đứng ở góc nhìn của độc giả

    Hãy đọc như thể bạn đang đọc một câu chuyện tìm thấy đâu đó trên sách báo hoặc Internet chứ không phải một câu chuyện bạn đang muốn phê bình. Trong lần đọc này, bạn nên chú ý tới những ấn tượng và cảm nhận của mình như một người thưởng thức truyện. Điều gì làm cho bạn thấy thích thú? Điều gì làm cho bạn bức bối? Điều gì không hợp lý?

    Nếu bạn đang đọc trên máy, hãy mở sẵn một chương trình notepad để nhanh chóng ghi lại ngắn gọn những cảm nhận của mình. Nếu bạn đọc trên giấy, hãy chuẩn bị một cây bút chì và một tờ giấy. Cảm xúc đến nhanh và cũng qua nhanh, trước khi đọc hãy chuẩn bị sẵn công cụ để nắm bắt nó.

    Lần 2: Đứng ở góc nhìn của người đánh giá

    Hãy đọc lại một lần nữa với bản ghi chép lần đầu tiên làm hướng dẫn. Tại lần đọc này, với mỗi ấn tượng ban đầu, bạn cần đi sâu hơn vào việc giải thích tại sao truyện, hoặc từng phần của truyện lại khiến bạn có cảm xúc như vậy. Nếu bạn thích thì tại sao bạn lại thích? Nếu bạn thấy bức bối thì nguyên nhân là do đâu? Hãy đọc giữa những dòng chữ để tìm ra những điểm nổi bật hoặc chưa được về phong cách viết như cách dùng từ, cách xây dựng tính cách nhân vật..

    Kết thúc bước 2, bản ghi nhận trên notepad hoặc trên giấy ban đầu được bổ sung thêm những phát hiện mới đã chi tiết hơn, cung cấp những thông tin hữu ích giúp người viết biết được họ nên phát huy điều gì, và nên cải thiện điều gì. Với một phản hồi mang tính phê bình, bạn có thể dừng lại ở bước này.

    Lần 3: Đứng ở góc nhìn của người viết

    Trong lần đọc này, bạn đã rất rõ về câu chuyện cũng như các điểm mạnh và điểm yếu của nó. Đứng ở góc nhìn của người viết sẽ giúp bạn đưa ra những đề xuất cải thiện đối với người viết.

    Hãy đi theo bản notepad hoặc ghi chép trên giấy trước đó và kiểm tra lại từng điểm chưa hợp lý bạn đã vạch ra. Với từng điểm chưa hợp lý, dừng lại để nghĩ xem liệu người viết có thể làm gì để cải thiện các điểm không hợp lý đó. Liệu người viết có thể bổ sung thêm điều gì để củng cố cho câu chuyện của mình không? Đừng ngại nêu ra các ý tưởng, thậm chí viết lại một số câu hoặc đoạn ngắn.

    Kết thúc bước 3, bạn xây dựng được một bản phê bình có giá trị, không chỉ chỉ ra những điểm tốt và những mặt còn hạn chế của tác phẩm mà còn cung cấp được cho người viết những lời góp ý mang tính xây dựng. Tuy nhiên hãy cẩn trọng khi định bắt đầu bước 3. Chỉ nên thực hiện nó khi bạn đang phê bình/beta tác phẩm với sự đồng ý của tác giả. Bạn chưa biết thái độ của người viết như thế nào, và thật tệ nếu bạn đưa ra các lời khuyên mà người nhận không muốn nhận hoặc không thể chịu nổi khi phải tiếp nhận.

    Phương pháp khung mẫu

    Hãy đề ra một khung mẫu nhận xét phù hợp với mình. Khi đọc một truyện mà bạn định phê bình hoặc đánh giá, hãy dựa trên khung mẫu đó để điền các thông tin. Khung mẫu này có thể bao gồm các điểm chính cần quan tâm và/hoặc các lỗi thường gặp. Nó sẽ giúp bạn khi đọc tác phẩm luôn có khái niệm trong đầu mình phải để ý những điểm nào.

    Một khung mẫu chung nhất có thể bao gồm:

    1. Ấn tượng chung về truyện: Ấn tượng chung về truyện sẽ giúp người viết biết được cảm xúc mà họ muốn gửi gắm trong truyện có đến được người đọc không.

    2. Tóm tắt truyện: Tóm tắt truyện sẽ giúp người viết biết được những điều người đọc "thấy" có thực sự là câu chuyện mà mình "dựng" không.

    3. Ưu điểm chính

    4. Nhược điểm chính

    5. Nhận xét về những đặc điểm thường gặp

    5.1. Xây dựng tính cách nhân vật

    5.2. Mạch văn

    ..

    6. Những lỗi cụ thể.

    Nếu bạn đang beta truyện hoặc phê bình truyện với sự đồng ý của tác giả, bạn cũng có thể đưa thêm những lời khuyên:

    7. Những điểm người viết có thể cải thiện

    8. Các cách giải quyết vấn đề khác

    Cuối cùng, hãy tổng kết lại nhận xét chung của mình.

    9. Kết luận/Tổng kết các nhận xét.

    Với từng mục trong khuôn mẫu đó, bạn có thể bổ sung thêm các điểm, hoặc các câu hỏi liên quan tới truyện. Ví dụ như:

    * Nhân vật có đúng tính cách không?

    * Khi đọc, bạn có quan tâm tới việc chuyện gì sẽ xảy đến cho các nhân vật ở cuối truyện không?

    * Mạch văn có nhanh quá không?

    * Hội thoại có giống đời thực không? Vừa đủ hay quá ít, quá nhiều?

    * Vân vân.

    Bằng cách trả lời những câu hỏi này, bạn sẽ dễ dàng có được hướng để tập trung phân tích đánh giá. Nếu xuất hiện vấn đề khi trả lời một câu hỏi, hãy dừng lại để đi sâu hơn tìm lý do dẫn tới vấn đề đó trước khi tiếp tục đi tới những câu hỏi khác.

    Cuối cùng sau khi trả lời xong, hãy chỉnh sửa lại.

    - Loại bỏ tất cả các câu hỏi.

    - Loại bỏ tất cả các câu trả lời không xuất hiện vấn đề.

    - Chuyển từ dạng gạch đầu dòng sang dạng khổ và viết thêm vài từ chuyển tiếp.

    - Vui mừng đọc lại bản đánh giá đã hoàn thành.

    Nếu bạn từng nhận xét, đánh giá nhiều truyện, những câu hỏi, hoặc điểm cần nhận xét này có thể được bổ sung dần vào bảng để tạo ra một khuôn mẫu chung phù hợp nhất với thói quen đọc và viết của bạn. Với một hai lần phê bình ban đầu, cách tiếp cận này có thể tương đối vất vả và cứng nhắc, nhưng nếu bạn kiên trì theo cách này, nó sẽ trở thành thói quen, và việc viết phản hồi phê bình có tính xây dựng sẽ trở nên dễ dàng hơn.


    (Còn tiếp)
     
  7. Povlse

    Bài viết:
    22
    #6: Phản hồi phê bình có tính xây dựng (4) – Kỹ thuật viết phản hồi

    Viết phản hồi mang tính xây dựng không phải chỉ đơn thuần xuất phát từ ý muốn nhất thời của người đọc. Để phản hồi của mình thực sự có giá trị, bạn cần xây dựng kỹ năng phản hồi cho mình. Sau đây là một số kỹ năng phản hồi bạn có thể tham khảo.

    ● Phản hồi theo cách bạn muốn nhận phản hồi.

    Trước khi phê bình hãy tự hỏi nếu là mình thì sẽ thế nào? Liệu bạn có muốn bỏ công sức vào một việc gì đó, để rồi bị nói là: "Buồn chán, không có giá trị, đáng bỏ đi.." hay không? Nếu bạn không thích thì đừng áp dụng chúng với người khác.

    Một lời phản hồi phê bình có tính xây dựng tốt cần tránh sử dụng những từ ngữ hoặc câu mang tính công kích, xúc phạm, quá tiêu cực hoặc động chạm tới sự riêng tư cá nhân của người viết. Nếu cách viết của bạn quá hà khắc, quá nhiều tình cảm, quá chủ quan thì người viết sẽ có xu hướng coi phản hồi của bạn là đả kích hơn là có tính xây dựng.

    "Buồn chán, khô cứng, sai lệch, thiếu đầu tư.." Nếu lời phản hồi của bạn đầy những từ này nhưng lại thiếu thông tin giải thích vì sao thì bạn nên xem lại xem mình đang viết phản hồi phản biện hay phản hồi đả kích. Những từ ngữ đó thường sẽ khiến người viết phải nhảy dựng lên, và sẽ ném hết mọi lời nhận xét khác bạn đã mất công viết ra ngoài cửa sổ.

    Đặt mình vào vị trí của người viết

    Trước khi phê bình, bạn cần hiểu được mục đích của người viết, lớp độc giả mà người viết nhắm đến và giai đoạn viết của tác phẩm.

    Những mục đích viết khác nhau, những lớp người đọc khác nhau sẽ dẫn tới những cách viết khác nhau, và giai đoạn viết sẽ dẫn tới sự khác biệt về chất lượng. Khi phê bình một tác phẩm, bạn cần hiểu rõ điều này để không viết ra những lời phê bình lạc lõng, thậm chí lố bịch.

    Thử coi một ví dụ sau:

    Bạn đọc được một tác phẩm rất tệ hại, và với trách nhiệm cao cả của người đọc, bạn hùng dũng viết một lời phê bình rất chất lượng dài hàng trăm chữ và gửi cho người viết. Người viết nhận được, mắt tròn mắt dẹt nhìn bạn như từ trên trời rơi xuống. Giá mà bạn chú ý hơn một chút thôi thì có lẽ bạn đã biết bạn đã đọc một 'Badfic' – một tác phẩm được cố ý viết tệ hại nhằm mục đích phân tích và hướng dẫn về cách viết.

    Tôi rất ấn tượng với một lời nhận xét mà mình đã nhận được cho loạt bài "Nghệ thuật viết" của mình. Vì phép lịch sự, tôi không phản ứng lại, nhưng thật lòng tôi rất muốn nói với anh ta rằng: "Dĩ nhiên. Chúng là loại bài viết nghiên cứu. Bạn còn mong muốn gì hơn chứ?"

    Đừng phán xét và khẳng định

    Có thể bạn không đồng ý với cách viết của một tác giả, nhưng điều đó không có nghĩa là những độc giả khác cũng nghĩ như bạn. Người viết hiểu rõ điều này. Những độc giả khác hiểu rõ điều này. Chính vì vậy mà khi bạn viết theo cách khẳng định những nhược điểm bạn nghĩ là đúng, bạn có thể sẽ làm người viết và những người đọc khác khó chịu. Thay vì khẳng định, hãy thể hiện đó chỉ là ý kiến của cá nhân mình.

    Cách viết: "Giọng văn khô khan, tẻ nhạt. Tác phẩm này không đáng được xếp vào danh mục tác phẩm hay" truyền đạt thái độ công kích và gây sự.

    Ngược lại, cách viết: "Theo tôi thì cách viết của bạn còn khô khan. Khi đọc, tôi không cảm nhận được điểm hay của tác phẩm nên thấy hơi tẻ nhạt." lại mang tính cá nhân và tôn trọng. Một phản hồi phê bình có tính xây dựng nên sử dụng cách này.

    Đừng quên những lời khen

    Không có gì hoàn toàn tốt, cũng không có gì hoàn toàn xấu. Mỗi tác phẩm đều có điểm mạnh, dù chỉ là một đoạn mở đầu, một từ đắt giá hay một ý tưởng sáng tạo. Tìm ra những điểm sáng đó không kém gì việc tìm ra nhược điểm. Có những người nghĩ rằng phê bình có tính xây dựng nghĩa là nêu lên hạn chế. Điều đó hoàn toàn không đúng. Một lời phản hồi phê bình tốt không chỉ chỉ ra những gì người viết nên cải thiện mà còn cần chỉ ra những điểm người viết nên phát huy.

    "Tôi thích cách bạn xây dựng nhân vật. Những phản ứng của nhân vật rất thực tế. Tôi đặc biệt thích cách bạn sử dụng những hành động rất nhỏ tưởng chừng như là chuyện lặt vặt nhưng khi đặt chung lại với nhau lại khắc họa sự tinh tế của nhân vật một cách rõ ràng."

    Với một lời nhận xét như thế này, người viết biết được điểm mạnh của tác phẩm, và có thể đi tới kết luận rằng những điểm mạnh này nên được áp dụng cho những gì mình viết sau này.

    Hãy bắt đầu phản hồi với một nhận xét tích cực về tác phẩm và đừng quên nói với người viết những điểm họ đã thành công. Bằng cách làm như vậy, bạn thiết lập được một môi trường ôn hòa, giảm bớt sự căng thẳng mà những đoạn nêu hạn chế đem lại.

    Phân biệt tác phẩm và tác giả

    Phản hồi phê bình thường nhắc tới những điểm cần hạn chế. Để lời phản hồi của bạn không đập vào mặt người viết một cách lỗ mãng, bạn cần luôn nhận thức rằng mình đang phê bình tác phẩm chứ không phải đang phê bình tác giả. Một lời nhận xét tiêu cực dễ được chấp nhận khi nó hướng tới tác phẩm hơn là khi nó hướng tới tác giả.

    "Tính cách nhân vật cần được khắc họa sâu hơn" sẽ tốt hơn nhiều là "Bạn xây dựng tính cách nhân vật không sâu sắc."

    Không lảng tránh

    Cẩn thận trong cách viết không có nghĩa là che giấu. Một khi bạn đã quyết định viết phản hồi phê bình có tính xây dựng thì đừng ngần ngại nêu lên tất cả những nhược điểm bạn cho là không ổn. Có thể người viết sẽ không đồng ý rằng nhược điểm bạn nêu không đúng, nhưng điều đó người viết cần phải tự quyết định dựa trên lập trường của mình. Không nhắc tới những điểm không ổn vì sợ người viết không đồng ý hoặc vì không muốn làm mất lòng người viết sẽ làm mất đi ý nghĩa muốn tìm kiếm sự hoàn thiện của dạng phản hồi này. Lòng vòng nói bóng gió xung quanh điều cần nói tới vì sợ người viết khó chịu chỉ khiến người viết mất phương hướng và có thể sẽ hiểu nhầm bạn.

    Luôn cụ thể và lý giải

    Dù ở mức độ như thế nào, ngắn một khổ hay dài hàng nghìn chữ, một phản hồi phê bình tốt không chỉ nêu lên vấn đề mà còn phải lý giải được tại sao lại có vấn đề đó. Vì vậy khi phê bình bạn cần tránh đưa ra những lời nhận xét chung chung mà không có dẫn chứng hoặc đề xuất cụ thể.

    Nói rằng: "Cái kết của bạn có vấn đề" là vô nghĩa nếu bạn không nêu lên được lý do tại sao.

    Ngược lại nếu bạn đưa nhiều thông tin hơn, lời phê bình của bạn sẽ trở nên vững chắc và có giá trị: "Cái kết của bạn không cân xứng với sự căng thẳng của truyện. Nó đến quá sớm ngay sau điểm cao trào trong khi vẫn còn nhiều khúc mắc bạn chưa giải quyết hết. Trong toàn bộ truyện, bạn tập trung rất nhiều vào nỗi đau khổ và sự thù hận của nhân vật Anna. Thủ phạm được phát hiện lại là người bạn mà Anna rất yêu quý. Tôi rất quan tâm tới việc Anna sẽ có phản ứng thế nào, vì vậy mà cách bạn kết thúc ngay sau khi thám tử tuyên bố thủ phạm làm tôi thấy rất bức bối. Cách Mark nhanh chóng cúi đầu nhận tội cũng làm tôi tự hỏi liệu đây có phải là kẻ đã giết cả nhà Anna trong sự khoái trá, đã lạnh lùng tra tấn những nạn nhân khác hay không."

    Nói rằng "Bạn cần cải thiện đoạn Anna tới gặp Mark." không đem đến nhiều sự hữu ích nếu bạn không đưa ra được những ví dụ hoặc hướng để cải thiện.

    Ngược lại nếu bạn đề xuất cụ thể, lời phê bình của bạn sẽ có hữu ích hơn nhiều với người viết: "Đoạn Anna tới gặp Mark vốn rất căng thẳng và nhiều sự kiện, nhưng lại làm cho tôi cảm thấy như xem một bộ phim quay chậm. Theo tôi đó là vì bạn mô tả cảm xúc của Anna quá nhiều và sử dụng nhiều câu phức để mô tả hành động. Tôi nghĩ nếu bạn tập trung hơn vào sự kiện với một giọng văn gấp gáp thì đoạn này sẽ hay hơn nhiều."

    Khuyên thay vì sai khiến

    Hãy hiểu rõ tác phẩm được viết ra không phải là của bạn, và những quyết định liên quan tới nó là lãnh địa của người viết. Đừng bao giờ bước chân vào lãnh địa đó. Hãy nhớ rằng từ "nên" có hiệu quả về mặt cảm xúc hơn nhiều từ "phải".

    Đừng viết: "Bạn phải chỉnh lại chương mở đầu để giới thiệu sâu hơn về nhân vật chính." Cách viết này khiến người viết dễ nghĩ: "Hắn là ai mà lên mặt dạy đời? Việc quái gì ta phải nghe theo hắn?"

    Hãy viết: "Bạn nên chỉnh lại chương mở đầu để giới thiệu sâu hơn về nhân vật chính." Cách viết này chỉ dừng lại ở lời khuyên, vẫn tôn trọng quyền với tác phẩm của người viết nên dễ được chấp nhận hơn.

    Tránh thông điệp hai chiều

    Một lời khen là một lời khen. Một lời chê là một lời chê. Đừng nhập nhằng chúng. Nếu bạn muốn nêu ra ưu điểm của tác phẩm, hãy thể hiện nó nguyên vẹn trong một câu hoặc một khổ, đừng nhập chúng với nhược điểm bằng những cụm từ như "nhưng", "tuy nhiên", "dù vậy" bởi chúng sẽ khiến lời khen của bạn nghe như lời an ủi.

    Viết rằng "Cốt truyện của anh hay, nhưng.." cũng có nghĩa là nói với người viết: "Chú ý, đừng tin vào vế trước của tôi."

    Đừng quên một chút hài hước

    Sự hài hước là gia vị làm mềm đi những lời nhận xét khô khan. Tuy nhiên với phản hồi mang tính xây dựng và beta truyện, thứ gia vị này chỉ nên được phết qua nhẹ nhàng và vừa phải.

    "Truyện sử dụng quá nhiều thủ pháp miêu tả thiên nhiên để diễn tả tình cảm của nhân vật. Nhân vật chính cứ như đang lái con thuyền phiêu lưu của mình trên biển cả. Người ướt đẫm. Thuyền ướt đẫm. Biển cả, mây trời.. tất cả đều sũng nước. Giảm bớt những hình ảnh u ám, thêm một chút ánh mặt trời sẽ làm sắc thái truyện phù hợp hơn với dạng truyện phiêu lưu."

    Sử dụng quá đà sự hài hước giống như khi bạn bỏ quá nhiều ớt vào bát. Không cẩn thận nó sẽ khiến người viết cay xè vì cảm thấy mình bị châm biếm.


    (Còn tiếp)
     
  8. Povlse

    Bài viết:
    22
    #7: Phản hồi dạng chỉ trích (1) – Giới thiệu

    Phản hồi dạng chỉ trích là những ý kiến tiêu cực và thiếu thông tin của người đọc về một tác phẩm hoặc tác giả gây ra sự xúc phạm, tổn thương hoặc giận dữ ở tác giả hoặc những độc giả khác. Một phản hồi dạng chỉ trích có thể mang, hoặc không mang chủ định tiêu cực, nhưng có một điểm chung là đều được thể hiện theo hướng xúc phạm hoặc công kích đối tượng bị chỉ trích.

    Phản hồi dạng chỉ trích thường được chia thành hai dạng:

    - Chỉ trích không có tính xây dựng (non-constructive critism) : Những phản hồi tiêu cực, bất lịch sự, có thể mang tính xúc phạm hướng tới tác phẩm. Dạng này không nhất thiết mang ác ý.

    - Phản hồi đả kích (flame) : Những phản hồi chỉ trích không chỉ hướng tới tác phẩm mà còn hướng tới cả tác giả. Dạng phản hồi này hầu hết đều có ác ý.

    Phản hồi dạng chỉ trích là một trong những căn bệnh khó chịu của Internet, tồn tại không chỉ trong phạm vi văn học và nghiên cứu mà còn trong những cuộc thảo luận trên diễn đàn, trên blog, hoặc bất cứ nơi nào khác có sự tồn tại của công chúng. Ví dụ như khởi nguồn khái niệm 'Flame' được bắt nguồn từ 'lửa', được sinh ra để chỉ những lời chỉ trích được trau chuốt cẩn thận với ngôn từ mỉa mai, châm biếm, ngụ ý, bóng gió nhằm đánh bại đối phương trong một cuộc tranh luận. Tuy nhiên do sự lạm dụng và sự tăng tiến về mức độ tiêu cực mà tới giờ, khái niệm này được dùng để chỉ chung mọi dạng ý kiến xúc phạm. Trong văn học, phản hồi dạng chỉ trích là điều mà những người đọc và người viết nghiêm túc nào cũng cau mày khi nhắc tới.


    Một lời chỉ trích mang tính chỉ trích luôn gây ra sự khó chịu từ những người nhận nó. Trong một số trường hợp, nó có thể được dùng để giành lấy sự đồng tình của những người xung quanh hoặc phần thắng trong một cuộc tranh luận. Trong nhiều trường hợp khác, nó khiến ngay cả những người chứng kiến cũng cảm thấy bực bội, bởi một lời chỉ trích mang tính chỉ trích dù ít hay nhiều đều khiến người khác cảm thấy giận dữ, bị xúc phạm hoặc tổn thương.

    Điều này không chỉ đúng trong văn học mà còn đúng trong những mặt khác của cuộc sống. Như một cậu bé vừa mới tập vẽ, nếu bạn chỉ la mắng nó, chê bai nó khi nó vẽ không đẹp, liệu nó còn muốn vẽ không? Kết quả trong tương lai, bạn sẽ có một công chức gương mẫu đầu tóc gọn ghẽ thay vì một họa sĩ ăn mặc xộc xệch và để tóc dài. Ngay cả nếu như bạn không dập tắt đi sở thích hội họa của cậu bé đó, liệu bạn giúp gì được cho nó ngoài việc làm nó cảm thấy tủi thân?

    Vậy nên hay không nên tung một phản hồi chỉ trích vào người viết?

    Chẳng ai cấm được người đọc viết phản hồi chỉ trích. Xét cho cùng thì Internet vốn là thế giới tự do ngôn luận. Tự do để nói bất cứ điều gì mình muốn, và đáng buồn thay, tự do để nói mà không cần quan tâm tới lời nói của mình có làm trầy xước ai không. Thường thì đây cũng là lý do mà phần lớn những 'flamer' sử dụng để giải thích cho hành động của mình: "Đó là quan điểm của tôi, là chính kiến của tôi, tôi có quyền thể hiện điều đó". Các 'flamer' thường khoác lên mình cái mác của một người đọc nghiêm túc để đánh đồng phản hồi dạng chỉ trích với một lời phê bình mang tính xây dựng.

    Có nên hay không, chỉ có người đọc mới có thể quyết định. Nhưng nếu một 'flamer' nghĩ rằng mình có quyền nói bất cứ điều gì mình nghĩ thì cũng nên chấp nhận cái quyền hiển nhiên của người nhận cảm thấy tức giận, bị xúc phạm hoặc tổn thương.

    Trước khi quyết định gửi một lời phản hồi, hãy cân nhắc xem cách mình nói sẽ ảnh hưởng thế nào lên người khác. Hãy luôn nhớ rằng lời nói giống như mũi tên, đã găm vào tim ai rồi thì không thể thu hồi được. Nếu đã gửi một lời 'flame', dù vô tình hay hữu ý thì cũng hãy chuẩn bị tinh thần rằng mũi tên đó có thể quay ngược trở lại mình, bởi xét cho cùng, nếu là tự do ngôn luận thì tự do ngôn luận của ai cũng giống như ai.


    (Còn tiếp)
     
  9. Povlse

    Bài viết:
    22
    #8: Phản hồi dạng chỉ trích (2) – Đối diện với phản hồi

    Một lời chỉ trích mang tính chỉ trích giống như một cú chém mà lưỡi kiếm là ngôn từ. Với một người viết, điều quan trọng nhất là đừng để cú chém đó làm mình gục ngã.

    Hiểu và tự tin vào mục đích viết của mình

    Hãy tự hỏi mình: Tại sao ta lại viết, ta viết có nghiêm túc hay không, và việc ta viết có đáng để ta phải chịu những điều bực mình không. Hãy hoài nghi chính mình để xây dựng thái độ và cách nhìn của mình trở thành một thành trì vững chắc. Một khi lòng tin đã vững như sắt đá thì nó không thể bị lưỡi kiếm ngôn từ chém gãy.

    Hiểu bản chất của lời nhận xét mang tính chỉ trích

    Một lời nhận xét mang tính chỉ trích khi chia theo mục đích có thể thuộc về hai dạng:

    - Dạng vô tình – chỉ trích không có tính xây dựng: Người đọc không khéo khi thể hiện ý kiến của mình, có ý muốn phê bình, nhưng không có kỹ năng phê bình, dẫn tới lời phê bình bị méo mó thành lời chỉ trích.

    - Dạng hữu ý – đả kích: Lúc này, lời chỉ trích có chủ ý công kích rõ rệt. Thường rơi vào dạng này những kẻ vô công rỗi việc, những kẻ ngu dốt mà hiếu thắng hoặc những kẻ coi mình là trung tâm của thế giới. Rơi vào dạng này cũng có thể là những người không có được sự thỏa mãn và tự tin từ một cuộc sống xã hội thực. Sự không hài lòng với cuộc sống thực khiến họ tìm tới Internet như một cuộc sống ảo và việc áp đảo người khác hoặc chiến thắng trong một cuộc chiến đả kích là minh chứng cho sự tồn tại và thực phẩm cho sự tự tin của họ.

    Là một người viết, chắc chắn sẽ có lúc bạn nhận được những lời nhận xét mang tính chỉ trích. Biết phân biệt hai dạng trên sẽ giúp bạn xử lý chúng tốt hơn. Hãy thông cảm và chủ động hiểu dạng thứ nhất, chúng không có ý xấu. Hãy phớt lờ dạng thứ hai, chúng không đáng để bạn bận tâm.

    Hiểu nguyên tắc im lặng là vàng

    Đừng bao giờ coi nhẹ sức mạnh của sự im lặng. Sự im lặng là lời hùng biện tốt nhất để đáp trả lại những lời phản hồi chỉ trích. Hãy giữ một số nguyên tắc:

    - Đừng bao giờ phản hồi lại những lời chỉ trích đơn giản, làm thế bạn chỉ mời gọi chúng.

    - Đừng bao giờ phản hồi lại những lời chỉ trích cùn, không lý lẽ, làm thế bạn chỉ mất thời gian.

    - Đừng bao giờ phản hồi lại những lời chỉ trích ngu xuẩn, bạn chẳng cứu rỗi được ai đâu.

    Đừng đóng vai trò nạn nhân

    Đừng hờn dỗi. Đừng than vãn. Khi bạn đóng vai trò một nạn nhân thì có nghĩa là bạn đã tự ném đi lòng kiêu hãnh của một người viết. Nếu bạn không định im lặng, nếu lời chỉ trích thực sự làm tổn hại tới lòng tự trọng của bạn, và bạn không thể chịu được chuyện đó, hãy ngẩng cao đầu tự bảo vệ mình.

    Tuy nhiên nếu bạn đã quyết định lên tiếng, hãy biết xác định điểm dừng. Đừng bao giờ mất thời gian đôi co với những đối tượng lắm lời, cùn hoặc cố chấp, bởi với đối tượng này, bạn rất khó kết thúc được vấn đề.

    Đừng đóng vai trò thủ phạm

    Hãy tôn trọng bản thân mình. Nếu lời nhận xét chỉ ra đúng nhược điểm của bạn và lời nhận xét đó là lời phê bình mang tính xây dựng, hãy nghiêm túc cúi đầu. Nếu lời nhận xét đó là lời chỉ trích, đừng bận tâm xin lỗi. Đơn giản rằng nếu anh đã xúc phạm tôi, thì tôi không cần phải quan tâm anh đúng hay sai.

    Trước một phản hồi dạng chỉ trích, chỉ xin lỗi khi lời xin lỗi đó là châm biếm.

    "Ồ, đó đúng là lỗi của tôi. May nhờ được sự chỉ giáo của anh, một người vô cùng nhạy cảm và tinh tế.."

    Hãy tỏ ra có phong cách

    Vũ khí tốt nhất chống lại sự bất nhã là thái độ nhã nhặn và chín chắn. Trước những lời thô lỗ, hãy đáp trả bằng phong cách lịch thiệp, trong nhiều trường hợp điều này sẽ chặn ngay lập tức dòng phản hồi chỉ trích.

    Tuy nhiên cần nhớ rằng nhã nhặn và chính chắn không có nghĩa là bạn phải hạ mình. Lịch sự không buộc bạn phải cố mỉm cười để cảm ơn lời nhận xét của người đang xúc phạm bạn. Thay vì thế hãy đối diện với vấn đề một cách có phong cách. Hãy chỉ cảm ơn nếu lời cảm ơn của bạn mang tính châm biếm hoặc khôi hài.

    "Cảm ơn lời flame chân thành của bạn. Tôi cũng chân thành xin hứa nhất định đem nó ra nướng khoai."


    (Còn tiếp)
     
  10. Povlse

    Bài viết:
    22
    #9: Phản hồi dạng chỉ trích (3) – Cuộc chiến đả kích và cách trở thành người thắng cuộc

    Cuộc chiến đả kích

    Phản hồi dạng chỉ trích có thể chọc giận không chỉ người viết mà còn những người đọc yêu thích tác phẩm. Ở mức độ nhẹ, những người đọc yêu thích tác phẩm thường gửi lại cho người viết những lời ủng hộ, khích lệ tinh thần. Ở mức độ nặng, người viết hoặc những người đọc yêu thích tác phẩm sẽ 'flame' ngược lại người chỉ trích và dẫn tới sự khơi mào cho một cuộc chiến đả kích.

    Một cuộc chiến đả kích là việc từ một phản hồi dạng chỉ trích, nhiều người xung quanh chia làm hai phe bảo vệ người chỉ trích và người bị chỉ trích để tranh cãi, công kích lẫn nhau. Trong văn học, cuộc chiến đả kích xảy ra khi một người đọc vô tình hay hữu ý chỉ trích, chê bai người viết với những ngôn từ quá đáng khiến những người đọc khác yêu thích người viết cảm thấy tức giận. Cuộc chiến chỉ trích trong văn học thường chỉ diễn ra ở những môi trường khuyến khích sự trao đổi giữa công chúng, như diễn đàn, blog hoặc mailing list.

    Một phản hồi chỉ trích có thể được tạo nên do cố ý hoặc vô tình. Trong trường hợp cố ý, người đọc có chủ đích 'tấn công' người viết. Trong trường hợp vô tình, phản hồi chỉ trích xuất hiện do sự vụng về trong cách thể hiện dẫn tới sự hiểu nhầm. Thế nhưng một khi lời phản hồi này là khơi mào cho một cuộc chiến đả kích thì cũng có nghĩa là đã có sự tồn tại của 'cố ý'.

    Một lời chỉ trích không thể đơn độc tạo nên một cuộc chiến đả kích, nó chỉ cung cấp mồi nhóm mà thôi. Cuộc chiến đả kích không thể bắt đầu trừ phi có những người cố tình quạt cho ngọn lửa thổi bùng lên. Nếu như một phản hồi dạng chỉ trích được tạo ra một cách vô tình, và người đọc tạo nên lời phản hồi đó hoàn toàn không có ác ý, khi anh ta bị công kích ngược lại, anh ta sẽ im lặng hoặc xin lỗi, và những mồi lửa lập tức được dập tắt.

    Thế nhưng cái tôi của một người thường quá lớn, khiến anh ta phải phản ứng, phải giải thích, phải biện minh, phải thắng, phải chứng minh, phải phân định ai đúng ai sai. Lúc này cuộc chiến đả kích sẽ bùng lên, và đáng thương thay, vì cái tôi của một cá nhân, để ngọn lửa của sự chỉ trích chiến thắng một người, nhiều người khác cũng sẽ bị bỏng. Kết quả của một cuộc chiến đả kích không tránh khỏi là tổn thất cho tất cả các bên tham gia, và người chịu hậu quả nặng nề nhất bao giờ cũng là người viết.

    ___

    Tránh phản hồi dạng chỉ trích

    Một phản hồi dạng chỉ trích có thể được tạo ra một cách vô tình hay hữu ý. Trong trường hợp vô tình, việc công kích người viết vốn không phải là mong muốn của người đọc, nhưng người nói thì vô tình mà người nghe thì hữu ý. Vậy làm thế nào để tránh vô tình viết phản hồi dạng chỉ trích?

    Để tránh, chúng ta hãy tìm hiểu làm thế nào để viết một lời đả kích tốt.

    * Nhóm nguyên tắc kim cương

    (Hay cách để biến đả kích thành nghệ thuật)

    # Nguyên tắc 1: Xúc phạm

    Để viết một phản hồi đả kích tốt, hãy ghi nhớ nguyên tắc cơ bản nhất, càng làm người nhận phải tức tới mức phát khóc hoặc nhảy dựng lên thì bạn càng có cơ hội thành công.

    Nhận xét : Sự xúc phạm là điều cơ bản của tất cả những lời phản hồi chỉ trích, dù vô tình hay hữu ý. Hãy ghi nhớ rằng một lời phản hồi đả kích cũng là một lời mời cho những lời đả kích ngược lại. Ngôn từ có sức công phá khủng khiếp, đừng dùng nó tấn công nếu như không có khả năng đón đỡ.

    # Nguyên tắc 2: Đừng bao giờ buồn chán

    Khi đã đả kích người khác, hãy viết nó một cách thú vị, khôi hài và thông minh. Đừng bao giờ để nó trở nên buồn chán, tẻ nhạt và ngớ ngẩn.

    Nhận xét : Hoàn hảo! Giá mà flamer nào cũng theo nguyên tắc này thì ít nhất những người viết cũng thoát khỏi sự hành hạ khi bị tấn công bởi những ngôn từ buồn tẻ và ươn như một con cá chết.

    # Nguyên tắc 3: Sử dụng từ ngữ nhấn mạnh để đạt được hiệu quả tối đa

    "Tồi tệ, viết thế này thì đừng viết còn hơn, khô khan, sáo rỗng, nửa nạc nửa mỡ."

    Hãy sử dụng những từ càng bất nhã càng tốt, càng đốp chát càng hay, càng tiêu cực càng chuẩn mực. Như vậy kẻ bị đả kích mới mở to con mắt mà thấy được nhược điểm của mình. Đương nhiên đó là quyền của bạn.

    Nhận xét : Thô thiển, bất lịch sự, không nhã nhặn nhưng vẫn tự huyễn hoặc rằng mình đang đóng vai trò của một người đọc nghiêm túc. Sự phát triển chóng mặt của Internet đã sản sinh ra một lớp người coi nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật ứng xử là cái đinh!


    #
    Nguyên tắc 4: Châm biếm và hàm ý là vũ khí

    "Dù tôi vẫn luôn cố gắng hiểu những người bị thiểu năng trí tuệ, tôi vẫn không sao hiểu nổi anh viết cái gì."

    Châm biếm, mỉa mai, nói kháy, hàm ý, đó là những vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để chỉ trích. Với thứ vũ khí này, chỉ với một phản hồi chỉ trích, bạn có thể khiến cái gã đã không biết viết còn cứ thích viết kia gác bút mãi mãi.

    Nhận xét : Vết thương do sự châm biếm, mỉa mai gây ra sâu và nặng nề, thường để lại những ấn tượng rất xấu trong lòng người nhận. Luật bất thành văn là châm biếm, mỉa mai, hàm ý chỉ nên được giới hạn mục đích sử dụng trong phạm vi:

    - Phản ứng lại khi người khác xúc phạm mình.

    - Bảo vệ người khác không có hoặc không đủ khả năng tự bảo vệ.

    Sử dụng nó hay không là tùy bạn, chỉ cần đừng hy vọng sẽ trở thành bạn bè sau đó.

    # Nguyên tắc 5: Tỏ ra vẻ bề trên

    "Bạn làm sao mà hiểu nổi."

    "Một kẻ như bạn, tôi khinh."

    Tỏ ra vẻ bề trên là một cách tuyệt vời để cho người nhận phản hồi phải ăn không ngon, ngủ không yên. Một flamer chuyên nghiệp không thể không sử dụng cách này.

    Nhận xét: Câu ví dụ thứ hai là một câu mà tôi đã nghe được trong một cuộc chiến đả kích cách đây khá lâu. Trong cuộc chiến đả kích đó, tôi tham gia và đứng về bên của người đã nói câu này. Tuy câu nói không hướng vào tôi, tôi không nhớ ai đã nói, cũng không còn nhớ cuộc chiến đả kích đó xoay quanh vấn đề gì, nhưng ấn tượng về câu nói thì mãi mãi in lại trong lòng. Có lẽ tôi nên biết ơn người đã nói câu này, vì nó đã cho tôi một bài học không thể nào quên: "Tôi là ai, và tôi đã làm được gì mà đã đòi phán xét người khác?"

    # Nguyên tắc 6: Phân tích tâm lý

    "Hãy biết rằng tôi còn hiểu anh hơn chính bản thân anh!"

    "Đừng có có tật giật mình."

    "Có thái độ như thế này với nhân vật thì hẳn bạn căm ghét nam giới lắm."

    Phân tích tâm lý là đòn cân não với người nhận lời chỉ trích. Nó khiến người nhận phải ném bút vào tường mà gào lên: "Hắn nghĩ hắn là ai?"

    Nhận xét: Nhân tiện thì.. là một flamer chân chính, hẳn bạn là một người luôn tự cho mình là trung tâm, hiếu thắng và thích cười trên sự đau khổ của người khác lắm?

    # Nguyên tắc 7: Giả tạo sự thật

    Có thể áp dụng nhiều nhất trong môi trường Internet vì với Internet, danh tính của bạn được che dấu. Không ai biết bạn cũng có nghĩa là không ai kiểm chứng được những gì bạn nói. Chẳng ai cấm bạn nói rằng ý kiến của bạn đồng thời cũng là ý kiến của anh A, anh B, anh C.. nào đó.

    Nhận xét: Áp dụng đúng mực thì nguyên tắc 6 có thể là chiến thuật tốt kể cả trong tranh luận nghiêm túc. Miễn là đừng đến mức huênh hoang rằng: "Đây còn là ý kiến của Bill Gate, chính ông ta đã nói với tôi!"

    # Nguyên tắc 8: Suy diễn

    Nguyên tắc suy diễn được áp dụng khi bạn sử dụng một ý kiến nào đó của đối phương để suy diễn ra các kết luận nhằm kết tội anh ta. Các kết luận này thường là các vấn đề to tát thuộc phạm vi đạo đức xã hội hoặc chân lý.

    "Phản đối yaoi" -> "Định kiến với homo" -> "Bảo thủ, phi nhân bản" -> "Làm xã hội suy đồi về lòng nhân ái"

    Nhận xét: Nhanh chóng làm đối phương phát khùng lên, bởi tính phi thực tế và việc biến con kiến thành con voi.

    # Nguyên tắc 9: Cường điệu

    Cường điệu hóa sự việc, nhất là những sự việc liên quan tới mình. Nếu bị người khác công kích? Hãy hô hoán mình bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Nếu bị cấm lên tiếng? Hãy than phiền mình bị mất quyền tự do ngôn luận.

    Nhận xét: Một phương pháp tốt có thể khiến đối phương phải dạt ra xa. Tuy nhiên sử dụng nó cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro ai cũng sẽ dạt ra xa hết chứ không phải chỉ mỗi đối phương.

    * Nhóm nguyên tắc vàng

    (Hay cách để trở thành trung tâm thế giới)

    # Nguyên tắc 10: Quyền của bạn là nói lên bất cứ điều gì mình nghĩ

    Tôi có quyền nhận xét, tôi có quyền nói lên điều tôi nghĩ. Anh cảm thấy thế nào đó là việc của anh!

    Nhận xét: Câu cửa miệng thường hay thấy nhất ở các flamer để biện minh cho mình. Nhân tiện thì tôi cũng có quyền cảm thấy bị xúc phạm bất cứ lúc nào tôi muốn.

    # Nguyên tắc 11: Đừng tin vào số đông

    Nếu tất cả mọi người đều chống lại bạn thì không có nghĩa là bạn đáng phải chịu điều đó, mà có nghĩa là bạn đang phải chịu một sự bất công không thể chấp nhận được.

    Nhận xét: Hmm, nếu tất cả mọi người đều không đồng ý thì không có nghĩa là bạn chắc chắn đáng phải chịu điều đó, nhưng cũng không có nghĩa là không phải. Vì vậy nếu bạn đơn độc trong một cuộc chiến đả kích thì điều đó không có nghĩa là bạn đang gia ân cho toàn cộng đồng để bóc trần sự bất công đang đè lên bạn.

    # Nguyên tắc 12: Đấu tranh chống lại sự kiểm duyệt

    Quyền nói bất cứ điều gì tại bất cứ đâu là quyền bất khả xâm phạm của bạn. Những ai ngăn cấm bạn là kẻ xấu xa, bảo thủ, phát xít, chống lại sự cấp tiến.

    Nhận xét: Khả năng là bạn chỉ làm những người có quyền thuộc các cộng đồng mạng như Admin, Mod ngứa mắt, đá bạn văng khỏi đó mãi mãi.

    # Nguyên tắc 13: Chống lại những kẻ quá nhạy cảm

    Những gì bạn nói vốn rất bình thường. Chẳng qua là đối phương quá nhạy cảm hoặc chuyện bé xé ra to. Nếu không thì cũng là đối phương không có óc hài hước.

    Nhận xét: Điều lạ lùng nhất là khi bị công kích ngược, anh ta thường cũng rơi nốt vào nhóm những kẻ quá nhạy cảm hoặc không có óc hài hước để nhất nhất phải "bảo vệ danh dự" cho mình.

    # Nguyên tắc 14: Internet – nơi san bằng tuổi tác và địa vị

    Trên Internet không có khái niệm tuổi tác hoặc địa vị. Khi đã trong một cuộc "tranh luận" thì ai cũng ngang nhau, không cần thiết phải quan tâm tới việc ai lớn tuổi hơn ai.

    Nhận xét: Đúng là có câu trên Internet không còn khái niệm tuổi tác và địa vị thật, nhưng đó là để chỉ việc Internet làm mờ đi danh tính của một người. Còn nếu như bạn đã biết một người nhiều tuổi hơn mình mà bạn vẫn vịn vào lý do này để không tôn trọng họ thì việc đó chỉ có thể giải thích bằng sự bất nhã mà thôi.

    * Nhóm nguyên tắc bạc

    (Hay cách trở thành người thông thái, đúng đắn nhất toàn vũ trụ)

    # Nguyên tắc 15: Phô trương kiến thức

    Hãy để kẻ nhận lời đả kích phải run sợ khi biết mình thông minh và hiểu biết tới cỡ nào. Cho anh ta biết điểm IQ, SAT, TOEFL, GRE.. cao ngất trời của bạn. Cho anh ta biết bạn thuộc những nhóm bút như Bút Chì, Bút Nước hay đại loại như thế. Để đạt được hiệu quả cao nhất, hãy ném vào mặt anh ta hàng khối kiến thức về sự việc đang chỉ trích. Hãy khiến anh ta hiểu rằng những lời một người kiến thức đầy mình như bạn nói ra là chân lý.

    Nhận xét: Những người thực sự thông thái không bao giờ khoe là mình thông thái. Khả năng là anh chàng flamer này sẽ gặp phải người hiểu biết sâu hơn mình, và bốp! Bị đập bẹp.

    # Nguyên tắc 16: Sử dụng những cụm từ không quen thuộc

    Những cụm từ khó hiểu hoặc không quen thuộc làm người ta có cảm giác đối diện với một thứ gì đó rất tinh vi, phức tạp, cao cấp. Cách hay nhất là dùng từ chuyên môn hoặc tiếng nước ngoài, nhưng đừng chọn tiếng Anh, hãy dùng những thứ tiếng ít người biết hơn như tiếng Pháp, tiếng Nga. Lựa chọn hoàn hảo nhất là tiếng Latin. Những cụm từ như "ad hominem" (đánh vào tình cảm con người) hay "veni, vidi, vici" (Ta đến, ta thấy, ta chinh phục) cần phải được sử dụng càng nhiều càng tốt.

    Nhận xét: Ở mức độ vừa phải thì đây là một cách tốt để khiến những gì mình viết có vẻ "chuyên môn", nhưng sử dụng quá nhiều thì những gì bạn viết sẽ có vẻ ngớ ngẩn.

    # Nguyên tắc 17: Đòi dẫn chứng

    Trước bất cứ những gì đối phương nêu ra cũng hãy đòi dẫn chứng.

    Nhận xét: Dù đối phương có nói rằng anh ta thích văn phong của tác giả đang bị chỉ trích, nếu không có tờ báo nào, cuốn sách nào viết về sở thích của anh ta thì có nghĩa là anh ta đang nói dối. Cứ như thế thì còn ai dám đối chọi lại bạn nữa?

    * * *

    Những nguyên tắc để chỉ trích hiệu quả là như vậy. Chúng không phải là tuyệt đối, không phải cứ dùng một trong những nguyên tắc đó thì có nghĩa là bạn đang phản hồi dạng chỉ trích. Một số nguyên tắc nếu sử dụng hợp lý còn có hiệu ứng tích cực. Vậy làm thế nào để tránh vô tình phản hồi mang tính chỉ trích?

    Rất đơn giản. Hãy hiểu những nguyên tắc trên, và khi phản hồi, đừng quên thái độ lịch sự và tôn trọng.


    (Còn tiếp)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...