Review Phim Nghệ Sĩ Dương Cầm 2002

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Trúc Xanh, 14 Tháng ba 2022.

  1. Trúc Xanh

    Bài viết:
    128
    Review phim Nghệ sĩ dương cầm

    Quốc gia: Âu Mỹ

    Thể loại: Chiến tranh

    Năm phát hành: 2002

    Đạo diễn: Roman Polanski

    Diễn viên: Andrien Brody, thomas Kretschmann, Frank Finlay..


    [​IMG]

    Tôi là một cô gái thuộc thế hệ 9x đời đầu. Khi tôi sinh ra đã được sống trong tự do và độc lập, đất nước hòa bình. Có lẽ, đó là điều tốt đẹp nhất mà tôi được hưởng. Tôi vẫn thường nghe ông bà kể về những năm tháng chiến tranh và ông tôi cũng là một thương binh thời kì kháng chiến chống Pháp. Thế nhưng khi xem bộ phim Nghệ sĩ dương cầm, tôi mới gần như cảm nhận được nỗi đau chiến tranh gây ra cho con người thế nào. Những bộ phim về chiến tranh cũ thì tôi xem khi còn quá nhỏ, chưa thể hiểu và nhận thức rõ ràng được.

    Bộ phim được sản xuất vào năm 2002, đã được tròn 20 năm rồi nhưng giá trị của nó thì còn mãi cho cả đến tận sau này. Bộ phim đã được trao giải Oscar cho năm đó thì có thể hiểu bộ phim hay và có giá trị nghệ thuật thế nào. Hơn nữa, đó là một câu chuyện có thật. Phim được chuyển thể từ cuốn hồi ký của chính nghệ sĩ dương cầm người Balan đó.


    [​IMG]

    Nội dung kể về nhân vật chính là một nghệ sĩ dương cầm người Balan tài năng có tên là Szpilman. Và ông ấy là một người Do Thái. Khi đó là chiến tranh thế giới thứ hai, Balan bị xâm chiếm bởi quân đội Đức. Chúng ra sức tàn sát và đưa ra nhiều quy định quái gở, ngang ngược đối với những người Do Thái. Ví như quy định người Do Thái khi ra đường phải đeo một huy hiệu tự may ở tay, trong nhà chỉ được tích lũy 2000 đô la, còn lại thì phải đem nộp vào ngân hàng do Đức quản lý. Tiếp đó nữa là người Do Thái bị cấm vào các quán café, đi ngoài đường gặp lính Đức phải cúi đầu chào nếu không sẽ bị cho ăn bạt tai. Xuyên suốt bộ phim là những cảnh bạo lực, máu me khiến một cô gái hơn 30 tuổi như tôi có đoạn sợ hãi không cả dám xem. Phim chân thực khiến tôi cảm giác đau đớn, sợ hãi và đã khóc rất nhiều. Có lẽ, sau khi xem bộ phim này mọi người sẽ cảm thấy quý trọng phút giây được sống trong thời bình hơn. Tuy rằng phim rất chân thực nhưng có nhiều người nói nó vẫn chưa đủ khắc họa sự tàn nhẫn của chiến tranh năm đó. Vậy có thể hiểu sự khốc liệt của năm tháng đó như thế nào.

    Chiến tranh đã làm đảo lộn tất cả cuộc sống của người dân Balan nói chung và gia đình của Szpilman nói riêng. Anh đã không thể tiếp tục chơi đàn ở đài phát thanh vì đài phát thanh đã bị ném bom tan hoang. Gia đình và những người Do Thái khác thì bị đưa đến một trại tập trung. Nơi đó bị quân Đức xây tường thành bao quanh. Có thể nói họ đã bị giam cầm trong một khoảng không gian chật hẹp. Thế nhưng mất tự do vẫn chưa là gì, họ phải chiến đấu để sinh tồn với cái đói và rét. Xác chết rải đầy đường, không khí tang thương ở khắp nơi. Vào một lần đi trên đường, Szlipman đã chứng kiến một đứa trẻ chui qua lỗ tường rào để lấy thức ăn và bị quân Đức bắt được đánh chết. Anh đã cố cứu đứa trẻ nhưng không được. Nó đã tắt thở trên tay người nghệ sĩ, điều đó khiến anh đau đớn tột cùng. Anh nghĩ rồi mai đây gia đình anh sẽ còn trải qua những tháng ngày như thế nào nữa. Không lâu sau đó, quân Đức lại chọn ra những người Do Thái lên một chuyến xe lửa đến một trại tập trung mới, trong đó có cả gia đình của Szlipman. Nhưng họ lại không biết rằng đó là chuyến xe tử thần. Riêng Szlipman được một người bạn cũ giúp thoát khỏi đoàn người lên xe lửa. Anh ngơ ngác không hiểu gì, cứ chạy theo gọi bố mẹ và các em. Gia đình họ bị chia cắt từ đây. Đó là một cuộc biệt ly không hẹn ngày gặp lại. Nhớ bữa trưa hôm đó, cả nhà gom tiền vào đủ để mua một chiếc kẹo đường bé xíu. Người cha dùng dao cắt chiếc kẹo thành 6 miếng nhỏ cho mỗi người trong gia đình một miếng. Không ngờ, đó lại là bữa trưa cuối cùng họ quây quần cùng nhau. Bi thương quá!


    [​IMG]

    Tiếp sau đó là những ngày chạy trốn khắp nơi của người nghệ sĩ. Ban đầu, có bạn bè cùng giúp đỡ nên dù chạy trốn anh vẫn có chỗ để ở và có đồ ăn. Thế nhưng chiến tranh loạn lạc, bạn bè không thể đến thường xuyên đưa đồ ăn cho anh được. Anh đã phải chịu cảnh đói khổ để có thể tiếp tục sống. Rồi một lần vì bị một người bạn lừa gạt nên anh suýt mất mạng. Người bạn đó lấy danh nghĩa quyên góp cho anh nhưng lại không hề mang đồ ăn, nước uống tới tiếp tế cho anh. Có thể nói cái ác có ở khắp nơi, đôi khi là trong chính đội ngũ của quân mình, trong chính những người bạn mà ta tin tưởng. Nhưng khát khao sống mãnh liệt đã giúp anh vẫn được tiếp tục sống. Có lẽ là thêm một chút may mắn khi hai vợ chồng người bạn cũ kịp thời đến.

    Rồi một bất ngờ đến, quân người Do Thái Balan đã phản công đánh vào cơ quan của Đức. Tuy họ cuối cùng thất bại và thương vong nhưng cũng đã giáng cho quân đội Đức một đòn chí mạng. Như một cô bạn của Szlipman nói: Không ai có thể nghĩ họ có thể duy trì lâu được tới như vậy, họ đã chiến đấu anh dũng và ta có thể tự hào vì họ. Khi Szlipman nói dù sao cũng chẳng để làm gì thì cô bạn đã rất ngạc nhiên và bất ngờ trước thái độ của anh. Cô nói với anh với một giọng có chút tức giận. Rằng cuộc phản công thất bại nhưng họ đã chiến đấu hết mình với sự dũng cảm đáng kinh ngạc. Rồi đây, những người Balan, người Pháp và các nước khác cũng sẽ đứng lên chiến đấu. Không có một sự hi sinh nào gọi là vô nghĩa cả dù kết cục không được như ý, dù thương vong tới như thế nào.

    [​IMG]

    Gần kết phim là đoạn chiến tranh nổ ra gay gắt hơn. Những cuộc phản công của quân Xô Viết và các nước với nước Đức ngày càng mạnh mẽ. Trong lúc trốn chạy khắp nơi, tìm đồ ăn, nước uống để cố gắng duy trì sự sống chờ ngày chiến tranh kết thúc. Szlipman đã bất ngờ gặp một sĩ quan Đức. Anh đã rất hoảng sợ và nghĩ rằng liệu mình có chết không. Thế nhưng người sĩ quan Đức này không giống những lính Đức mà anh từng gặp. Anh ta khá nhã nhặn, không dùng súng đánh anh. Anh ta hỏi anh là ai? Làm gì ở đây? Sau khi biết Szlipman là một nghệ sĩ dương cầm thì đã yêu cầu anh đánh một bản nhạc cho anh ta nghe. Ở đó, may thay có một cây đàn dương cầm. Szlipman đắn đo mấy giây để chọn bản nhạc nào, sau nhưng giây phút bỡ ngỡ trên các phím đàn vì lâu không được chơi nhưng ngay sau đó anh đã hòa vào bản nhạc. Anh đánh nhanh thoăn thoắt, có chút điên cuồng. Tôi không rành về âm nhạc cho lắm nhưng trực giác của một cô gái tôi nghĩ bản nhạc người nghệ sĩ đó chơi đã thể hiện hết được tâm tư, nỗi lòng của anh trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc. Và tôi nghĩ người sĩ quan Đức kia cũng đã thấu hiểu được tâm tư của người nghệ sĩ qua tiếng đàn. Sau khi bản nhạc kết thúc, sĩ quan Đức đã hỏi mấy câu thế này:

    "Anh đang trốn ở đây à? Anh là người Do Thái à?"

    Lúc này, người nghệ sĩ không nói được gì chỉ gật đầu. Có lẽ, Szlipman khi đó đã có cảm giác tin tưởng người đàn ông Đức này. Những ngày sau đó, sĩ quan Đức thường đem đồ ăn đến cho Szlipman. Vào một lần tới thăm, sĩ quan Đức đã báo cho anh một tin vui rằng Xô Viết đang chiến đấu ở mọi nơi, có thể họ sắp đến được đây rồi. Rằng có thể chiến tranh sắp kết thúc. Và quả đúng như người sĩ quan Đức nói, ít lâu sau anh ta tới từ biệt Szlipman. Anh ta nói họ sắp phải rời đi nên tới chào từ biệt người nghệ sĩ và đưa cho anh ta ít đồ ăn cùng chiếc áo khoác của mình. Một đoạn thoại cũng khiến tôi ấn tượng đó là lúc họ chia tay nhau.

    "Cảm ơn anh. Tôi không biết làm thế nào để trả ơn anh."

    "Đừng cảm ơn tôi. Hãy cảm ơn Chúa. Có lẽ Chúa muốn chúng ta phải sống. Ít nhất cả hai ta nên tin vào điều đó."

    "Sau khi kết thúc chiến tranh anh sẽ làm gì?"

    "Tôi sẽ vẫn chơi dương cầm cho đài phát thanh Balan."

    "Cho tôi biết tên của anh đi. Tôi có thể đón nghe anh biểu diễn."

    "Tên tôi là Szlipman."

    Và rồi họ chia tay nhau từ đây.

    Ngày chiến thắng cuối cùng cũng tới. Chiến tranh đã kết thúc. Lính Đức đầu hàng. Trong số những tù binh của Xô Viết có người sĩ quan Đức năm đó đã cứu Szlipman. Anh ta nhờ một người bạn của Szlipman chuyển lời của mình đến cứu anh ta nhưng đã không kịp. Cuối cùng hai người không có cơ hội gặp lại nhau. Người nghệ sĩ cũng không biết tên ân nhân của mình. Sau này, tra tên trong sổ tù binh thì anh mới được biết. Rất lâu sau đó, người ta mới biết người sĩ quan Đức ấy đã cứu hơn 50 người Do Thái trong lúc chiến tranh khốc liệt. Nhưng đến sau cùng thì anh ta đã mất trong trại tù binh Xô Viết năm đó.

    Còn về người nghệ sĩ dương cầm Szlipman, sau khi hòa bình lập lại ông trở về tiếp tục chơi đàn cho đài phát thanh Balan như đã nói. Ông ấy mất vào năm 2000, hưởng thọ 88 tuổi.

    Bộ phim kết thúc có hậu nhưng vẫn có một chút tiếc nuối và đau xót. Rằng giá như có cuộc hội ngộ của người nghệ sĩ và sĩ quan Đức đó thì thật tốt. Rằng người tốt như người sĩ quan Đức nếu như được cứu sẽ thấy một kết thúc có hậu hơn. Tới tận năm 2008 thì người sĩ quan đó được truy tặng danh hiệu nhân nghĩa quốc tế. Vậy cũng coi như được an ủi nơi thiên đường xa xôi.

    Tôi nghiệm ra rằng, thực ra giữa thiện và ác ranh giới rất mong manh. Không phải bên địch thì tất cả đều là người xấu cũng có người có lòng trắc ẩn. Bởi vì đất nước, vì quốc gia gọi tên thì họ buộc phải tham chiến chứ họ cũng đâu có muốn rời xa quê hương, gia đình để vào chỗ bom đạn, sống chết trong gang tấc. Dù sao thì sau khi xem xong bộ phim này tôi chỉ mong ước trên toàn thế giới mãi về sau không có chiến tranh, tất cả người dân các nước được sống trong hòa bình, yên ổn.

     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...