Review Truyện Nghề Nào Cũng Có Trạng Nguyên - Bà Trạng Về Làng

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi ThanhHằng170204, 18 Tháng tư 2024.

  1. ThanhHằng170204

    Bài viết:
    35
    Nghề nào cũng có Trạng nguyên

    Tác giả: Tịch Quyên

    Thể loại: Nữ cải nam trang, Cổ đại, Ngôn tình

    Độ dài: 30 chương

    [​IMG]


    Mình lấy tranh vẽ một bé hoa Trạng nguyên (Nhất Phẩm Hồng) luôn á



    Ảnh: Artist La La Bố, nguồn pinterest

    Editor: Moon Đỗ

    Trích đoạn

    "- Ta là hoàng thân quốc thích."



    "- Ta là tân khoa trạng nguyên."



    "- Đúng là môn đăng hộ đối."



    "- Đúng là ông trời tác hợp."

    * * *

    Bạch Vân là một thôn dân nghèo của thôn Tiểu Quy, phía Bắc Đại Ung. Không phải nàng mà tất cả mọi người ở đây đều nghèo. Nghèo theo cái ngữ chẳng có gì bỏ bụng, tháng chẳng tắm bao lần. Phần do đất đai kém màu mỡ, phần lại ở xa kinh đô. Trước cảnh đói như thế, học thức là điều biết bao xa xỉ.

    Phụ thân của Bạch Vân là một thợ săn. Trong lần cơ duyên, ông đã cứu sống một tì nữ. Nhờ sự tận tụy chăm sóc của người thợ săn nọ, tì nữ hồi phục sức vóc của một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp. Họ phải lòng nhau và sinh ra bé gái Tiểu Vân. Nhưng gặp phải tai nạn lúc đi săn, phụ thân nàng không may phải làm mồi cho thú dữ. Từ đó, gia cảnh của hai mẹ con Bạch nương tử trở nên sa sút bần cùng.

    Do đói và thiếu nguồn nước sạch, trong Tiểu Vân gầy gò và còn có cái đầu đầu trọc để tránh chấy rận. Cô bé nhìn hệt như một tiểu đồng tử. Chính ngoại hình như thế đã khiến Hạ Nguyên hiểu lầm nàng là con trai.

    Hạ Nguyên xuất thân cao quý, hoàng thân quốc thích. Trong một chuyến du ngoạn mà phát hiện tài năng chơi cầu của Bạch Vân. Ban đầu, chàng một mực muốn Bạch Vân trở thành cầu thủ cho hoàng gia. Nhưng mẫu thân của Bạch Vân không đồng ý. Thế là, họ trở thành bằng hữu, trao đổi thư từ với nhau trong nhiều năm đến khi gặp lại lúc trường thành.

    Hạ Nguyên ra sức giúp đỡ để Bạch Vân thành tài, thi đỗ đầu trở thành Trạng Nguyên. Bất ngờ thay, huynh đệ bấy lâu nay lại là một cô gái..

    Quá trình thi cử của Bạch Vân cũng sóng gió từ đây. Cả hai nảy sinh tình cảm và cùng nhau đương đầu với khó khăn.

    * * *

    "Nghề nào cũng có Trạng nguyên" khá là thực tế. Ngoại trừ tuyến tình cảm của nam và nữ chính thì mọi chuyện xảy ra rất chân thực. Tuổi thơ của Tiểu Vân vất vả, thiếu thốn rất nhiều. Nhưng cô lại có điểm tựa tốt, là Bạch nương tử.

    Tuy bà là phụ nữ, sức vóc lại không đủ lo cho miếng ăn no đủ cho cả hai mẹ con. Nhưng bà luôn dạy dỗ Tiểu Vân kỹ càng.

    Thôn Tiểu Quy rách đói cùng cực, nên tầm nhìn của họ đôi khi bị hạn chế trong việc mưu sinh cho qua bữa. Trẻ con trong làng phải đi mót rau, củ dại trên núi. Việc thiếu thốn nguồn nước khiến chúng trong nhếch nhác và dễ bị bệnh, lại hay có chấy rận. Phụ mẫu không có sức lực để quan tâm đến chuyện như thế. Các vấn đề như tắm rửa, giặt giũ, học hành luôn được xếp sau cùng. Nhưng mẫu thân của Bạch Vân luôn xem trọng tất cả các vấn đề trên.

    Bạch nương tử vẫn thường hay dạy nàng phải tắm rửa thường xuyên. Dù nguồn nước ở xa có phần cực nhọc. Bà là một phụ nữ đẹp nhưng vẫn luôn ở góa để chờ ngày con gái khôn lớn. Một khi bà lấy chồng, tuy cuộc sống sẽ có người gánh vác nhưng số phận tiểu Vân sẽ do người phụ thân mới quyết định. Dù có bị bán đi làm nô tì, bà cũng không có quyền lên tiếng.

    Cách bà nhìn nhận cuộc sống lại lạc quan, có niềm tin vào tương lai. Lúc con gái vô tình được nhìn trúng để làm cầu thủ, bà đã suy nghĩ rất lâu. Nếu làm cầu thủ, con bà sẽ tạm thời không phải lo cơm ăn áo mặc. Nhưng đây không phải bước đi lâu dài. Cầu thủ trong thời buổi đó, chỉ được xem như mua vui cho nhà quan quý. Chỉ có thể tranh thủ tích góp ít tài sản mua nhà, trước khi lớp mới được tuyển chọn. Mà sau đó thì sau, con bà chẳng còn lại gì. Cái lợi trước mắt, Bạch nương tử lại lựa chọn cho con gái lên Chùa sinh sống. Ở đây, tiểu Vân sẽ được sư dạy cho biết đọc, biết viết lại có thể giúp việc có cái ăn. Bà luôn hy vọng con có được cuộc sống tốt hơn trên một nền tảng thực sự vững chắc.

    "Quay lại chuyện đi học đi! Nếu con có sức, cùng lắm có thể cày bừa thêm vài mẫu ruộng; nhưng nếu con có kiến thức, con có thể làm được rất nhiều."

    Nhưng trong hoàn cảnh như thế, tiểu Vân còn nhỏ sẽ không thể thấy được tầm nhìn xa như thế. Nàng từng muốn đi theo những ngã rẽ để có miếng cơm manh áo. Hàng xóm luôn lời ra tiếng vào nhà họ Bạch. Ai cũng nghèo đói, nhà họ lại tắm rửa hằng ngày, lại mong cầu học chữ. Họ khinh bỉ Bạch nương tử làm cao không đi thêm bước nữa. Không ai, hiểu cho bà.

    Nhưng sau được dạy học, Bạch Vân dần hiểu ra suy nghĩ của mẫu thân. Nàng thấy được nhiều điều từ sách vở. Nàng có thể biết những nơi nàng chưa đến, nàng thấy những việc lạ trên đời. Bạch Vân vừa chăm chỉ lao động, vừa đọc sách viết chữ. Cùng sự giúp đỡ của Hạ Nguyên, đến một ngày nàng thực sự đi theo nguyện vọng của mẫu thân.

    "Nghề nào cũng có Trạng nguyên" là một cái tên hay. Như Bạch nương tử, bà ấy đã là Trạng trong "nghề làm mẫu thân".

    "- Con không làm được trạng nguyên nhưng sau này con có thể làm mẫu thân của trạng nguyên, để nhi tử của con kiếm cho con một lệnh phong, được triều đình nuôi dưỡng, được người đời tôn kính. Phụ thân con ấy, chí khí lớn, lúc con chưa ra đời đã nghĩ đến việc tích góp tiền cho con sau này đi học, nói là dù không phải nhi tử cũng có thể học văn biết chữ, sau này dạy cho đệ đệ. Sau khi con ra đời, phụ thân con nói, khuê nữ này tướng tá thông minh, nhất định phải cho con đi học, sau này gả vào một gia đình tốt, dạy dỗ ra một đại trạng nguyên. Hiện tại mặc dù mẫu thân không có tiền cho con đến học đường nhưng sẽ cố hết sức để con học được nhiều kiến thức."

    * * *

    Nữ chính có chính kiến riêng, suy nghĩ độc lập rõ ràng. Nàng ấy sẽ kiên định vì ước mơ của mình.

    Chịu sự ảnh hưởng từ gia đình, Bạch Vân lớn lên kiên định, có chí hướng và luôn bĩnh tĩnh trước mọi biến cố xảy đến. Dù là khi nàng bị phát hiện là nữ, hay khi không được mẫu thân cho phép đi thi Trạng nguyên, Bạch Vân luôn từ tốn đối mặt. Tính cách của nàng lại trầm tĩnh, nhưng lời nói ra lại vô cùng vững vàng.

    Nữ chính là người nhanh nhạy, lại chăm chỉ đèn sách, là người đi lên từ bao đói nghèo. Cách nhìn nhận cuộc đời được thừa hưởng từ mẫu thân nên có thể bị xem là "khác lạ" ở Thôn Tiểu Quy. Có lúc, nàng lợi dụng sự giúp đỡ của nam chính Hạ Nguyên để có thể thi cử tốt hơn. Nhưng cùng lắm chỉ là sự "tiếp tế" về kiến thức, do quê hương nàng không thể đủ đầy sách vở như ở kinh đô. Việc này khiến sức cạnh tranh của nàng cùng các sĩ tử khác bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng nàng sẽ không giấu cho riêng mình mà còn giúp đỡ cho sĩ tử cùng quê khác.

    Về phần Hạ Nguyên, chàng ta là người hiểu biết lễ nghĩa, xem trọng nhân tài. Chàng ra sức giúp đỡ bạn đi thi, và cũng đồng cảm với hoàn cảnh của Bạch Vân. Một người sống trong nhung lụa từ bé lại có được sự cảm thông như thế, thật đáng khâm phục. Sau biết nàng là nữ, lao đã phóng đi rồi, chàng đành giúp đỡ nàng thi cử thật tốt.

    Đây là một bộ xây dựng nhân vật rất tốt từ tính cách và cách thể hiện tính cách ra bên ngoài.

    * * *

    Cách xây dựng cốt truyện khá mượt. Tuy nhiên, mình cảm thấy khá cụt vì nữ chính bị lộ thân phận nữ nhi với nam chính khá sớm. Phần phía sau bị pha khá nhiều tình cảm nam nữ, khiến mình đọc cảm giác hơi bị xen ngang mạch truyện. Mình lại khá mong đợi một bộ nữ chính vượt thác hóa rồng, quá trình gian nan thử thách. Sau đó lại có triều đấu hách não. Nên việc có nhiều tình tiết tình cảm khiến mình trừ điểm cho bộ này.

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết hôm nay. Mong các bạn cũng sẽ kiên định vì ước muốn của bản thân nha.


    Người viết: Moon Đỗ
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...