Trong bản thân mỗi con người, ai cũng có những góc khuất lặng lẽ mà người khác không dễ nhìn ra. Trong mỗi ngành nghề cũng tương tự, có những sự hy sinh thầm lặng, mà sự hy sinh đó người khác chưa chắc đã biết đã hiểu. Mọi người thường ví "ngành y như những thiên thần áo trắng" nhưng với tôi, tôi lại có những suy nghĩ khác. Phàm là con người thì không thể là thần tiên, con người chỉ là con và người thôi. Khi phần "người" nổi lên ta ví như thiên thần nhưng khi phần "con" thắng thế thì ta gọi là gì? Với tôi, ngành y được ví như "những chiến sĩ lặng thầm", những chiến sĩ không xông pha bom đạn nhưng phải chống lại những cái to lớn, vô hình mà không chùn bước, cái gọi là bệnh tật, cái gọi là tử thần. Ảnh minh họa Những chiến sĩ để bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương không ngại hy sinh thân mình. Và cũng có những con người hy sinh một cách thầm lặng như nghiên cứu làm sao cho ra các loại vaccine, các loại thuốc đặc trị. Họ có được những gì ngoài sự hy sinh. Hy sinh tuổi xuân để cống hiến cho y học, cứ mãi miết ngồi phân tích các con số, các mẫu nghiên cứu. Ngoài kia bạn bè tung tăng vui chơi, mua sắm, du lịch thì ở đây hai con mắt vẫn mãi miết tập trung trên những chiếc kính hiển vi để quan sát, phân tích đánh giá. Có khi còn chưa kịp lập gia đình thì thấy mình đã già nua từ khi nào. Hy sinh bản thân để ngày đêm nghiên cứu, những đêm dài không ngủ với ca trực hay những ngày chạy rã chân với những ca cấp cứu mà không kịp nhìn lại mình cũng đang bị thương. Hy sinh gia đình, bạn có Tết không? Bạn có muốn gia đình quay quần bên nhau trong những ngày đầu năm không? Nhưng ở đây, các "chiến sĩ thầm lặng" vẫn phải rời xa gia đình vì những đêm trực, ngày trực hay những ca mổ cấp cứu.. nhưng nụ cười vẫn nở trên môi khi giúp được người khác, khi kéo dài sự sống cho người bệnh hay cấp cứu thành công.. Niềm vui của "người chiến sĩ thầm lặng" chỉ trọn vẹn khi được gia đình và đồng nghiệp và bệnh nhân đồng cảm, sẻ chia. Đó là động lực để "chiến sĩ thầm lặng" không chùn bước trước khó khăn và thử thách của nghề.