Truyện Ngắn Ngàn Năm Bóng Khói Trong Sương Mãi - Bách Tuế Miêu

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Bách Tuế Miêu, 8 Tháng hai 2022.

  1. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222
    [​IMG]

    Ngàn năm bóng khói trong sương mãi

    Tác giả: Bách Tuế Miêu

    Thể loại: Truyện ngắn

    Trời hửng nắng, trên cái phố huyện đông đúc người qua kẻ lại, anh Năm Hường chạy cái xe lôi đạp lọc cà lọc cọc trên đường. Lúc đi qua chợ anh tranh thủ ngó cô Hai rồi nhe hàm răng trắng bóc ra cười một cái, xong mới chịu đi.

    Cô Hai bán đồ hàng bông trong chợ, hổng đẹp, được cái.. nổi tiếng dữ dằn. Hồi năm trước có ông chủ tiệm vàng nhắm cô cho con trai ổng. Anh con trai đang học trên tỉnh, bị cha kêu về để coi mắt, ảnh cũng ngoan ngoãn khăn gối về cho vừa lòng đẹp ý song thân.

    Trước khi đem trầu rượu qua nhà nói chuyện thì ông cha có kêu thằng con mình ra chợ, ngồi bên quán chè của bà Tám rồi ngó ra cô Hai bán rau bên kia đường.

    Ngờ đâu hôm đó, cô Hai đang bán thì có thằng say rượu lè nhè tới phá. Cổ tức quá, cổ đá bay hết rổ rá chén bát, lá chuối lá tre không xót lại cái nào, rồi cổ giãy đành đạch lên, sỉ mặt thằng say mà chửi, tiện tay còn vơ luôn cái đòn gánh thiếu điều muốn bửa người ta ra làm đôi.

    Người trong chợ sợ quá, xúm nhau vô cản nên thằng say rượu mới cón "toàn mạng" mà về.

    Anh con chủ tiệm vàng mặt mày xanh lơ xanh lét chạy về khóc với cha, nói ông mà cưới cô Hai cho ảnh, ảnh cạo đầu ảnh đi tu luôn cho ông vừa lòng.

    Ông cha chiều ý con, đành bỏ qua hỏi đám khác. Cũng từ đó mà cái danh cô Hai trong chợ vang như sấm đánh, không ai dám ló mặt thử đòn.

    Vậy mà anh Năm đi lính về ảnh cứ.. Ừ! Cứ nhìn cô Hai cười cười.

    Ảnh hồi trước theo học trường Tây đàng hoàng, vì nhà cửa sa sút mới phải nghỉ. Chuyển qua đạp xe lôi thuê cho người ta để kiếm sống. Nhìn cục mịch vậy, chớ văn chương chữ nghĩa, một bụng một bồ, muốn hỏi văn tây văn đông, cái gì ảnh cũng biết.

    Hồi đó cô Hai còn đi học, cổ học hết lớp mười hai, học tiếp lên cao đẳng sư phạm.

    Nhớ cái hồi cổ mười sáu mười bảy, con trai theo nhiều, vậy mà hay tin cổ học lên cao, ai nấy cũng chạy hết. Ờ, thì nghe nói con gái học cao khó dạy khó bảo, nói một nó cãi hai, ai mà chịu được.

    Ngày cổ lên tỉnh học, anh Năm lạch cạch đạp xe lôi tới, ảnh móc trong túi ra một cọc tiền giấy đỏ giấy nâu, cười cười gãi đầu, nói:

    - Chở đồ hàng bông mướn, dành dụm mấy bữa, em cầm theo có mà xài.

    Nói xong ảnh lại gồng lưng đạp xe đi, cô Hai ngó theo mà nước mắt cứ rưng rưng. Hơn năm sau cô Hai đổ bệnh, cổ không học nổi ra trường, ngày cổ được đưa vô nằm nhà thương, anh Năm cũng đi theo trông chừng nuôi bệnh.

    Sáu tháng.

    Vẫn mấy đồng bạc lẻ, vẫn cái xe lôi cũ lèm nhèm. Ảnh chở cô về lại phố huyện. Hai người cứ vậy, xoay đi xoay lại, ảnh nói, ờ.. ảnh nói: "Anh thương em như em gái anh."

    Cô Hai cúi mặt, cổ không biết đáp lại như thế nào, chỉ có thể nhẹ nhàng gật đầu, tránh đi bàn tay thô ráp muốn đặt lên xoa tóc mình rồi ôm cái túi đệm lủi thẳng vô nhà.

    Anh Năm đứng ngó theo, cũng không biết bản thân đã nói gì không phải.

    Rồi anh Năm Hường cưới vợ, con gái một nhà buôn trong vùng.

    Nhà cổ bán thịt heo, lại không có con trai, nên anh Năm cũng theo về làm rể. Anh đối với cô Hai vẫn như trước, vẫn sáng trong như nước chứa trong lu, chỉ khác ở chỗ, là trong cuộc đời anh đã có thêm bóng dáng một người mà cô Hai gọi là "chị Năm".

    Bởi có chị Năm, nên cô Hai cũng không dám tự nhiên cười nhăn răng với anh Năm như trước, đổi lại là dè dặt, là né đông né tây. Bởi má nói với cô, "người ta có vợ có chồng, mày không có lòng thì đừng có xía vô". Cô gật đầu cái rụp, từ đó né anh Năm như né tà.

    Mấy năm sau cô Hai cũng lấy chồng, lấy bộ đội vừa đi đánh trận xa về. Rồi từ đó, hai người chim cá bặt tin.

    Cưới vợ sáu năm, Năm Hường bắt đầu uống rượu. Mỗi một cơn say mèm, anh lại viết mấy bài thơ. Viết gì? Phận đàn ông như chó chui gầm chạn? Chán ngán vợ già say bóng giai nhân? Không! Ảnh viết về nỗi buồn cuộc đời mình, viết về tâm sự của thằng đàn ông nuôi heo không nỡ bán, bất lực khóc ròng khi nghe tiếng tụi nó bị chọc tiết giữa đêm, viết về tiếng chì chiết đay nghiến thằng chồng vô dụng mỗi khi chị Năm mệt mỏi vì phải gồng gánh cả một gia đình.

    Biết sao được, anh là một kẻ có tâm hồn nghệ sĩ, thích thơ ca, thích văn từ, muối thịt cá rau, với anh chỉ là mấy vật ngoài thân tạm bợ. Vợ anh lại không biết chữ, chỉ biết áo cơm, tiền gạo, chỉ biết đám con léo nhéo tranh nhau từng cái bánh bộ đồ, chỉ biết cha mẹ già nay ốm may đau. Hai người vợ chồng của nhau, nhưng chuyện ai thì người nấy biết.

    Anh có thương vợ không?

    Có chớ, thương chỉ một nắng hai sương tảo tần sớm tối, thương chỉ đương thời xuân sắc lại bị mẹ cha ép gả cho một thằng học trò "dài lưng tốn vải" chỉ biết bâng quơ nhìn lá rơi rồi khóc thương cho sự chóng vánh của cuộc đời. Nhưng chưa kịp cảm thán xong xuôi thì một nhát chổi cau quơ ào cuốn luôn nguồn cảm hứng của anh vào đống rác.

    Giỗ cha, anh mời mấy người bạn phường thơ đến nhà lai rai mấy chén, tiện thể gõ nhịp ngâm vần đối đáp đôi câu.

    Khi rượu thơ đi đến chỗ cao, chị Năm khóc lóc, bất ngờ chạy ra hất đổ mâm cơm, bạn bè thân hữu với anh Năm đang ngồi, lúc này đưa mắt nhìn nhau không nói được lời nào, cũng lần lượt đứng dậy đi về. Chuyện nhà người ta, đâu có ai quản được.

    - Mày đã ăn không, còn trộm tiền tao đi uống rượu. Hường ơi là Hường, mày là người hay súc vật?

    - Mình nói cái gì mà tui không có hiểu?

    Anh Năm lắc đầu, điềm đạm ngồi xuống gom chén dĩa nồi niêu nằm lăn lóc trên sân, giọng nói không nghe ra mừng giận. Có trời mới biết lòng ảnh đang nghĩ cái chuyện gì. Chị Năm sỉ mặt ảnh mà quát lên:

    - Tiền tao để trong tủ, mày không lấy thì ai?

    - Tui không có! Mình đừng có nói bậy!

    - Tao nói bậy? Không phải mày thì ai? Hường ơi là Hường?

    Chị Năm giãy nãy kêu khóc, cũng không để ý là ông chồng của mình khóe mắt đã đỏ hoe. Bao năm "ăn chực uống chùa" trong cái nhà này, bây giờ cũng tới cái lúc anh trở thành thằng ăn cắp trong mắt của vợ mình. Nhục. Để đâu cho hết? Giọng anh nghèn nghẹn, cũng không muốn đáp lại lời mình, lầm lủi bưng cái mâm chén đi ra nhà sau, bỏ lại vợ mình đứng đó mắng chồng xa xả.

    Cưới vợ tám năm, Năm Hường biến thành cái hũ chìm. Thi hữu văn bằng đâu còn ai dám tới, người dám mặt dày uống rượu với anh chỉ có mấy thằng lưu linh vì rượu vì mồi mà trơ mặt với người đời nóng lạnh. Chị Năm hất đổ mâm, mỗi người bưng một cái chén một cái chai, lại lăn ra sàn uống tiếp. Chị Năm lấy chổi mà quét, cả bọn lại hè hè cười nói ôm rượu ôm mồi chui vô bụi chuối sau hè ngả nghiêng ngả ngửa mà chén tạc chén thù.

    Lóc cóc lóc cóc leng keng,

    Mấy thằng uống rượu trời khen quá chừng.

    Từng tưng tứng tưng tưng từng,

    Một li cũng mừng một vại càng vui..

    Nhiều hôm người ta thấy anh Năm bị vợ ném hết quần áo ra khỏi nhà, chẳng những không giận còn cười hềnh hệch lảo đảo đi ra sau hè vừa cầm chai rượu vừa ôm gốc chuối vừa hát vừa hò, uống đến lăn quay thì mấy đứa con lại hè nhau khiên cha vô nhà nghỉ. Ngó cái cảnh này thì ai cũng chỉ biết lắc đầu chớ còn nói được cái gì nữa đâu?

    Mấy năm sau, cô Hai ẵm con về thăm quê, nghe bà con xóm giềng nói là anh Năm bệnh nặng, cái bụng trướng lên "như đàn bà chửa sáu bảy tháng tròn", theo như lời mấy ông "đốc-tờ" trên tỉnh, thì tám phần Năm Hường bị bệnh do uống rượu "quá trời".

    Cổ nghe xong chỉ biết thở dài, gửi con cho má rồi xách một con gà ra đầu ngõ ngoắc ngoắc chiếc xe lôi đạp, trưa nắng chang chang mặc bộ bà ba áo tím quần đen che nghiêng cái nón lá leo lên xe đi tới nhà vợ chồng Năm Hường.

    Đường xá vắng tanh vắng ngắt, chợ trưa đã vãng từ lâu, mà một người đàn bà mang vẻ mặt khắc khổ, mặc bộ đồ tối màu, tóc tai rối bời vẫn còn loay hoay nhoài người lau dọn mấy vết đỏ đỏ hồng hồng trên sạp hàng của mình. Cô Hai nhác thấy người ấy từ xa, hít một hơi sâu rồi vẩy cái nón lá, cất tiếng gọi với:

    - Chị Năm! Chị Năm!

    Vợ Năm Hường nghe tiếng gọi, ngẩng mặt ngó ra đường, nheo mắt hồi lâu vẫn chưa nhận ra người nọ là ai.

    - Hai Ngà, em Hai Ngà nè chị! Chị xong chưa? Lên xe về chung cho đỡ mỏi.

    Chị Năm à một tiếng, chợt nhớ đến đứa em gái kết nghĩa mà quanh năm suốt tháng chị nghe được trong miệng chồng mình. Hồi mới cưới chị có gặp qua cô Hai Ngà vài lần, tuổi hai người cũng không xê xích bao nhiêu, mà bây giờ người ta tóc đen da trắng, còn mình tóc đã hoa râm. Không biết cơn ghen tức từ đâu bốc lên trong ngực chị, giọng nói cũng theo đó mà gắt gỏng mấy phần.

    - Hai Ngà nào? Tui không có nhớ! Nếu xe sẵn đường thì tui quá giang, tiền bạc chia đôi.

    Cô Hai chưng hửng, rồi cũng cười cười, nhích qua một bên nhường chỗ cho vợ anh Năm và mớ đồ đạc lỉnh kỉnh vẫn còn bốc lên cái mùi tanh tanh cố hữu.

    Hai người bước xuống trước cánh cổng sắt đen cao hơn thước, bên trong nhà ngói tường sơn, ngó qua thì cũng là một gia đình có của ăn của để. Cô Hai không ngại bẩn tay, tay xách nách mang phụ chị Năm mớ đồ đạc vừa đem về từ chợ. Đi chưa được mấy bước thì một bóng dáng tám phần lạ hai phần quen lù lù xuất hiện.

    Người đàn ông vẻ ngoài hơn năm mươi tuổi, chân tay gầy guộc, bụng cao hơn mũi, tóc đã bạc đến mai nằm dài trên cái ghế bố sưởi nắng trước hiên nhà, người đã rệu rã duy chỉ có ánh mắt như cũ vẫn sáng vẫn trong. Cô Hai rưng rưng mắt, cổ không dám tin, quay qua hỏi người đàn bà biểu tình lạnh nhạt đi song song bên cạnh mình:

    - Chị! Anh Năm đó hả chị?

    - Chớ còn ai? Có quen không? Không quen thì chắc lộn nhà rồi!

    Hai Ngà giả bộ không nghe mấy lời xốc xỉa của vợ anh Năm, tiện tay đưa con gà cho mấy đứa nhỏ chạy từ trong nhà ra, gật đầu xin phép chỉ rồi chậm rãi đi về hướng đó. Tiếng guốc mộc khua lộc cộc trên cái nền nhà lát bằng gạch Tàu rốt cuộc cũng đã đánh động đến người đang nằm. Ánh mắt xa xăm thu lại, nhìn về hướng người đang đến, trong một phút giây ngắn ngủi, dường như nó đã sáng lên.

    Năm Hường cố kéo miệng cười lên một chút, đó là nụ cười hiếm hoi nhiều năm qua vợ con ông không có thấy, chỉ thoáng qua trong chớp mắt lại làm cho vợ anh cay đắng bội phần. Chị Năm cắn môi, nuốt lời muốn nói vô bụng rồi hậm hực đẩy mấy đứa nhỏ vào trong nhà.

    Một giọng nói thều thào khác xa thanh âm trầm ấm mà cô Hai đã nghe suốt cả thời thiếu nữ cất lên:

    - Ngà hả? Về lâu chưa?

    Hai Ngà cười gật đầu, chậm rãi đáp lời, cố ý tránh đi mấy câu hỏi han về chồng con. Cổ lấy chồng xa, nhiều năm qua cũng không hạnh phúc. Nhưng nỗi bất hạnh này chỉ có thể ôm một mình, đâu dám hé môi với ai nửa lời gì. Ánh mắt người thiếu phụ vô tình chạm đến gương mặt tái mét, hốc mắt trũng sâu không còn chút sinh khí náo thì không giấu nổi tiếng thở dài.

    - Em nghe nói là anh không uống thuốc, sao vậy?

    - Hà! Chuyện nói ra thì dài, nhiều lần, anh nghĩ.. Nếu ngày xưa.. Anh can đảm một chút..

    Năm Hường nhấc chai rượu bên cạnh lên định làm một ngụm, nhưng nghĩ thế nào lại để xuống một bên, cái miệng nhợt nhạt thều thào nhắc lại chuyện cũ, hai người nhắm mắt nhớ lại thời tuổi trẻ đã sớm qua, mới đó mà như đã mấy đời. Ngày xưa.. Giờ đã xa, xa dữ lắm, giờ này biết ra, cũng đâu có thể thay đổi được cái gì.

    Cô Hai không ở lại dùng cơm, chào vợ con anh Năm rồi ra xe đi về. Cổ nghe đâu, Năm Hường đã thôi không uống rượu, thuốc Tây thuốc Tàu cũng uống không kiêng không cử thứ gì.

    - Chắc nó ngộ ra rồi, giận thì giận, vợ chồng với nhau mà, trẻ quá mà chết rồi vợ để cho ai?

    Người ở chợ cười cười, đùa trêu chị Năm mấy câu, nhưng thấy sắc mặt chỉ sa sầm cũng không còn ai dám hé răng bàn tán.

    Lại qua ba tháng, trong cái lạnh se se của những ngày tháng chạp giáp tết, anh Năm từ giã cõi trần. Cô Hai hôm trước hay tin thì hôm sau đã thấy đoàn đưa ma ò e tiếng đàn cò hướng ra nghĩa địa, mà cái người trong tấm ảnh mà mấy đứa nhỏ ôm đi đầu, còn xa lạ gì nữa đâu?

    Hai Ngà vội vội vàng vàng dùng tay cào cào mớ tóc, xỏ đôi guốc mộc rồi đội đón lá chạy bộ theo sau. Đoàn người đi vào nghĩa trang, lao nhao dừng lại trước một cái huyệt đã đào sẵn chỉnh tề, lúc hạ quan mới hay là hố dài không đủ.

    - Thằng nào đào mà kì vậy? Rồi giờ sao?

    - Lấy xẻng! Đào thêm!

    - Ê ê! Không có được..

    Tiếng ồn ào bàn tán lấn át cả tiếng khóc tỉ tê của mấy đứa nhỏ vừa mất cha. Ánh mắt tụi nó hoảng hốt nhìn người lớn cãi vã, chửi rủa nhau vì cái mồ cha tụi nó. Cuối cùng một ông bạn nhậu của Năm Hường chậc lưỡi vác xẻng nhảy xuống hố, đào rộng thêm mấy tấc.

    Đào huyệt lưng chừng, người đào thêm tất chết – là điều mà các cụ truyền dạy xưa nay. Trong ánh mắt ái ngại của mọi người, áo quan rốt cuộc đã được đưa xuống bên dưới.

    - Động quan bất lợi, người nằm xuống tất hóa yêu ma. Đi kiếm bốn cọc gỗ dâu, yểm lại, chớ không nhà khỏi mần ăn gì được! Nhanh đi!

    Một người đàn ông trung niên bệ vệ đứng ra cao giọng, người nhà vợ anh Năm lập tức chạy đi tìm, một cái đám ma cũng vì vậy mà bát nháo hết lên. Hai Ngà nép sau gốc cây nghẹn ngào, miệng lắp bắp nói chỉ đủ cho bản thân nghe rõ:

    - Anh Năm! Anh theo em về! Ở đây người ta đóng cọc, đau lắm!

    Cổ nói xong len lén đến rút một cành trên tràng hoa, rồi lấy nón lá cẩn thận che chắn cho nó, mím môi âm thầm chạy khỏi nghĩa trang. Trời cuối năm bất chợt đổ một cơn mưa rả rích, không đủ ướt người nhưng thấm đẫm vành nón lá của cô Hai..

    Giỗ thứ ba của anh Năm, Hai Ngà dắt theo đứa con út đến nhà thắp cho anh một nén nhang. Chị Năm nhìn cổ, ánh mắt của người đàn bà góa chồng lúc này cũng đã dịu đi mấy phần.

    - Anh Hường còn giữ mấy bài thơ, nay ảnh cũng mất rồi, chị giữ lại cũng không làm gì, thôi thì tặng em làm kỉ niệm.

    Cô Hai gật đầu rồi ẵm con theo vợ anh Năm đi vào trong phòng, im lặng nhìn chỉ lục lọi bên trong cái tủ sắt dày cộm muốn mở phải lăn qua lăn lại cái khóa năm sáu lần.

    - Đây..

    Mấy tiếng loạt xoạt thật khẽ vang lên giữa căn phòng lạnh tanh chỉ có hai người đàn bà và một đứa trẻ. Một quyển sách ảnh theo đống giấy tờ bên trong bị kéo tuột ra rồi rơi xoạch xuống đất, mấy xấp tiền giấy nằm im ỉm bên trong cũng theo đó mà tuông đầy ra sàn.

    Chị Năm chết lặng, bàn tay nhăn nheo lẩy bẩy nhặt lên từng lá tiền.

    Một tờ, hai tờ, ba tờ..

    - Vừa đủ.. Vừa đủ..

    Vừa đủ số tiền mà năm đó chị đã vu cho anh Năm. Trong phút chốc chị nhớ ra.. Là chị, là chị đã bỏ tiền vào sách ảnh cưới của hai vợ chồng, vậy mà.. Chị lại nhớ ánh mắt chồng nhìn mình năm đó, đau đớn và day dứt biết chừng nào.. Vợ anh Năm ôm chầm lấy cô Hai rồi òa lên khóc, từng giọt từng giọt thổn thức nối tiếp nhau như cơn mưa rả rích ngày tiễn anh đi.

    Khóe mắt cô Hai cay xè, lẩm nhẩm đọc mấy câu cô vừa nhác thấy trên tờ giấy đã ố vàng:

    Ngàn năm bóng khói trong sương mãi

    Sợi ngắn sợi dài sợi tóc mai

    Khói trắng quẩn quanh làn sương mỏng

    Quyến luyến nhau thêm nỗi đau dài..


    _______________________HẾT_____________________
     
  2. Bán Nguyệt Vẫn một mình làm bạn với cô đơn...

    Bài viết:
    232
  3. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222
    Cám ơn Nguyệt nha ^^
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...