Tản Văn Nếu Chỉ Vì Những Điều Đó Mà Bỏ Rơi Người Khác, Rốt Cuộc Sẽ Sống Với Ai?

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Cỏ Orient, 22 Tháng mười một 2022.

  1. Cỏ Orient

    Bài viết:
    49
    Nếu chỉ vì những điều đó mà bỏ rơi người khác, rốt cuộc sẽ sống với ai?

    Tác giả: Cỏ Orient

    Thể loại: Tản văn

    [​IMG]

    Có một lần khi xem phim Startup, nhân vật bà ngoại đã nói với cô cháu rằng: "Bây giờ bà đã già rồi, không thể vì cái này, cái kia mà bỏ rơi người khác được. Cứ như thế thì cuối cùng sẽ sống với ai?" Đó là câu trả lời của bà khi cho cô con dâu đã từng bỏ rơi con ruột của mình vào ở chung nhà. Khi cô cháu gái thắc mắc rằng, với tất cả những điều nhẫn tâm mẹ cô đã làm, tại sao bà lại cho phép người đó vào ở chung nhà? Tại sao có thể dễ dàng chấp nhận và bỏ qua lỗi lầm của người đó như thế?

    Câu chuyện này khiến tôi mãi day dứt về những lần chia tay người yêu. Thật ra, những lý do tôi lựa chọn rời đi, lại rất trẻ con và ngốc nghếch. Chỉ vì người ta không thể cho tôi được làm những điều mình muốn, không đi chơi với tôi những lúc tôi cần hay sát cánh bên tôi mỗi khi tôi đau bệnh, mà tôi lựa chọn từ bỏ anh. Có lẽ, sau này, rất nhiều năm, suy nghĩ về mối tình cảm mà chúng tôi đã có, những lựa chọn rời đi, chỉ vì những khuyết điểm bé tẹo teo của người đó, vẫn là điều tôi cảm thấy ngớ ngẩn nhất.

    Nhìn về những cuộc hôn nhân bên cạnh tôi, luôn có hàng tỉ cuộc cãi vã và tranh luận nảy lửa, thậm chí xô xát. Nhưng rốt cuộc, người lựa chọn ở lại, tiếp tục cố gắng vun đắp mối tình ấy, vẫn khiến tôi cảm phục nhất. Thật ra, không có bạn đời nào là hoàn hảo. Suy cho cùng, vẫn là làm sao hòa hợp, chấp nhận những khuyết điểm của người đó và sống chung với nó. Thế nhưng, tôi đã chẳng học được điều đó sớm hơn.

    "Người phù hợp với ta nhất không phải là người đáp ứng mọi thị hiếu của ta (người như thế không tồn tại), mà là người có thể dung hòa được những khác biệt trong thị hiếu của hai bên một cách khéo léo - người có thể kiểm soát được những bất đồng. Thay vì ý tưởng về những mảnh ghép hoàn hảo, khả năng chịu đựng những khác biệt với tấm lòng bao dung mới chính là dấu hiệu đích thực của ứng viên" không vượt quá mức sai lầm ". Sự hòa hợp là trái ngọt của yêu thương chứ không phải là điều kiện cho nó. Chúng ta phải học cách thích nghi với" sự méo mó ", không ngừng nỗ lực đặt bản thân vào vị thế bao dung, lạc quan, nhân hậu hơn để nhìn nhận các hình thái đa dạng của" sự méo mó "hiện diện trong chính chúng ta và trong người bạn đời của chúng ta", Alain de Botton viết.

    Những lời này của tác giả khiến tôi cảm giác như mình vừa bị tạt gáo nước lạnh vào người. Hóa ra đó giờ tôi luôn trông chờ sẽ tìm kiếm một người không có A, B, C mà chẳng bao giờ nghĩ sẽ học cách chấp nhận những khuyết điểm của người khác. Tôi từng có khoảng thời gian không thể nói chuyện với ba nửa câu vì bất đồng quan điểm trong mọi thứ. Tôi cũng từng nghĩ, sẽ không về nhà ở nữa vì không thể sống chung với ông được. Thế nhưng, tôi nhận ra, bản thân thật ngu ngốc khi lựa chọn rời bỏ người đã từng nuôi dưỡng chỉ vì một vài tính cách hay quan điểm không vừa lòng kia. Tất cả điều đó, chẳng qua là những thứ của người đó. Không lẽ, tôi lại lựa chọn rời bỏ người thân chỉ vì các tủn mủn, vụn vặt kia sao?

    Càng sống gần gũi với người thân gia đình, tôi nhận ra, mỗi ngày, giữa ba mẹ tôi vẫn luôn có những bất đồng quan điểm sống. Nhưng thay vì lựa chọn rời bỏ, họ tìm cách xả những bực xúc, khó chịu rồi hục hặc vài ngày. Và mọi chuyện cũng im ắng và trôi vào dĩ vãng. Ngày hôm sau, tôi lại nghe mẹ kể chuyện với ba vui vẻ trên bàn ăn.

    Vậy nên, dẫu thế nào, tôi vẫn mong rằng, bản thân không vì những điều vụn vặt nhỏ bé của người khác mà nhanh chóng rời đi như xưa nữa. Dẫu rằng, đôi khi không phải ai là người hoàn toàn xấu hoặc tốt xung quanh. Nhưng cứ mãi gợn đục khơi trong, tìm kiếm lỗi sai của người khác rồi từ bỏ họ ra khỏi vòng tròn bạn bè, cuối cùng sẽ ở với ai?

    (Hết)
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng mười một 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...