Nét đẹp văn hóa tết cổ truyền, giới thiệu tết cổ truyền Việt Nam

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Bạch Tích, 1 Tháng một 2019.

  1. Bạch Tích Bạch Tích có ích nhất diễn đàn :>

    Bài viết:
    22
    Cung chúc tân niên một chữ nhàn.

    Chúc mừng gia quyến đặng bình an

    Tân niên đem lại niềm Hạnh Phúc.

    Xuân đến rồi hưởng trọn niềm vui.

    Lịch sử Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, lại tiếp tục trải qua mấy mươi năm hội nhập, đổi mới. Ấy thế mà có những nét đẹp, những phong tục, những truyền thống vẫn luôn được gìn giữ và phát huy xuyên suốt chiều dài lịch sử Tổ quốc. Trong đó, những nét đẹp văn hóa trong dịp Tết Nguyên Đán luôn được các thế hệ con cháu muôn đời trân trọng, và ngày nay, những nét đẹp đó càng trở nên văn minh hơn khi được khéo léo kết hợp với lối sống hiện đại.

    1. Dựng Cây Nêu


    Cây nêu được dựng với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết, nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Tuy nhiên, theo thời gian, theo địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn.

    Ngày xưa, cây nêu là biểu tượng cho sự uy quyền, nhà nào có quyền thế nhất là nhà đó có cây nêu cao nhất. Hiện nay, phong tục trồng cây nêu ngày tết đã dần mất đi trong cộng đồng người Việt thời hiện đại, và được thay thế với tục chơi cành hoa đào, hoa mai ngày tết, bày trong nhà. Cây nêu chỉ còn bắt gặp lác đác tại một số vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng thượng du Bắc bộ hay Tây Nguyên.

    [​IMG]

    2. Tiễn Ông Táo Về Trời


    Người Việt Nam quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.

    Lễ cúng tiễn đưa Ông Táo chầu Trời được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, vì đầu ngày 23 tháng Chạp Ông Táo đã chầu Trời, nếu để sang ngày 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối.. để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

    [​IMG]

    3. Gói Bánh Chưng, Bánh Tét


    Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giày, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu xanh lá cây hình vuông được coi là đặc trưng cho đất trong tín ngưỡng của người Việt cổ và các dân tộc khác trong khu vực châu Á. Bánh chưng nguyên thủy có hình tròn và dài, giống như bánh tét, đồng thời bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho nam và nữ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam bánh tét thay thế vị trí của bánh chưng vào các dịp Tết trong cộng đồng người Việt

    Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt mỗi dịp tết đến xuân về.

    Khi đến tết người dân Việt Nam tặng bánh chưng thì người Việt có lệ tặng một cặp bánh chứ không tặng một cái lẻ.

    [​IMG]

    4. Chưng Mâm Ngũ Quả

    Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có năm thứ quả khác nhau nhưng thật ra người ta không quy định chính xác là những loại trái cây cụ thể nào, mà tùy từng gia đình, địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày lên mâm ngũ quả. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia đình qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.

    [​IMG]

    5. Dâng Mâm Cỗ Cúng Ông Bà Tổ Tiên


    Sau lễ tiễn đưa ông Táo, mỗi gia đình lại chuẩn bị lễ tất niên được tiến hành vào trưa hay chiều ngày 30 Tết. Người nội trợ sẽ nấu nướng, chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn để trước dâng mời ông bà, tổ tiên về sum họp, chung vui cùng con cháu, sau cầu mong các vị gia thần phù hộ cho gia đình có một năm mới thuận lợi. Mâm cỗ cúng mỗi vùng miền cũng khác nhau nhưng nhìn chung đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, khéo léo, trình bày tinh tế, hài hòa, đẹp mắt. Ngày nay, mâm cỗ truyền thống cũng được cách tân đa dạng hơn nhưng vẫn được gìn giữ những món ăn mang hương vị truyền thống.

    Nửa đêm 30, rạng sáng mồng một, nhà nhà lại bày biện hương án giữa sân để cúng Giao Thừa. Đây chính là thời khắc thiêng liêng, đánh dấu sự giao thoa của đất trời, liên quan đến hạnh phúc riêng tư, vận hạng của mỗi người.

    [​IMG]

    6. Xông Đất Hay Xông Nhà


    Tục xông đất là phong tục có từ lâu đời của người Việt. Mỗi phong tục tập quán đều có những ý nghĩa nhất định, theo quan niệm truyền thống của người Á Đông thì ngày mùng 1 của năm sẽ có những ảnh hưởng lớn đến các ngày còn lại. Nếu ngày mùng 1 mọi chuyện suôn sẻ thì người ta tin rằng cả năm sẽ được an lành, nhiều điều may mắn, vạn sự như ý.

    Trong ngày mùng 1, tục lệ xông đất rất quan trọng, vì thế nó có ý nghĩa rất lớn trong năm.

    [​IMG]

    7. Đoàn Viên, Sum Họp Dịp Tết


    Phong tục tập quán Việt Nam luôn có xu hướng hướng về nguồn cội, tình cảm gia đình. Tết là sự trở về, là sum họp, là đoàn viên. Dù có đi xa đến đâu, dù có bận rộn cách mấy, mọi thành viên đều mang tâm thức cố gắng trở về bên gia đình, đón Tết cùng ông bà, cha mẹ, anh chị em.. Trở về để cùng nhau ăn bữa cơm đoàn tụ, để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, để gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn.

    [​IMG]

    8. Chúc Tết, Mừng Tuổi


    Đi đôi với tục xông đất là tục mừng tuổi, hình ảnh bao lì xì đỏ thắm từ lâu đã là đại diện cho ngày Tết truyền thống của dân tộc ta. Vào ngày mồng một, các thành viên thường tụ họp đông đủ tại nhà ông bà, cha mẹ hay tộc trưởng để mừng tuổi các cụ cao niên và con trẻ. Người trẻ chúc người già sức khỏe, sống lâu trăm tuổi; người làm ăn chúc nhau nhiều may mắn, tốt lành, công việc thăng tiến; người lớn mừng tuổi trẻ con những phong bao lì xì đỏ cùng những lời chúc ngoan ngoãn, học giỏi, chóng lớn.. Ngoài ra, từ mồng một đến khoảng mồng 4, người ta thường hay đến thăm họ hàng, thầy cô, bạn bè, đối tác làm ăn cùng những món quà, những câu chúc để duy trì tình cảm, thắt chặt mối quan hệ hơn.

    [​IMG]

    9. Xuất Hành, Du Xuân Đầu Năm


    Ông bà ta quan niệm rằng hướng đi đầu tiên trong năm cũng rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến tương lai trong cả năm. Sau những giây phút đoàn tụ ấm cúng bên gia đình, mọi người thường xuất hành đi lễ chùa, đi tới những danh lam thắng cảnh để cầu bình an, tài lộc, may mắn.. Ngày nay, những chuyến du xuân trở thành những chuyến du lịch xa, đến những vùng đất mới để khám phá, trải nghiệm và tận hưởng sau một năm làm việc vất vả.

    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 23 Tháng bảy 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...