Dã tràng xe cát bể Đông Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Có lẽ đây là câu ca dao cổ phổ biến nhất. Câu ca dao cửa miệng của người Việt mượn hình ảnh dã tràng xe cát để chê những người làm những công việc mà chẳng đem lại lợi ích gì cả. Kể cũng lạ, biển Đông mênh mông chứa đày bí mật lại gắn với một con vật nhỏ li ti trên bãi biển cũng không kém phần bí mật. Hành vi xe cát của dã tràng hàng triệu hàng triệu năm ròi không ai chịu hiểu, lại đem con mắt thực dụng của con người mà xét nét dã tràng. Con người cứ đem quan điểm sống thực dụng nào là công cán, công trạng ra mà giễu cợt chê bai dã tràng. May mà còn có nhà thơ Chế Lan Viên đã chiêu tuyết cho dã tràng. Trong bài thơ Dã tràng có ích nhà thơ tri âm của dã tràng viết: Con dã tràng nghe tôn giáo bể Nghe sấm truyền của sóng giảng hư không Dã tràng vẫn làm thơ, mặc kệ Vê hạt cát thời gian chọi lại với Vô cùng.. Hãy khoan bình luận thơ Dã tràng của Chế Lan Viên. Hãy nghe thêm một câu truyện nhỏ nữa. Prisvil, nhà văn Nga có kể một câu truyện rất ngắn: Hai người đi vào rừng, một người chỉ vào cây nấm vầ nói; nấm độc. Nấm nhỏ nhẹ thưa lại: Đấy là lời của người. Cây truyện chỉ có thế nhưng lại sâu sắc vô cùng. Nấm như muốn nói với người: Các người đừng đem con mắt người mà nhận xét nấm. Các người muốn nhai tươi nuốt sống nấm nên mới nói nấm độc, nấm lành, còn nấm là nấm, thế thôi. Trở lại truyện dã tràng: Dã tràng xe cát bể Đông Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Nói theo kiểu nấm thì đáy là lời của người. Các người đã đem cái tâm đầy tham vọng của người mà xét đoán dã tràng. Các người có thấy không, những tòa lâu đài cát của dã tràng xinh đẹp đấy chứ, nó chỉ tồn tại giữa hai đợt thủy triều, dã tràng đâu cần quan tâm đến trường tồn với bất diệt. Còn những đụn cát nhỏ xíu, xinh xinh trên cá mịn là ngôi nhà hạnh phúc được dã tràng thiết kế theo mẫu một túp lều tranh hai trái tim vàng của loài người. Dã tràng nhởn nhơ vui chơi lạc quan trên trên bờ biển Đông sóng gió chứ có nhọc lòng chi đâu. Nhiều kẻ trong các người cậy tài, cậy thông thái (chứ chưa hẳn đã ngu dốt) mới nhọc lòng với những công trình to tát để rồi sụp đổ thảm hại. Dã tràng có dính dáng gì đến những sụp đổ những tham vọng đó! Nhà thơ Chế Lan Viêm thì lời nói dã tràng làm thơ, chao ôi đẹp, nhưng đó vẫn là lời của người, người thi sĩ. Nhà thơ còn thổi dã tràng chúng tôi lên: Vê hạt cát thời gian chọi lại với Vô cùng. Dã tràng bé nhỏ chúng tôi có định chọi lại với hữu hạn hay vô cùng gì đâu. Nhà thi sĩ đã đem những gay cấn của loài người, những xung đột, những tranh chấp của tham vọng mà áp đặt cho dã tràng chỉ biết chơi nhởn nhơ trên bờ biển vô tư. Thành ra cả hai phía dè bỉu và ngợi ca đều chỉ là lời của người. Nhưng dẫu sao thi sĩ Chế Lan Viên vẫn gần với dã tràng hơn. Trong cuộc sống có những nỗi oan mà cho đến tan cả đất trời vẫn không giải được, có lẽ trong đó có nỗi oan của dã tràng.