Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Sưu Tầm, 4 Tháng một 2024.

  1. Sưu Tầm The Very Important Personal

    Bài viết:
    665
    Từ bài thơ " Đồng chí" - Chính Hữu, hãy làm sáng tỏ ý kiến cho rằng: Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu của thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo.

    Ai đó đã nói rằng: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ". Nếu văn học như một bản hòa tấu du dương được dệt nên từ những nốt nhạc của cuộc đời, như tấm thảm thực tại rực rỡ, thì người nghệ sĩ được ví như một nhiếp ảnh gia tài ba, biến hóa văn học qua nét bút tài tình của mình, để viết nên những tác phẩm để đời. Người nghệ sĩ trong cuộc hành trình dấn thân vào "vạn chuyến ong bay", trải nghiệm cuộc sống để phản ánh cuộc đời, để biến "một mật" thành "trăm hoa" qua từng lăng kính chủ quan của chính mình. Cuộc đời muôn hình vạn trạng qua đôi mắt của người nghệ sĩ trở nên muôn màu vạn vẻ, vô vàn nét đẹp, muôn vàn sắc thái mới mẻ, vô ngần những tư tưởng tình cảm, những triết lý nhân sinh. Vì vậy trong cuộc trò chuyện với báo nước Nga Văn học nhà văn Ra-xum Ga-da-top đã khẳng định: "Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu của thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo." Và được thể hiện rõ qua "Đồng chí" – Chính Hữu.

    "Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ chẳng là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học." (Tố Hữu). Vâng, và ở đó, thi nhân lấy mảnh đất thực tại làm sàn nhảy để biểu diễn những điệu nhảy độc đáo, mới mẻ, cuốn hút của mình. Thật vậy, nhận định của Ra-xum Ga-da-top: "Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu của thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo" cũng thể hiện sâu sắc điều đó. Trước hết, "chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn" ở đây chính là điều cốt lõi, cơ bản đầu tiên tạo nên giá trị của tác phẩm chính là hiện thực cuộc sống khách quan được phản ánh một cách trung thực, sinh động đúng như chúng vốn có, nên có, bằng tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Với tài năng của người nghệ sĩ, hiện thực cuộc sống được ghi lại trong tác phẩm bằng những hình ảnh hấp dẫn và sáng tạo để tác phẩm đó sống mãi với thời gian. Mỗi tác phẩm tồn tại như một thông điệp cho người đọc hôm nay biết tác phẩm ấy đang ở đâu trong chiều ngang của không gian, chiều dài của lịch sử. Muốn vậy người nghệ sĩ "cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình" (thể hiện được không khí, hơi thở của thời đại mình) "miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo" (phản ánh chính xác, khách quan bằng những hình ảnh tự nhiên, chân thực, có sức lôi cuốn). Tựu trung lại, nhận định của Ra-xum Ga-da-top đã đề cập đến mối quan hệ khăng khít giữa hiện thực cuộc sống – tác giả - tác phẩm.

    Grandi từng khẳng định: "Không có nghệ thuật nào là không hiện thực". Cuộc sống là nơi bắt đầu và là nơi đi tới của văn chương. Hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực cuộc sống và hút mật ngọt từ nguồn sống dồi dào đó. Hiện thực xã hội là mảnh đất sống của văn chương, là chất mật làm nên tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế của tác phẩm văn học. Một tác phẩm có giá trị hiện thực bao giờ cũng giúp người ta nhận thức được tính quy luật của hiện thực và chân lý đời sống. Những tác phẩm kinh điển bao giờ chở đi được những tư tưởng lớn của thời đại trên đôi cánh của hiện thực cuộc sống.

    Có ai đó đã từng nói rằng: "Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều đi ra từ đó nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước đổ về mà nó cũng chẳng đầy". Văn học cũng như những nguồn nước, đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Ngày ngày, tiếng sóng thủy triều vẫn luôn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với trang văn. Những sự chuyên chở ấy có bao giờ ngừng nghỉ, cũng như mảnh đất hiện thực có bao giờ vơi đi, khi người nghệ sĩ đến đó để chở nắng gió cuộc đời tưới mát muôn cây. Bởi lẽ vậy văn chương phải gắn mình vào nguồn mạch cuộc sống, phản ánh cuộc đời thông qua sáng tạo nghệ thuật song sự phản ánh ấy không phải là ghi chép máy móc mà là quá trình trải nghiệm, chọn lọc, hư cấu của người nghệ sĩ. Nếu văn chương tách rời khỏi dòng chảy cuộc đời sẽ không thể vươn tới giá trị đích thực của nó, không còn là nghệ thuật vị nhân sinh được nữa. Chế Lan Viên đã từng thấm thía vấn đề này:


    "Tôi đóng cửa phòng văn hì hục viết

    Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày".

    "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học" (Tố Hữu). Mỗi tác phẩm văn học đều phản ánh và phác họa đời sống một cách chân thực và sống động, nó được viết lên từ những điều xảy ra trong cuộc sống. Nhưng nhà văn miêu tả hiện thực không phải để vẽ lên những nét vô hồn, không phải chụp ảnh nguyên sĩ lại mọi vật, mọi việc mà nhà văn thực thụ phải biết khai thác những điều thẳm sâu trong mỗi mảnh đời, mỗi số phận con người. Để viết một tác phẩm, nhà văn phải hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, bước ra cuộc đời và giao tiếp với mọi người. Do đó, "chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép" (Chế Lan Viên). Văn chương không phải là cái loa phát thanh tư tưởng của người cầm bút, mà là nơi để họ trải lòng, "giãi bày và gửi gắm tâm tư" (Lê Ngọc Trà). Các tác phẩm len lỏi vào trái tim, thắp cho ta ngọn lửa để nhìn thấy nhiều mảnh đời cơ cực, tạo cho ta một tình cảm chân thành để yêu thương và bao dung, khao khát muốn sống cùng người khác và vì người khác. Có thể thấy, văn chương thật sự là một mối dây liên kết giữa người với người, khi nhà văn trải lòng với bao số phận trong đời, khi bạn đọc tâm tình với người cầm bút, khi độc giả bước ra khỏi trang sách và sống gần nhau hơn.

    "Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời" (Sóng Hồng). Viên kim cương ấy sẽ lấp lánh một màu sắc riêng biệt của cuộc đời, như cách mà Chính Hữu đã chạm khắc tiếng thơ của mình vào thế giới thi ca bốn mùa nhiều dư vị. Thơ Chính Hữu thể hiện một cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Trong bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu đã xây dựng nên một hình tượng người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp với những vẻ đẹp mộc mạc nhưng vô cùng dũng cảm. Trên đôi bàn tay của hai nhà thơ không chỉ vững vàng những cây súng đánh giặc mà còn từng bung nở cho đời những vần thơ diệu kì về người lính. Ta thấy ở họ có trái tim với một tình yêu nước cháy bỏng, cùng những lí tưởng cao đẹp, chiến đấu, hi sinh vì độc lập dân tộc như lời thơ của Lê Anh Xuân:

    "Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất

    Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

    Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

    Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng."

    (Dáng đứng Việt Nam)

    Trước hết, nền tảng chân lý của bài thơ "Đồng chí" là hiện thực của đất nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến với bao khó khăn, gian khổ và thiếu thốn. Lực lượng chính là nông dân. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả sức người sức của để giành lấy độc lập, tự do. Và bài "Đồng chí" được sáng tác năm 1948, sau chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta đánh thắng cuộc tiến công quy mô lớn của quân Pháp cuối năm 1947 lên khu căn cứ địa Việt Bắc. Chính Hữu – một nhà thơ, một người chiến sĩ lúc đó là chính trị viên đại đội thuộc trung đoàn Thủ đô, cùng đơn vị của mình tham gia chiến đấu suốt chiến dịch. Bài thơ ra đời là kết quả của những trải nghiệm thực và những cảm xúc sâu xa, mạnh mẽ của tác giả với những người đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc. B ài thơ đã phản ánh trung thành hiện thực chiến tranh của đất nước: Khổ đau mà vĩ đại, bi tráng mà hào hùng. Khẳng định chân lý bất biến của dân tộc: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" (Hồ Chí Minh)

    Tiếp theo, "giai điệu về thời đại" được phản ánh một cách chân thực, sinh động, hấp dẫn qua hai thi phẩm. "Đồng chí" thì giai điệu về thời đại được nhà thơ Chính Hữu khai thác từ hiện thực của cuộc chiến đấu đầy khó khăn gian khổ, hi sinh của người lính trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hệ thống hình ảnh trong bài thơ từ hiện thực đó đi vào tác phẩm không hề tô vẽ. Cũng nhờ vậy mà vẻ đẹp đồng chí được tỏa sáng.

    Có nhà thơ đã nói: "Thơ chỉ bật ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy". Chất liệu cuộc sống trên đường thâm nhập vào tác phẩm đã mang theo bao nỗi niềm của người sáng tạo và khi bài thơ trở lại với cuộc đời, nó đã in dấu "tâm hồn cá biệt" của nhà thơ. Chất cá tính trong thơ làm cho tác phẩm khỏi khô khan và nhạt nhẽo, làm cho thơ nói được điều ngàn xưa đã nói mà vẫn mới mẻ như thường. Vẻ đẹp của tình đoàn kết giai cấp, hình ảnh làng quê ruộng vườn, cái nghèo.. của dân tộc Việt Nam trong suốt những năm tháng chống giặc là những chi tiết cuộc sống vô cùng chân thực khi tác giả viết bài thơ này:

    "Quê hương anh nước mặn đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá".

    Hai câu thơ đầu tiên giới thiệu "quê hương anh" và "làng tôi" – những người lính xuất thân là nông dân. "Nước mặt đồng chua" là vùng đất ven biển nhiễm phèn khó làm ăn, "đất cày lên sỏi đá" là nơi đồi núi, trung du, đất bị đá ong hóa, khó canh tác. Hai câu chỉ nói về đất đai – mối quan tâm hàng đầu của người nông dân, cho thấy sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó là cơ sở sự đồng cảm giai cấp của những người lính cách mạng. Họ vốn là những người nông dân mặc áo lính theo bước chân anh hùng của những nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa. Cảnh ngộ chung ấy khiến họ dễ dàng đồng cảm với nhau, hòa điệu với nhau để trở thành những người bạn thân thiết tha có thể nhận ngay ra rằng: Tình đồng chí, tình tri ky bắt đầu từ tình yêu giai cấp. Hai câu thơ vừa như đối nhau, vừa như song hành, thể hiện tình cảm gắn bó của những người lính.

    Từ những vùng quê nghèo khổ ấy, họ tạm biệt người thân, tạm biệt xóm làng, tạm biệt những bãi mía, bờ dâu, những thảm cỏ xanh mướt màu, họ ra đi chiến đấu để tìm lại, giành lại linh hồn cho Tố quốc:


    "Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau".

    Từ hai miền đất khác nhau, "đôi người xa lạ" nhưng cùng giống nhau ở cái "nghèo" lại "chẳng hẹn quen nhau". Một cái hẹn không lời nhưng mà mang bao ý nghĩa cao cả từ trong sâu thẳm tâm hồn của những chiến sĩ. Từ "đôi" đã gợi lên một sự thân thiết, chung nhau nhưng chưa thể bộc bạch. Từ phương trời tuy chẳng quen nhau nhưng cùng một nhịp đập của trái tim, cùng tham gia chiến đấu, giữa họ đã nảy nở một thứ tình cảm cao đẹp: Tình đồng chí – tình cảm ấy không phải chỉ là cùng cảnh ngộ mà còn là sự gắn kết trọn vẹn cả về lý trí, lẫn lý tưởng và mục đích cao cả: Chiến đấu giành độc lập tự do cho tổ quốc. Dường như tình đồng đội cũng xuất phát từ những cái chung nhỏ bé ấy. Chính lòng yêu nước đã để họ gặp nhau, để cùng thắp lên ngọn lửa quyết tâm chống giặc ngoại xâm, điều đó đã từng được nhà thơ Hồng Nguyên nhắc đến trong bài thơ "Nhớ" của chính mình:

    "Lũ chúng tôi

    Bọn người tứ xứ

    Gặp nhau hồi chưa biết chữ

    Quen nhau từ buổi" Một hai "

    Súng bắn chưa quen

    Quân sự mươi bài

    Lòng vẫn cười vui kháng chiến".

    Cũng chính từ đó mà chúng ta hiểu rõ hơn về cơ sở hình thành của tình đồng chí, tác giả tiếp tục khắc họa hình ảnh người lính:

    "Súng bên súng, đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ".

    Tác giả đã điệp lại từ "súng" và "đầu" đến hai lần, có thể thấy với cách vận dụng biện pháp nghệ thuật như vậy, Chính Hữu đã tạo một âm hưởng có phần khỏe khoắn, vui tươi, cổ vũ người lính đang đấu tranh trong lúc "mưa bom lửa đạn". "Súng" là một cách nói hàm súc, đó là một vật mang ý nghĩa chiến đấu, một biểu tượng mang tâm hồn của người lính sống và đấu tranh hết lòng. Còn "đầu" hình ảnh thể hiện ý chí và tinh thần bất khuất của người lính tiền tuyến hậu phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy ác liệt. Không những chỉ phải đấu tranh gian khổ, họ phải cam chịu thêm những thiên tai nơi rừng núi hoang sơ. Thiên nhiên khắc nghiệt ở núi rừng Việt Bắc giữa bao đêm trường rét buốt, cơn giá lạnh chính là những khó khăn, thử thách mà người chiến sĩ phải trải qua. Vượt lên trên những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, sự khắc nghiệt của thời tiết, họ đã chia sẻ tấm chăn cho nhau để giữ ấm. Chính cái "chung chăn" ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để rồi họ trở thành "đôi tri kỷ". "Tri kỷ" đã là thân thiết, gắn bó, hiểu tâm tư tình cảm của nhau rồi, mà là "đôi tri kỷ" thì lại càng gắn bó, thân thiết với nhau hơn. Chính vì thế câu thơ nói đến sự khắc nghiệt của thời tiết, của chiến tranh nhưng sao ta vẫn cảm nhận được cái ấm của tình đồng chí, bởi cái rét đã tạo nên cái tình của hai người đồng đội. Một tình bạn tốt đẹp, thân mật, gắn chặt bền bỉ, họ xem nhau như bản thân của họ, cứ thế mà chia sẻ, cũng như trong bài nhớ "Chiều mưa đường số 5" của Thâm Tâm đã từng viết:

    "Ôi núi thẳm rừng sâu

    Trung đội cũ về đâu

    Biết chăng chiều mưa mau

    Nơi đây chăn giá ngắt

    Nhớ cái rét ban đầu

    Thắm mối tình Việt Bắc".

    Cả 7 câu thơ có duy nhất từ "chung" nhưng bao hàm nhiều ý: Chung cảnh ngộ, chung giai cấp, chung chí hướng, chung một khát vọng.. Nhìn lại cả 7 câu thơ đầu những từ ngữ nói về người lính: Đầu tiên là "anh" và "tôi" trên từng dòng thơ như một kiểu xưng danh khi mới gặp gỡ, dường như vẫn là hai thế giới riêng biệt. Rồi "anh" với "tôi" trong cùng một dòng, đến "đôi người" nhưng là "đôi người xa lạ", và rồi đã biến thành đôi tri kỷ – một tình bạn keo sơn, gắn bó. Và cao hơn nữa là đồng chí. Như vậy, từ rời rạc riêng lẻ, hai người đã dần nhập thành chung, thành một, khó tách rời.

    Lời thơ như gấp gáp hơn, nhịp thơ dồn dập hơn, câu thơ cũng trở nên gần gũi hơn, như một bản lề khép lại:
    "Đồng chí!". Hai tiếng "Đồng chí!" kết thúc khổ thơ thật đặc biệt, sâu lắng chỉ với hai chữ "Đồng chí" và dấu chấm cảm, tạo một nét nhấn như một điểm tựa, điểm chốt, như đòn gánh, gánh hai đầu là những câu thơ đồ sộ. Nó vang lên như một phát hiện, một lời khẳng định, một tiếng gọi trầm xúc động từ trong tim, lắng đọng trong lòng người về hai tiếng mới mẻ, thiêng liêng ấy. Chỉ với hai tiếng ngắn ngủi nhưng âm điệu mới mẻ đã tạo nên một nốt nhạc trầm ấm, thân thương trong lòng người đọc. Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí là cung bậc cao đẹp nhất, lí tưởng nhất, nhịp thở của bài thơ như nhẹ nhàng hơn, hơi thở của bài thơ cũng như sâu lắng hơn. Như một nốt nhạc làm bừng sáng cả bài thơ, là kết tinh của một tình cảm Cách mạng mới mẻ chỉ có ở thời đại mới. Dường như Chính Hữu đã thổi vào bài thơ tình đồng chí keo sơn, gắn bó và một âm vang bất diệt làm cho bài thơ mãi trở thành một phần đẹp nhất trong thơ Chính Hữu.

    Điều gì khiến cho những chàng trai quanh năm chỉ quen tay cày, tay cuốc ấy đã hăng say lên đường cầm súng chiến đấu? Điều gì khiến những chiếc xe không kính ngày đêm lao đi trong mưa bom bão đạn? Điều gì khiến những cô gái vốn yếu mềm có thể hiên ngang chạm vào cái chết vô hình từ những quả bom? Đó chính là lòng chung thủy với quê hương, với mảnh ruộng nhà mình, với vợ con của mình:


    "Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

    Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

    Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính".

    Họ là những người lính gác tình riêng ra đi vì nghĩa lớn, để lại sau lưng mảnh trời quê hương với những băn khoăn, trăn trở. Từ những câu thơ nói về gia cảnh, về cảnh ngộ, ta bắt gặp một sự thay đổi lớn lao trong quan niệm của người chiến sĩ: "Ruộng nương" đã tạm gửi cho "bạn thân cày", "gian nhà không" giờ để "mặc kệ gió lung lay". Lên đường đi chiến đấu, người lính chấp nhận sự hi sinh, tạm gạt sang một bên những tính toán riêng tư. Hai chữ "mặc kệ" đã nói lên được cái kiên quyết dứt khoát mạnh mẽ của người ra đi khi lí tưởng đã rõ ràng, khi mục đích đã lựa chọn. Song dù dứt khoát, mạnh mẽ ra đi nhưng những người lính nông dân hiền lành chân thật ấy vẫn nặng lòng với quê hương.

    Với người nông dân, ruộng nương, căn nhà là cả cơ nghiệp, là ước mơ ngàn đời của họ; họ luôn gắn bó, giữ gìn và chắt bóp cho những gì mình có. Vậy mà họ đã gác lại tất cả để ra đi đánh đuổi quân thù. Họ đã vượt qua chân trời của cái tôi bé nhỏ để đến với chân trời của tất cả. Đi theo con đường ấy là đi theo khát vọng, đi theo tiếng gọi yêu thương của trái tim yêu nước. Bỏ lại sau lưng tất cả những bóng hình của quê hương vẫn trở thành nỗi nhớ khôn nguôi của mỗi người lính. Dầu rằng mặc kệ nhưng trong lòng họ vị trí của quê hương vẫn bao trùm như muốn ôm ấp tất cả mọi kỉ niệm.
    Tấm lòng của họ đối với đất nước thật cảm động, khi giặc đến các anh đã gửi lại người bạn thân mảnh ruộng chưa cày, mặc kệ những gian nhà gió cuốn lung lay để ra đi. Nhưng nếu không có một tình yêu đất nước sâu nặng thì không thể có một thái độ ra "mặc kệ" để ra đi như vậy. Họ đã ra đi chiến đấu chỉ vì một lẽ giản dị: Yêu nước. Tình yêu đất nước, ý thức dân tộc là máu thịt, là cuộc đời của họ. Nhưng khi ở nơi kháng chiến, người lính nông dân áo vải lại bận tâm lo lắng về mảnh ruộng chưa cày, với căn nhà bị gió lung lay: "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính".

    Chuyện làng quê có cổng gió, lũy tre làng, bờ ao, giếng nước.. là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca:

    "Giếng nước chưa kịp khử hết mùi phèn

    Lòng ái ngại gót chân cô hàng xóm

    Gió heo may thao thức chao cánh võng

    Tiếng gà bộn bề nỗi nhớ gốc đa".

    ( "Hương" – Hoàng Đức Chính)

    Để cả cơ nghiệp của mình hoang trống mà ra đi biết người thân ở lại trống trải nhưng cũng "mặc kệ" thì đó quả là sự hy sinh lớn lao và đó cũng là quyết ra đi mà không dửng dưng vô tình. Các anh hiểu rõ lòng nhau và còn hiểu rõ nỗi niềm người thân của nhau ở hậu phương: "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính". "Giếng nước", "gốc đa" là hình ảnh hoán dụ gợi về quê hương, về người thân nơi hậu phương của người lính. Như vậy, câu thơ nói quê hương nhớ người lính mà thực chất là người lính nhớ nhà, nỗi nhớ hai chiều ngày càng da diết. Vậy là người lính đã chia sẻ với nhau mọi tâm tư, nỗi niềm, chia sẻ cả những chuyện thầm kín, riêng tư nhất. Họ cùng sống với nhau trong kỷ niệm, trong nỗi nhớ và vượt lên trên nỗi nhớ. Cũng nói về nỗi nhớ ấy, Hoàng Trung Thông đã viết trong bài thờ "Bao giờ trở lại" :

    "Bấm tay tính buổi anh đi

    Mẹ thường vẫn nhắc: Biết khi nào về?

    Lúc xanh xanh ngắt chân đê,

    Anh đi là để giữ quê quán mình

    Cây đa giếng nước sân đình

    Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường".

    Nhà phê bình Nguyễn Đức Quyền đã nhận xét: "Ở ngoài mặt trận mà biết gió lay từng gốc cột ngôi nhà mình ở thì thật không còn từ ngữ nào để diễn tả hết tình cảm thiết tha của họ đối với gia đình mình." Thế đó, ai mà không mong muốn được sống yên vui, hạnh phúc trong mái ấm gia đình? Nhưng vì nghĩa lớn, họ ra đi không tiếc đời mình, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân yêu nhất. Cũng như vậy, ở ngoài mặt trận mà biết "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính" chứng tỏ họ đang nhớ quê hương, nhớ người mình thương biết nhường nào! Mối giao cảm đậm đà sâu sắc ấy, đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên những chặng đường chiến đấu. Chính Hữu đã dùng những nét chạm khắc vô cùng chân thực về hoàn cảnh sống gian lao, thiếu thốn của người lính:

    "Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

    Sốt run người vầng trán đầm mồ hôi

    Áo anh rách vai

    Quần tôi có vài mảnh vá

    Miệng cười buốt giá

    Chân không giày

    Thương nhau tay nắm lấy bàn tay".

    Không chỉ chia sẻ cùng nhau những niềm vui, nỗi buồn hay các câu chuyện tâm tình nơi quê nhà mà họ còn chia sẻ những gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính – "sốt run người vầng trán ướt mồ hôi". Họ đã nhìn thấu và thương nhau từ những chi tiết nhỏ của đời sống, cùng chịu bệnh tật và những cơn sốt rét rừng ghê gớm mà hầu như người lính nào cũng phải trải qua. Đây là hoàn cảnh chung của bộ đội ta trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Tất cả những khó khăn gian khổ được tái hiện bằng những chi tiết hết sức thật, không một chút tô vẽ. Ngày đầu của cuộc kháng chiến, quân đội Cụ Hồ mới được thành lập, thiếu thốn đủ đường, quần áo rách bươm phải buộc túm lại nên người lính vệ quốc còn được gọi là "vệ túm". Đọc những câu thơ này, ta vừa không khỏi chạnh lòng khi thấu hiểu nhưng gian nan vất vả mà thế hệ cha ông đã từng trải qua vừa trào dâng một niềm kính phục ý chí và bản lĩnh vững vàng của những người lính vệ quốc.

    Khó khăn là vậy, khắc nghiệt là thế, hiện thực của chiến tranh với những cơn sốt rét rừng đã được rất nhiều nhà thơ miêu tả lại trong những trang viết của mình:

    "Nơi thuốc súng trộn vào áo trận

    Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân".

    Hay trong "Tây Tiến", Nguyễn Quang Dũng có viết:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

    Hay trong bài "Dấu chân qua trảng cỏ", Thanh Thảo từng viết:

    "Những người sốt rét đương cơn

    Dấu chân bầm xuống đường trơn ướt nhòe"

    Tác giả đã xây dựng những cặp câu sóng đôi, đối ứng nhau (trong từng cặp câu và từng câu). Đáng chú ý là người lính bao giờ cũng nhìn bạn, nói về bạn trước khi nói về mình, chữ "anh" bao giờ cũng xuất hiện trước chữ "tôi". Cách nói ấy phải chăng thể hiện nét đẹp trong tình cảm thương người như thể thương thân, trọng người hơn trọng mình. Chính tình đồng đội đã làm ấm lòng những người lính để họ vẫn cười trong buốt giá và vượt lên trên buốt giá. Câu thơ chầm chậm vang lên nhưng lại đứt quãng, phái chăng sự khó khăn vất vả thiếu thốn của những người lính đã làm cho nhịp thơ Chính Hữu sâu lắng hơn.

    Đất nước ta còn nghèo, những người lính còn thiếu thốn quân trang, quân dụng, phải đối mặt với sốt rét rừng, cái lạnh giá của màn đêm.. Chỉ đôi mảnh quần vá, cái áo rách vai, người lính vẫn vững lòng theo kháng chiến, mặc dù nụ cười ấy là nụ cười giá buốt, lặng câm.

    Chi tiết "miệng cười buốt giá" đã làm ấm lên, sáng lên tình đồng đội và tinh thân lạc quan của người chiến sĩ. Rồi đến cái cử chỉ "thương nhau tay nắm lấy bàn tay" đã thể hiện được tình thương yêu đồng đội sâu sắc. Cách biểu lộ tình thương yêu không ồn ào mà thấm thía. Trong buốt giá gian lao, những bàn tay tìm đến để truyền cho nhau hơi ấm, truyền cho nhau niềm tin, truyền cho nhau sức mạnh để vượt qua tất cả, đẩy lùi gian khổ. Những cái nắm tay ấy đã thay cho mọi lời nói. Câu thơ ấm áp trong ngọn lửa tình cảm thân thương! Nhà thơ đã phát hiện rất tinh cái sức mạnh tinh thần ẩn sâu trong trái tim người lính. Sức mạnh tinh thần ấy, trên cơ sở cảm thông và thấu hiểu sâu sắc lẫn nhau đã tạo nên chiều sâu và sự bền vững của thứ tình cảm thầm lặng nhưng rất đỗi thiêng liêng này.

    Họ quên mình đi để động viên nhau, truyền cho nhau hơi ấm: "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay". Đây là một cử chỉ rất cảm động chứa chan tình cảm chân thành. Nó không phải cái bắt tay thông thường mà là hai bàn tay tự tìm đến với nhau truyền cho nhau hơi ấm để vượt lên buốt giá, những bàn tay như biết nói. Và đó không phải sự gắn bó bất chợt mà là sự gắn bó trong chiến đấu, đồng cam cộng khổ khiến tình đồng chí thêm sâu dày để đi tới chiều cao: Cùng sống chết cho lý tưởng. Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian lao vất vả ấy, tình cảm đồng chí đã đi vào chiều sâu của sự sống và tâm hồn người chiến sĩ để trở thành những kỷ niệm không bao giờ quên. Câu thơ không chỉ nói lên tình cảm gắn bó sâu nặng của những người lính mà còn thể hiện sức mạnh của tình cảm ấy.

    Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh rất đặc sắc:


    "Đêm nay rừng hoang sương muối

    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

    Đầu súng trăng treo".

    Đây chính là công việc thực sự của người lính, và tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách gian lao, trong công việc đánh giặc thực sự là thử thách lớn nhất. Cũng chính ở cái nơi mà sự sống, cái chết chỉ kề nhau trong tích tắc ấy thì tình đồng chí mới thực sự thiêng liêng, cao đẹp. Ba câu thơ cuối như đã dựng lên bức tượng đài sừng sững về tình đồng chí. Trên cái nền hùng vĩ và khắc nghiệt của thiên nhiên: Trong cảnh "rừng hoang sương muối" – rừng mùa đông ở Việt Bắc sương muối phủ đầy trời, nhưng những người lính vẫn đứng cạnh bên nhau, im lặng, phục kích chờ giặc tới. Từ "chờ" đã tạo nên tư thế chủ động, sẵn sàng chiến đấu. Hình ảnh của họ sát cánh bên nhau vững chãi làm mờ đi cái gian khổ ác liệt của cuộc chiến, tạo nên tư thế thành đồng vách sắt trước quân thù. Tình đồng chí khiến họ vẫn bình thản và lãng mạn bên thềm cuộc chiến đấu, thấy cuộc đời vẫn đẹp đẽ và thơ mộng ngay giữa nguy hiểm, giao lao.

    Hai câu thơ đối nhau thật chỉnh và gợi cảm giữa khung cảnh và toàn cảnh. Khung cảnh lạnh lẽo, buốt giá; toàn cảnh và tình cảm ấm nồng của người lính với đồng đội của anh, tất cả đã ca ngợi sức mạnh của tình đồng đội đã giúp người lính vượt lên tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết. Tình đồng đội đã sưởi ấm lòng các anh giữa rừng hoang mùa đông và sương muối buốt giá.

    Nét nổi bật trong bài thơ chính là hình ảnh "Đầu súng trăng treo". Đây là một sáng tạo đặc sắc, giàu chất hiện thực và giàu cảm hứng lãng mạn. Hình ảnh "súng - trăng" được đặt cạnh nhau khiến người đọc có nhiều liên tưởng: Giữa thực tại và mơ mộng, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến sĩ và người thi sĩ. Sự đan cài giữa hiện thực và lãng mạn ấy vừa cho thấy được hiện thực chiến tranh vất vả lại vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính:


    "Những bông hoa nở trong ngày khói lửa

    Vẫn ngát hương và chan chứa niềm tin

    Không ngại chi súng đạn với bom mìn

    Mang hy vọng trong ánh nhìn sáng rực"

    Nét sáng tạo độc đáo thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của của Chính Hữu qua bài thơ chính là hình ảnh này. Từ tình đồng chí, trải qua những thử thách khác nhau, Chính Hữu đã tạo nên cái nhìn đầy chất thơ. Nếu hai câu thơ trên không kết hợp với hình ảnh "đầu súng trăng treo" thì nó khó có những giá trị đặc sắc. Ngược lại, nếu không có sự nâng đỡ của của hai câu thơ đó thì hình ảnh sẽ bị coi là thi vị hóa cuộc sống chiến đấu người lính. Sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa hiện thực và chất thơ lãng mạn, bay bổng đã làm cho "đầu súng trăng treo" trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất thơ ca kháng chiến chống Pháp. Câu thơ chỉ vỏn vẹn bốn từ nhưng nó bao hàm cả cái tình, cái ý và đặc biệt là sự cảm nhận tinh tế của Chính Hữu. Nhờ sự liên tưởng thông minh tài tình, tâm hồn giàu cảm xúc, Chính Hữu đã gợi lên một không gian bát ngát giữa vũ trụ bao la, nó có cái gì đó rất bồng bềnh, huyền bí, khó tả. Hình ảnh đó gây được ấn tượng thẩm mĩ sâu sắc với người đọc, đồng thời, nó trở thành hình tượng đa nghĩa độc đáo của thi ca. "Đầu súng trăng treo" được xây dựng bằng bút pháp siêu thực, đầy chất thơ. Tại sao vậy? Chúng ta thực sự đánh giá cao không gian nghệ thuật hiện thực của "nước mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá" và đặc biệt là không gian "rừng hoang sương muối"; nó đã góp phần tô đẹp thêm hình tượng vầng trăng, cây súng. Hai hình ảnh này đối lập nhau rất rõ. Một bên là vầng trăng muôn thuở hấp dẫn và kì lạ, thanh bình với thi ca. Nó biểu tượng cho cuộc sống tươi đẹp, hòa bình, hạnh phúc của nhân loại, đồng thời cũng là ước mơ cuộc sống tươi đẹp hòa bình hạnh phúc. Nhưng trăng ở đây lại được đặt trong mối quan hệ với súng. Một bên là súng, súng biểu tượng cho chiến tranh và cái chết nhưng súng cũng trở thành lí tưởng cao đẹp, tinh thần chiến đấu vì cuộc sống hòa bình dân tộc của người chiến sĩ. Trăng là vẻ đẹp lãng mạn, súng là hiện thực. Tuy đối lập, nhưng hai hình tượng này đã tôn thêm vẻ đẹp cho nhau, tạo nên vẻ đẹp hoàn mĩ nhất. Không phải ngẫu nhiên khi Chính Hữu đưa hai hình ảnh ngược nhau trong một câu thơ. Qua đó ông muốn khẳng định cái khát vọng về một cuộc sống yên lành đầy chất thơ: Để cho vầng trăng kia sáng mãi, trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, mọi người phải cầm súng chiến đấu. Có thể nói, hình ảnh "Đầu súng trăng treo" là một phát hiện thú vị, mới lạ độc đáo của Chính Hữu. Chính hữu đã sử dụng bút pháp hiện thực để tạo nên hình ảnh thơ vừa hiện thực vừa lãng mạn. Trăng và súng kết thành một không gian thơ trữ tình, là biểu tượng cho tình thần dũng cảm, hào hoa muôn thuở của dân tộc nói chung và người lính nói riêng:

    "Hồi còn nhỏ sống với đồng

    với sông rồi với bể

    Hồi chiến tranh ở rừng

    Vầng trăng thành tri kỉ".

    ( "Ánh trăng" – Nguyễn Duy)

    Như vậy tình đồng chí trong bài thơ là tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của những con người gắn bó keo sơn trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì một lý tưởng chung. Đó là mối tình có cơ sở hết sức vững chắc: Sự đồng cảm của những người chiến sĩ vốn xuất thân từ những người nông dân hiền lành chân thật gắn bó với ruộng đồng. Tình cảm ấy được hình thành trên cơ sở tình yêu Tổ Quốc, cùng chung lí tưởng và mục đích chiến đấu. Hoàn cảnh chiến đấu gian khổ và ác liệt lại tôi luyện thử thách làm cho mối tình đồng chí đồng đội của những người lính càng gắn bó, keo sơn. Mối tình thiêng liêng sâu nặng, bền chặt đó đã tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để những người lính "áo rách vai", "chân không giầy" vượt lên mọi gian nguy để đi tới và làm nên thắng trận để viết lên những bản anh hùng ca Việt Bắc, Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc.. tô thắm thêm trang sử chống Pháp hào hùng của dân tộc.

    Qua đó cho ta thấy được hình ảnh người lính thể hiện lên chân thực, giản dị, gắn bó keo sơn trong mọi hoàn cảnh. Vất vả, gian nan nhưng họ vẫn lạc quan, vẫn tin ở thắng lợi cuối cùng. Bài thơ Đồng chí trở thành biểu tượng cho thơ ca kháng chiến chống Pháp.

    Bài thơ "Đồng chí" mang những nét nghệ thuật đặc sắc. Với "Đồng chí", ngôn ngữ thơ thật hàm súc, mộc mạc nhu tiếng nói của người lính trong tâm sự, tâm tình. Sử dụng thành ngữ, cấu trúc, hình ảnh sóng đôi giàu tính biểu tượng, hình ảnh hoán dụ mang tính nhân hóa, bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn, "Đồng chí" đã làm hiện và nổi bật lên tình đồng chí cao đẹp vừa giản dị lại vừa thiêng liêng, thơ mộng của những người lính cụ Hồ. Sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và màu sắc lãng mạn chung đúc nên hồn thơ chiến sĩ.

    Hai bài thơ là hai giai điệu minh chứng cho thực tế lịch sử; là bài ca ca ngợi về người lính giúp thế hệ sau thấy được thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ gian khổ, hi sinh nhưng rất anh hùng. Nhận định của Ra-xun Gam-da-tốp đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống – tác giả - tác phẩm, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm. Vật liệu của thực tại và sự sáng tạo của nhà văn chính là hai yếu tố không thể tách rời, tác động qua lại lẫn nhau làm nên sự sống của tác phẩm. Từ những vật liệu của thực tại, ta sẽ bắt gặp sự sáng tạo, cái mới mẻ của nhà văn. Đồng thời, sự mới mẻ, sáng tạo của nhà văn sẽ làm cho vật liệu mượn ở thực tại trở nên sâu sắc hơn, đẹp hơn, gợi cảm hơn. Để tác phẩm hấp dẫn được bạn đọc, nhà văn nhất thiết phải có tài năng, phải thể hiện linh hồn của thời đại mình bằng hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo. Và xây dựng những hình ảnh tự nhiên, chân thực, không giả tạo chính là một phương diện thể hiện tài nghệ của người viết, bên cạnh những phương diện khác: Cách xây dựng kết cấu, tạo thi tứ, tình huống, chi tiết, sử dụng ngôn từ, thể loại.. Và mong rằng, nhà văn nào, nhà thơ nào cũng biết đặt cả trái tim mình nơi mỗi tác phẩm, để mỗi sáng tác của anh ta sẽ là trường tồn, bất diệt:


    "Người tù tử hình kia tình cờ trong túi còn hạt gạo

    Biến thành con voi dâng cho vua

    Vua tha cho người có tội mà đa tài ấy

    Ồ, nếu anh không biết biến đời anh thành tác phẩm dành cho đời

    Nên đời chẳng biết lấy cớ gì để tha cho anh cả"

    (Hạt gạo – Chế Lan Viên)

    Nam Cao từng thốt lên rằng: "Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than..". Còn Nguyễn Huy Tưởng viết trong Vũ Như Tô rằng: "Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi". Nguyễn Minh Châu cũng đồng quan điểm với những tư tưởng ấy, ông sâu sắc nhận ra rằng: "Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan", làm chi đâu có cảnh toàn bích, toàn mỹ, chẳng qua ấy chỉ là bề nổi, ẩn sâu sau đó là những hiện thực phũ phàng. Mà từ đó người nghệ sĩ phải dùng một đôi mắt đa diện, thấu hiểu để nhìn nhận những vẻ đẹp đạo đức và nhân văn, chớ nên chạy theo những vẻ đẹp dẫu hào nhoáng mà trống rỗng, vô hồn. Qua "Đồng chí" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", tư tưởng sâu sắc đó đã được Chính Hữu và Phạm Tiến Duật thể hiện thật thấm thía cái hiện thực khốc liệt của chiến tranh, để lại cho mỗi người đọc chúng ta biết bao nhiêu suy tư.
     
    Last edited by a moderator: 9 Tháng mười hai 2024 lúc 10:02 PM
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...