Hỏi đáp Nên nói dối hay nói thật nhiều hơn?

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Mạnh Thăng, 5 Tháng tư 2021.

  1. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    Chào mừng các bạn quay trở lại với Game Show - Ai là nhà tâm lý tài ba?

    Các bạn cũng biết đấy, chúng ta vừa trải qua ngày Cá tháng tư gần đây, và vì thế sẵn đây mình cũng có một câu hỏi thú vị về vấn đề này muốn gửi tới các bạn.

    Trước hết, mình đang suy nghĩ không biết có phải các bạn sẽ nghĩ mình ra câu hỏi như kiểu: "Khi nào nên nói dối, nói dối có lợi khi nào.." đại loại thế phải không? Vậy thì mình xin báo trước là các bạn sai rồi nhé, vì câu hỏi tuần này mình muốn gửi tới các bạn chính là:

    Theo các bạn, con người chúng ta nên nói dối hay nói thật nhiều hơn?

    Nào, hãy bình luận câu trả lời của bạn ở dưới và đừng quên đánh giá 5 sao cũng như like cho câu hỏi và Gameshow ủng hộ mình nhé.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng tư 2021
  2. Quỳnh Anh Kelly

    Bài viết:
    203
    Theo em nghỉ là nên nói thật nhiều hơn là nói dối

    Vì: Đâu phải lúc cũng nói dối được lỡ như người ta biết được sự thật thì lúc đó sẽ rất khó sử

    Nói dối quá nhiều khiến cho người khác không còn lòng tin vào bản thân mình nữa, mọi người xa lánh có một câu nói là một lần mất tín vạn lần bất tin, khi mình đã đánh mất lòng tin của người khác dành cho mình thì rất khó có lại được.

    Nhưng mà nói dối cũng tốt nhưng tùy trường hợp ví dụ như mình không muốn làm người khác tổn thương hay như thế nào đó có thể nói dối.

    Nói dối hay nói thật đều có lợi và hại nên tùy trường hợp mà mình có cách cư xử không nên vội đánh giá một điều gì cả.
     
  3. Cửu Ngạo

    Bài viết:
    7
    Giả sử, ta ví cuộc sống như một cán cân giữa dối và thật. Nếu muốn cán cân ấy có thể giữ vững trong một trạng thái nhất định, thì những lời nói dối và thật lòng kia ắt phải có sự cân bằng.

    Việc nói dối quá nhiều làm cho ta trở thành một kẻ mồm điêu, lừa đảo. Nhưng khi nói thật quá nhiều lại vô tình khiến ta trở thành loại người lạnh lùng, thẳng thắn đến mức tàn nhẫn.

    Chẳng hạn, trong một số trường hợp như khai báo y tế trong mùa dịch, khi trễ giờ hẹn, khi chia tay với người yêu, khi nghỉ phép hay đơn giản là không có năng lượng để tham gia vào các cuộc vui cùng bè bạn.. Những lúc ấy, chúng ta có thể nói thật. Nhưng, sẽ ra sao khi chúng ta nói thật về vấn đề quốc gia cho một người ngoại quốc, trả lời thành thật một vài câu hỏi ngây ngô thiếu tế nhị của những đứa trẻ, thông báo về tình trạng sức khoẻ cho một người ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, hoặc thẳng thắn nhận xét về ngoại hình của một cô nàng mũm mĩm..

    Thế nên, nói thật không phải lúc nào cũng tốt, và người nói dối không nhất thiết phải là kẻ xấu xa. Điều quan trọng là mục đích hướng tới đằng sau lời nói, thời gian, địa điểm sử dụng lời nói và cách thức nói.

    Chúng ta phải biết cân bằng giữa việc nói thật và nói dối, có như thế, chúng ta mới chính thực là con người có văn hóa.
     
  4. Nguyễn Ngọc Nguyên Mộc Đằng

    Bài viết:
    1,213
    Như hai bạn ở trên đã nói rất đúng. Mình xin bổ sung thêm một chút. Vì câu hỏi của bạn không thiên về bên nào nằm ở trung gian nên mình cũng thẳng thắn trả lời bằng trung gian.

    Trước tiên mình phải khen rằng bạn hỏi rất hay. Tưởng chừng là một câu hỏi nhưng ẩn trong ấy như một cái bẫy thâm thúy sâu sắc. Vì thế mình cũng xin trả lời bằng hai khía cạnh hệt như hai đầu cực.

    Thứ nhất mình xin khẳng định rằng chúng ta không nên nói dối. Vì nói dối là một đức tính xấu. Không còn đơn thuần rơi vào hệ lụy hệt như cậu bé chăn cừu năm xưa mà đối với xã hội ngày nay làm ta bất tiện, mất lòng tin với tất cả các mối quan hệ giao tiếp trong xã hội. Làm nhân cách con người tụt xuống trầm trọng tạo đà cho hàng loạt chuỗi nhân cách xấu tiếp theo xuất hiện. Hệ quả khôn lường.

    Trong quan hệ xã hội hiện nay mỗi một hợp đồng làm ăn kí kết đối tác đều khá tinh vi. Ta là một con người chuyên gia nói dối họ khẳng định sẽ không bao giờ làm ăn với ta. Trong mọi mối quan hệ thu hẹp hơn trường lớp và gia đình cũng vậy. Mọi người sẽ dần xa lánh bạn. Chưa kể con nít học hỏi rất nhanh, bạn nói dối nó ắt sẽ học theo bạn. Mà trẻ em là tương lai của nhân loại, phá hỏng cả một bầu trời trên cõi đất. Phân tích vấn đề này mổ xẻ ra rất phứt tạp mình không đi sâu.

    Trở lại vấn đề mình nói về khía cạnh thứ hai. Ở trường hợp thứ hai thì khá hi hữu và ngoại lệ. Năm xưa một con người không bao giờ nói dối nhưng vì để cứu thoát một con thỏ khỏi tay người thợ săn con người ấy đã chỉ ngón tay về hướng khác. Là ai thì bạn có lẽ cũng đã biết.

    Như hai bạn trên đã nói ở trường hợp khi nào không nên nói thật rồi thì mình không nhắc lại nữa.

    Tóm lại bình thường chúng ta tuyệt đối không nên nói dối mà phải nói thật, không thêm không bớt. Nói chuẩn xác mạch lạc, câu từ trong sáng rõ nghĩa và súc tích nhất. Chỉ khi nào rơi vào tình trạng như tương tự trên thì chúng ta cần phải nói dối hoặc không nên nói thật làm đau lòng người khác. Đây gọi là tùy cơ ứng biến.

    Nói về khả năng giao tiếp ứng xử thì muôn hình vạn trạng. Đôi khi trớ trêu một lời nói thật ta vô tình hại một ai đó hoặc giết chết một mạng người cũng nên. Lúc này ta chính là một kẻ ngốc không hơn không kém. Đôi khi nói dối chẳng tổn hại ai mà cứu được sinh mạng bé bỏng, khi này thì ngôn từ ứng xử của ta được phát huy tới mức cấp cao, thông minh hài hòa.

    Bởi vậy nhân sinh không hề dễ dàng gì. Tóm lại một câu bình thường không nên nói dối mà phải nên nói thật. Nhưng khi nào nói dối có ích thì ta cần buột phải nói dối. Khi nào nói thật có hại cho người khác thì ta cũng buột phải không nên nói thật.

    (Xin lỗi nãy giờ mình lãi nhãi hơi nhiều. Bạn thông cảm cho. Buổi tối vui vẻ nha)
     
  5. SUSU NANA Trưởng thành hơn, trí tuệ hơn

    Bài viết:
    11
    Nói dối hay nói thật - hai cái định nghĩa này cái nào làm người khác đau lòng thì đừng nên nói

    Nói dối cũng chưa hẳn là xấu, một lời nói dối vô hại có thể giúp tình trạng của bệnh nhân chuyển biến tốt hơn

    Nói thật cũng chưa hẳn là tốt, có thể cái nhận xét thẳng thắn, không tim không phổi của bạn lại gây ra thương tổn cho người khác, làm rạn nứt mối quan hệ đang tốt đẹp

    Có câu: "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", tùy từng hoàn cảnh bạn có thể ăn ngay nói thật, nói không thẹn với lòng mình nhưng một số tình huống lại cần chút khéo léo để xử lí, để cục diện êm đẹp hơn!

    Đừng lạm dụng câu nói dối, nó sẽ khiến cho lời nói của bạn không có trọng lượng, lâu dần dối trá trở thành bản chất. Đến bản thân còn tự thấy chán ghét chứ chưa nói người khác

    Cũng đừng lúc nào cũng thẳng như ruột ngựa, nghĩ gì nói ấy, chẳng kiêng nể gì, người ngoài có lẽ chẳng quan tâm nhưng sự sát thương bởi lời nói sẽ làm tổn thương những người thân của bạn.

    Và tổn thương bởi lời nói.. cần rất nhiều thời gian để xóa nhòa.

    Nói dối cần có chừng mực, thật thà cần có cân đo. Ai hiểu được và vận dụng được thì sẽ chiến thắng trong trò chơi cuộc đời. Chúc bạn là quán quân trong bộ môn này nhé!

    Cảm ơn bạn vì đã đọc bài viết của tôi!
     
  6. Vô Âm Vị Vãn

    Bài viết:
    7
    Theo tôi, cuộc sống muôn hình muôn vẻ, nó vạn biến và hành động con người cũng vì vậy mà luân chuyển. Tôi đã từng nói dối nhưng tất nhiên nhiều hơn vẫn là nói thật. Sách vở luôn tôn vinh tính trung thực ngay thẳng nhưng áp dụng vào cuộc sống lại là một điều hoàn toàn khác nên tôi sẽ xét theo nhiều trường hợp cũng như khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.

    Những con người bất hạnh ngoài kia sẽ thế nào khi đánh vào màng nhĩ họ là tin tức họ mắc phải một căn bệnh khó chữa thậm chí có thể là nan y? Những con người yếu đuối, xấu xí, dị hợm và tự ti ngoài kia liệu có chịu được đả kích từ những lời chê bai khinh bỉ, những ánh mắt khác thường cùng lời đánh giá thẳng thắn: "Vết sẹo của bạn trông thật ghê rợn!" thốt ra bởi mọi người? Sẽ chẳng ai có thể nhẫn nhịn nổi! Ông cha ta đã từng nói: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Thật vậy, đôi khi sự thẳng thắn và trung thực quá mức của bạn không dùng đúng lúc sẽ như một lưỡi dao bén nhọn khoét sâu vào vết da non nhất của loài người. Lời nói dối có những khi không ai biết lại chính là lời lẽ hay nhất, đẹp nhất, chân thành nhất của con người. Tại sao lại là chân thành nhất? Bởi lẽ nếu ta đối xử thật lòng với họ, ta sẽ chẳng thể nhẫn tâm mặc cho họ đau đớn. Hãy che đậy sự thật hoặc nói giảm nói tránh khi bạn thấy đúng và cần, lời nói dối đó sẽ cứu rỗi cả một tâm hồn tránh bị tổn thương và sụp đổ hay cả một mảnh đời tránh rơi vào bi lụy.

    Lời nói tuy không mất tiền nhưng nó lại là thứ vừa đáng sợ vừa cao đẹp. Một nhân vật nổi tiếng lẫy lừng trong mắt công chúng là vậy, thếnhưng, chỉ vì một lời nói dối, vua oan giá họa mà bị dìm dập tẩy chay. Trong khi lòng tin, sự thưởng thức của những vị khách đối với mặt hàng của bạn rất to lớn, bạn lại buông những lời gian dối, bịp bợm, tâng bốc chì vì lợi nhuận trong tầm tay, họ thất vọng, đi đôi với việc uy tín của bạn tan thành mây khói, họ đi và một đi không trở lại. Có lẽ, những người nguyện chân thành tin tưởng ở bên bạn ví như ba mẹ, họ sẽ không vì một lời nói dối mà bỏ rơi bạn, thế nhưng, những dối trá đó tưởng chừng là nhỏ nhưng mang lại chính là những thất vọng cùng cực. Lời nói ngôn ngữ có thể kéo bạn xuống nước cũng có thể nâng bạn lên cao. Vậy nên, nói dối hay nói thật phụ thuộc vào bạn, vào những tình huống mà bạn trải qua nhưng cũng đừng nói dối quá nhiều, phải biết chừng mực, đừng để nó nuôi dưỡng thành thói quen xấu dễ nói mà lại khó bỏ.

    Bạn có thể lừa dối bất kỳ một ai nhưng cũng đừng lừa dối chính mình. Những đau khổ, dằn vặt, những mất mát to lớn trong kí ức mà con người không thể chịu đựng ấy khiến bạn tự nói dối chính mình rằng: "Nó đã không xảy ra đâu, tất cả chỉ là những cơn ác mộng, một giấc mơ không có thực, mọi thứ vẫn ổn mà". Thực tế luôn khắc nghiệt. Đừng nghĩ rằng, những câu nói dối lừa bản thân, tránh né sự thật tàn khốc đó sẽ giúp bạn tốt hơn. Không thể phủ nhận, điều đó sẽ cho bạn một hiện tại bớt thống khổ, bạn có thể cầm cự sống qua ngày bằng những lời nói dối đó, nhưng cuối cùng thì sao? Rồi một ngày không xa, những mảnh vỡ kí ức đó sẽ trỗi dậy, cứa vào tâm can bạn, bạn chợt nhận ra nó không những không bị mài mòn hay bị cuốn trôi theo thời gian bất tận, mà trong vô thức không ai hay biết, nó đã lặng lẽ cắm rễ, ăn sâu vào cốt tủy cùng trái tim đầy vết xước của người khiến bạn sẽ còn thống khổ, khó tiếp nhận hơn gấp trăm lần. Sau tất cả, tự nhủ với lòng mình, nghiền ngẫm đớn đau, nói thật với bản thân và dũng cảm đối diện với những điều đó, chiến thắng nó, tâm hồn sẽ nhẹ nhõm yên ổn hơn bao giờ hết.

    Con người không hoàn hảo, sẽ luôn có những thất bại cùng lầm lỗi. Đừng vì lòng tự ái hay vì điều gì khác mà không thừa nhận thất bại. Sẽ chỉ khiến con người thêm yếu đuối, suy vi. Đánh bại chính mình của hiện tại, nhận sai và sửa đổi, không để mắc phải nữa mới giúp bạn thêm trưởng thành, tiến bộ lên từng ngày.

    Đừng bao giờ lừa dối chính mình, bởi khi ngay cả bản thân mà bạn còn muốn dối lừa, chính mình còn không tin tưởng thì bạn còn có thể tin tưởng vào điều gì hay một ai nữa. Hãy nhớ rằng, không có niềm tin vào cuộc sống tức là sống chỉ để tồn tại, tự ti sẽ chẳng thể mang lại thành công.
     
  7. Liên Phúc

    Bài viết:
    162
    Tốt nhất vẫn không nên thật quá càng đừng nên giả dối quá.

    Nếu lời nói dối hoàn toàn vô hại, ngược lại còm có lợi, vì lí do gì không nên nói?

    Nếu lời nói thật cho người ta câu trả lời chính xác nhất, vì sao không nên nói?

    Vẫn là tùy vào trường hợp vào ngữ cảnh nữa.

    Thành thật nhưng khôn ngoan mới là chân lý nhaaa
     
  8. Sai Nguyen

    Bài viết:
    177
    Định nghĩa của một lời nói dối là lời thêu dệt sai sự thật về một sự vật, sự việc, diễn biến đã hoặc sẽ xảy ra.

    Hành động nói dối là một hình thức giao tiếp có sự tham gia của hai bên: Bên lừa dối và bên bị lừa dối. Kẻ lừa dối có ý định truyền đạt những ấn tượng hoặc thông tin sai lệch. Tuy nhiên, người bị lừa phải tham gia vào sự dối trá - ít nhất là ở một mức độ nào đó. Điều này có thể là do sự thờ ơ, thiếu hiểu biết, thành kiến, hoặc quá tự tin vào kiến thức của bản thân hoặc quá tin tưởng vào người nói dối. Có thể dễ dàng nhận ra rằng hành động của người nói dối mang tính chủ động, còn người tiếp nhận lại hoàn toàn bị động và không có quyền kiểm soát sự việc.

    Tại sao con người nói dối? Nói dối cho phép một người thiết lập quyền kiểm soát nhận thức của bản thân và người xung quanh với một tình huống bằng cách thao túng nó. Đó là một cơ chế bảo vệ (mang tính tự vệ) ngăn họ không bị tổn thương, tức là không công khai và tiết lộ con người thật hoặc sự thật bất lợi cho họ với người khác. Trong nhiều tình huống, người nói dối tin rằng nói ra sự thật sẽ dẫn đến khả năng người kia chịu ảnh hưởng lớn về tâm lý, hoặc có thể chỉ trích hay cảm thấy thất vọng về họ. Việc thiếu tự tin dẫn tới cảm giác thiếu an toàn sẽ gây áp lực lớn lên tâm lý, thậm chí có thể khiến họ không thể chịu đựng được.

    Nếu đi sâu vào cơ chế phòng thủ đã đề cập ở trên, một người sẽ nói dối để tránh những tình huống khó khăn và 'chôn vùi' những cảm xúc đi kèm với tình huống đó như cảm giác tội lỗi, trầm cảm, buồn bã và lo lắng. Nói dối giúp người đó tránh được việc đối mặt với những cảm giác choáng ngợp này hoặc thậm chí là đạt được nhiều lợi ích trong ngắn hạn. Điều quan trọng cần lưu ý là dù niềm tin của người nói dối hay người tiếp nhận ra sao, trước sau gì sự thật cũng sẽ phơi bày và phản ứng của người bị lừa dối đối với người nói dối thậm chí còn gay gắt hơn.

    Như vậy, có thể nói hành động nói dối chỉ là một phản ứng tự vệ của não bộ trong những tình huống khó khăn khác nhau để tự vệ cho bản thân hoặc để giành một lợi ích nhất định. Vì bản chất lời nói dối là xuyên tạc sự thật hoặc thậm chí là tạo nên những sự việc không có thật nên kết quả tích cực của hành động này dù có xảy ra hay không đều chỉ mang tính thời điểm. Một khi sự thật bị phơi bày hậu quả của lời nói dối lên chủ thể hoặc người tiếp nhận có thể còn nặng nề hơn, chính vì thế nếu người nói dối muốn tiếp tục che giấu sự thật thì sẽ càng phải tạo ra nhiều lời nói dối hơn nữa.

    Chính vì thế câu hỏi "Nên nói dối hay nói thật nhiều hơn." cũng có nghĩa là "Bạn lựa chọn lợi ích nhất thời hay lâu dài."

    Như đã nói ở trên nói dối là một loại bản nặng tự vệ của những người thiếu tự tin, điều đó đồng nghĩa với việc nếu một người quá ỷ lại vào lời nói dối, người đó sẽ không bao giờ học được cách tin tưởng bản thân hay trở nên thành công trong cuộc sống. Cũng giống như các loại bản năng khác của con người, lựa chọn tối ưu chính là biến bản năng trở thành lợi thế và bạn chỉ có thể làm được điều đó khi bạn tự tin vào lựa chọn của bản thân và dám đối mặt với hậu quả của nó. Trước khi lựa chọn nói ra một lời nói dối hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân.

    1. Sự thật này có đáng để che giấu hay không? Ví dụ nếu bạn đi làm muộn vì quên không đặt đồng hồ báo thức, đây chỉ là một sơ xuất thông thường, đôi khi thạt thà nhận lỗi với sếp sẽ khiến sếp tin tưởng bạn hơn.

    2. Liệu có khả năng tránh nói tới sự thật mà không cần phải nói dối hay không? Ví dụ cô bạn của bạn tâm sự rằng cô ấy nghĩ bạn trai đang ngoại tình với người khác. Bạn cũng có cảm giác rằng người đàn ông kia đang lén lút qua lại với chị gái của bạn nhưng không có bằng chứng rõ ràng, trong trường hợp này thay vì lập tức nói dối để bảo vệ chị mình, lựa chọn tốt nhất là không nói ra sự thật mà để ba người họ tự giải quyết vấn đề với nhau. Nói cho cùng đây không phải là việc của bạn, nhanh nhảu nói dối hoặc bình luận sẽ chỉ khiến người ta coi thường bạn mà thôi.

    3. Lợi ích mà bạn và người xung quanh đạt được từ lời nói dối có đáng để đánh đổi với áp lực tâm lý nặng nề trong thời gian dài vì phải cố hết sức che dấu sự thật hay không? Ví dụ một người đang bị bệnh nặng cần tránh áp lực tâm lý nhưng người thân của người ấy đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Trong trường hợp này nói dối là một lựa chọn sáng suốt để người nọ có thời gian bình phục rồi mới nói sự thạt với họ.

    Để kết lại bài viết, mình muốn nhấn mạnh rằng nói dối là một loại lựa chon, chính vì thế không thể có một loại tỷ lệ rõ ràng trong cuộc sống là con ngưòi nên nói dối bao nhiêu % và nói thật bao nhiêu %. Quyết định nói dối hay không phụ thuộc lớn vào việc đánh giá rõ ràng và kỹ càng nguyên nhân, kết quà của sự việc đối với bản thân và người xung quanh và một khi đã lựa chọn, hãy chắc chắn bạn sẵn sàng đối mặt với hậu quả của nó.
     
    Ưu Đàm Thanh TiMạnh Thăng thích bài này.
  9. Cơ Hoàng

    Bài viết:
    4
    Thật quá không tốt mà dối quá cũng không hay.

    Vì mình nói thật quá thì có khi sự thật mất lòng, hoặc thật quá thì dễ bị người ta khinh thường. Thậm chí có đôi khi một câu nói dối với ý tốt cũng có thể làm cho người khác tốt lên thì chúng ra nên làm, đừng thật quá.

    Nhưng nếu nói dối nhiều quá thì cũng không tốt, vì một lời nói dối sẽ cần rất rất nhiều những lời nói dối khác để che giấu lời nói dối đó. Đồng thời, khi chúng ta nói dối thì tâm lý cũng sẽ dễ bị chột dạ, thành ra nhều khi cứ lo sợ vô cớ. Đặc biệt là phải luôn thật thà với bố mẹ của mình, chỉ nên nói dối khi lời nói thật có thể khiến bố mẹ lo lắng cho mình. Chúng ta chỉ nên nói dối với người cần nói dối và nói thật với người cần nói thật.
     
    Ưu Đàm Thanh TiMạnh Thăng thích bài này.
  10. Giaoleee

    Bài viết:
    2
    Thật ra, từ khi còn nhỏ gia đình luôn dặn chúng ta rằng phải luôn thành thật, không được dối trá, dối trá nhiều quá sẽ bị trời phạt. Hay những câu chuyện cổ tích trên mạng về những cô bé, cậu bé nói dối xong bị phạt là mũi dài ra, biến thành cái này, cái nọ. Thế nhưng trong cuộc sống nhiều lúc nói dối cũng sẽ tốt cho bản thân và cũng như gia đình. Nhiều lúc sự thật sẽ khiến chúng ta trở nên loay hoay, trăn trở với những điều sẽ xảy ra sau đó. Ví dụ như bản thân tôi, ngày xưa khi biết ba tôi có bồ, tôi đã quyết định rằng sẽ nói dối và giấu mẹ tôi về chuyện đó để gia đình không xào xáo.

    Và tất nhiên rằng nhiều lúc việc nói thật sẽ giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Ví dụ điển hình nhất là hiện nay nhiều bạn nhỏ (con nít) á trở nên bạo lực và các nạn nhân đã lựa chọn nói dối vì sợ gia đình, sợ bị trả thù

    Túm lại, theo ý kiến của cá nhân tôi, trong cuộc sống nói thật vẫn cần nhiều hơn và tất nhiên đôi khi việc nói dối sẽ giúp đỡ rất nhiều trong việc khiến xã hội và gia đình đỡ áp lực và phiền muộn hơn.
     
    Ưu Đàm Thanh TiMạnh Thăng thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...