Mình viết bài này vì thấy trên diễn đàn cũng khá nhiều bạn rành một ngoại ngữ nào đấy. Nhưng tại chúng ta hay có quan niệm, ngoại ngữ mà, để học sau, lo học tiếng Việt tốt trước đi đã. Nhưng theo cá nhân mình nghĩ, suy nghĩ đấy vô tình đã làm mất đi giai đoạn học ngoại ngữ tốt nhất của trẻ. Mình thì hơi đặc biệt xíu khi vợ lại là người Trung. Tốt nghiệp đại học bên Trung Quốc, khi đi làm thì công ty cử qua đây công tác và lỡ yêu rồi lấy mình luôn. Lúc đầu đúng là mình cũng không có ý nghĩ đến việc sẽ dạy con mình học tiếng Trung sớm, tại nghĩ nó ở Việt Nam, vợ mình cũng rành tiếng Việt rồi, thôi để sau này dạy cũng được. Cho đến một lần, lúc đấy mình vẫn còn làm bên xây dựng, mình với đối tác đi ăn cơm chung với nhau, đối tác mình là người Đài Loan nhưng lấy vợ Việt Nam và có một đứa con trai cũng khoảng 10 tuổi. Hôm đấy ông ấy dẫn cả vợ và con đi ăn cơm cùng. Mình có quay sang hỏi cậu bé: "Con tên gì? Mấy tuổi rồi?" Nhưng cậu nhóc ngơ ngác, không hiểu. Đến lúc mẹ nó nói mình phải hỏi bằng tiếng Trung, chứ nó không biết tiếng Việt đâu. Mẹ cậu bé cũng có suy nghĩ, nó cũng ở Việt Nam đâu, vài ba năm mới về thăm bên ngoại một lần, nên cũng không dạy tiếng Việt cho con, mà ở nhà cũng dùng tiếng Trung để dạy con. Mình cũng chẳng phản đối, nhưng suy nghĩ, nếu con mình sau này về bên kia thăm ông bà ngoại với họ hàng, sẽ giao tiếp thế nào đây? Ông bà ôm cháu rồi "ư ư a a" hay sao? Không lẽ những câu nói tình cảm của cháu với ông bà và ngược lại, phải thông qua một người khác? Tối đấy về, mình quyết định bàn với vợ, sẽ dạy con học tiếng Trung song song với tiếng Việt luôn. Lúc đầu vợ mình cũng phản đối, vì nản, với lại nghĩ rằng khó. Mình phân công mình dạy con tiếng Việt, vợ dạy con tiếng Trung để nó có thể nói chuẩn ngay từ đầu. Lúc đấy, bé nhà mình cũng đang mới tập nói thôi, mình pha sữa thì mình sẽ cầm bình sữa và nói "sữa, sữa." còn vợ mình pha sữa sẽ nói "nải, nải." cho cháu có thể hiểu rằng, cái bình đấy có thể gọi là "sữa" hoặc "nải" tùy thuộc vào ba hay mẹ pha. Nên sau này mỗi lần muốn uống sữa, mà cháu nói với mình "nải, nải" mình làm lơ, đến lúc cháu nói "sữa, sữa" mình mới đi pha và ngược lại. Tương tự vậy cho các đồ vật, trái cây hoặc thói quen. Lúc đầu cháu nói một câu có khi còn pha từ chưa thuộc. Ví dụ thay vì nói "mẹ ơi con muốn đi tè" (wo yao qu niao niao) thì cháu sẽ nói "con muốn đi niao niao" hoặc "wo yao chi Táo" (Con muốn ăn táo).. đến sau này khi cháu biết nói nhiều thì gần như thành thói quen, khi nói chuyện với ba thì dùng tiếng Việt, nói chuyện với mẹ thì dùng tiếng Trung. Và nói được nhiều câu trọn vẹn bằng cả hai thứ tiếng. Đến lúc 5 tuổi đưa cháu về bên kia ăn tết lần đầu với ông bà ngoại, gần như chỉ trong gia đình mới biết cháu là người Việt, còn lại không ai nghĩ cháu sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vì nói nhiều và chuẩn như một đứa trẻ con bằng tuổi cháu ở bên đấy. Từ lúc 4 tuổi mình cũng bắt đầu cho cháu nghe nhạc và xem hoạt hình trên youtube bằng tiếng Trung để bổ sung thêm vốn từ. Đến giờ thì cháu coi như có thể giao tiếp với người Trung, hoặc nghe nhạc, xem phim hoàn toàn bằng tiếng Trung. Còn đi học, môn Văn Tiếng Việt cháu cũng học rất khá (các kỳ thi đều 9 với 10 điểm). Đến đứa em gái cháu sau này, nhỏ hơn 1 tuổi, thì việc dạy tiếng Trung hoàn toàn do con chị đảm nhiệm. Bây giờ hai đứa, một đứa 7 tuổi và 1 đứa 8 tuổi ở nhà nói chuyện với nhau cũng bằng tiếng Trung, coi phim hoạt hình cũng bằng tiếng Trung. Như vậy coi như đã có thêm một ngoại ngữ giắt lưng làm vốn cho sau này. Vậy, các bạn ở trên này, nếu cảm thấy vốn liếng ngoại ngữ của mình (Anh, Trung, Hàn, Nhật) đủ để giao tiếp, thì sau này nếu có con mình áp dụng thử xem sao nhé. Biết thêm ngoại ngữ, dù là ngôn ngữ gì, theo mình cũng không bao giờ là thừa, là lạc hậu hết.
Mình cũng chẳng phản đối, nhưng suy nghĩ, nếu con mình sau này về bên kia thăm ông bà ngoại với họ hàng, sẽ giao tiếp thế nào đây? Ông bà ôm cháu rồi "ư ư a a" hay sao? Không lẽ những câu nói tình cảm của cháu với ông bà và ngược lại, phải thông qua một người khác?