Nàng tiên cá hay cá voi trắng biển khơi Nàng tiên cá xinh đẹp sẽ dùng giọng hát mê hoặc để quyến rũ thủy thủ rồi đưa họ xuống biển cả sâu thẳm. Dĩ nhiên, nàng tiên cá chỉ là một nhân vật hư cấu mà thiên hạ đã tưởng tượng, phóng đại. Thế nhưng, lịch sử không hề phóng đại! Thời La Mã cổ đại, nàng tiên cá được coi là sinh vật có thật. Vào thế kỷ I, nhà tự nhiên học Pliny the Elder đã ghi chép lại trong cuốn Natural History về một giống loài đặc biệt nửa người nửa cá và được ông gọi là Nereids (tên gọi nữ thần biển trong thần thoại Hy Lạp), thân trên của sinh vật này có hình dạng con người nhưng làn da thì mọc vảy cá. Nhiều báo cáo nói rằng loài vật này đã tấn công ngư dân và đánh chìm nhiều tàu bè. Nhà thám hiểm nổi tiếng Christopher Columbus đã tuyên bố nhìn thấy nàng tiên cá ở gần đảo Haiti vào năm 1493 trong chuyến hành trình tìm châu Mỹ và mô tả nàng tiên cá xấu xí, dị biệt có chiếc đầu hói, chiếc miệng đầy răng nanh hung dữ Ở thế kỷ 17, Người Anh cho rằng nàng tiên cá đã hòa nhập vào cuộc sống của họ. Năm 1614, thuyền trưởng John Smith là một người lính Anh nói rằng ông đã nhìn thấy nàng tiên cá ngoài khơi Newfoundland. Nhiều binh lính khẳng định rằng người cá đang sống chung với con người nhưng không chịu lộ diện và không nói được. Sự thật về nàng tiên cá được hé lộ Bán tin bán nghi, nhiều người tin vào nàng tiên cá có thực trên đời một cách tuyệt đối. Thậm chí, có nhiều bức ảnh chỉnh sửa để chứng minh cho điều hoang đường đó đang tồn tại. Cho đến một ngày, hình ảnh thực từ camera biển ghi lại, một sinh vật với đôi chân người, 2 chiếc cánh bé xíu đang ngoi lên mặt biển. Điều bấy lâu nghi ngờ được mở màn, nàng tiên cá ấy chính là một chú cá voi trắng (beluga whale), một loài cá khổng lồ trong bộ cá voi, sinh sống chủ yếu ở khu vực Bắc Cực và dọc theo bờ biển Alaska, Canada, Greenland và Nga. Nếu vô tình nhìn ngắm chúng ở một góc độ nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể nhầm chúng với một người cá, vì phần bụng dưới của chúng nhô ra hai khúc gì đó kỳ quặc nằm đối xứng hai bên, trông giống hệt đùi và đầu gối của con người ẩn giấu bên dưới lớp da dày và chiếc vây khổng lồ. Dĩ nhiên, cá voi có vây chứ không có chân rồi! Hai phần cơ thể nhô ra giống cặp đùi nói trên chỉ là mỡ của chúng mà thôi. Lớp mỡ này chiếm khoảng 40-50% trọng lượng cơ thể, giúp giữ ấm trong điều kiện nhiệt độ nước biển hạ xuống 0 độ C, đồng thời là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể trong trường hợp khan hiếm thức ăn. Chính vì nặng nề như thế nên khi di chuyển trong nước, lớp mỡ bụng của cá voi trắng sẽ chuyển động dập dềnh, và nếu bắt trúng khoảnh khắc, chúng ta sẽ nhìn thấy chúng có hình dáng giống như cặp đùi của nàng tiên cá. Không những thế, loài vật này còn giao tiếp với nhau bằng âm thanh ở tần số cao, và tiếng kêu của chúng nghe giống như tiếng chim, vì thế chúng còn có biệt danh là chim hoàng yến của biển cả. Và đó cũng chính là âm thanh nhiều người đồn đoán là tiếng hát của nàng tiên cá mê hoặc những người trên biển. (Nguồn tham khảo)