Tiểu Thuyết Năm Tháng Ấy Hằn Sâu Chấp Niệm Đau Thương - Phan Việt Ân

Thảo luận trong 'Hoàn Thành' bắt đầu bởi Phan Việt Ân, 9 Tháng mười 2021.

  1. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 10

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không rõ được ăn thua như thế nào mà hầu như sáng nào ngủ dậy, mẹ cũng hỏi chị em chúng tôi có nhớ đã mơ thấy gì không để mẹ tôi còn luận đề. Ai trong xóm tôi cũng có một quyển và mọi người trân trọng nâng niu giống sách bí kíp võ công vậy.

    Thấy ánh mắt mẹ trông mong, tôi ngái ngủ:

    - Con mơ thấy mẹ đứa bạn con biến thành ma rồi đuổi bắt con. Nhưng con không sợ, vì con nhớ mẹ bảo người chết thì ba ngày sau mới biết là họ đã chết..

    Lời nói của tôi làm sắc mặt mẹ trắng bệch. Tôi thấy cả người mẹ run rẩy, trên trán mẹ túa ra rất nhiều mồ hôi giống như lúc mẹ đi làm về muộn mà còn cố vác theo năm, sáu cây tre dài.

    Chị tôi hoảng hốt lay lay người mẹ:

    - Mẹ! Mẹ đừng sợ. Họ mới chết hôm qua thôi mà..

    Cuối cùng thì mẹ tôi cũng tỉnh táo lại. Mẹ bưng mặt khóc nức nở vì hối hận đã mang hết tiền của để dành ra chơi đề, vì sợ hãi khi nghĩ đến cảnh mất cả nhà rồi túng quẫn đến mức phải thắt cổ giống như cô kia, vì đau lòng khi tưởng tượng ra các con mình lôi thôi lếch thếch khi không còn mẹ..

    Dù sao thì trong cái rủi có cái may, trong khi nhiều nhà đã phải chịu cảnh "ra đê mà ở", thì nhờ mẹ tôi đã "tỉnh đòn", chúng tôi vẫn có một mái nhà tranh để đi về.

    Bọn trẻ con chúng tôi vẫn chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của đề đóm, vẫn hồn nhiên kể cho nhau nghe xem hôm nay nhà nào ăn mừng, nhà nào đánh nhau, nhà ai có thêm người tự tử.. vì nạn đề còn quấy phá ở xóm nhỏ này hơn một năm trời nữa.

    Sau khi theo mẹ tôi ra ruộng lúa để thả hết các cụ cóc tía về với thiên nhiên, tôi thấy có cụ chắc vì ở lâu với mẹ tôi rồi nên còn lưu luyến không muốn rời, cứ nhẩy theo sau mẹ tôi. Tôi lặng lẽ đuổi kịp, thẳng chân sút một phát cho cụ bay vào bụi cỏ gần đó. Chỉ khi các cụ cóc này biến hết đi, mẹ tôi mới có tiền để mua thịt về kho.

    Nhưng con ma đề đâu có dễ dàng buông tha nhà tôi. Mẹ tôi cai không chơi nữa, nhưng cả đội vẫn vô cùng náo nhiệt thi đua ghi đề. Của nả nhà ai cũng dần đội nón ra đi. Cả xóm tả tơi như thời loạn và dẫn đến tình trạng trộm cắp vì "đói ăn vụng, túng làm liều.".

    Hai con chó nhà tôi bị đánh bả chết. Trước khi chết, chúng vẫn kịp chạy về nhà kêu oăng oẳng rồi nằm sùi bọt mép ở góc sân, một lúc sau thì nằm im chết thẳng cẳng. Phải nói là chị em tôi đã khóc hết nước mắt khi chứng kiến cảnh tượng thương tâm đó.

    Mẹ tôi đi làm đến trưa muộn mới về, vừa vào cổng liền nhìn thấy hai đứa con mắt sưng húp ngồi ở góc sân khóc nức nở. Mẹ tôi nhăn mày:

    - Nắng như này ngồi phơi nắng lại ốm thì sao..

    Nói hết câu thì mẹ tôi cũng nhận ra điều bất thường: Chó nhà tôi bị ăn phải bả, chết liền hai con.

    Mẹ tôi định đem chôn, nhưng cô hàng xóm chạy sang bảo "Chị thịt đi. Em thịt cùng xong em gọi bên bản họ mua cho một con. Một con để lại em ăn với. Chôn làm gì, phí của, không sao đâu.".

    Cô ấy thuyết phục được mẹ tôi, nhưng đến lúc nấu xong, mẹ sợ nên chỉ cho chúng tôi ăn thử hai miếng. Mặc dù thèm thịt, nhưng vì nghĩ thương bọn chó, nên sau khi ăn xong hai miếng thịt của chúng nó, chị em tôi bảo nhau là "ăn thế thôi không nó về oán mình đấy!".

    Cũng may là không ai ăn thịt chó xong bị làm sao, nhưng nhà tôi lại bắt đầu những tháng ngày đen đủi.

    Vì không còn chó giữ nhà, con lợn mẹ tôi mua về nuôi làm giống mới được vài ngày liền bị bắt trộm ngay trong đêm hôm sau. Đàn gà cũng bị trộm hết, chỉ còn sót một con hay ngủ trên cây. (Hôm sau mẹ tôi nhử gạo trong lồng, nó chui vào bị mẹ tôi bắt làm thịt, không thì cũng mất nốt).

    Dù mẹ tôi đã rất cẩn thận, nhưng hở ra cái gì là bị mất cái đó. Mấy thằng trộm trộm hết đồ đáng giá rồi, còn cạy cả cửa bếp nhà tôi ra, lấy đi nốt mấy cái xoong quân dụng to mà trước đây mẹ tôi hay dùng để nấu cám lợn. Mấy cái chậu cũng cùng chung số phận. Mẹ tôi chỉ biết than ngắn thở dài "đúng là chó cắn áo rách.".

    Cái nhà bị cưa ra nên chỉ còn mỗi một gian, mẹ tôi vẫn phải di chuyển hết số nồi niêu bát đĩa còn lại lên nhà đến nỗi nhà chật chội không còn chỗ đặt chân. Tôi vốn hậu đậu nên sáng ra dậy đi học, chân tay quần áo quệt đầy nhọ nồi.

    Khi cái xóm nhỏ đã trở thành nghèo đến không còn nhìn ra của cải, hình dạng gì nữa, tất cả dần yên bình trở lại. Vài nhà phất lên bắt đầu mua gạch xây nhà. Phần đông còn lại, trong đó có mẹ tôi, cặm cụi, lam lũ gắng sức bươn trải gây dựng lại cuộc sống mới.
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười 2021
  2. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 11

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dù mẹ tôi chịu thương chịu khó như thế nào đi chăng nữa, thì dường như số phận đã định sẵn là mẹ tôi cả đời khổ cực. Đến mức độ mà mẹ tôi làm gì cũng trắc trở: Trồng lúa thì lúa chết khô, mà cũng trên mảnh ruộng ấy, quay sang trồng ngô thì ngô chết úng.

    Tôi nhớ cứ dọn cỏ xong đầu này, thì đầu kia cỏ lại lên cao ngang người rồi, chen chúc vượt qua cả lúa cả ngô.. Mẹ tôi bận bù đầu luôn. Rồi lại cả mấy vườn đỗ mà phải băng qua suối mới đến chỗ làm. Mùa mưa, nước lũ dâng cao cuốn trôi cả cây cầu gỗ. Mẹ tôi phải chờ những người dân bản biết bơi để nhờ họ kéo qua suối.

    Hôm nào họ mang nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh như cuốc liềm, hoặc là hôm nào mẹ tôi mang theo cơm nước đi ăn trưa luôn trên đồng, thì họ sẽ cầm đồ đạc cho và dặn mẹ tôi bám chặt đuôi trâu để trâu kéo sang bờ bên kia.

    Nước lũ vừa đục ngầu đất cát, vừa tanh hôi bẩn thỉu, mẹ tôi dập dềnh sau đuôi trâu, bao lần sặc nước phải nín thở. Sang đến ruộng đỗ thì mẹ tôi cũng uống no một bụng nước. Nhưng vẫn còn may là người dân ở đây vô cùng chất phác và tốt bụng. Biết mẹ tôi không biết bơi, cho dù trời tối sầm có đôi khi còn có mưa, họ vẫn đợi mẹ tôi rồi mới cùng về.

    Mùa mưa ở Tây Bắc ác liệt không kém gì miền Trung. Mưa thì mưa xối xả, còn sau đó tạnh thì nắng đến oi nồng chói chang. Cứ phơi người ra hứng cái kiểu thời tiết đó thì mình đồng da sắt cũng hỏng chứ nói gì mẹ tôi.

    Sau những lần cảm nắng cảm lạnh liên tục, cơ thể mẹ tôi yếu hẳn đi. Có một lần đang làm cỏ, mẹ tôi bị chẩy máu cam. Nghỉ ngơi một lát tưởng máu ngừng rồi, mẹ tôi xuống suối rửa mặt. Vừa rút cái cục lá chó đẻ ra, máu mũi mẹ tôi cứ thế tồng tộc chảy xuống. Bà ngẩng mặt lên trời, nhưng nắng gắt đến độ nhắm mắt lại rồi mà vẫn bị chói đến chảy nước.

    Nước mắt mặn chát, cơ cực, mẹ tôi đuối sức gục đầu nhìn xuống dòng suối đang chảy cuốn đi những mảng máu loãng dần. Trong khoảnh khắc ấy, có lẽ quá mệt mỏi, bà đã muốn buông xuôi tất cả. Một lúc sau, thấy máu ngừng hẳn, mẹ tôi rửa sạch mặt mũi, lau khô tay rồi uể oải vào dưới bóng cây ngồi thần người ra mãi.

    Đến khi dân bản í ới gọi nhau ra về, mẹ tôi mới bình tâm trở lại. Nhìn họ khoe những con bọ cánh cứng bắt được khi làm nương để đem về làm quà cho con, mẹ tôi như được tiếp thêm sức lực. Khi có động lực và ý chí, thì tất cả mọi cơ hàn đắng cay trong cuộc đời này đều trở thành hư không. Và chị em tôi chính là nguồn sống để mẹ đặt hi vọng vào, là lý do để mẹ tồn tại, là điều ý nghĩa duy nhất trong cuộc sống của bà.

    * * *

    Năm tôi lên lớp ba, tôi bị một trận viêm họng kéo dài mãi không khỏi. Mẹ thì đi làm cả ngày, chị em tôi cứ đi học về là lại dắt nhau giam nắng nên tôi hay bị cảm, sức đề kháng yếu và bệnh cứ tái đi tái lại. Đến khi tôi cứ kêu mỏi tay chân bắt mẹ xoa bóp cho lúc đi ngủ, thì mẹ tôi mới vội vàng đưa tôi đi khám.

    Bác sỹ kết luận tôi bị thấp khớp chạy vào tim. Mẹ tôi bàng hoàng ngồi thừ người ở ngoài hành lang bệnh viện. Cũng là số tôi có quý nhân phù trợ (mẹ tôi bảo vậy) nên cô M, cô bạn của mẹ tôi mà tôi đã từng kể là hay tới cho chị em tôi quà, xuất hiện kéo mẹ tôi ngồi lên ghế.

    - Chị đi khám hay đưa cháu đi khám vậy? Trưa vào nhà em ăn cơm nhá.

    Mẹ tôi lắc đầu:

    - Chị cho cháu đi khám. Cảm ơn em, nhưng đi lấy thuốc cho cháu xong chị phải về luôn.

    Cô M cầm tờ kết luận của bác sỹ trên tay mẹ tôi, xem qua rồi an ủi hai mẹ con:

    - Chị để cháu ở lại đây với vợ chồng em. Thuốc của cháu, em xin được. Em sẽ điều trị cho cháu. Chị cứ yên tâm về với con bé lớn đi. Chiều em bảo chồng em phi xe máy xuống lấy quần áo lên cho cháu sau.

    Bác sỹ bảo bệnh thấp tim khó chữa, vì đã nghe thấy tiếng thổi phù phù trong tim tôi rồi, thuật ngữ chuyên nghành họ gọi là "tiếng thổi tâm thu" thì phải. Cô M là y sĩ nên chắc hiểu được bệnh tình của tôi. Cô bảo trước hết tiêm kháng sinh theo liệu trình của bác sỹ đã kê đơn, và ở trên này chỉ cần tôi ngồi yên thì cô mang tôi theo được, vừa đỡ phải mẹ tôi đưa tôi đi đi về về, vừa đỡ cho tôi đi chơi nắng.

    Ở với cô chú ấy hai tuần, tôi béo trắng hẳn ra. Vừa được cô chú tẩm bổ, ăn toàn đồ ngon, mà khi đến giờ cô tiêm cho tôi, chú cũng bế tôi trong lòng, thổi thổi chỗ tiêm cho tôi, nên kim tiêm chọc vào bắp tay ngoài cảm giác buốt buốt ra, tôi không cảm thấy sợ hãi như mấy mũi tiêm ban đầu.

    Trong suốt nửa tháng tôi ở viện với cô chú, mọi người đến hỏi thăm tình trạng của tôi rất nhiều. Nhưng tôi tuyệt không một lần nhìn thấy bóng dáng người mà tôi gọi là bố..
     
  3. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 12

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mọi người thắc mắc với mẹ tôi, sao không bảo cho ông ấy biết là tôi ở phòng nào, vì ông ấy đi phân bua với mọi người là ông ấy có lên viện thăm con nhưng không biết tôi ở khu nào nên lại phải đi về.

    Mẹ tôi mỉm cười chua chát:

    - Thế lúc các bác, các ông bà đến thăm con em, mọi người cũng có đi hỏi em, hay là em đi thông báo con em ở chỗ nào đâu? Sao mọi người lại tìm được con bé mà bố nó thì không?

    * * *

    Xong đợt điều trị, mẹ lên đón tôi về. Vợ chồng cô M bảo mẹ tôi cứ để tôi ở chơi với em bé nhà cô chú cho vui, nhưng mẹ tôi từ chối vì tôi còn phải về đi học. Tôi cũng nhớ chị tôi và những buổi trốn mẹ đi bắt ốc ngoài bờ ao, mặc dù mẹ luôn cấm vì tôi đã từng suýt bị chết đuối một lần.

    Sau lần suýt chết đuối đấy tôi còn bị ngã mấy lần xuống ao nữa, nhưng vẫn không chừa, vì hồi ấy ngoài nghịch nước và chơi bùn đất ra, chúng tôi có mấy trò để giải trí đâu?

    Lớn hơn một chút nữa, tan học tôi còn theo lũ bạn đi lên đồi tìm quả cơm nguội, quả mâm xôi, sim, mắc sim, me đất.. tuy chả có mấy quả ngon ngọt nhưng đấy là món quà tuổi thơ đầy mỹ vị của những đứa con nhà nghèo như chúng tôi.

    Tôi nhớ như in có lần theo chúng bạn chui rúc vào bụi tre bị gai tre cào xước hết mặt mũi tay chân mới tìm được mấy quả "dái gà" mà ăn xong rát lưỡi khô cổ gần chết.

    Tôi cũng không biết tên khoa học của nó là gì, chỉ nhớ nó to như quả nhót, chín vàng, da nhẵn nhụi và có mùi rất thơm. Mới đầu cho vào miệng thì nó ngọt lịm như kẹo, nhưng chỉ vài phút sau, cái cảm giác ngứa ngứa và rát bỏng trong mồm thật không dễ chịu chút nào. Cho dù có súc miệng và uống no một bụng nước, tôi vẫn cảm thấy mình khát đến cháy cổ.

    Sau lần ấy, tôi chừa va vào mồm những quả dại mà tôi chưa rõ tên và chưa biết sau khi ăn sẽ có cảm giác như thế nào. Dần dần thành thói quen, sau này tôi cũng không hay thích ăn vặt nữa, kể cả là những thứ của nhà mình.

    Ở bờ ao nhà tôi có một hàng khoai sọ nước củ rất to. Cứ mỗi năm đến mùa hè là mẹ tôi đào lên cho mỗi nhà một ít. Dù luộc lên chấm đường, tôi cũng không động vì dư âm ngứa lăn tăn từ môi cho đến cổ họng cái ngày ăn quả dái gà kia lại ập về.

    Mọi người bảo từ ngày ở phố, tôi trở về không thích ăn món nhà quê nữa rồi. Chỉ tôi mới biết nguyên nhân tại sao mà không dám nói vì sợ mẹ mắng, nên cười cười bảo cháu no rồi không ăn được nữa.

    * * *

    Lên cấp hai chị em tôi phải đi học xa nhà cách tầm bốn cây số. Mẹ tôi mua thêm chiếc xe đạp cũ cho hai chị em tôi đi, còn xe kia để mẹ còn đi chợ bán hàng. Nhưng năm lớp sáu lớp bảy toàn là chị tôi đèo, mà người chị tôi gầy nhẳng. Những hôm gió mạnh về ngược gió, chị em tôi toàn dắt xe đi bộ.

    Mãi đến cuối năm học lớp bảy, sau bao lần ngã xước đầu gối, khuỷu tay và đâm sấp dập ngửa vào bờ rào cúc tần nhà người ta, tôi mới chính thức biết đi xe. Tuy tôi đi được xe muộn nhưng may mà vẫn kịp thời.

    Ông ngoại tôi ốm nặng. Các bác ở dưới xuôi gọi nhắc mẹ tôi về gặp ông lần cuối. Dù vườn ngô nếp đã đến lúc luộc ăn được, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng về thăm ông.

    Mẹ dặn chị em tôi bẻ bán sống hay luộc bán được bắp nào hay bắp đấy, còn để già mẹ tôi về bán ngô khô cho họ bung cũng được. Thế là chị em tôi chính thức trở thành chủ một vườn ngô rộng hai, ba nghìn mét.

    Xã hội mà, có người tốt cũng có kẻ xấu. Thấy mẹ tôi về quê, ban đêm họ bẻ trộm ngô của nhà tôi mất một khoảng rộng. Tôi xót của giục chị hôm sau bẻ nhiều hơn, cả hai chị em cùng đi bán.

    Tôi và chị tôi- hai đứa trẻ nặng tầm hơn ba mươi cân một chút, lắc lư ghánh hai bên hai lưng bao ngô từ ruộng về nhà. Thực ra nửa bao ngô không nặng bằng một thùng nước, chị em tôi quen dần vì nhà mới của chúng tôi không có giếng, vẫn phải ghánh nước hàng ngày. Hai thùng nước mỗi thùng hai mươi cân còn nặng hơn bao ngô nhiều.

    Tuy thế nhưng một ngày ghánh vài ghánh nước và bốn ghánh ngô cũng khiến cho hai bên vai của chị em tôi trầy trụa tím bầm. Nhưng không bẻ về thì sẽ bị ăn trộm hết, chị em tôi cắn răng mà làm thôi.

    Chiều bẻ ngô ghánh về, sáng chúng tôi dậy từ ba giờ sáng để luộc ngô còn kịp đi chợ bán cho người ta ăn sáng. Tôi làm nhiệm vụ chở ngô đi bán, chị tôi ở nhà ra ruộng trông ngô chứ không đã bị trộm đêm rồi ngày bị trộm tiếp thì thật chả còn cái lá ngô nào..

    Tôi bán cả chục ngày rồi vẫn không xuể vì ngô già đi nhanh. Tôi đến hỏi cô cùng đội có mua ngô sống không vì tôi thấy cô cũng đi buôn ngô về luộc bán. Tôi đồng ý bán cho cô với giá một ngàn sáu bắp. Rẻ lắm, nhưng tôi không còn cách nào bởi bán ngô khô khó hơn mà còn mất công vẽ.
     
  4. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 13

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi bán cả ngô sống cả ngô chín bao nhiêu buổi rồi mà cũng chẳng được bao nhiêu. Ngô chín thì ba bắp được hai ngàn, ngô sống không bán một nghìn sáu đến bẩy bắp thì cô hàng xóm của tôi không mua.

    Nhìn một bao ngô đầy ự bẩy chục bắp mà được có hai mươi ngàn, tôi tiếc đến chẩy máu mắt. Cái uất nghẹn, vất vả ấy ứ lên trên cổ họng làm tôi không nuốt nổi cơm ngày hôm ấy. Đến tối mới thấy đói, tôi đi luộc ngô ăn thay cơm. Vừa ăn, tôi vừa cảm khái với chị về sự rẻ mạt đến cùng cực của sức lao động.

    Mẹ tôi về quê một thời gian sau điện lên nói với chúng tôi rằng ông ngoại không qua khỏi. Mẹ ở quê tận hiếu với ông, bốn hôm nữa sẽ lên.

    Chị em tôi lại ra đồng bẻ tiếp ngô rồi gồng ghánh về nhà. Ghánh ngô cuối cùng, có lẽ là mệt rồi nên tôi hoa mắt không nhìn kĩ đường đi nên dẫm vào mảnh sành. Không biết đứa trẻ con nào nghịch đập vỡ chai thủy tinh và văng một mảnh xuống lối tôi hay đi.

    Trời mưa đường toàn bùn nên tôi không đi dép, vì thế vết cứa khá sâu. Tôi nghe dưới gan bàn chân mình vang lên một tiếng sột rất ngọt và cảm giác đau thốc lên tim. Tôi cúi xuống nhìn máu túa ra dưới chân thành dòng sền sệt.

    Hơi hoảng một chút, nhưng tôi cũng không gọi chị tôi đằng trước mà cứ để chị tiếp tục về nhà. Tôi bình tĩnh lại, đặt ghánh ngô xuống và tháo quai nón ra, quấn quanh chân rồi buộc chặt lại để cầm máu với lại tránh bùn đất đỡ nhét vào thêm. Xong xuôi, tôi đứng dậy tấp tểnh cố hết sức ghánh nốt ngô về.

    Đến nửa đường thì thấy chị tôi ra đón. Chị tôi về tới nơi, quay lại không thấy tôi đâu, mà rõ ràng là tôi đi ngay đằng sau, nên vội vàng quay lại. Thấy tôi khập khiễng, chị tôi chạy lại đỡ lấy ghánh ngô, nhìn xuống dưới chân tôi, sốt ruột:

    - Đi phải nhìn đường chứ! Dẫm vào cái gì rồi?

    Giờ tôi mới thấy đau. Vì khi có người thân quan tâm, ta không cần cố tỏ ra cứng rắn nữa. Nước mắt tôi trào ra, lò cò nhẩy theo sau chị tôi trở về nhà.

    Tôi múc nước rửa sạch chân, dù đau há mồm vẫn phải cố rửa sạch bùn đất ở vết cắt. Vừa lau khô chân thì chị tôi bê một chậu nước muối vào, bắt tôi rửa lại lần nữa để sát trùng. Chị bảo vết thương ở chân sợ bị nhiễm trùng là bị uốn ván đấy. Tôi biết uốn ván là gì nên xót và đau như kim châm cũng phải cắn môi cho chân vào rửa lại.

    Đau thế nhưng hôm sau tôi vẫn dậy sớm luộc ngô rồi đi bán cùng chị tôi. Nhiều ngô như vậy, một mình chị tôi sẽ không bán được hết. Với lại, ngô để lâu sẽ cứng và không còn ngọt nữa. Tôi chỉ gặp khó khăn lúc lên và xuống xe, chứ ngồi trên yên xe rồi, tôi đạp bằng mũi bàn chân nên cảm giác đau đớn đó còn có thể chịu được. Đến bây giờ, dưới gan bàn chân tôi vẫn còn vết sẹo dài trắng hếu.

    Hai con nhóc con chúng tôi bán xong hết vườn ngô thì mẹ tôi cũng trở lại. Dù biết bị ép giá, mẹ vẫn khen chúng tôi làm rất tốt. Mắt mẹ ầng ậc nước. Tôi biết mẹ đau buồn vì ông ngoại tôi mất, cũng vì thương xót hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải đảm đương công việc của người lao động trưởng thành. Đấy là do chân tôi đã khỏi, tôi không đi khập khiễng nữa nên mẹ tôi không biết. Chứ nếu không, mẹ tôi sẽ còn tự trách, tự dằn vặt bản thân nhiều hơn nữa.

    Trong những ngày mẹ tôi đi vắng, mấy bác hàng xóm tuy không giúp được gì vì nhà ai cũng bận việc, nhưng họ vẫn chạy sang ngó xem chúng tôi ăn uống ngủ nghỉ ra làm sao.

    Tuyệt nhiên, người cần quan tâm chúng tôi nhất thì lại không thấy bóng dáng. Chắc cái tư tưởng vợ chồng bỏ nhau rồi thì thôi, cắt đứt hết mọi thứ, kể cả máu mủ ruột thịt gì đó cũng đều không liên quan nữa, đã ăn sâu vào máu của người mà chúng tôi phải gọi là cha.

    Thực ra thì từ trước đến giờ, không có ông ta, mẹ tôi vẫn nuôi được chị em tôi lớn khôn, cũng không phải chịu đói bữa nào. Nhưng biểu hiện của ông ta cũng quá vô tâm rồi. Vì lạnh lòng, sau này chị em tôi trưởng thành, lập gia đình, cũng không hề cần nhờ vả ông ta đến để đại diện cho gia đình nhà gái nữa.

    Vẫn là những ngày tháng cực nhọc tiếp nối nhau, mẹ tôi vẫn tham lam cậy sức, làm hết cánh đồng ngô này đến nương đỗ khác; hết vụ lúa này đến vụ lạc khác mà chỉ đủ tiền cho chị em tôi ăn học.

    Đến mùa thu lúa thu ngô, chưa chở về nhà kịp, mẹ tôi thân đàn bà góa bụa, lại lầm lũi đi đêm về hôm, lại ăn gió nằm sương ngoài đồng phòng trộm. Cái việc đáng lẽ phải là do đàn ông ghánh vác, lại dồn tất cả lên đôi vai gầy đến run rẩy của mẹ tôi.

    Chưa kể đến mùa mưa bão, nước dâng lên ngập sàn lều, ngập ướt cả chăn chiếu. Mẹ tôi thức trắng đêm ngồi co ro ôm gậy tre trong một góc nghe sấm sét và chớp giật, vì sợ, vì lạnh và vì tủi cực đến tận cùng..

    Lại một lần nữa, tôi tự hỏi bản thân mình, có lẽ tại chị em tôi mà mẹ tôi mới khổ đau đến vậy. Nếu như không có sự xuất hiện của chị em tôi trong cuộc đời bà, biết đâu mẹ tôi sẽ có một cuộc sống khác hẳn hiện tại..
     
  5. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 14

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vất vả, cực nhọc và nghèo khổ như vậy, nhưng khi chính quyền địa phương xét diện hộ nghèo, họ yêu cầu mẹ tôi làm đơn để xin được cấp nhà Đại đoàn kết, mẹ tôi từ chối không nhận. Có lẽ càng nghèo, lòng tự trọng và tính tự ái của con người sẽ càng cao.

    Vì mẹ tôi không muốn viết đơn xin trợ cấp, nên nhà tôi cũng không phải hộ nghèo. Mẹ tôi bảo mẹ tôi đủ sức đủ lực để nuôi chúng tôi lớn khôn nên người.

    Có lúc tôi đưa ra ý kiến với mẹ, hay là bán đi một phần đất để xây cái nhà nho nhỏ. (Vì mẹ tôi không chịu nổi tiếng ồn ở ngoài đường to do xe cộ đi lại, và do mảnh đất cũ có quá nhiều đau thương, nên mẹ tôi xin đổi đất từ mặt đường vào trong xóm trong cho yên tĩnh. Được cái mảnh đất trong xóm rộng gần gấp đôi nhà cũ của chúng tôi)

    Mẹ bảo tôi rằng đất sẽ để sau này chia đôi cho hai chị em, mẹ chỉ có mảnh đất này và thời gian cho hai đứa tôi học hành kiếm lấy cái nghề cho sau này đỡ khổ.

    Còn về phần mái nhà tranh lụp xụp này, mẹ tôi cương quyết để nguyên trạng. Bà bảo bà muốn để xem người nào thật lòng thật dạ với chúng tôi, không để ý đến hoàn cảnh nhà tôi, bà sẽ gả chị em chúng tôi cho người đó.

    "Thời buổi này ai cũng sống thực tế cả, lấy đâu ra câu chuyện tình yêu giữa chàng hoàng tử và cô bé lọ lem cơ chứ?"

    Tôi chỉ dám nghĩ vậy chứ không dám nói ra mồm điều đó với mẹ. Và đương nhiên, sau này chẳng có anh nhà giầu nào thèm ngó ngàng đến chị em chúng tôi cả, cũng may chúng tôi tìm được đối tượng "đôi lứa xứng đôi" thật tâm yêu thương mình. Đấy là chuyện tương lai, tôi sẽ kể cặn kẽ sau.

    Quay lại chuyện mái nhà tranh vách đất của mẹ con tôi: Trời mùa đông thì lạnh co vòi đắp hai chăn chồng lên vẫn lạnh; lúc mưa to không đến nỗi dột khắp nơi nhưng chỉ cần vài lỗ thủng trên mái nhà là đủ cho nước mưa nhỏ xuống nền vừa ướt lép nhép vừa bẩn lớp nhớp.

    Nằm ngủ không cẩn thận, tôi còn bị bụi từ vụn mái tranh rơi đầy mặt, rơi cả vào mắt, cộm lên, sưng đỏ, ngứa và đau mắt muốn phát điên.

    Vì nhà nghèo nên chị tôi chăm học lắm, còn tôi thì vẫn lười như ngày xưa. Cũng may là tôi không đến nỗi dốt nát. Từ cấp hai đến tận khi hết ba năm cấp ba, năm nào tôi cũng được chọn vào các đội tuyển ôn thi học sinh giỏi. Tôi được chọn và thử sức ở đủ tất cả các môn, nhưng vì lười, chẳng môn nào tôi có giải mà toàn là điểm xấp xỉ.

    Ưu điểm duy nhất của tôi (có khi là khuyết điểm) đó là biết tiết kiệm. Với cùng một số tiền, mẹ hoặc chị tôi mua thức ăn cho một bữa, vào tay tôi thì tôi có thể chuẩn bị được đồ ăn cho cả ngày, lại còn để dành ra được một vài nghìn cất đi để dành.

    Với số tiền dành dụm đó, tôi xin mẹ đồng ý cho tôi mua một chiếc xe đạp mini cũ màu trắng với giá một trăm rưỡi. Đó là việc khiến tôi hài lòng, mãn nguyện nhất trong những tháng năm cơ hàn ấy. Nhưng sau này, nó vẫn bị mất trộm. Điều đó làm tôi tiếc rẻ cả năm trời. Và đáng tiếc hơn là chị tôi lại phải lóc cóc đạp cái xe vừa cũ vừa nặng đi học sư phạm cách nhà hơn hai mươi cây số.

    Chị tôi học sư phạm năm thứ hai ở tỉnh nhà thì tôi xuống thủ đô học đại học năm đầu tiên. Nơi phồn hoa đất khách, tôi bắt đầu có thêm những người bạn mới. Nhưng bố mẹ họ đều có điều kiện khá giả, họ không nghèo như tôi. Vì thế, cách sinh hoạt, ăn nói giữa tôi và họ có một khoảng trống lớn.

    Tôi không kể gì về hoàn cảnh gia đình mình với ai. Có một lần, câu chuyện của những sinh viên mới xa nhà chúng tôi xoay quanh chủ đề tiền tài. Nghe cô bạn cùng lớp nói rằng "nghèo thì nhục lắm, nghèo đi đôi với hèn", tôi chạnh lòng rơi nước mắt.

    Nhưng bản tính quật cường cùng tự ái cao của tôi không cho phép mình mềm yếu, tôi dứt khoát không ở chung phòng và không nấu ăn chung với cô bạn đó nữa mà chuyển sang phòng khác, ở riêng một mình.

    Tôi lặng lẽ khép kín. Tự mình tìm việc làm thêm, tôi không cho mình có khoảng thời gian rảnh để nghe người khác châm kim vào lòng nữa.

    Tôi nhận đi dạy kèm thêm cho một bé gái học lớp hai ở cách chỗ trọ hai kilomet. Dĩ nhiên là tôi đi bộ. Tôi dự định sẽ kiếm tiền mua lại một chiếc xe đạp giống như trước kia. Tiền sinh hoạt mẹ gửi cho tôi hàng tháng, tôi cũng tiết kiệm được không ít.

    Vì không ăn chung với bạn nào nữa, tôi dần dần chuyển sang chế độ ăn chay hoàn toàn. Chuyện ăn chay không ngẫu nhiên mà xảy đến, đương nhiên bao gồm cả chuyện tôi và một cô bạn ở khoa khác thường xuyên rủ nhau đi chùa.

    Những người trẻ tuổi không mấy ai mê tín. Tôi không mê tín cũng không đồng bóng. Chỉ là có những khoảng thời gian tôi vô cùng mệt mỏi và trống rỗng. Nỗi bi ai, thất vọng, tự ti cùng nhau ập đến, tôi cần một nơi để tĩnh tâm hơn. Tôi cần một chỗ dựa để tinh thần mình bình an và cân bằng trở lại..
     
  6. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 15

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cả hai chị em tôi đều đi học xa nhà. Mẹ tôi cứ vậy: Lầm lũi cặm cụi làm việc kiếm tiền nuôi chúng tôi. Dù có khổ đến đâu, phương diện quần áo và sách vở, mẹ tôi không bao giờ để chị em tôi thua kém bạn bè.

    Mẹ tôi bảo, ở nhà ăn uống kham khổ một chút cũng được, nhưng ra ngoài phải ăn mặc chỉnh tề, tươm tất để người ta khỏi nhìn mình với ánh mắt khinh khi.

    Tôi nhớ mãi, lần về nghỉ hè của năm đại học thứ nhất, trở về nhà đúng bữa cơm tối, mẹ tôi ngồi bên mâm cơm với duy nhất một đĩa rau muống đỏ quạch. Sống mũi và khóe mắt tôi cay xè. Tôi tự hứa với mình, sẽ không bao giờ để cảnh này diễn ra với mẹ nữa. Thế nhưng cuối cùng, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không làm được..

    Tôi theo đuổi bốn năm học đại học vất vả ra sao, mẹ tôi ở nhà còn vất vả gấp trăm lần. Tôi không dám tiêu pha mạnh tay, mua gì, ăn gì cũng suy xét kỹ lưỡng. Thế nên năm thứ hai đại học, tôi sắm thêm được cho nhà mình một cái đầu phát đĩa nhạc và một cái tủ lạnh.

    Thời đại công nghệ phát triển nhanh và mạnh, nhưng vào những năm 2010, điện thoại di động vẫn là một mặt hàng xa xỉ. Thế mà tôi cũng sắm được một con di động kha khá, trị giá gần bằng một nửa tháng lương hiện tại của tôi.

    Vì không muốn mẹ tôi phải đội nắng đội mưa khổ nhọc ngoài đồng, tôi lặn lội ngồi xe đi các tỉnh để tìm hiểu một số mô hình kinh doanh và nuôi trồng mới mà tỉnh tôi chưa có.

    Sau khi tìm hiểu kĩ nguồn kinh doanh tượng thạch cao và trang trại nuôi đà điểu, tôi thuyết phục mẹ rào khoanh vùng đất mà mẹ tôi đã thuê trồng ngô lúa hàng năm để nuôi đà điểu, trồng cây ăn quả cộng thêm việc bán tượng thạch cao cho thanh thiếu niên tô màu.

    Nhưng tôi thất bại.

    Mẹ tôi không đồng ý vì bà bảo bà không có duyên với việc kinh doanh buôn bán. Với lại nguồn vốn lấy từ đâu ra mới là vấn đề.. Tôi gợi ý mẹ đi vay vốn ngân hàng, nhưng mẹ tôi không dám mạo hiểm. Mẹ bảo tôi hãy tập trung vào việc học để sau này có cái nghề kiếm sống cho ổn định.

    Đúng là "cái khó bó cái khôn.". Tôi vẫn tâm tâm niệm niệm là "phi thương bất phú", nhưng mẹ tôi lại khăng khăng cho rằng con gái không nên có tham vọng nhiều và lớn ngoài tầm với như thế. Mẹ tôi bảo, vất vả nhưng nắm chắc đồng tiền nhỏ trong tay vẫn yên tâm hơn. Tôi thương mẹ tôi nhiều lắm, và cũng không muốn làm mẹ lo lắng, phiền não thêm nữa nên đành nén lại tất cả trong lòng.

    Sau nhiều lần trở về nhà thấy mẹ tôi lẻ loi, quạnh quẽ, chị em tôi lựa lời khuyên mẹ đi bước nữa, tìm hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng lần nào mẹ tôi cũng đều gạt đi hết. Chúng tôi hối hận vô cùng khi nhớ lại thói ích kỉ ngày xưa của mình.

    Ngày chị em chúng tôi lên lớp bốn và lớp năm, cũng có người đến tìm hiểu mẹ tôi, nhưng chị em tôi sợ bị mẹ bỏ rơi nên phản đối kịch liệt. Tôi và chị tìm mọi cách để xua đuổi người ta, cả từ việc vác gậy đứng canh cổng không cho người ta vào đến cả việc khóc lóc thảm thương với mẹ.

    Qua những dòng nhật kí buồn bã của bà, chúng tôi mãi sau này mới hiểu mình đã làm lỡ dở cả cuộc đời của mẹ. Người đấy tốt, mẹ tôi cũng có cảm tình, nhưng một phần vì như chim đã sợ cành cong, một phần vì sợ họ đối xử không tốt với chị em chúng tôi, nguyên nhân nữa là chị em chúng tôi vô cùng sợ hãi sẽ mất mẹ, nên mẹ tôi hoàn toàn khép lại lòng mình, chỉ để tận tâm tận lực nuôi hai chị em tôi khôn lớn.

    * * *

    Tôi vẫn có một chút mơ ước viển vông về tương lai tốt đẹp như trong phim truyền hình. Nhưng vì sợ mẹ lo nghĩ nhiều nên tôi không để lộ ra tâm tư ấy. Tôi lặng lẽ chuẩn bị thêm về kiến thức và các phương án kinh doanh cũng như rủi ro của nó. Tôi khoanh vùng đối tượng mà tôi có thể mời họ tham gia vào dự án của tôi.

    Nhưng sự thực đúng là đời không như mơ. Vừa tốt nghiệp ra trường, tôi hừng hực khí thế đi mời gọi vốn, nhưng không một ai có chút hứng thú nào với kế hoạch tôi vẽ ra. Sau khi bị tạt chậu nước đá lạnh toát lên người, tôi mệt mỏi không buồn nghĩ về tương lai nữa.

    Có lẽ là "nghề chọn người", khi tôi đang chán nản, mẹ tôi bảo hay là cứ nộp hồ sơ vào cả sở Văn hóa và sở Giáo dục đi, tôi đồng ý. Có lẽ nếu lúc ấy có chút tài chính, tôi sẽ có việc làm ở thành phố. Cũng có thể là tôi thật sự có duyên với nghành giáo dục. Sau nửa tháng nộp hồ sơ, tôi có quyết định đi dạy học. Tôi trở thành cô giáo giống như chị tôi. Điều này cũng là mong ước của mẹ đối với cả hai đứa con gái của bà.

    Sau khi nhận công tác, chị tôi (theo như ý nghĩ của tôi), "dùng cả thanh xuân để chuyển trường". Chị tôi chuyển trường tất cả bảy lần mới "an cư lạc nghiệp" bởi lần thì do chưa đúng chuyên nghành theo học, lần thì chưa đúng cấp học, lần thì do mẹ tôi thương con gái phải đi làm xa quá, lần thì do mong muốn của chính bản thân chị..

    Tôi thì khá hơn, chuyển trường hai lần là tôi yên bề gia thất, tuy có xa nhà nhưng mẹ tôi rất hài lòng về cuộc sống của tôi.

    Và thế là mẹ tôi "nuôi con gái, kiếp tò vò" - bà lại vò võ một thân một mình trong căn nhà lợp cỏ tranh lụp xụp..
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng mười 2021
  7. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 16

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi không được trải qua mối tình nào si dại điên cuồng hay mộng mơ. Tôi tìm được tình yêu của riêng mình một cách rất đỗi đời thường: Đó là sau khi tôi đi làm, tìm thấy người phù hợp và tiến tới hôn nhân. Tôi không được nếm trải tình yêu đẹp như trong truyện cổ tích, nhưng tôi lại có được người chồng tốt và một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

    Chồng tôi luôn luôn tôn trọng và chiều theo mọi mong muốn của tôi với châm ngôn "nhất vợ, nhì cũng vợ" và "vợ hạnh phúc thì đời mới vui, vợ không vui thì đời ta tăm tối.". Tất nhiên cũng là do tôi không đòi hỏi điều gì quá đáng hay quá khả năng cả.

    Kết hôn xong, chúng tôi ở với bố mẹ chồng vì nhà chồng tôi gần sát ngay cơ quan nơi chúng tôi công tác. Vì thật lòng thương tôi, nên khi tìm hiểu rõ hoàn cảnh của nhà tôi và quyết định kết hôn, chồng tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm "lấy nhau về vẫn để vợ phải ở nhà vách đất.".

    Thực ra thì do bố mẹ chồng tôi không xác định ở nơi này mà định nghỉ hưu sẽ về quê xây nhà, nên hai ông bà vẫn ở căn nhà lợp ngói cũ lên tới ba mươi năm tuổi đời- kể từ khi ông bà lấy nhau.

    Khi tôi mang thai bé trai đầu lòng, vì xác định về ngoại ở cữ nên vợ chồng tôi quyết định về xây nhà ở đất ngoại. Nếu vẫn ở nhà lợp tranh như này, mưa ẩm thấp ướt át thì không nói, bình thường có màn chắn rồi mà bụi tranh vẫn rơi lả tả thì sợ em bé lại đau mắt và ngứa ngáy vì dặm.

    Mới đầu mẹ tôi không đồng ý. Bà khuyên vợ chồng tôi nên xây ở bên nội. Chồng tôi giải thích mãi là ông bà nội muốn về quê, và vì muốn em bé chào đời có điều kiện chăm sóc tốt nhất nên cuối cùng mẹ tôi không phản đối nữa.

    Mẹ tôi sống rất đơn giản nhưng lúc nào cũng lại lo lắng mình không chu toàn nên cố gắng khéo léo. Mặc dù về xây nhà bên ngoại, chúng tôi cũng đã xin ý kiến và được sự đồng tình của đằng nội nhưng mẹ tôi vẫn gọi điện cho bố mẹ chồng tôi. Bà thật lòng cảm ơn ông bà thông gia đã sinh cho mẹ tôi một người con rể tuyệt vời như thế. Đấy là nguyên văn lời mẹ tôi nói. Bà làm chúng tôi tự dưng cảm thấy ngượng ngùng. Đó là điều phận làm con chúng tôi nên làm, cũng là chuẩn bị cho tương lai của những đứa nhỏ..

    Có thể mẹ tôi thấy phải biết nói lời cảm ơn mới yên tâm không bị xoi mói, nhưng biết đâu với người khác họ lại nghĩ rằng bà đang khoe khoang và trêu tức người ta..

    Tôi cố gắng dẹp mấy cái suy nghĩ không tích cực đó ra khỏi đầu. Khi tôi không nghĩ đến những chuyện phiền lòng đó nữa thì mẹ tôi lại suốt ngày lải nhải bên tai nhắc tôi phải thật hiếu kính với bố mẹ chồng, vì chả nhà ai có thể đồng ý cho con về ngoại xây nhà như thế cả..

    Với sự giúp sức của vợ chồng chị gái tôi, ngôi nhà khang trang sau hai năm vợ chồng tôi tích cóp tiền làm được hoàn thiện trước Tết. Mẹ tôi mừng vui, hạnh phúc và vô cùng tự hào về chúng tôi với hàng xóm láng giềng.

    Cả hai con tôi và hai anh cu con chị gái tôi đều được ra đời trong sự chuẩn bị tốt nhất mà chúng tôi có thể. Và cả bốn đứa cháu ngoại của mẹ tôi cũng được đón tay và chăm bẵm bởi bà ngoại chúng.

    Vất vả cả đời nuôi con, giờ mẹ tôi lại vất vả chăm cả con lẫn cháu. Tôi biết, dù rằng đối với ai thì đó cũng là niềm hạnh phúc tuổi già, nhưng đối với mẹ tôi, thì chính vì thế mà cơ thể bà ngày càng suy kiệt.

    Sau những tuần thức đêm trông tôi mổ đẻ, sau đó lại trông cháu nằm viện vì vàng da, viêm phổi, mẹ tôi rồi cũng kiệt sức ngã bệnh. Vết mổ và những vết bầm tím trên người do bác sỹ làm ngã tôi từ trên băng ca xuống đất khi chuyển ra từ phòng mổ còn chưa lành, tôi vẫn cố gắng bò dậy làm những việc có thể để mẹ tôi được nghỉ ngơi một chút.

    Cuối tuần được nghỉ, chồng tôi lại tất tả chạy xe máy về với vợ con. Chứng kiến cảnh bà ngoại ốm đau, tôi thì chưa bình phục hẳn, chồng tôi dỗ tôi về nhà nội. Dù muốn ở với mẹ lâu hơn một chút nhưng cuối cùng tôi vẫn đành lòng đưa con về cùng chồng.

    Lại thương mẹ tôi ở một mình buồn tẻ, sau khi bà khỏe hơn, chị tôi cho thằng cu đầu đã lên hai tuổi về ở hẳn với bà. Hai bà cháu cứ thế dí dủm vui vẻ đến khi nó lên lớp ba.

    Mẹ tôi càng thêm tuổi thì càng hay giận dỗi và tự ái. Bà hay cả nghĩ và tủi thân nên nhiều khi chúng tôi cũng không rõ mình đã nói gì hay làm gì khiến bà phật ý. Cũng may có mấy đứa cháu léo nhéo gây sự chú ý nên bà có cáu giận gì cũng chỉ vài ngày rồi thôi.

    Nhưng trận ốm đó của mẹ tôi đợt đó chưa là gì so với lần mẹ tôi bị bệnh sau đấy. Mà người già thì càng ốm nặng lại càng giấu giếm không muốn để cho con cái biết. Mãi đến khi mẹ tôi không thể nấu cơm cho cháu ăn và đưa cháu đi học được nữa, thì mới sai thằng bé đi lên nhà bà dì của chúng tôi cạnh đó, nhờ bà nấu cơm và nhờ ông đưa đi học.

    Mà khổ nỗi, thường thì cuối tuần nào chị tôi cũng về dù trường cách nhà cả trăm cây số. Nhưng đợt đó lại đúng vào dịp trường chị tôi đang trong giai đoạn lên chuẩn nên hai tuần liền không thể về.

    Đến khi bà dì gọi điện thông báo, chúng tôi vội vàng trở về, bà đã nằm liệt cả tuần, gầy run rẩy đến nỗi chỉ thấy còn mỗi da bọc xương..
     
  8. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 17

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đợt này bị ngã bệnh, mẹ tôi nằm liệt gần ba tháng trời mới có thể dậy đi lại được bình thường mà không cần nhờ đến người dìu nữa, nhưng chân tay bà vẫn run rẩy không có tí sức lực nào. Tôi chẳng thể làm được gì ngoài nhìn mẹ và rơi nước mắt.

    Thất bại, dằn vặt, khổ đau và bất lực lớn nhất trong cuộc đời là khi ta đã trưởng thành mà không thể bên Mẹ khi trái nắng trở trời, khi Mẹ ốm đau mệt mỏi. Ta cứ tự biện hộ cho bản thân mình là vì mưu sinh, vì gia đình nhỏ và vì hàng tá các lý do khác.. mà để Mẹ cứ còm cõi lẻ loi như thế..

    Rõ ràng tôi nhìn thấy con cái người khác thay nhau chở mẹ già qua nhà anh chị em của nhau để "chia phần" nuôi mẹ đều đều mỗi tháng là bất hiếu, là vô ơn..

    Nhưng, tôi có hơn gì đâu mà có quyền phán xét?

    Bởi vì chính tôi cũng vô tâm đến nỗi khi tôi nhìn lại chính mình cũng tự thấy rét lạnh trong lòng. Đành rằng mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả cùng cực cũng chỉ mong con trưởng thành hạnh phúc, chứ không mong gì con báo hiếu trả ơn; nhưng cứ để Mẹ một mình mà không thể chăm sóc, thăm nom mẹ thì thực ra tôi tự thấy mình còn không bằng cả những đứa con đang chia nhau nuôi mẹ kia.

    Cho dù lòng có đau, nước mắt có chảy, tôi cũng tự thấy mình giả tạo bao nhiêu. Nuôi con bất hiếu đến đâu cũng không khổ đau bằng nuôi con gái lớn khôn mà nó rời xa vòng tay Mẹ, chẳng chăm nom Mẹ khi Mẹ ốm đau được lấy một ngày trọn vẹn.

    Mỗi lần về tôi chỉ ở được bên mẹ một buổi chiều, ngủ cạnh mẹ một đêm. Mẹ tôi bị đau đầu, nhức mỏi người nhưng bà cũng cứ cố nằm im không kêu ca cũng không dám trở mình vì sợ làm tôi mất ngủ. Tôi cũng nằm yên giả vờ ngủ để bà an lòng. Nghĩ tôi ngủ rồi, mẹ tôi đau nhức quá mới rên khe khẽ.

    - Mẹ đau ở đâu cứ bảo con, con xoa bóp cho một lúc.

    Thấy tôi vẫn thức, mẹ để tôi xoa bóp người cho vài phút rồi bảo thôi. Sáng hôm sau, tôi lại vội vội vàng vàng cùng chồng trở về trường đi làm.

    Chúng tôi dỗ dành, thuyết phục mẹ, nhờ cả bà con hàng xóm khuyên bảo, nhưng mẹ tôi khăng khăng không chịu đến ở với đứa nào hết. Bà bảo bà đỡ nhiều rồi. Bà không muốn đến nhà đứa nào cả vì bây giờ bà ngửi thấy mùi thịt và dầu mỡ là thấy rất sợ, chả lẽ đến lại bắt tất cả mọi người ăn chay theo thì làm gì có sức đi làm. Tôi bảo bà muốn ăn chay bọn con vẫn nấu riêng được, nhưng bà không đồng ý.

    Từ trước đến giờ, mẹ tôi đã quyết định như thế nào thì không ai có thể thay đổi được bà.

    Mẹ tôi dần dần khỏe hơn chút nhưng vẫn không ăn uống được gì ngoài bát cháo trắng loãng. Có lẽ năm tháng khổ cực vất vả đã rút cạn sức lực của mẹ tôi.

    Mẹ tôi chuyển sang niệm phật và ăn chay. Rồi một lần nữa chị em tôi phát hoảng vì mẹ tôi đòi đi ở chùa. Bà bảo bà muốn tịnh tâm. Chị em tôi van nài cầu mong mãi, bà yên lòng được vài hôm.

    Cuối cùng việc gì đến cũng đến.

    Mẹ tôi xuống tóc đi tu.

    Đấu tranh tư tưởng mãi, chị em tôi không còn cách nào. Khóc cũng khóc rồi, mà hối hận vì đã không chăm sóc được mẹ chu toàn cũng chẳng kịp và chẳng được nữa, chúng tôi đành chiều theo nguyện vọng của bà.

    Không chiều theo bà cũng không được, vì bà dọa nếu chúng tôi không ngăn cản bà tín tâm thì chúng tôi còn được biết bà ở đâu và còn được gặp mặt. Còn nếu cản trở, bà sẽ bỏ đi biệt xứ. Chị em tôi biết phải nói gì và làm gì nữa?

    Thời điểm mẹ tôi ốm mãi không khỏe, tiêm truyền điều trị mấy đợt thuốc cũng không đỡ, tôi lo sợ, nghe theo người già khuyên "có bệnh thì vái tứ phương" nên vừa chữa bệnh cho mẹ bằng y học, tôi vừa cúng bái lễ lạt.

    Vốn là người không mê tín, nhưng vào lúc ấy, cọng rơm nào cũng là cứu tinh của tôi. Tôi đi xem bói khắp nơi. Tôi sẵn sàng trả tiền cho các thầy gần xa làm lễ. Các thầy cúng, cô đồng bảo sao, tôi đều làm theo không sai một ly..

    Kết quả là mẹ tôi vẫn vậy. Bà vẫn không ngủ được hàng đêm. Bà còn mơ thấy ác mộng. Cơ thể bà suy kiệt héo hon. Hy vọng cuối cùng của chúng tôi là khi bà vào ở chùa được như ý nguyện thì tâm sẽ bình an và khỏe mạnh trở lại.

    Chúng tôi lại một lần nữa thất vọng. Dù thế nào bệnh của mẹ tôi cũng không được cải thiện.

    Tôi không còn chút niềm tin nào vào câu nói "ở hiền gặp lành" và bất cứ đạo lý nào của nhà phật nữa. Mẹ tôi sống ngay thẳng, thật thà và lương thiện, nhưng mà khổ đau mà bà phải ghánh chịu trong cuộc đời này nặng nề quá..
     
  9. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 18

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi những khổ đau đánh gục một người, họ chả còn ý chí và thiết tha gì với cuộc sống nữa. Nhưng vẫn phúc phận cho chúng tôi là mẹ tôi không tìm đến cách tiêu cực nhất để kết thúc vấn đề. Đúng như mẹ tôi đã nói, điều tồi tệ nhất sẽ không xảy ra vì cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chúng tôi vẫn là con của bà, là máu thịt mà bà đứt ruột sinh ra nên không thể nào nói dứt bỏ là dứt bỏ được..

    Quyết tâm nương nhờ trong nhà chùa, mẹ tôi cũng suy xét hết thảy, cố gắng lo lắng chu toàn những việc bà còn có thể làm cho con.

    Trước khi quyết định xuống tóc xuất gia để rũ bỏ tất cả, mẹ tôi làm lễ tiễn hết các vị thần phật mà bà đã thờ phụng, thả trôi hết các bát hương ra sông suối. Có lẽ bà lo lắng chúng tôi không biết lễ lạt, lại sợ rằng nếu chúng tôi bán đất mà có cây hương thì người mua sẽ e ngại.

    Nhưng mời thần đến thì dễ mà tiễn thần đi thì khó, nên điều khiến mẹ tôi canh cánh trong lòng đó làm mẹ tôi không thể yên tâm niệm phật.

    Vốn dĩ muốn quy y cửa Phật để tìm kiếm sự thanh tịnh và quên bớt đi những nỗi đau khổ của cuộc đời mà mình đã phải trải qua, nhưng cuộc sống thực tại không dễ gì dứt bỏ cuối cùng lại mang được mẹ tôi trở về với con cháu.

    Mẹ tôi không hoàn tục. Bà quay về nhà và vẫn tiếp tục tu- mẹ tôi tu tại gia, vừa vẫn có thể lễ phật, vừa có thể ở bên con cháu. Mẹ tôi không cạo đầu nữa mà bắt đầu nuôi tóc dài trở lại nhưng bà vẫn ăn chay hoàn toàn.

    Chỉ ngắn ngủi trong vòng chưa đến một năm trời, một đầu tóc đen của mẹ tôi từ điểm bạc mới một vài sợi, bà cạo đi bây giờ tóc mọc lại, lại trở thành bạc trắng phong sương.

    Vì ăn chay trường: Chỉ ăn cơm với rau luộc và muối lạc vừng, mẹ tôi đã da bọc xương sau trận ốm nặng, giờ nhìn lại mẹ tôi trông càng hao mòn, suy kiệt. Nhưng bà bảo rằng bà cảm thấy khỏe mạnh, nhẹ nhõm và an yên nên chúng tôi đừng lo lắng gì cả, rằng bà sẽ tự biết chăm sóc cho bản thân, tự biết bản thân mình như thế nào và cần gì..

    Đã qua rồi những lần vợ chồng tôi vội vội vàng vàng đến thót tim, lao xe về tìm mẹ trong đêm, dù gió có thổi mạnh cỡ nào cũng không khô nổi nước mắt trên mặt tôi. Bây giờ mẹ tôi an ổn tại nhà, dù bà có lặng yên không mấy khi phản ứng lại chúng tôi, thì chúng tôi cũng vẫn cảm thấy yên tâm hơn nhiều để kiếm sống.

    Tuy chúng tôi không thường xuyên đưa được cháu về nhà chơi với bà, nhưng may là chị tôi một lần nữa "dùng cả thanh xuân để chuyển trường" đã chuyển được về gần nhà ngoại. Thế là cứ cuối tuần, bà lại lên đón cháu đầu- con chị tôi xuống chơi cho đỡ quạnh quẽ.

    Tôi vẫn hiểu rằng vì chúng tôi mà mẹ mới khổ trăm bề như thế, nhưng thật sự tôi không biết phải làm gì mới có thể báo hiếu mẹ mình, không biết phải làm sao để mẹ mới có thể thảnh thơi vô ưu vô lo mà sống nốt phần đời còn lại.

    Có sự ủng hộ của chồng tôi, tôi dành thời gian học thêm văn bằng mới. Tôi cũng tự tìm hiểu thêm những nhu cầu bức thiết của xã hội hiện tại. Mục tiêu của tôi là tìm một công việc mới ở gần nhà mẹ đẻ, sau đó sẽ đưa con mình về học ở những trường trung tâm. Tôi sẽ vừa được gần để trông coi và chăm sóc mẹ, vừa có điều kiện để nuôi dạy con mình ở một môi trường sống tốt hơn.

    Cuộc sống vốn ngắn ngủi. Tất cả diễn ra giống như một cơn mơ trong giấc ngủ dài đầy mỏi mệt. Có những lúc tôi tưởng rằng mình muốn buông xuôi tất cả, thì những vất vả mà mẹ tôi đã từng trải qua lại hiện lên trong đầu nhắc nhở tôi điều tôi phải trải qua có là gì.. Chẳng qua chỉ là những chuyện vụn vặt không như ý trong công việc, tôi vẫn còn có gia đình- có những người yêu thương, những người sẵn sàng vì tôi mà bỏ quên rất nhiều những mưu cầu của bản thân.. Tôi phải vì mơ ước Đoàn viên ấy mà cố gắng nhiều hơn nữa mỗi ngày.

    Hơn thế nữa, tôi còn có con cái của riêng mình. Tôi biết tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để có được tình yêu thương đủ đầy dành cho chúng, ít ra cũng phải được trọn vẹn như mẹ tôi đã dành cho chị em tôi.

    Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, thì tình cảm duy nhất trên cõi đời này không bao giờ có sự nhạt phai, phản bội hay đổi thay, đó chính là tình mẫu tử. Và người ta mắc nợ nhiều nhất trong cuộc đời này mà mãi ta cũng không thể trả nổi đó chính là MẸ của ta.

    Dù người đó có không xinh đẹp, không khéo léo, không giàu sang và cũng không có quyền thế hay địa vị gì trong xã hội, thì Mẹ vẫn là hình tượng vĩ đại nhất trong tôi.

    Hoàn.
     
Từ Khóa:
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...