Tiểu Thuyết Năm Tháng Ấy Hằn Sâu Chấp Niệm Đau Thương - Phan Việt Ân

Thảo luận trong 'Hoàn Thành' bắt đầu bởi Phan Việt Ân, 9 Tháng mười 2021.

  1. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Năm tháng ấy hằn sâu chấp niệm đau thương.

    Tác giả: Phan Việt Ân

    Thể loại: Tiểu thuyết

    [​IMG]

    Văn án: Cứ mỗi lần nghe thấy giai điệu bài hát "Gánh mẹ", tôi lại trào nước mắt. Cuộc sống của ai đó có khổ đau, có tang thương, có vất vả đến thế nào.. chắc cũng chỉ như mẹ tôi thôi! Câu chuyện này của tôi có đủ bi, hài, hỉ, nộ, ái, ố.. về một đời người phụ nữ không xinh đẹp nhưng lại đa đoan.​
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng mười 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những năm đầu ở Tây Bắc

    Đầu những năm 1980, mẹ tôi thoát ly lên Tây Bắc làm công nhân nông trường Lai Châu. Năm ấy mẹ tôi hai mươi tuổi nhưng vẫn là một cô bé nhà quê nhỏ thó, đen đúa với biệt danh mèo đen. Và lý do duy nhất mẹ tôi đăng kí đi công nhân xa nhà đó là "để có tiền ăn kẹo.".

    Mẹ tôi kể, bà ngồi xe ô tô mất hai ngày, rồi xe hỏng xuống đi bộ cùng đoàn thêm hai ngày nữa mới tới nông trường. Những ngày đầu mới lên Lai Châu, mọi người nhìn cái gì cũng sợ. Từ con cuốn chiếu to bằng ngón chân cái, dài đến hai mươi centimet (ở quê cũng có nhưng nó bé như que diêm thôi ạ), đến những con giun đầu ánh xanh bóng lên to hơn cái đũa, rồi cả những con rắn to như cổ tay cổ chân và dài hơn met.. trời ơi cái gì cũng đáng sợ.

    Đáng sợ hơn - không - phải nói là đáng tiếc hơn mới đúng, đó là vụ mẹ tôi đi rừng chặt tre, leo đồi mệt quá nên bị tụt lại đằng sau. Đang thất thểu đi, dưới chân mẹ tôi vấp phải vật gì đó vừa cộm vừa cứng nên ngã sấp mặt về phía trước. Lồm cồm bò dậy, mẹ tôi dáo dác đưa mắt tìm hiểu nguyên nhân.

    Trời ơi! Cái cục gì màu đất cuộn lại tròn xoe đang lăn lóc cạnh đó. Mẹ tôi nhìn kĩ thấy nó động đậy, động đậy rồi nhúc nhích, nhúc nhích.. Hồn vía bay lên mây, mẹ tôi quẳng luôn con dao đi và vắt chân lên cổ chạy.

    Vài phút sau đuổi kịp đoàn người, mẹ tôi thở ra hồng hộc bằng cả miệng. Đội trưởng nhìn cái mặt cắt không còn giọt máu nào của mẹ tôi, khó hiểu hỏi:

    - Cháu sao đấy?

    Mẹ tôi hổn hển:

    - Cháu vừa vấp phải con gì hay sao ấy. Nó có vẩy, cuộn tròn lăn lông lốc..

    - Ôi con này có lộc ăn mà không biết đường..

    Ông ấy vừa nói vừa lôi tay mẹ tôi quay lại tìm con tê tê đó. Nhưng nó lăn đi và đã kịp trốn mất dạng rồi..

    Ai cũng tiếc nuối, thèm nhỏ dãi.

    Mẹ tôi bảo đó là tháng ngày vô tư vui vẻ nhất trong cuộc đời bà. Lĩnh lương tháng đầu tiên, mẹ tôi mua nải chuối về ăn no, sau đó mượn xe đạp cùng bạn chí cốt đi phố ăn phở. Thế là hết tháng lương. Những tháng ngày tiếp theo cũng vẫn như vậy, đều như vắt tranh. Cứ có lương là cả đội rủ nhau đi ăn phở. Không mượn được xe đạp thì đi bộ, ăn xong lại đi bộ về, vừa đi vừa hát hò ầm ĩ. Khát thì mua kem ăn, nóng quá lại mua thêm chai nước khoáng uống (là một loại nước ngọt có ga được đóng trong chai thủy tinh màu xanh, chứ không phải là nước suối khoáng hay nước lọc như bây giờ đâu ạ), còn thừa đồng nào thì mua nốt cục đường phên về gặm.

    Thực ra không phải lấy lương về mẹ tôi chỉ mua kẹo ăn, mà sau khi ăn đã đỡ thèm, mẹ tôi cũng để dành tiền ra mua được hai con gà về nuôi để đợi có khách thì thịt.

    Đợi mãi mẹ tôi cũng đợi được cô bạn ở đội khác tới chơi. Khổ nỗi gà nuôi thả thì ban ngày cũng đã khó bắt rồi, chả là gà nuôi trên miền núi, có khác gì gà rừng đâu cơ chứ.

    Loay hoay rình bắt gà một hồi không được, mẹ tôi nảy ra ý tưởng táo bạo. Bà vào phòng vác ngay khẩu súng (tiểu liên AK gì đó) mà đội phân cho giữ để canh kho chứa ngô, bắn bòm con gà.

    Tiếng súng nổ "đùng" một phát vang đến điếc tai, con gà giẫy chết đành đạch với bộ ức nát bét.

    Dĩ nhiên sau đó mẹ tôi bị mắng một trận vì đội trưởng bảo nhỡ bắn lạc đạn vào người ta thì sao.

    Mẹ tôi cười hì hì:

    - Chú thấy cháu bắn chuẩn thế còn gì. Nhìn con gà mà xem, không dám chắc trúng thì cháu đã không dám.

    Ông ấy nhìn con gà be bét máu, ngán ngẩm lắc đầu rồi ra về. Khẩu súng vẫn ở lại với mẹ tôi, nhưng bị ông ấy thu mất hai viên đạn còn lại.

    Khi đã ăn chán chuối và kẹo rồi, mẹ tôi cũng chịu ăn chơi để dành tiền may áo phin hoa và quần ống thụng (ống đứng). Mặc cũng điệu đà đỏm dáng đấy, nhưng tính tình mẹ tôi lại ngay thẳng không thích đùa dai, nếu không muốn nói là nóng tính như Trương Phi.

    Có một lần, có anh bạn ở đội khác cứ thích trêu mẹ tôi, trêu chán rồi lại quay ra chọc tức mẹ tôi là đồ da đen. Mẹ tôi tức thật, vì đã cố nhịn không thèm chấp rồi còn cố tình đứng trên cầu gỗ chắn đường nhóm người mẹ tôi đi làm về. Suối ngày ấy vào mùa nước cạn, cầu gỗ thì bé tí bị một người chắn là mất luôn đường đi.

    Máu nóng vọt từ mắt lên đến não vọt đến tận đỉnh đầu, mẹ tôi vươn hai tay túm cổ áo hắn ta rồi quẳng luôn xuống suối, dọn đường đi về.

    Chưa hết đâu. Thanh niên mà. Buổi tối các anh con giai lại tụ tập đi tán tỉnh các cô con gái. Phòng đã chật thì chớ, cả mười mấy người nhét chật ních ở trong vừa bức bối vừa ồn ào. Có một nam thanh niên bị sổ mũi kinh niên, cứ vừa thao thao bất tuyệt chém gió vừa khụt khịt mũi, lúc nào nước mũi thò ra dài quá thì lão đưa ống tay áo lên quệt một nhát.

    Mẹ tôi không chịu nổi nữa, không nể nang mà ngắt ngang câu chuyện đang dang dở:

    - Eo ôi sao mũi anh lúc nào cũng đi tướt thế?

    Tất cả im bặt. Có người muốn cười mà không dám cười, chỉ khục khục trong cuống họng, nhịn đến mặt trướng đỏ bừng..

    Từ đó mẹ tôi được mọi người trìu mến gọi là "anh" và "đại ca".
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng mười 2021
  4. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khoảng thời gian độc thân vô tư ấy của mẹ tôi, tuy nói là vài năm, thật ra nhanh như một giấc ngủ trưa. Vì chỉ chớp mắt một cái thôi, bạn bè đồng trang lứa với mẹ tôi lần lượt đi lấy chồng lấy vợ hết.

    Thời điểm ấy cũng không còn kiểu hôn nhân "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", mà mẹ tôi cũng công tác xa ông bà ngoại nên không ai thúc giục chuyện gia đình. Mẹ tôi không hề sốt ruột, cứ bình thản vậy thôi, vì tính cách có chút độc lập cứng rắn, cũng vì một phần bà sở hữu làn da gỗ mun không mối mọt nên đối tượng không mấy chú ý mà chỉ vây quanh những cô "một trắng che ba xấu.".

    - Các cụ bảo "nhất dáng, nhì da, thứ ba là mốt", mày tuy không được cái nước da nhưng dáng cũng không thấp, lại biết ăn mặc hợp mốt mà sao không ai ngó ngàng gì? Thôi để tao giới thiệu cho.

    Ông đội trưởng thấy công nhân đội mình vẫn còn vài người chưa yên bề gia thất nên bảo với mẹ tôi và mấy "đồng chí hướng" của bà như vậy. Cả đám đều nói từ chối nhưng vẫn không thoát khỏi lần mai mối này, cũng là không thoát khỏi số trời đã định.

    Tuy rằng không phải kết hôn trên nền tảng tự do yêu đương, nhưng những năm tám mươi chín mươi của thế kỷ này vẫn còn giữ được những truyền thống tốt đẹp về đạo vợ chồng kiểu như sống với nhau "ngoài tình còn nghĩa" nên mẹ tôi chép miệng "nhắm mắt đưa chân" theo phong trào cho đỡ lẻ loi.

    Không ngờ rằng, ngày xưa thầy giáo dạy câu thành ngữ "sai một ly, đi một dặm" lại ứng luôn vào người mẹ tôi: Chỉ một lần quyết định lỡ lầm là đi tong cả một đời người con gái, chọn sai người là thanh xuân coi như chấm hết!

    Tôi vẫn còn nhớ như in những dòng thơ mẹ viết trong quyển nhật ký của bà mà tôi đã vô tình đọc được. Khi đó tôi mười tuổi, tôi chưa hiểu gì về tình yêu nhưng tôi nhận ra được nó thấm đầy nước mắt hối hận và tiếc nuối của bà:

    "Tôi cứ nghĩ lấy chồng là yên phận

    Có gia đình sẽ có cả tình yêu

    Nhưng cuộc sống ngàn lần không phải thế!

    Vậy là đời không được một lần yêu..

    Sao nhắm mắt lấy chồng không khóc trước

    Để bây giờ nước mắt muộn mằn rơi..

    Hai con gái của mẹ, các con nhớ đừng bao giờ lấy người mà mình không yêu, cũng như người không yêu thương chung thủy với mình.."..

    Là do chính bản thân mình quyết định, nên ngoài oán trách ông trời ra thì mẹ tôi còn biết trách ai?

    Thực ra mới đầu chung sống với nhau chỉ là vợ chồng son hai người, gia đình hai bên nhà trai nhà gái lại ở tận dưới quê xa xôi, mẹ tôi cũng không có yêu cầu cao sang gì, nên đám cưới diễn ra đơn giản.

    Hai người chỉ là đi đăng kí kết hôn xong về mời mọi người ăn kẹo mừng, không có chụp ảnh cưới hay thuê áo cưới lộng lẫy như bây giờ. Mẹ tôi tự đi sắm cho mình một chiếc áo sơ mi trắng trong ngày kết hôn. Sau đấy hai người mới sắm sửa một số đồ dùng cần thiết rồi xin đất làm nhà ở riêng.

    Là một người chịu thương chịu khó và biết hoạch định cho tương lai, ngoài công việc hàng ngày của nông trường, mẹ tôi cùng chồng đi chặt tre, cắt cỏ tranh về chuẩn bị dựng nhà mới.

    Dần dần cơ chế thị trường cải cách thoáng hơn, mẹ tôi còn đi làm hàng xáo (là tiểu thương, buôn đi bán lại hàng hóa) và nuôi lợn nuôi gà, trồng thêm rau mang lên chợ phố bán.

    Mẹ tôi kể, ngày xưa kể ra mẹ cũng khỏe thật. Bụng chửa vượt mặt sáu bảy tháng mà vẫn đi chặt tre ầm ầm, mẹ tôi cậy mạnh còn vác liền năm cây. Trời thì mưa, đường về nhà lầy lội, mẹ tôi trượt ngã dập mông từ trên dốc xuống mấy lần mà không bị làm sao.

    Lấy chồng năm 1985 thì giữa năm 1986 mẹ tôi sinh ra chị tôi. Đó cũng là thời điểm bố tôi trở quẻ "ăn vụng".

    Mẹ tôi bị phản bội.

    Những người đàn ông khác khi ngoại tình, đi gái về thì ban đầu thường cảm thấy có chút tội lỗi nên sẽ chú ý săn sóc vợ con hơn một chút, hoặc là sẽ giả vờ ngọt ngào nịnh nọt vài câu. Nhưng người mà tôi phải gọi là bố thì lại không.

    Ông ta thỏa mãn bên ngoài rồi mà về nhà còn "đá thúng đụng lia" sinh sự với mẹ tôi. Mẹ tôi mới sinh mà ông ta đi chơi về quát tháo sao không ghánh nước nấu cơm, chỉ biết nằm, rồi nước cũng không đun không có một ngụm để uống..

    Ông ta có biết đâu là trời mưa, ông ta có cất củi đâu, củi ướt hết, mẹ tôi khát còn phải ra ngoài bể vục nước mưa lạnh mà uống kia kìa.. Nằm trong giường ôm con, mẹ tôi tủi thân chảy nước mắt không nói được gì.

    Mà chắc lúc đấy mẹ tôi cũng không buồn phản ứng vì sự quá quắt vô tâm ấy: Đói thì tự nấu, khát tự tìm nước uống chứ nào có được chăm sóc theo chế độ bà đẻ?

    Quá đáng hơn, mẹ tôi nuôi được đàn gà đang đẻ nên tiếc chỉ dám ăn trứng, mà ông ta bắt đi từng con, từng con để bù khú rượu chè đến thâu đêm suốt sáng. Đến khi đàn gà chỉ còn vài ba con mẹ tôi mới phát hiện ra vì mấy hôm liền thấy gà đẻ ít trứng đi hẳn.

    Mẹ tôi một cái lông gà cũng chưa được ngửi mà ông ta điêu ngoa đặt điều là mẹ tôi động bực tức gì cứ ngả hết gà ra thịt. Lúc chị tôi được hai tháng, phải đi gửi trẻ để mẹ tôi còn đi làm, thì những điều đơm đặt đó mới tới tai mẹ tôi.

    Bà ba máu sáu cơn nhưng cũng không gào mồm lên chửi chồng. Bà khinh thường làm như thế.

    Bắt đầu thất vọng, bắt đầu buông tay, mẹ tôi tự nhủ sẽ dứt khoát cắt đứt sớm, đường ai nấy đi cho nhẹ lòng.
     
  5. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vợ chồng sống với nhau lâu dài sẽ nảy sinh tình cảm. Điều này chỉ đúng với mẹ tôi. Dù không có tình yêu nhưng vẫn còn có nghĩa vợ chồng, nhưng cái nghĩa này chỉ xuất phát từ một phía thì đương nhiên chả khác nào chơi trò bập bênh cả. Cuộc sống vì thế không sớm thì muộn sẽ mất cân bằng và tan vỡ.

    Tan làm ca sáng, mẹ tôi vẫn bình tĩnh trở về nấu cơm. Sau khi ăn xong bữa cơm trưa, mẹ tôi nghiêm túc nhìn người đàn ông mà bà gọi là chồng đang ngồi trước mặt, chậm dãi lên tiếng:

    - Tôi và anh không hợp, nên ly hôn thôi.

    Người đàn ông ấy bàng hoàng. Có lẽ ông ta nghĩ ông ta nghe nhầm. Thời buổi này chỉ có đàn ông bỏ vợ, làm gì có phụ nữ bỏ chồng? Nhưng đầu óc xoay chuyển, ông ta nhận thấy không thể ly hôn.

    Đàn ông sống với ai cũng được, chỉ cần có người chăm sóc ổn cho mình, cần gì phải thay đổi cuộc sống.

    Ông ta cũng không dại, cười cười:

    - Đùa gì thế?

    - Tôi nói thật. Không hợp thì giải thoát cho nhau sớm..

    Nghe mẹ tôi nhắc lại chắc nịch, ông ta vội ngắt lời:

    - Vừa mới lấy nhau, có gì bảo nhau từ từ thay đổi. Con còn đang bé tí..

    Ông ta lấy chị tôi ra làm lá chắn, mẹ tôi liền bị đả động, nhưng bà thẳng thắn:

    - Anh nghĩ được là con còn đang đỏ hỏn, sao anh còn làm những trò "mèo mả gà đồng" đấy?

    - Đi nghe mấy con mụ A, B, C.. nói liên thiên xong ghen linh tinh cái gì?

    Ông ta chột dạ, nhưng cố chấp không nhận. Mẹ tôi thở dài:

    - Anh làm gì anh tự biết. Anh cứ tự hỏi lương tâm mình đi..

    Bị cứng họng, ông ta thở dài:

    - Bỏ qua cho tôi lần này đi. Tôi sẽ thay đổi. Vì con..

    Nghĩ đến con gái chưa tròn ba tháng, mẹ tôi thỏa hiệp.

    Cuộc sống tiếp tục như thế nào thì cứ thế diễn ra. Vì không yêu nên không để tâm, mẹ tôi trong lòng chỉ nghĩ thôi cố gắng tôn trọng nhau để giữ cho con có một gia đình đủ cả bố lẫn mẹ. Thế nên người đó có còn bồ bịch nữa hay không, mẹ tôi cũng không mảy may lo lắng. Ông ta cũng (tạm thời) không còn bắt gà hay mang đồ ra ngoài ăn uống đàn đúm nữa.

    Ngoảnh đi ngoảnh lại, chị tôi tròn một tuổi. Mẹ lại mang thai tôi. Ông bố tôi hỏi liệu lần này có phải là con trai không? Mẹ tôi im lặng, một lúc sau mới trả lời:

    - Con trai hay con gái thì cũng là con mình. Thời đại nào rồi còn trọng nam khinh nữ chứ?

    Nói vậy nhưng trong thâm tâm, ai chả muốn có đủ nếp đủ tẻ cho yên nhà yên cửa. Mẹ tôi thật sự hi vọng tôi sẽ là một bé trai, vì kế hoạch hóa gia đình mỗi nhà chỉ được sinh hai con, nếu sinh con thứ ba thì sẽ bị phạt.

    Mẹ tôi nghĩ thai này là con trai thật, vì tôi lộn tùng phèo giẫy đạp trong bụng mẹ tôi rất hăng. Nhưng bố tôi thất vọng rồi.

    Mẹ tôi tuy hi vọng đứa thứ hai là thằng cu nhưng khi y tá đỡ đẻ nói là gái, mẹ tôi vẫn hạnh phúc vì con mình sinh ra khỏe mạnh bình thường.

    Ông ta không chào đón sự có mặt của tôi. Ông ta chán chường khi biết mẹ tôi vẫn không đẻ được cho ông ta thằng con để chống gậy. Ông ta lấy lý do đó để lại tiếp tục lao vào các cuộc rượu chè thâu đêm, để mẹ tôi một mình xoay sở với hai đứa con: Một đứa gần hai mươi tư tháng và một đứa vừa mới mở mắt chào đời.

    Sự có mặt của tôi trong cuộc đời này khiến mẹ tôi bắt đầu một cuộc đời khổ đau và vất vả.

    Mẹ tôi không oán không hối, chắc vì đã quen từ lúc sinh chị tôi. Thời gian chăm sóc cho hai đứa nhỏ đã chiếm hết thời gian và tâm trí của bà. Bà lo chị tôi sẽ cảm thấy bị bỏ rơi nên hết sức để tâm từng hành động nhỏ khi đưa tôi từ bệnh viện về nhà.

    Bà đặt tôi lên giường, vẫy tay gọi chị tôi đang tròn xoe mắt nhìn vào từ ngoài bậc cửa:

    - Con lại đây xem em bé này!

    Lũn cũn chạy vào, ngẩn ngơ một phút đến quên cả mút tay, chị tôi trèo lên giường ngó ngiêng. Bất thình lình, cô nàng ghê gớm đưa tay lên cho tôi một cái tát vào mặt. Sức trẻ con chắc không đau, nhưng tôi đang ngủ nên bị giật mình, khóc thét lẹt.

    Mẹ tôi vội bế tôi lên nựng đồng thời đưa một tay ra kéo cả chị tôi ôm vào trong lòng:

    - Sao con lại đánh em? Đau em chứ. Em bé của con mà.

    Chị tôi rơm rớm nước mắt:

    - Mẹ cho con ra rìa. Ngủ cuối giường. Chỉ yêu em.. ai cũng bảo thế..

    Chưa tròn hai tuổi, nhưng chị tôi cố gắng nói từng từ, chậm chạp diễn đạt nỗi băn khoăn. Mẹ tôi hiểu. Thì ra là người lớn có sở thích trêu những đứa trẻ sắp có em như vậy.

    Mẹ tôi xoa đầu chị ấy, dịu dàng:

    - Mẹ yêu cả hai chị em. Con cũng yêu em bé nhé! Sau lớn em sẽ chơi đồ hàng với con.

    Chị tôi có vẻ biết lỗi, dí mặt vào má tôi:

    - Ừ. Ừ. Em ngoan nhé. Ơm. Ơm..

    Sau khi bôi đầy nước dãi vào mặt tôi, nàng dắt tay mẹ ra ổ gà, mồm tròn vo kêu muốn ăn trứng. Mẹ tôi sợ cai sữa sớm con không đủ chất nên bao nhiêu trứng gà để lại cho chị tôi hết, còn đi mua thêm.

    Ngày ấy đường đắt lắm, lúc mang thai tôi, cai sữa mà lo con đói khát, mẹ tôi sẵn sàng đổi ba yến ngô lấy một cân đường. Thế nên hai chị em tôi đều có da có thịt. Mà mẹ tôi giờ vẫn cười bảo cai đường cho chị tôi còn khổ hơn cai sữa.

    Tôi hai tuổi. Mẹ tôi vất vả thêm. Người ta vẫn nói, trẻ lên ba là cả nhà mất việc. Một mình mẹ tôi đi sớm về tối, một tay lo tắm rửa cho con cái, một tay bắt đầu cơm nước.

    Lúc mẹ tôi lúi húi trong bếp, chị tôi dắt tôi chơi ở ngoài. Chắc nhàm chán, lại thấy tôi đang chập chững, chị tôi cầm lên một thanh củi chắn ngang đường, ngồi đón đường chắn tôi. Đương nhiên trẻ con tập đi làm sao kiểm soát được tốc độ, tôi vấp vào que, ngã nhào liền lập tức gào mồm khóc lên.

    Mẹ tôi vội chạy ra. Chứng kiến cảnh con chị làm con em ngã, vừa đỡ tôi dậy vừa kéo kéo tay chị, hỏi:

    - Sao con lại làm em khóc?

    - Con cầm que chắn không cho em chạy vào bếp. Em không nghe lời. Em hư.

    - Mẹ vụt con xem con có đau không nhé.

    Nói rồi mẹ tôi bẻ một cành chó đẻ nhỏ cạnh đó, vụt vào mông chị. Không đau nhưng trẻ con mà, thích khóc là có nước mắt ngay.

    - Mẹ đánh con. Đau..

    Nhân vật "trụ cột" của gia đình bỗng dưng chạy ở trên nhà xuống, lên tiếng, giọng chói tai đến khó ưa:

    - Con chó nó cắn vào đâu con? Sao lại để nó cắn..

    Không thèm để ý trông con, thấy con khóc mà không ra dỗ, đến lúc cả hai đứa cùng khóc thì lão ta xông ra gây rối thêm. Mẹ tôi thực sự bùng nổ, hét ầm lên:

    - Anh làm bố như thế đấy à? Anh có còn biết quan tâm đến vợ con nữa không?

    Mẹ tôi không kể là đợt chiến tranh đó kéo dài bao lâu. Nhưng tôi nghe bác đội trưởng kể với tôi ngày tôi chuẩn bị đi học chuyên nghiệp câu chuyện sau đấy. Những điều đó làm tôi thực sự hận người tôi đã từng gọi là bố, và thêm căm ghét chính bản thân mình tại sao lại không phải là một đứa con trai, để mẹ tôi bớt khốn khổ, dù chỉ là một chút thôi..
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười 2021
  6. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ký ức từ năm hai đến ba tuổi tôi không nhớ rõ. Nhưng đến năm bốn tuổi, trong trí nhớ của tôi chỉ có hình ảnh của mẹ: Hai nách cắp hai đứa con đón đưa đi nhà trẻ, tắm táp cũng như chăm sóc ăn ngủ.

    Có duy nhất một lần, tôi đi nghịch bùn một thân lấm lem bê bết, mẹ tôi lại chưa đi làm về. Chiều muộn rồi, chân tay dơ hề hề tôi cũng khó chịu nên chạy vào nhà gọi bố:

    - Bố lấy quần áo tắm cho con đi.

    Lần này, ông ấy đang nằm lại đứng dậy ra giếng múc nước lên rồi gọi tôi:

    - Ra tự rửa ráy chân tay mặt mũi đi.

    Tôi lấc ca lấc cấc chạy tới rồi nhẩy luôn vào chậu đứng. Không phải tôi không hiểu trình tự mà cố tình muốn chọc tức ông ấy thôi.

    Bị phát vào mông ba phát liên tiếp, tôi đau quá la hét thảm thiết liền bị ông ta xách ngược tai kéo lên:

    - Tao bảo mày thò chân vào rửa à?

    Tôi gân cổ lên cãi:

    - Bố bảo rửa chân tay mặt mũi, con chả rửa chân trước còn gì..

    - Mày còn cãi à?

    Ông ta bồi thêm cho tôi vài phát nữa vào mông. Tôi vừa nhảy cẫng trong chậu vừa gân cổ lên khóc một cách oan khuất. Nếu cái chậu không phải là chậu nhôm, mà là chậu nhựa, có lẽ tôi đã đạp cho vỡ tan tành rồi. Đáng tiếc không phải, nên tôi bị đau từ đầu (tai) đến chân luôn.

    - Sao em con lại khóc đấy?

    - Mẹ, bố đang đánh em.

    Nghe thấy tiếng của mẹ và chị, tôi tủi thân nấc to hơn. Mẹ tôi đến bên cạnh, nhấc tôi ra khỏi chậu nước, thả xô xuống giếng kéo thùng nước khác lên bắt đầu lau rửa cho tôi.

    - Ngoan nín ngay, mẹ vừa mệt vừa đau đầu..

    Mẹ nói tôi nghe ngay. Một cảm giác được an ủi lan tỏa khiến tôi không còn nức nở, chỉ khụt khịt mũi.

    Câu chuyện mà bác trưởng thôn kể cho tôi nghe diễn ra vào khoảng thời gian này.

    Từ lúc mẹ tôi lấy chồng, bên gia đình nhà chồng nhận được thư cũng chỉ hồi âm lại hỏi thăm con trai. Duy nhất một lần, bên đằng nhà nội viết thư lên hỏi thăm được cả con dâu và cháu nội chưa được biết mặt của họ, mục đích là để hỏi xin tiền xây nhà.

    Nhưng có lẽ, số tiền mẹ tôi gửi về họ cho là ít quá, nên hai ông bác đằng nội nhà tôi liền khăn gói lên tận nơi xem tình hình thế nào để đòi thêm.

    Mẹ tôi bảo chẳng mấy khi người nhà dưới xuôi lên nên bà làm mâm cơm mời cả lãnh đạo thôn đến ăn cơm cho vui.

    Cuộc rượu vừa tàn, mấy đứa trẻ con chúng tôi ăn no đã chạy tót đi chơi. Mẹ tôi thấy mọi người đã ăn xong nên tiến vào định dọn mâm, ông bác cả bên nội giơ tay ngăn bà lại:

    - Từ từ hẵng, thím ngồi lại đây chúng tôi có chuyện muốn nói.

    Mẹ tôi không nghĩ ngợi gì, cười nói:

    - Các bác mới lên chơi, cứ từ từ nghỉ ngơi nói chuyện với các bác trên này đi ạ. Em dọn một tí là xong..

    Ông bác thứ hai cắt ngang lời mẹ tôi:

    - Thím sợ hay chột dạ cái gì mà phải trốn tránh?

    Mẹ tôi nhíu mày, đặt mâm xuống, không e ngại nhìn thẳng mặt hai người bọn họ:

    - Bác cho là em sợ cái gì? Nếu bác không mệt không cần nghỉ ngơi thì có gì bác cứ nói đi, em ngồi đây nghe.

    Ông bác cả vênh vênh cái mặt cao ngạo:

    - Có người ngoài ở đây chúng tôi cũng phải nói để cho thím biết đường mà sửa đổi. Thím xem lại mình đi. Chúng tôi đi từ dọc bến xe về đến đây, ai cũng nói là thím đanh đá, quá quắt, động một tí là sinh sự ăn riêng.. Người nhà chúng tôi không dễ bị bắt nạt đâu. Nếu hôm nay thím không xin lỗi chồng thím và cả nhà chúng tôi trước mặt tất cả mọi người, tôi đại diện cho cả họ bỏ thím. Một khi tôi bảo em tôi viết đơn rồi, thím có quỳ xuống xin quay lại cũng không được..

    Máu nóng dồn lên mặt, mẹ tôi vẫn cố gắng nói rõ ràng rành mạch từng từ, từng câu:

    - Nếu người từ trên bến xe về đây đều biết rõ chuyện trong gầm giường nhà em thì chắc các bác cũng hỏi rõ rồi, các bác cứ làm chủ bảo chú em nhà các bác bỏ em đi thôi. Còn em, em lấy chồng chứ không phải là lấy cả gia đình nhà chồng, nên lỗi lầm hay không, không liên quan gì đến người khác. Em sẵn sàng dắt hai con em đi ăn xin ngay lập tức cũng không có chuyện em nói lời xin lỗi vô lý đâu, chứ đừng nói đến việc bị bỏ rồi còn quỳ gối xin quay lại.

    Mẹ tôi nghỉ ngơi, nhấp một ngụm nước cho hạ hỏa rồi lấy sức nói tiếp:

    - Các bác lên chơi, em hoan nghênh. Nhưng nhà em chật, các bác bảo em trai các bác tìm chỗ khác để cho các bác ở cho tiện, tiện thể bàn việc cho chúng em ly dị nhé.

    Mẹ tôi nói xong, mâm cũng không thèm dọn nữa, phủi mông đứng lên đi tìm chúng tôi dắt vào xóm trong chơi. Về chuyện bị người ta vỗ thẳng vào mặt, mẹ tôi không kiêng nể đưa trả vài cái tát trở lại luôn. Họ không tôn trọng mình thì mình cũng đâu cần phải sun xoe. Dù sao, cuộc hôn nhân này mẹ tôi cũng không cần nữa.
     
  7. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chả biết về sau mọi chuyện giải quyết như thế nào, có êm đẹp hay không, tôi chỉ thấy mấy ông bác đấy hôm sau ra về mà không nói một lời. Hiển nhiên là không có cuộc ly hôn nào ở đây cả. Chỉ nghe thấy mẹ tôi nói trong bữa trưa ngày hôm sau rằng tiền thai sản lĩnh về mua được hai cân cà chua, anh liệu mà vung tay vung chân, hai mặt con rồi, đừng để cho chúng phải chịu đói khát..

    Hai chị em tôi dưới bàn tay chăm sóc của mẹ không nói là béo mũm mĩm nhưng cũng có hai cằm. Mẹ bảo lúc cai sữa đứa đầu, chị tôi không kén ăn nên trông còn đỡ đỡ.

    Đến lượt tôi, mẹ cai sữa tôi được mấy hôm thì trông tôi như cái giẻ vắt vai vì không chịu ăn uống gì, chỉ run rẩy nhặt hạt cốm canxi mẹ tôi để trong lòng bàn tay, bỏ vào mồm. Mẹ xót quá lại cho tôi bú lại đến hai tuổi. Lúc ấy tôi bắt đầu ăn uống tốt hơn, không còn cầm cái bánh khảo đi nhà trẻ rồi lại vẫn cầm về như trước nữa.

    Tôi ích kỷ từ bé. Đi ngủ tôi toàn đòi nằm giữa cạnh mẹ, đẩy chị vào bên trong. Nhưng về cái ăn uống, tôi chỉ keo kẹt với người ngoài. Hôm nào đi trẻ, mẹ cũng mua bánh kẹo cho hai chị em. Đồ gì không ăn, nếu tôi đưa chị mà chị không lấy, tôi cầm ướt ở trong tay, thà mang về vứt cho con cún Micky nhà tôi cũng không cho đứa trẻ khác.

    Mẹ bảo tính cách được hình thành từ bé, chắc chắn tôi biết tiết kiệm hơn chị tôi. Điều này về sau tôi thấy rất đúng. Hoàn cảnh thiếu khốn khó khăn, lại thêm những ám ảnh về tháng ngày cực khổ, tôi luôn hận không thể chia một nghìn ra thành nhiều mảnh để tiêu.

    Đến đầu những năm 1990 mẹ tôi làm ăn khấm khá nên là một trong vài nhà đầu tiên trong thôn mua được xe đạp nhãn hiệu Phượng Hoàng. Nhà nào có xe đạp lúc ấy là tự hào lắm.

    Hơn thế nữa, sau khi mua xe đạp được một tháng, mẹ tôi mua thêm được một cái tivi. Chỉ là tivi đen trắng thôi, nhưng nếu mở cho mọi người xem rồi thu tiền là cũng kiếm lời vô kể.

    Nghe ông bố tôi gợi ý, mẹ tôi không do dự phản đối ngay:

    - Mua về cho các con xem thôi, đông người đến phức tạp lắm.

    Nghe được mẹ tôi nói thế, nên cứ khi nào nhà tôi mở tivi mà đông người vào xem là tôi lại lặng lẽ ra sau tủ để tivi rút dây ăng-ten. Tôi vòng một vòng ra ngoài, nhìn lên cây cột thu sóng ra chiều hiểu biết lắm, rồi vòng vào bảo mọi người là mất sóng rồi, bình ắc quy cũng sắp hết rồi..

    Tuổi thơ của chị em tôi được hạnh phúc nhờ vào những lo toan và hi sinh của mẹ. Chúng tôi được xem trọn vẹn bộ phim "Tây du ký" mà không phải chen chúc đi đâu. Chúng tôi được mẹ mua riêng cho những dây pháo tép để đốt vào tối Giao thừa, được mẹ mừng tuổi vào sáng mồng một Tết.

    Hàng năm chị em tôi còn được mẹ tổ chức sinh nhật cho. Thời đấy chưa có bánh kem, mẹ mua cho chị em chúng tôi đầy một mâm bánh kẹo để mời bạn bè đến ăn. Phong trào làm sinh nhật cho trẻ con trong thôn là học theo mẹ tôi từ đấy.

    Những tưởng cuộc sống khấm khá lên, hạnh phúc sẽ vẹn tròn viên mãn. Nhưng đúng là "giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời", có tí tiền của, bố tôi bắt đầu sĩ diện quay lại ăn chơi sa đọa.

    Mẹ tôi khuyên bảo thì ông ta sinh sự đòi ăn riêng với lý do "tiền tao làm ra tao tiêu, không tiêu của mày". Cho dù có tức giận đến đâu, mẹ tôi cũng chỉ xưng "anh- tôi" chứ không bao giờ mày tao như thế.

    - Anh cứ như vậy, thiên hạ người ta cười cho..

    - Kệ tao.

    Mẹ tôi không kệ cũng không được, bởi ông ta ngay từ đầu có chút tình cảm hay sự tôn trọng đối với mẹ tôi đâu mà ông ta lắng nghe. Thiên hạ đúng là đang cười. Một số thành phần cười sung sướng vì đã xúi bẩy được bố tôi phá phách như thế.

    Kỳ lạ là sau khi phá ra ăn riêng, ăn chơi hết tiền thì ông ta lại mặt dầy xin quay lại. Mẹ tôi mệt mỏi kiên quyết bảo đã viết xong đơn ly hôn rồi, chỉ chờ ông ấy kí để gửi lên tòa án.

    Ông ta ngay lập tức nổi điên:

    - Mày bị điên à? Mày thích bỏ nhau tao cho mày chết! Mày có thích thành giống như thằng D điên ở xóm trên không? Tao cho mày được như thế..

    Mẹ tôi thật sự choáng váng. Ông ta đang nói sẽ bùa chài cho người đầu ấp tay gối bao lâu nay- người mẹ của hai đứa con ông ta thành điên dại. Chính vì lời dọa dẫm không kiêng dè này khiến mẹ tôi không thay đổi quyết tâm cắt đứt.

    Ông ta không kí, mẹ tôi cũng đơn phương gửi đơn ra tòa và tạm thời đưa chúng tôi sang gian phòng khác để ngủ, chờ quyết định của tòa án.

    Tôi biết, mẹ tôi dằn vặt, khổ đau và áy náy rất nhiều với suy nghĩ giữ hay không giữ cho con cái một mái nhà trọn vẹn. Cứ tự giằng co bao nhiêu đêm như thế, mẹ tôi phờ phạc héo hon đi rất nhiều.

    Chúng tôi lớn lên và hiểu được mẹ đã từng đấu tranh tư tưởng khủng khiếp đến mức nào mới đưa ra được quyết định nuôi con một mình dù biết là sẽ phải trải những tháng ngày cơ cực.

    Mẹ bảo ai cũng mong con mình lớn lên dưới một mái nhà đầy đủ, không khuyết thiếu vai trò của ai. Nhưng mẹ không muốn các con phải chứng kiến cảnh năm hôm ba bữa người bố của mình lại sinh sự chửi bới, ăn riêng ăn tây. Có một người bố chỉ biết lo cho bản thân mình sung sướng ngoài ra không màng gì cả, thì thà mẹ để các con không có bố còn hơn. Mẹ sợ các con bị ảnh hưởng tâm lý vặn vẹo ấy, nên sau này các con có trách mẹ cũng cam chịu.
     
  8. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau khi mẹ tôi đâm đơn ly hôn, tòa án cũng theo đúng quy trình hòa giải, nếu hai bên không hòa hợp được nữa thì mới tiến hành đến những bước tiếp theo.

    Trước ngày có giấy gọi mẹ tôi ra tòa làm thủ tục chính thức ly hôn, tôi thấy mấy cô chú trên tòa án xuống xác minh tài sản. Mẹ tôi mời họ vào nhà uống nước. Tôi thấy họ vừa ngồi xuống thì mẹ tôi đưa ra một cái phong bì, nói rằng "anh chị giúp tôi, tôi muốn nuôi cả hai đứa con.".

    Mấy cô chú đấy bảo họ thương hoàn cảnh mẹ con tôi, nên sẽ cố giúp, không cần phải cảm ơn gì cả.. Đưa đi đẩy lại hai lần, họ kẹp phong bì vào quyển sổ đen rồi rời đi.

    Mẹ tôi vẫn sợ ông ta sẽ đòi nuôi một đứa trong hai chị em tôi. Thế nên đêm ngủ, mẹ tôi mỗi tay ôm một đứa, dặn đi dặn lại:

    - Nếu mai có người xuống đón các con lên hỏi đứa nào muốn theo ở với bố, các con nhớ nói là con chỉ muốn ở với mẹ, nhớ chưa? Ba mẹ con mình sẽ sống cùng nhau, không thể để ai tách ra cả.

    Mẹ tôi lo lắng bao tháng ngày bằng thừa rồi. Khi tòa hỏi mẹ tôi có yêu cầu gì không, mẹ tôi bảo muốn nuôi cả hai đứa con. Tòa hỏi ông ta có đồng ý không, mọi người đều ngạc nhiên là ông ta không phản đối. Nhưng ông ta có yêu cầu là tài sản phải chia đôi, vì mẹ tôi tự nguyện muốn nuôi hai đứa. Sau khi ly hôn ông ta cũng sẽ không liên quan gì cả.

    - Chị có ý kiến gì không? Theo luật thì người cha phải chịu trách nhiệm chu cấp cho con đến năm mười tám tuổi.

    Mẹ tôi đồng ý chia cho ông ta một nửa tài sản để có được hai chị em tôi. Và từ lúc ly hôn đến lúc chúng tôi trưởng thành, ông ta không hề chu cấp một đồng nào để nuôi con, mẹ tôi cũng không đòi hỏi. Mẹ tôi bảo không cần để chúng tôi phải dây dưa với người bố vô lương tâm như thế.

    Trở về từ tòa án, ông ta mang thóc gạo ra chia đôi, bảo rằng ngày mai sẽ nhờ người cưa nhà ra làm hai, phần sân trước và sân sau sẽ lấy tre rào lại ngăn đôi.

    Suy nghĩ một lát, mẹ tôi gợi ý:

    - Tôi sẽ đứng ra xin đội một mảnh đất khác cho anh ở. Đất và nhà đừng chia ra, để lại cho con được không?

    Ông ta lắc đầu:

    - Không được, có đất chưa có nhà thì tao ở đâu? Hay là đưa tao tám trăm, tao gom góp dựng cái nhà khác..

    Mẹ tôi bảo hiện tại tiền có một triệu thì chia đôi ra mỗi người được năm trăm ngàn, để mấy hôm nữa gom đủ mẹ tôi đưa được không?

    Ông ta phất tay bảo thôi cứ đưa đây năm trăm ngàn cũng được. Năm 1993 tôi không nắm bắt được giá cả thị trường, nhưng chắc chắn số tiền đó cũng là rất lớn, vì trừ ra năm bao thóc, thì đó là cả gia sản của ba mẹ con tôi lúc bấy giờ.

    Mẹ tôi lấy tiền ra và loay hoay tìm giấy bút:

    - Đợi tôi lấy giấy tờ, ông ghi biên nhận cho tôi mấy chữ..

    Ông ta không kiên nhẫn gạt đi:

    - Sao phải giấy tờ? Đã nói thì sẽ làm. Tao không ăn cứt con đâu mà lo..

    Ông ta cầm thêm số tiền năm trăm chỗ mẹ tôi, thu dọn chỗ bát đĩa xoong nồi đã chia đôi, tháo dàn ăng-ten, xếp tivi vào hộp, tháo cái giường mới đóng ở phòng ngoài, cất cả cái đèn tọa đăng vào hộp đồ của ông ta một cách rất nhanh nhẹn. Ông ta tự chọn đồ ông ta muốn, để lại cho mẹ con tôi cái xe đạp và chiếc đèn dầu nhỏ.

    Hai chị em tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn ông ta. Thấy ông ta định bê tivi đi, tôi lao đến kéo ống quần ông ta:

    - Bố mang tivi của con đi đâu? Trả lại cho con.

    Ông ta hất hất chân giũ tôi ra:

    - Tránh ra tao đang bận.

    Chị tôi thì mếu máo:

    - Bố mang cả giường mới của con đi đâu?

    Vừa khóc chị tôi vừa gắng sức lôi cái dát giường trở lại. Mẹ tôi tiến lên dỗ hai chị em tôi, bảo nao mẹ mua cho cái khác, rồi quay sang mở miệng cầu tình với ông ta:

    - Hiện tại con đi học rồi, anh để lại cái đèn tọa đăng cho chị em nó học bài buổi tối đi.

    Ông ta cương quyết không đồng ý để lại bất cứ thứ gì ông ta đã chọn. Thế nên hai chị em tôi khiêng được một cái lạch giường vào nhà thì ông ta ôm được cả đống ra sân.

    Mẹ tôi kéo hai chị em tôi vào nhà vẫn không dỗ được chúng tôi nín khóc vì tiếc cái tivi và cái giường mới. Chú hàng xóm thấy vậy bèn đến bên cạnh ông ta, khuyên bảo một cách rất đúng lý hợp tình:

    - Em thấy anh cứ để lại cái giường cho các cháu đi. Trẻ con thích đồ mới, nhưng là mới với chúng thôi. Anh còn phải đi lấy vợ, phải đóng giường khác chứ?

    - Nhưng hiện tai tao chưa có gì để ngủ..

    Thấy ông ta băn khoăn, chú ấy cười:

    - Đàn ông như anh em mình ngủ ở đâu chẳng được. Anh cứ đem tạm cái giường cũ đi..

    Ông ta xuôi tai đồng ý. Chú hàng xóm giúp mẹ con tôi chuyển cái giường vào lắp lại ở vị trí cũ. Nhưng cái tivi và cái đèn tọa đăng thì vẫn bị ông ta mang đến nhà đồng hương của ông ta dưới bốn con mắt ai oán và tiếc hận của hai đứa con gái.
     
  9. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không ai có thể ngờ được là một tuần sau đó, ông bố tôi trở về với một cái cưa trong tay. Ông ta bắc thang trèo lên nóc nhà hì hục xì xoẹt cưa cả một buổi sáng.

    Hai con nhóc chúng tôi đi học về thì cũng chỉ tò mò ngửa mặt lên nhìn rồi thôi, không biết ông ta đang chơi trò gì nên cũng không dám nói gì. Nhưng đến tầm mười giờ trưa, mẹ tôi vội vàng trở về để nấu cơm thì mọi chuyện trở nên ầm ĩ.

    Thấy ông ta ngồi cưa chễm chệ trên nóc nhà, mẹ tôi tức đến nhẩy dựng:

    - Anh làm cái gì đấy? Xuống ngay cho tôi. Anh định làm thằng lừa đảo à? Anh không nhớ anh đã nói gì hay sao?

    Ông ta mặt tỉnh bơ, thản nhiên trả lời mẹ tôi:

    - Phần nhà đất của tao, tao phải lấy đem đi.

    - Nhưng tôi đã đưa cho ông năm trăm ngàn, ông bảo ông sẽ không ăn cứt con..

    Ông ta trơ trẽn:

    - Đấy là tiền mày bồi thường cái giếng, coi như tao bán rẻ luôn cái giếng, mày mua lại để có nước mà dùng.

    À thì ra cái giếng ở phần đất của ông ta, nên khi lật lọng ông ta lấy cái giếng đó ra làm lý do. Mẹ tôi sôi máu:

    - Tôi và anh hôm đó đã nói rõ ràng..

    Ông ta ngang ngược:

    - Mày chưa xin đất khác cho tao. Hiện tại, tao cứ rào lại đã. Tao bảo đổi được đất thì sẽ để lại đất cho mày. Còn lại cái gì của tao, tao mang đi được thì tao mang..

    Mẹ tôi ngã ngửa. Rõ ràng hôm đó bảo phải bắt ông ta viết giấy biên nhận, mà cuối cùng quay đi quay lại vẫn bị ông ta dùng miệng lưỡi tráo trở lừa mất không nửa triệu bạc.

    Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ khóc. Mẹ đứng sững sờ, ôm hai chị em tôi. Những giọt nước mắt căm hận của mẹ rơi xuống đầu, mặt, cổ chị em tôi, đắng cay, bỏng rát. Tôi đứng ôm bên chân mẹ một lát thì tê chân không đứng nổi bèn khẽ động đậy, ngước mắt lên nhìn mẹ:

    - Mẹ ơi, đi vào nhà ngồi đi, con mỏi chân.

    Biết dù có cãi nhau cũng chẳng thắng được, đánh người cũng chẳng có sức, mẹ tôi rã rời dắt hai đứa vào nhà rồi xuống bếp đi nấu cơm. Ngồi trong bếp, mắt mẹ tôi lại đỏ thêm vì khói.

    Thế rồi ông ta cũng thành công trong việc cưa đôi nhà và dỡ rồi di dời đi hết. Qua bọn trẻ con cùng chơi trong xóm, tôi được biết một chuyện mà tôi thấy vô cùng khó chịu.

    Chúng nó bảo tôi là bố mày dỡ nhà đi làm chuồng lợn và hố xí mới cho nhà dì hai (là dì ghẻ, mẹ ghẻ đấy ạ) của mày. Giấy dầu lợp nhà còn cho nhà nó một cuộn để nhóm bếp, mẹ nó bảo nhóm lửa bằng giấy này sướng cực, dễ bắt lửa.

    Khi mẹ tôi xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đưa cho ông ta, thì nhà cửa đã xiêu vẹo không ra hình thù. Mẹ tôi chặt tre về nhờ người chống lại phía ông ta đã dỡ đi để đề phòng nghiêng quá sẽ bị đổ lúc nào không biết.

    Chú đội trưởng khó nghĩ vì không nhanh chóng giải quyết được chỗ đất ở mới cho bố tôi nên chú nhường ra thêm phần đất ngô của chú cho mẹ tôi làm. Mẹ tôi từ chối, chú dứt khoát đẩy sang:

    - Chị không làm, em cũng cho người khác làm thôi. Em bận cũng không làm được. Chị cố gắng trồng trọt để nuôi nấng các cháu.

    Mẹ tôi rơm rớm nước mắt nói lời cảm ơn. Người ngoài còn có lòng trắc ẩn, vậy mà người làm bố lại đang tâm phá đi ngôi nhà của con, tranh đoạt, cướp đi từng miếng cơm của con. Đến hổ dữ cũng không ăn thịt con..

    Mẹ tôi nuôi được hai con chó, một đen một vàng. Hôm chở nốt đống cột nhà đi, ông ta lấy dây xích cổ chú chó vàng, lôi xềnh xệch theo. Nhưng ông ta tối ngày đi vắng nên cứ thả chó ra, nó lại chạy về với chúng tôi. Thấy nó đói móp bụng, đến bữa tôi vẫn cho nó ăn cùng con đen. Về sau mẹ tôi phải trả thêm năm mươi nghìn nữa để chúng tôi gọi con vàng theo về.

    Mẹ tôi xoa đầu nó, bảo:

    - Tao đã trả tiền mua mày rồi. Từ giờ, mày cứ ở đây thôi.

    Con chó rất khôn. Mọi hôm cứ được ăn xong là tối nó lại về nhà chủ nó. Đến khi nghe mẹ tôi bảo vậy, nó không một lần bén mảng về với ông chủ lang bạt khắp nơi kia nữa.

    * * *

    Mẹ bắt đầu dậy hai chị em tôi cách nấu cơm. Sau vài lần cơm hết khê cháy khét lại đến sống sượng trương phình, chị em tôi cũng nấu được nồi cơm củi có lớp cháy vàng ươm dày cả phân mà không bị cháy đen. (Ăn miếng cơm cháy này thơm giòn lắm. Đến bây giờ tôi vẫn thích chấm với nước mắm ớt).

    Nhưng tôi là đứa nhát gan, to mắt. Tôi sợ ma vô cùng, kể cả là ban ngày. Nếu phải ở hay đi đâu một mình, tôi đều run như cầy sấy vì tưởng tượng ra đủ kiểu ma quỷ.

    Có một lần tôi tan học sớm hơn chị tôi nên về trước. Về đến nhà mới nhớ ra là mẹ tôi hôm nay đi làm nương. Tôi nén nỗi sợ, cất cặp sách vào nhà rồi chạy vù xuống bếp nấu cơm. Khổ nỗi, trong bếp chỉ còn mấy thanh củi nhỏ để "làm lòm".

    Không phải tôi lười, là tôi sợ ma. Tôi có cảm giác cứ khi tôi ở một mình là đâu đâu cũng có những cái bóng vật vờ theo tôi, những đôi mắt khuôn mặt dị hình dị dạng nhìn chằm chằm tôi. Thế nên, lấy hết can đảm mà tôi cũng chỉ dám ra sau bếp nhặt thêm được hai thanh củi nhỏ. Đương nhiên nồi cơm hôm ấy bị sống nhăn răng..

    Mẹ tôi và chị tôi trở về cùng một lúc. Nhìn nồi gạo trắng hếu không có tí hơi nóng, mẹ tôi chép miệng thở dài:

    - Sao con không ra lấy củi ở bên cạnh chuồng lợn vào mà nấu. Không có than làm sao cơm chín được.

    Tôi đỏ mặt lặng im cúi nhìn ngón chân mình. Tôi không dám nói ra là tôi rất sợ ma. Chị tôi kéo tay tôi, lôi đi:

    - Ra đây, chị chỉ cho. Từ sau về trước cứ thế mà lấy.

    Thế là tôi tranh thủ ôm thật nhiều củi vào trong bếp để dành.

    Vì mẹ đã hết tiền, chúng tôi uể oải mãi mới ăn hết bát cơm với rau luộc chấm mắm. Mẹ động viên chúng tôi:

    - Ngoan. Chịu khó. Mấy hôm nữa làm xong cỏ đỗ, mẹ đi chợ mua ít thịt về băm xào khô bỏ trong lọ cho hai chị em ăn dần, được không?

    Nghe thấy có thịt, chị em tôi cảm thấy phấn khởi hẳn lên.
     
  10. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dù chia tay đường ai nấy đi, nhưng mẹ tôi chưa một lần nói xấu về người cha vô trách nhiệm ấy trước mặt hai đứa con của bà. Mẹ tôi vẫn để chúng tôi tự do đến chơi với ông ấy vào những buổi chúng tôi không đi học.

    Ông ta chuyển vào xóm trong dựng một cái nhà nhỏ bên cạnh hồ nước. Vì bãi đất đó rộng, ông ta trồng dưa hấu. Đó là loại quả mới lạ và vô cùng hấp dẫn đối với bọn trẻ chúng tôi. Thế nên chúng tôi thường xuyên tới.

    Phải nói là việc chứng kiến từng quả từng quả dưa to lên nhanh, mỗi ngày một khác biệt là điều rất thú vị. Chị em tôi thích thú dạo trong ruộng dưa không biết chán và lấy móng tay đánh dấu vào quả mà mình thích nhất. Sau đó, chị em tôi mặt dầy năn nỉ "bố ơi, bố ơi nhớ để dành quả đấy cho bọn con nhé!".

    Thấy vẻ mặt chúng tôi hào hứng bừng bừng như thế, ông ta cũng không nói gì. Chị em tôi năng đến chơi hơn, vì thế hay gặp đúng bữa ông ta ăn cơm. Có lần mải bắt bọ cho dây dưa có quả mà mình chọn, chị em tôi say sưa đến chập tối còn chưa về.

    - Chúng mày về đi cho tao còn ăn cơm. Tí nữa mẹ mày nấu cơm xong không thấy lại phải đi tìm.

    Ông ta gọi với ra rồi xoay người vào nhà. Chị em tôi dắt nhau ra về. Nhưng đi ngang qua cửa, tôi ngửi thấy mùi thơm của thịt nên đẩy cửa ra, nhẩy tót qua bậc cửa vào trong nhà:

    - Hôm nay bố ăn cơm thịt à? Cho con ăn mới!

    Tôi sáng mắt trông mong nhìn đĩa thịt, thiếu chút nữa là chảy nước dãi. Nhưng ông ta lạnh lùng:

    - Về nhà mày mà ăn.

    Tôi chảy nước mắt, dấm dứt đi ra ngoài. Trẻ con mà, dễ xấu hổ, dễ tủi thân. Chị tôi nắm tay tôi kéo đi:

    - Cần gì chứ. Từ giờ không thèm đến đây nữa. Mấy nữa mẹ cũng mua thịt. Tí về mình rán trứng ăn.

    May mà về đến nhà, tôi không còn tí nước mắt nào nữa. Nếu để mẹ nhìn thấy và biết nguyên nhân, chắc mẹ tôi sẽ buồn kinh khủng. Đến bữa cơm tối, tôi được chị nhường thêm cho một miếng trứng nên thấy thỏa mãn vô cùng.

    Đúng mười ngày, hai chị em tôi không thèm bén mảng đến đó một lần nào cả. Nhưng dù tự ái có cao đến đâu, chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ bảy, tám tuổi. Dưới sự vẫy gọi của những quả dưa xanh đen bóng loáng, lại thêm thằng bé cạnh nhà khoe "hôm nay tao đi ra ruộng dưa của bố mày cùng với dì N, tao được ăn dưa hấu rồi nhá! Ngon cực!".

    Thế là chiều mát, hai chị em tôi lại dắt nhau xuống thăm ruộng dưa. Mặc dù quả dưa chúng tôi chọn không còn trên dây nữa, nhưng chúng tôi cũng không ngoài ý muốn và cũng không dám ý kiến gì, vì biết không phải của mình, đời nào ông ấy cho mình quả to thế.

    Vòng một vòng sờ mó những quả dưa còn lại xong, chị em tôi đang định ra về thì ông ta gọi lại:

    - Chị em mày có ăn dưa hấu không? Vào đây!

    Ông ta đưa cho chúng tôi miếng dưa vẫn còn non, nhìn chưa được đỏ lắm. Nhưng vì hiếm lạ, chúng tôi ăn ngon lành. Ăn hết miếng dưa, đang định ra về, ông ta bảo:

    - Về bảo mẹ mày có mua dưa hấu đi bán không thì tao để lại cho vài quả mà kiếm ít tiền. Nhanh đấy không là tao bán hết.

    Chị em tôi vội vã về nhà giục mẹ mua, vì chỉ có mẹ mua rồi thì hai chị em mới được ăn thỏa thích. Mẹ tôi biết tỏng là không có chuyện lão ta cho con mình ăn được miếng nào tử tế đâu, nên đưa cho chị tôi ba mươi ngàn để hai chị em quay lại lấy dưa về.

    Hồ hởi khiêng bao dưa vào nhà, chị em tôi nuốt nước bọt ừng ực nhìn mẹ tôi chọn quả to đẹp nhất trong số ba quả, bổ ra cho cả nhà ăn no nê.

    Vuốt cái bụng căng tròn thỏa mãn, tôi bảo mẹ:

    - Mai mẹ bổ hai quả này bán đi. Con ăn đủ rồi.

    Mẹ nhìn hai chị em tôi, cười tủm tỉm:

    - Ừ. Mai mẹ bổ rồi phần cho mỗi chị em một miếng to để đi học về ăn cho chán hẳn đi.

    Dù tối hôm trước ăn no dưa rồi, nhưng trưa hôm sau đi học về, hai đứa tôi vẫn vô cùng vội vã hướng tới sự vẫy gọi của hai miếng dưa hấu to.

    Không kịp cất cặp về nhà, hai chị em tôi chạy thẳng ra ngã ba, hướng về chỗ mẹ hay ngồi bán rau. Chúng tôi chẳng thấy mẹ đâu, chỉ thấy bọn trẻ con đang dùng cả bàn tay móc ra từng miếng dưa hấu đáp nhau. Thấy chúng tôi, một thằng bé đang ôm nửa quả dưa chạy tới cáo trạng:

    - Bố chị bán cho mẹ chị hai quả dưa hấu đều thối hỏng. Mẹ chị bổ ra không ăn được nên cho bọn em chơi.

    Chị tôi có vẻ tức giận hơn tôi, nên không kịp hỏi xem thế mẹ tôi đâu rồi, mà cứ thế lôi xềnh xệch tôi theo. Tôi biết ý của chị tôi. Chúng tôi phải đi hỏi tội và phục thù.

    Xuống đến nơi nhưng không thấy ông ta ở nhà, chị em tôi vòng ra ruộng. Nhìn khắp không thấy ai, hai chị em tôi bẻ mỗi đứa một que tre nhọn, nhìn nhau cười nham hiểm.
     
  11. Phan Việt Ân

    Bài viết:
    129
    Chap 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mẹ tôi lăn lộn đủ việc để kiếm sống, để kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn mặc, học hành cho bằng chúng bạn. Ngoài mấy ngàn mét vuông đất bãi trồng ngô, mẹ tôi mượn thêm cả đất đồi để trồng đỗ. Ngày nông nhàn thì mẹ lại đi buôn rau củ, ngô thóc.. bất cứ thứ gì có thể kiếm thêm để dành dụm tiền cho tương lai chúng tôi.

    Vì mẹ luôn phải đi sớm về muộn, chị em chúng tôi tự nấu cơm, tự ra vườn tìm rau. Trẻ nhỏ nhưng nhà nghèo, chúng tôi tự biết chi tiêu tiết kiệm. Hôm nào nhà có trứng thì ăn trứng, hôm nào mẹ cho hai ngàn thì đi mua đậu phụ về rán rồi sốt cà chua. Kể cả thường xuyên không có thịt, chỉ có bát rau cải luộc chấm mắm, mẹ con tôi vẫn ăn cơm rất vui vẻ.

    Nhà không còn tivi nên chiều tối nấu cơm và tự tắm rửa cho nhau xong, chị em tôi chạy sang nhà đối diện nghe đài. Nhà bên ấy có ba chị em gái, có việc nấu cơm thôi cũng chành chọe, có hôm còn đánh nhau ầm ĩ. Nhưng chúng tôi vẫn thích sang vì chị lớn nhà đấy hay mượn được băng ca nhạc về nghe.

    - Cô này hát hay thế. Em thấy sao giống giống cảnh nhà mình.

    Tôi cảm khái khi nghe đến giai điệu "anh bỏ em rồi, bỏ con mình, anh đành lòng sao.."

    - Đấy là mẹ bỏ bố, chứ không phải mẹ bị bỏ, xong bố bỏ luôn hai chị em mình.

    Chị tôi nói rồi thở dài thườn thượt như người lớn. Chính vì chứng kiến cảnh mẹ đơn độc chèo lái đến khô quắt người đi, nên chị em tôi thường dỗ mẹ mỗi tối là "sau này bọn con sẽ không lấy chồng đâu, ở vậy nuôi mẹ. Có gì ngon sẽ cho mẹ ăn trước, giống như thịt gà mẹ để nguyên cả hai cái đùi cho bọn con í. Mẹ thích ăn gì thì để mẹ ăn chán thì thôi.."

    Mẹ tôi vừa ra sức phe phẩy cái quạt, quạt mát cho con, vừa cười ra tiếng:

    - Nao lấy chồng rồi, nấu cơm nếp thì mang cho mẹ miếng cháy, bảo mẹ ăn cho thơm mồm; còn đồ xôi thì xúc phần trên mặt bị hấp hơi nhão nhoét, bảo mẹ ơi răng mẹ yếu rồi chỗ này mềm dễ ăn.. có đúng không?

    Tôi kháng cự:

    - Không. Chỗ nào ngon mang cho mẹ trước. Mà con đã bảo không lấy chồng. Lấy chồng vào phải khổ như mẹ thì lấy làm gì..

    Mẹ tôi ngậm ngùi:

    - Có phải ai cũng như thế đâu.. chỉ cần các con lựa chọn thật kĩ là được..

    * * *

    Cuối hè là đến thu ngô vụ thứ hai trong năm. Một mình mẹ tôi cân công việc của mấy người liền, đến cơm cũng chẳng kịp ăn. Vì thu hoạch đồng loạt nên xe bò và công nông không đủ cho cả đội thuê. Trong khi đó, bắp ngô thì đã bẻ xuống hết chất thành đống rồi. Mẹ tôi vội vã về nhà lấy cơm mang ra đồng, vừa đi vừa dặn:

    - Hai đứa tự lấy cơm ăn rồi đi ngủ. Mẹ mang cơm ra đồng ăn để trông ngô không họ vác trộm vài bao thì chết.

    Hai ngày sau, sân nhà tôi ngô chất đống cao gần bằng nóc nhà. Mẹ tôi lại lầm lũi ngồi bóc bẹ ngô. Ngày ấy làm gì đã có găng tay bảo hộ như bây giờ. Mà nếu có, tôi dám chắc mẹ cũng chẳng mua.

    Hai bàn tay mẹ tôi vì cọ sát với áo ngô nhiều nên sần sùi thô ráp như bao tải, có chỗ còn nứt ra, tứa máu giống như bị nẻ trong mùa đông. Nhưng tôi không thấy mẹ xuýt xoa hay kêu đau một câu nào.

    Chị em tôi cũng không đến nỗi lười để mẹ bóc ngô một mình. Chúng tôi không đi chơi nữa. Ngồi bóc bẹ ngô ngoan ngoãn, tuy rằng chậm chạp và chả ăn thua, nhưng coi như có người nói chuyện với mẹ.

    Thu hoạch vất vả thế nhưng mẹ tôi vẫn ăn cơm rau canh còn chị em tôi thì ăn cơm trộn mỡ và chan thìa nước mắm. Đó là món hấp dẫn thứ hai trong kí ức của tôi, sau món thịt băm. (Món thịt băm này là chút thịt dính trên miếng mỡ khổ, mẹ tôi mua về lọc ra, băm xào khô cất lọ cho hai đứa tôi ăn dè ấy; còn bì thì mẹ tôi lọc ra xào ăn trong ngày luôn).

    Khi sắp bóc xong đống ngô cao ngút tận trời, nhà tôi đón hai vị khách là bạn của mẹ tôi trước đây. Cô chú ấy xuống chơi khi nghe tin mẹ tôi đã ly hôn và một mình nuôi hai đứa con. Cô ấy nhăn nhó:

    - Sao chị dại vậy, phải bắt ông ấy phụ cấp tiền nuôi con chứ. Em đợt này về quê lâu quá. Giá như em biết sớm hơn, em sẽ không để chị làm vậy..

    - Kệ đi em. Chị không muốn dây dưa nhiều..

    Cô chú ấy có điều kiện nên mang cho chị em tôi nhiều đồ lắm: Bánh kẹo, dép mới, vở viết và cả bút mực. Thế là từ đấy, hàng tháng chị em tôi lại có thêm niềm vui mới: Chờ vợ chồng cô chú ấy xuống chơi để được nhiều quà.

    * * *

    Bình yên không bao lâu, thôn xóm nhỏ của chúng tôi bị cơn bão đánh đề ập đến. Bao người cửa nát nhà tan. Mẹ tôi cũng không tránh thoát khỏi con ma đề đóm đến nỗi suýt nữa thì đem cả nhà đất đi gán..

    Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao mọi người lại có trí tưởng tượng phong phú như thế. Từ một con số mà có thể luận ra trăm kiểu để ghi đề, nào là trai tiến gái lùi, nào là bóng bẩy với chả hình hài.

    Lợi hại hơn, các bạn cóc còn được hoan nghênh như thần tài, hễ nhẩy ra lọt vào tầm mắt của con người là y như rằng bị bắt lại, vật ngửa ra xem trên bụng có hình giống con số nào không để còn đi gặp chủ đề.

    Mẹ tôi chuẩn bị rất nhiều hộp để đựng cóc. Trong hộp có cả cơm (mà hình như cóc không ăn cơm) để đầy nền nhà. Nếu số cóc ấy đem làm ruốc chắc phải được vài lạng, nhưng thèm thế nào, mẹ tôi cũng chỉ mua ếch về nấu cho chị em tôi ăn, chứ không dám thịt cậu tía.
     
Từ Khóa:
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...