Truyện Ngắn Nắm Tay Nhau Bước Qua Thanh Xuân Rực Rỡ – Zest

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Zest169, 1 Tháng mười hai 2020.

  1. Zest169

    Bài viết:
    11
    Tác phẩm: Nắm tay nhau bước qua thanh xuân rực rỡ

    Tác giả: Zest

    Thể loại: Truyện ngắn

    Tình trạng: Hoàn thành (Ngày 30/11/2020)

    Độ dài: hơn 18 nghìn từ

    [​IMG]

    Designer: @MưaThángTám

    Lời đầu: Đây là truyện ngắn mà tôi ấp ủ ý tưởng từ năm 2018, nhưng lúc đó không bắt tay vào luôn vì tự cảm thấy bản thân mình chưa đủ vốn liếng để viết. Tác phẩm này là sự tích lũy kiến thức và trải nghiệm của tôi cũng như của những người đi trước mà tôi thu nhặt được.

    ***

    V ạt nắng tinh khôi của những ngày cuối hạ đầu thu đang len lỏi đến mọi ngóc ngách của khu giảng đường lâu năm, nơi đã ghi dấu của bao thế hệ sinh viên trưởng thành từ đây. Trên bục, vị giáo sư đang say sưa với bài giảng:

    – Nếu cưa bất kỳ một xương nào ra, ta cũng thấy có hai phần: Xương đặc và xương xốp. Cấu tạo hình ống của xương đặc trong thân xương dài, cũng như cách sắp xếp các bè xương trong xương xốp đều có tác dụng làm nhẹ bớt trọng lượng, giảm bớt số lượng vật chất cần thiết cho cấu trúc xương, đồng thời làm tăng sức chống đỡ của xương đối với sức ép, sức kéo và sức gãy.

    Giọng nói thầy giáo vẫn đều đều như vậy từ đầu buổi học đến bây giờ, còn tôi vẫn nhắm nghiền mắt, gục đầu trên bàn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.

    – Này bạn kia, bạn nữ bàn cuối. Nhìn thấy bạn là tôi mất hết cảm hứng để giảng bài.


    Ngáp một hơi ngoác mồm, khi tôi mở mắt ra thì bản thân mình đã trở thành trung tâm chú ý của cả lớp. Đâu đó có những tiếng cười khúc khích chế nhạo sự vô duyên của tôi, còn thầy giáo chẳng biết từ khi nào đã đứng ngay mép bàn và đang giận phừng phừng.

    – Dạ vâng, em xin lỗi ạ!

    Thôi xong rồi, tôi không còn biết để mặt mũi vào đâu nữa, vội vàng bật dậy và chạy ra ngoài. Dòng nước mát dội lên mặt khiến tôi thực sự tỉnh táo lại, nhìn mình trong gương mà thầm thở dài tự trách cái lối sống sa đọa ngủ ngày cày đêm này.

    Tôi trở về chỗ ngồi được một lúc, nhưng không sao bắt kịp tiết tấu của thầy, lúc thì giảng quá nhanh, lúc thì giảng quá sâu quá kĩ. "Sột soạt, sột soạt" tiếng lật dở sách vở của tôi ồn ào khiến người bên cạnh phải lên tiếng:

    – Sự tái tạo xương, trang 38 sách Giải phẫu.

    Người đó nói mà không thèm nhìn tôi lấy một cái. Gì đây, kiêu ngạo sao? Nhưng tôi vẫn lịch sự nói: "Cảm ơn!" với hắn một tiếng.

    Đó là lớp phó học tập lớp tôi, tên Lê Quốc Quân. Hắn ta nổi tiếng từ năm nhất với thành tích học tập xuất sắc, nhiều kì liền đứng đầu danh sách học bổng toàn khoa. Bên cạnh đó, hắn còn được mọi người vô cùng tín nhiệm vì là một cán bộ lớp gương mẫu và trách nhiệm.

    – Vốn định gọi cậu dậy, nhưng nghĩ lại để thầy giáo đánh thức thì cậu mới tỉnh táo hẳn được.

    Tôi sững sờ vài giây rồi quay sang nhìn hắn thì bắt gặp một nụ cười tinh ranh. Là hắn cố tình đây mà! Thấy nạn không giúp, thấy chết không cứu chính là tiểu nhân. Được lắm, coi như hôm nay tôi bước chân trái ra khỏi nhà nên xui xẻo đi. Nhưng xem ra bạn lớp phó trong truyền thuyết không có nghiêm túc gì cho cam.

    Dù sao cũng đã bị thầy giáo ghim, tôi phải yên thân yên phận qua nốt tiết học này. Tạm bỏ qua, tôi bắt đầu chú ý đến bài giảng.

    Tôi là sinh viên Y đa khoa năm thứ hai, tôi quyết định theo con đường trở thành bác sĩ này bằng lý trí chứ không phải con tim. Áp lực về học hành và thi cử; lịch trực và thực tập bệnh viện dày đặc, mang sáu năm tuổi xuân của mình vùi trong một môi trường như vậy, tôi tin tôi của sau này sẽ thật sự bản lĩnh và tài giỏi.

    ***

    Cuối buổi học, tôi gặp cô bạn cùng lớp:

    – Diệp Anh ơi, trả cậu quyển vở mình mượn tuần trước này.

    Cô bạn quay lại cười rồi kiên nhẫn chờ tôi lục lọi hết các ngăn cặp sách, nhưng quái lạ là tìm mãi mà chẳng thấy đâu. Tôi nhớ rõ ràng sáng nay đã bỏ nó vào trong cặp rồi, cớ sao bây giờ không thấy? À mà hình như sự việc ấy xảy ra trong giấc mơ thì phải?

    – Xin lỗi cậu nhé, mình để quên ở nhà mất rồi!

    – Không sao đâu! Vậy chiều nay cậu đưa mình cũng được.

    – Ừ.. Hả? Chiều nay lớp mình có tiết á? – Tôi bắt đầu thấy hoang mang nha.

    – Đúng vậy, chiều nay là buổi thực tập Giải phẫu mà. Cậu xem lại lịch học sẽ rõ.

    Diệp Anh đã đi rồi mà tôi vẫn đứng đó ngẩn ngơ. Lại có một người khác đi ngang qua, tôi chưa kịp nhìn thấy mặt mà đã nghe được giọng nói đáng ghét:

    – Cứ như vậy cuối kì không biết tại sao bị cấm thi đấy!

    Vẫn là cái thái độ kiêu ngạo không thèm quay đầu lại, tôi nhìn trừng trừng bóng lưng đang khuất dần kia, nhưng cũng chẳng phủ nhận được lời nói của hắn vì theo quy định của trường: Cần học ít nhất tám mươi phần trăm giờ học lí thuyết và một trăm phần trăm giờ học thực tập mới đủ điều kiện thi hết môn. Tôi thầm trách mình tại sao đã lên đại học mà vẫn lơ ngơ như vậy chứ?

    ***

    Buổi chiều tôi đến phòng thực tập từ sớm, mặc quần áo blouse, chuẩn bị khẩu trang và găng tay. Trong ngành y có một luật rằng nhân viên y tế không được phép mặc áo blouse ngoài bệnh viện và trường đại học, vì đó là hành vi phát tán hóa chất độc hại và nguồn bệnh truyền nhiễm.

    Không lâu sau mọi người cũng đến, hắn tới ngồi ngay bàn đằng trước tôi. Tôi vẫn bực bội chuyện sáng nay, càng khó chịu hơn khi hắn chơi game mà để âm lượng điện thoại lớn. Mặc dù lớp học ồn ào như họp chợ nhưng tôi chỉ ngứa mắt với mình hắn.


    Chuông vào học vừa reo, một cậu sinh viên hớt hải chạy vào lớp. Trang phục xộc xệch, đến cúc áo blouse còn chưa cài hết, vừa bước vào vừa thở gấp. Trông cậu ấy thật thảm nhưng vẫn không giấu được vẻ điển trai và nam tính.

    Tôi không khỏi nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy cậu ấy trên sân cỏ. Lúc ấy trường tổ chức giải bóng đá nam, tôi cùng bọn con gái đến cổ vũ cho đội bóng của lớp. Từ xa tôi đã thấy cậu ấy nổi bật giữa đám con trai bởi chiều cao vượt trội, mái tóc vàng nâu dưới ánh nắng càng thêm óng ả.

    Là chân sút cừ khôi nhất đội với lối chơi bóng kĩ thuật và nhanh nhẹn, cậu ấy cùng sự hỗ trợ từ đồng đội đã cho đối phương "ăn hành" bằng những đường kiến tạo đẹp mắt và không thể gỡ gạc hay xoay chuyển tình thế. Ngôi sao sáng nhất là cậu ấy được cả đám con gái tung hô: "Hoàng Minh! Hoàng Minh!" Tôi dõi theo cậu ấy không rời mắt, quan sát từng cử chỉ và biểu cảm, có lúc cậu ấy ôm chặt đồng đội và cười lớn khi ăn mừng bàn thắng, có lúc sẽ mất bình tĩnh mà quát tháo, chửi rủa vài câu. Sau tất cả, ngày hôm đó lớp tôi thắng đậm. Kể từ đây, có một sự rung động trong lòng, tôi hiểu mình thích cậu ấy từ lần gặp đầu tiên.

    Cậu ấy bước tới ngồi bên cạnh Quốc Quân, nhưng vẫn lịch sự chào tôi ở phía sau:

    – Xin chào, Lâm Như!

    Tôi mỉm cười dịu dàng đáp lời, nhưng trong lòng thì kích động khôn xiết.

    – Hôm qua anh Quân về sớm thế, sao không ở lại uống cùng anh em?

    – Anh già rồi, làm sao uống lại được với các chú. Hôm qua say quá, còn phải gọi điện cho thằng bạn đến đưa về.

    Họ vỗ vai nhau thân thiết rồi lại nói rất nhiều chuyện. Có đôi khi tôi vô cùng ngưỡng mộ tình bạn của đám con trai, tình cảm ấy thật tự nhiên và keo sơn.

    Người ta hay nói trường y là nơi chôn vùi tuổi thanh xuân, thế nhưng vẫn có những con người đầy ý chí, thi lại đại học từ năm này qua năm khác để vào được trường y. Vì vậy mà học cùng những anh, chị lớn hơn vài tuổi là chuyện không mấy xa lạ đối với chúng tôi. Lê Quốc Quân cũng là một trong số đó, hắn lớn hơn tôi ba tuổi, cũng gần như là người lớn nhất trong lớp, cùng với uy tín của một lớp phó, hắn được mọi người gọi một tiếng "anh" với sự tôn trọng nhất định. Nhưng tôi thì không, nếu học cùng khóa thì cớ gì phải gọi bằng "anh"?

    Tiết học bắt đầu, thầy giáo tóm tắt sơ lược lý thuyết, rồi cho sinh viên nghiên cứu tranh, ảnh và mô hình các bộ phận trên cơ thể người. Nửa buổi học trôi qua, rồi chúng tôi được yêu cầu tập trung để đi đến nhà xác. Cuối cùng thì điều mà tôi mong chờ nhất đã thành hiện thực.

    Tôi không giấu nổi sự phấn khích hiện hữu trên khuôn mặt. Bỗng có người đằng sau nói nhỏ:

    – Háo hức như vậy sao?

    Tôi lập tức vừa cười vừa quay lại đáp lời:

    – Ừ, háo hức vô cùng!

    Nhưng khi thấy một bản mặt xấu xa thì nụ cười của tôi cứng đơ trên môi rồi lịm tắt, tôi lườm hắn rồi bơ đi luôn.

    Tất cả mọi người đều đeo khẩu trang và đi găng tay khi vào phòng xác, dù qua lớp khẩu trang rất dày nhưng mùi formol vẫn xộc thẳng vào mũi khiến tôi không kìm được mà ho lên vài tiếng. Khắp căn phòng là các giá đỡ trưng bày các bình sành trong suốt đựng tiêu bản hay bộ phận đã cắt rời. Từ một cánh tay, cẳng chân, các nội tạng trong ổ bụng và khoang ngực đến những tử thi trẻ em chết yểu, tất cả đều được phẫu tích và chú thích chi tiết: Cân, cơ, xương, mạch máu, dây thần kinh. Ở giữa phòng là các bàn chuyên dụng được xếp thành hàng lối, có một tử thi đã được vớt khỏi bể ngâm từ trước và đặt trên một chiếc bàn ở đây nhằm phục vụ cho mục tiêu học tập của chúng tôi.

    Khi tấm khăn trắng được lật lên, trước mặt chúng tôi là xác của một người đàn ông trung niên, nghe thầy giáo nói thì người này chết não cách đây hai năm, nên thân xác của ông ấy gần như nguyên vẹn. Khuôn mặt trắng bệch, thân thể sạm nâu. Nhưng có thể thấy xác của ông ấy được xử lí rất cẩn thận, vì từng đường cắt, rạch trên da đều liền và thẳng, các khối cơ vân được bóc tách tỉ mỉ, các mạch máu và thần kinh hầu hết được bảo tồn. Đứng gần, tôi vẫn ngửi rõ mùi thối rữa xen lẫn mùi hóa chất.

    Cô bạn đứng cạnh tôi run nhẹ lên, khuôn mặt túa ra mồ hôi và đỏ bửng dù nhiệt độ phòng khá thấp, có lẽ cô ấy đang hoảng sợ khi lần đầu nhìn thấy một xác chết. Thực ra, tôi cũng vậy! Nhưng tôi vẫn cố gắng tập trung vào thao tác mà thầy giáo dùng panh và kẹp để bộc lộ từng chi tiết, rồi giải thích cặn kẽ.

    Nếu chỉ nhìn vào cơ thể của tử thi, tôi sẽ không sợ, mà tôi chỉ cảm thấy sợ mỗi khi liếc nhìn khuôn mặt người đã chết, rồi nghĩ rằng cách đây vài năm họ cũng là một người sống bình thường khỏe mạnh, vậy mà bây giờ lại nằm lạnh lẽo ở đây. Điều đó mới thật sự rùng mình. Tuy nhiên nghiêm túc mà nói, sinh viên chúng tôi vô cùng biết ơn và kính trọng họ, những người hiến tặng thân thể cho sự nghiệp đào tạo y khoa.

    Thầy vừa cẩn thận gỡ một dây thần kinh đang bện vào đám rối mao mạch vừa nói với chúng tôi:

    – Dù sau này các bạn theo chuyên khoa nào thì Giải phẫu đối với chuyên môn của các bạn đều vô cùng quan trọng. Bởi vì: "Con người đứng vững bằng đôi chân, Y học bắt đầu từ Giải phẫu."

    ***

    Tôi kết thúc Giải phẫu, môn cơ sở khó nhất với điểm số không tệ. Tiếp theo là Sinh học Di truyền, có thể nói đây chính là lý do khiến tôi nhen nhón ý định thi vào ngành y. Tôi yêu thích và hứng thú với nó như cách một đứa trẻ tò mò về thế giới xung quanh. Tôi tìm đọc rất nhiều sách và tư liệu trong lĩnh vực này kể từ khi còn là học sinh cấp ba. Và tôi cảm thấy may mắn vô cùng khi sinh ra trong thời đại mà các ngành khoa học phát triển mạnh mẽ như bây giờ, khi trăn trở của bao thế hệ nhà khoa học, những câu hỏi hàng thế kỉ chưa có lời giải, giờ đây được giảng dạy trong trường phổ thông. Đứng trên vai những gã khổng lồ, cảm giác ấy thật tuyệt!

    Khoa học chưa bao giờ khô khan, điều đó càng đúng hơn khi Sinh học cho tôi một khám phá quá đỗi thú vị: "Tôi hay bất cứ ai trên thế giới này đều được sinh ra bởi một sự ngẫu nhiên hoàn hảo đến tuyệt đối." Và "gen" chính là đáp án.

    Tôi hay tự hỏi rằng sẽ thế nào nếu năm xưa cụ nội tôi hi sinh trong chiến tranh trước khi lập gia đình? Sẽ thế nào nếu năm đó ông ngoại tôi cưới mối tình đầu của ông mà không phải bà ngoại? Sẽ thế nào nếu ngày ấy bố mẹ tôi không gặp nhau và yêu thương nhau? Và sẽ thế nào khi đúng hai mươi năm trước, tôi không phải là người chiến thắng trong cuộc đua khốc liệt với tỉ lệ một chọi vài trăm triệu? Chỉ với sai số nhỏ nhất thôi thì tôi đã không thể có mặt trên cõi đời này. Vậy nên tôi hay bất kì sinh mệnh nào từng tồn tại sẽ luôn là duy nhất trong vũ trụ này.

    Nhưng hấp dẫn tôi nhất phải kể đến là lịch sử ly kỳ của ngành Di truyền. Cách đây vài thế kỉ, các nhà khoa học đã cho rằng di truyền chính là sự chuyển giao thông tin qua các thế hệ, nhưng cũng chỉ nhận định mơ hồ như vậy bởi người ta chưa thể tìm ra vật chất di truyền, nó được mã hóa và phiên dịch thế nào mà luân chuyển từ đời này sang đời khác?

    Và rồi giả thuyết người siêu nhỏ đã giải đáp mọi khúc mắc. Rằng, trong tinh dịch của người đàn ông chứa những người siêu nhỏ, tức bào thai nhỏ xíu đã hình thành đầy đủ, bị cuộn lại và chờ được đưa vào người phụ nữ rồi thổi phồng thành một em bé. Như vậy có nghĩa là trong mỗi người siêu nhỏ lại có người siêu siêu nhỏ, cứ như thế tạo thành một chuỗi vô tận. Đọc đến đây tôi không khỏi thốt lên: "Lý thuyết này quá quyến rũ!" Nhưng sau cùng, nó được xác minh và bị đánh đổ. Ngành Di truyền đi vào ngõ cụt trong thời gian dài.

    Câu chuyện thật sự mở ra vào thế kỉ XIX, một vị linh mục tên Gregor Mendel đã dành chục năm cuộc đời để nghiên cứu quy luật di truyền trên những cây đậu Hà Lan. Mảnh vườn ươm của ông có thể nhỏ bé, nhưng ông không lẫn lộn kích thước khiêm tốn của nó với tham vọng khoa học của mình. Mendel mang công trình vĩ đại của mình đến các hội nghị khoa học, gửi đến những người đồng nghiệp thời bấy giờ nhưng trả lại ông là "sự im lặng kỳ lạ nhất trong lịch sử sinh học". Không ai đủ trình độ để hiểu hoặc họ không quan tâm đến một nhà khoa học nghiệp dư như ông. Gần bốn mươi năm sau, tên tuổi và công trình đặt nền móng cho sinh học hiện đại của ông mới được công nhận, nhưng ông đã ra đi trong bệnh tật từ nhiều năm trước đó.

    Mendel đã mở toang cánh cửa cho một kỷ nguyên khoa học mới, ngành Di truyền phát triển chóng mặt. Liên tục có những phát hiện mới, bức tranh toàn cảnh dần được hoàn thiện. Người ta tìm ra vật chất di truyền là DNA. Giờ đây, "gen" đã không còn là một khái niệm mơ hồ mà đó là thứ hữu hình, cái mà người ta có thể tác động. Và đây có lẽ là điềm báo u ám về một tương lai không xa.

    Xoay quanh thuyết tiến hóa của Darwin là chọn lọc tự nhiên. Nhưng bấy giờ, người ta muốn đẩy nhanh tiến trình này bằng chọn lọc nhân tạo, tức can thiệp vào con người. Đó là cách thuyết ưu sinh ra đời. Triển vọng cải thiện nhân loại không gì khác là triệt sản kẻ thất bại và gây giống kẻ thành công.

    Không lâu sau đó, mọi thứ đã không còn là lý thuyết suông. Những cuộc thanh tẩy chủng tộc bắt đầu từ việc triệt sản cưỡng bức hàng loạt người mắc bệnh di truyền cho đến thủ tiêu với đối tượng mở rộng: Người khuyết tật, người đồng tính, người bất đồng chính kiến. Đó mới chỉ là khúc dạo đầu của nạn diệt chủng man rợ nhất lịch sử nhân loại mà Đức Quốc xã gây ra: Hàng triệu người Do Thái bị đồn đến các trại tập trung, bị đưa vào buồng hơi ngạt, sau đó là lò thiêu xác và cuối cùng nằm lại các mồ chôn tập thể. Nỗi kinh hoàng ấy sẽ tồn tại mãi về sau. Khi khoa học bị thao túng và bóp méo dưới chế độ toàn trị, thì cái giá phải trả cho một tham vọng cực đoan là quá lớn.

    Chính quá khứ đầy thăng trầm ấy khiến tôi không kìm lòng được mà say mê môn học này. Nhưng khi thật sự dấn thân vào tầng kiến thức chuyên môn mang tính học thuật và phức tạp thì tôi mới hiểu những bài giảng thời cấp ba hay những cuốn sách khoa học thường thức ngày xưa tôi từng đọc chẳng thấm vào đâu so với hiện tại.

    – Nhiễm sắc thể X thuộc nhóm C, tâm lệch, chứa khoảng tám đến chín trăm gen.. Cơ chế bất hoạt một trong hai nhiễm sắc thể X có liên quan đến gen XIST và gen TXIS trong vùng XIC..

    Cô giáo ở trên bục giảng, còn tôi ngồi dưới vận dụng hết công suất: Mắt nhìn, tai nghe, tay chép. Thực tế thì lí thuyết đều nằm trong sách, nhưng dù kĩ năng đọc hiểu có tốt đến mấy thì tôi vẫn phải lên lớp đều đặn để không bỏ sót bài giảng của các thầy cô.

    "Lạch cạch, lạch cạch.."

    Âm thanh này làm tôi chú ý, là Diệp Anh đang sử dụng điện thoại. Kể từ buổi học Giải phẫu hôm nọ, để tránh chung bàn với tên Quốc Quân, tôi luôn kè kè bên cạnh Diệp Anh. Cậu ấy không nói gì nhiều mà chỉ cười. Quen nhau hai năm, dù không quá thân thiết nhưng tôi thật sự rất thích Diệp Anh, cậu ấy là người con gái dịu dàng nhất tôi từng gặp. Diệp Anh luôn giữ vẻ điềm tĩnh trên khuôn mặt, cậu ấy đối xử với tất cả mọi người như nhau nên đôi khi khiến cho người khác cảm giác vừa gần, vừa xa. Riêng tôi lại rất thích tính cách này của cậu ấy.

    Nhưng Diệp Anh của lúc này khiến tôi quá bất ngờ. Cậu ấy đang nhắn tin với ai đó với tốc độ điên cuồng, tiếng lạch cạch bàn phím chẳng bận tâm đến xung quanh. Trạng thái có phần kích động của cậu ấy khiến tôi không biết phải làm sao thì đúng lúc này, tiếng cô giáo vang lên:

    – Bạn Đinh Diệp Anh có đi học không?

    Cũng dễ hiểu thôi, vì tên cậu ấy ở đầu danh sách lớp. Tôi ngước nhìn cô giáo rồi lại nhìn Diệp Anh, cậu ấy vẫn chẳng nghe thấy gì. Không còn cách nào, tôi liền đứng lên thay:

    – Dạ, có em ạ!

    – Em trả lời cho tôi câu hỏi này: Nếu ở người bình thường quy định 46 XX là nữ, 46 XY là nam vậy em cho cô biết những cá thể bất thường như 47 XXX hay 47 XXY là giới tính gì?

    Tôi nhớ mang máng mình đã đọc qua cái này ở đâu đó nhưng không thể nhớ chính xác. Đang lật tung mấy trang sách thì có người ở phía sau đưa cho tôi một mẩu giấy. Như vớ được phao cứu sinh, tôi đọc lại y sì nội dung trong đó.

    – À vâng, thưa cô! Nhiễm sắc thể Y đóng vai trò quyết định giới tính, cụ thể là vùng TDF và gen SRY nằm trên nhánh ngắn của Y. Khi có mặt nhiễm sắc thể Y, giới tính biệt hóa theo hướng nam, ngược lại khi vắng mặt Y, giới tính được biệt hóa theo hướng nữ. Nên trường hợp 47 XXX này là nữ còn 47 XXY là nam.

    Là Quốc Quân, chẳng biết hắn ngồi thù lù phía sau từ bao giờ nhưng lần này hắn đã giúp tôi, theo lẽ thì tôi nên cảm ơn hắn. Đắn đo một hồi rồi lấy hết dũng khí xoay người xuống bàn dưới, nhưng tôi còn chưa mở miệng thì hắn đã nói trước:

    – Đã thấy tác hại của việc lười chăm chỉ chưa?

    – Mặc xác tôi.

    Tôi nghiến răng, thật may là chưa cảm ơn hắn.

    Diệp Anh lúc này đã gục đầu xuống bàn, mặt hướng ngược phía tôi. Chiếc điện thoại ngay cạnh vẫn rung liên tục vì có tin nhắn tới. Tôi sẽ chẳng tò mò nếu như không vô tình thấy người nhắn tới là Hoàng Minh. Câu hỏi to đùng trong đầu tôi, xảy ra chuyện gì giữa hai người họ, quen nhau hai năm mà tôi không hề biết họ thân cận như thế? Hơn nữa, tôi thích Hoàng Minh.

    Diệp Anh vẫn nằm như vậy cho đến hết buổi học, tôi lay người gọi thì cậu ấy quay lại nhìn tôi với một khuôn mặt nhợt nhạt thiếu sức sống.

    – Cậu sao vậy?

    – Mình không sao đâu. Cảm ơn cậu đã giúp mình chuyện lúc nãy!

    Cậu ấy nhanh chóng lấy lại vẻ điềm đạm như bình thường rồi thu dọn sách vở và ra về.

    Tôi lên thư viện trả vài cuốn sách mượn tháng trước, khi trở về có đi ngang qua dãy ghế đá khu khuôn viên trường. Lại nhìn thấy Diệp Anh ngồi thẫn thờ ở đó, tôi không nghĩ bây giờ cậu ấy nên ở một mình, bèn quyết định lại gần:

    – Cậu vẫn ổn đấy chứ?

    Diệp Anh ngước lên nhìn tôi rồi cười nhạt, nhưng vẫn bỏ gọn cặp sách sang bên cạnh để chừa lại chỗ cho tôi. Chúng tôi ngồi đó im lặng thật lâu, rồi cậu ấy cũng lên tiếng:

    – Lâm Như có muốn nghe chuyện của mình không?

    Tôi thậm chí còn rất tò mò, nhưng hơn hết là muốn biết chuyện lớn gì khiến cậu ấy suy sụp đến như vậy.

    – Mình và Hoàng Minh là bạn học cấp ba, bọn mình yêu nhau được bốn năm rồi.

    Tai tôi ù đi, nhưng tôi biết mình vẫn đang cười, cười gắng gượng đến nỗi quai hàm tê mỏi. Còn Diệp Anh vẫn nhìn vô định về phía trước rồi nói tiếp:

    – Cậu ấy là người rất thông minh, nhưng không thích học hành mà vô cùng đam mê bóng đá. Ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của cậu ấy không thể thực hiện vì gia đình ngăn cấm mà muốn cậu ấy thi vào một trường đại học danh tiếng, có được công việc ổn định. Mình rất hiểu Minh, cậu ấy có lý tưởng riêng nhưng vẫn chấp nhận sự sắp xếp của gia đình để họ yên lòng. Bố mẹ Minh muốn cậu ấy làm kĩ sư, nhưng cậu ấy kiên quyết thi vào trường y để bọn mình được ở bên nhau. Cậu có tưởng tượng được không, một người học lực trung bình như cậu ấy phải nỗ lực đến mức nào mới có thể vào được ngôi trường này. Nhưng bây giờ, cậu ấy muốn gạt bỏ hết mọi nỗ lực bao năm nay, cậu ấy muốn bỏ học.

    Nói đến đây, Diệp Anh nghẹn lại một cách khổ sở, rồi cậu ấy vẫn tiếp tục kể cho tôi nghe.

    – Mình cảm thấy cậu ấy vẫn bồng bột và trẻ con như ngày nào, khiến mình quá lo lắng. Cuộc sống đâu dễ dàng như vậy mà cậu ấy cứ lựa chọn con đường khó đi nhất. Có phải ai chạy theo đam mê cũng thành công được đâu? Cậu ấy không thích học y, không chịu được áp lực ở trường y, được, cậu ấy có thể thi vào một ngành khác và làm lại từ đầu, nhưng tại sao cứ nhất thiết phải là thể thao?

    Thì ra câu chuyện nan giải như vậy, tôi khẽ thở dài rồi vỗ vai Diệp Anh:

    – Thực ra cậu đang đứng ở góc độ nhìn nhận của phụ huynh để đánh giá, sao cậu không thử đặt mình vào vị trí của Hoàng Minh mà suy nghĩ một chút. Có lẽ theo đuổi đam mê mới thật sự khiến cậu ấy hạnh phúc. Bản thân cậu ấy đưa ra quyết định này hẳn đã rất khó khăn, thì cậu nên tin tưởng và ủng hộ cậu ấy mới phải.

    – Mình sẽ ủng hộ nếu quyết định ấy đúng đắn, tuổi trẻ có bao nhiêu năm để được "sai" chứ? Đam mê hay không đam mê thì vẫn là công việc để kiếm ra tiền. Đam mê của cậu ấy có kiếm được ra tiền không? Trong thể thao, nếu không được đào tạo bài bản, tập luyện cường độ cao từ khi còn là một đứa trẻ thì sẽ không có được đủ thể lực và sức bền. Dù có đam mê đến đâu, nhưng liệu cậu ấy có vượt qua được những người đã xuất phát sớm hơn cậu ấy, cạnh tranh được với những người đã đi trước cậu ấy cả một quãng đường dài hay không?

    Mãi sau này, tôi mới hiểu những điều Diệp Anh nói thực tế cỡ nào, còn tôi vẫn suy nghĩ quá đơn giản về thế giới xô bồ ngoài kia. Cuộc sống thật sự khó khăn như vậy thì đã sao cơ chứ, tôi của hiện tại vẫn muốn tin vào những gì tôi đã tin.

    Dù cuộc nói chuyện của hai đứa đi vào ngõ cụt, nhưng cuối cùng Diệp Anh cũng bình tĩnh trở lại và chịu về chung với tôi. Chúng tôi khác biệt nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng đến những điều tốt đẹp giữa tôi và cậu ấy. Điều bất ngờ nhất với tôi là mối quan hệ của hai người họ. Có lẽ họ rất trân trọng và tin tưởng vào mối quan hệ này nên mới không công khai mà giữ riêng cho bản thân họ. Vì vậy mà không có lí do gì để tôi coi Hoàng Minh là đối tượng của mình được nữa. Còn chuyện của Minh, có lẽ cậu ấy đã có lựa chọn cho riêng mình.

    ***

    Chiều nọ, tôi phát hiện trong thư viện trường có một vài tài liệu khá hiếm, trong đó có "Nguồn gốc các loài" của Charles Darwin bản gốc tiếng Anh. Tôi thực sự tò mò về tác phẩm đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao con người đam mê nghiên cứu sinh học và sau đó chính họ trở thành những nhà khoa học nổi tiếng. Dù vốn từ vựng chuyên ngành chẳng dư dả nhưng tôi vẫn có thể đọc ngấu nghiến nó suốt vài giờ đồng hồ.

    Khi bước ra khỏi tòa thư viện đã là sáu giờ tối, tôi lang thang quanh khuôn viên trường rồi qua khu thể chất. Trường đại học cũng thật thú vị, vì khung cảnh nơi đây nhộn nhịp nhất là sau giờ học, khi các câu lạc bộ, đội nhóm hoạt động sôi nổi. Ồn ào nhất lúc nào cũng là sân bóng đá, luôn có kèo giao hữu giữa các đội nhằm chuẩn bị cho mùa giải tới.

    – Này bạn ơi, cẩn thận!

    Có người hét lên, nhưng tôi chẳng kịp phản ứng gì thì ngay tức khắc có một quả bóng từ đâu tới đập mạnh vào bả vai tôi, lực mạnh tới nỗi khiến tôi ngã phịch xuống. Từ cầu vai trở xuống cả cánh tay tê dại như muốn đứt ra, tôi đau đến ứa nước mắt.

    – Là cậu hả Như? Cậu có làm sao không?

    Tôi thấy Hoàng Minh và mấy cậu bạn trong đội bóng chạy tới. Đến hít thở tôi còn cảm thấy đau thì sao tôi có thể trả lời cậu ấy, tôi chỉ đành lắc đầu. Cậu ấy bỗng bế thốc tôi lên:

    – Để mình đưa cậu đến phòng y tế.

    – Không.. không cần, để mình nghỉ một chút là được.

    Tôi vội vàng gắng gượng nói trong khi cánh tay đã bầm tím một mảng. Nhưng tôi vẫn thấy mình ổn vì dù sao cũng là vết thương kín, không có nguy cơ nhiễm trùng.

    Hoàng Minh bế tôi lại một ghế đá gần đó, rồi cậu ấy chạy đi mua chai nước khoáng và túi đá chườm. Lúc đưa đồ, cậu ấy thận trọng nhìn xem tôi còn bị tổn hại chỗ nào khác nữa không.

    – Mình không cố ý, thật sự xin lỗi cậu nhiều lắm!

    – Là cậu sút vào mình? – Cậu ấy gật gật mà đầu tôi ong ong. – Quây quanh sân bóng là tấm lưới cao đến bảy mét cơ mà, làm sao cậu có thể sút ra ngoài cơ chứ?

    Nghe vậy, Hoàng Minh bật cười còn tôi cũng chẳng trách cứ gì cậu ấy, dù rằng cảm giác đau đớn vẫn chưa hề thuyên giảm. Chúng tôi nói chuyện vô cùng tự nhiên, đây thực sự là lần đầu tiên tôi hiểu về cậu ấy, hóa ra hai chúng tôi cũng có khá nhiều điểm chung, ví dụ như một chút ngang ngược, một chút ngông cuồng.

    – Hết năm nay mình sẽ thôi học.

    Cậu ấy bỗng nói một câu khiến không khí vui vẻ giữa chúng tôi chợt cứng nhắc. Tôi khá bất ngờ khi cậu ấy đem chuyện riêng của mình nói với một người bạn không mấy thân thiết là tôi. Có lẽ một thời điểm nào đó, ai cũng muốn được chia sẻ, được người khác lắng nghe.

    – Tại sao vậy?

    – Mình nhận ra bản thân không phù hợp với ngành y, nên quyết định từ bỏ và theo đuổi đam mê.

    Tôi cười nói:

    – Cậu rất dũng cảm. Thật đấy! Có những người cũng nhận ra bản thân không hợp, không thích ngành y, nhưng họ không dám từ bỏ và làm lại như cậu. Họ không dám từ bỏ tiền bạc và nỗ lực trong quá khứ, họ không từ bỏ được cái mác sinh viên trường y.

    Hoàng Minh vuốt mặt, rồi nhìn tôi, cậu ấy bắt đầu nói bằng giọng khàn khàn:

    – Mình đã từng thực sự muốn trở thành một người bác sĩ.

    Trời nhá nhem tối nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy đôi mắt ươn ướt của cậu ấy.

    – Nhưng mình không làm được, quá khó khăn với mình. Cường độ học tập cao: Vài ba tuần lại thi, môn này chồng chéo lên môn kia. Cái gì mà giải phẫu, sinh lí, hóa sinh, mô phôi, dược lí, miễn dịch.. thật sự quá sức với mình. Mình học cái gì cũng cảm thấy chán, vì chúng vừa dài, vừa khó, còn rất khô khan. Và mình vẫn tự nhủ với bản thân phải cố thêm chút nữa, rồi cũng có lúc mình muốn mặc kệ, tới đâu thì tới. Nhưng mặc kệ làm sao được khi mình đang ở trên một đường chạy, chỉ ngừng nghỉ một chút thôi cũng khiến mình bị bỏ lại.

    Minh nói tiếp:

    – Hai năm qua khiến mình mệt mỏi vô cùng, mình bị mắc kẹt giữa việc tiếp tục gồng mình lên trong một guồng quay không điểm dừng hay từ bỏ. Mình không chịu nổi áp lực nhưng cũng không dám từ bỏ, vì mình sợ. Mình sợ bố mẹ thất vọng, mình còn nhớ như in cái ngày mình đỗ vào trường y, mẹ mình nói rằng: "Từ nay nhà mình có bác sĩ, không phải lo lúc ốm yếu rồi." Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời mình làm cho bố mẹ tự hào về mình, làm cho những người khác ngưỡng mộ bố mẹ mình.

    Cậu ấy trầm ngâm một lúc rồi lại nói, tôi vẫn yên lặng bên cạnh.

    – Cậu nói đúng đấy Như, cái mác sinh viên trường y quá lớn. Bởi vì ngành y cao quý, bởi vì người ta chỉ thấy được sự hào nhoáng mà không thấy được nỗi vất vả của người trong ngành. Họ chưa thấy một sinh viên y học nhiều đến phát điên, áp lực đến trầm cảm rồi tự tử. Họ chưa thấy một bác sĩ mới ra trường lương không đủ sống hay một bác sĩ trẻ học lên cao vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ, họ chưa thấy một tua trực của bác sĩ cấp cứu hay một ca mổ của bác sĩ ngoại khoa. Những con người vắt kiệt sức khỏe của bản thân để chăm lo cho sức khỏe của người khác, khi họ cứu được hàng trăm người thì không ai tán dương, nhưng sơ suất để xảy ra một tai biến thì bị cả xã hội sỉ vả là chuyên môn yếu kém, y đức xuống cấp. Đâu ai hiểu với cường độ làm việc của họ, sai sót là điều khó tránh, nhưng đã là bác sĩ thì có ai muốn xảy ra sai sót chứ?

    Trong giọng điệu không giấu giếm sự mỉa mai và chút đau xót.

    – Hai năm qua, niềm tin và nhiệt huyết của mình phai nhạt dần, mình chán học, mình trốn tiết đi đá bóng. Cảm giác đau nhức toàn bộ cơ thể cũng không khiến mình khó chịu bằng việc đọc một cuốn sách chuyên ngành mà mãi chẳng thể hiểu, không khó chịu bằng việc nghĩ đến cuộc đời mình sẽ gắn liền với một môi trường bức bối như bệnh viện. Có lẽ trước khi chọn ngành này, mình phải lường trước được những khó khăn ấy, nhưng khi thật sự dấn thân vào, mình mới phát hiện ra bản thân mình không mạnh mẽ đến thế. Nên mình thất bại, mình bỏ cuộc.

    – Này Hoàng Minh, cậu thật sự rất đẹp trai đấy! – Tôi cười nhí nhảnh, mong cho tâm trạng cậu ấy tốt hơn. – Nhưng cậu trông đẹp nhất là khi chạy trên sân bóng, vì đó là nơi cậu thuộc về, đó là lúc cậu là chính bản thân mình. Mỗi người có một sứ mạng riêng, lựa chọn ngành nghề nào cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn không riêng gì ngành y, vấn đề là cậu có vượt qua được hay không? Cậu không thất bại, cậu chỉ thất bại khi cậu đã lựa chọn đúng con đường của mình mà vẫn bỏ cuộc. Vậy nên, mình mong rằng cậu sẽ kiên trì với hành trình mới.

    – Cảm ơn cậu! – Cậu ấy cười.

    Cũng giống như Hoàng Minh, thế giới quan của tôi rất đơn giản, tôi chỉ có thể làm những điều mình thích, mà phải làm ngay lập tức. Kết quả không quan trọng bằng quá trình, nếu quá trình không khiến tôi vui vẻ và tận hưởng thì dù kết quả có vinh quang đến mấy tôi cũng từ bỏ. Dù sao thì cuộc đời là của mỗi người, nếu họ sẵn sàng lựa chọn, thì họ cũng sẵn sàng trả giá. Nếu không thử đâm đầu vào, sao biết được là trái đắng hay quả ngọt?

    – Mình mong là gia đình sẽ sớm tin tưởng và ủng hộ cậu, cả Diệp Anh nữa!

    Cậu ấy kinh ngạc nhìn tôi rồi bật cười lớn:

    – Thật không ngờ cậu lại biết chuyện của bọn mình.

    Rồi Hoàng Minh quay lại nhìn tôi đăm chiêu:

    – Mình thắc mắc chuyện này từ lâu, cậu có phải là bạn gái anh Quân không?

    – Hả? Trời ơi, cậu nghe tin đồn nhảm nhí này ở đâu đấy? – Tôi chết sững luôn.

    – Ha ha, do mình suy đoán thôi. Nếu không phải thì là mình hiểu lầm rồi. Quen anh ấy hai năm, lần đầu tiên mình thấy anh ấy không nghiêm túc với con gái là khi nói chuyện với cậu, thỉnh thoảng cũng sẽ vu vơ nhắc đến cậu, còn đôi lúc đứng nhìn trông theo cậu nữa. Mà không phải con gái đều thích kiểu người hoàn hảo như anh ấy sao?

    Tôi mím môi, tên Lê Quốc Quân này thật khiến tôi không hiểu hắn nghĩ gì.

    Ngồi cùng nhau một lúc rồi Hoàng Minh về trước, cậu ấy nói có việc quan trọng cần chuẩn bị. Tôi nhìn theo bóng dáng rời đi của cậu ấy mà không ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi gặp cậu ấy ở trường đại học. Mọi thứ diễn ra thật chóng vánh, việc quan trọng mà cậu ấy nói chính là hoàn tất thủ tục thôi học.

    ***

    Buổi học đầu tiên của năm thứ ba, thầy chủ nhiệm có nói với chúng tôi một câu: "Hôm nay, khi các bạn còn ngồi ở đây, tức là các bạn vẫn quyết định theo nghề y, còn những người muốn bỏ thì họ đã bỏ rồi." thì tôi chợt hiểu rằng hai năm đầu là khoảng thời gian sinh viên " rơi rụng " nhiều nhất.

    Năm thứ ba ở trường y, sinh viên bắt đầu được thực tập ở bệnh viện, trước đó chúng tôi được học các môn tiền lâm sàng. Tiền lâm sàng gồm các kĩ năng thủ thuật, cách hỏi bệnh và thăm khám thực thể trên bệnh nhân. Các thủ thuật như tiêm, truyền, thay băng rửa vết thương vốn dĩ là công việc của điều dưỡng, nhưng sinh viên hệ bác sĩ như chúng tôi vẫn buộc phải thành thạo, vì như vậy mới biết điều dưỡng của mình có làm đúng quy trình và kĩ thuật hay không. Chúng tôi chỉ được thực hiện trên mô hình, nhưng khi vào thực tế thì phải tùy cơ ứng biến trên mỗi dạng vết thương, mỗi tạng người của bệnh nhân.

    Hỏi bệnh là phương thức để bác sĩ khai thác kĩ triệu chứng, bệnh sử và tiền sử của bệnh nhân. Ngày đầu đi viện, tôi hăng hái chạy khắp khoa khám bệnh, nói chuyện với tất cả mọi người. Nhưng những cuộc phỏng vấn bệnh nhân thường sa đà thành buôn chuyện trên trời dưới bể, đặc biệt là các bác trung niên, chỉ cần có người bắt chuyện thì họ sẽ kể cho tôi nghe chuyện nhà cửa, gia đình, con cái, bệnh tật..

    Và tôi rút ra kinh nghiệm, với đối tượng này sẽ chỉ đặt câu hỏi đóng: Bác đau ở đâu, đau bao nhiêu lâu, đau âm ỉ hay quặn từng cơn, đau khu trú hay lan sang chỗ khác, có kèm theo triệu chứng gì khác không? Nhưng tôi vẫn không cảm thấy đây là một việc dễ dàng, hỏi thế nào để bệnh nhân trả lời đúng, đủ và không phải lúc nào họ cũng hợp tác.

    Khám thực thể càng không đơn giản. Sinh viên chúng tôi cũng chỉ biết bắt chước theo những kĩ thuật nhìn, sờ, gõ, nghe ấy, nhưng riêng với bác sĩ có kinh nghiệm, họ chỉ cần khám vài động tác, tìm ra triệu chứng điển hình là có thể chẩn đoán ngay ra bệnh. Các thầy cô vẫn luôn nói chúng tôi phải cực kì thành thạo các kĩ năng này. Vì khi sờ bụng của hàng chục người bình thường, thì mới phân biệt được với bệnh nhân có phản ứng thành bụng. Khi gõ phổi của hàng chục người bình thường, thì mới phân biệt được với bệnh nhân tràn dịch khoang màng phổi. Khi nghe tiếng tim của hàng chục người bình thường, thì mới phân biệt được với tiếng thổi tâm thu ở bệnh nhân hở van hai lá.

    Trong một buổi học, bác sĩ sẽ mời một bạn nam làm bệnh nhân và thực hiện khám mẫu, sau đó chia nhóm: "Chia mỗi nhóm từ bốn đến năm người, có cả nam và nữ, các bạn nữ khám các bạn nam, các bạn nam tự khám cho nhau." Tức là con gái có sự ưu ái, chúng tôi có thể lột áo, sờ nắn bọn con trai, ngược lại chúng nó nhìn còn không được nhìn chúng tôi. Quốc Quân là cán bộ lớp, nghiễm nhiên hắn là người chia nhóm và lần này tôi không chạy thoát được, hắn cho tôi vào nhóm của hắn.

    Khi Quốc Quân cởi hết áo trong áo ngoài rồi ngồi trên giường bệnh trước mặt, tôi ngỡ ngàng đến không chớp mắt vì không thể tin được tên mọt sách như hắn lại có cơ thể hoàn hảo như vậy: Ngực nở, vai rộng và cơ bụng sáu múi.

    Tôi bắt đầu thực hiện theo quy trình, tự nhắc nhở bản thân phải tập trung chuyên môn, không được bị phân tâm.

    – Đang làm gì đấy?

    Hắn hỏi nhưng không nhìn tôi.

    – Đang tìm xương sườn số 12 để xác định điểm đau sườn sống.

    – Xương sườn 12 là xương sườn cụt, cậu phải tìm ở sau lưng chứ cậu cứ sờ ngực, bụng tôi làm gì?

    Tôi xấu hổ rụt hai tay lại, rồi bảo hắn đưa lưng về phía tôi. Có lẽ hắn thường xuyên tập luyện thể thao nên cơ bắp phát triển, cơ lưng cũng thế. Tôi loay hoay lần sờ, hắn lại cằn nhằn:

    – Không sờ được xương sườn của tôi thì vào một bệnh nhân béo phì, cậu định khám thế nào?

    Tôi phát bực, mắng hắn trong lòng là đàn ông con trai mà khó tính. Nhưng thực ra, sự kĩ tính của hắn là cần có đối với mỗi người bác sĩ. Kể từ đó, mỗi lần tôi khám thiếu bước hay sai kĩ thuật, hắn đều nhắc nhở và thậm chí kiên nhẫn hướng dẫn cho tôi. Trong một lần khám tim, có tổng cộng bảy vị trí nghe tim, hắn nói tôi đặt ống nghe sai bốn vị trí, đối với hắn xê xích một xíu cũng là sai.

    Tôi thấy lạ vì thấy khuôn mặt hắn hơi đỏ, khi đặt ống nghe vào mỏm tim, tôi giật mình. Bỏ ống nghe ra để áp sát tai vào lồng ngực. Lúc ấy, tôi chẳng ý thức được hành động suồng sã của mình, mà chỉ cảm thấy rất tò mò:

    – Này Quân, cậu không bị suy tim đấy chứ?

    Tôi nói nhỏ chỉ đủ hai người nghe.

    Sở dĩ tôi hỏi như vậy vì hai tiếng tim "bùm, tặc" rất rõ và đều nhưng đập nhanh một cách bất thường. Với bệnh nhân suy tim, tim sẽ giảm khả năng co bóp khiến lưu lượng máu tống đi trong mỗi nhát bóp giảm, vì vậy mà tim đập nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

    – Không đâu!

    Rồi hắn ngượng ngùng quay đi ho nhẹ một tiếng.

    Hôm đó tôi nhớ bài, mà nhớ không kĩ. Tim đập nhanh có nguyên nhân bệnh lý cũng có nguyên nhân sinh lý, nhất là trong trường hợp con người ta hồi hộp, căng thẳng.

    Trong một buổi học khác là bài khám hạch, hôm đó Quốc Quân không đi học vì hắn vướng vào hội họp cán bộ lớp gì đó. Khi khám mẫu xong, thầy giáo bỗng muốn mời một sinh viên lên thực hiện lại. Và xui xẻo thay hôm đó là ngày 29, trùng với số thứ tự của tôi trên danh sách.

    Trong nhóm tôi, con trai có Quốc Quân và một bạn nam tên Khải nữa. Vậy nên cậu ấy sẽ là bệnh nhân. Tôi đứng bên cạnh giường bệnh còn cậu ấy đã nằm sẵn trên đó, trước hàng chục con mắt đang dõi theo khiến cả hai không khỏi lúng túng, nhưng dẫu sao tôi cũng kịp nhớ tất cả các vị trí hạch: Từ mang tai đến hàm, đến cổ, đến nách, đến khuỷu tay, đến bẹn. Tôi hít một hơi thật sâu, đây là một vị trí nhạy cảm, ấy thế nhưng tôi vẫn phải chậm dãi kéo chiếc quần blouse xuống, cậu ấy cũng nhấc mông phối hợp để tôi thao tác dễ hơn. Sau đó tôi đặt ba ngón tay vào từng bên bẹn cách qua một lớp quần lót. Thực tế thì tôi chẳng sờ được khối hạch nào, vì người bình thường hạch sẽ không bị viêm mà sưng lên.

    Tôi nghe thấy tiếng cười trong kìm nén của vài đứa bạn ngồi phía dưới, rồi cả tiếng thầy giáo nhắc nhở. Nhưng chính tôi còn cảm thấy buồn cười, vừa cười khổ khi bản thân đang trong một tình cảnh nhạy cảm, vừa cười buồn khi còn chưa một lần nắm tay con trai mà đã sờ vào chỗ hiểm hóc của người ta.

    Tôi thường hay bị thằng bạn cấp ba trêu: "Mấy đứa học y thường rất biến thái." Và tôi đáp trả: "Chúng nó biến thái nên mới học y." kèm theo nụ cười nham hiểm.

    Xong, tôi với Khải về chỗ, cậu ấy thỉnh thoảng liếc tôi rồi đỏ mặt, còn tôi cười lại, nhưng cậu ấy càng xấu hổ quay đi. Ha ha, cậu bạn này thật đáng yêu!

    – Mày mặc đồ lót hàng hiệu à Khải?

    Nghe thoáng đứa nào đó hỏi khiến tôi chẳng nhịn được phì cười. Bỗng dưng tôi chợt nghĩ, nếu bệnh nhân hôm nay của tôi là Quốc Quân, tôi sẽ không thể nào bình thản và tự nhiên như vậy.

    ***

    Chúng tôi bắt đầu đi bệnh viện vào giữa kì này, năm thứ ba sẽ đi khoa Nội và khoa Ngoại. Hồi mới chân ướt chân ráo vào trường, tôi chẳng hiểu thế nào là nội, ngoại. Vốn tưởng rằng chữa các cơ quan bên trong cơ thể thì gọi là nội, chữa các bệnh ngoài da thì gọi là ngoại. Nhưng không, ngoại khoa là chữa trị bằng can thiệp từ bên ngoài thông qua dao, kéo.. hay dễ hiểu hơn là phẫu thuật. Còn nội khoa là chữa trị bằng tác động từ bên trong như dùng thuốc thông qua các phác đồ điều trị.

    Nhóm tôi được phân chia đi nội trước, đi ngoại sau. Mà ở khoa Nội, lưu lượng bệnh nhân ngoại trú đến khám cũng như bệnh nhân nội trú đang điều trị tại viện đông hơn nên chúng tôi cũng được thực hành nhiều, được các bác sĩ cầm tay chỉ việc. Mỗi sáng đều đặn, từng nhóm sinh viên sẽ theo bác sĩ chính đi các buồng bệnh để thăm khám cho bệnh nhân, dù bệnh nhân đông nhưng sinh viên cũng không hề ít, ngoài đối tượng năm thứ ba là chúng tôi thì còn các anh chị năm thứ tư và năm thứ sáu, cùng vài anh chị bác sĩ nội trú. Đến chiều chúng tôi học ở giảng đường của bệnh viện, mỗi tuần sẽ có một buổi trực đêm tại khoa.

    Đi học tại khoa ngoại thì khác, các bác sĩ ở đây rất bận rộn, vì họ dành phần lớn thời gian trong phòng mổ nên công việc tại khoa thường thay đổi linh hoạt. Lịch giảng lúc mười giờ sáng, nhưng bác sĩ có ca phẫu thuật gấp, chúng tôi phải chờ đến một giờ chiều là chuyện thường tình.

    Đêm trực đầu tiên, tầm tám giờ tối nhưng bệnh viện vẫn nhộn nhịp người ra ra vào vào, mấy đứa nhóm tôi đang đọc bệnh án trong phòng làm việc của khoa, còn tôi lang thang dạo quanh các buồng, có bệnh nhân đã nghỉ ngơi sớm, có bệnh nhân được người nhà đến thăm. Thời gian học ở bệnh viện chủ yếu là buổi sáng, nhưng với thực tế số lượng đông sinh viên cùng sự bận rộn của bác sĩ, thì buổi tối mới là thời điểm tốt nhất để mấy đứa sinh viên tiếp xúc với bệnh nhân. Tôi đi đến phòng bệnh ở cuối dãy hành lang thấy Quốc Quân đang nói chuyện với một bác trung niên. Liếc mắt một cái hắn cũng trông thấy tôi nên gọi tôi vào.

    Phòng bệnh này đặc biệt nhất trong khoa vì những người nằm ở đây đều là bệnh nhân nặng, có những người không gượng dậy được, chỉ thều thào vài hơi, có những người phải thở bình oxy. Vị trí của nó nằm ngay cạnh cầu thang để phòng trường hợp khẩn cấp có thể vận chuyển bệnh nhân xuống ngay khoa Hồi sức cấp cứu.

    Hai người vẫn đang nói chuyện, thỉnh thoảng hắn sẽ kể vài chuyện lặt vặt, sau đó lại hỏi đến những vấn đề trọng yếu, vừa nói vừa ghi nhanh vào cuốn sổ tay. Tôi như thấy được một mặt khác của hắn: Rất lễ phép và lịch sự.

    Khi chúng tôi bước ra khỏi phòng bệnh, bầu không khí hối hả trong viện cũng vơi bớt đi phần nào. Hắn vừa đưa tôi cuốn sổ vừa nói:

    – Lát nữa cùng đọc bệnh án của những người đó đi, xem triệu chứng trên lâm sàng khác với lí thuyết như thế nào?

    Tôi cười gật đầu, thực ra về khoản học hành hắn rất tốt bụng, hắn giỏi và luôn giúp đỡ, chia sẻ với người khác.

    – Này, tại sao cậu lại học muộn mất ba năm? – Tôi vốn thắc mắc điều này từ rất lâu rồi.

    Hắn chưa bắt kịp sóng của tôi nên sửng sốt một lúc rồi cười:

    – Tò mò chuyện của tôi à? Tôi giống Hoàng Minh ấy, chỉ là chọn lại đúng con đường cho mình thôi.

    – Vậy ra trước đây cậu cũng từng học một trường đại học khác à?

    Hắn nhìn xa xăm bầu trời đêm.

    – Năm đó tôi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của trường Bách khoa, tôi học ở đó hai năm, sự hào hứng của những ngày đầu càng phai nhạt khi ập vào tôi là những buổi học nhàm chán, những ngày phải ngồi trước màn hình máy tính hàng giờ gõ gõ những chuỗi kí tự khô khan. Tôi rất mê game, cũng thích tìm tòi về mấy hãng công nghệ lớn trên thế giới, nhưng tôi không thực sự thích chúng, cái tôi thích chỉ là sự hay ho và giải trí. Cảm giác lúc đó thật sự rất chơi vơi, không còn chỗ để bám víu. Cuối năm thứ hai, kết quả học tập xuống dốc vì thường xuyên bỏ tiết, rồi tôi lao vào đi làm, làm tất cả các nghề mà một thằng sinh viên có thể làm: Phát tờ rơi, shipper, chạy grab, bồi bàn cho một quán ăn hay thu ngân cho một quán cafe. Tôi cũng không biết đâu là điểm tựa của mình, nhưng chắc chắn không phải cái ngành kia nên hết năm hai tôi rút hồ sơ.


    – Mùa hè năm đó tôi nhận gia sư cho một cậu bé lớp 12, thằng bé học lực trung bình nhưng rất thích ngành y. Ngày đầu tiên gặp, thằng bé cho tôi xem tất cả những tạp chí y khoa mà nó sưu tầm được, tôi đã choáng ngợp và sau đó lại mê đắm. Tôi quyết định bỏ ra một năm nữa để ôn thi đại học cùng nó, sau đó hai anh em cùng đỗ vào ngôi trường này. Nó vừa đủ điểm đỗ vào đây cả gia đình đã mừng rớt nước mắt, còn tôi thừa điểm vào; nhưng tôi chỉ thiếu 0, 05 điểm nữa là đỗ vào Y Hà Nội, nguyên một tháng sau đó tôi không gặp mặt bất cứ người thân, bạn bè nào. Tôi dằn vặt bản thân mình rằng tại sao không thể cố gắng thêm một chút nữa. Nhưng khi bước chân vào ngôi trường này, tôi thực sự đã không còn bất cứ tiếc nuối nào.

    Hắn nói xong không biết từ lúc nào đã quay sang nhìn tôi, ôi trời, tôi chưa bao giờ bắt gặp ánh mắt nồng nàn đến thế. Tôi máy móc nhích người ra xa hắn một chút, bỗng dưng tôi thông minh đến lạ, tôi chợt hiểu những hành động quan tâm từ trước đến nay của hắn, cũng như ý vị trong câu nói lúc nãy. Còn hắn nhìn hành động kì quặc của tôi rồi bật cười:

    – Ha ha, tôi không còn nuối tiếc vì tôi đã thật sự yêu thành phố này, một nơi đủ giàu có nhưng không quá ồn ào, tấp nập, một nơi đủ phát triển nhưng không khí vẫn trong lành, phố xá vẫn quang đãng. Có lẽ tôi đã sống ở nơi đất chật người đông như Hà Nội quá lâu rồi, nên nơi này đem lại cho tôi cảm giác thật bình yên.

    Tôi chợt thở phào.

    – Đúng vậy! Còn tôi đã sống ở đây hơn hai mươi năm rồi, có những lúc muốn tung cánh bay đi thật xa, nhưng mảnh đất này sẽ mãi là nơi tôi muốn trở về. – Tôi lại hỏi hắn. – Mà còn cậu bạn năm đó cậu dạy kèm thì sao?

    – Tôi phải cảm ơn thằng bé vô cùng vì nó đã cho tôi niềm cảm hứng với ngành y, cũng như an ủi tôi trong giai đoạn khó khăn, lúc biết được kết quả, nó có nói với tôi: "Anh ơi, học trường nào không quan trọng, quan trọng là anh có phải người giỏi nhất ngôi trường đó hay không."

    – Và bây giờ cậu là sinh viên xuất sắc nhất khoa.

    Tôi bổ sung ngay, còn hắn cười gật đầu.

    – Cậu bé ấy đang học cùng khoa, cùng lớp với chúng ta.

    – Ồ, cùng lớp sao, là ai vậy?

    – Là Khải, cùng nhóm với mình hồi còn học tiền lâm sàng đấy.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng một 2021
  2. Zest169

    Bài viết:
    11
    ***

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau buổi tối hôm đó, tôi hiểu hơn về con người hắn, cũng từ đó mà trở nên thân thiết một cách tự nhiên. Tôi thường cùng hắn đi khắp các buồng bệnh trong khoa, đo huyết áp, thăm khám tất cả bệnh nhân. Tầm nửa buổi sẽ theo các anh chị điều dưỡng đi tiêm, truyền cho bệnh nhân. Có những lúc phải chạy đi đưa, lấy xét nghiệm từ các khoa cận lâm sàng như hóa sinh, huyết học, một buổi sáng như vậy cũng lao lực không kém gì một buổi học thể chất. Cũng có khoảng thời gian rảnh rỗi hơn, chúng tôi ngồi trong phòng họp của khoa đọc bệnh án, cũng sẽ phụ giúp bác sĩ chép bệnh án. Chữ bác sĩ rất khó đọc, khổ nhất là phải dịch tên thuốc.

    Sinh viên chính là tầng lớp thấp bé nhất trong bệnh viện, vì bản thân chúng tôi kinh nghiệm không có, kiến thức không đủ, luôn chạy theo bác sĩ thậm chí còn làm vướng chân vướng tay họ. Bác sĩ vốn dĩ không phải là những người khó tính, chính áp lực công việc khiến họ không chấp nhận bất cứ sự thiếu sót nào.

    Có buổi sáng nọ, tôi đi đo huyết áp cho một bệnh nhân nhưng không thể nào nghe được tiếng mạch đập, tôi nghĩ có lẽ do tiếng quạt trần và máy móc ồn ào nên không nghe rõ, tôi qua đo cho người khác, định lát nữa sẽ đo lại cho bệnh nhân đó.

    Lát sau bác sĩ vào phát hiện bệnh nhân tụt huyết áp đến mức sắp ngất, sau đó liền chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Tôi đứng đó mặt cắt không còn giọt máu, bị bác sĩ mắng cho một trận:

    – Sinh viên năm thứ mấy rồi mà không biết đánh giá tình trạng bệnh nhân? Không đo được huyết áp thì em phải báo ngay cho bác sĩ chứ. Em làm thế này là "giết" bệnh nhân rồi!

    Và cả rất nhiều lần khác, cảm xúc trong tôi chai sạn dần, tôi không còn cái sự tự ái và xấu hổ thuở ban đầu mà thay vào đó là hổ thẹn. Bị mắng nhiều mới biết bản thân mình còn sơ suất nhiều thế nào, kiến thức vẫn mỏng ra sao.

    Sự giúp đỡ và chỉ dạy tận tình của các anh chị khóa trên, các bác sĩ trẻ có lẽ là điều an ủi lớn nhất đối với chúng tôi. Thỉnh thoảng có những ca nặng như một bệnh nhân ung thư phổi, các anh sẽ mang cho chúng tôi xem tấm phim X-quang có hai lá phổi đông đặc đến trắng xóa, hay cho chúng tôi đọc phiếu xét nghiệm máu của bệnh nhân đa hồng cầu. Rồi tất cả cùng túm tụm lại thảo luận.

    Quốc Quân nói với tôi rằng hãy cố gắng tạo mối quan hệ với các anh chị khóa trên để học hỏi kinh nghiệm. Rồi hắn rủ tôi tham gia Câu lạc bộ Ngoại khoa, nhưng tôi nói tôi không có ý định theo ngoại vì cường độ công việc quá cao. Hắn giải thích với tôi rằng đó là câu lạc bộ học thuật có thâm niên lâu nhất trong trường, mà đã là học thuật thì chắc chắn có nhiều sinh viên giỏi. Và đúng là như vậy, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn mà chỉ cần tập trung lắng nghe mọi người tranh luận cũng khiến tôi mở mang rất nhiều kiến thức.

    Điều tôi bất ngờ là Quân đã tham gia câu lạc bộ từ năm nhất đại học, tôi tự hỏi hồi đó đã biết gì về cơ chế, triệu chứng và bệnh học đâu, làm sao nghe hiểu những chuyên đề sâu như thế? Vậy mà hắn vẫn tích cực trong suốt ba năm. Hắn nói muốn trở thành một bác sĩ Ngoại chấn thương, còn tôi không thích ngành chuyên khoan, cắt, đục, đẽo trên người bệnh nhân như này lắm. Trong một buổi nọ, có một nhân vật đặc biệt đến tham gia sinh hoạt cùng chúng tôi.

    – Xin giới thiệu với mọi người, đây là anh Nguyễn Anh Tùng là một trong số những người sáng lập kiêm chủ nhiệm đầu tiên của câu lạc bộ chúng ta. Anh ấy hiện đang là một bác sĩ Ngoại Chấn thương của bệnh viện hạng nhất trong thành phố.

    Khi anh ấy đứng lên chào mọi người, tôi ngưng đọng mọi giác quan khác, riêng đôi mắt nhìn không chớp, bởi vì tôi chưa gặp ai đẹp trai như vậy. Không chỉ là ngoại hình, cảm giác anh ấy mang lại cho người khác thật dễ gần, dễ mến. Quốc Quân gọi mấy lần tôi mới nghe thấy mà ngượng ngùng rời mắt khỏi người ta. Ôi trời, tôi lại quá lố rồi.

    Chủ đề của buổi hôm đó là "Chấn thương sọ não", anh Tùng chia sẻ với chúng tôi rất nhiều, từ những bệnh nhân anh gặp, tới những kinh nghiệm anh trải qua. Anh nói vào những ngày lễ hoặc gần Tết là khoảng thời gian khoa cấp cứu và khoa chấn thương phải làm việc hết công suất. Các ca nhập viện đa phần là tai nạn giao thông, và đó cũng là nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương sọ não.

    Tôi chăm chú nhìn anh nhưng chỉ nghe câu được câu chăng, tôi tự nhủ với bản thân: Lần sau gặp lại, tôi sẽ tập trung vào những gì anh nói hơn là khuôn mặt và nụ cười của anh. Còn Quốc Quân ngồi bên cạnh, hắn đã ghi chép được vài trang giấy.

    Cuối giờ Quốc Quân bỏ về trước, tôi phát bực vì tính tình hắn còn khó hiểu hơn con gái. Đuổi kịp theo hắn ra đến cổng trường mà hắn vẫn làm ngơ tôi.

    – Cậu sao thế, tôi lại làm gì khiến cậu giận?

    Hắn dừng lại, quay sang trách móc tôi:

    – Con gái các cậu ai cũng như thế à? Thấy trai đẹp là không biết trời trăng mây đất gì nữa sao?

    – Không đến nỗi đấy đâu.

    Tôi cúi đầu, còn hắn được nước nói tiếp:

    – Lại chối nữa hả? Suốt cả buổi còn không rời đi nửa con mắt khỏi người ta. Sao, thích anh ấy rồi à?

    – Người như anh ấy ai mà chẳng thích cơ chứ?

    Hắn nhìn tôi lắc đầu như thể tôi là trẻ con không hiểu chuyện.

    – Tôi có một tin vui và một tin buồn, cậu muốn nghe tin nào trước. – Rồi hắn lại nói tiếp mà chẳng xem phản ứng của tôi. – Tin vui là cậu sẽ sớm được gặp lại anh Tùng, vì anh ấy là giảng viên bộ môn Ngoại. Còn tin buồn là.. anh ấy có vợ rồi.

    – Hả?

    Hắn cười hả hê rồi bỏ lại tôi vẫn đang sửng sốt phía sau. Trái tim yếu đuối của tôi vẫn chưa thể chấp nhận sự thật này. Chẳng phải người ta vẫn hay nói đàn ông thường kết hôn sau tuổi ba mươi hay sao? Người ta vẫn hay bảo học y không có thời gian yêu đương hay sao? Khi tôi vừa gặp được người trong mộng thì giấc mộng cũng tan biến. Thật quá nghiệt ngã và đau lòng!

    ***

    Tôi gặp lại anh Tùng trong môn Phẫu thuật thực hành. Không ngoài dự liệu, đám con gái trong lớp chết mê chết mệt anh ấy, nhưng tôi đã miễn nhiễm với anh sau khi biết được sự thật. Tôi đoán anh Tùng là một tay mổ chính trong phòng phẫu thuật dù anh ấy còn khá trẻ, vì nhìn từng động tác anh hướng dẫn cho chúng tôi đều toát lên vẻ chuyên nghiệp. Thực tế thì cái mà chúng tôi học lúc đó đều vô cùng cơ bản: Nhận biết tất cả dụng cụ phòng mổ và thực hành vài thủ thuật đơn giản.

    Có lần ở câu lạc bộ Ngoại khoa, tôi từng nghe một đàn anh nói rằng: "Trong phòng mổ, vị trí của các em còn không bằng cái thùng rác. Dưới chân các bác sĩ lúc nào cũng có cái thùng rác, không có nó các bác không mổ được." Sau đó có một chị khác nói thêm vào: "Nhưng không có em, các bác vẫn mổ được." Tôi nghe xong câu đó mà buồn cười nguyên ngày.

    Ít lâu sau, tôi và Quốc Quân theo chân các anh chị vào phòng mổ. Phẫu thuật là phương pháp can thiệp có xâm lấn, nên nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân rất cao, vì vậy bất cứ ai bước vào phòng mổ đều phải tuân thủ các nguyên tắc vô khuẩn. Trước hết là rửa tay thường quy nhiều lần, tôi cảm tưởng như đôi bàn tay mình sắp mòn đi vì chất tẩy rửa. Sau đó đi găng tay và nhờ các chị điều dưỡng giúp mặc áo mổ. Các bác sĩ sẽ luôn phải giơ tay trước mặt kể từ lúc đó cho đến khi vào mổ. Dù rằng rửa tay bao nhiêu lần cũng không thể vô trùng tuyệt đối, nhưng ít nhất sẽ giảm mọi nguy cơ xuống mức tối thiểu.

    Việc kiểm soát vô khuẩn sẽ trở nên khó khăn trong mổ phanh, bệnh nhân có thể sốc nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong, nên một số trường hợp sẽ có chỉ định tiêm kháng sinh. Dù rằng điều này không có lợi cho sức khỏe của bệnh nhân nhưng nó là liệu pháp an toàn. Và việc lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chính tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm.

    Hoặc trong trường hợp ca phẫu thuật khó và tiên lượng xấu, nguy cơ bệnh nhân suy hô hấp, trụy tim mạch cao thì bác sĩ luôn chỉ định đặt nội khí quản trước khi tiến hành mổ để tránh trở tay không kịp khi có diễn biến nặng.

    Còn ca phẫu thuật mà tôi chứng kiến hôm nay là viêm ruột thừa cấp, một bệnh khá điển hình và ít nguy hiểm. Bệnh nhân nằm trên bàn và được trùm một tấm vải chỉ bộc lộ vùng mổ. Khi bác sĩ đưa dao rạch đường đầu tiên trên da thịt, tôi cảm giác như có ai đó cũng đang rạch lên người tôi một nhát như vậy. Rồi từng lớp da, mỡ, cơ được mở và bộc lộ ra toàn bộ vùng hố chậu phải. Tôi ngửi thấy mùi cháy khét của thịt và mỡ người, bởi vì bác sĩ sử dụng máy cắt đốt điện, từng xung điện phóng ra liên tục để cắt bằng cách đốt cháy mô, vùng mô sẽ tạo huyết khối ngay trong lòng mạch để cầm máu tại chỗ nhưng cũng ít gây tổn thương nhiệt ở các vùng lân cận.

    Tôi đứng cách bàn mổ một khoảng nhưng không dám đến gần vì sợ ảnh hưởng đến các bác sĩ, ca phẫu thuật tưởng chừng đơn giản nhưng cũng kéo dài vài tiếng đồng hồ. Mổ mở ổ bụng thường gặp tình trạng dính ruột, thế nhưng tôi vẫn thấy được sự kiên nhẫn đến tỉ mỉ của họ khi gỡ từng đoạn ruột, khi cắt đi khúc ruột viêm, khi khâu đóng lại từng lớp cơ, lớp da. Cuộc phẫu thuật thành công!

    ***

    Tình yêu là một thứ gì đó thật xa lạ với tôi, dù đã từng trải qua cơn cảm nắng đầu tiên, song tôi vẫn cảm thấy mình chưa thật sự yêu một người con trai nào, bởi những mối quan hệ đã qua chỉ đem đến cho tôi cảm giác gần gũi, thân thiết ở mức tình bạn. Tôi chưa từng tìm kiếm tình yêu nhưng nó đã đến gõ cửa vào khoảnh khắc không ngờ nhất.

    Tôi chẳng thể nào quên mùa hè năm đó, Quốc Quân nói:

    – Lâm Như, tôi thích cậu từ lần gặp đầu tiên. Nếu cậu cũng có cảm giác với tôi thì chúng ta hẹn hò được không?

    Tôi giật thót mình và ngỡ ngàng, nhưng từ đầu đến cuối hắn vẫn tỉnh bơ như thể hắn vừa hỏi tôi một câu quá đỗi bình thường như kiểu: "Ê, hôm nay là thứ mấy?"

    Tôi thấy buồn cười, vì có ai lại tỏ tình bằng hai câu như hắn không? Được thôi, nếu hắn thích tôi tận ba năm thật thì tôi sẽ cho hắn chịu khổ một phen. Tôi bỏ lửng bằng câu: "Để tôi suy nghĩ đã." còn hắn thở phào.

    Nhưng suốt hai tuần sau đó tôi vẫn không cho hắn câu trả lời, còn liên tục tránh mặt. Phải đến khi hắn chặn đường và nói trong sự kìm nén:

    – Em quá đáng thật đấy, em cứ im lặng còn tôi vì chờ cái gật đầu đồng ý của em mà thấp thỏm lo âu, ăn không ngon ngủ không yên.


    Tôi ngây người một lúc.

    – Ai là "em" của cậu?

    Hắn đỡ trán bất lực:

    – Ừ, được rồi, là tôi nói nhầm.

    Sau ngày hôm đó, tưởng rằng hắn sẽ từ bỏ nhưng ngược lại, hắn tấn công dồn dập và bền bỉ. Sự kiên trì của hắn khiến tôi thực sự tin rằng hắn coi tôi là lựa chọn duy nhất, không phải tôi thì không là ai cả. Cuối cùng tôi cũng buông vũ khí đầu hàng, hắn nói đó là khoảnh khắc đẹp nhất trong tuổi trẻ của hắn.

    Mà cũng từ đó hai đứa sửa cách xưng hô, tôi miễn cưỡng chịu gọi hắn là "anh".

    Khi bước vào mối quan hệ, tôi mới thực sự hiểu về Quốc Quân. Hắn sống tình cảm nhưng không yếu đuối, hắn quan tâm hết lòng đến người quan trọng nhưng không dư thừa lòng tốt với những người khác. Thái độ của hắn luôn rõ ràng và kiên định như vậy, nên dù có nhiều cô gái thích hắn nhưng chẳng ai dũng cảm tỏ tình. Lúc bên nhau, hắn luôn nói rất nhiều điều với tôi, về cuộc sống, về lí tưởng nhưng tuyệt nhiên không nói những lời ngọt ngào. Hắn không khô khan, vì hắn luôn thể hiện bằng hành động.

    Có một lần hắn nhắc lại vụ tỏ tình, hắn chỉ nói đúng hai câu trọng tâm nhất mà không dài dòng vì lo tôi hoảng sợ mà chạy mất.

    – Anh vốn muốn kéo gần mối quan hệ giữa hai chúng ta, tình cảm lớn dần và hai đứa sẽ tự hiểu với nhau, nhưng em quá ngốc, nếu anh không nói thì em sẽ không bao giờ biết.

    Tôi cười, nói hắn rằng vấn đề quan trọng như vậy thì làm sao tự hiểu được?

    ***

    Cuộc sống của chúng tôi không có quá nhiều thay đổi, vẫn quay cuồng trong vòng lặp: Sáng bệnh viện, chiều giảng đường, tối đi trực. Có thêm là quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Năm thứ tư là khoảng thời gian vất vả nhất đối với sinh viên, vì phải học ở cả bốn khoa chính của ngành y: Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Cộng thêm việc phải vượt qua áp lực tâm lí khi bạn bè đồng trang lứa đã chuẩn bị cho tốt nghiệp, cho công việc sau này thì chúng tôi mới đi được một nửa chặng đường.

    Quốc Quân xác định theo Ngoại Chấn thương, nên những khoảng thời gian trống hắn đều chạy đến phòng mổ. Hắn gầy đi trông thấy nhưng tôi biết đó là ước mơ, là cuộc sống mà hắn mong muốn. Quân tâm sự với tôi, hắn mất đúng một tháng chỉ để quan sát và hiểu những thao tác của các bác sĩ. Trong một ekip mổ, có bác sĩ gây mê, bác sĩ ngoại mổ chính và phụ mổ, họ phối hợp với nhau vô cùng ăn ý. Lúc này tôi chợt nhớ đến anh Tùng mà tôi quen ở câu lạc bộ vì nghe nói vợ anh ấy là bác sĩ gây mê. Vậy có phải hai anh chị cũng là một cặp đôi hoàn hảo trên bàn mổ không?

    Một buổi sớm nọ, khi tôi và Quốc Quân vừa kết thúc tua trực hai mươi tư giờ thì hắn nhận điện thoại từ một anh bác sĩ nội trú, anh ấy nói vừa có một bệnh nhân được đưa tới cấp cứu, tình trạng vô cùng nghiêm trọng, nếu hắn có thời gian thì tới phòng mổ ngay. Hắn cúp máy xong rồi chẳng nói chẳng rằng kéo tôi đi hướng khoa Ngoại, tôi biết ý định của hắn nhưng cơ thể tôi đã mệt nhoài sau nguyên một ngày dài.

    – Em không đi đâu! Em muốn về nhà ngủ.

    – Đừng bướng bỉnh, đây là một ca rất đặc biệt, chẳng biết bao giờ mới gặp được ca tương tự.

    Quả thực, đó là ca bệnh đặc biệt nhất trong cuộc đời sinh viên của tôi. Và tôi thực sự tin trên thế giới này có phép màu, mà những thiên thần áo trắng là người tạo ra chúng.

    Bệnh nhân là nam thanh niên, nạn nhân của một vụ ẩu đả giang hồ. Trên cơ thể có nhiều vết chém và một vết thương đâm theo hướng từ cổ xuống vùng ngực trái. Qua khám và siêu âm tại giường, bác sĩ nhận định bệnh nhân gãy một xương sườn, tổn thương một phần thùy phổi và đứt rời một phần buồng tâm nhĩ làm máu chảy ồ ạt ra khoang màng tim khiến bệnh nhân sốc mất máu đồng thời bị dịch và máu cục tụ ở bên ngoài gây chèn ép tim cấp.

    Trước tiên bác sĩ chọc hút dịch ra ngoài để giải phóng áp lực cho tim và ổn định huyết động. Sau đó bệnh nhân được chỉ định mổ mở lồng ngực, mở màng tim tối thiểu để khâu vết thương. Việc kiểm soát chảy máu là quá khó khăn vì lưu lượng máu qua tim rất lớn, nhưng các bác sĩ vẫn có thể xử trí kịp thời và chính xác. Có lúc căng thẳng đến nghẹt thở khi bệnh nhân ngừng tim, bác sĩ phải thắt một số động mạch để ưu tiên máu vào động mạch phổi, động mạch cảnh nuôi não và động mạch vành nuôi tim. Cuối cùng sau hơn ba tiếng phẫu thuật, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và chỉ cần xử lí tổn thương phối hợp ở ngực và cổ.

    Ngay lúc đó tôi thật sự muốn hét lên: "Họ quá tuyệt vời!" Những vị bác sĩ tài hoa, họ vừa mới giành lấy sinh mạng của một người từ tay tử thần. Tôi bỗng xúc động đến muốn khóc khi tôi quá đỗi tự hào về nghề nghiệp mà mình đã chọn.

    ***

    Đầu kì hai, nhóm tôi học tại khoa Sản, tôi có một sự xúc động mạnh mẽ khi lần đầu tiên đặt chân đến đây, nơi những sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời. Bởi vì cách đây đúng hai mươi hai năm, mẹ tôi là một trong những sản phụ trong phòng phẫu thuật, và tôi cũng là một trong những đứa trẻ sơ sinh trong lồng kính kia. Mẹ kể lần ấy sinh tôi mẹ tưởng mình sẽ chết vì cơn đau đớn vượt quá sức chịu đựng của một người phụ nữ. Nhưng khi nhìn thấy tôi nằm gọn trên tay bác sĩ thì mọi đau đớn của mẹ như tan biến. Thế nên tất cả người mẹ trên thế gian này đều vĩ đại như vậy!

    Đến khi tận mắt chứng kiến một cuộc đẻ thường, tôi mới hiểu rằng mẹ tôi đã từng mạnh mẽ và kiên cường như thế nào.

    Sản phụ ba mươi tuổi, mang thai con thứ hai, cô ấy nhập viện đã hơn một tháng và hôm nay là ngày lên bàn sinh. Giai đoạn đầu chuyển dạ diễn ra thuận lợi. Khi thai nhi lọt xuống xương chậu của mẹ thì tử cung cũng bắt đầu mở, sau đó nước ối ồ ạt trào ra. Bác sĩ dạy sản phụ cách rặn đẻ, cô ấy kiên nhẫn làm theo và cắn răng chịu đau, vì cô ấy biết la hét chỉ thêm mất sức.

    Cửa tử cung đã mở tối đa, nhưng đầu em bé vẫn chưa trôi ra nên buộc bác sĩ phải rạch tầng sinh môn của sản phụ. Thủ thuật này là can thiệp không gây tê, bởi vì cơn đau đẻ của người phụ nữ được ví như gãy hai mươi xương sườn cùng một lúc nên khi bị rạch thêm một đường trên cơ thể cũng chẳng khiến họ có cảm giác thêm nữa.

    Mọi chuyện sau đó diễn ra không mấy thuận lợi vì đây là một trường hợp bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con rất hiếm gặp, thai nhi nhóm máu Rh dương còn sản phụ là Rh âm, nhóm máu chỉ chiếm 0, 08 phần trăm dân số Việt Nam. Trong quá trình sinh, khi hàng rào rau thai bị phá hủy sẽ có sự trộn lẫn giữa máu của mẹ và con gây ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người mẹ và thiếu máu tán huyết ở trẻ sơ sinh. Nhưng thật may mắn vì điều này đã được lường trước từ thời kì tiền sản nên sản phụ đã được điều trị bằng kháng thể từ trước đó và đứa trẻ cũng sẽ được thay máu sớm sau sinh.

    Khi sản phụ được đưa ra ngoài thì chồng cô ấy vội vàng đến bên giường bệnh, anh ta nắm tay rồi hôn lên mặt cô và nói trong xúc động: "Cảm ơn em!" Thì ra muốn biết một người đàn ông yêu thương vợ mình bao nhiêu, hãy xem phản ứng của anh ta trong phòng sinh, xem anh ta có quan tâm và lo lắng, có trân trọng sự hy sinh của vợ hay không?

    ***

    Nhóm tôi tiếp tục luân khoa, và Nhi là môn lâm sàng cuối cùng trong năm học này. Tôi vốn rất yêu trẻ con vì sự ngây thơ và đáng yêu của chúng nhưng những đứa trẻ ở đây lại chẳng còn mang dáng vẻ ấy nữa.

    Khoa Nhi luôn ồn ào bởi tiếng khóc quấy của trẻ con, vì chúng phải chịu đựng sự giày vò của bệnh tật, nhưng khóc đến mệt lả thì lại thiết ngủ trong vòng tay của bố mẹ. Có đứa mãi đến ngày ra viện tôi mới thấy rõ được khuôn mặt của chúng khi không còn đầm đìa nước mắt. Nhưng chúng may mắn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ từ khi lọt lòng đã phải sống cùng thuốc, thời gian bên cạnh bố mẹ còn không nhiều bằng tiếp xúc với bác sĩ. Những đứa bé này thường trầm tĩnh và rất ngoan, nhưng ánh mắt của chúng luôn hiện hữu lên khao khát về một cuộc sống bình thường khỏe mạnh giống như các bạn đồng trang lứa.

    Rảnh rỗi lúc nào, tôi đều đến phòng bệnh của chúng, kể cho chúng nghe những mẩu chuyện vụn vặt, còn chúng sẽ kể cho tôi nghe về ước mơ và dự định trong một tương lai không xa khi được xuất viện của chúng.

    Dù yêu thương trẻ con bao nhiêu thì tôi cũng chẳng thể thích nổi môn học này. Bởi vì Nhi khoa là cả một bầu trời khác, về mặt giải phẫu hay sinh lý, cơ chế bệnh sinh hay mô hình bệnh tật đều khác xa so với người trưởng thành, chưa kể còn thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Thăm khám và hỏi bệnh thì càng là thử thách lớn vì đa phần ngôn ngữ và sự nhận biết của trẻ con có hạn. Khách quan là vậy nhưng vấn đề vẫn nằm ở bản thân tôi đã không cố gắng hết mình, kết quả: Lâm sàng Nhi là môn tệ hại nhất trong những năm đại học của tôi.

    Ngày có điểm thi, Quốc Quân đến tìm tôi:

    – Điểm số Nội, Ngoại, Sản của em rất khá, tại sao Nhi chỉ được 5?

    – Nhưng em không trượt môn.

    Tôi kìm nén sự khó chịu vì hắn đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của một đứa vốn ưa tự do như tôi.

    – Em chỉ định học để qua môn à? Dù sau này em không theo Nhi, nhưng mọi chuyên ngành đều liên quan chặt chẽ đến nhau. Em muốn trở thành bác sĩ giỏi thì trước hết em phải là một sinh viên giỏi ở trường y. Trong sáu năm này, tất cả những gì chúng ta học đều áp dụng trực tiếp vào hành nghề, nếu bây giờ em không thể học hành nghiêm túc thì sau này khi bệnh nhân họ tin tưởng và giao mạng sống cho em, nhưng em chỉ có thể nắm trong tay năm mươi phần trăm xác suất thành công thôi sao?

    Giọng điệu không nóng cũng chẳng lạnh của hắn khiến tôi lặng người.

    Khi bước chân vào ngành y, tôi nghĩ rằng khó khăn lớn nhất chính là áp lực học hành, thi cử. Nhưng không! Đã biết bao nhiêu lần tôi đứng bối rối trước bệnh nhân, lưỡng lự trước những câu hỏi của họ? Hay đã bao lần các bác sĩ yêu cầu làm việc này việc kia mà tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu, quy trình ra sao? Áp lực luôn phải chạy đuổi theo kiến thức khi mỗi ngày gặp hàng chục bệnh cảnh khác nhau. Và nỗi sợ lớn nhất chính là sợ bản thân mình ngu dốt, bằng cách này hay cách khác sẽ làm hại đến bệnh nhân.

    Từ hôm đó trở đi, tôi lao vào học ngày học đêm. Ôn lại những kiến thức cơ sở lẫn lâm sàng thì tôi mới biết những gì mình đã học trong suốt mấy năm qua đều trôi tuột đi phân nửa, Quốc Quân nói do tôi học nông mà không chịu đào sâu vào bản chất nên học xong là quên phéng đi luôn. Và hắn kèm cặp tôi từ những vấn đề đơn giản nhất.

    Buổi chiều Chủ nhật, chúng tôi hẹn nhau ở một quán cafe sách gần trường. Hắn đến sớm hơn và ngồi ở một góc yên tĩnh trên tầng hai, tôi tới kéo chiếc ghế bên cạnh thì hắn ngăn lại:

    – Em ngồi sang bàn bên kia đi, chúng ta đến đây để học bài chứ không phải để hẹn hò.

    Tôi lườm hắn nhưng vẫn thuận theo, đúng là làm việc độc lập sẽ hiệu quả hơn vì độ tập trung cao. Tôi đang chuẩn bị một chuyên đề trong câu lạc bộ ngoại, dù được phân công làm một phần nội dung nhưng số lượng tài liệu phải nghiên cứu rất nhiều. Cứ theo thói quen, hễ có chỗ nào vướng mắc tôi sẽ hướng về phía bàn hắn và hỏi ngay:

    – Cơ nào dài nhất trong cơ thể?

    – Cơ may.

    ..

    – Kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng nhất hiện nay là..

    – Tetracyclin.

    ..

    – Khi nào thì em có thể kết luận bệnh nhân bị gãy xương?

    – Khám thấy dấu hiệu "lạo xạo" của xương.

    ..

    – Bệnh nhân sau phẫu thuật phải nằm bất động lâu ngày hay mắc phải biến chứng gì?

    – Thuyên tắc phổi.

    – Tại sao, cơ chế là gì?

    – Người nằm bất động trong thời gian dài sẽ xuất hiện các huyết khối trong lòng mạch, chúng vỡ ra và trôi nổi tự do rồi đi vào động mạch phổi gây thuyên tắc phổi cấp. Vì diễn biến nhanh nên biến chứng này rất nguy hiểm.

    ..

    – Hỏi một câu nữa thôi, đúng chuyên ngành của anh luôn. Tại sao đóng đinh nội tủy trong phẫu thuật kết hợp xương lại là phương pháp bảo tồn mô mềm và mạch máu trong khi nó làm phá hủy một phần tủy xương?

    – Vì mạch máu của phần tủy còn lại sẽ tái sinh rất nhanh, đủ để nuôi toàn bộ xương.

    Sau màn đối đáp qua lại, cuối cùng hắn cũng ngẩng đầu lên nhìn. Tôi cười trừ, hắn vẫn luôn vô cùng kiên nhẫn với tôi trong bất kể chuyện gì, chuyện học hành thì càng là vậy. Hắn bước nhanh đến bàn chỗ tôi, lật dở vài trang tài liệu mà tôi đang xem rồi hắn không thương tiếc mà cốc vào trán tôi một cái:

    – Em đấy, đến khi nào em mới có thể tự lập? Anh không thể là từ điển bách khoa cho em tra cứu bất cứ lúc nào em muốn được. Em phải chịu đọc nhiều sách, đọc rộng và đọc sâu hơn. Dù đọc rồi cũng sẽ quên nhưng còn hơn là lười đọc.

    Tôi vẫn cười, vì hắn không biết rằng lúc này trông hắn dịu dàng như thế nào. Và tôi chợt nhận ra hắn vẫn luôn bao dung và nâng niu tôi như một nàng công chúa.

    – Em vẫn chăm chỉ mà!

    Tôi nói bâng quơ, nhưng trong lòng hiểu rõ mình đã nỗ lực và miệt mài biết bao nhiêu, vì bản thân và cũng là vì tôi muốn mình xứng đáng đứng bên cạnh một người ưu tú như hắn.

    – Ừ, được rồi! Có muốn hỏi gì nữa không?

    – Không đâu! Nhưng anh có thể dịch tài liệu này giúp em được chứ?

    Tôi đưa hắn tập tài liệu ngoại văn, nhưng chợt nhớ đến câu nói trước đó: "Đến khi nào em mới có thể tự lập?" Tôi đành cười trừ, còn hắn thở dài nhưng vẫn chấp nhận giúp tôi.

    ***

    Kết thúc năm học, các bạn trong khu trọ đều lên đường về nhà. Cũng như mùa hè trước, tôi quyết định ở lại trường và tham gia kì thực tập tại bệnh viện. Quốc Quân cũng vậy, không cần hỏi tôi cũng biết hắn đăng kí Ngoại Chấn thương, còn tôi chọn Hồi sức cấp cứu.

    Hồi sức cấp cứu và Khám bệnh có lẽ là hai khoa nhộn nhịp nhất trong bệnh viện, vì lưu lượng người ra vào luôn đông đúc. Căng thẳng nhất vẫn là bên cấp cứu, phải khi tận mắt chứng kiến thì tôi thật sự sốc trước cường độ làm việc của họ. Không phân biệt ngày hay đêm, các bác sĩ luôn phải túc trực theo dõi sát sao các bệnh nhân nằm lưu tại khoa, đưa ra y lệnh bổ sung trong trường hợp có tiến triển mới. Chưa kể nơi đây là bệnh viện tuyến đầu, từng phút từng giờ tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu cũng như bệnh nhân nặng được chuyển về từ các tuyến y tế cơ sở, nhưng các bác sĩ vẫn phải quyết đoán mà giành giật từng cơ hội sống sót dù trong giai đoạn thập tử nhất sinh của bệnh nhân. Tôi gọi họ là những siêu anh hùng.

    Tôi vẫn nhớ từng có một thầy giáo hỏi sinh viên bọn tôi:

    – Giả sử có một dịch bệnh bùng phát hoặc thảm họa xảy ra, số lượng bệnh nhân đông quá mức mà bác sĩ thì ít. Là bác sĩ thì các bạn sẽ chọn cứu bệnh nhân nặng hay bệnh nhân nhẹ trước?

    Lúc đó thầy giáo không trả lời, nhưng cho đến bây giờ khi đi ở khoa cấp cứu tôi mới hiểu rằng sẽ có lúc người bác sĩ buộc phải lựa chọn cứu bệnh nhân này mà không phải bệnh nhân kia. Và trong trường hợp này thì họ sẽ cứu chữa cho bệnh nhân nhẹ trước, vì có như vậy mới cứu được nhiều người nhất có thể.

    Buổi trực đầu tiên, tôi đến khoa lúc trời vừa tối, vẫn là tiếng bước chân vội vã của các nhân viên y tế và tiếng "tít tít" của máy móc cho những bệnh nhân phải thở máy, lọc máu hay chạy tim phổi nhân tạo. Tôi theo chị điều dưỡng dọn dẹp lại phòng bệnh, có một chiếc giường loang lổ rất nhiều máu khiến tôi đặc biệt chú ý, chị nói vừa có một bệnh nhân bị tai nạn lao động, tử vong do sốc mất máu. Chị còn nói một câu khiến tôi thoáng rùng mình:

    – Chẳng chiếc giường nào trong khoa cấp cứu mà chưa từng có người chết nằm qua.

    Hơn chín giờ tối, liên tiếp có hai ca cấp cứu. Người thứ nhất là nam thanh niên ngoài hai mươi tuổi, vào viện do tai nạn giao thông, ngay lúc này vài bác sĩ chấn thương và bác sĩ huyết học vội đến khoa cấp cứu để hội chẩn liên khoa. Bệnh nhân được chuẩn đoán đa chấn thương nặng, mất máu nhiều, gãy xương và có đụng dập nội tạng. Nguyên tắc khi cấp cứu chấn thương là phải cố định tốt cột sống cổ, vì chỉ sơ sẩy một chút thôi thì bệnh nhân có thể đứt tủy cổ hoặc liệt cơ hô hấp và tử vong ngay. Qua khám toàn trạng, bác sĩ cho đặt nội khí quản để khai thông đường thở và luồn vài dây truyền vào tĩnh mạch để bù lại khối lượng tuần hoàn đã mất.

    Sau một hồi vật lộn, bác sĩ liên tục đưa ra các chỉ định nhưng bệnh nhân không có chuyển biến tích cực, nhịp thở và mạch đập vẫn rất yếu, máu chảy vào ổ bụng vẫn không cầm được còn các vết thương hở có nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân lên cơn kịch phát cuối cùng, sau đó anh ta mất dần ý thức cho đến khi sóng biểu thị điện tâm đồ chỉ còn là một đường thẳng. Bác sĩ lập tức ép tim ngoài lồng ngực và cho sốc điện, vài chục phút trôi qua, rồi họ không làm gì nữa.

    – Bệnh nhân tử vong lúc 21 giờ 39 phút!

    "Bịch" ngã ngồi trên mặt đất với gương mặt trắng bệch, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cái chết chóng vánh của người thanh niên này, anh ta nhập viện còn chưa đến một giờ đồng hồ cơ mà. Mọi người bắt đầu thu dọn tàn cuộc, chẳng mấy ai để ý đến tôi, duy chỉ có một anh bác sĩ trẻ đến đỡ và dìu tôi ra dãy ghế ngoài hành lang, anh chẳng nói gì nhưng trong mắt anh là sự đồng cảm với tôi, một đứa sinh viên lần đầu trực cấp cứu.

    Tôi ngồi thẫn thờ ở đó thì bỗng đâu có một người phụ nữ trung niên hớt hải chạy vào, tìm hết các phòng trong khoa cấp cứu. Từ trong vọng ra là tiếng gào khóc thê lương của bác ấy khi ôm lấy thi thể của nam thanh niên kia. Đúng vậy, bác ấy là mẹ anh ta. Thử hỏi, có nỗi đau nào của một người mẹ lớn hơn việc mất đi đứa con dứt ruột đẻ ra? Đó là nỗi đau không thể nào nguôi ngoai trong suốt phần đời còn lại.

    Tôi đứng bật dậy và lao đi vì chợt nhớ ra còn một bệnh nhân nữa được đưa vào cùng thời điểm đó. Nghe nói là một người đàn ông ngoài ba mươi, được chuẩn đoán viêm tụy cấp và có tiền sử nghiện rượu bia. Nhưng khi đến trước cửa phòng bệnh, tôi lại nghe thấy tiếng khóc giằng xé khác từ một người phụ nữ trẻ. Vậy nghĩa là.. người đàn ông kia cũng không qua khỏi. Tôi còn thấy trên tay cô ấy đang ôm đứa con thơ. Bé vẫn ngơ ngác nhìn xung quanh mà không hề biết rằng kể từ đây, bé mồ côi cha.

    Đến giây phút này tôi chẳng thể kìm nén được nữa mà rơi xuống giọt nước mắt. Ngày hôm nay tôi chứng kiến một người mẹ mất con, một phụ nữ mất chồng, một đứa con mất cha. Tôi chợt hiểu ra nỗi đau lớn nhất cuộc đời chính là mất đi những người mà ta thân yêu và trân trọng.

    ***

    – Alo, con gái đấy à?

    – Vâng, là con đây!

    Nghe giọng nói ấm áp của mẹ qua điện thoại mà tôi như muốn bật khóc lần nữa. Ngay tại khoảnh khắc này, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà.

    Tôi hỏi mẹ còn mất ngủ hay không, hỏi bố còn hay bị đau lưng nữa không và hỏi thằng em trai tôi còn trốn học đi chơi điện tử nữa không? Mẹ cười rồi trả lời từng chuyện. Tôi nói: "Con nhớ mọi người lắm!" thì mẹ lại trách: "Nhớ mà có chịu về thăm nhà đâu." Tôi chỉ biết cười trừ, phải rồi, đã bao lâu tôi chưa về nhà? Hình như cũng vài tháng rồi. Tôi thấy mình thật may mắn khi được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, lớn lên trong sự yêu thương bao bọc của cha mẹ. Và họ luôn ở đó, luôn dang rộng vòng tay đón tôi trở về.

    Cúp máy điện thoại, tôi đi lang thang trong viện rồi chẳng biết từ khi nào đã đứng trước cửa phòng phẫu thuật. Một lúc sau cửa phòng mở, một vài người bước ra trong đó có Quốc Quân. Hắn ngạc nhiên còn tôi không nói không rằng lao đến ôm trầm lấy hắn mặc ánh nhìn của những người khác.

    – Em sao vậy?

    Nhận ra sự kì lạ nên hắn định kéo tôi ra nhưng tôi vẫn cố chấp ôm ghì lấy, nước mắt bắt đầu tuôn thấm ướt vai áo hắn. Mất một lúc tôi mới bình tĩnh và kể lại những chuyện xảy ra ở khoa cấp cứu, hắn vừa lau nước mắt cho tôi vừa chăm chú nghe.

    – Đừng khóc, vì em không có đủ nước mắt để tiếc thương cho tất cả số phận trên thế gian này đâu. Đó là cuộc đời của họ, đến lúc phải ra đi thì họ sẽ ra đi.

    – Nhưng họ đều là những người còn rất trẻ.

    – Có ai cắt nghĩa một đời người thế nào là ngắn, dài sao? Chẳng ai biết rồi ngày mai sẽ có chuyện gì, vì đôi khi sự hiểm nguy chỉ xảy ra trong tích tắc. Em có nhớ hồi năm nhất học mấy môn cơ sở không? Cô giáo có nói: "Chết là phản ứng miễn dịch cao nhất của cơ thể." Ít nhất thì bản thân họ cũng đã chiến đấu cho sự sống đến hơi thở cuối cùng.

    – Em biết! Vậy còn những người ở lại phải làm sao?

    – Họ sẽ ổn thôi, vì cuộc sống chẳng dừng lại vì nỗi đau của bất cứ ai.

    Tôi trầm ngâm. Bệnh viện và trường y đã dạy tôi bài học đắt giá nhất là trưởng thành, là chấp nhận cái gọi là thực tế.

    ***

    Năm thứ năm sẽ học về các chuyên ngành lẻ trong y khoa như: Truyền nhiễm, tâm thần, da liễu, ung bướu, phục hồi chức năng, y học cổ truyền hay là mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng.. nhiều lắm, nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi thì chỉ có hai ngành: Pháp y và Gây mê.

    Giám định pháp y là một ngành chưa được nhìn nhận và coi trọng đúng mực, nhưng không ai có thể phủ định ý nghĩa của nó đối với mội xã hội mà con người sống, làm việc và được bảo vệ dưới Hiến pháp và Pháp luật. Đây là một chuyên ngành có tính chất phức tạp nhưng cực kì logic. Từng dấu vết ở hiện trường hay các thương tích, mẫu bệnh phẩm trên cơ thể nạn nhân đều là mảnh ghép giải mã cho câu hỏi về thời gian, nguyên nhân và quá trình tử vong.

    Tôi vẫn nhớ hôm đó học bài "Độc chất học", cô giáo có hỏi cả lớp:

    – Các bạn đã nghe đến chất độc xyanua bao giờ chưa?

    – Rồi ạ!

    Cô ngạc nhiên khi cả lớp đồng thanh, bèn hỏi tiếp:

    – Từng nghe ở đâu?

    – Trong truyện Conan.

    Tôi không thể ngừng cười lũ bạn, và không khí buổi học càng thêm sôi nổi.

    Cuối buổi là phần thực hành thí nghiệm đầu độc trên động vật. Chẳng riêng gì việc tiêm thuốc độc, mà cả treo cổ, dìm xuống nước, đâm thấu tim, đóng đinh vào đầu hay bất cứ phương thức dã man nào mà kẻ sát nhân biến thái có thể nghĩ ra thì chúng tôi đều phải thực hiện lại trên những con thỏ, con chó rồi chờ chúng hấp hối, sau đó mổ xác và quan sát.

    Dù đã trui rèn được một bản lĩnh tương đối vững vàng sau bao năm ở trường y, nhưng những buổi thực tập đều khiến tôi hãi hùng. Tôi ám ảnh với những lần bị bắn văng máu của động vật vào người, kết quả là phải vứt bỏ ba chiếc áo blouse vì không thể giặt sạch. Nhưng cũng ám ảnh với tiếng gào thét và ánh mắt đáng thương của chúng khi sắp chết. Đây xác thực là môn học phải hy sinh nhiều nhất và có lẽ vì điều này mà tôi chắc chắn mình sẽ không theo Pháp y.

    Gây mê hồi sức cũng khiến tôi hứng thú vô cùng. Gây mê luôn đi đôi cùng Ngoại khoa như hình với bóng, vì chính sự ra đời của các kĩ thuật gây tê, gây mê mới cho phép bác sĩ thực hiện can thiệp trên bệnh nhân, từ đó ngoại khoa phát triển. Bác sĩ gây mê là người đưa bệnh nhân vào trạng thái ngủ sâu, kiểm soát đau và duy trì chức năng sinh tồn trong suốt quá trình phẫu thuật. Đó không phải là một việc dễ dàng vì chẳng có phác đồ chung nào cho việc khống chế tốt tất cả hóa chất đưa vào cơ thể mà không làm hại người bệnh. Thiếu một chút thuốc, bệnh nhân tỉnh dậy giữa cuộc phẫu thuật và có thể tử vong, thừa một chút thuốc, bệnh nhân sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa.

    Nếu bác sĩ ngoại là người đẩy bệnh nhân vào chỗ nguy hiểm thì bác sĩ gây mê sẽ là người giữ lấy mạng sống của họ, nhất là trong trường hợp xảy ra tai biến thì họ trở thành bác sĩ cấp cứu trong phòng mổ, đứng ở tuyến đầu giành giật sự sống cho bệnh nhân. Chưa kể giai đoạn hậu phẫu cũng là một tay bác sĩ gây mê chăm sóc bệnh nhân. Dẫu đóng vai trò quan trọng không kém so với bác sĩ ngoại trong ekip mổ, nhưng công lao của họ ít khi được nhớ tới. Và họ thật sự là những người hùng thầm lặng.

    Cuối năm thứ năm, tôi và Quốc Quân bắt đầu ôn thi Bác sĩ nội trú. Đó là kì thi khốc liệt nhất cuộc đời người bác sĩ, vì mỗi sinh viên y khoa tốt nghiệp sau sáu năm đều chỉ được phép dự thi duy nhất một lần trong đời. Bác sĩ nội trú thực chất là hình thức đào tạo tập trung trong ba năm để phát triển tay nghề cho các bác sĩ trẻ, người ta gọi tầng lớp này là tinh hoa của ngành y và quả đúng như vậy vì những vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đều trưởng thành từ đây.

    Chẳng mấy chốc đã là năm cuối đại học, năm này chúng tôi vẫn xoay vần giữa bệnh viện và giảng đường, nhưng kiến thức mới thì không có nhiều nữa mà tua lại một vòng: Nội, ngoại, sản, nhi. Tôi chọn thi tốt nghiệp, còn Quốc Quân bảo vệ khóa luận với đề tài "Nhiễm khuẩn Ngoại khoa". Hai đứa đều bận rộn đến tối tăm mặt mũi nên thời gian bên nhau chẳng còn là bao, nhưng chúng tôi vẫn nhớ lời hẹn rằng sẽ cùng đỗ vào bác sĩ nội trú, cùng đồng hành với nhau trên chặng đường kế tiếp. Và cuối cùng chúng tôi đã làm được, tôi vào Gây mê hồi sức, còn hắn đỗ Ngoại tổng hợp.

    ***

    Ba năm sau..

    Từ tờ mờ sáng, tôi và Quốc Quân có một ca phẫu thuật, dù vừa mới kết thúc tua trực mệt mỏi nhưng cả hai cũng kịp lấy lại sự tỉnh táo để tiếp tục công việc. Tôi tìm đến bệnh nhân trước để thăm khám và hỏi bệnh, đặc biệt hỏi rõ tiền sử dị ứng thuốc của người đó để đảm bảo gây tê, gây mê an toàn.

    Đưa bệnh nhân lên bàn phẫu thuật, tôi thực hiện gây tê ngoài màng cứng, phương pháp tiêm thuốc trực tiếp vào các rễ thần kinh đi ra từ tủy sống để ức chế dẫn truyền một vùng nhất định mà nó chi phối. Xong việc, tôi nhường lại vị trí cho bên ngoại khoa là Quân và ba nam bác sĩ khác. Đây là một cuộc phẫu thuật kết hợp xương không mấy phức tạp nhưng cũng đã kéo dài gần ba tiếng đồng hồ, trong suốt khoảng thời gian này tôi vẫn luôn theo dõi tình trạng của bệnh nhân qua monitor cũng như chuẩn bị kịch bản cho mọi tình huống có thể xảy đến.

    Gây tê vốn dĩ an toàn hơn gây mê vì bệnh nhân hoàn toàn tỉnh, nhưng khi gần kết thúc cuộc phẫu thuật, đột nhiên anh ta thở gấp, tụt huyết áp, toàn thân tím tái sau đó càng tệ hơn là vật vã, co giật và rơi vào trạng thái rối loạn ý thức. Quốc Quân gọi to cũng là lúc tôi kịp chạy tới, tôi cho ngừng mọi đường truyền vào cơ thể do nghi ngờ bệnh nhân dị ứng với một loại thuốc trong số đó mà chính anh ta cũng không biết.

    Lúc này cơ thể giải phóng ồ ạt các hóa chất trung gian kích thích làm giãn động mạch lớn gây sốc giảm thể tích tuần hoàn và co thắt phế quản gây hẹp đường hô hấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng. Đây là sốc phản vệ, cơn ác mộng đối với bất cứ người bác sĩ nào vì bệnh nhân có thể tử vong chỉ trong vài giây.

    Không suy nghĩ nhiều, tôi tiêm ngay một liều adrenalin đồng thời giữ thông thoáng đường thở và bù khối lượng tuần hoàn. Bệnh nhân dần ổn định hơn, tôi tiếp tục theo dõi và tiêm thêm corticoid, dopamine. Trong suốt quá trình ấy, tôi vẫn luôn giữ một cái đầu lạnh và thạo việc như một cái máy. Cho tận đến khi ca phẫu thuật kết thúc, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

    Hôm đó, Quốc Quân đến bên tôi và nói:

    – Em làm tốt lắm! Cuối cùng thì cô gái của anh đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình rồi.

    Cảm ơn anh đã luôn là một người thầy của em trong suốt những năm qua.

    Hắn ngồi xuống cạnh rồi xoa đầu tôi:

    – Không, đó là sự nỗ lực của em.

    Phải, tôi của ngày hôm nay chính là kết quả của chín năm học tập và rèn luyện tay nghề. Đặc biệt là trong ba năm nội trú, ba năm qua thật sự có thể ép điên một người bình thường, nhưng nếu không chịu được áp lực thì làm sao than đá có thể trở thành kim cương?

    ***

    Cuối tuần, hai đứa tôi có buổi họp lớp đại học. Hậu tốt nghiệp, mỗi người có một con đường riêng, chúng tôi đã không còn liên lạc với những người bạn cũ kể từ ấy.

    Tôi gặp lại Diệp Anh và Hoàng Minh, không ngoài dự đoán của tôi: Hai cậu ấy đã kết hôn được hơn một năm. Sau khi rời trường đại học, Hoàng Minh chơi bóng ở một câu lạc bộ của thành phố sau đó được gọi vào đội tuyển quốc gia, nhưng chỉ trụ được vài năm thì cậu ấy gặp chấn thương không thể thi đấu.

    Dù không thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cầu thủ nhưng Hoàng Minh vẫn có thể làm một công việc gắn liền với đam mê của mình, đó là huấn luyện viên cho một đội bóng trẻ. Còn Diệp Anh sau khi ra trường không học tiếp lên mà thi chứng chỉ hành nghề và đi làm luôn, cậu ấy đang là bác sĩ tại khoa Phục hồi chức năng của một Bệnh viện Thể thao. Trải qua bao nhiêu khó khăn và cuối cùng họ cũng đã có được cái kết đẹp nhất.

    Tôi quay lại bàn tiệc tìm Quốc Quân thì thấy hắn đang nói chuyện cùng với một chàng trai, đến gần hơn tôi mới nhận ra đó là Khải. Chợt nhớ lại kỉ niệm thời đại học mà lại phì cười, cậu bạn hay ngại ngùng và dễ đỏ mặt trong ấn tượng của tôi ngày nào giờ đã là giảng viên trẻ tài năng của bộ môn Hóa sinh, sắp tới cậu ấy được nhà trường cử sang Pháp học lên nghiên cứu sinh.

    "Học lâu, kiếm tiền chậm" vốn dĩ là đặc trưng của ngành y, tất cả chúng tôi đều đã đánh đổi chục năm thanh xuân để học và hành, nhưng thời điểm này mới thực sự là lúc bước vào nghề.

    ***

    Hơn một tháng sau, tôi và Quốc Quân kết thúc chương trình bác sĩ nội trú. Hôm nay là ngày lễ tốt nghiệp mà từ sáng đến giờ tôi vẫn không thể liên lạc với hắn, thầm nghĩ có khi nào mệt quá hắn lại ngủ luôn trong phòng mổ không nhỉ?

    Lát sau tôi nhận được điện thoại.

    – Anh đang ở đâu đấy, có nhớ hôm nay là lễ tốt nghiệp không?

    – À, xin lỗi, cô có phải người thân của bác sĩ Quân không? Anh ấy làm việc quá sức nên bị ngất, đang nằm ở phòng mổ.

    Tôi cúp máy luôn và lao đi thật nhanh. Đồ ngốc này, tôi đã nhắc nhở hắn không biết bao nhiêu lần rằng đừng cố quá, bản thân không còn sức khỏe thì cứu chữa được cho ai? Khi chạy tới trước cửa phòng mổ thì tôi mới nhớ ra gì đó, nếu bị ngất xỉu thì phải nằm ở phòng hồi sức chứ không phải phòng mổ.

    Đúng lúc ấy cánh cửa mở ra, tôi hơi hoảng khi bên trong có rất nhiều người, bọn họ giống như một đội hình diễn tập văn nghệ, mỗi người đều cầm trên tay một bó hoa và hướng về phía tôi mỉm cười. Đến tận lúc này tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra thì hắn từ giữa đám đông bước ra và đi đến phía tôi. Nhìn từ trên xuống dưới, Lê Quốc Quân hắn không những không bị làm sao mà còn đẹp trai một cách bất thường, vì lần đầu tiên thấy hắn mặc một bộ vest lịch lãm như vậy.

    – Chúng ta đã ở bên nhau rất lâu mà không có bất cứ sự ràng buộc nào cả. Nên anh nghĩ đã đến lúc cần hợp pháp hóa mối quan hệ này.

    Hắn lấy ra từ trong túi áo một chiếc nhẫn rồi quỳ một chân xuống trước mặt tôi.

    – Em có đồng ý lấy anh không?

    Đến lúc này cảm xúc trong tôi mới vỡ òa trong sự ngỡ ngàng. Thì ra hắn chuẩn bị từ lâu để đúng tại nơi đây, đúng ngày hôm nay cầu hôn tôi. Tôi cười nhìn hắn, và gật đầu.

    Xung quanh là tiếng reo hò chúc mừng, nhưng dường như trong căn phòng này chỉ còn lại tôi và hắn. Ngay lúc tôi đồng ý, hắn đã ôm chầm lấy tôi trong sự mãn nguyện.

    Tại đây, phòng mổ, có lẽ đối với người khác cầu hôn ở một nơi như vậy thật kỳ lạ, nhưng riêng chúng tôi thì không có nơi nào ý nghĩa hơn. Phòng mổ là nơi chứng kiến bao giai đoạn hiểm nguy cận kề sinh tử của người bệnh, nhưng cũng là nơi chứng kiến tuổi trẻ và sự trưởng thành của hai đứa tôi trên con đường sự nghiệp đầy gian truân này .

    Năm nay, tôi hai mươi bảy, Quốc Quân ba mươi. Hai đứa về chung một mái nhà, nhìn lại chặng đường chín năm kể từ lúc quen nhau cho đến bây giờ, tôi muốn nói với hắn rằng: "Cảm ơn anh vì đã xuất hiện trong cuộc đời em, cảm ơn anh đã nắm tay em bước qua thanh xuân rực rỡ."

    Hết

    Chú thích: Tác giả tham khảo nội dung từ các nguồn sau:

    1, Giải phẫu người Tập 1 – GS. Trịnh Văn Minh

    2, Gen lịch sử và tương lai của nhân loại – Siddhartha Mukherjee

    3, Sinh lý học – Bộ Y tế

    4, Bài "Xử trí vết thương tim" của BS. Phan Thanh Nam (BV Bạch Mai)

    5, Bài giảng Gây mê Hồi sức Tập 1 – Đại học Y Hà Nội

    Lời tác giả: Vô cùng cảm ơn nếu các bạn đã đọc trọn vẹn truyện ngắn này của mình. Còn nếu các bạn lướt xuống đọc phần này trước thì sau đây mình xin kể cho các bạn nghe câu chuyện mà mình đã lấy làm cảm hứng để viết "Nắm tay nhau bước qua thanh xuân rực rỡ", và mong rằng nó sẽ thuyết phục các bạn đọc tác phẩm này.

    Câu chuyện về một đàn anh khóa trên cùng trường Đại học với mình, anh là một bác sĩ Ngoại Chấn thương tương lai, nhưng ước mơ, tuổi trẻ, tình yêu và cuộc đời của anh ấy đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 24.

    Đây là câu chuyện mình được chứng kiến và nghe kể lại:

    Buổi tối ngày 13/11/2018, tôi lướt Facebook thì thấy anh ấy thay avatar thành màu đen, đọc bình luận mới biết thì ra bố của bạn gái anh đột ngột qua đời. Sáng sớm hôm sau, anh đưa chị ấy về nhà bằng xe máy, quãng đường hơn 100 km. Trước khi chia tay, họ vẫn trao nhau những cái ôm và nụ hôn ấm áp, nhưng trên đường trở về trường, anh đã xảy ra va chạm với một xe tải. Anh được đưa vào bệnh viện với tình trạng đa chấn thương nặng, dù đã được cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi.


    Sự ra đi của anh là tin tức sốc nhất đối với tất cả chúng tôi, những người quen biết anh.

    Anh ấy là một người hòa đồng và thân thiện, cũng là sinh viên xuất sắc nhất tôi từng gặp: Thành tích học tập luôn nổi bật từ những năm đầu cho đến khi đi lâm sàng; anh còn thành thạo cả hai ngoại ngữ Anh, Pháp và anh đã dịch nhiều đầu sách ngoại văn y khoa. Bản thân anh không chỉ được biết đến ở trong trường mà còn cả thầy cô, sinh viên các trường y khác.

    Mọi người nói sự ra đi của anh là một mất mát của ngành, nhưng tôi lại nghĩ nhiều về gia đình và người thân của anh hơn. Còn gì đau lòng hơn khi kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

    Về bạn gái của anh, hai năm qua tôi vẫn để ý đến chị ấy và tôi nhận ra chị ấy không chỉ là một cô gái xinh đẹp, cá tính mà còn vô cùng mạnh mẽ. Một cô gái 23 tuổi cùng lúc chịu nỗi đau mất đi hai người đàn ông quan trọng trong cuộc đời, nhưng chị ấy vẫn vượt qua để mà sống tiếp.

    Tôi từng thấy chị bình luận ở đâu đó: "Bác sĩ ngoại không còn, bác sĩ gây mê làm việc còn có ý nghĩa gì?" nhưng thực ra tôi nghĩ là chị vẫn đang kiên trì hoàn thành ước mơ của hai người. Chị ấy bây giờ đã ra trường và là một bác sĩ Gây mê tại bệnh viện mà gắn liền với thời sinh viên của hai anh chị.

    Đó là câu chuyện có lẽ tôi sẽ khó mà quên trong cuộc đời, dù thời gian tiếp xúc với cả hai anh chị rất ngắn ngủi.

    Khi mới cách ngày xảy ra chuyện vài hôm tôi còn nhắn hỏi: "Anh ơi, cho em đăng kí tham gia vào dự án dịch thuật liên trường?" Anh trả lời lại: "Được em nhé!" Hay cách đấy đúng một tuần, anh còn thuyết trình cho chúng tôi nghe về chuyên đề Chấn thương sọ não. Dự án dịch còn chưa kịp bắt đầu, bài thuyết trình vẫn còn một nửa dang dở thì anh đã không còn. Còn cả ý tưởng về khóa luận Nhiễm khuẩn Ngoại khoa hay ước mơ vào Bác sĩ nội trú anh cũng chưa kịp thực hiện.

    Nhưng con người và cuộc đời của anh sẽ không bị lãng quên.

    Và tôi sẽ nhớ mãi về buổi phỏng vấn tuyển thành viên của CLB hôm ấy. Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh, anh đã dành cho tôi nụ cười trìu mến nhất: "Chào em, tại sao em muốn gia nhập Câu lạc bộ Ngoại khoa?"

    Kết: Cảm ơn các bạn một lần nữa. Thân ái, Zest!
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng năm 2021
  3. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Chào bạn!

    Mình đã xem xong truyện ngắn bạn viết. Cảm nhận ban đầu về truyện là nội dung rất hay. Mình nói sâu hơn chút nha! ^^

    Thứ nhất:

    Cách bạn trình bày truyện rất đẹp mắt, đầy đủ thông tin. Chú thích rõ ràng, đâu ra đó. Phần chuyên môn có tham khảo các nguồn, chú thích cụ thể. Qua đây thấy rõ tác giả rất chỉnh chu, nguyên tắc và tâm huyết với tác phẩm.

    Thứ hai:

    Cách bạn dùng từ rất nhuần nhuyễn, điêu luyện. Kĩ năng tả ngoại cảnh cũng như nội tâm rất thuyết phục. Có thể thấy bạn đã biết trao dồi con chữ hơn so với tác phẩm trước mình đã đọc. Một sự tiến bộ ngoạn mục! ^^

    Thứ ba:

    Thỉnh thoảng mình gặp vài từ bạn diễn tả hơi bị thô, tí tẹo thôi và nó chẳng ảnh hưởng gì đến tác phẩm!

    Thứ tư:

    Cách bạn dùng thoại thì chủ yếu là dấu gạch ngang. Mình thấy khúc nữ chính nói chuyện với mẹ bạn lại dùng dấu ngoặc kép. Dù căn bản là nói trong điện thoại nhưng nó vẫn là câu thoại trực tiếp. Bạn nên chuyển nó về một dạng thôi nhé! Ngoặc kép hoặc gạch ngang, không dùng cả hai nhé!

    Tổng kết:

    Câu chuyện rất hay, giàu tình cảm, thể hiện nhiều khía cạnh cuộc sống cũng như tính nhân văn trong tác phẩm. Giá trị hiện thực mang lại rất cao, thể hiện tầm quan trọng cũng như sự hi sinh mà ngành y đem đến cho nhân loại.

    Mình có đôi dòng cảm nghĩ, chúc bạn viết nên nhiều tác phẩm hay hơn nữa nha! ^^

    Chào bạn nhé! ^^
     
  4. Zest169

    Bài viết:
    11
    @Phan Kim Tiên ôi thật sự cảm ơn bạn rất rất nhiều, truyện của mình tuy là truyện ngắn nhưng độ dài hơi quá khổ: Vv nên có độc giả đọc hết truyện, mình vui lắm lắm. =))

    Cũng cảm ơn những nhận xét thẳng thắn và những lời khen có cánh của bạn, mình sẽ cố gắng cải thiện khuyết điểm trong tương lai cũng như duy trì ưu điểm. Còn đoạn mà bạn bảo dấu ngoặc kép thì bạn để ý đó là khúc mang tính thuật lại ngắn gọn, nếu dùng gạch đầu dòng thì cần mô tả kĩ hành động và tâm trạng nhân vật, mà khúc này mình cảm thấy nếu dông dài sẽ gây nhàm chán. Ây, những truyện sau mình sẽ điều chỉnh cho đồng nhất. ^^

    Một lần nữa cảm ơn Tiên nhé, tối ấm nha! <3
     
    Phan Kim Tiên thích bài này.
  5. Hàn Loan

    Bài viết:
    213
    Chào bạn, mình nhận xét về truyện.

    Ngay từ những đoạn đầu tiên cá nhân mình cảm thấy đọc rất hay. Nhưng đọc đến câu này mình cảm thấy bạn dùng từ này có vẻ không mỹ quan lắm. "Ngáp một hơi ngoác mồm,"

    Còn cả câu này nữa "Tôi dõi theo cậu ấy không rời mắt, quan sát từng cử chỉ và biểu cảm, có lúc cậu ấy ôm chặt đồng đội và cười lớn khi ăn mừng bàn thắng, có lúc sẽ mất bình tĩnh mà quát tháo, chửi rủa vài câu." Đọc đến từ chửi rủa nghe nó thật nặng nề.

    Nhưng sau đó mình tiếp tục đọc thì cảm thấy những đây chỉ là lỗi nhỏ không đáng nhắc đến trong truyện này.

    Mình thấy bạn viết về ngành Y và tham khảo một số cuốn sách. Không biết bạn đã từng học ngành này chưa nhưng thực sự miêu tả rất sát với thực tế.

    Đọc cả bài lại liên tưởng đến phim "Người thầy y đức 2". Thực sự là chỉ có ai đã từng học ngành này mới có thể cảm nhận sâu sắc nhất về y.

    Nếu bạn chỉ dựa vào tư liệu mà viết được như thế này, mình thực sự khâm phục bạn.

    Truyện cũng kết hợp tương đối giữa tuyến tình cảm và công việc, sẽ không gây nhàm chán.

    Cuối cùng mình muốn nhấn mạnh một lần nữa là thực sự truyện này viết về ngành Y rất đúng với thực tế. ^^
     
    VYVYVYVYVY, Mạnh ThăngZest169 thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng năm 2021
  6. Zest169

    Bài viết:
    11
    @Hàn Loan ôi trước hết là mình cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc và gửi cho mình chiếc cmt góp ý này. Cũng xin lỗi đã rep muộn, vì tuần vừa rồi mình thi cử hơi dồn dập, nên chỉ onl diễn đàn một tí rồi off.

    Hai đoạn này mà bạn nói thực ra mình không để ý, vì khi đặt bút viết mình muốn xây dựng nhân vật cá tính và thực tế một chút, nên đoạn "mất bình tĩnh mà quát tháo, chửi rủa vài câu" thực ra khá đúng với bản tính cục súc của con trai. Còn đoạn "ngoác mồm" của nữ chính thì đúng là hơi tụt mood thật. He he, dù sao cũng cảm ơn bạn đã cho mình một góc nhìn khác, rút kinh nghiệm sau này mình sẽ cân nhắc kĩ hơn.

    Đúng vậy hi hi, mình vẫn đang là sinh viên ngành Y, thực ra cái list tham khảo mà mình ghi ở dưới nó chỉ giúp mình viết tốt những mảng về chuyên ngành (vì cái này không tự nghĩ được), còn những khung bậc cảm xúc, những câu chuyện nhỏ trong toàn truyện là những cái mình đã trải qua, hoặc những cái người khác trải qua và mình học hỏi được.

    Có những đoạn truyện, lời thoại mà mình viết ra bằng đúng cảm xúc thật nhất. Đó là đoạn Hoàng Minh quyết định bỏ học. Bản thân mình đã phải rất cố gắng để giữ vững lòng kiên trì với ngành học này, dù rằng nhiều lúc mình cảm thấy rất chán nản và đuối sức.

    Phim "Người thầy y đức 2" có một dạo rất nổi nhỉ, mình chưa xem vì khá lười xem phim: >> với cả thực tế nó khác phim ảnh đấy, và không thể tránh khỏi là đôi khi kiến thức chuyên ngành không chuẩn.

    Cuối cùng là cảm ơn bạn nhiều lắm lắm lắm, mỗi chiếc cmt của mọi người luôn là động lực to lớn cho người viết như mình. À thấy bạn hay đọc và cmt nhận xét của mọi người.. mình chỉ muốn nói là: Thật tuyệt khi có một người nhiệt tình như bạn. <3
     
    Hàn Loan thích bài này.
  7. Hàn Loan

    Bài viết:
    213
    Mình cũng từng học điều dưỡng nên những điều mà khó khăn về ngành Y mình cũng hiểu. Mình cũng đã nghỉ học giữa chừng vì cảm thấy mệt mỏi, nên khi đọc tâm lý của nhân vật mình cảm thấy có sự đồng cảm.
     
    Zest169 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...