Là một người học nhạc cũng khá lâu, nên tôi hiểu rõ cái cảm giác khi mà muốn học một loại nhạc cụ nào đó mà không biết bắt đầu từ đâu cả. Thì tôi mong topic này sẽ giúp được các bạn đang có đam mê theo đuổi nghệ thuật tìm ra được lối đi cho mình. Khi cầm một cây guitar lên, điều quan trọng là phải biết bấm hợp âm và các điệu; khi cầm một cây sáo, tiêu, điều quan trọng là phải có đủ hơi và biết các nốt bấm như nào, ngân ra sao; khi cầm một cây harmonica, bạn phải biết cách thổi và dùng tay linh hoạt;.. Quá khó cho những người bắt đầu, đúng không? Có thể một số bạn sẽ bảo là cái gì mới mẻ bắt đầu cũng khó cả, nhưng với riêng tôi, trong những cái khó, sẽ có cái khó hơn hoặc ít vất vả hơn hoặc có cái là cốt lõi và cơ bản để tạo tiền đề sau này. Thì âm nhạc cũng vậy, khi mới bắt đầu, cái cốt lõi chính là nốt, là nhịp, là khả năng cảm thụ của mỗi người. Để có nền tảng cơ bản, nhạc cụ đầu tiên mà bạn nên học là piano. Tại sao lại là piano? Piano là loại nhạc cụ đơn giản với các thanh âm chuẩn xác, rất giúp ích cho bạn khi học những kiến thức nền tảng như khả năng đọc nhạc và chính xác, khả năng điều tiết nhanh chậm khi chơi nhạc cụ, giúp cảm âm tốt khi chỉ nghe mà không cần nhìn nốt nhạc và giúp các bạn có khả năng đệm nhạc tốt giúp những bạn có đam mê về bên producer có những bước đi đầu vững chắc. Giờ thì tôi sẽ đi phân tích từng lợi ích một: Về khả năng đọc nhạc và chính xác, khi bắt đầu chơi đàn piano, giáo viên (người dạy kèm, hoặc là một mình) sẽ hướng dẫn bạn các phím đàn và các nốt có vị trí ở đâu trong bản nhạc. Thì ban đầu khá khó với những người mù tịt về nhạc, kiểu, bạn bấm nhầm phím và đọc sai nốt, bình thường thôi, tôi ngày xưa khi học nhạc thì dở ngón học vẹt, đếm từ dưới lên rất mất thời gian, còn bấm phím thì loạn xạ mất cả nửa tiếng mới xong một bài mở đầu. Nhưng sau đó, khi luyện tập, tôi nhìn lên bản nhạc thấy cái nốt ở vị trí quen quen, à, đó là nốt mà tôi đã đọc sai đó, và cứ thế là tôi nhớ lần lượt các nốt trên bản nhạc, còn vềchính xác, trong những bản nhạc dài và nhanh một chút, với những người chưa chạm tới cây đàn sẽ bảo, ồ, thật giỏi, não thật nhanh, nhưng không hẳn là như vậy, trong những bản nhạc dài đó, ta phải bắt đầu bấm phím rất chậm và từ tay phải trước, sau đó là tay trái, rồi cả hai, rồi đánh nhanh lên một chút rồi chuyển sang đoạn khác và lặp lại như vậy, vừa giúp bạn tính kiên nhẫn vừa giúp đôi tay linh hoạt. Đánh nhanh thật chất là do các bạn đã quá quen với động tác đó và các bạn rơi vào trạng thái "tay nhanh hơn não" rồi từ đó khả năng chính xác được hình thành. Còn khả năng điều tiết nhanh chậm? Như tôi đã nói ở đoạn trên, chúng ta khi quen với một đoạn nhạc nào đó sẽ rơi vào trạng thái "tay nhanh hơn não", điều này tốt nhưng cái gì cũng có hai mặt, khi các bạn đánh nhanh nhưng không đều hoặc nhanh không đúng chỗ hoặc nhanh hết cả bài thì sẽ nghe rất dở, vậy nên khả năng điều tiết cũng được hình thành qua luyện tập của bản thân. Đó chính là nhịp chân, rất ít ai bắt đầu tự học lại đi dậm chân đúng không? Tôi ngày xưa cũng thế, đầu đoạn chơi chậm, giữa đoạn chơi vừa phải và tự nhiên cuối bài lại nhanh như nhịp tim của bạn khi gặp crush vậy, nên tôi tự hỏi tại sao và hóa ra là tôi thiếu nhịp chân. Nhịp chân giúp ta cảm nhận được sự nhanh lên của đôi tay và từ đó điều chỉnh, giúp ta nhấn phím đàn vào những nốt phải bấm mạnh tùy theo từng nhịp, dậm chân sẽ giúp ích cho các bạn muốn học guitar một cách điêu luyện. Khi đã quen, các bạn sẽ không cần nhịp chân nữa, vì đã luyện được khả năng điều tiết rồi. Tuy nhiên, lỗi thường gặp khi nhịp chân là chân nhịp theo đàn, các bạn nào đang như thế thì hãy sửa lại. Chơi đàn guitar mà quen tai thanh điệu, khi nghe một bài hát nào đó thì sẽ tìm ra được hợp âm của nó; chơi sáo cũng thế, nhẩm nhẩm nốt là thổi được.. Và cách tập kĩ năng đó ít khó khăn nhất vẫn là chơi piano. Đánh solo thì tai của các bạn sẽ nghe rõ từng nốt một và dần già, các bạn sẽ nghe được chúng cách nhau bao nhiêu cung, nghe hoang đường ư? Nếu như là người mới thì có thể nói thế, nhưng nếu các bạn đã chơi được nửa năm tới một năm thì đó là chuyện bình thường, bạn tôi là một ví dụ, nó nghe bài "Umbrella" của Nhật Bản rất nhiều đến nỗi nó thuộc luôn lời và một năm không nghe nó vẫn nhớ, nó vẫn có thể ngồi trước cây đàn và chậm rãi nhớ và đánh lại các nốt của bài đó, dù vụng về khi đánh lại nhưng vẫn hoàn thành, đó là nhờ nó đã tập kĩ năng cảm âm khi học đàn piano, giờ nó đã chuyển sang sáo và có tiến triển tốt. Producer là một nghề thú vị và mới ở nước ta, hãy thử suy nghĩ xem, nơi làm việc thường, sân khấu khi trình diễn hoặc trong bất cứ MV nào có hiện diện của producer sẽ có một cây piano điện hoặc organ, đó là nhạc cụ không thể thiếu của họ. Các hợp âm ở trên đàn rất đa dạng và phong phú và được đánh giá là dễ hơn đệm guitar rất nhiều, khi làm việc với cây đàn, họ có thể nhanh chóng nhận ra được các phím và nhìn ra được ngay các hợp âm mà không tốn quá nhiều thời gian. Đối với organ chuyên dùng cho sản xuất nhạc, các producer sẽ dễ dàng bấm hợp âm theo các âm thanh đặc biệt mà mình đã chuẩn bị, và trên đó, các nốt cũng được thể hiện rất rõ ràng. Mọi producer thành công và nổi tiếng đều sẽ thành thạo piano. Muốn học nhạc, không phải cứ chăm chỉ là thành công, yếu tố quan trọng nhất trong những yếu tốt quan trọng của học bất cứ một môn nghệ thuật nào chính là đam mê mãnh liệt của bản thân. Tôi đến với piano cũng rất tình cờ, nhưng trong quá trình học, tôi nhận thấy ở tôi rất hứng thú với âm nhạc và tôi rất mừng khi gia đình ủng hộ tôi làm chuyện đó. Tính từ khi tôi học piano là đã vài năm, giờ tôi đang theo học guitar và rất nhàn khi không phải học lại từ đầu. Vậy nên, tôi viết bài này để hướng dẫn các bạn đang muốn học nhạc mà chẳng biết bắt đầu từ đâu cả, tôi rất mong bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn. Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy được sở trường của bản thân trong tương lại.