Muôn dặm hướng về em Tác giả: Trúc Châu Thể loại: Truyện ngắn Số chương: 2 Chương 1: Sau một đêm mưa dầm, trời thật mát mẻ, bước ra ngoài hiên, hít một hơi dài. Thu khẽ mỉm cười nhìn những bông hoa dại mọc ven những bậc tam cấp. Trong chiếc áo bà ba hồng nhạt, vừa vặn càng làm nổi bật dáng người thắt đáy lưng ong, cùng với chiếc quần ống rộng, trông cô Ba Thu càng thêm dịu dàng, tha thướt. Trông xa xa có vài người đi tới, cô ba hơi bẽn lẽn, tay vịn một cành ngâu hoa trắng thơm thoang thoảng. Như cảm nhận được một ánh nhìn về mình, Thu khẽ ngước nhìn lên thì bất chợt bắt gặp ánh mắt đầy tình cảm, trong ngần đang nhìn mình. Thoáng bối rối, Thu chợt buông tay, nước mưa đọng từ đêm qua và những cánh hoa nhỏ trắng muốt rơi nhẹ xuống vương trên vai áo, càng làm cho vẻ đẹp của Thu thêm tinh khôi. Thu trông theo nhóm người đã đi qua, trong đó có người thanh niên vừa lúc nãy đã nhìn cô, Thu thầm nghĩ bâng quơ: "Không biết có thể gặp lại hay không?" Buổi sáng ấy, Thu chỉ đọc sách và tâm trí cứ mãi không quên được ánh nhìn đầy trìu mến ấy. Đến trưa, sau khi đã dùng cơm xong, Thu đi xuống nhà dưới thì nhìn thấy bà Tư đang dọn thêm mâm cơm, hỏi ra mới biết, là dọn cơm cho mấy người làm thuê, đến đào đất mướn cho nhà cô. Không bao lâu sau, nhóm người đào đất mướn đã xuất hiện, họ đi vào nhà để ăn cơm trưa, trong đó có cả người thanh niên ấy. Nhìn thấy nhưng Thu giả vờ như không nhìn thấy, dù sao cũng là con gái, Thu cũng phải giữ ý tứ một chút, chị hai vẫn luôn dặn như thế. Hình ảnh khuôn mặt chính trực, đôi mắt sâu thẳm có hồn ấy, khiến Thu không thể chợp mắt vào buổi trưa được, thế là trưa hè, cầm chiếc quạt con, Thu lang thang ngoài vườn mận. Duyên trời run rủi thế nào mà Thu lại nhìn thấy người con trai ấy cũng đang trong vườn mận. Hơi bất ngờ, nhưng vô cùng vui mừng, thấy người con trai ấy nhìn sang, Thu giả vờ đang đưa tay lên hái mấy trái mận đang đu đưa. Nếu mấy trái mận mà được nhân hóa lên chắc cũng đang cười khúc khích cho hành động ngại ngùng của cô chủ nhỏ. Chàng trai liền cất tiếng hỏi: "Cô Ba không nghỉ trưa hay sao?" Thu hơi ngập ngừng trả lời: "Anh là?" Chàng trai: "Dạ, tui là Công. Tui với mấy anh được cha cô thuê đào đất sau nhà. Tui nghe mấy anh nói, cô Ba Thu học ở Sài Gòn, lâu lâu mới về, tui hơi tò mò, nên sáng có lén nhìn cô ba, cô ba đừng giận tui nghen". Thu mỉm cười: "Không sao. Hèn gì tui thấy anh lạ. Anh chắc hơn tuổi tui? Mà các anh đã làm xong chưa, chắc đào thêm buổi chiều nữa mới xong phải không? Công:" Cô Ba 22 tuổi, tui hơn cô ba 1 tuổi. Tụi tui chưa làm xong đâu, đào đất xong sẽ phát cỏ cho nên có thể 3 ngày mới xong ". Thu nghe Công nói mà thấy vui vui trong lòng, vậy là Thu còn gặp gỡ Công được 2 ngày nữa. Thu cất tiếng nói:" À, thì ra là vậy. Do Thu nhỏ tuổi nên anh Công cứ gọi tui bằng tên được rồi ". Trong vườn rợp bóng mận già, những cành trái đu đưa nhìn thật đẹp. Công nhìn Thu hỏi:" Thu có muốn ăn mận không, có vài trái chín nè, để anh hái cho Thu nhé ". Thu mỉm cười gật đầu. Công đưa tay hái một trái mận vừa to tròn, căng bóng. Công định chạy đi ra sân múc nước rửa mận cho Thu, nhưng Thu đã kêu lại. Thu cười tinh nghịch nói: " Đêm qua mưa, chắc cũng sạch bụi rồi ". Công vui vẻ đưa mận cho Thu, thì ra Thu cũng vui vẻ, hòa đồng như vậy. Giữa cô chủ và người làm thuê như không còn khoảng cách, chỉ là hai tâm hồn trong trẻo mới lớn gặp nhau, cùng trao cho nhau những tình cảm ấm nồng của buổi ban sơ. Hai ngày sau đó, trưa nào, vườn mận cũng là nơi gặp gỡ, Thu nói cho Công những điều mới lạ tại Sài Gòn, cũng như những kiến thức mà cô học tập được khi ở trường. Công vốn thông minh, nghe tới đâu liền hiểu tới đó, khiến Thu không khỏi ngạc nhiên. Công thì đem những món dân dã đến cho Thu ăn, khi thì trái bần, khi thì một nắm trái chùm ruột, có lúc là những trái xoài non rụng ở vườn. Muối ớt chấm quả vườn, chua chua, ngọt ngọt ghi nhớ cả một vùng ký ức ngọt ngào không thể quên. Ba ngày nhanh chóng trôi qua, xong công việc Công và nhóm người làm thuê phải rời đi, Công không còn lý do nào đến nhà của Thu nữa. Nhà Thu giàu có nhất vùng, kín cổng cao tường, Công không thể nào gặp mặt. Ngày từng ngày đi qua, đã hơn 1 tuần rồi, cả hai không gặp nhau, nỗi nhớ cứ lớn dần, nhờ vào người em út mà bức thư đã đến tay của Công. " Thu sắp lên Sài Gòn học rồi. Nếu lần này đạt kết quả tốt, Thu sẽ đi du học, chắc sẽ lâu lắm mới về quê. Không biết sau này có thể gặp lại anh hay không? Cho dù, ở nơi nào, Thu cũng luôn cầu chúc cho anh được mạnh giỏi, bình an, sở cầu như ý. Cám ơn anh đã cùng Thu trải qua những ngày thật đẹp nơi vườn mận ". Bức thư đã được hồi âm với dòng chữ ngắn gọn:" Buổi trưa nơi vườn mận, Thu nhé! " Trời hôm ấy nhiều mây, Thu lén nhà ra mở cổng phụ cho Công, Thu và Công gặp nhau trong vườn mận xanh ngắt. Cả hai như đã hiểu lòng nhau. Nhưng vì khoảng cách giàu nghèo quá lớn, Công không dám nói lên lời hẹn ước. Công nắm tay Thu nói:" Thu thích gì, Thu muốn gì, nhất định Công sẽ đem về cho Thu ". Thu mắt long lanh ngấn lệ:" Thu muốn được nắm tay Công chạy trên cánh đồng Cẩm Tú Cầu. Muốn được nắm tay Công đi đến hết cuộc đời này. " Công nắm chặt tay Thu, ánh mắt sâu thẳm ấy chan chứa biết bao tình cảm và quyết tâm:" Nhất định sẽ đem về cho Thu tất cả. Cánh đồng Cẩm Tú Cầu và cả anh ". Tim Thu thổn thức, tay run run chạm vào chân mày và mắt của Công:" Nhất định sẽ gặp lại". (Còn tiếp)
Muôn dặm hướng về em Tác giả: Trúc Châu Thể loại: Truyện ngắn Chương 2: Ba ngày sau, Thu trở lại Sài Gòn để học. Công đứng khuất sau lũy tre làng, hướng mắt ra con đường nhỏ nơi xe của cô ba đi qua, Công nghe tim mình như thắt lại khi thấy chiếc xe dừng. Thu từ trên xe bước xuống, không còn mặt áo bà ba giản dị, thanh tao, Thu thật kiêu sa trong chiếc đầm suông chấm gót chân. Màu áo huyết dụ, sâu thẳm, càng làm cho Thu thêm vẻ u buồn. Công thấy Thu đứng đó nhìn mãi vào làng. Công cứ nhìn Thu, như nhìn lần cuối cùng để ghi nhớ mãi hình ảnh của Thu vào lòng. Rất muốn chạy tới nắm lấy tay Thu, nhưng Công cố nén lòng mình. Chân của Công như bị trời trồng vậy, dù rất muốn chạy theo, nhưng Công không làm được, trong đầu Công không chỉ là hình ảnh của Thu mà còn là tất cả lời Thu đã nói: "Ở Sài Gòn, có nhiều ngôi trường, dạy rất nhiều kiến thức cho mình, Thu còn được học Tiếng Anh, có thể trò chuyện với người nước ngoài. Có lần Thu tham gia ngoại khóa ở Đà Lạt. Ở đó không khí mát mẻ, có rất nhiều hoa Cẩm Tú Cầu, Thu rất thích". Mấy tháng sau, trong nhóm người làm thuê, đào đất, cuốc mướn, người ta không còn nhìn thấy Công nữa, nghe đâu là Công đã đi lên Sài Gòn. Hai năm sau đó, người ta nghe phong phanh, con trai của ông Huân làng bên, mang trầu cau tới hỏi cưới cô Ba Thu. Cả làng tưởng đâu sẽ có một đám cưới rình rang, tha hồ vui chơi, ăn uống. Cô Ba Thu xinh đẹp lấy được con trai của người giàu nhất làng bên, trai tài gái sắc thì còn gì bằng. Hôn lễ đã định vào tháng 8 năm đó. Nhưng mãi đã qua tháng 9 mọi việc vẫn im lìm như vậy, cổng nhà cô Ba Thu vẫn khép kín, không có pháo hoa, cũng không có liễn báo hỷ. Từ lúc đó, cũng không thấy ai nhắc về cô Ba Thu nữa, mà cũng không thấy cô Ba ở đâu. Có người đồn đại là cô Ba lại trở lên Sài Gòn học, người ta cũng dị nghị nói ra nói vào rằng con gái lớn mà cũng không chịu lấy chồng, khác gì hủ mắm treo đầu giường, cha cô ba chắc ngày đêm cũng nươp nướp lo sợ. Có người nói, Cô Ba bị bệnh lạ nên phải ở ngôi thất nhỏ ở sâu trong đất rẫy, không ai được phép đến đó. Ngôi làng nhỏ vẫn nằm im lìm chứng kiến bao chuyện bể dâu trôi đi qua năm tháng. Để rồi 10 năm sau, con đường nhỏ, đón chào bước chân của một doanh nhân. Bước xuống xe hơi bóng loáng có người cầm dù che cho mình, Công tiến dần đến nhà của ông Thắng - cha của Thu, cánh cổng to lớn dần hiện ra trước mắt, người đầy tớ mở cửa, đi qua mảng sân đầy nắng, Công không quên nhìn sang phải nơi vườn mận năm nào hò hẹn. Ông Thắng bước ra mời khách vào nhà, sau vài câu thăm hỏi. Công đi luôn vào vấn đề muốn nói: "Xin phép ông, cho con được cưới cô Ba Thu làm vợ". Ông Thắng mặt hơi tái, ông tỏ ra không được vui cho lắm đáp: "Đứa con gái đó bệnh nặng, không chữa được, cậu muốn cưới nó hay sao. Nhà ta còn cô con gái út, nó cũng rất giỏi giang, nếu muốn ta sẽ gả nó cho cậu". Công nói: "Nếu không phải là cô Ba Thu con sẽ không cưới ai cả. Cho dù là cô Ba Thu có bị bệnh gì đi nữa, con cũng một lòng muốn được cùng chung sống với cô Ba suốt đời". Ông Thắng thấy Công quyết tâm như vậy, cũng chỉ biết lắc đầu thở dài: "Đưa con gái này của ta vừa ngang bướng, lại không chịu nghe lời, giờ đây lại bệnh tật, là cha mẹ không ai lại không thương con, nay nếu con muốn được cưới nó thì phải hứa với ta chăm sóc, lo lắng cho nó đến hết đời này". Công mừng rỡ nói: "Con nhất định chăm sóc và yêu thương cô ấy suốt đời này." Đám cưới thuộc loại lớn và rình rang nhất làng, người ta thấy Công là chú rể, là người giàu có, lại vừa có cơ ngơi, nghe nói ở đâu đó miền ngoài. Không ai thấy mặt cô Ba Thu, chỉ thấy cô dâu thân hình hơi gầy, khăn đỏ trùm đầu kín mít, được chú rể bế lên xe hoa. Xe rước dâu chầm chậm lăn bánh khỏi cổng, ông bà Thắng không khỏi xúc động, nhưng nhìn nhau cười trong sự yên tâm và mãn nguyện. Cả làng được thiết đãi những món ngon, ai cũng mừng cho cô Ba Thu được tấm chồng như ý, mọi lời đồn đại trước đây như chìm vào quên lãng. Tại Đà Lạt, Cô Ba Thu ngồi trên chiếc ghế trắng mặc áo bà ba màu xanh nhạt, chiếc quần rộng màu trắng, trong bạt ngàn hoa Cẩm Tú Cầu xanh tím. Công cầm trên tay ly trà cung đình đặt vào tay của cô ba rồi nói: "Em uống đi cho ấm, trà có vị ngọt, như tình yêu của anh dành cho vợ". Cô ba Thu ngây ngây ngô ngô nhìn Công mỉm cười. Trong giây phút Công như nhớ lại cái ngày xin phép mẹ rời khỏi làng, lên Sài Gòn lập nghiệp, những ngày tháng ráng học tập, xin việc làm, cực khổ khó khăn thế nào vẫn luôn nhớ đến Thu. Sau những đêm dài mệt mỏi cho sự phấn đấu không ngừng, luôn là những giờ phút nhìn những dòng chữ trong thư mà Thu đã gửi cho ngày ấy. Sự nghiệp càng cao, sự gian nan càng lớn, nhưng trong lòng vẫn nhớ về lời hứa với Thu, trong lòng Công luôn nêu quyết tâm, phải đem tất cả về đặt dưới chân nàng. Khi hay tin từ người em út, Thu vì khước từ hôn nhân với người con trai của ông Huân, đã nhảy sông trong đêm, cha Thu cứu được con mình, nhưng Thu đã ngây dại mất đi trí nhớ. Công đọc thư xong nắm chặt tay, bức thư nhàu nát đến tả tơi. Trong lòng nôn nóng, đau đớn như ai cắt, muốn trở về gặp Thu nhưng bằng tất cả lý trí còn sót lại, Công hiểu rằng, khi mình trở về tay trắng không thể nào bên cạnh Thu được, huống gì giờ đây sự nghiệp đang dang dở. Vậy là Công ghi thư nói với em út của Thu, cố gắng xin cha mẹ sắp xếp cho Thu được vẹn toàn. Sự nghiệp ở Sài Gòn đã vững, Công lên Đà Lạt mở thêm chi nhánh mới. Sau khi mọi dự án, công việc, kế hoạch đã đi vào ổn định, Công quyết tâm về làng rước nàng về dinh. Công ngồi cạnh bên, vòng tay ôm lấy đôi vai gầy của Thu. Công lại kể về kỉ niệm nơi vườn mận cho Thu nghe. Nước mắt bất giác rơi trên khuôn mặt của Công. Công nói mà nghẹn: "Thu còn muốn thử thách tui đến bao giờ. Tụi mình giờ đã là vợ chồng. Thu thích cánh đồng hoa Cẩm Tú Cầu, Công đã đem về cho Thu đây, có cả Công nữa. Công sẽ không xa Thu nữa. Không để cho Thu chịu nhiều đau buồn nữa. Công đã kể cho Thu nghe 98 lần rồi kỉ niệm của hai đứa mình. Thu hãy cố gắng nhớ lại!" Trong khoảng khắc đầy ngọt ngào mà bình dị ấy, Thu cất tiếng nói: "Công đã kể cho Thu nghe 99 lần rồi! Thu cuối cùng cũng chờ được Công trở về." Công như không tin vào tai mình, Công nhỏm dậy, ngồi sụp xuống, cứ như trẻ con, ngước nhìn Thu, giọng run và hồi hộp: "Cô Ba". "Thu, em nhớ lại rồi phải không?" Thu đưa hai tay nâng khuôn mặt của Công, Thu nhìn đôi mắt lấp lánh niềm vui của Công, có một giọt nước mắt khẽ khàng chảy qua đuôi mắt. Thu cũng khóc, khóc thật nhiều, Công ôm lấy Thu, cả hai cùng khóc như cho tan đi nỗi nhớ thương. Trên cánh đồng Cẩm Tú Cầu lộng gió, Công nắm tay Thu đi giữa muôn ngàn hoa, kiếp này may mắn, người có tình, cuối cùng đã được đền đáp. Hết