Bài thơ Mưa Xuân (II) Tác giả: Nguyễn Bính Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, quê gốc tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay đổi thành xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra trong một gia đình có học, mẹ mất khi ông mới ba tháng tuổi và có hai người anh lớn (cùng cha cùng mẹ) và bốn người em (cùng cha khác mẹ). Nguyễn Bính thể hiện tài năng văn chương, thi ca từ khi còn rất sớm và được coi là nhà thơ hay nhất viết về làng quê Việt Nam. Thơ Nguyễn Bính có hai mảng chính là lãng mạn và cách mạng mang dòng nhạc nào cũng có khối lượng đồ sộ và được nhiều đánh giá tích cực và bài thơ Chân Quê chính là tuyên ngôn của thơ Nguyễn Bính. Nói về tính cách ông Bính, niềm yêu với thơ của ông Bính, nhà thơ Hoàng Tấn, một người bạn thân của Nguyễn Bính nhớ lại trong Hồi ký: "Nếu với thơ, Bính kỹ lưỡng đắn đo suy nghĩ có khi đến quên ăn quên ngủ vì một từ, viết nháp nhiều lần, sửa chữa kỹ lưỡng từng câu từng chữ, trước khi đưa in viết sạch sẽ rõ ràng nắn nót bao nhiêu, thì trong cuộc sống Bính bạt mạng buông thả bấy nhiêu. Tính thích khôi hài, giàu óc tưởng tượng, thông minh nhanh nhẹn, ứng phó mau lẹ như Án Anh, Bính thường hay châm chọc bạn bè. Cái mà Bính thù ghét nhất là những bài thơ dở, cũng như những người làm thơ không hay. Đưa cho Bính coi một bài thơ mà Bính cho là dở, thì lập tức không nể gì tác giả đang đứng trước mặt, dùng những lời lẽ cay độc để chê bai khiến tác giả đỏ mặt, nhiều khi tự ái phát khùng. Lại còn tính kiêu kỳ khinh bạc nữa. Ngay cả với những người cưu mang Bính, khi thất thố điều gì là Bính thẳng cánh mất mặn mất nhạt. Nhưng đặc biệt lạ lùng là sau một cuộc đấu khẩu nảy lửa gay gắt dẫn đến việc phải xa nhau, chỉ một thời gian sau gặp lại Bính lại vui vẻ niềm nở như không. Riêng về thơ, Bính tự cao tự đại quá quắt, chê thơ người này non, người kia dở, kể cả những thi sĩ có người còn nổi tiếng hơn cả Nguyễn Bính. Những câu thơ của ai được Bính khen hay (khuyên son), là một điều hãn hữu. Người mà Bính phục tài và" Nguyện suốt đời là người học trò nhỏ "là thi hào Nguyễn Du. Chẳng thế mà Truyện Kiều Bính thuộc làu và lấy làm sách gối đầu giường." Bài thơ Mưa Xuân II được viết bằng thể thơ bảy chữ và trích trong Nguyễn Bính toàn tập, tập một, NXB Hội Nhà Văn, 2017. Bài thơ được sáng tác tại Hà Nội trong năm 1958, thể hiện một bức tranh mùa xuân mộc mạc, giản dị được gợi ra qua những đường nét thông quê. Với Mưa Xuân II, Nguyễn Bính gửi gắm nỗi niềm thương mến, bịn rịn, nồng nàn với quê hương và tình yêu tha thiết với cảnh vật thiên nhiên thân thuộc. Bài thơ như một bức thư chứa đầy suy tư và thông điệp đến mọi người: Hãy yêu quê, yêu thiên nhiên, nhớ quê, nhớ thiên nhiên bởi chính chúng đã và đang nuôi dưỡng và làm đẹp cho cuộc sống của mỗi người. Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa Cây cam cây quít cành giao nối Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa. * Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần Bươm bướm cứ bay không ướt cánh Người đi trẩy hội tóc phơi trần. * Đường mát da chân lúa mát mình Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng Nghếch mõm nghe vang trống hội đình. * Núi lên gọn nét đá tươi màu Xe lửa về Nam chạy chạy mau Một toán cò bay là mặt ruộng Thành hàng chữ nhất trắng phau phau. * Bãi lạch bờ dâu sẫm lá tơ Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ Chiều xuân lưu luyến không đành hết Lơ lửng mù sương phảng phất mưa. (Nguồn: Thivien.net)
Xưa nay nét chữ của các nhà thơ, nhà văn, đặc biệt là các bản lưu bút của các tác phẩm nổi tiếng vẫn luôn được chào đón nồng nhiệt. Với Nguyễn Bính chân quê, "nết người" của ông coi bộ vẫn còn rất dễ đọc, dễ dịch. Tuy nhiên, thời gian đã làm cho những đường nét không còn rõ ràng như trước nhưng vẫn đảm bảo được tính chất nghệ thuật vốn có. Bạn có tò mò "bút tích" của Nguyễn Bính sẽ như thế nào không? Nguồn: Thivien.net