Mùa trong sương sớm Tác giả: Tran Phan Thể loại: Truyện ngắn *** Năm giờ sáng, con Tía đã gáy hồi thứ hai nhưng trời vẫn còn tối và lạnh lắm. Thành vội thức giấc, đêm qua ba có nói sáng nay phải ra đồng gặt sớm, năm nay được mùa, nhưng đài dự báo rét Nàng Bân kéo dài hơn bình thường nên phải tranh thủ thu hoạch lúa, nếu lúa ngã thì lắm công mà hạt cũng không ngon. Chắc ba dậy ra đồng từ canh ba, phía dưới bếp má vẫn đang lui hui với nồi xôi đang đượm lửa, vừa trông lửa má vừa tranh thủ cho mấy con heo đang đói bắt đầu kêu ầm ĩ ngoài chuồng. Vệ sinh xong, Thành vơ vội bộ đồ lao động của ba treo sau góc cửa, ra đến sân mới nói vọng vào. - Con ra đồng với ba, má nghe! Má Thành hụi hụi mấy con heo, định gọi lại nhưng Thành đã ra đến đầu ngõ, rồi mất dạng. Thiệt! giống y ba mày lúc trẻ, lúc nào cũng đi rồi mới nói. Má vừa nói vừa lắc đầu. *** Hôm nay là ngày đầu tiên sau năm năm Thanh mới lại ra đồng sớm như vậy, chàng tân kĩ sư cơ khí đang ở những ngày tháng tạm gọi là chưa biết làm gì. Thành mới vừa tốt nghiệp loại giỏi tại trường, đã có nhiều doanh nghiệp mời Thành về làm việc ngay, nhưng Thành định bụng sẽ về quê ít ngày với ba mẹ, dù gì cũng đi học năm năm rồi, thế nào chẳng phải trở lại thành phố khói bụi để làm việc. Đêm qua trời có mưa, không khí trong lành, lâu lâu dìu theo nhưng cơn gió lành lạnh khiến cho con người ta vừa run nhưng lại vừa thích. Từ đầu bờ đã thấy lúa cuối đầu nghiêng hẳn vì gió đêm qua, những hạt lúa đã cuối ngã màu đỏ của nắng cháy, từng dãnh bồng bềnh lượn sóng trải dài vô tận. Mùi lúa mới pha với hơi sương xộc thẳng vào mũi thơm ngây ngát, Thành cố vươn cao hít lấy mùi quê hương. Trên những đám ruộng còn đọng hơi sương, nhiều gia đình đã tranh thủ ra đồng gặt sớm, tiếng người nói, gọi nhau í ới vang cả cánh đồng. Những cô, những chị tay thoăn thoắt lưỡi giằng trong tay, sau mỗi đường giằng là những gốc lúa như chông được hình thành, nhọn hoắt, nhựa chảy ra, thơm ngát. Một tấm bạc lớn được trải ra trên bờ đê, những om lúa được cái các anh, các bác ôm lên từ phía dưới ruộng chất đầy thành những dãy núi lúa cao ngất trên tấm bạc ấy. Rồi cũng chính những đôi chân khỏe khắn nhiều năm lội sình của các bác nông dân sẽ vào guồng đạp máy để suốt (tuốt) nhưng hạt lúa vàng, tươi nhanh. Đã nhiều năm rồi, từ khi ra tỉnh học truyền chuyên, rồi học đại học, Thành chưa ra đồng ngày mùa khi nào. Anh đi về phía đám ruộng nhà mình, xin ba cho cắt thử. Cái giằng trong tay, nhưng những dãnh lúa ngã làm Thành trở nên lóng ngóng, dù anh đã cố áp sát vào thân lúa, nhưng cứ vừa dứt đường giằng là bó lúa lại tụt khỏi tay anh, những bông lúa ngã vào mặt, làm Thành vừa xót vừa ngượng. Thành để ý, phía ô bên cạnh, một bàn tay thoăn thoắt những lười giằng, vừa mềm vừa chắc, lóang một tí đã đến sát chân bờ, những thân lúa như mềm ra, bông lúa nằm gối đầu từng đống cao, khép mắt ngủ hờ nghỉ ngơi, chờ người tuốt để về hong nắng. Đang mơ màng, bỗng từ phía sau có tiếng cười giòn tan, rồi tiếng í ới hướng về Thành: Ông tướng, người ta con gái cắt lúa mà ông nhìn gì khiếp thế! Cắt đi chớ, nữa buổi tới rồi! Thành giật mình vừa vui vừa xấu hổ. Ờ đúng thật, người cắt lúa thì mặt bán cho đất, lưng bán cho trời, và...mông thì cũng bán về phía sau, tự nhiên mình đứng phía sau lại nhìn tới. Kì quá, nghĩ vậy Thành cuối mặt, ghiềm tay, chiếc giằng cắt những đường loạn xạ, Thành càng luống cuống, xém chút nữa đã cắt vào tay. Thành nghĩ bụng, nếu cứ mỗi khi mưa xuống, lúa ngã thế này, cắt đã khó, làm sao đem được hạt lúa về nguyên vẹn, làm nông vất vả quá, chắc ngày mai anh sẽ trở lại thành phố thôi. Những suy nghĩ về một công việc để li nông, li hương cứ xoáy trong đầu chàng thanh niên trẻ. - Anh Thành phải nắm chặt thân cách gốc chừng nữa gang tay, rồi cắt nhẹ đường giằng theo hướng vót chông vào trong thì lúa ngã sẽ đứt đều hơn ạ. Tiếng trẻo của cô gái cất lên cắt đứt mạch suy nghĩ của Thành. Thành nhìn sang, À! Thì ra là cô gái đang cắt ô lúa bên cạnh mà lúc nãy anh nhìn, những giọt mồ hôi lấm tấm chảy trên vầng tráng đỏ ửng. Thành ngạc nhiên hỏi lại: - Thế em là ai mà biết tên anh, hình như anh chưa gặp em bao giờ mà! - Dạ! em là bé Lan, con má Tư, nhà ở xóm bên ngoại anh đấy! Ngày trước đi học, anh Thành nổi tiếng cả trường vì học giỏi ai chẳng biết ạ! Lúc này Thành mới sực nhớ ra! Chỉ bẵng đi một thời gian không gặp mà nó đã lớn thế này kia rồi ư. Anh nhớ nó là con bé đen nhẻm, cứ loắt choắt theo anh mỗi lần anh sang nhà ngoại, anh đi bắt cá nó đi theo để cầm sọt, anh đi đào dế nó đi theo mang gàu nước để tưới vào hang, anh ra mương tắm thì nó đi theo làm tiêu để anh biết mình bơi được bao xa. Tội nghiệp con bé, cuối xóm chỉ có nhà nó và nhà ngoại Thành, ba mẹ nó đi làm thuê suốt ngày, gửi nó nhờ ngoại Thành coi giúp, vậy nên cứ mỗi khi có Thành sang chơi là nó mừng quýnh quíu, không rời. Giờ đây Lan đã là một cô gái rồi cơ đấy. - Rứa bây chừ em làm gì, sao lại cắt lúa cho nhà anh? Thành hỏi nhỏ - Dạ, em học xong trung cấp trồng trọt rồi làm cho hợp tác xã mình từ vụ lúa ni đây ạ. Hôm qua ba anh có qua nhà nhờ má em cắt giúp, nhưng ba má em đang cắt lúa cho người ta tận đồng Mỹ Yên nên em nhận cắt giúp chú, vì đường nào thời gian này em cũng bám ruộng với bà con ạ. Thế bây giờ anh Thành đang làm gì ạ? Tiếng của Lan rõ ràng, chân chất, đôi mắt to đen luôn nhìn vào người đối diện. Thanh hơi ngại, tự dưng anh đỏ mặt, một lúc sao mới nhớ câu hỏi của Lan, anh ngập ngừng nói nhưng người cứ nóng ran lên. - Anh đang...à! Anh đang chờ việc. - Thế anh Thành học gì ạ? Lan lại hỏi dồn - Anh học cơ khí, tuần sau anh sẽ quay trở lại thành phố để làm việc đấy. Thành nói hớn hở, nhưng mặt Lan thoáng chút buồn, cô ngất mặt về phía bờ đê, nơi những người đàn ông đang gồng mình suốt lúa nói vu vơ: - Giá như anh ở đây thì hay biết mấy, ruộng quê mình thì nhiều, nhưng do gặt thủ công nên mùa kéo dài cả tháng, mà trúng mưa xuống thì coi như bỏ, có khi hạt lúa đem về bị ôi, gà vịt cũng không thèm ăn anh ạ. Anh học cơ khí, anh mà ở đây chế tạo ra chiếc máy gặt đập như trên tivi thì hay biết mấy anh nhỉ? Lan vừa nói lại vừa nhìn Thanh như cầu xin anh ở lại. Lọn tóc mai con gái dẫn những giọt mồi hôi từ trán thấm xuống hai má Lan khiến Thành nhìn say đắm, anh như quên đi mọi thứ ở thành phố, nơi mà thời sinh viên anh cũng có từng quen một cô gái, cô ấy đẹp, lanh lợi, đôi mắt biết nói, nhưng ít khi nhìn thẳng vào mắt anh khi nói, rồi họ chia tay đơn giản như tất cả những cặp đôi sinh viên sau khi tốt nghiệp, mỗi người có một con đường đi riêng cho mình. - Anh...anh sẽ ở lại Lan nhé, loại máy suốt em nói, anh cũng đã từng tự chế tạo, anh nghĩ mình có thể làm được, em yên tâm. Thành vừa nói, vừa cầm bàn tay Lan trong vô thức, má cô gái đỏ ửng, mặt quay đi nhưng nụ cười vẫn tươi trên môi. - Tới giờ nữa buổi rồi, mình đi ăn thôi anh! Lan vừa nói vừa cầm tay thành kéo về phía con đê. Trên nhưng núi lúa cao, tiếng í ới, cười đùa lại vang theo bước chạy của đôi bạn trẻ, có lẽ ai cũng mong có một điều gì đó thật đẹp trong mùa lúa này. Thành ở lại quê hơn một tháng suốt mùa gặt, anh cùng Lan len lỏi từng chân ruộng, tính toán độ dốc của con đê, độ lún của đất ruộng, rồi lại dắt nhau đến những cánh đồng đã có máy gặt đập liên hợp để tìm hiểu. Họ dự tính không chỉ có những chiếc máy thu hoạch, mà cả nhưng chiếc máy cho từng khâu trong sản xuất nông nghiệp cũng sẽ được chế tạo phục vụ cho quê hương. Mọi công tác chuẩn bị đã xong, hợp tác xã cũng đã đồng ý cấp kinh phí cho Thành chế tạo, ngày mai Thành sẽ lên lại thành phố để kiếm nơi sản xuất những chiếc máy đó. Đêm trăng tối nay thật đẹp, bờ đê như sáng hơn, những đùm rạ cao no sương đêm nằm nẩy nở tỏa mùi con gái. Phía bên kia đê, dòng sông lặn lờ để nàng trăng soi bóng trên cao, vài ba ghe lúa trà muộn được chở về trong đêm rẽ nước chia đôi dòng sông làm sóng đua dạt bờ mát rượi. Dưới trăng, đôi bạn trẻ mãi miết nhìn về phía những chân ruộng còn lại, Thành nói nhỏ: - Anh sẽ lên Thành phố, khoảng chừng ba tháng thôi, nhất định trước vụ mùa mới anh sẽ đem máy liên hợp về. Em, em chờ anh nhé! Lan cô tựa vào vai anh, nắm chặt lấy bàn tay anh thủ thỉ: - Bao lâu cũng được anh ạ, chỉ cần có máy cho bà con đỡ vất vả, chỉ cần anh nhớ đến quê hương là...đủ! Thành quay mặt ôm chặt Lan vào lòng, phía trên kia nàng trăng như căng hơn, cố soi lòng mình xuống dòng sông khuya đã tĩnh, đỏng đảnh, ưa vui, vài ba chú cá quẩy bóng, cố đớp thật cao nhìn đôi trẻ trên bờ.... Vụ mùa mới sắp bắt đầu, nhiều ngày qua Lan thấp thỏm, bởi vẫn chưa thấy Thành cùng những chiếc máy trở về. Sáng sớm nay ba Thành gặp Lan khi cô đang đi kiểm tra lúa chuẩn bị cho vụ mùa mới, ông gửi cho Lan một lá thư, nói là thư của Thành rồi vội quay mặt đi như cố tình tránh ánh mắt của Lan. Cô mở thư ra, lặng lẽ đọc: Xin lỗi em! Đã để em phải đợi, máy liên hợp sẽ được chuyển về ngay sau khi em đọc được bức thư này em nhé! Mọi hướng dẫn về cách sử dụng máy anh đã bố trí người đưa máy về hướng dẫn cho bà con. Anh xin lỗi vì không thể về để cùng em bước tiếp chặn đường phía trước, anh và bạn gái cũ có một dự án khác, lớn hơn ở thành phố. Anh nghĩ nơi đâu cũng là đóng góp, cố gắng ở đây hay ở quê cũng là xây dựng quê hương đất nước. Chuyện tụi mình, anh xin lỗi, tha thứ cho anh, em hãy cố gắng sống thật tốt và thay anh giúp cho bà con nhiều hơn nữa Lan nhé! Xin lỗi em! Lan gấp lá thư lại, cô chạy thật nhanh về phía con đê phía trước, sương sớm hắt vào mặt những tràng mờ ảo lạnh buốt, phía bên đồng, lúa nặng bông đang cuối đầu chịu những quần thảo của cơn gió chướng, phía bên dòng sông, nước chảy mạnh đưa những con thuyền xuôi mãi đi xa...