MÙA SEN NỞ Tác giả: Nguyên Liên Bà Bảy nằm nhìn trân trân lên trần nhà. Nước mắt thi nhau chảy. Từng nếp nhăn trên gương mặt già nua của độ tuổi thượng thượng thọ nhíu lại san sát. Những dòng nước mắt luồn lách qua khe hỡ giữa những nếp nhăn, cứ như đàn đàn lớp lớp những khe suối hẹp đang gồng mình băng qua cho bằng hết những gập ghềnh khúc khuỷu núi đồi cằn cỗi. Bà khóc. Những giọt nước mắt muộn màng nhưng hạnh phúc cuối cùng cũng chảy ra từ hai khóe mắt đã từng bừng lên triệu triệu tia lửa đanh sắt, hằn học và chua ngoa. Đôi mắt đó đã một đời giày xéo số phận người phụ nữ tên Liên trót mang phận dâu con trong gia đình bà. * * * Nói đến Liên, cả cái làng này ai cũng biết. Một con nhỏ mồ côi cha từ lúc lọt lòng. Mà chính xác thì bà Mỹ- mẹ Liên cũng chẳng biết phải nói với cô như thế nào cho tường tận gốc tích của ông. Nhiều năm trước, bà Mỹ vô tình phát hiện ông nằm vất vưỡng bên rìa sông. Cứ ngỡ người đã chết, bà hét toáng lên rồi bỏ chạy. Đến khi tìm được người đến "vớt xác" thì lại nghe tiếng thở đều đều, chầm chậm từ lồng ngực vạm vỡ đang rỉ máu bởi một vết thương dài trông như dao cắt. Là cô thôn nữ duy nhất trong làng có hiểu biết chút ít về y học cổ truyển, bà Mỹ tận tay chăm sóc ông từng ngày. Đến khi ông tỉnh lại, chỉ nhớ duy nhất tên mình. Ôi hay cái nghĩa "thương người như thể thương thân", bà Mỹ bao bọc ông, cho ông chỗ ở rồi thương ông lạ lùng từ bao giờ chẳng rõ. Thời gian cứ thế trôi, lửa gần rơm đến ngày cũng bén. Chỉ một cơn gió thật nhẹ vô tình thổi qua giữa một chiều thu thênh thang nắng cũng đủ hắt lửa bén vào và bừng lên cháy rực. Liên được sinh ra như thế. Một ngày tháng năm nắng đẹp, cô chào đời sớm trên chiếc ghe chòng chành giữa đầm sen rực hồng, lúc bà Mỹ đang cùng chồng hái sen về ướp trà. Liên lên 1 tuổi, cha cô biến mất. Ông đến vô tình và đi cũng bất ngờ như thế. Bà Mỹ vẫn thường kể cho cô nghe về nụ hôn cuối cùng mà cha cô đặt lên mặt của đứa con gái bé bỏng trước lúc ra đồng. Khi nắng chiều chỉ còn le lói sót lại ở tít chân trời, bà không thấy ông về. Rồi cứ thế, đằng đẵng ngày này qua ngày khác, sự chờ mong cũng đến lúc mỏi mòn. Tuổi bà cứ phai dần, phai dần theo mỗi cấp độ nhớ thương ngày càng dịu vợi. Năm Liên lên 5 tuổi, cô thật sự mới biết thế nào là mồ côi. Liên mất mẹ! Mà có phải chỉ mồ côi thôi đâu. Cả cái làng này cũng khối người lời ra tiếng vào. Họ thêu dệt tỷ tỷ câu chuyện về cha cô. Họ nói ông đi theo người đàn bà khác giàu có hơn khi người ta về làng buôn chuyến hàng quê. Cũng có người nói ông nhớ lại cả rồi nên quất ngựa truy phong, bỏ rơi hai mẹ con Liên giữa cái nghèo đeo bám. Người ác miệng hơn còn nói số ông là số chết nước, ngày xưa bị thương trôi sông mà không chết thì đến lúc cũng phải nằm lại với sông. Giận ghê gớm! Giận run người! Mỗi lần nghe ai nói như vậy, Liên đều đứng dang chân ra, hai tay chống nạnh rồi hét lớn "Mấy người không được nói tầm bậy!". Có lúc giận quá, cô còn nắm ít đất, ít sỏi mà ném về phía những người già - mà - nhiều - chuyện. Tỏ ra cứng cáp vậy thôi chứ Liên buồn lắm. Cũng không ít lần cô khóc tức tưởi sau khi đóng sầm cửa nhà sau lưng. Cô giận họ thêu dệt linh tinh làm mẹ cô buồn lòng nên mới mất sớm. Cô giận cả cái làng không có một chỗ cho mẹ con cô yên thân sống cùng nhau qua ngày qua tháng. Cả làng chỉ vỏn vẹn hơn ba mươi hộ dân. Cái làng rộng ơi là rộng. Từ cây tre đầu làng đến hộ dân cuối cùng để tiếp nối qua làng bên là biết bao cây cối, vườn tược thênh thang, thăm thẳm. Liên có cảm giác chỉ cần một lời ai đó thốt ra ở đầu làng là thể nào gió cũng đẩy một hơi sẽ bay thẳng đến nhà Liên không chút chướng ngại. Vì vậy mà ai nói gì, dè bỉu ra sao thì mẹ con Liên đều biết. Nỗi nhớ nhớ thương thương đè nén cộng dồn với những cơn buồn vô hình tiếp nối theo năm tháng đã rút kiệt sức sống và niềm tin nơi bà Mỹ. Cũng chẳng trách! Đời bà quạnh quẽ thui thủi một mình, gặp được cha Liên mới chớm hạnh phúc chưa được bao lâu đã vội chia lìa. Đã vậy còn chia lìa bất ngờ, chia lìa vội vã, xa đến mức chẳng biết liệu đến thiên thu có còn cơ hội gặp lại. Bà Mỹ cũng mong là ông vì muốn đổi đời nên đi theo người ta. Dù đau lắm, cái đau thấm tận tâm can khi nghĩ mình bị phản bội. Nhưng còn hơn là cho rằng ông đã chết. Chồng bà chết sao được khi bà vẫn còn sống sờ sờ trên đời như vậy. Tuổi thơ Liên cứ nhìn mẹ len lén lau vội nước mắt khi con gái hỏi cha đâu. Nên thôi! Mới tí tuổi đầu mà Liên đã biết điều gì nên tránh nhắc đến trong câu chuyện giữa cô và mẹ. Cho đến lúc đoạn ngày đoạn tháng, giờ phút cuối cùng xuôi tay, bà Mỹ vẫn thều thào nói với Liên: - Cha con vì nhớ lại nên phải đi tìm ông bà nội, không thể tiếp tục ở với mẹ con mình. Chỉ vì không thể trở lại chứ cha thương con nhiều lắm nghe chưa Liên. Mẹ cũng thương con gái của mẹ nhiều lắm. Rồi cứ thế bà đi. Ngày bà nhắm mắt xuôi tay, sen cũng nở. Mỗi độ sen về, đời Liên lại thêm một lần thay đổi. Liên sinh ra giữa mênh mông những đóa sen hồng thắm. Cha và mẹ cô cũng chọn ngày từ giã khi hàng nghìn cánh sen bừng nở nơi đầu làng. Cái tên Liên được cha mẹ đặt như vận vào cuộc đời cô một cách khắng khít, không bao giờ buông bỏ. "Ở dưới bùn cũng phải tỏa ngát hương thơm. Dù có cô độc, dù bất hạnh cũng phải mạnh mẽ nghe Liên, nhớ nghe Liên, đừng thua cuộc nghe Liên". * * * Con trai bà Bảy là cậu ấm duy nhất trong làng có được chiếc xe cup-50 đầu tiên. Không món ngon vật lạ gì ở cái làng này và cả những làng lân cận mà cậu không được nếm thử. Vợ chồng bà Bảy nâng cậu Hòa như nâng trứng. Chỉ cần cậu hắt hơi, ngạt mũi là ngay lập tức đầu làng đến cuối xóm đều tỏ tường vì cả nhà bà huy động người đi tìm thầy thuốc. Ông bà Bảy là dân làm ăn lớn. Không ngày nào mà mối lái của ông bà không từ trên thị xã về làng. Người giàu có, khá có, phóng túng có, thân thiện cũng đủ cả. Ông bà cũng nhắm một vài mối để ghép cặp cho cậu, mong sao môn đăng hộ đối. Vậy mà cậu cứ đem lòng thương cô Liên hiền hiền chỉ quanh năm bám mặt với ruộng đồng và cái đầm sen không có gì đặc biệt theo như đánh giá của gia đình bà Bảy. Cậu Hòa là thiếu gia nhưng hiền lạ lùng. Cậu học giỏi, biết chia sẻ với người khó khăn, không giống những mánh khóe làm ăn mà cha mẹ cậu vẫn ngày ngày sử dụng để kiếm chác chút đỉnh. Một lần vô tình tông xe vào Liên khi đang đi dạo dọc đường làng, cậu va phải tiếng sét cũng ngay giây phút ấy. Mái tóc dài đen mượt, bồng bềnh giữa gió chiều. Nụ cười thẹn thùng nhưng tràn đầy sức sống lại ấp e đôi mắt buồn rười rượi như luôn sẵn sàng bật khóc. Cậu Hòa ngẩn người khi đối diện với Liên. Thế là thương, thương da diết. Liên cũng vậy. Nhưng bà Bảy thì không. Ngày Liên về làm dâu, mùi bùn nhơ ở đâu cứ theo vào từng ngõ ngách trong căn nhà bề thế nhất làng. Bà Bảy đi ra đay nghiến một câu, đi vào dè bỉu một lời. Cứ thế, trong mắt bà, Liên chỉ là thứ gái mồ côi, nghèo xơ nghèo xác. Cái nghèo cùng cực, nghèo tội lỗi, nghèo bẩn dơ, nghèo vẩn đục, nghèo đến mức chỉ nghĩ đến thôi là bà cũng nhợn cổ mà muốn ói. Vậy mà bà phải chấp nhận rước Liên về vì đứa cháu nội còn phập phồng cử động trong bụng Liên. Sự đã rồi, Liên về làm dâu cứ ngỡ đời mình được sang trang mới, sẽ vui vầy hạnh phúc. Nhưng phận sen dù thanh khiết đến đâu cũng phải ngụp lặn bùn lầy trước khi được người trân quý. Liên chính thức trở thành con ở. Phận làm dâu ở thời của Liên đã qua rồi những hà khắc phong kiến. Cái làng hiền hòa này đã chứng kiến biết bao sự hoài thai mới mẻ của lối sống tiến bộ. Bà Bảy cũng vậy. Bà hiện đại lắm. Khi ti vi lần đầu tiên xuất hiện trên thị xã là nhà bà cũng sắm liền một cái. Khi người trên thị xã không phải ai cũng biết đến đầu đĩa mở nhạc thì dân trong làng đã chen nhau từng chút một để được chiêm ngưỡng và thưởng thức những vở tuồng cổ có Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Minh Phụng, Diệp Lang.. mở rền vang trong nhà của bà. Vợ chồng bà Bảy hay đi đó đi đây. Tiếp cận cái mới, nghĩ điều mới, nhưng mỗi chuyện phân biệt tầng lớp và xem thường cái nghèo là ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ và quan điểm sống của bà. Bởi vậy, bà ghét cay ghét đắng cô con dâu chưa từng được thừa nhận. Kể từ lúc sinh con, Liên quần quật suốt ngày đêm. Vừa làm việc nhà, vừa chăm con, vừa lo việc đồng áng, ai gặp Liên cũng nghĩ đã ngót nghét tuổi tứ tuần. Ai đâu mới chưa được ba mươi tuổi mà tóc đã vội điểm nhiều sợi bạc. Những quầng thâm trên mắt Liên. Những trũng sâu nơi đáy mắt dù có lấy bột gạo phẩy lướt qua cũng không cách gì che được. Cũng may sao, bà Bảy nâng niu đứa cháu gái còn hơn thương thằng con trai trót dại của mình. * * * Thời gian thấm thoát trôi. Ngày con gái Liên biết gọi tiếng mẹ đầu tiên là ngày cậu Hòa mất. Mà phải chi cậu đau ốm bệnh tật nên qua đời thì bà Bảy chỉ đau buồn rồi thôi. Đằng này, vì cứu Liên nên cậu nằm lại dưới đáy sông lạnh lẽo. Bà vừa đấm ngực thùm thụp khi ngồi trước quan tài cậu, vừa liếc mắt sang Liên đang ẵm con trên tay. Rồi bà lao sang, dùng hết sức mình đánh mạnh vào đầu Liên. Bà kéo tóc, bà giằng giật vai áo, bà trút hết cơn phẫn nộ của người mẹ mất đi đứa con trai duy nhất. Duy chỉ có ông Bảy vẫn im lặng. Trong bộ lễ phục màu đen, ông ngồi lặng thinh nhìn về phía hương án của cậu Hòa, thi thoảng đưa tay nâng ly trà lên nhấp một ngụm, rồi lại nhìn. Không ai biết ông đang nghĩ gì. Từ ngày Liên về làm dâu, ông không vui vẻ chấp nhận nhưng cũng chẳng đay nghiến cay đắng. Ông mặc kệ sự hiện diện của Liên, mặc kệ sự chì chiết của vợ mình với nàng dâu đáng thương. Hôm nay cũng vậy, ông Bảy không hề tỏ ra quằn quại đớn đau khi cậu Hòa mất. Một sự bình thản đến lạ lùng. Một sự thinh lặng đến đáng sợ. Chỉ đến lúc ông ngã xuống sau khi tang sự của cậu Hòa viên mãn, mọi người mới biết nỗi đau ẩn vào trong mới là nỗi đau khủng khiếp nhất và chứa đầy nguy hiểm. Tang con còn mới, tang chồng liền kề, bà Bảy sốc. Cả cái làng đầu trên xóm dưới ai cũng thương cho bà. Rồi họ lại bắt đầu thêu dệt. Rằng Liên là sao chổi nên cha mẹ cô qua đời. Rằng Liên có người âm theo nên họ phá tan nhà cửa của cậu Hòa. Ai mà chứa cô trong nhà sẽ chịu nhiều vận rủi. Cứ thế, hết lời đồn này đến tiếng xấu khác cứ dập dồn đổ ập vào Liên. Vì cháu còn nhỏ, bà Bảy không thể đuổi phắt Liên đi. Thế là bà mời thầy cúng về nhà. Họ trói Liên lại. Vừa làm lễ cúng, họ vừa cầm roi quất mạnh lên người cô. Chằng chịt những vết roi tứa máu làm Liên quằn quại trong đau đớn, tủi nhục và sợ hãi. Nhiều lần Liên muốn bỏ trốn. Cô đã nghĩ đến việc đi thật xa khỏi cái xứ này. Cô sẽ mang theo di ảnh của mẹ, của chồng. Hai mẹ con cô sẽ tạo dựng một cuộc đời mới. Không có hoa sen, không có sông nước. Không có những thị phi bủa vây đầy mê tín hay chỉ chứa đựng sự điêu ngoa và thiếu hẳn tình người mà cái làng này đã phủ đầy lên cuộc đời mẹ cô, rồi đến cô cho đến bây giờ. Nhưng Liên thương cậu Hòa. Cô thương da diết cái dáng thư sinh mộc mạc và hiền lành. Cô vẫn còn nhớ cảnh cậu quỳ xuống xin vợ chồng bà Bảy cho hai người lấy nhau. Cô nhớ ánh mắt chất chứa yêu thương và tôn kính của cậu khi nói về cha mẹ mình. Thế là cô không nỡ. Giờ mà Liên đi thì bà Bảy sẽ sống với ai? "Có bao giờ vì bùn nhơ hôi tanh, vẩn đục mà sen ngã chết đâu. Cố lên Liên ơi. Rồi sẽ đến ngày hương sen được tỏa rạng. Cố lên Liên ơi, phải cố lên vì con, vì anh Hòa nghe Liên ơi!" * * * Hai mươi năm kể từ ngày cậu Hòa mất là cũng chừng ấy thời gian con gái Liên chứng kiến mẹ mình ngắn dài nước mắt dưới sự chì chiết của bà nội. Chỉ những năm gần đây, khi tuổi già sức yếu, bà Bảy chỉ còn có thể lựng khựng ra vào nhờ cây gậy chống đỡ thì những cơn đay nghiến mới dần dần giảm bớt. Mà có phải Liên chỉ ở vậy ăn bám trên gia sản đồ sộ của nhà chồng. Từ ngày ông Bảy xuôi tay về với đất, mọi hoạt động làm ăn của vợ chồng bà Bảy cũng theo đó lụi tàn. Của cải trong nhà dần dần ra đi. Liên vừa một mình lo đồng áng, vừa quay lại với đam mê ướp trà sen. Cô bươn chải ngược xuôi đem hương trà quý ra đến thị xã rồi kết nối khắp nơi. Nhà dần có của ăn của để. Con gái Liên cũng được ăn học đàng hoàng, tiếp cận những tri thức mới. Cũng vì thế, cô giận mẹ khi cam chịu một đời. Rồi cô giận luôn bà Bảy vì đối xử với mẹ mình như kẻ ăn người ở, như nước lã lạc dòng. Nếu không có đợt bão nổi bất ngờ, có lẽ cho đến cuối đời, hai mẹ con Liên vẫn không bao giờ nghĩ rằng bà Bảy đã thương Liên như ruột rà máu mủ từ nhiều năm về trước. Bão được dự báo sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, chỉ ngang qua vùng biển giáp ranh làng Liên ở. Việc chằng chống nhà cửa đã ổn thỏa từ chiều. Đêm ấy, trong cơn ngủ mơ hồ, Liên nghe tiếng ú ớ của ai thi thoảng chen lẫn trong những đợt mưa rào rạt văng vẳng bên tai. Mưa đập mạnh lên mái ngói. Tiếng gió rít. Tiếng gào thét loạn cuồng của bão đang giày xéo hàng cau trong sân nhà. Cảm giác lạnh buốt len lỏi vào từng thớ thịt. Nửa muốn nằm im, nửa lại không an lòng, Liên ngồi bật dậy theo linh tính và khoác vội chiếc áo mỏng rồi đi sang gian nhà trái nơi bà Bảy đang ngủ. Vừa ra đến nơi, Liên thấy bà nằm sóng soài dưới đất. Hai mắt trợn ngược, chân tay co lại, miệng sùi bọt mép. Cái cảm giác mất đi người thân đã nhiều phen làm Liên quỵ ngã nay ập về rõ mồn một. Nó đáng sợ hơn tất thảy những mất mát trên cuộc đời. Vừa hét toáng lên gọi con gái, Liên vừa đỡ bà lên giường. Hai mẹ con Liên ra sức nắn bóp, thoa dầu khắp người bà Bảy. Đôi bàn tay đã sạm đi vì nắng gió, đôi mắt trũng sâu vì suy tư nghĩ ngợi, cả cơ thể gầy móp vì héo mòn và lao khổ của Liên giờ đây đều dồn hết mọi sự tập trung vào người mẹ chồng già cỗi đang nằm bất động trên giường. Rồi bà Bảy mở mắt. Nhìn Liên, lần đầu tiên lệ bà rơi xuống, chảy dài trên gương mặt khô cằn tưởng chừng không còn biết thế nào là yêu thương, thấu hiểu hay cảm thông với cuộc đời. Bão qua. Bà Bảy vẫn không thể ngồi dậy. Chỉ có cánh tay bên trái vẫn còn chút cảm giác để cầm nắm đồ vật. Cơ thể già nua của bà giờ đây không còn đủ mạnh mẽ để tự mình vận động. Vậy mà bà vẫn hất tung chén cháo, ly nước khi Liên mang lên để ngay cạnh giường. Bà luôn sẵn sàng hất đổ những gì trong tầm tay cùng ánh nhìn sắt đá nhất và một câu nói lặp đi lặp lại "Bây đi đi, bây cút khỏi nhà tao. Tao không cần hai mẹ con bây. Đi! Đi!" Ai mà đuổi được Liên. Vào thời điểm đau đớn nhất của cuộc đời, khi cậu Hòa và ông Bảy nằm xuống mà Liên còn gắng mình bám trụ với căn nhà vắng người này thì huống gì bây giờ. Ngày lại nối ngày, Liên chăm sóc cho bà Bảy như mẹ ruột. Không có việc gì mà Liên nề hà. Từ chuyện cơm nước, ngủ nghỉ cho đến vấn đề cá nhân của bà Bảy cũng một tay cô ôm trọn. Rồi cũng một ngày đầu hè, khi đầm sen đầu làng mới chớm nở ra một vài đóa sen đầu tiên, ấy cũng là lần đầu trong đời kể từ lúc cậu Hòa mất, Liên mới thấy bà thật sự khóc. Vẫn câu nói ấy, bà Bảy vừa đuổi Liên mà nước mắt vừa chảy. Như nhận ra có điều gì ẩn sau lời đuổi xua nghẹn ngào đó, Liên giật mình rơi lệ. Thì ra, đã mấy năm rồi, từ khi sức khỏe yếu đi, bà Bảy bắt đầu có nhiều thời gian hơn để nhìn lại, để chiêm nghiệm và thảng thốt nhận ra con nhỏ tên Liên mà ngày xưa bà chối từ đã bươn chải trọn đời vì cái nhà này. Bà nhận ra những kham khổ mà con dâu bà đã chịu đựng, đã nhẫn nại, đã hy sinh vì gia đình bà. Thế là bà muốn Liên đi. Tự do thì phải tự do đúng nghĩa mới có thể đi thêm bước nữa. Nếu Liên cứ ôm lấy cái nhà này rồi bảo bọc cho bà thì ai mà dám tiến tới. Đời mà, có phải ai cũng dại như Liên đâu. Quỳ xuống bên cạnh giường, Liên nắm lấy cánh tay trái của bà Bảy vẫn đang cố sức đẩy Liên ra rồi cô nói trong ngắn dài nước mắt: - Mẹ! Con biết mẹ thương con nên mới đuổi con đi đúng không mẹ? Không mẹ ơi, con không đi đâu hết! Mẹ không phải mẹ của anh Hòa mà là mẹ của con. Con sẽ ở vậy cả đời với mẹ, mẹ ơi! Nói rồi cô gục đầu lên bàn tay bà và òa khóc. Như một đứa trẻ lần đầu trong đời được mẹ nói tiếng yêu thương, Liên thấy trái tim mình như bị ai bóp nghẹn. Còn bà Bảy, lần đầu tiên bà thốt lên một tiếng "con" rồi vội vàng ngừng lại. Mọi lời nói trong giờ phút này liệu có đủ đầy ý nghĩa bằng một cái siết tay chặt hơn? Bỗng dưng bàn tay phải vốn đã bất động của bà khẽ nhúc nhích. Bằng tất cả ý chí và sức lực của mình, bà vất vả nâng khẽ cánh tay phải lên, đặt lên mái tóc Liên và miệng buông ra mấy tiếng: - Mẹ xin lỗi con, Liên ơi! Nói rồi, bà trân trân nhìn lên trần nhà, để mặc cho nước mắt thi nhau chảy xuống. Cuối cùng bà và Liên đã có thể sống những tháng năm cuối đời trong niềm hạnh phúc thực sự. Gió từ đâu mang hương sen ùa vào nhà, thoang thoảng hương thanh khiết. Một mùa sen nữa thực sự đã về!