Quê hương tôi là miền quê cũng giống như mọi miền quê nông thôn khác. Mùa nào quả nấy. Trái cây không trù phú như nơi khác nhưng thứ nào cũng có. Đăc biệt vào giữa tháng ba, thì có loại trái cây mới nghe thôi đã hết khát nước khi cổ họng đang khát khô. Cây nhót – loài cây mới gọi tên đã thấy bật cười. Thuở ấy đã rất xa. Những cây nhót hoa nở sớm và nhiều hơn mọi năm, "mùa nhót năm nay dường như được mùa hay sao ấy! Nụ hoa nhiều quá ta! Nách cành nào cũng chen nhau nhú." Mẹ tôi bảo thế! Khi mẹ tôi còn sống, mẹ hay nhìn vào những cây nhót ấy để đoán thời tiết của mùa hè sắp đến. Thấy nhót ra nhiều hoa mẹ bảo "năm nay thời tiết nắng nóng lắm đấy!" Và lời tiên đoán của mẹ không hề sai! Quả là như thế! Nhà tôi trồng nhiều nhót lắm. Năm nào bội thu thì mẹ cũng dành dụm mua được vài tạ thóc. Và thế là cây nhót đã là nguồn thu nhập để anh em chúng tôi ăn học thành người. Cây nhót là loại cây không giống như những cây leo khác, nếu bắc giàn cho nó leo càng tốt còn không thì chôn cây gì đó bên cạnh cho nó leo miễn làm sao có chỗ cho nhót dựa vào. Cây lớn nhanh lắm, chẳng cần chăm bón gì nhiều cũng xanh tốt quanh năm suốt tháng. Lá xanh quanh năm, chỉ khi những lá nào quá già chúng tự lìa cành rụng xuống chứ chẳng bao giờ rụng hết lá trên cây như những cây khác. Lá nhót xanh bóng như lá chè xanh. Nếu nắng chiếu vào còn bóng sáng như ai mới tưới nước, hình dạng bầu dục, sum sê đua mọc trên cây. Mưa xuân lất phất rơi nhè nhẹ ngày này qua ngày khác, có khi nặng hạt lắc ra lắc rắc nhiều ngày thì hoa nhót bắt đầu ra. Ban đầu nhu nhú những chùm trắng li ti li ti trên cây, e thẹn núp trong từng nách lá rồi bung nở. Cứ mỗi nách lá là chùm hoa. Nách nào cũng có nhưng không đều nhau. Không cành nào là không có mới kì khôi chứ. Vào mùa ra hoa, ong ve vãn suốt ngày đêm để hút mật và thụ phấn cho cây. Vài ngày thì từ những chùm hoa ấy bắt đầu đậu những quả nhót con con như những quả ớt xanh. Chả thèm để ý tới thì quả lớn dần, lớn dần bằng ngón tay út trẻ con lúc nào chẳng hay. Một ngày không xa, từng chùm, từng chùm quả chíu chít oằn cây to bằng ngón chân cái người lớn. Bên ngoài những chùm quả đó một màu xanh ngắt chen trong lá khó ai phát hiện ra. Quả nhót xanh nếu ăn vào thì chao ơi chua ơi là chua! Mới nghe thôi đã ê ẩm hết cả răng. Thoắt cái, trái nhót bắt đầu chuyển mình từ xanh đậm, toàn thân bám đầy những hạt phấn trắng li ti sang màu vàng chanh dần dần chuyển màu da bò rồi chín đỏ chon chót, lúc lỉu trên cây, phơi mình trong cái nắng giữa mùa xuân và chờ bàn tay người hái xuống. Nhót đến mùa thu hoạch, mẹ tôi hái chúng bỏ vào cái thúng con, lót trải mảnh vải xô ở dưới để khi bê bưng đi bán chúng không bị giập nát. Quả còn nguyên vẹn và khách mua dễ dàng lựa chọn. Cứ nhìn thúng nhót chín đỏ là đã tứa nước dãi ra rồi. Quả nhót chín kì lạ như thế đấy. Ăn vào là cứ muốn ăn mãi. Nó chua chua, ngọt ngọt làm mê hồn người thưởng thức. Nhưng ăn không đúng cách thì ngứa cổ họng chứ chẳng chơi. Quả nhót chín mọng, da căng, bóng đẹp khi đã chùi sạch các chấm trắng li ti trông giống hạt cám gạo dính vào thân quả. Khi ăn ta phải chà nhẹ vào vạt áo hay vạt ống quần thì hạt cám ấy rơi ra. Rồi dùng ngón cái với ngón trỏ tay bóp nhẹ cho quả hơi mềm mềm rồi ăn thì ngon cực kỳ. Hương vị hết sức đặc biệt không chỉ riêng nhà tôi mà với tất cả quê hương tôi đấy. Quả nhót còn là thứ quả của người nhà quê gửi hương vị ra chợ của thành phố hay chợ tỉnh. Họ thưởng thức mà cứ tấm tắc khen mãi hương "nhà quê rất đỗi thân thương". Hết mùa nhót thì mùa hè bắt đầu. Cây nhót lại trở về dáng vẻ như xưa và chờ mùa xuân năm sau lại ra những sản phẩm mới.. Thời gian cứ trôi, những cây nhót ấy đã cho tới bao nhiêu mùa quả tôi cũng không còn nhớ nữa. Nhưng những kỉ niệm khó quên cứ in đậm vào trong tôi mãi không bao giờ phai. Cứ hễ nhìn những cây nhót ấy sắp cho quả, tôi lại rùng mình không phải sợ vị chua của quả ớt xanh, cũng không phải những lần ho đến rát cổ nhai ngấu nghiến cả quả mà là những lằn roi nổi đỏ trên mông do cùng đám trẻ con trong xóm rủ nhau nghịch nát những dây nhót trên cây thuở còn thiếu thời để ăn vụng. Hôm nay, đi làm ăn xa quê. Tôi thoáng thấy vài chiếc xe bày bán những quả nhót ấy, trong sâu thẳm lại nhớ mẹ tôi quá đỗi. Ghé hỏi mua mang về để lên bàn thờ, thắp cây nhang trầm tưởng nhớ thuở nào mẹ vun trồng chăm bón hàng nhót nuôi anh em tôi khôn lớn thành người. Mắt tôi ướt nhòe khi nào không rõ nữa. Vọng tiếng kêu thầm "Mẹ ơi! Giờ mẹ ở nơi nao?" lan trong ngôi nhà tôi ở. Bài của Phùng Văn Định