"MÙA HÈ XANH" ĐẦU TIÊN Tác giả: Tojimomi Irehako Thể loại: Truyện ngắn, tự truyện, nhật ký hành trình. Link góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Irehako "Mùa hè xanh" – cụm từ rất đỗi quen thuộc và đẹp đẽ mà mỗi lần nhắc đến nó, cảm giác thật rõ ngọn lửa tuổi trẻ đang cháy trong tim mình. Một mùa hè với màu áo xanh của các chiến sĩ tình nguyện, một màu xanh của những trái tim tràn đầy nhiệt huyết và thương yêu. Đà Lạt vào hạ, cũng là vào mùa mưa. Những cơn mưa phùn rả rích vào sáng sớm kèm theo sương mù làm cho mọi vật chìm trong mờ ảo. Tôi thức dậy trong cái se lạnh đặc trưng của Đà Lạt và rồi dần nhận ra hôm nay là ngày tôi bắt đầu chuyến hành trình "Mùa hè xanh" của mình. Khoác lên mình chiếc áo xanh và đội lên đầu chiếc mũ tai bèo, tôi ôm bọc hành lý, dưới cơn mưa phùn bay bay, háo hức đi đến nơi tập trung. Ngày 5 tháng 7 năm 2019, tại cổng trường Đại học Đà Lạt đã có rất nhiều sinh viên đang đứng, ai cũng khoác trên người bộ áo xanh thanh niên, một màu sắc nổi bật trong màn mưa phùn đầu hạ. Miệng ai cũng cười nói, chào hỏi làm quen rôm rả. Mỗi người một tay cùng nhau chất đồ lên xe để chuẩn bị xuất phát. Không khí thật náo nhiệt. Đội của tôi gồm mười người. Không ít cũng không nhiều, một con số tròn trịa, đủ đầy. Thành viên trong đội chủ yếu là những sinh viên lần đầu tham gia chiến dịch nên còn rất nhiều bỡ ngỡ, lắng lo, tò mò. Chuyến đi của chúng tôi kéo dài hai mươi ngày. Đúng 7 giờ 30 phút, xe chúng tôi bắt đầu xuất phát tiến về phía Xã Đạ Long - huyện Đam Rông- tỉnh Lâm Đồng. Xuống hết đèo, không khí đã dần thay đổi trở nên nóng hơn. Đến nơi, chúng tôi được anh bí thư đoàn xã- anh Cil dẫn vào trường tiểu học xã Đạ Long rồi nói rằng đây là nơi chúng tôi ở và sinh hoạt. Trường nằm ngay trung tâm, đối diện với Ủy ban xã. Với những đứa lần đầu đi mùa hè xanh chúng tôi, ở trong trường, trong một lớp học là điều rất mới lạ, lại còn nam nữ ở chung với nhau. Sau này tôi mới nhận ra được ở một nơi như vậy là xã đã tạo rất nhiều điều kiện cho chúng tôi rồi. Chúng tôi rất biết ơn anh Cil và các cô chú bên Ủy ban xã cũng như Ban giám hiệu trường tiểu học xã Đạ Long vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi ở và sinh hoạt. Chúng tôi chung tay dọn dẹp chỗ ở mới và nghỉ ngơi và dưỡng sức cho những công việc nhiệm vụ sắp tới. Vì là trường tiểu học nên trong sân trường có rất nhiều trò chơi nhỏ như xích đu, leo núi, thăng bằng, bập bênh.. tất cả đều làm bằng lốp xe cũ. Thật là một sáng kiến thú vị và thân thiện với môi trường. Chúng tôi sau khi tắm rửa liền dắt nhau ra xích đu ngồi chơi. Lần đầu tiên trong đời tôi được đứng ở một nơi bao quanh là núi to cao sừng sững được đắp lên mình những mảnh rừng lá xanh bạt ngàn như những con linh thú cổ đại đang cuộn mình yên ngủ hàng ngàn năm. Gió thổi nhẹ, một cô bé trong đoàn lôi cây đàn Ukulele ra đánh và hát vu vơ. Có lẽ khung cảnh hùng vĩ nhưng không kém phần bình yên ở nơi đây sẽ là khung cảnh làm tôi nhớ nhất sau khi rời khỏi nơi này. Bắt đầu bước vào chiến dịch, chúng tôi vác balo lên và đi. Nhiệm vụ của chúng tôi khi đến đây là "Sưu tầm văn hóa Tây Nguyên" (đặc biệt là văn hóa truyền thống của người đồng bào Cil). Chúng tôi liên lạc với anh Cil và được anh dẫn đi tham quan cũng như đưa đến nhà của bác trưởng thôn - bác Lat để tìm hiểu về văn hóa người dân nơi đây. Bác Lat rất thân thiện, đôn hậu và nhiệt tình đối với chúng tôi. Bác kể cho chúng tôi rất nhiều thứ và giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều về nhưng phong tục tập quán xa xưa của đồng bào Cil. Từ cái ăn, cái mặc đến cái nhà để ở, cái gùi đi rẫy, cái ché đựng rượu cần.. mỗi thứ đều có những câu chuyện, nguồn gốc riêng, thôi thúc sự hiếu kì của chúng tôi làm chúng tôi ngồi nghe say sưa đến quên cả thời gian. Đến khi ngoài trời phủ một màu đen mịt mù, nhà nhà sáng đèn, mùi cơm tối thơm lừng tỏa ra từ nhà ai đó bay đến, chúng tôi mới sực tỉnh bối rối chào bác ra về. Cả đoàn dưới ánh đèn pin leo lét, mò mẫm đi sát vào nhau, tiếng cười đùa vui vẻ vang vọng khắp một vùng. Lại nói, không phải riêng gì bác trưởng thôn mà người dân địa phương ai cũng thân thiện và nhiệt tình với khách phương xa đến thăm nơi đây. Chúng tôi đi đến đâu cũng có người đến chào hỏi, bắt chuyện và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi, đặc biệt là tôi, những cô cậu sinh viên thành phố, lần đầu tiên đến một nơi vùng sâu vùng xa, xung quanh là núi rừng, đồng ruộng nương rẫy.. lạ lẫm, sợ hãi về mọi thứ. Nhưng dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của anh chị bí thư đoàn xã, các thôn (chị Ôn, chị Vân, chị Kem) cũng như người dân nơi đây chúng tôi dần thích nghi với cuộc sống mới mẻ này. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là đi nghiên cứu văn hóa địa phương nên chúng tôi gặp phải khá nhiều khó khăn với những câu hỏi như: "Các em xuống đây đi dạy à?", "khi nào các em dạy?", "sao các em không giúp trồng cây làm rẫy?".. và cũng không có người có chuyên môn hướng dẫn nên chúng tôi vấp phải nhiều rắc rối trong gần mười ngày đầu. Mười ngày đầu, chúng tôi chỉ biết đi lung tung không có mục đích, mò mẫm, lượm lặt những mẩu văn hóa ít ỏi trong các thôn. Tuy nói là nơi sinh sống của đồng bào Cil nhưng đa số các văn hóa xa xưa, truyền thống cũ của cha ông cũng đã mai một khá nhiều, họ không còn nhớ nhiều về cội nguồn của mình. Bên cạnh đó có rất nhiều từ tiếng quốc ngữ họ không hiểu. Nên việc thu lượm văn hóa đối với một giáo sư tiến sĩ còn khó huống chi những đứa sinh viên mới chân ướt chân ráo như chúng tôi. Ngày ngày chúng tôi vẫn chắm chỉ đi tìm hiểu nhưng vô vọng. Mười ngày đó trôi qua tuy nhàn hạ nhưng lại khá áp lực khi người dân và giáo viên dần có thành kiến với chúng tôi vì họ không hiểu được mục đích, nhiệm vụ của chúng tôi là gì. Dù vẫn còn nhiều anh chị bên đoàn xã nhiệt tình giúp đỡ nhưng chúng tôi vẫn rất buồn khi nghe được những câu nhận xét không hay. Ngồi bên xích đu vào một ngày nào đó, nhìn ráng chiều đỏ rực phía chân đồi bên kia mà lòng tôi buồn rười rượi. Qua mười ngày, đến ngày 15 tháng 7, thầy bí thư trường Đại học Đà Lạt - thầy Phan Tuấn Anh, cùng đoàn giáo viên của trường xuống thăm hỏi và xem xét tình hình của chúng tôi. Thấy chúng tôi như vậy, thầy đã nghiêm khắc phê bình cả đoàn vì làm việc không có kế hoạch và nhiều lỗi khác. Dẫu biết rằng chúng tôi vấp phải vài lỗi lầm, nhưng khi bị khiển trách như vậy bản thân tôi và các thành viên trong đoàn vẫn rất buồn, áy náy và tự trách. Nhưng chúng tôi sai, thầy và đoàn giáo viên vẫn tặng cho chúng tôi những phần quà và khích lệ tinh thần chúng tôi. Điều đó làm chúng tôi rất cảm kích. Sang ngày tiếp theo, chúng tôi vui mừng chào đón hai thành viên mới được cử đến từ đoàn "Mùa hè xanh" bên Liêng Sarol đến để giúp đỡ và vực dậy tinh thần của chúng tôi. Chúng tôi được đào tạo huấn luyện trong 5 ngày tiếp theo cách tổ chức các trò chơi cho các em nhỏ mỗi giờ ra chơi, tổ chức trò chơi dân gian cho các em, tích cực tham gia các hoạt động công ích cùng đoàn xã.. tuy vất vả mệt mỏi nhưng chúng tôi đã cảm thấy vui vẻ lên rất nhiều và cảm thấy được đúng ý nghĩa của chiến dịch "Mùa hè xanh". Khi hai chiến sĩ đó quay về đơn vị, chúng tôi khá tiếc nuối vì chưa kịp làm quen, thân thiết với nhau nhiều hơn. Những bữa cơm chung tự các thành viên chung tay nấu, những đêm lạnh ôm nhau ngủ, những lần đi vệ sinh bám víu nhau vì sợ, những tiếng cười nói của các em nhỏ và người dân nơi đây dần theo dòng chảy của thời gian tiến dần về điểm kết thúc. Chúng tôi, những chiến sĩ "Mùa hè xanh" sắp phải chia tay nhau, chia tay mảnh đất và con người nơi đây để trở về đúng chỗ của mình tiếp tục công việc học tập và làm việc của mình. Hiện tại là 23 giờ 40 phút, chúng tôi vẫn còn thức, ngồi bên nhau tâm sự, chia sẻ những câu chuyện buồn vui của bản thân trong những ngày vừa qua. Ngồi viết những dòng cuối cùng này, sống mũi tôi lại cay cay. Trở thành sinh viên, mùa hè không chỉ có màu đỏ của hoa phượng, tiếng ve rền rã, mùi trái chín đầu mùa thơm lựng.. mà còn có màu xanh tình nguyện, tiếng em nhỏ ê a giữa trưa hè, mùi mồ hôi hòa với mùi thơm của đất mới vỡ hoang.. Màu xanh tình nguyện mang trong lòng từng chiến sĩ ấm áp lên theo từng ngày. Trong màu xanh ấy có nhiệt huyết dành trọn cho các em nhỏ; có tình cảm gia đình của những đứa con đang lớn, đang tỉnh thức; có sự trải nghiệm lớn trong đời với công việc và đời sống tập thể. Tạm gác mùa hè làm thêm, mùa hè du lịch qua một bên, xách ba lô lên, mang theo trái tim nhiệt huyết cùng màu áo xanh tình nguyện và đi. Dù là hình ảnh lấm len bùn đất, quần ống thấp ống cao, mồ hôi nhỏ giọt hay chơi cho các em nhỏ, tươi cười nắm tay các em cùng chơi trò chơi, dù là gì đi nữa thì những ngày tháng tình nguyện hết mình ấy cũng sẽ mãi in sâu trong trái tim chúng tôi. Như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: "Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn" Hết.