ĐỀ SỐ 1 Đọc đoạn trích: Những bông lúa vàng mới cắt xong đều xếp rải rác từng hàng trên bờ ruộng, trong đám cỏ xanh mọc dầy. Mỗi khi gặt được vài lượm lúa người thợ hái ôm sát bó lúa thơm vào người, đem ra xếp vào chỗ lúa trước. Rồi họ lại trở vào ruộng, đứng theo hàng những người bạn gặt. Tiếng hái đưa vào gốc lúa xoàn xoạt như tiếng trâu bò ăn cỏ. Chăm chú vào công việc làm, Tân không để ý gì đến cảnh vật chung quanh. Chàng cũng không thấy mệt nữa, tuy ánh nắng chiếu trên lưng nóng rát, và mồ hôi từng giọt rỏ ở trên trán xuống. Tân chú ý đưa cái hái cho nhanh nhẹn, mỗi lần bông lúa rung động chạm vào mặt, vào người, mùi lúa chín thơm lại phảng phất lẫn với mùi rạ ướt mới cắt. Mùi thơm đó làm cho chàng say sưa như men rượu. [..] Mặt trời đã xế phía bên kia đồi. Ở dưới thung lũng, sương mù lạnh trắng xóa lan ra lẫn với làn khói tỏa ở xung quanh các làng. Cỏ bên đường đi đã ướt. Về phía xa, có ngọn lửa của ai đốt trên sườn rặng núi mờ ở chân trời. Tân với bọn thợ bước đều trở về nhà, ai nấy yên lặng không nói gì, như cùng kính trọng cái thời khắc của một ngày tàn. Trong cái thời khắc này, Tân như thấy cảnh vật đều có một tâm hồn, mà lớp sương mù kia là tâm hồn của đất màu, đã nuôi hạt thóc cần cho sự sống của loài người. (Trích truyện ngắn Những ngày mới – Thạch Lam) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt của đoạn trích. Câu 2. Nêu nội dung của đoạn trích. Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của các từ láy được sử dụng trong đoạn trích. Câu 4. Anh/ chị hãy nhận xét về nghệ thuật tả cảnh của nhà văn Thạch Lam trong đoạn trích. Câu 5 . Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: "Tiếng hái đưa vào gốc lúa xoàn xoạt như tiếng trâu bò ăn cỏ." . Câu 6 . Xác định các phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích. Câu 7: Nhận xét tâm trạng của Tân trong đoạn sau: "Tân chú ý đưa cái hái cho nhanh nhẹn, mỗi lần bông lúa rung động chạm vào mặt, vào người, mùi lúa chín thơm lại phảng phất lẫn với mùi rạ ướt mới cắt. Mùi thơm đó làm cho chàng say sưa như men rượu." Câu 8: Cảm nhận về khung cảnh hoàng hôn trong đoạn trích. Gợi ý đáp án: Câu 1. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích: tự sự, miêu tả, biểu cảm . Câu 2. Nội dung: Đoạn trích miêu tả cảnh cắt lúa của Tân cùng những người thợ hái từ trưa đến xế chiều, và cảm xúc của Tân trước khung cảnh ngày mùa của làng quê. Câu 3. - Các từ láy có trong đoạn trích: rải rác, xoàn xoạt, nhanh nhẹn, phảng phất, say sưa - Tác dụng: + Tăng sức gợi hình, gợi cảm, tạo sự sinh động cho câu văn. + Giúp miêu tả chân thực, sinh động vẻ đẹp của khung cảnh mùa gặt ở làng quê và khắc họa cảm xúc, tâm trạng của nhân vật Tân. Câu 4. Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giàu sức gợi, Thạch Lam đã miêu tả cảnh tượng gặt lúa đầy sinh động; giọng điệu nhẹ nhàng, giàu chất trữ tình. Câu 5. - Biện pháp tu từ: So sánh tiếng lưỡi hái cắt lúa như tiếng trâu ăn cỏ. - Tác dụng: + Về hình thức: Tăng sức biểu đạt, sự sinh động, gợi hình gợi cảm cho câu văn + Về nội dung: Nhấn mạnh âm thanh đặc trưng của mùa gặt, cho thấy được sự khung cảnh nhộn nhịp, vội vã trên đồng lúa chín. Câu 6 . Các phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích: - Phép nối: Mỗi khi, rồi, trong c trưng của mùa gái thời khắc này.. - Phép lặp: Tân, lúa.. - Phép thế: Họ, mùi thơm đó, thời khắc này, lớp sương mù kia.. - Phép liên tưởng: Bông lúa, bó lúa, lượm lúa, mùi lứa chín, gặt, hái, gốc lúa, rơm rạ, ruộng.. Câu 7: Tân đắm mình trong lao động dưới ánh nắng mặt trời nên chàng ngửi thấy mùi hương của lúa chín, của rơm rạ quyện vào nhau, chính mùi hương đặc trưng của mùa gặt đã khiến Tân say sưa trong niềm vui, sự hân hoan khi tham gia vào quá trình lao động ở quê hương, chất men say của cuộc sống thường nhật như thấm đẫm trong từng bông lúa chín mà chằng gặt hái. Câu 8: Hoàng hôn buông xuống nơi làng quê được miêu tả qua những hình ảnh rất đặc trưng: Mặt trời ngả bóng về tây, sương bắt đầu ngưng đọng trên cỏ, tạo ra cái không khí lành lạnh nơi thung lũng. Đây là thời khắc quây quần bên gia đình sau 1 ngày lao động vất vả nên những tia khói bếp bắt đầu xuất hiện. Cảnh hoàng hôn đẹp, ấm áp và sâu lắng. Đoàn người lẳng lặng ra về, dường như cảm xúc hăng hái của ban ngày đang đọng lại trong tâm trí họ. Trong giờ phút này Tân dường như cảm nhận được tâm hồn của đất, đó chính là chất nhựa nuôi sống nơi này. ĐỀ SỐ 2 Đọc văn bản: "Thương thay thân phận con tằm, Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ. Thương thay lũ kiến li ti, Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi. Thương thay hạc lánh đường mây. Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi. Thương thay con cuốc giữa trời. Dầu kêu ra máu có người nào nghe." (Sưu tầm Ca dao Việt Nam, www. Thivien.net) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Xác định thể thơ của bài ca dao. Câu 2. Xác định hình ảnh các con vật được nhắc đến trong bài ca dao. Câu 3. Bài ca dao trên thuộc chủ đề ca dao nào? Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp trong bài ca dao. Câu 5. Nêu nội dung của hai câu ca dao: Thương thay thân phận con tằm, /Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ. ? Câu 6. Bài ca dao trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về số phận người dân trong xã hội cũ? Câu 7 . Viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận về bài ca dao trên. Câu 8: Tìm một bài ca dao cùng chủ đề. Gợi ý đáp án: Câu 1: Thể thơ: Lục bát Câu 2: Hình ảnh các con vật được nhắc đến trong bài ca dao: Con tằm, con kiến, chim hạc, con cuốc. Câu 3: Bài ca dao trên thuộc chủ đề: Ca dao than thân. Câu 4: - Phép điệp: Thương thay (4 lần) - Tác dụng: + Tạo nhịp điệu, mạch liên kết cho bài ca dao, gây ấn tượng cho người đọc. +Nhằm nhấn mạnh nội dung của bài ca dao: Nỗi thương xót đối với số phận bất hạnh của những người dân trong xã hội cũ. Câu 5: Nội dung của hai câu ca dao Thương thay thân phận con tằm, /Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ là: Thương xót cho nỗi khổ chung của những thân phận suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lực, công lao. Câu 6: Bài ca dao gợi nên sự đồng cảm, đau xót với nỗi vất vả, gian khó, thân phận thấp hèn của người dân khi xưa. Đồng thời phê phán, lên án chế độ xã hội cũ với bao bất công, ngang trái Câu 7: Nếu tục ngữ là kho tàng trí tuệ thì ca dao là diện mạo tâm hồn của nhân dân lao động. Ca dao than thân là tiếng hát về cuộc sống vất vả, khó nhọc có khi là oan trái của người bình dân. Bài ca dao trên là tiếng than về cuộc sống lao động vất vả ăn bữa nay lo bữa mai, cả ngày quần quật với công việc, thậm chí bị bóc lột sức lao động. Bài ca dao gây ấn tượng với điệp ngữ "Thương thay" ở đầu câu của mỗi vế. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại như nỗi khổ sở không dứt của thân phận. Đó chính là thân phận của những con người nghèo khổ thấp cổ bé họng trong xã hội cũ. Bài ca dao còn sử dụng những hình ảnh mang tính chất ẩn dụ như: Con tằm, con kiến, chim hạc, con cuốc. Đây đều là những con vật nhỏ bé, chăm chỉ lao động thế nhưng ăn thì ít làm thì nhiều, mấy ai hiểu thấu cho nỗi cơ cực của chúng. Chính vì vậy chúng là hình ảnh đại diện cho người lao động bình dân. Hình ảnh con tằm nhả tơ, con kiến kiếm ăn, con hạc bay mỏi cánh, con cuốc kêu ra máu được tăng cấp dần về nỗi khổ khiến người đọc cảm nhận được sự cực nhọc đến đáng thương của thân phận những con người nghèo khổ xưa kia. Tiếng than trong bài ca dao chất chứa bao nhiêu nỗi lòng của người bình dân cho đến ngày nay, những con người như con ong cái kiến ấy vẫn còn tồn tại như một minh chứng cho sự khó nhọc ở đời. Câu 8: Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn Đi vay đi dạm, được một quan tiền Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái Về nuôi ba tháng, hắn đẻ ra mười trứng Một trứng ung Hai trứng ung Ba trứng ung Bốn trứng ung Năm trứng ung Sáu trứng ung Bảy trứng ung. Còn ba trứng nở ra ba con Con diều tha Con quạ quắp Con mặt cắt xơi Chớ than phận khó ai ơi! Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. ĐỀ SỐ 3 Đọc văn bản: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng, Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi; Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời. Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ, Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ; Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa. Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng, Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra, Làm giật mình một cô nàng yếm thắm Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa. (Chiều xuân – Anh Thơ) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào? Câu 2. Xác định các phương thức biểu đạt của văn bản. Câu 3. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Câu 4. Nêu nội dung chính của văn bản trên. Câu 5. Chỉ ra ba bức tranh vẽ ba khung cảnh khác nhau trong cùng một thời điểm trong văn bản. Câu 6. Hãy thống kê những từ láy trong văn bản và phân tích giá trị biểu đạt chung của những từ láy đó. Câu 7. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất. Câu 8. Anh/chị hãy nhận xét tình cảm, cảm xúc của nhà thơ qua văn bản. Câu 9. Qua văn bản anh chị suy nghĩ như thế nào về vai trò của quê hương đối với mỗi người. Gợi ý đáp án: Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ 8 chữ (8 tiếng) Câu 2. Các phương thức biểu đạt của văn bản: Miêu tả, biểu cảm Câu 3. Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Câu 4. Nội dung chính của văn bản trên: Vẻ đẹp thanh bình, yên ả của một buổi chiều quê. Câu 5. Ba bức tranh vẽ ba khung cảnh khác nhau trong cùng một thời điểm trong văn bản: + Một bến vắng + Những triền đê + Trên đồng lúa Câu 6. - Các từ láy: êm êm, im lìm, tơi bời; vu vơ, rập rờn, thong thả; chốc chốc. - Tác dụng: + Làm tăng sức gợi hình, gởi cảm + Góp phần diễn tả cảnh chiều xuân thanh bình, yên ả, đẹp nhưng đượm buồn Câu 7. - Biện pháp nhân hóa trong câu: Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi . - Tác dụng: Làm tăng sức biểu đạt và sự sinh động cho câu thơ, đồng thời lột tả được vẻ thanh nhàn của một buổi chiều quê. Câu 8. Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ: - Thể hiện tấm lòng thơm thảo, tình yêu quê hương tha thiết - Phảng phất nét buồn trong sáng, lãng mạn Câu 9. Vai trò của quê hương đối với mỗi người: + Là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách làm người, + Là điểm tựa tinh thần vững chắc trong cuộc đời con người + Là động lực để con người phấn đấu học tập, lao động.. ĐỀ SỐ 4 Đọc văn bản Những phiền muộn, bực tức trong lòng có thể khiến bạn cảm thấy khó thở. Cách vượt lên tốt nhất là tìm cách bỏ qua, tha thứ cho những lỗi lầm, thiếu sót của người khác. Đành rằng tha thứ cho người khác không phải là một điều dễ dàng. Theo phản ứng tự nhiên, chúng ta thích chấp nhặt, thích trả đũa.. Tuy nhiên, nếu sống mà cứ luẩn quẩn mãi trong những suy nghĩ nhỏ nhen, tầm thường thì chúng ta rất khó làm nên được chuyện gì lớn lao trong cuộc sống. Tha thứ không chỉ là món quà ta trao tặng người khác mà còn là quà tặng cho chính bản thân ta. [..] Con người chỉ đáng được trân trọng khi biết nỗ lực vượt lên những nhỏ nhen, ti tiện ở đời. Sự tha thứ của bạn là cao cả, cho nên nó không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì kèm theo. Nói cách khác, nơi bạn luôn sẵn có một tầm vóc cao cả, như "mặt trời gieo hạt nắng vô tư", để sẵn lòng tha thứ cho người khác, không cần so đo xem người khác có xứng đáng được tha thứ hay không. Mỗi ngày, bạn hãy thử ngước lên nhìn bầu trời để học lấy bài học về lòng bao dung, tha thứ . (Trích Chìa khóa sống giản dị - Lại Thế Luyện, NXB Thời đại) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2. Chỉ ra các phép liên kết được sử dụng trong văn bản. Câu 3. Theo tác giả cách tốt nhất để vượt lên "những phiền muộn, bực tức trong lòng" là gì? Câu 4. Vì sao tha thứ cho người khác không phải là một điều dễ dàng? Câu 5. Vì sao tác giả cho rằng "Tha thứ không chỉ là món quà ta trao tặng người khác mà còn là quà tặng cho chính bản thân ta." Câu 6. Anh/chị có đồng tình với ý kiến "Con người chỉ đáng được trân trọng khi biết nỗ lực vượt lên những nhỏ nhen, ti tiện ở đời" không? Vì sao? Câu 7. Theo anh/ chị, làm thế nào để có thể tha thứ cho người khác? Câu 8. Ý nghĩa của việc tha thứ cho lỗi lầm của người khác là gì? Gợi ý đáp án: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận Câu 2. Các phép liên kết có trong văn bản: - Phép nối: Tuy nhiên, nói cách khác - Phép lặp: Tha thứ, người khác Câu 3. Theo tác giả cách tốt nhất để vượt lên "những phiền muộn, bực tức trong lòng" là tìm cách bỏ qua, tha thứ cho những lỗi lầm, thiếu sót của người khác Câu 4. Tha thứ cho người khác không phải là một điều dễ dàng vì: Theo phản ứng tự nhiên, chúng ta thích chấp nhặt, thích trả đũa. Câu 5. Tác giả cho rằng "Tha thứ không chỉ là món quà ta trao tặng người khác mà còn là quà tặng cho chính bản thân ta" vì tha thứ giúp người khác được an lòng, bớt day dứt, còn với chính bản thân ta, tha thứ giúp ta vượt lên những nhỏ nhen, ti tiện ở đời. Câu 6. - Đồng tình với ý kiến "Con người chỉ đáng được trân trọng khi biết nỗ lực vượt lên những nhỏ nhen, ti tiện ở đời" . - Giải thích: Con người sống theo bản năng rất dễ dàng nhưng có thể chế ngự những bản năng ích kỉ, nhỏ nhen thì mới có thể làm việc lớn, mới có thể nhẹ lòng buông bỏ những muộn phiền, để sống vui vẻ và tích cực hơn. Câu 7. Muốn tha thứ cho người khác trước hết ta phải biết rằng ai cũng có thể phạm lỗi, gây ra lỗi lầm lớn hoặc nhỏ, kể cả bản thân ta. Nếu ta cứ chằm chằm nhìn vào khuyết điểm của người khác và lợi ích của cá nhân mình thì ta không thể thông cảm cho lỗi lầm của người khác được. Bản thân ta khi phạm lỗi nhận được sự tha thứ của người khác thì ta cũng nên nghĩ thoáng đi mà khoan dung cho người. Câu 8. Ý nghĩa của việc tha thứ cho lỗi lầm của người khác là gì? - Khiến cho người phạm lỗi biết ăn năn hối cải và sửa đổi - Giúp ta vơi bớt bực bực bội trở nên nhẹ nhõm hơn. - Giúp mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa, tốt đẹp hơn.