Một số câu hỏi phụ trong Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 8 Tháng sáu 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề bài câu nghị luận văn học, ngoài việc phải cảm nhận/ phân tích/ bình luận, các bạn còn phải trả lời câu hỏi phụ chiếm 0, 5đ. Đừng coi thường số điểm 0, 5đ, bởi nó có thể giúp bạn đạn 8+, 9+ và giúp bạn đỗ được ngôi trường và bạn mong muốn đó. Hãy tham khảo một số câu hỏi và cách trả lời sau nhá!

    Câu 1: Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

    Qua đoạn trích, ta cũng thấy được nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Tô Hoài. Đó là cách nhà văn lựa chọn ngôi kể, thủ pháp, phương thức được sử dụng trong quá trình trần thuật. Nghệ thuật kể chuyện còn được xác định trong việc xây dựng kết cấu không gian và thời gian của câu chuyện. Mỗi yếu tố của nghệ thuật kể chuyện đều có vai trò làm nên sức hấp dẫn khác nhau của câu chuyện. Trong đoạn trích, nhà văn sử dụng ngôi kể thứ ba khách quan, chân thực, giấu mặt đứng ngoài quan sát biết hết mọi chuyện. Phương thức biểu đạt: Chính là tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm góp phần tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn hơn từ đó trang đời của Mị dần dần được hé mở. Chưa hết, tác giả đã sử dụng thủ pháp đối lập khi đặt Mị trong sự tương phản với gia đình nhà thống lí Pá Tra; trong khát vọng hạnh phúc với hành động bạo tàn của thống lí, khắc họa bản chất tàn bạo của bọn thống trị miền núi và số phận bất hạnh của người lao động miền núi. Không gian câu chuyện: Tây Bắc xa xôi, huyền bí; thời gian: Đảo lộn không tuân theo trật tự tuyến tính tạo nên sự hấp dẫn, kích thích trí tò mò từ người đọc. Qua nghệ thuật kể chuyện ta thấy được tài năng Tô Hoài linh hoạt, trần thuật sinh động giúp cho câu chuyện có sức hút hơn. Đồng thời với nghệ thuật kể chuyện này tác giả đã thể hiện được ý đồ nghệ thuật của mình trong việc tư tưởng của chuyện: Nghệ thuật kể chuyện có vai trò quan trọng quyết định cho sự thành bại của câu chuyện. Mỗi nhà văn lại có một cách kể chuyện riêng để làm nên "thương hiệu" của mình.

    Câu 2: Nhận xét cách nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn Tô Hoài.

    Qua đoạn trích, ta cũng thấy được cách nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn. Trước hết, về cách nhìn về cuộc sống: Là cái nhìn hiện thực khi nhà văn muốn thể hiện một cách chân thực bức tranh xã hội thực dân, phong kiến miền núi với những mâu thuẫn giữa tầng lớp địa chủ phong kiến thực dân với quần chúng lao động. Đúng như quan niệm của nhà văn "Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật". Tiếp đến, về cách nhìn về con người: Là cái nhìn nhân đạo. Trong đó, Sê-khốp đã từng khẳng định: "Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy". Sê-khốp coi tinh thần nhân đạo là phẩm chất bắt buộc phải có trong mỗi người cầm bút, là tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ chân chính của nhà văn. Bởi tác phẩm văn học chân chính thể hiện cái tâm của người nghệ sĩ, phải hàm chứa tinh thần nhân văn sâu sắc, chứa đựng niềm vui, nỗi khổ đau của con người. Xuất phát từ sự gắn bó, am hiểu và tình yêu thương với mảnh đất và con người miền núi, từ hiện thực cách mạng với nhiều đổi thay nhà văn đã hướng đến những người lao động bình dị, chất phác bằng tình cảm sâu sắc, mộc mạc, chân thành, yêu thương và cảm phục. Ngược lại, đối với những nhân vật phản diện như A Sử và Thống lí Pá Trá, nhà văn sử dụng những ngôn từ chân thực, mang tính phê phán mạnh mẽ sự lộng hành và ác độc của gia đình nhà thống lý. Người đọc cũng có thể cảm nhận được sự trân trọng, tin yêu của nhà văn với vẻ đẹp của những người dân miền núi. Điển hình, trong mắt Tô Hoài, Mị là người hội tụ của nhiều vẻ đẹp từ ngoại hình, đến tài năng và cả vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt. Hơn nữa, với cái nhìn đầy yêu thương, nhà văn đã tìm ra lối thoát cho nhân vật của mình, giải thoát cho đồng bào miền núi bằng ánh sáng cách mạng, khẳng định, tin tưởng vào khả năng, sức mạnh, tương lai tốt đẹp của người dân miền núi. Đồng thời, cách nhìn mới mẻ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang lại chất lượng mới cho văn học kháng chiến, đồng thời thể hiện tài năng, tấm lòng nhà văn Tô Hoài.

    Câu 3: Nhận xét chất thơ trong sáng tác của nhà văn Tô Hoài.

    Chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài hiện lên trước hết qua hình ảnh thiên nhiên vời vợi với những núi non, nương rẫy, sương giăng.. không thể lẫn được với một nơi nào trên đất nước ta. Những chi tiết miêu tả thiên nhiên đan xen, hòa quyện trong lời kể của câu chuyện. Đoạn trích cũng miêu tả rất tinh tế một phong tục rất đẹp, rất thơ của đồng bào vùng cao là lễ hội mùa xuân tràn ngập màu sắc và âm thanh, ấn tượng nhất về màu sắc là vẻ đẹp của váy hoa, của âm thanh là tiếng sáo. Nét đặc sắc nhất của chất thơ biểu hiện ở tâm hồn nhân vật Mị. Ẩn sâu trong tâm hồn Mị, một cô gái tưởng chừng như héo hắt, sống một cuộc đời lầm lũi "đến bao giờ chết thì thôi" ấy, có ai ngờ, vẫn le lói những đốm lửa của khát vọng tự do, của tình yêu cuộc sống. Tô Hoài còn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi khả năng diễn đạt tài tình những rung động sâu xa, tinh tế trong thế giới đa cung bậc và muôn vàn sắc thái của tình cảm của con người. Chất thơ còn thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật: Hàng loạt từ ngữ chỉ âm thanh, hình ảnh gợi hình, gợi cảm rất nên thơ. Các từ ngữ địa phương gợi những hình ảnh gần gũi đặc trưng cho miền núi Tây Bắc: Nương ngô, nương lúa, vỡ nương, lều canh nương, cùng những sinh hoạt độc đáo: Hái bí đỏ chơi quay, thổi sáo. Từ ngữ miêu tả chi tiết đẹp và giàu sức sống: Cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy đem ra phơi trên mỏm đá.. Chất thơ trong văn xuôi của Tô Hoài còn được tạo nên bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn cái khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện. Đoạn miêu tả giàu tính nhạc thơ, trữ tình gợi cảm. Âm điệu câu văn êm ả, ngắn và đậm phong vị Tây Bắc. Nhip kể chậm, giọng kể trầm lắng chứa đầy cảm thông, xót xa. Giọng trần thuật nhiều khi đã hòa vào tiếng nói bên trong nhân vật.

    Câu 4: Nhận xét về giá trị nhân đạo của đoạn trích.

    VD1: Giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản nhất của tác phẩm văn học chân chính, được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi khổ đau của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người; đồng thời tác phẩm cũng đã đứng hẳn về phía những nạn nhân mà lên án các thế lực tàn bạo đã chà đạp lên hạnh phúc, quyền sống và phẩm giá của con người. Với tác phẩm văn học hiện thực sau 1945, giá trị nhân đạo mới mẻ được thể hiện qua việc tác giả mở ra hướng đi cho nhân vật của mình về một cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Nhà văn đã bộc lộ niềm cảm thông, thương xót trước số phận đau khổ, bất hạnh của những con người lao động nghèo khổ ở vùng núi Tây Bắc, thể hiện qua cuộc đời bất hạnh của Mị. Nhà văn lên tiếng tố cáo, phê phán bọn chúa đất phong kiến miền núi đã dùng cường quyền, thần quyền và lợi dụng những tập tục cổ hủ của người Mèo để áp bức, bóc lột người dân. Nhà văn cũng phát hiện, trân trọng, khẳng định và ngợi ca những vẻ đẹp phẩm chất cao quý của con người dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Đó là sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân và sự phản kháng trong đêm cứu A Phủ. Nhà văn cũng thể hiện niềm tin sâu sắc và chỉ ra cho nhân vật của nhân vật con đường đến với tự do, hạnh phúc: Phản kháng và hướng đến ánh sáng cách mạng.

    VD2: "Văn học là cuộc đời.. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học", mỗi người nghệ sĩ lớn đều ý thức được đucợ mối quan hệ chặt chẽ giữa văn học và đời sống. Đời sống là nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn cho những sáng tác đầy nảy nở, bước đi trên từng nẻo đường là một giọt chắt chiu tư tưởng được hình thành. Qua tác phẩm "Vợ Chồng A Phủ", ta thấy không chỉ cáo lũ quan lại phong kiến bị lên án tố cáo, Tô Hoài còn phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất và khát vọng tự do hạnh phúc, cùng sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người lao động. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo Cách Mạng, gắn tình yêu thương với đấu tranh, gắn niềm tin vào tưởng lai đầy triển vọng của con người. Đó chính là sự diễn tả hợp lí những nghịch cảnh, những diễn biến phức tạp trong tâm hồn Mị, giúp nhà văn phần nào đạt đến cái gọi là "phép biện chứng tâm hồn. Cùng với cốt truyện sáng tạo, tình huống truyện độc đáo hấp dẫn, nghệ thuật kể chuyện giản dị," Vợ chồng A Phủ"vẫn giữ nguyên vẹn sức hấp dẫn của mình qua hàng nghìn thế kỉ.

    Câu 5: Nhận xét cái nhìn về người nông dân của nhà văn Tô Hoài.

    - Nhà văn nhìn người nông dân Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất miền núi đã bị chà đạp tàn nhẫn từ thể xác đến tinh thần. Nhưng trong chiều sâu tâm hồn của họ vẫn có sức sống tiềm tàng mãnh liệt của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình yêu và khát vọng tự do. Tuy sống trong thân phận trâu ngựa, bị đọa đày giữa địa ngục trần gian nhưng họ không bao giờ chịu đầu hàng số phận, mà vẫn tìm cách vượt ngục tinh thần, tâm hồn được hồi sinh. Đó còn là cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh của người nông dân trong tư tưởng tiến bộ của nhà văn cách mạng Tô Hoài.

    - Các nhìn mới mẻ, tin yêu về người nông dân cho thấy tài năng quan sát, miêu tả thiên nhiên, phong tục tập quán, đặc biệt khả năng diễn tả quá trình phát triển tính cách nhân vật hợp lí, tự nhiên, phong phú, phức tạp mà sâu sắc, phù hợp với quy luật phép biện chứng tâm hồn của nhà văn-người có duyên nợ với mảnh đất và con người Tây Bắc.

    Câu 6: Bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của nhà văn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

    Qua đoạn trích, ta cũng thấy rõ nét tư tưởng nhân đạo mà Tô Hoài gửi gắm. Nhà văn đã mở ra bức tranh hiện thực tăm tối, ngột ngạt của chế độ phong kiến miền núi, lên án giai cấp thống trị bất nhân được thực dân Pháp bảo trợ đã chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của những người dân lương thiện miền núi Tây Bắc. Nhà văn đã thể hiện sự đồng cảm với nỗi khổ đau mà người dân miền núi trong chế độ cũ phải gánh chịu như đồng cảm với thân phận làm dâu gạt nợ của Mị; với thân phận đây tớ và nỗi đau của A Phủ khi bị trói vào cây cọc để thế mạng con bò. Nhà văn còn phát hiện ra sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do và tinh thần phản kháng của con người bị áp bức và không chỉ bênh vực mà còn đưa họ đến chân trời tự do, rộng mở. Từ đây, Tô Hoài đã khẳng định được chân lí muôn đời: Ở đâu có áp bức bất công thì ở đó có sự đấu tranh để chống lại nó dù đó là sự vùng lên một cách tự phát như Mị. Bạo lực không thể đè bẹp, hủy diệt khát vọng sống, khát vọng tự do, hạnh phúc. Chỉ có điều là để có thể giành được sự sống, tự do, hạnh phúc, con người có thể phải trải qua nhiều tủi nhục, đắng cay. Tấm lòng nhà văn dành cho đồng bào miền núi thật sâu nặng, nghĩa tình mà xét đến cùng đó chính là tấm lòng nhân đạo của người nghệ sĩ dành cho đất và người Tây Bắc.







     
    nguyenanh22LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...