Một số câu hỏi phụ trong Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 9 Tháng sáu 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Sau đây là một số câu hỏi phụ trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân. Các bạn tham khảo nha!

    Câu 1: Nhận xét về cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Đà và cái Tôi của nhà văn Nguyễn Tuân.

    1. Nhận xét những phát hiện về dòng sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân


    Tả sự hung bạo của sông Đà, tác giả không chỉ dừng lại ở hình ảnh một dòng sông ở miền đất Tây Bắc hoang sơ hùng vĩ mà nhằm làm nổi bật sông Đà như một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của thiên nhiên, đất nước. Qua cái nhìn của Nguyễn Tuân, Sông Đà không còn là con sông vô tri, vô giác mà là con sông có linh hồn, có cá tính như con người: Hung bạo, dữ dằn, hùng vĩ. Sông Đà hiện lên như một công trình kiến trúc tuyệt vời mà tạo hóa dành riêng cho mảnh đất Tây Bắc. Nó còn như một sinh thể có hồn, gần gũi, gắn bó với đất và người nơi đây.

    Qua hình tượng Sông Đà, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu mến tha thiết đối với thiên nhiên đất nước. Với ông, thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Cảm nhận và miêu tả Sông Đà, Nguyễn Tuân đã chứng tỏ sự tài hoa, uyên bác và lịch lãm. Hình tượng Sông Đà là trong tác phẩm có vai trò là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của người lao động trong chế độ mới.

    2. Cái Tôi của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện qua đoạn trích:

    - "Cái tôi" tài hoa, tinh tế thể hiện ở những rung động, say mê của nhà văn trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước.

    - "Cái tôi" uyên bác thể hiện ở cách nhìn và sự khám phá hiện thực có chiều sâu; ở sự vận dụng kiến thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú; ở sự giàu có về chữ nghĩa. Các thuật ngữ chuyên môn của các ngành quân sự, điện ảnh, thể thao.. được huy động một cách hết sức linh hoạt nhằm diễn tả một cách chính xác và ấn tượng những cảm giác về đối tượng.

    - "Cái tôi" tài hoa, tinh tế và uyên bác chính là một cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng yêu cái đẹp của người nghệ sĩ chân chính. Đồng thời cũng cho thấy quan niệm của Nguyễn Tuân: Viết văn là để khẳng định sự đọc đáo của chính người cầm bút.

    Câu 2: Nhận xét phong cách tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.

    Đọc đoạn trích cũng như toàn bộ tác phẩm, ta không thể không nhắc đến phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
    Hình ảnh sông Đà hung dữ ở một mức độ ghê gớm, hơn tất cả mọi con sông đã được tái hiện trong văn học, là bởi vì cảm quan sáng tác của Nguyễn Tuân chỉ hứng thú với những vẻ đẹp vượt lên mức bình thường, gây ấn tượng mãnh liệt. Biểu hiện phong cách tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân: Ông không chấp nhận sự sáo mòn. Ông luôn tìm kiếm những cách thức thể hiện, những đối tượng mới mẻ. Nhà văn luôn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, có ấn tượng với những sự vật gây cảm giác mạnh (Sông Đà là một sinh thể như vậy). Ông có xu hướng muốn tô đậm cái cá tính, phi thường của dòng sông Đà để gây cảm giác mãnh liệt, dữ dội. Tác giả bộc lộ sự tinh vi trong mĩ cảm với trường liên tưởng phong phú, ngôn ngữ vừa phong phú vừa tinh tế. Một cái tôi uyên bác khi huy động mọi kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để khắc họa hình tượng sông Đà. Nét độc đáo kết hợp với sự tài hoa và uyên bác trong ngòi bút Nguyễn Tuân khiến cho hình tượng sông Đà trở nên đặc sắc và đáng nhớ. Phong cách nghệ thuật đã thể hiện rõ Nguyễn Tuân là nhà văn có ý thức tự khẳng định cá tính độc đáo của mình. Chứng tỏ ông là người có một lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, một cuộc đời lao động nghệ thuật khổ hạnh, một trí thức tâm huyết với nghề. Người đọc yêu hơn, trân trọng hơn phẩm chất, cốt cách của con người đáng quý này.

    Câu 3: Nhận xét cái nhìn mang tính phát hiện vềcon người của nhà văn Nguyễn Tuân.

    Qua nhân vật ông lái đò, Nguyễn Tuân có cách nhìn mang tính phát hiện về người lao động mới: Ông đò chính là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của người lao động miền Tây Bắc âm thầm, giản dị, bình thường, nhỏ bé nhưng đã làm nên những kì tích lớn lao trong công cuộc chiến đấu với thiên nhiên hung dữ. Hình tượng ông lái đò nơi thác sông Đà hoang vu, khuất nẻo là bản anh hùng ca ca ngợi con người, là bức tượng đài sừng sững về con người trong công việc lao động chính phục tự nhiên để giành lấy miếng cơm manh áo. Thông qua hình tượng ông lái đò, nhà văn Nguyễn Tuân thể hiện sự trân trọng, cảm phục, ca ngợi con người Tây Bắc với chất vàng mười đã qua thử lửa trong tâm hồn, đồng thời thể hiện rõ sự tin tưởng của nhà văn với công cuộc xây dựng đất nước. Qua nhân vật ông đò cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận con người của Nguyễn Tuân sau cách mạng: Trước cách mạng, con người Nguyễn Tuân hướng tới ca ngợi là những "con người đặc tuyển, những tính cách phi thường". Sau cách mạng, nhân vật tài hoa của Nguyễn Tuân có thể tìm thấy ngay trong công cuộc chiến đấu, lao động hàng ngày của nhân dân. Nhà văn bộc lộ quan niệm về con người, tài hoa nghệ sĩ và anh hùng: Với Nguyễn Tuân con người dù làm bất cứ nghề nghiệp, công việc nào nếu đạt đến trình độ thành thạo và điêu luyện thì đều rất đáng quý đáng trọng vì khi đó ở họ bộc lộ sự tài hoa nghệ sĩ. Những người tài hoa nghệ sĩ không chỉ có ở những lĩnh vực có tính nghệ thuật mà còn có ở trong những lĩnh vực tưởng không liên quan đến nghệ thuật. Người nghệ sỹ không chỉ là người sáng tạo ra cái đẹp mà còn là người biến công việc lao động của mình trở thành một nghệ thuật.. Như ông lái đò trong tác phẩm đã trở thành người nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác qua ghềnh và biến công việc lái đò thành một nghệ thuật. Những người anh hùng không chỉ có ở nơi chiến trường mà còn có ngày ở trong cuộc sống hằng ngày trong cuộc vật lộn với tự nhiên để giành lấy cuộc sống.

    Câu 4: Nhận xét về chất thơ trong đoạn trích: "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài.. thác lũ ngay đấy"

    Đọc đoạn trích, ta ấn tượng với chất thơ mà Nguyễn Tuân thể hiện. Trước hết, đó là cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp trữ tình của dòng sông: Sông Đà như một người gái đẹp của núi rừng Tây Bắc với mái tóc dài, thật dài, mượt mà, tha thướt, gài buông lơi những bông hoa ban trắng ngần hay những bông gạo đỏ rực, thấp thoáng ẩn hiện giữa núi rừng mùa xuân mù sương khói.. Vẻ trữ tình của dòng sông mang vẻ đẹp của Đường thi khi nó gợi nhớ câu thơ của Lí Bạch. Ở xúc cảm tinh tế của tác giả trước dòng sông thơ mộng, trữ tình: Cảm giác đằm đằm ấm ấm và niềm vui như gặp lại cố nhân sau chuỗi ngày chia biệt. Đặc biệt, thán từ chỉ cảm xúc "Chao ôi" được nhà văn sử dụng để bày tỏ tình cảm với con sông thương nhớ. Ở phương diện nghệ thuật: điểm nhìn nghệ thuật khác biệt, những biện so sánh, liên tưởng thú vị độc đáo của Nguyễn Tuân: Sông Đà như một người con gái đẹp, như một cố nhân, nước Sông Đà đổi màu liên tục qua mỗi mùa trong năm, cách sử dụng ngôn từ giàu xúc cảm.. Để tôn thêm tính trữ tình của dòng sông, nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh trong sáng gợi cảm và đầy chất thơ. Nhịp điệu câu văn khi thì chậm rãi, lúc thì hối hả, mau lẹ do cách ngắt câu và diễn đạt theo lối điệp (bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà) để diễn tả niềm sung sướng đang trào dâng trong lòng tác giả. Vốn văn hóa, vốn từ vựng giàu có, trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn thả sức tung hoành, tạo nên những đoạn văn mượt mà như những lời thơ. Từ ngữ chọn lọc, độc đáo, sử dụng kiến thức hội họa, thơ ca để miêu tả.. Tất cả đã giúp Nguyễn Tuân tái hiện được sức sống mãnh liệt của mỹ nhân sông Đà thơ mộng và trữ tình.

    Câu 5: "Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. [..] và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên." Phân tích vẻ đẹp của hình tượng con Sông Đà trong đoạn trích trên đây. Từ đó, nêu ngắn gọn phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua tuỳ bút "Người lái đò Sông Đà".

    Đoạn văn đã thể hiện rõ nét những nét chính trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là nhà văn theo chủ nghĩa xê dịch và ưa cảm giác mạnh. Giống như các nhà văn theo chủ nghĩa xê dịch, Nguyễn Tuân thích đi nhiều để thay đổi cảm giác cho các giác quan. Ông không thích những gì bình thường và tầm thường nên đối tượng mà ông miêu tả đã đẹp thì phải đẹp đến mức tuyệt mĩ, dữ dội phải đến mức khủng khiếp và tài năng phải đến mức siêu phàm. Ông là người tài hoa, luôn nhìn nhận, đánh giá cảnh vật và con người ở phương diện cái đẹp và góc độ mĩ thuật. Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp kì vĩ và là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa. Khi miêu tả sông Đà, nhà văn đã vận dụng những tri thức ở nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lí, thi ca.. để viết về con Sông Đà trữ tình, thơ mộng. Hơn nữa, đoạn văn cũng thể hiện văn phong Nguyễn Tuân phóng túng, ngôn ngữ điêu luyện và phong phú, hình ảnh giàu liên tưởng bất ngờ, độc đáo. "Người lái đò Sông Đà" thể hiện sở trường ở thể loại tuỳ bút của ngòi bút Nguyễn Tuân. Đọc "Người lái đò Sông Đà" người đọc càng thêm quý trọng tài năng và tấm lòng của con người suốt đời đi tìm cái đẹp, làm giàu có đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta. Đoạn văn trích cho ta thấy được vẻ đẹp thơ mộng tiềm tàng sức sống của sông Đà, xúc cảm rất chân thành của người ngắm cảnh và một lần nữa, buộc ta phải khâm phục, ngưỡng mộ ngòi bút tài hoa tài tử của Nguyễn Tuân, những chữ nghĩa, ví von có hồn có mắt được nâng niu, cẩn thận góp nhặt qua "hàng trăm tuần trà, hàng ngàn lần dạo phố Hà Nội, đi Đông đi Tây chắt lọc lại, giữ lại cho chúng ta."

    Chúc các bạn thi tốt!
     
    Admin, THG NguyenLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 12 Tháng mười một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...