Một số câu hỏi phụ trong câu nghị luận về Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 3 Tháng mười một 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Yêu cầu phụ bài Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài


    Đề thi môn Ngữ văn THPTQG ngoài mục đích hướng đến xét tốt nghiệp là chính, còn có mục đích phân loại để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Cho nên trong câu hỏi của phần nghị luận văn học (câu 5 điểm) cũng sẽ có phần vừa sức cho thí sinh ở mức học trung bình (vế đầu của đề bài) và phần khó hơn cho thí sinh khá, giỏi (vế sau của đề bài).

    Ví dụ: Câu 5 điểm trong đề thi THPTQG năm 2018:

    Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

    Phần in đậm trong đề ví dụ trên là vế câu hỏi phụ chủ yếu để phân loại học sinh. Phần này, đa số những học sinh khá, giỏi, nắm vững kiến thức bài học, có kĩ năng khái quát kiến thức.. mới có thể làm trọn vẹn.

    Tùy từng văn bản mà câu hỏi kèm theo có thể là một vấn đề về nội dung, có thể là một vấn đề về nghệ thuật.

    Câu hỏi phụ kèm theo này thường chỉ yêu cầu thí sinh viết với dung lượng vừa phải, thường là một đoạn hoặc một vài đoạn nhỏ khoảng 10 – 20 dòng sau khi nghị luận vấn đề trọng tâm ở phần đầu bài viết. Tuy chỉ 10 -20 dòng, nhưng phần này có thể chiếm 0.75 – 1 điểm trong biểu điểm của câu nghị luận văn học.

    Những chia sẻ sau đây là một số câu hỏi phụ - yêu cầu phụ bài Vợ chồng A Phủ thường gặp trong đề thi, đề kiểm tra bên cạnh các câu hỏi chính.

    [​IMG]

    Nhận xét (bình luận) về giá trị hiện thực

    Định hướng: Cần nẳm rõ những biểu hiện của giá trị hiện thực.

    Trong truyện ngắn "Trăng sáng", Nam Cao đã từng viết: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Quả thực, văn chương luôn bắt đầu từ điểm xuất phát là cuộc đời. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chẳng thể nào tồn tại mãi nếu nó xa rời thực tế. Hiện thực cuộc sống được người nghệ sĩ lựa chọn đưa vào trong tác phẩm qua cái nhìn, quan điểm và ngòi bút của mình, đem đến với bạn đọc, để từ đó mở ra bức tranh đời rộng lớn. Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (hoặc qua đoạn trích trên – đoạn vừa phân tích), ta sẽ bắt gặp ở đó giá trị hiện thực sâu sắc, bức tranh đời đớn đau của những người dân miền núi. Truyện không chỉ cho ta thấy sự tàn bạo độc ác trong chế độ cai trị của bọn chúa đất miền núi qua hình ảnh cha con thống lí Pá Tra, A Sử và đám tay sai của chúng mà còn tái hiện lại cuộc sống thống khổ bị bóc lột của người lao động vùng cao Tây Bắc dưới sức đàn áp của cường quyền và thần quyền.. Giá trị hiện thực khiến cho tác phẩm trở nên sâu sắc hơn, gần đời hơn.

    Nhận xét (bình luận) về giá trị nhân đạo

    Định hướng: Cần nắm rõ những biểu hiện của giá trị nhân đạo.

    "Một nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy", T. Sekhop đã từng khẳng định như vậy. Nhà văn, bên cạnh việc phải phản ánh chân thực bức tranh cuộc sống và con người, còn cần phải đưa vào trong tác phẩm của mình, tình cảm, suy nghĩ và quan điểm của mình về cuộc đời, về con người. Đó là giá trị nhân đạo của tác phẩm.

    Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (hoặc qua đoạn trích trên – đoạn vừa phân tích), ta sẽ thấy được ở đó giá trị nhân văn, tấm lòng nhân đạo của nhà văn. Điều đó được thể qua lòng cảm thương sâu sắc của Tô Hoài dành cho số phận những người dân bị áp bức. Từ thương cảm, nhà văn đã lên tiếng tố cáo chế độ phong kiến miền núi tàn ác, những hủ tục lạc hậu đã đẩy con người vào tình cảnh khốn khổ (cúng trình ma, bắt vợ, xử kiện phạt vạ, cho vay nặng lãi). Đồng thời, nhà văn còn ca ngợi nâng niu và trân trọng vẻ đẹp, phẩm chất của những con người miền núi. Không chấp nhận để nhân vật rơi vào ngõ cụt, nhà văn còn chỉ ra cho họ con đường mới – con đường tìm đến cách mạng để tự giải phóng cuộc đời.

    Giá trị nhân đạo sâu sắc ấy đã mang đến cho người đọc những ấn tượng đậm nét và mang đến sức sống lâu bền cho tác phẩm.

    Nhận xét về nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của tác giả.

    Đoạn: Ở lâu trong cái khổ, Mị quen.. chết thì thôi.

    Định hướng: Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của Tô Hoài: Nhận xét cách nhà văn khắc họa nhân vật qua dòng tâm trạng, hành động, dáng vẻ, ngôn ngữ nhân vật, chi tiết tiêu biểu, yếu tố ngoại cảnh, sử dụng từ ngữ, giọng văn, biện pháp nghệ thuật..

    Đoạn trích thể hiện những nét đặc sắc trong nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật Mị của nhà văn Tô Hoài. Để khắc họa nhân vật Mị với những nỗi thống khổ trong kiếp sống nô lệ nhà thống lí, với sự chai sạn, vô cảm trong cảm xúc tâm hồn, nhà văn đã miêu tả nhân vật chủ yếu qua ý nghĩ và hành động lặp đi lặp lại. Mặt khác, chuỗi hình ảnh so sánh tăng cấp, từ so sánh ngang bằng (Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, như con rùa lùi lũi) đến so sánh hơn (Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày).. cũng mang lại hiệu quả biểu đạt cao trong khắc họa chân dung nhân vật. Đặc biệt, chi tiết căn buồng Mị với cái ô cái cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay còn mang lại những ám ảnh sâu sắc trong lòng độc giả về nhân vật Mị với cuộc sống như ngục tù, tăm tối, quẩn quanh, bế tắc.

    Nhận xét (bình luận) về sự chuyển biến của nhân vật Mị

    Qua đoạn: "Lần lần, mấy năm qua.. Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa"

    Định hướng: Sự chuyển biến của nhân vật Mị: Nhận xét sự thay đổi, chuyển biến của nhân vật từ trạng thái này sang trạng thái khác như thế nào? Sự chuyển biến ấy thể hiện điều gì ở nhân vật? Thể hiện tư tưởng gì của nhà văn?

    Đoạn văn mở ra hai trạng thái tâm lí của cô Mị, một là "quen khổ rồi", hai là "phơi phới trở lại", "muốn đi chơi". Nếu ở phần đầu đoạn văn người đọc nhận ra một cô Mị thụ động, cam chịu số phận thì đến phần sau của đoạn, dấu ấn về sự "nổi loạn", bứt phá bắt đầu xuất hiện trong cô gái này. Đó là sự trỗi dậy của Mị, tiền đề cho những phản kháng để giải thoát thân phận ở những diễn biến kế tiếp.

    Như vậy đoạn văn đã cho ta thấy sự chuyển biến của nhân vật Mị trong suy nghĩ, nhận thức và cả hành động. Từ đây ta nhận ra cô Mị của Tô Hoài không giống kiểu người hiền hậu khốn khổ như trong cổ tích đã từng dựng xây. Tô Hoài đã thổi vào trang văn của mình cảm hứng của con người hiện đại, không cam chịu đã vùng lên khát khao tìm hạnh phúc, tìm cuộc sống tự do.

    Trước đây, ta tưởng khát vọng sống đã tàn lụi và chết hẳn trong tâm hồn Mị. Thế nhưng không! Ngọn lửa tình yêu cuộc sống, khát vọng về hạnh phúc tự do vẫn âm ỉ cháy trong sâu thẳm tâm hồn ấy. Khi có điều kiện thuận lợi, ngọn lửa đó đã được khơi dậy và bùng lên mạnh mẽ, đưa Mị trượt ra khỏi trạng thái thờ ơ, vô cảm thường ngày.

    Miêu tả sự chuyển biến ấy của Mị, nhà văn đã gửi vào trang viết tấm lòng đồng cảm, yêu thương sâu sắc của mình dành cho nhân vật. Nhà văn đã không để cho nhân vật của mình chìm đắm trong đau khổ triền miên, ông mang đến cho Mị những phút giây rạo rực trong khát khao hạnh phúc, tình yêu để làm sống dậy một cô Mị trẻ trung, yêu đời thuở mười tám, đôi mươi..

    Nhận xét (bình luận) về ngòi bút miêu tả tâm lí sắc sảo của Tô Hoài

    Qua đoạn miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân hoặc đêm đông cởi trói cứu A Phủ.

    Định hướng: Ngòi bút miêu tả tâm lí: Nhận xét cách nhà văn miêu tả tâm lí nhân vật qua cách nhà văn miêu tả dòng tâm trạng của nhân vật một cách trực tiếp, hay gián tiếp qua ngoại cảnh, hành động, ngôn ngữ, cách nhà văn sử dụng từ ngữ, biện pháp nghệ thuật, chi tiết tiêu biểu..

    Đoạn trích không chỉ thể hiện phong cách nghệ thuật đặc sắc của Tô Hoài ở lối trần thuật hấp dẫn, lôi cuốn, giọng văn trầm lắng, ngôn ngữ giàu chất thơ, chất tính tạo hình và đậm phong vị miền núi.. mà còn tạo ấn tượng đặc biệt ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Nhà văn ít miêu tả hành động mà chủ yếu là khắc họa tâm tư, thế giới đời sống nội tâm nhân vật. Nhà văn đã kiên trì dõi theo sự thức tỉnh trong tâm hồn Mị, tinh tế trong cách lựa chọn ngôn từ khi diễn tả những biến đổi ấy của Mị. Có cảm tưởng như Tô Hoài đang nhập thân vào nhân vật Mị, hòa mình vào dòng tâm tư ấy để nói giùm cô những trạng thái cảm xúc tinh tế nơi sâu thẳm tâm hồn.

    Tô Hoài còn khéo léo dẫn những thôi thúc của ngoại cảnh làm cơ cở cho sự thức tỉnh trong tâm hồn Mị (yếu tố tiếng sáo, không khí mùa xuân, hoặc dòng nước mắt A Phủ). Quá trình thức tỉnh đó được miêu tả đi dần từ những cõi xưa về cõi nay, từ vô thức, tiềm thức đến ý thức. Đoạn văn không dài nhưng đủ để chúng ta cảm nhận được sức sống tiềm tàng, khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt trong nhân vật Mị và cũng đủ để chúng ta thán phục sự tinh tế trong ngòi bút miêu tả nội tâm của Tô Hoài.

    Nhận xét (bình luận) về phong vị miền núi trong tác phẩm hoặc một đoạn trích

    Định hướng: Phong vị miền núi trong tác phẩm: Nhận xét về những yếu tố tạo nên phong vị miền núi cho đoạn trích hay tác phẩm: Phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, nếp sống thường nhật, cách nghĩ, cách làm.. của các nhân vật; những yếu tố như thiên nhiên, cảnh vật, sự vật được nhà văn miêu tả..

    Đề tài miền núi là đề tài đã đem lại nhiều vinh quang cho sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài, đồng thời còn mở ra một giai đoạn mới cho văn học viết về đời sống của những người lao động nơi rẻo cao Tây Bắc. Bằng vốn hiểu biết về đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi qua chuyến đi thực tế và tài năng văn chương của mình, Tô Hoài đã tạo nên những tác phẩm vô cùng đặc sắc, mang đậm màu sắc dân tộc. Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" cũng ghi nhận những nét đặc sắc ấy của Tô Hoài khi viết về đề tài này. Tác phẩm đã mang đến những thông tin phong phú về phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, nếp sống nếp nghĩ.. với những nét rất riêng của đồng bào Tây Bắc như khung cảnh đón xuân với trai gái trẻ con ra sân tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn, nhảy múa.. cảnh đêm tình mùa xuân với tiếng sáo gọi bạn tình réo rắt, cảnh uống rượu ngày Tết, cảnh xử kiện ngập trong khói thuốc phiện, tục cướp vợ, tục cúng trình ma..

    Phong vị miền núi còn gợi lên từ nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh đặc trưng của miền rẻo cao: Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ..

    Ngoài ra, ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật, lời bài hát xen kẽ.. cũng góp phần tạo nên phong vị Tây Bắc rất riêng cho những trang văn Tô Hoài.

    Nhận xét (bình luận) về chất thơ trong ngòi bút Tô Hoài

    Đoạn miêu tả đêm tình mùa xuân.

    Định hướng: Chất thơ trong ngòi bút Tô Hoài: Nhận xét về những yêu tố làm nên chất thơ (chất trữ tình, lãng mạn) : Giọng văn, cảm xúc nhân vật, cảnh vật thiên nhiên, ngôn từ, hình ảnh.. được nhà văn miêu tả

    Đúng như ai đó đã từng nhận xét: "Có một chất thơ ngọt ngào, dịu dàng lan tỏa trong cảnh sắc, trong dòng hồi ức của Mị và trong nhịp điệu câu văn, trong lời bài hát, trong những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm", đoạn văn miêu tả đêm tình mùa xuân trên núi cao tiêu biểu cho phong cách văn chương dạt dào chất thơ của Tô Hoài.

    "Chất thơ" trong tác phẩm văn xuôi có thể hiểu là vẻ đẹp lãng mạn được tạo ra từ sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn. Nó là vẻ đẹp bay bổng thơ mộng thoát lên từ đời sống hiện thực.

    Chất thơ dạt dào ấy thấm đẫm trong những câu văn thật hay nêu bật được hình ảnh đặc trưng về thiên nhiên Tây Bắc những ngày giáp Tết: "các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho", "gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội" . Hình ảnh những chiếc váy hoa"đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ" trong các làng Mèo Đỏ và tiếng sáo gọi bạn đi chơi"lấp ló ngoài đầu núi" mang đến chất thi vị cho mùa xuân Tây Bắc.

    Mặt khác, từ dòng hồi ức của Mị, ta còn cảm nhận được cái chất thơ vút lên từ cuộc sống của những con người bị vùi dập trong đau khổ, bất hạnh nhưng chưa bao giờ lụi tắt khát vọng sống, khát vọng tình yêu và tự do: "Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi [..] Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng [..] Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường [..] Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo..". "Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lácũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị".

    Chất thơ ngọt ngào, dịu dàng còn lan tỏa trong nhịp điệu câu văn khi co khi duỗi, trong những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm, trong lời bài hát xen vào nhịp kể trần thuật:

    Mày có con trai con gái

    Mày đi làm nương

    Tao chưa có con trai con gái

    Ta đi tìm người yêu


    Như vậy, đoạn văn miêu tả đêm tình mùa xuân trên núi cao tiêu biểu cho ngôn ngữ văn chương thấm đẫm chất thơ của Tô Hoài trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ".
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...