Vô đề (Bài thơ không tên) - Lý Thương Ẩn Nguyên tác: Tương kiến thì nan biệt diệc nan, Đông phong vô lực bách hoa tàn. Xuân tàm đáo tử ty phương tận, Lạp cự thành khôi lệ thủy can. Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải, Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn. Bồng Lai thử khứ vô đa lộ, Thanh điểu ân cần vị thám khan. Dịch nghĩa: Gặp gỡ nhau đã khó, chia lìa nhau lại càng khó Gió xuân không đủ sức, để trăm hoa tàn úa Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ Ngọn nến thành tro mới khô nước mắt Sớm mai soi gương, buồn cho tóc mây đã thay đổi Ngâm thơ ban đêm chợt nhận ra ánh trăng lạnh lẽo Đường từ đây tới Bồng Lai dù không xa Chim xanh hãy vì ta mà ân cần thăm dò tin tức Dịch thơ: Khó gặp nhau, càng khó biệt nhau Gió đông nỡ để cánh hoa nhàu Con tằm đến chết tơ còn nhả Ngọn nến ra tro lệ mới tàn Đêm hứng thơ ngâm buồn nguyệt lạnh, Ngày thương tóc úa tủi gương sầu. Bồng Lai đường có xa chi mấy, Thanh điểu nhờ thăm đã khẩn cầu.
Ngọc lâu xuân - Tôn tiền nghĩ bả quy kì thuyết (Trước chung rượu định nói thời gian trở về) - Âu Dương Tu Nguyên tác: Tôn tiền nghĩ bả quy kỳ thuyết, Vị ngữ xuân dung tiên thảm yết. Nhân sinh tự thị hữu tình si, Thử hận bất quan phong dữ nguyệt. Ly ca thả mạc phiên tân khuyết, Nhất khúc năng giáo trường thốn kết. Trực tu khán tận lạc thành hoa, Thủy cộng xuân phong dung dị biệt. Dịch thơ: Trước ly tính chuyện một nhà Ngại ngùng chưa nói xuân đà biến suy Thế nhân là giống tình si Hận này đâu phải tại vì gió trăng Chia tay ngại khúc ly ca Một chương cũng đủ xót xa ngậm ngùi Thử xem thành Lạc hoa rơi Gió mưa xuân cũng dễ thời biệt ly
Thẩm viên kỳ 1 (vườn Thẩm kỳ 1) - Lục Du Nguyên tác: Thành thượng tà dương họa giác ai, Thẩm viên phi phục cựu trì đài. Thương tâm kiều hạ xuân ba lục, Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai. Dịch nghĩa: Ánh nắng chiếu xiên trên thành, tiếng tù và buồn bã, Ao đài trong vườn Thẩm không còn được như xưa. Dưới cầu thương tâm là những đợt sóng nước xanh, Đã từng soi bóng chim hồng khi bay qua. Dịch thơ: Thành chiều buồn tiếng tù và, Đài, ao vườn Thẩm nay đà khác xưa. Dưới cầu sóng biếc buồn đưa, Cánh hồng thảng thốt, như vừa chiếu đây Giai thoại: Bài thơ này tác giả thương nhớ Ðường Uyển, người vợ cũ đã bị ép phải ly hôn và đã tái giá với người khác. Một hôm ông gặp lại nàng ở vườn Thẩm, hai người nhìn nhau đau khổ, nàng trở về nghĩ ngợi sinh ốm rồi chết. Năm ông 75 tuổi nhớ chuyện cũ, bèn làm hai bài thơ này. Lời bình: 75 tuổi, Lục Du còn viết được bài thơ tình nổi tiếng muôn đời, nhân thế xưa nay vẫn đảo điên và đẹp đẽ bởi chữ tình vậy. Sau bốn mươi năm, vẫn trông cảnh nhớ người. Hỡi ôi, vườn Thẩm hay phía Nam thành Lạc Dương, Thôi Hộ hay Phóng Ông thì cái cảm tình nguyên thủy cũng chẳng hề khác biệt chăng? Xưa nay, ái tình có lẽ vốn là một trong những thứ bi ai cổ xưa nhất của nhân loại..
Đề Đô thành Nam Trang (đề thơ ở trại phía Nam Đô thành) - Thôi Hộ Nguyên tác: Khứ niên kim nhật thử môn trung Nhân diện đào hoa tương ánh hồng Nhân diện bất tri hà xứ khứ Đào hoa y cựu tiếu đông phong Dịch nghĩa: Ngày này năm ngoái tại cửa đây Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng Khuôn mặt ấy không biết giờ ở đâu Đào hoa năm ngoái còn cười với gió đông Dịch thơ: Năm ngoái ngày này dưới cánh song Hoa đào ánh má mặt ai hồng Mặt ai nay biết tìm đâu thấy Chỉ thấy hoa cười trước gió Đông Giai thoại: Thôi Hộ tự Ân công, người quận Bác Lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực Lệ, Trung Hoa, sống vào khoảng niên đại Đường Đức Tông. Thôi Hộ vốn lận đận khoa cử lại là người tuấn nhã, phong lưu nhưng sống khép kín, ít giao du. Một lần nhân tiết Thanh minh chàng trai Thôi Hộ dạo chơi phía nam thành Lạc Dương. Nhân thấy một khuôn viên trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng xin nước uống. Lát sau lại thấy một thiếu nữ diễm lệ e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong, chàng ra đi. Năm sau, cũng trong tiết Thanh Minh, người con trai trở lại chốn cũ, nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ trên dán trên cổng. Lâu sau khi trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra rồi thấy một ông lão ra hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không và cho biết con gái của cụ sau khi đọc xong bài thơ bỏ cả ăn uống, đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con gái, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn ấm và mặt mày vẫn hồng nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng. Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc huyền thoại.
Dịch thủy tống biệt (sông Dịch biệt ly) -Lạc Tân Vương Nguyên tác: Thử địa biệt Yên Đan, Tráng sĩ phát xung quan. (1) Tích thời nhân dĩ một, Kim nhật thủy do hàn. (2) Dịch nghĩa: Nơi đây khi từ biệt Thái tử Đan nước Yên Tóc tráng sĩ dựng đứng lên sát mũ Người xưa đã khuất rồi Nước sông Dịch ngày nay còn giá lạnh. Dịch thơ: Chốn này từ biệt Yên Đan, Tóc người tráng sĩ dựng ngang mũ đầu. Người xưa đã khuất còn đâu, Chỉ dòng sông lạnh dãi dầu vẫn trôi. Chú thích: (1) Tráng sĩ chỉ Kinh Kha, theo mệnh thái tử Đan nước Yên đi ám sát Tần Thủy Hoàng (2) thủy do hàn: Nhắc lại câu hát của Kinh Kha: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn, Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn. (Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê Tráng sĩ một đi không trở về)
Đáp Vũ Lăng thái thú (Trả lời thái thú Vũ Lăng) - Vương Xương Linh Phiên âm: Trượng kiếm hành thiên lý Vị khu cảm nhất ngôn Tằng vi Đại Lương khách Bất phụ Tín Lăng ân Dịch nghĩa: Đã mang kiếm đi xa ngàn dặm, Kẻ hèn này dám thưa một lời: Rằng nếu đã là khách của thành Đại Lương xưa, Thì chẳng ai phụ ơn của Tín Lăng Quân đâu. Dịch thơ: Cầm kiếm đi ngàn dặm Lòng này khắc một câu Đã là Đại Lương khách Không phụ Tín Lăng ân Chú thích: 1. Đại Lương: Cố đô của nước Ngụy thời Chiến Quốc 2. Tín Lăng: Chỉ Tín Lăng quân, một trong Chiến quốc tứ công tử.