Một khối ung thư Tác giả: Sophie Ánh Trường Tiếng khóc thảm thương vang động cả một vùng trời. Lũ chim từ trong bụi tre bay ra, tan bầy, hoảng hốt! Dưới cơn mưa phùn lất phất, người ta đau khổ, rên xiết gọi tên ông Chung đang nằm trong chiếc quan tài dài gần mười tám tấc. Tiếng khóc lẫn tiếng mưa rơi trên ô của ông Chín, trên vành chiếc nón lá của bà ba, ngấm vào áo mưa tơi tả của bà tư đang mặc.. tạo nên một cảnh tượng xơ xác và tan hoang. Bà Tám – mẹ ông Chung phải ngất đi mấy lần, choàng tỉnh dậy bà vẫn gọi tên ông, đầm đìa nước mắt, tủi thân. Tay bà vẫn còn cầm nắm cát để rải xuống huyệt đứa con xấu số khi hạ quan tài như lời vĩnh biệt cuối cùng, tiễn nó về với một cõi vĩnh hằng xa lắc. Nỗi đau người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh như một vết cứa mà mỗi khi mưa phùn lất phất kéo về bà Tám không khỏi xúc động, nặng nề. Đám thanh niên cứ hì hục nhau mà đào, mà khoét lỗ huyệt nơi chôn cất ông Chung dài ra thêm một chút nữa để quan tài có thể được đặt xuống bình an. Không biết có phải là số trời không mà trước đó, người ta đã đo và chắc nịch là chiếc quan tài sẽ vừa vẹn với lỗ huyệt. Đến ngày người chết sắp nằm dưới ba tấc đất thì trớ trêu đủ đường, mọi người đưa đám đều ngả ngửa, tặc lưỡi. Vậy là bà Tám ngất thêm lần nữa. Trước lúc ngất bà hét lên một tiếng chát chúa rồi lịm hẳn: "Vô phúc!". Ai nấy đều hoảng hốt, người xoa dầu, kẻ bóp tay, những đứa con còn lại của bà nấc nghẹn không thôi. Ông Chung mất vì căn bệnh ung thư. Nhớ lúc còn sống ông có đến hai đời vợ, vợ thứ hai của ông - bà Tuyết với đôi mày sắc lẹm, cặp mắt lá khoai và một đôi gò má cao, ửng hồng. Bà Tám ngày xưa chẳng bao giờ đoái hoài đến vợ kế của ông Chung. Thậm chí thấy bà Tuyết là xua đuổi, chửi bới khiến bà dù uất hận cũng chỉ biết khóc. Bà Tám tin vào cái điều mà người ta hay nói là gò má cao sát chồng. Đến lúc ông Chung mất đi, những người đầy tinh tế sẽ thôi nhắc về điều ấy như an ủi hương hồn ông Chung cũng như để người sống thôi dằn vặt về định kiến vô lý ấy. Nhưng với những con người hờ hợt, vô tâm thì dù không dám nói thẳng ra nhưng ai cũng có chung một niềm tin vào nhân tướng. Đến một ngày, những uất hận của bà Tuyết không còn thể hiện ra ngoài bằng những giọt nước mắt nữa. Nuốt ngược nước mắt vào trong mà đợi thời gian để phản kháng lại những tủi hờn mà bao tiếng ác đổ lên đầu bà ngoài kia. Bà Tuyết nghĩ trăm phương ngàn kế từ ngọt ngào, nịnh nọt đến "thọc gậy bánh xe" mà người ta vẫn tỏ ra xem bà như một người hào hiệp, một ân nhân. Để rồi, họ ngã về bên bà như cái cây yếu ớt đã bị quật gốc. Bà đã đạt được một bước tiến lớn trong việc thu phục lòng người. Khiến kẻ thù từ không thích mình trở thành "đồng đội" cùng chiến tuyến, quả thâm sâu và đầy tinh tế! Đến cái ngày bà Tám biết mình không còn sống được bao lâu nữa, bà tập hợp con cháu lại và đọc tờ di chúc mà mình đã cất công suy nghĩ cả một đời người. Mẹ nào mà chẳng thương con, chẳng muốn lo cho con được một cuộc sống ấm no. Nhưng thương phải thương đều, chính cái sự lệch lạc cán cân cùng sự ngon ngọt của kẻ có tiền như bà Tuyết đã gián tiếp làm lũng đoạn sự thương con của bà Tám. Bà nghe con dâu răm rắp hơn là chính những đứa con do mình sinh ra. Bà đặt nơi con tim mình một sự khó xử khủng khiếp. Ai cũng biết điều đó. Sau khi nghe xong ông Mười – đứa con út của bà cười trong chua xót. Oán hận đó nhưng không thể nói thành lời, chỉ lẳng lặng bước ra trong ánh mắt cay nghiệt của những người không phải thuộc về "phe ông". Chị Hai ông, chị dâu thứ chín của ông nghiêng về bà Tuyết như những kẻ đuối sức mà bám lấy một vật thể để trụ lại sự sống cho mình. Nghĩ đời cũng lạ, người ta đột ngột thương mến nhau hay có thể cắt đứt nhau "cái rụp" chỉ dựa vào sắc lạnh của tờ giấy bạc, của những thứ phù du trên đời mà khi chết đi, hiếm có ai được mang theo dù chỉ là một chút. Cái lây lan, mục ruỗng trong mối quan hệ của người lớn, là những người chị em từng xem nhau như một phần thân thể, cùng cha sinh mẹ đẻ rất nhanh chóng. Giờ đây, nó không còn là cuộc chiến của người lớn nữa, những đứa trẻ ngây thơ đang trong độ tuổi hình thành và chọn lọc những điều tốt đẹp, đúng đắn nay đã bị lệch lạc đến mức méo mó, khiến chúng bị khiếm khuyết trong tâm hồn trầm trọng. Chị em họ hàng, con ông Mười, ông chín, bà Hai trước kia chơi thân nhau, nay từ mặt nhau. Gặp nhau không ai nói ai câu nào, như những người không thân thích, ruột rà. Chứng kiến mà đau lòng, tuôn nước mắt. Chúng móc mỉa nhau, ra ngoài chợ mua bó rau, gặp nhau, chúng ghét nhau ra mặt. Người lớn không tha thứ cho nhau đã đành đằng này, lũ trẻ con có biết gì đâu! Chúng cũng chỉ là những mầm sống ngây thơ bị tiêm vào mình quá nhiều sự độc hèn từ người nuôi dạy chúng. Bọn trẻ không còn sự lựa chọn nào tốt hơn là ghét bỏ nhau đến mức lạnh nhạt, dửng dưng. Đến đây tôi mới thấm cái câu mà tôi hay đọc của Nguyễn Ngọc Tư rằng: "Ở đời, tưởng đâu chửi mắng nhau, xâu xé nhau là mất tình, lợt lạt nhau cũng có tình gì đâu!" Ông Chung mất vì bệnh ung thư não, cái khối u làm độc trong người ông, khiến ông nhạt lạnh với cuộc sống, nó kìm hãm nhận thức của ông. Nhìn thấy đó, muốn hàn gắn với anh em mình mà chẳng thể nào thốt thành lời. Khối u tàn độc kia cũng giống như sự dửng dưng lạnh lùng của chính anh chị em họ hàng, con cháu của bà Tám, nó dày xéo họ - cả một tập thể bấy nhiêu con người từ đó về sau không thể nào – tha – thứ - cho – nhau. Người ta vẫn đào nơi động quan của ông Chung. Trời càng ngày một tối hơn, mưa lớn hạt hơn và nhang đã tắt lịm đi lúc nào không ai hay biết. Giấy tiền, vàng mã tiễn đưa người chết giờ rã ra theo từng cơn ngấm của mưa. Công cuộc hì hục ấy cuối cùng cũng kết thúc, ông Chung đã nằm im vĩnh viễn dưới những lớp đất ấm nóng. Ngày mai rồi sẽ đến, mặt trời vẫn ban từng ánh nắng của nó lên khắp mọi nơi, trên mộ phần ông Chung. Người đã khuất được an nghỉ, giờ là cuộc đấu tranh đầy bản năng của con người, từng người thân của ông vì một lợi ích vô hình đầy mông lung. Không biết họ có rõ chăng?