Đàn ghi ta của Lorca- Thanh Thảo là một bài thơ độc và lạ trong chương trình Ngữ văn 12. Sau đây mình xin giới thiệu một góc tiếp cận mới về tác phẩm để các thầy cô và các bạn học sinh cùng đọc, học và tham khảo ạ. Có một ý kiến của Nguyễn Đình Thi mà tôi rất tâm đắc, đó là: "Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy." (Mấy ý nghĩ về thơ, Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, trang 52) Chính nhà thơ đã kiến tạo nên một thế giới giàu sức gợi từ những ngôn ngữ ta khả dĩ thường gặp. Tài năng của nhà thơ không gì khác hơn là làm cho "mỗi tiếng, mỗi chữ" trong đời thường "bỗng tự phá tung mở rộng" làm "tỏa ra.. một vùng ánh sáng động đậy". Thơ càng hay, càng giàu khả năng tạo ra "vùng ánh sáng động đậy", đồng nghĩa với tiềm tàng "sức gợi". Và điều đó hẳn nhiên cũng không dễ cho người tiếp nhận. Song, với những bài thơ hay, người tiếp nhận càng có động lực đi đến cùng, chạm đến đáy, dẫu điều ấy không hề dễ dàng. Đàn ghi-ta của Lor-ca của Thanh Thảo là một thi phẩm như thế. Có mặt trong sách Ngữ văn 12, bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca ngay lập tức thu hút sự quan tâm của thầy cô giáo bộ môn và cả học sinh bởi vẻ "lạ" của nó. Là người sẽ truyền tải các giá trị văn bản đến học sinh, các thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn vừa thích thú, vừa ngại ngần trước sắc diện mới mẻ, độc đáo mà hàm chứa không ít "ngã rẽ bất ngờ" của bài thơ. Làm thế nào để học sinh hiểu, nắm được cái giá trị nội dung, nghệ thuật cơ bản của bài thơ mà thực tế không ít giá trị trong đó là không dễ để nắm và hiểu, ngay cả với thầy cô giáo giảng dạy? Cuốn Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kĩ năng đã góp phần gỡ "rối" cho không ít thầy cô đứng lớp, định hướng cho các khai phá giá trị để không trở nên quá đà, quá tầm với học sinh. Song, sự phân định kiến thức, kĩ năng dành riêng cho từng chương trình Chuẩn và Nâng cao vẫn chưa thật rõ ràng, gây không ít băn khoăn cho người giảng dạy. Với thiển ý của người viết, các gợi ý ở cuốn Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kĩ năng nên chăng cần tăng thêm mạch ý, mạch kiến thức cho chương trình Nâng cao, góp phần truyền tải hết chiều sâu, chiều rộng của bài thơ, tương xứng với yêu cầu nâng cao của ban học? Trở lại với chiều sâu và sức gợi của bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, đã có không ít những phân tích, đánh giá giá trị văn bản. Người viết không có tham vọng đưa ra một kiến giải mới mẻ nào, chỉ mong muốn tìm đến những đóng góp của Thanh Thảo ở chừng mực người giảng dạy Ngữ văn có thể trao cho học sinh mà không sợ là quá tầm, quá đà, vừa đáp ứng chuẩn kiến thức – kĩ năng, vừa góp phần thúc đẩy năng lực sáng tạo trong các em học sinh. 1. Cấu trúc: Với cấu trúc tinh tế song không khó để nhận ra, bảy khổ của bài thơ tự thân đã có bốn ý lớn với các nội dung lần lượt là: - 6 dòng đầu (khổ 1) : Khắc họa hình ảnh Lor-ca trên hành trình lí tưởng. - 12 dòng tiếp (khổ 2 và 3) : Tái hiện cái chết bi thảm, dữ dội của Lor-ca. - 4 dòng tiếp (khổ 4) : Thể hiện sự xót thương, nuối tiếc những dở dang của Lor-ca trong cuộc đời và nghệ thuật. - 9 dòng cuối (khổ 5, 6, 7) : Suy tư về cuộc giải thoát và cách giã từ cuộc sống của Lor-ca. Đối với kết cấu này, chúng tôi nghiêng về định hướng cùng với những kiến giải của sách giáo khoa và sách giáo viên chương trình Chuẩn. Sách giáo khoa và sách giáo viên chương trình Nâng cao chưa thật chú trọng việc lí giải vấn đề này. Theo chúng tôi, giúp học sinh nắm bắt và lí giải sự liên kết nội tại, tìm ra mạch ngầm của tứ thơ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định thành công của giờ dạy đọc hiểu văn bản. Mở đầu bài thơ là khổ thơ một khắc họa hình ảnh Lor-ca như một sự định vị các phẩm chất, không, tố chất nội tại: Lor-ca – người nghệ sĩ, ca sĩ dân gian Tây Ban Nha tự do nhưng đơn độc trên hành trình lí tưởng, cũng là trên hành trình nghệ thuật. Tiếp theo, khổ hai là bước ngoặt bi thảm trên hành trình thân phận của một con người trần thế – Lor-ca bị sát hại trong bi phẫn tột cùng. Kết nối khổ một và khổ hai là sự đối lập. Đối lập với tự do là bạo tàn, đối lập với ngoại cảnh giàu thi hứng (vầng trăng, yên ngựa) là bối cảnh kinh hoàng, rùng rợn (áo choàng bê bết đỏ, bãi bắn). Kế đó là khổ ba gắn kết với khổ hai trong một chuỗi hệ lụy (1) từ cái chết đầy bi phẫn của Lor-ca (áo choàng bê bết đỏ, tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy). Khổ bốn kết nối với khổ ba bằng chuỗi hệ lụy (2). Nếu hệ lụy (1) nêu ý trực diện – sự đau thương, vỡ tan thì hệ lụy (2) lại gợi đến những hàm ý thẳm sâu – sự dang dở những khát vọng cách tân tư tưởng, cách tân nghệ thuật (không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang). Cận kết là khổ năm – sáu trình bày những suy tư chiết xuất từ hệ lụy (1) và (2). Đó là sự chiêm nghiệm được giải thoát, cách giã từ thân phận người một cách rất.. Lorca. Kết thúc bài thơ là dòng thơ, cũng là chuỗi thanh âm li-la li-la li-la đứng riêng, đứng tách biệt nhưng thật lạ là không hề chênh vênh. Ngược lại, dòng thanh âm ấy thật sự đối trọng với toàn bộ hình thể trước đó của bài thơ, bởi đó là dư ba của bài thơ, cũng là dư ba của một phận người, một kiếp đời nghệ sĩ. Âm thanh ấy là do Lor-ca để lại cho hậu thế hay chính là do nhân thế tấu lên khúc du ca tiễn biệt người con tài hoa bạc mệnh đi vào cõi vĩnh hằng? Âu là cả hai vậy. Mặc dù nhà thơ Thanh Thảo đã từng chia sẻ: "Cũng như nhiều bài thơ ngắn khác của tôi, bài Đàn ghi-ta của Lor-ca được viết liền một mạch, trong một khoảng thời gian rất ngắn" và "Bài thơ được viết rất nhanh, hầu như không sửa chữa gì thêm () tôi viết bài thơ trong trạng thái không nghĩ ngợi gì, một trạng thái mà vô thức chiếm lĩnh tôi trọn vẹn". Song chắc chắn có một linh cảm nghệ thuật khó lí giải được đã khiến từ ngữ gọi từ ngữ, nhịp điệu đẩy đưa nhịp điệu (Thanh Thảo) và bài thơ nên hình nên vóc, có sự gắn kết ý và tình kì diệu đến mức nhà thơ cũng đã thẳng thắn: "() hỏi tôi có gửi lời tri âm hay kí thác nào vào bài thơ ấy không, tôi xin trả lời rất thật là tôi không biết". Nhà thơ không biết, nhưng linh cảm nghệ thuật biết. Thực ra, sâu thẳm và chìm khuất trong thi phẩm, để làm nên sự gắn kết về cấu trúc, hẳn phải có sự góp mặt của chiều sâu tâm hồn và tư tưởng từ tác giả. Vì thế, ngay ở phần Tìm hiểu chung nhiệm vụ người thầy là phải giới thiệu đầy đủ phong cách thơ của tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Đây chính là một trong những điều then chốt giúp học sinh nắm được và có những luận giải tinh tế, sâu xa về cấu trúc tác phẩm. 2. Hình ảnh: "Hình ảnh của thơ là hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy. Hình ảnh còn tươi nguyên, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng" (Nguyễn Đình Thi). Đích thực là thế với nhiều hình ảnh trong Đàn ghi-ta của Lorca. Ví như "áo choàng đỏ gắt" (màu đỏ của xứ bò tót), "vầng trăng chếnh choáng" (bởi nhìn qua mắt người say), "yên ngựa mỏi mòn" (trên dặm đường thiên lý), "áo choàng bê bết đỏ" (bởi loạt đạn của những kẻ thủ ác).. Song bên cạnh vẻ thực một cách rất đời ấy, Thanh Thảo còn kiến tạo nên một loạt hình ảnh mà thoạt nghe, ta đã biết khó lòng kiến giải thấu đáo. Nào là "tiếng đàn bọt nước, tiếng ghi-ta nâu, tiếng ghi-ta xanh, tiếng ghi-ta tròn, tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy", nào là "không ai chôn cất tiếng đàn, tiếng đàn như cỏ mọc hoang, giọt nước mắt vầng trăng, đường chỉ tay đã đứt, dòng sông rộng".. Hẳn nhiên ở đây, nên chăng ta cần hình dung đã có sự giao thoa giữa âm và ảnh, khiến âm giai đấy (tiếng đàn) mà chất chứa bao tố chất của thi ảnh (bọt nước, nâu, xanh, tròn) ? Với bản chất là các thủ pháp tiêu biểu của thơ siêu thực như ẩn dụ, biểu trưng, chuyển đổi cảm giác; có sự kết hợp với lối cấu trúc đặc thù (từ bỏ hình thức thẳng chuyển sang hình thức nổi, sử dụng lối viết kết hợp chữ nghĩa và phân tích câu theo một trật tự mới; tất cả dựa trên quan niệm thẩm mĩ và triết lí gián đoạn (rất gần với lối nghệ thuật sắp đặt đương đại), thơ Thanh Thảo nói chung, bài Đàn ghi-ta của Lor-ca nói riêng ít nhiều đã tạo được ấn tượng trong mắt người đọc, nhất là về hình ảnh. Song nếu nói rằng: "Quan niệm thẩm mĩ và triết lí gián đoạn, đối lập với quan niệm thẩm mĩ đối ngẫu, song song hay tuyến tính" (Sách Giáo viên Ngữ văn 12, tập một, trang 161) thì e rằng phải cân nhắc ít nhiều, chí ít là với Thanh Thảo và bài Đàn ghi-ta của Lor-ca. Trong thiển ý của người viết bài này, mặc dù có sắp đặt, có gián đoạn rất Tây, Thanh Thảo vẫn là một nhà thơ phương Đông, nhà thơ Việt Nam. Vì thế bài thơ vẫn còn dấu vết của các thi ảnh đối ngẫu (áo choàng đỏ/ tiếng ghi-ta nâu/ tiếng ghi-ta xanh) ; các thi ảnh song song (tiếng đàn/ tiếng ghi-ta/ chiếc ghi-ta) ; các thi ảnh tuyến tính (tiếng đàn bọt nước/ tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan, áo choàng đỏ gắt/ áo choàng bê bết đỏ; bọt nước/ dòng sông/ bơi/ xoáy nước) chỉ có điều các thi ảnh Thanh Thảo không dễ để nhận biết. Có một góc độ nữa mà người thầy cần chia sẻ với học sinh, đó là khi xây dựng các hình ảnh trong bài thơ, Thanh Thảo đã cố tình mở ra trường nghĩa "liên văn bản" khi tái sử dụng một số thi ảnh và thi liệu của chính Lor-ca. Ví như câu thơ "không ai chôn cất tiếng đàn" là ảnh chiếu của câu thơ bất hủ trong bài Ghi nhớ: "Khi nào tôi chết/ hãy vùi vùi xác tôi cùng cây đàn/ dưới lớp cát"; hình ảnh "áo choàng đỏ gắt" là phiên bản của hình ảnh trong thơ Lor-ca: "Con ngựa đen/ vầng trăng đỏ"; câu thơ trùng điệp cú pháp: "Ném là bùa/ ném trái tim" được tái tạo từ câu thơ: "Hãy ném trái chanh nho nhỏ ấy/ vào gió". Thanh Thảo đã muốn dùng lại một số hình ảnh có biến cải của Lor-ca và thật sự đã dùng rất đắt. Có một hình ảnh mà người viết cố tình đặt cuối mục này, bởi nó là sự giao thoa giữa hình ảnh và âm thanh, đó là chuỗi từ "li-la li-la li-la". Đọc dòng thơ thứ ba ở khổ đầu, sau đó được điệp nguyên ở kết bài, tách riêng thành một đoạn, bất giác người đọc ngỡ mình như đang nghe một giai điệu. Song như Thanh Thảo thổ lộ, nét hình mới là giá trị đầu tiên của chuỗi từ đó: "Hoa li-la (hoa ly, hoa huệ tây, hoa tử đinh hương) thì không chỉ có ở Tây Ban Nha, nhưng dường như nó đã đi vào một tác phẩm nào đó viết về Tây Ban Nha mà tôi nhớ". Và ông mở luôn giá trị liên tưởng nhạc điệu của chuỗi từ: "Với lại, li-la còn gợi âm thanh như một cú" vê "ghi-ta". 3. Nhạc điệu: Đây vừa là nhạc tính hữu dạng, được nhìn nhận như là nội tố tất yếu của thơ, cũng vừa là một nét riêng của thơ Thanh Thảo, trong đó có bài Đàn ghi-ta của Lor-ca. Cùng với thể thơ tự do, Thanh Thảo đã chọn một lối đi gập ghềnh cho các dòng thơ, cũng là cho tiết tấu, nhịp điệu thơ. Và tất nhiên, hiểu được, cảm được nhạc của thơ, nhạc của Đàn ghi-ta của Lor-ca cũng đồng nghĩa với việc phải nỗ lực thật sự mới mong chạm được thứ nhịp điệu bên trong của tình ý, tâm ý vốn đa dạng, biến hình – đặc biệt là với thơ siêu thực. Ngoài tất cả những yếu tố thường kì của nhạc tính được tận dụng như vần, nhịp, các thủ pháp điệp, láy, bài thơ còn có sự cố tình của Thanh Thảo khi dùng lại một vài đề tài nhạc trong thơ của Lor-ca. Bản thân thơ Lor-ca đã thấm đẫm chất nhạc dân gian An-đa-lu-xi-a của Tây Ban Nha. Và chất nhạc ấy đã được trung chuyển đến Đàn ghi-ta của Lor-ca bởi sự ám ảnh đậm đặc rồi thăng hoa trong Thanh Thảo. Tất cả đã hòa điệu, ngân nga, tha thiết, khiến người đọc bất giác cứ ngả nghiêng chếnh choáng mãi không thôi. Trên đây là một vài ý kiến góp phần giúp giáo viên giảng dạy bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca của Thanh Thảo một cách rõ ràng, thuyết phục hơn. Rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô và độc giả. Nguồn: Bài viết của ThS Cao Đăng Ngọc Phượng Sở GD đào tạo Thừa Thiên _ Huế. In trong Tạp chí Văn học và tuổi trẻ số 7+8+9 năm 2012.