Một giọt mưa, một nỗi buồn Tác giả: Johanna * * * Cuộc đời này sao mà buồn quá đi thôi. Buồn quá đi. Cảm tưởng như mọi thú vui của cuộc đời chỉ là tấm rèm mỏng manh cố gắng khỏa lấp, che đậy sự thật sầu thương ảm đạm vậy. Con người khi vừa chào đời, cái "biết" đầu tiên là khóc. Có lẽ đứa trẻ nhận thức được kể từ giờ phút này, nó phải xa lìa nơi ẩn náu, sự bảo bọc hoàn toàn, không gian ấm êm trong lòng mẹ. Nó phải học cách thích nghi với môi trường mới, học cách tự mình đối diện với thế giới vạn biến bên ngoài, bao nhiêu là gian nan đang đợi chờ nó phía trước. Con người khi sắp giã từ cuộc đời, cũng không thể tránh khỏi rơi nước mắt. Họ nhận thức được chuyến tàu họ sắp bước lên là chuyến tàu một chiều, đã đi, vĩnh viễn không hẹn ngày gặp lại. Còn có gì đau buồn hơn sự chia ly? Đối với tôi mà nói, nếu một người khẳng định bản thân sống cảm thấy niềm vui nhiều hơn nỗi buồn, thậm chí không thấy có gì đáng buồn, tôi cho rằng, người đó vẫn chưa thực sự sống. Họ chẳng qua chỉ là đang thở, đang tồn tại, hoặc đang cố gắng tự che mắt mình, tự dối lòng mình mà thôi. Đến cả trời đất non sông còn biết buồn, biết khóc, lẽ nào con người chẳng thể cảm nhận được niềm đau? Có lẽ, tôi là một kẻ bi quan. Nhưng tôi tin, những gì tôi thấy, bạn cũng thấy. Những gì tôi cảm nhận, bạn hẳn cũng cảm nhận được. Tôi thấy một cơn mưa. Một cơn mưa tầm tã đương lúc chiều buông. Ánh sáng nhường chỗ cho bóng tối. Và sung túc nhường chỗ cho nỗi cô đơn. Tôi thấy gì nữa? Một đôi vai gầy lặng lẽ thu dọn hàng hóa dưới cơn mưa nặng hạt. Chiếc áo bà ba cũ sờn ướt đẫm, chiếc nón lá cũng chẳng còn nguyên vẹn, ống quần đen cuốn cao đến gối, lúi húi dọn hàng tránh mưa. Thân ảnh nhỏ bé ấy cứ loay hoay, vội vàng trong gió ù nước mạnh. Cô ấy chỉ vừa mới bày hàng ra bán cách đây tầm nửa giờ thôi, dường như chưa được một khách nào ghé thăm. Cuộc sống mưu sinh, tôi ngậm ngùi, quả thật vất vả hơn những gì ta có thể tưởng tượng. Mưa lạnh, nhưng không lạnh bằng lòng người. Tôi nghĩ thế, không đắn đo giúp cô một tay. Lẽ hiển nhiên, ban đầu cô sẽ từ chối. Mưa lớn thế, ai mà chẳng muốn mau chóng về nhà hay đến một nơi nào đó ẩn trú? Chí ít, chẳng ai muốn mình vì một người xa lạ nào đó dầm mưa, vừa bẩn, vừa sẽ cảm lạnh. Tôi không những không ngơi tay, còn hăng hái làm nhanh hơn, miệng chỉ lễ phép đáp gọn: "Cháu đi xe đạp, nhà cháu cũng xa lắm." Ý bảo rằng, nhà cháu xa lại còn phải đạp xe, ướt cũng đã ướt rồi, có tiết kiệm vài ba phút thì cũng chẳng về sớm được bao nhiêu, chưa kể trời mưa thế này tỉ lệ tắc đường rất cao, chi bằng giúp cô lánh nạn. Tôi không biết cô ấy có hiểu nhiều như vậy không. Chỉ là, cô cũng không nói gì thêm nữa. Cô bán trái cây, nhiều loại lắm. Một thứ một ít. Mưa lớn thế này không chừng trái cây sẽ úng, sẽ dập hết. Hai người bốn tay liên tục chuyển trái cây vào túi đệm, thùng xốp. Nhanh, nhưng cũng rất cẩn trọng không để bị hỏng. Có người giúp, tốc độ cũng nhanh hơn, cô một tay xách hai túi đệm, tay kia kéo tay tôi chạy vào một mái hiên trú mưa. Tôi ôm hai thùng xốp khá to, hơi nặng, không nghĩ nhiều mà chạy theo cô. Kể ra thì dài dòng, chứ sự việc cũng không rì ràm như thế đâu. Tôi với cô ngồi nghỉ trên bậc thềm dưới mái hiên của một nhà gần đó. Nhà đã khóa kín cửa nên cũng chẳng đáng ngại lắm. Mưa càng lúc càng nặng hạt, nước tuôn xối xả, tôi định bụng chờ tạnh tạnh mưa rồi mới về nhà. Cô không chần chừ, gỡ chiếc nón lá quạt quạt, lên tiếng bắt chuyện với tôi trước: "Cảm ơn con gái nha, không có con chắc tiêu rồi. Con là sinh viên hả?" Trời gió lạnh mà cô còn phất phất nón quạt, chắc là thói quen. Tôi mỉm cười lễ phép: "Vâng, con là sinh viên." Cũng vì còn là sinh viên, gia đình từ bé đến lớn nào có kinh doanh mua bán thế này nên vừa rồi giúp cô tay chân có phần lúng túng. "Con sinh viên năm mấy, đại học gì?" "Con năm hai, đại học sư phạm ạ." Tôi vừa cởi áo mưa, tiện tay xếp gọn lại. "À, là cái trường lớn lớn gần đây đúng không? Khúc bên kia có cái trường tiểu học, ôi, chiều về hay bị tắc đường lắm, học sinh sinh viên đông quá mà." Cô vừa nói, vừa chỉ chỉ trỏ trỏ. "Cô bán ở đây lâu chưa?" "Cũng lâu rồi, tầm hai ba năm ấy." "Ồ, bán buôn vất vả lắm, cô nhỉ?" "Ừ, đúng rồi, khổ lắm. Bởi, cô chỉ mong con cô được học hành đến nơi đến chốn, cỡ như con là yên lòng rồi." Nói đến đây, tôi cảm nhận thấy đôi mắt cô đượm buồn. Gương mặt cô gầy gò, xanh xao, vài giọt nước mưa lăn đều trên má. Giờ tôi mới hiểu cảm giác của Charlie Chaplin: "Tôi thích đi dưới mưa để không ai thấy tôi đang khóc." Trông cô ấy hiện tại, tôi không thể phân biệt được có phải là cô đang khóc hay không. Người ta bảo chiều tà và cơn mưa là nguồn khơi gợi tâm trạng sầu muộn trong tâm hồn con người. Trùng hợp thay, tôi và cô đang cùng ngắm cơn mưa buổi hoàng hôn. Phải chăng, nỗi sầu muộn ấy cũng vì thế mà tăng thêm đôi lần? "Con gái cô đang học cấp hai. Bố nó suốt ngày rượu chè, say xỉn, mà con biết rồi, ma men điều khiển con người thì có bao giờ làm ra chuyện gì tốt đẹp đâu? Cô buôn gánh bán bưng dành dụm chút đỉnh nuôi con bé ăn học, ráng chạy đôn chạy đáo gom nhặt để nó lên được cấp ba, rồi tốt nghiệp phổ thông." Cô ngưng một chút, ánh mắt có phần vẫy vùng, bất kham nhưng dường như cũng cam chịu, chấp nhận số phận. Cô nói tiếp: "Con bé nó học cũng chăm lắm, mà cô thì lại không nghĩ đến chuyện nó học đại học. Chắc là nó cũng cảm thấy điều đó quá xa vời. Nó từng nói với cô, tuy là nó không thể học đại học, không có điều kiện tốt như người ta, nhưng nó cố gắng học giỏi như vậy cơ hội thay đổi cuộc sống cũng không phải là bằng không." "Con bé thật là có ý chí. Thời buổi hiện đại như bây giờ, hiếm thấy học sinh nào quyết tâm phấn đấu như vậy lắm, cô thật là có phúc." Tôi cảm khái. Cuộc sống gian lao, chí ít, cô ấy cũng có một niềm an ủi nho nhỏ, một niềm hy vọng vào cô con gái của mình. "Càng nghĩ càng thấy đau lòng, thấy tức bố nó. Con bé vậy mà lại không ghét bố nó. Bố nó mỗi lần say khướt đều về chửi rủa, đánh đập nó. Cô bôn ba bên ngoài từ sáng sớm đến tối mịt, đôi lúc tự trách bản thân không quan tâm đến con gái, dù gì nó cũng đang trong độ tuổi dậy thì, ai chẳng biết tuổi này nhạy cảm thế nào. Vậy mà.. vậy mà.." Nước mắt của chính cô cuối cùng cũng theo giọt nước mắt của bầu trời mà tuôn xuống. "Cô từng hỏi nó có muốn trốn đi không, chỉ có hai mẹ con, sống tạm ở một căn nhà nhỏ nào đó bình bình yên yên qua ngày, tránh khỏi ông bố trời đánh kia. Việc này chẳng có gì là khó, chỉ cần nhân lúc ông ta đi uống rượu, dọn chút đồ, cô cũng có dành dụm chút đỉnh, ông ta cũng không quen biết rộng, cô và con bé bắt một chuyến xe đi thật xa là ổn. Theo lẽ thường, có cánh cửa thoát thân mở rộng trước mắt, người ta sẽ không ngại gì mà đồng ý ngay. Nếu gặp khó khăn, sẽ cố gắng xoay sở tìm cách giải quyết. Nhưng.." Cô chậm rãi, tay che miệng: "Nhưng con bé đã lắc đầu từ chối. Nó không đi. Nó nói nó không muốn đi. Nó không thể đi. Vì sao? Lí do là vì nó đi rồi không ai lo cho bố nó. Không có ai ngày ngày quét tước dọn dẹp, không ai nấu cơm cho bố nó, không ai làm nước chanh giải rượu cho bố nó, không ai đưa bố nó vào nhà, không ai đắp chăn cho bố nó khi ông ta uống say chẳng còn biết trời đất. Nó bảo đi hết dòng đời này, nó cũng không thể tìm được người bố thứ hai. Nếu trên đời duy chỉ có một mặt trời, một người mẹ, thì cũng chỉ có duy nhất một người bố. Nó tin một ngày bố nói sẽ hoàn lương, nó tin một ngày gia đình sẽ sum vầy, hạnh phúc." Giọng cô nức nở, cảm giác như cô sắp ngất đến nơi. Ngay cả tôi cũng không kìm lòng được. Trên đời này vẫn còn những tâm hồn trong trẻo, đáng thương, đáng quý đến vậy sao? Vẫn còn người tin tưởng mãnh liệt đến vậy sao? Vẫn còn những đứa trẻ quyết tâm hy vọng trong nỗi tuyệt vọng dày cộm trước mắt sao? Tôi nhìn cô, rồi lại nhìn những giọt mưa lạnh lùng rơi. Nghe nói, giọt nước mắt có thể trút được gánh nặng chất chứa trong lòng. Đất trời đang khóc, nghĩa là đang trút những nỗi buồn phiền, phải không? Để rồi những nỗi buồn phiền ấy lại lần nữa đè nặng trong tâm tư của những con người đáng thương nơi hạ thế. Mỗi giọt mưa cứ như là hiện thân cho một nỗi buồn. Nếu như nỗi buồn sầu của con người có thể bao trùm lên mọi cảnh vật, nếu như "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?" (trích "Truyện Kiều" -Nguyễn Du). Thì, thiên nhiên hùng vĩ khi buồn cũng chẳng khó gì bao trùm mỗi con người. Tuy nhiên, không phải chấm dứt tại đó. May mắn thay, khi tuyệt vọng, khi lâm vào bước đường cùng, khi khó khăn quá bội, mơ ước sẽ được đánh thức. Niềm tin, hy vọng sẽ vực ta dậy. Thắp sáng một chút, sưởi ấm một chút. Tạo nên một động lực bé nhỏ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, tiến về phía trước. Dưới cơn mưa này, cô ấy ước mơ trời sẽ mau quang, mây sẽ mau tạnh để cô có thể tiếp tục bán buôn, tiếp tục kiếm tiền, tiếp tục nuôi nấng, chăm lo cho con gái, cho gia đình nhỏ bấp bênh của mình. Cô mơ đến một ngày con gái mình lớn khôn, sống an nhàn hạnh phúc. Cô mơ cho những niềm mong chờ của con gái đều biến thành hiện thực. Cũng dưới cơn mưa này, không hiểu vì sao tôi tin rằng, cô bé nhỏ ấy cũng sẽ gởi gắm đất trời một ước mơ, một ước mơ về mái ấm gia đình, mơ được bước đến cánh cổng đại học, mơ được sống sung túc cùng với những người mình yêu thương. Còn tôi ư? Tôi cũng có nhiều mơ mộng của riêng mình. Nhưng hiện tại, tôi mong rằng, mưa sẽ dứt. Cơn mưa nỗi buồn sẽ dứt. Tôi biết, trên đời này không có ánh nắng nào là vĩnh viễn, không có hạnh phúc nào là mãi mãi nhưng cũng không có nỗi đau nào là vô tận. Tôi ước mơ mưa sẽ ngừng rơi, những giọt mưa ngừng khiến tâm hồn con người thêm trĩu nặng. Tôi ước mơ nắng mai lên, hong khô những giọt mưa lạnh, cũng hong khô những giọt nước mắt. Dẫu tôi nhìn cuộc đời, đâu đâu cũng thấy ưu sầu, ẩn khuất, nhưng tôi mơ, bên trong sự ưu sầu ấy, tâm hồn sẽ cảm nhận được một niềm hạnh phúc, một tia sáng. Niềm hạnh phúc ấy không phải là bức rèm che đậy nỗi buồn, mà là niềm hạnh phúc được bén rễ từ sự đau buồn, chuyển hóa sầu thương thành nguồn dinh dưỡng, nguồn năng lượng tích cực. Bạn có thể cho tôi là kẻ bi quan lại mơ mộng hão huyền. Tôi không có ý kiến. Bởi lẽ, phụ nữ, suy cho cùng cũng là những tâm hồn nhỏ bé, mong manh, yếu đuối, khát khao được yêu thương, nâng niu, chở che và có quyền được mơ mộng. -Hết-
Cốc cốc.. Chào bạn, mình là đại diện BTC even 8/3. Tối nay mình ghé đây để gửi lại những lời nhận xét chân thành của BGK đến tác phẩm của bạn. Bgk1: "Một câu chuyện đượm buồn, nhưng giàu giá trị nhân văn." Bgk2: "- Câu chuyện viết rất hay. - Cách miêu tả tinh tế, rất có hình ảnh và rất sáng tạo. - Tác giả biết chọn lựa hình ảnh, biết chắt lọc những chi tiết đáng giá để đưa vào truyện. Cái nhìn về cuộc sống trông khá chín chắn và sâu sắc." Bgk3: "Giọng văn mượt mà, cảm xúc, sáng tạo trong việc vận dụng những câu nói/châm ngôn. Nhưng bản thân mình lại không đồng tình lắm về quan điểm sống và tồn tại của bạn ở phần đầu bài viết, với mình, người cảm nhận được niềm vui nhiều hơn nỗi buồn mới là đang sống, đó không phải dối lòng mà là lạc quan. Nói chung mình khá ấn tượng với bài viết của bạn, cũng chờ mong chờ những tác phẩm tiếp theo." Thân gửi.
Mình xin cảm ơn bạn và ban giám khảo nhiều lắm ạ. Mình sẽ cố gắng phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm còn sai sót. Cảm ơn ban giảm khảo đã dành thời gian đọc, nhận xét và đánh giá cao câu chuyện của mình ạ.