Truyện Ngắn Một Đường Một Nẻo - Can Qua

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Can Qua, 25 Tháng tư 2025 lúc 12:27 AM.

  1. Can Qua Tiết Trực

    Bài viết:
    34
    Một Đường Một Nẻo

    Viết bởi:
    @Can Qua

    Bài tham dự Cuộc thi Nét Bút Tuổi Xanh


    [​IMG]

    Thể loại: Truyện ngắn; Tâm sự; Hiện thực huyền ảo​


    Thay lời tựa:

    Khi nào ta lớn đây em nhỉ?
    Thơ ấu dường như chỉ nhắc chừng.
    Giữa đời chật chội, mình chưng hững.
    Xin đừng lớn nữa, có được không?


    Nội dung:

    Trời vẫn sáng, nhưng cũng không còn sớm nữa. Sau khi học trò đã vào lớp, nắng ngả nghiêng trên những chiếc lá bạch đàn. Bên dưới hai hàng cây xanh thắm và cao vút, vết bánh xe quyện lấy dấu chân người, hong khô con đường nhỏ dẫn vào ngôi trường tiểu học. Tựa đầu vào nhựa xám, đất đen đổ dốc, ung dung ngước nhìn mây trắng. Cảnh vật tự nhiên dường như hứa hẹn cho ngày hôm nay sẽ trôi đi theo một cách rất đỗi bình thường.

    Ấy vậy, sự yên ổn ở nơi nhóc Ninh và Thạnh đang theo học không kéo dài quá lâu.

    - Thằng nào, con nào dám động tới vợ tao! Tao chém chết hết!

    Đứng chắn trước mộ vợ, như điên như dại, ông Bảy Ban thét lên. Trên chiếc đầu trọc lốc chi chít sẹo, cơn thịnh nộ lẫn nỗi thống khổ tột cùng được biểu lộ rõ mồn một thông qua hai con mắt đỏ ngầu và long sòng sọc. Lăm lăm cây liềm trong tay, nôm vẻ ông Bảy nhất quyết không nhượng bộ. Đôi dép lốp cũ mèm, cặp chân khẳng khiu, cái quần xà lỏn nhàu nhĩ màu xanh rêu, mình trần gầy guộc rám nắng mà đầy rẫy vết thương cũ,... Nhìn từ dưới lên trên, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ông đúng là chẳng còn gì để mất ngoài tính mạng. Thế nhưng bất chấp tất cả, ông vẫn liều thân ngăn cản đội ngũ thi công giải phóng mặt bằng.

    - Bà mẹ tụi bây. Buông ra. Vợ tao chưa chết. Tao phải ở đây với bả.

    Ông Bảy Ban kêu gào trong vô vọng. Cả đời tranh đấu rồi chiến thắng biết bao kẻ thù nhưng cuộc giằng co này, ông Bảy đã thua. Vật vã ít lâu, cuối cùng người ta đã thành công đưa ông đi ra chỗ khác.

    Trải qua một phen náo động, điều gì được định sẵn phải đến cũng đến. Học sinh tan học. Người nhà đón rước. Giáo viên ra về. Còn cánh thầy thợ làm hồ vẫn cứ tiếp tục việc xây cất các dãy phòng mới và di dời hoặc loại bỏ những chướng ngại vật nằm chồng lên công trường của họ.

    Đưa đôi mắt bồ câu đen láy nhìn người ta chặt cây, đào bới, đóng cừ, đổ móng và bốc mộ, Thạnh cảm thán:

    - Nghĩ kĩ cũng tội nghiệp cho ông Bảy thiệt...

    Tức thì, nhóc Ninh liền đáp lời cô bạn:

    - Tự ổng làm ổng khổ thôi bà. Thiệt tình. Vợ ổng mất cũng mấy chục năm có hơn rồi. Biết là buồn, là nhớ nhưng ổng cũng phải nghĩ cho người sống, cho ổng nữa chứ. Giờ thì sao. Chắc gì vợ ổng muốn vậy. Làm xong rồi có được gì đâu. Thiệt thân ổng mà còn ảnh hưởng tui với bà nữa chứ. Hồi nãy lớp mình ngồi học không được, đi về cũng hổng xong.
    Trong khi ngón tay măng đang gõ gõ cánh mũi thon, đôi môi trái tim nhỏ nhắn của Thạnh nói lên nỗi suy tư:

    - Có khi bản thân ông Bảy cũng không muốn vậy đâu.

    Vui giọng, nhóc Ninh hỏi bạn:

    - Là sao? Tui chưa hiểu ý bà lắm?

    Từ tốn, Thạnh gợi chuyện:

    - Ông nhớ vụ ông Sáu Xi chứ?

    Nhóc Ninh lập tức tiếp lời:

    - Nhớ chứ, mẹ kể tui nghe hoài! Hồi xưa, ông Sáu Xi thương bà nọ. Nhưng mà theo sự sắp đặt của gia đình, bả lấy chồng xa xứ rồi bặt tăm luôn. Mười mấy năm sau, vào một buổi chiều, ông Sáu Xi nhậu xỉn quắc cần câu xong đi về ngang qua cầu lớn thì gặp lại bả. Nghe đồn hai người tay bắt mặt mừng, quấn quýt tâm sự dữ lắm trên đường đi. Tới lúc ông Sáu Xi muốn "nối lại tình xưa" thì bả từ giã ra về và dặn dò ổng tuyệt đối không nói cho ai biết về cuộc gặp. Ông Sáu cũng ừ ờ cho qua chuyện. Tỉnh rượu, ông Sáu mới nhớ ra lý do ổng đi nhậu say bí tỉ là vì vừa được người bà con đi làm ăn xa về cho hay tin người mình thương đã chết rồi. Không hiểu ổng uống kiểu gì mà quên luôn. Thấy sợ, ổng cố gắng giữ lời. Tuy nhiên rốt cuộc, ổng cũng buộc miệng kể ra trong một cuộc nhậu. Kết cục tụi mình cũng biết rồi. Ông Sáu Xi điên nổi tiếng xóm mình.

    Nói dứt dạt rồi nhóc mới nghĩ ngợi và con mắt tựa hồ chữ "o" vì cả kinh. Gật gù đầu ý với Thạnh mà gương mặt tròn đầy nao núng. Ngay thời điểm ấy, người ta vừa khai quật xong mộ phần và móc cốt vợ ông Bảy Ban lên. Hai đứa trẻ nhận ra mình đang đứng rất gần. Tử khí hòa trộn với mùn sình rửa mục xộc vào mặt, choáng ngợp khoang mũi, nồng nặc đến mức khiến mặt mày xây xẩm. Mùi hôi tanh chết chóc ẩn chứa một cái hậu ngọt gắt rất quái đản khiến người ta dễ bề lợm giọng nôn trớ. Mau chóng lấy tay che mũi miệng, Thạnh và nhóc Ninh nhanh chân chạy ra xa.

    Tới khu vực an toàn, thở phào nhẹ nhõm, Thạnh nói với bạn:

    - Đúng là không hiểu nổi mấy người lớn. Nhưng mà đó giờ chắc là nhiều người cũng thắc mắc giống tui, giống ông. Cớ sao trường mình lại được xây đè trên một khu đất toàn là mả mồ như vầy để rồi xảy ra đủ thứ chuyện?

    Hít vào thở ra mấy bận, nhóc Ninh mới lấy lại bình tĩnh để đáp:

    - Tui cũng như bà, hổng hiểu được. Chỉ nghe cha tui kể trước đây chỗ này là bãi đất tập bắn. Sau này nó trở thành nghĩa địa. Cuối cùng thì trường mình được xây lên.

    Kéo cậu bạn xuống chiếc ghế đá cạnh bên để dựa lưng gồi nghỉ, cô học trò nhỏ lại tiếp nối chủ đề:

    - Tui thì tui biết chuyện này còn dữ dội hơn nữa. Thời còn chiến tranh, có một người tù chính trị vượt ngục, chạy vô đây trốn. Bị ruồng bố bao vây ngặt quá, để không rơi vào tay giặc lần nữa, ông này đã lấy một cây đũa dài vót nhọn, đâm xuyên qua lỗ tai thấu tới não để tự sát. Chỗ ổng chết, nghe đâu cũng là vị trí của ngôi mộ sau trường hiện giờ đó.

    Nhóc Ninh chợt tò mò:

    - Ổng chôn tại đấy luôn hả bà?

    Xòe tay, lắc đầu, cô bé lên mười vừa cười vừa nói:

    - Hì hì! Ông hỏi tui, tui biết hỏi ai. Chữ trên bia mờ hết rồi, không đọc được tên tuổi.

    Nói tới bàn lui, sự tìm tòi cùng óc hiếu kỳ dẫn dắt hai đứa trẻ tự dọa mình và hù lẫn nhau. Cả Ninh lẫn Thạnh đều thống nhất là cần một sự thay đổi. Thế nên đôi bạn quyết định sẽ chơi "đá gà" để giết thì giờ trong khi chờ cha mẹ tới đón về.

    Từ sáng tới giờ có khá nhiều gốc phượng bị đốn hạ. Vô số nụ xanh mơn mởn chưa kịp hóa đuốc hoa rực hồng, đã phải cam chịu phận số, nằm dài trên đất cát. Không khó để nhóc Ninh và Thạnh nhặt nhạnh, tuyển lựa ra những cọng chỉ nhị nổi trội bậc nhất. Gom đủ bầy "gà chiến", cả hai bắt đầu cuộc chơi.

    Từ chỗ đang tiếp đầu móc ngoéo, hai cặp "gà chiến" quay ngoắt sang thế kèn cựa, giằng co. Xác định tranh đấu thì đâu tránh được các pha chèo kéo hay đưa đẩy hoặc giựt giộc. Với những ngón thon dài đủ đầy hoa tay, Thạnh đã khéo léo lách luồng điều khiển, làm cho "gà" bạn rụng đầu, què giò ngon ơ. Tuy sức mạnh hơn, nhưng vì nôn nóng, nhóc Ninh cũng có nhiều pha tự hủy. Bao phấn rớt rụng và văng tung tóe ra sân. Cả hai cười giòn bởi đều chơi trên tinh thần vui là chính. Thua keo này thì bày keo khác, chứ nào có ai ganh đua, tị hiềm.

    Song, niềm vui ấy chưa đủ để xóa nhòa nỗi lo sợ bấy giờ của Ninh. Lởn vởn trong khối óc cậu nhóc là cảnh tượng lúc người ta bốc mộ, móc xương lên. Cái đầu lâu khô khốc hô hố nụ cười quỷ dị bởi mất hẳn hàm dưới, sậm màu vàng đất và loang lổ nám đen. Trên chiếc sọ đó, thức ám ảnh nhóc Ninh nhất chính là hai hốc mắt trống tuếch trống toác và sâu hoắm. Lỡ ngó thấy mà Ninh rất hãi hùng, cứ ngỡ mình bị lọt xuống hố sâu hun hút và bị xẻ đôi, nuốt chửng. Dẫu đã được di dời ra sau văn phòng, nhưng Ninh có cảm giác chiếc sọ vẫn biết ngoái trông. Tựa hồ cậu và Thạnh bị dõi theo bằng một ánh mắt âm u hung hiểm như thể muốn đòi lấy con ngươi của kẻ trộm nhìn.

    Nắng dần nhạt màu trên khoảng sân trường. Nhận ra xung quanh đã vắng thưa người, tự dưng Ninh thấy sống lưng ớn lạnh. Càng bối rối hơn khi phát hiện, từ lúc trong tay không còn "gà chiến", Thạnh chỉ chăm chăm nhìn thẳng vào nhóc, chứ chẳng hề thả mắt ngắm nghía xa gần.

    Vẫn chưa ai tới rước hai đứa về nhà. Tồi tệ hơn, dù cố tránh cố né đủ kiểu, đường nào cái đầu lâu ma quái cũng bổ nhào vào, ám ảnh tâm trí cậu nhóc mười tuổi. Cảnh tượng kinh dị kia, cậu chẳng thể quẳng đi nẻo nào. Đã vậy, ảnh hưởng sâu sắc từ phim chưởng, trước mặt Thạnh, nhóc Ninh cho rằng phải cố tỏ ra cứng rắn để đáng mặt "nam nhi, đại trượng phu".

    Xoa xoa đôi má bầu bĩnh, hít sâu thở hết lấy bình tĩnh, cậu nhóc góp gom can đảm đề nghị với cô bé:

    - Tui đưa Thạnh về nhe.

    Nghe bạn mình nói thế, đôi mắt bồ câu lấp lánh ngạc nhiên:

    - Ơ. Giờ mình có xe đâu.

    Ráng gồng cho giọng khỏi yếu mềm, Ninh tuyên bố:

    - Tụi mình đi bộ về thôi. Tui hộ tống bà tới tận nhà.

    Thạnh không trả lời ngay. Mười ngón tay măng búi gọn suối tóc đen nhánh theo lối củ hành và ôm chiếc ba lô vào lòng. Xong xuôi, nửa thật nửa giỡn, cô học trò nhỏ nhìn thẳng vào mắt Ninh rồi hỏi kỹ:

    - Ngộ nhỡ gặp xe bắt cóc thì sao?

    Bấy giờ, chẳng ngập ngừng, cậu nhóc vỗ vai cô bạn và đáp:

    - Lỡ mà đụng độ băng bắt cóc, tui sẽ đứng lại, cản tụi nó lại cho bà có thời gian chạy đi trốn. Bắt thì bắt tui thôi. Tui chấp nhận thương đau.

    Thế rồi vẻ âu lo đang thấp thoáng trên khuôn mặt trái xoan phía đối diện Ninh biến tan. Hai má lúng đồng tiền nhẹ nhàng ửng hồng, Thạnh mỉm cười duyên dáng. Đôi môi trái tim cùng hàm răng trắng đều tăm tắp nôm vẻ còn rạng rỡ hơn tất cả nắng của ngày hôm nay. Đôi bên đều đồng ý, đeo ba lô lên, tay nắm tay rời khỏi ngôi trường tiểu học.

    ***​

    Nếu đứng đây ngay thời điểm hiện tại thì chắc chắn nhóc Ninh sẽ chửi thẳng vô mặt tôi:​

    - Anh là một thằng tồi, là cái thứ mắc dịch mắc ôn, nói một đường làm một nẻo.

    Thế nhưng đó là chuyện viển vông. Nhóc Ninh đã lớn lên và trở thành tôi mất rồi. Dù chán ngán hay buồn giận hoặc hối hận đến mấy thì cả tôi ngày nay lẫn nhóc thuở xưa cũng chẳng làm được gì hơn. Chung quy, tuổi thơ tôi đã một đi không trở lại.

    Giữa thế giới người lớn thừa mứa sự phũ phàng, chẳng hiếm hoi những lầm lỗi không thể sửa chữa từa tựa cái tôi mắc phải, giống như người chết rồi không thể sống dậy.

    (20/04/2020 - 20/04/2025)

    Can Qua - Nguyễn Phúc Vĩnh Nguyên
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng tư 2025 lúc 9:18 PM
Trả lời qua Facebook
Đang tải...