Một đời áo nâu Tác giả: Nguyễn Văn Song Mẹ là nguồn cảm hứng sáng tác không bao giờ vơi cạn của thi ca. Có biết bao bài thơ viết về mẹ xuất hiện giữa thi đàn. Mỗi nhà thơ có những cảm nhận riêng của mình về mẹ. Một đời áo nâu cũng là một bài thơ đặc sắc, cảm động viết về người mẹ kính yêu của Nguyễn Văn Song. Người mẹ trong bài thơ gắn liền với hình ảnh giản dị, mộc mạc: áo nâu; với không gian, sự vật quen thuộc: dòng sông quê, thửa ruộng... Trong đó hình ảnh chiếc áo là hình ảnh thơ đa nghĩa, vừa là đối tượng miêu tả vừa mang tính biểu tượng cho hình tượng nghệ thuật trung tâm là người mẹ. Bài thơ là tiếng lòng tràn đầy cảm xúc của người con: là nỗi xót xa, thương cảm khi hoài niệm về cuộc đời lam lũ, vất vả của mẹ; là sự trân trọng, yêu thương và biết ơn những hi sinh lặng lẽ của mẹ dành cho con, gia đình; là niềm xúc động nghẹn ngào, sự mất mát, đau khổ của tác giả trước sự ra đi của mẹ.. Bài thơ còn là lời nhắn nhủ đến mỗi người: Hãy luôn biết trân quý tình mẫu tử thiêng liêng, trân quý tình cảm gia đình; biết đồng cảm, chia sẻ với mẹ những vất vả, khó khăn trong cuộc sống; yêu thương và trân trọng khoảnh khắc khi còn bên mẹ; cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng để trở thành niềm vui, hạnh phúc của mẹ. Xem thêm: Đọc Hiểu: Một Đời Áo Nâu - Nguyễn Văn Song Một đời mẹ mặc áo nâu Bao nhiêu tấm cũng một màu đất đai Rách lành kể những hôm mai Áo như đời mẹ sờn phai mỗi ngày Áo nâu bạc, áo nâu gầy Áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa Lắng nghe sợi vải ngày xưa Thấy trong mặn chát đã thừa mồ hôi Bao nhiêu nước mắt mẹ rơi Áo nâu gói cả những lời xót xa Mẹ như sông phía quê nhà Dốc lòng đôi vạt phù sa lặng thầm Mẹ đi về phía trăm năm Con ngồi xếp những nâu trầm mà thương Thôi đành nhờ cả khói sương Áo nâu ơi, hãy theo đường mẹ đi..