Một Chút Cảm Giác Bâng Khuâng Lạ Lẫm Tác giả: Vô Âm Vị Vãn *** 1. Cuộc chiến khốc liệt nhất trong cuộc đời của lứa tuổi học trò, có lẽ là kì thi lên lớp 10: Cuộc sống của tôi như một trang giấy trắng, cứ viết hết rồi lại lật sang trang mới, cũng vậy, thời gian trôi qua chẳng chờ một ai, thấm thoát tôi đã sắp phải chia xa mái trường thân thuộc chan chứa bao kỉ niệm đau đáu trong thân tâm. Kì thi lớp 9 rộn rã ập đến nghẹt thở, những bài thi tiếng anh, toán, vật lí.. ôi! Một nỗi ám ảnh không tài nào quên được. Cả khối xôn xao bồn chồn chỉ biết cắm đầu vào ôn thi, khổ nỗi những đứa cá biệt chật vật chả ra làm sao cả. Một lũ bốn mắt văn võ song toàn bệ vệ ngồi trên ghế, bình thản cầm cuốn sách nâng cao như thể khôi nguyên. Tôi, một đứa bình dân đứng trước quang cảnh hỗn loạn này chỉ biết bủn rủn tay chân, cảm thấy bản thân thật nhỏ bé chơi vơi. Cô Hồng, giáo viên ưu tú nhất trường là người khảo sát trông thi lớp 9A của tôi, ưu tú thì sao, thì tất nhiên là rất bá đạo. Ngay cả một con kiến cũng không tài nào lọt qua gọng kính của cô. Trong lớp, tôi thuộc hệ học tương đối khá khẩm, không có gì là nổi trội vượt bậc nên điểm số của tôi luôn luôn giữ vẹn mức cân bằng xấp xỉ 8, 9; điều đó chẳng có gì đáng tự hào, thế nhưng giờ tôi lại cảm thấy thực may mắn là bản thân từ trước tới giờ luôn giữ vững phong độ, không bị hổng kiến thức. Kì thi này thật khốc liệt. Nói sao ta, có lẽ những ai đã từng trải qua mới hiểu: Kì thi lên lớp 10 như một chùm chìa khóa nhỏ, nó là khởi đầu và cũng là quan trọng nhất trên con đường tiến tới ước mơ. 2. Kết thúc kì thi là đặt dấu chấm hết cho lứa tuổi bồng bột, ngây ngô: Sóng gió trôi qua thì lại đến ngày bi thương nhất, lòng tôi tràn trề xót xa bề bộn và trống trải. Cái Lan, Kì Như, Thanh Ngọc là mấy đứa tôi thân nhất, chúng nó cùng tôi san sẻ khó khăn hoạn nạn, cùng tôi cáng đáng khổ luyện những đợt gian nan nhất. Nay mỗi đứa một ngả, tôi có chới với níu kéo cũng không thể làm gì được. Hôm nay, ngày mà tôi khắc khoải lo sợ nhất đã đến, ngày tôi rời xa mái trường tri kỉ, có lẽ lâu lắm, thời gian dài lắm mới ngoảnh gặp lại. Tôi, một đứa vô tâm ưu lo, chả có gì mà phải lo lắng bâng khuâng, đời sống quanh tôi bình dị, đầm ấm, thanh thao. Tuy nhiên, tôi cũng có cái để yêu thích chứ, tôi yêu những buổi sớm mai thức dậy, xúc giác cảm nhận được sức sống căng tràn của tán lá thấm đẫm tinh túy thanh lọc của đất trời. Yêu những cơn mưa rào nhẹ nhàng, dịu dàng phủ hơi sương nồng nàn rơi lách tách trên bàn tay tôi, rồi thì quang cảnh thiên nhiên sau đó như được gội rửa, gột đi cặn kẽ chất xám bẩn thỉu tựa như một tấm kính lau hết tăm hết bụi. Yêu một thứ gì đó đối với tôi nó cũng cồn cào như Vũ Bằng yêu mùa xuân đến nôn nao thao thức: "Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ ti ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh." Mà tại thế giới thu nhỏ này, tôi được trải nghiệm khám phá nhiều thú vui mới mẻ, bạn bè thân ái, thầy cô dìu dắt săn sóc tôi tận tình như những người cha người mẹ ruột thịt, những kỉ niệm ấy cũng đủ khiến trái tim tôi như được bao bọc ấp ủ bởi một thứ hơi ấm gọi là tình thương. Trước kia, đứng trước cảnh anh chị lớp 9 quyến luyến không muốn rời xa thầy cô bè bạn, họ đã khóc, từng giọt lệ lăn tăn nổi lên bên khóe mắt, long lanh như những hạt sương trực rơi xuống không thôi, tôi đã tự đặt cho mình một câu hỏi: "Tại sao họ lại khóc nhỉ? Lên cấp phải vui chứ, sướng thế mà". Nhưng sau này, bản thân trong hoàn cảnh đó, mắt tôi cứ cay cay, nhìn tụi nhỏ còn non nớt mới vào trường kia, tôi lại như nhìn thấy một bản thân tiếp theo.. 3. Bóng cả, cây già thân thương: Cây bàng già này đã sát cánh bên lũ học trò tôi rất lâu rồi, trên thân nâu đen sạm, những vết chân chim nổi lên thành đàn, ngấn sâu vào lộ rõ tuổi tác cao của nó. Những tán lá rộng xuề xòa che kín gần hết sân trường, như một chiếc ô khổng lồ cũ kĩ, trung thành bao năm che chắn cho người thương – mái trường, và lũ học trò chúng tôi là những đứa con tinh thần của tình yêu cao cả ấy. Tôi đặt bàn tay lên tấm thân ghồ ghề già nua đó, đồng hồ cát như ngưng đọng, tôi lặng lẽ ngồi xuống ngắm nhìn mọi thứ thật kĩ để khoảnh khắc này dấn sâu vào trí óc tôi. Hôm nay, chúng tôi đến chia tay với thầy cô giáo và gặp mặt nhau lần cuối. Một lũ trước nghịch khỏe như trâu mà hôm nay mặt cũng giở khóc giở cười mếu máo, thầy trò thì ôm nhau thắm thiết, dính chặt lại không muốn chia xa. Tôi bần thần một mình ghé vào lớp học. Nơi đây, có một tấm bảng và trên đó giờ đã lưu lại cả một quãng thời gian sử dụng, nào là tiếng phấn ghi bảng hay những lần bất quá thầy Minh tức gõ vài phát lên bảng vì lớp quá ồn, xô bồ như cái chợ. Quanh đây, tôi vẫn ngửi thấy mùi bụi phấn trắng xóa còn xót lại, bàn ghế nào là chữ được cào cậy lăng nhăng, chắc lại là thằng Thắng chứ còn ai vô đây! Tôi nhớ lại hết thảy, những buổi liên hoan cuối kì, những buổi tự học cả đám tụ lại đánh vài ba ván bài, những lần bị cô chủ nhiệm tặng cho "liên hoàn chửi" vì tội nghịch "ngu", những lần dại dột hái trộm xoài của trường bị bác bảo vệ bắt gặp, những lần.. Tôi đã từng chuyển rất nhiều trường, rất nhiều.. Nhưng điều đó chẳng hề làm tôi buồn vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ để có thể chân thành yêu thích và quan tâm một cái gì đó. Kể cả bây giờ, tôi không nghĩ rằng mình sẽ quá buồn, bởi tôi không thích những cuộc chia ly trong nước mắt, rồi có ngày sẽ trở về và gặp lại thôi, chỉ là có chút hụt hẫng, có chút mới lạ chưa kịp thích ứng mà thôi.. Từ đâu, một đôi bồ câu trắng phau xà xuống chạm đến mặt đất, tôi lúng túng lấy từ trong túi ra một nắm hạt ngô ném xuống đất vương vãi theo thói quen. Đôi bồ câu phúng phính lại gần lần tìm từng hạt rất ngộ nghĩnh. Tôi ngây ngốc đứng đó.. "Này, bà nội, bà còn thất thần chôn chân chỗ này làm gì, mau ra chào cô Mai đi", tiếng con bạn vang lên. Tôi giật mình quay lại gật gù, ngắm nhìn lại một cách nhanh chóng mọi vật nơi đây, rồi tôi bình tĩnh quay đầu, rời đi.. Tôi yêu mọi thứ nơi này, yêu tất cả cho nên tôi mới không muốn rời đi và bỏ mặc những kỉ niệm ấm áp đó. Lòng tôi day dứt như có bàn tay bóp nghẹt con tim. Nhưng trời cũng xế tà, trong không gian còn vang vọng tiếng chim ríu rít, càng làm cho tôi cảm thấy bồn chồn chua xót. "Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia Dừng chân đứng lại, trời, non, nước, Một mảnh tình riêng, ta với ta." Tôi bây giờ cũng cô đơn, lẻ loi đến kì lạ, đối diện với chính mình như Bà Huyện Thanh Quan. Tiếng chim, tiếng lá xào xạc ồ ạt càng khiến nỗi lòng luyến tiếc của tôi ỉ ôi não nùng khôn nguôi. Bây giờ, tôi thực sự hiểu ra, thế nào hãi hùng, thế nào là sợ mất đi thứ gì đó. Những kí ức tuổi thơ tại trường lớp cho tôi biết thế nào là yêu thương, cho tôi học cách cho đi vô điều kiện, học cách biết ơn trân quý những thứ tưởng chừng chưa đáng là bao.. Nhưng dù thế nào, thời gian vẫn cứ lạnh lùng trôi qua, con người rồi cũng sẽ lớn lên rồi trưởng thành, trên người trang bị đầy đủ kiến thức được tôi luyện để đối mặt với các cuộc đấu tranh gian nan trên đường đời, và chúng ta rốt cuộc vẫn lối ai nấy đi gây dựng sự nghiệp. Tôi nhận ra rằng mình không thể phụ sự nuôi nấng, đạo lí mà thầy cô đã trao, càng không thể làm họ thất vọng. Nụ cười nở trên môi, tôi bước đi chậm rãi từ từ đi qua cánh cổng trường: "Tạm biệt mái trường mến yêu". Tự nhủ với lòng mình, rằng phải cố gắng thật nhiều, cố gắng để không thua kém một ai, cố gắng để có thể một lần nữa được gặp lại mái trường thân yêu mà lòng không cảm thấy xấu hổ nhục nhã, tự hào vì bản thân đã thực sự trưởng thành và dũng cảm hơn bao giờ hết. Và những kỉ niệm vô giá này sẽ luôn là động lực, tinh thần và niềm hi vọng lớn lao khi tôi gục ngã để đứng dậy lần nữa, dẫn lối tôi trong bóng tối tìm tới ánh mặt trời chói lọi phía xa.. Bài viết này được đăng tại Vnkings và VNO. Hết