Review Phim Một Cái One Shot Để Đời Của Bố Già Và Vài Điểm Sáng Khác

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Ms Jennings, 8 Tháng tư 2021.

  1. Ms Jennings Haha

    Bài viết:
    1
    (! Cảnh báo spoiler)

    Thật lòng mà nói, tôi ít cảm thấy ấn tượng trước các phim Việt hiện nay, bởi sự đầu tư lớn nhưng giá trị đem lại phần nhiều là chưa đủ sâu. Mặc dù có niềm tin vào tiềm năng phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp phim nước ta, tôi vẫn cảm thấy số lượng phim sản xuất ồ ạt ở thời điểm hiện tại chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người xem và vẫn đang khiến cho nền công nghiệp phim của nước nhà dậm chân tại chỗ.

    Nói như vậy, không có nghĩa là chưa từng xuất hiện những bộ phim có sức ảnh hưởng lớn đối với nền điện ảnh Việt Nam, có thể kể đến như một loạt các tác phẩm của đạo diễn Trần Anh Hùng, tiêu biểu có thể kể đến "Mùi đu đủ xanh" - từng được đề cử Oscar cho bộ phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, hoặc tác phẩm gây tranh cãi "Xích lô" giật giải Sư Tử Vàng tại LHP Cannes. Từng đó dường như đã là đủ để nói về khả năng vươn tầm quốc tế của điện ảnh Việt, và gần hơn nữa có thể nhắc đến "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy, bộ phim đã giành giải "The New Currents" tại LHP Busan - cũng là một sân chơi quốc tế.

    "À, nhưng chúng tôi có đến để xem giải của phim đâu. Bọn này đến để xem phim cơ mà?" Các bạn có thể thắc mắc

    Vâng, điều đó không sai. Và kể cả bản thân tôi cũng nhận ra rằng, mình chưa thực sự nhìn nhận đúng đắn về phim ảnh Việt Nam. Số lượng phim hiện nay rất nhiều, và không phải là không đáp ứng được nhu cầu giải trí của người xem. Nhìn chung, phần nội dung phim ngày càng rộng mở, phù hợp với thị hiếu thị trường. Mặc dù vậy, việc các phim đang chạy theo Hollywood với các sự chuyển thể, remake từ một số phim nổi tiếng hay sử dụng quá nhiều những gì của điện ảnh nước bạn đã dần làm mất đi chất riêng của nền điện ảnh nước ta. Không chỉ thế, một số bản chuyển thể văn học cũng vấp phải nhiều sự tranh cãi, như Cậu Vàng với việc sử dụng chó shiba thay vì giống chó bên mình, hay như Trạng Tí với sự thay đổi so với nguyên tác, và tranh chấp bản quyền.

    May mắn thay, trong tình cảnh ấy đã có những bộ phim như "Ròm", hay "Bố già" để đem trở lại những giá trị căn bản của nền điện ảnh Việt trên màn chiếu phim. Dẫu cho còn tồn tại những vết sạn không đáng có, ta không thể không tán thưởng hướng đi tuyệt vời của họ. Với việc chúng ta đã biết rất nhiều về "Ròm" của Trần Thanh Huy, ở đây, ta bàn đến "Bố già" - quen thuộc nhưng không hề cũ kĩ.

    Lịch sử điện ảnh đã xuất hiện rất nhiều những thủ pháp quay phim đặc sắc, mà một trong số đó phải kể đến: One shot. Một con dao hai lưỡi đòi hỏi sự chuyên nghiệp của toàn bộ ê kíp làm phim và có thể, hoặc tạo nên một bộ phim hay, hoặc giết chết một bộ phim. Về các cảnh oneshot mà tôi ấn tượng nhất, có thể kể đến cảnh chiến đấu trong hành lang xanh rêu của phim "Oldboy" (bản 2003 của Park Chan Wook ấy), hay cảnh cãi nhau của hai nhân vật chính trong "Booksmart", và mới đấy thôi chính là cảnh Quắn và Ba Sang tranh cãi về việc nhà ở trong "Bố già".

    Được rồi, trước hết hãy nhìn cảnh đó xuất hiện thế nào.

    Gia đình ba cha con ngồi ăn tối, quây quần bên bàn ăn. Cuộc tranh cãi về "chung cư cao cấp" nổ ra giữa hai cha con, với cái Bù Tọt làm người "qua đường", vô tình rơi vào cuộc tranh cãi.

    [​IMG]

    Tại sao cảnh này lại hơn một số cảnh khác?

    Để giải thích cho sự tuyệt vời của cảnh oneshot dài 4 phút này, ta cần hiều về nội dung cũng như tầm quan trọng của nó đến cốt truyện. Trước hết là về phần Quắn, anh muốn điều gì trong cuộc trò chuyện nho nhỏ này? Dĩ nhiên là thuyết phục được ông bố rời khỏi cái hẻm này và đến ở cái "chung cư cao cấp" khang trang rộng rãi kia. Vậy còn ông Ba Sang? Ông muốn giữ nguyên nếp sống hiện tại, ở bên những người họ hàng, anh chị em ruột thịt, và những người trong khu hẻm ông đã thân quen từ lâu. Ta thấy rõ một sự đối lập ở đây, giữa hai tư tưởng của hai thế hệ khác nhau. Điều đó khiến cho cảnh quay có ý nghĩa quan trọng, và gần như là mấu chốt mở đầu cho các sự kiện về sau, khi mâu thuẫn chất chồng mâu thuẫn đợi chờ phá giải. Máy quay chuyển động hết sức có ý đồ, và sự tiết chế trong khoản chuyển động của phân cảnh này giúp cho người xem tập trung hoàn toàn vào cuộc đối thoại giữa hai nhân vật, đồng thời áp dụng luôn thủ pháp "Show dont Tell" của phim ảnh - thay vì nghe chứng minh dài dòng về "môi trường không phù hợp cho con Bù Tọt" ta được chứng kiến sự hỗn loạn diễn ra ngay trước khung hình, chen vào cuộc trò chuyện và tự diễn tiến cho tình tiết phim.

    Ngoài ra, ta có thể kể đến một cảnh khi hai cha con lại bắt đầu cuộc tranh cãi khác và đạo diễn đã tinh ý chia cắt khung hình bằng "frame in frame" bằng việc ngăn cách giữa hai người bằng một khoảng bức tường và khung cửa sổ. Không chỉ vậy, sự ngăn cách ấy còn di chuyển từ bên phải sang trái khung hình và có lúc ông Ba Sang còn dường như phá vỡ sự ngăn cách giữa hai người bằng việc tiến vào phần không gian bị chia cách của Quắn như là một sự gần gũi trong thoáng chốc để rồi lại bị đẩy ra xa nhau hơn bởi những sự trái ngang của cuộc đời. Đó chính xác là quá trình ông Ba Sang giải quyết mâu thuẫn với con trai mình - đầy khó khăn, như bị cô lập, và "chẳng ai hiểu tôi cả".

    Có thể nói, tổng thể bộ phim tuy chưa đạt đến ngưỡng kiệt tác vì một số hạt sạn không đáng có, nhưng đã truyền tải một trong những thông điệp cốt lõi của người Việt qua màn ảnh, và đem lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ tiếng cười sâu cay, cho đến giọt nước mắt đầy day dứt tâm can về cái kết thấm thía bất cứ ai đã, sẽ và đang là một người con hay một bậc làm cha làm mẹ. Có thể chưa đủ tầm để so với Ròm, nhưng "Bố già" là một bộ phim chỉn chu và đáng xem với bất cứ ai trong chúng ta, với lối đi đầy gai góc và táo bạo ở trong nghệ thuật dựng phim và làm phim.
     
    Táo Ngọtnntc6761 thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Đúng là những cảnh quay one-shot luôn mang lại ấn tượng đặc biệt cho khán giả. Bởi vì One-shot là một kỹ thuật quay phim vô cùng khó, đòi hỏi phải có sự tính toán chính xác trong từng chi tiết nhỏ, sự phối hợp nhịp nhàng và độ "chắc tay" của cả ê-kíp, nếu chỉ cần 1 mắt xích không ôn thì tất cả sẽ phải làm lại từ đầu. Vậy nên hiệu ứng mà nó mang lại luôn "đáng đồng tiền bát gạo". Trong phim này, ngoài cảnh mà bạn đã review thì cảnh first look cũng chính là 1 cảnh quay one-shot và thực sự siêu ấn tượng.
     
    Ms Jennings thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...