Một cách đọc hiểu truyện cổ tích Tấm Cám

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 9 Tháng tám 2021.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    [​IMG]

    Tấm Cám là câu chuyện tiêu biểu cho loại truyện cổ tích thần kì. Câu chuyện kể về một cô gái hiền lành, chăm chỉ phải ở với dì ghẻ, qua bao đau khổ đã gặp được nhà vua.. và họ sống bên nhau hạnh phúc trọn đời. Truyện Tấm Cám đã gắn với kí ức tuổi thơ, dạy con người ở hiền gặp lành, cô Tấm thì chăm chỉ, Cám thì lười biếng, mụ dì ghẻ độc ác.. Đó là những gì mà lâu nay học sinh THPT được học về tác phẩm Tấm Cám.

    Điều đó có không? Xin thưa, rất đúng, nhưng chỉ đúng một phía thôi. Trong khi đó tác phẩm văn học, kể cả văn học dân gian cần được tiếp cận từ nhiều phía.


    Dưới đây là một số góc nhìn:

    1. Về nhân vật dì ghẻ.

    Trong Tấm Cám, nhân vật đại diện cho cái ác là: Mụ dì ghẻ. Bản thân từ "mụ" đã bao hàm nội dung xấu, đã thể hiện thái độ thiếu thiện cảm của người nói. Trong quan niệm của dân gian:

    "Mấy đời bánh đúc có xương

    Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng."

    Câu ca dao này có thể đúng với ngày xưa, nhưng không hẳn còn đúng với xã hội ngày nay. Nó đúng với nhân vật dì ghẻ trong Tấm Cám. Mụ dì ghẻ đã dùng mọi chiêu thức để hành hạ, hãm hại Tấm. Đầu tiên là dùng lời ngon ngọt lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa để ở nhà bắt cá bống ăn thịt. Bắt cá bống mụ đã bắt đi người bạn duy nhất, niềm vui duy nhất của Tấm. Lần thứ hai, mụ trộn thóc với gạo rồi bắt Tấm nhặt để ngăn không cho Tấm đi dự hội. Dì ghẻ đã hòng tước đoạt của Tấm cơ hội có được niềm vui, sự may mắn. Lần thứ ba, mụ lừa Tấm hái cau cúng cha để cướp đi mạng sống của một cô gái thật thà. Và mỗi lần Tấm hóa thân, mụ lại bày mưu cho Cám hãm hại. Trong thế giới của cổ tích chỉ có hai phe thiện và ác, các nhân vật chỉ hiện thân cho một phẩm hạnh nào đó từ đầu đến cuối. Nói theo lí luận văn học, đó là nhân vật chức năng (mặt nạ), nhân vật thuần toàn, nguyên phiến.

    Tuy nhiên đặt trong bối cảnh tiếp nhận tác phẩm của ngày hôm nay nhân vật dì ghẻ liệu có hoàn toàn xấu?

    Dì ghẻ hại Tấm hết lần này đến lần khác. Nhưng chúng ta thử ngẫm nghĩ thêm một chút thì thấy những việc này mụ làm không phải vì mình, cho mình mà cho Cám. Là người mẹ, hẳn mụ cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Khi đưa ra phần thưởng yếm đào để hai chị em Tấm- Cám thi mò cua bắt cá phải chăng người mẹ ấy cũng muốn dạy con biết lao động? Nhưng Cám là con đẻ nên mụ yêu chiều, bênh vực Cám nhiều hơn. Thấy Tấm lớn lên xinh đẹp, chăm chỉ với sự nhạy cảm của một người mẹ, mụ đã thấy trước nguy cơ Tấm sẽ may mắn, hạnh phúc hơn Cám. Vì vậy mụ tìm mọi cách để ngăn cản không cho Tấm đi dự hội. Hội là nơi trai tài, gái sắc đua chen, gặp gỡ, tìm chọn bạn đời. Nếu so sánh Tấm với Cám hẳn Tấm nhiều ưu điểm hơn. Không thể ra mặt cấm đoán, mụ trộn thóc với gạo để bắt Tấm nhặt. Công việc này sẽ làm Tấm mất thời gian. Cẩn thận hơn, mụ không cho Tấm quần áo đẹp để đi chơi. Tính toán trước sau, mụ hòng tước đi cơ hội của Tấm là để tạo thêm may mắn cho Cám. Nhưng mọi toan tính của mụ thất bại. Tấm được vào cung vua còn Cám trở về với lấm láp bùn lầy. Lòng đố kị vói thành công của Tấm và tình yêu thương Cám khiến mụ không thể chấp nhận. Nhân vật dì ghẻ đã bất chấp tất cả, kể cả việc gây tội ác- giết Tấm để giành hạnh phúc và sung sướng cho con mình. Với vai trò làm mẹ, người đàn bà ấy đã làm tất cả vì con. Với Cám bà là người tận tụy hết mình. Chỉ có điều là mụ yêu thương chưa đúng cách. Vì vậy mụ không mang lại được hạnh phúc cho con.

    Qua nhân vật dì ghẻ, cha ông ta đã thể hiện một quan niệm về mối quan hệ thiện - ác trong xã hội: "Ác giả ác báo". Nhưng nhìn từ phía tiếp nhận, câu chuyện còn mang đến bài học về cách giáo dục trong gia đình. Hãy công bằng và yêu thương những đứa trẻ. Sự nuông chiều và tội ác của cha mẹ không thể mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các con.

    2. Về nhân vật Cám.


    Từ nhỏ, Cám vốn mải chơi nên khi phải thi mò cua bắt cá với Tấm, Cám đã thua. Cám bèn lừa Tấm để có yếm đỏ. Hành động sai trái ấy chẳng bị ai lên án (Tấm không mách dì ghẻ, cũng không đòi lại, Bụt cũng cho qua). Lần gian dối đầu tiên đã thành công. Chính sự im lặng, chấp nhận của Tấm, sự thờ ơ của Bụt đã tạo cơ hội cho cái xấu trong Cám nảy mầm. Lần thứ hai, Cám cùng mẹ bắt cá bống của Tấm ăn thịt. Lừa Tấm để có yếm đỏ có thể chỉ là việc làm bột phát rất trẻ con của Cám. Nhưng khi cùng mẹ giết bống thì đã là hành động của lòng tham, sự ích kỉ, đố kị. Cái xấu, cái ác trong Cám cứ lớn dần lên. Cám thản nhiên, lạnh lùng, sung sướng khi mẹ giết Tấm rồi lấy quần áo của Tấm để mặc vào cung. Từ chiếm đoạt tài sản, Cám bằng mọi cách chiếm đoạt hạnh phúc của Tấm. Vào cung thay chị, Cám ngỡ mình đã có được hạnh phúc, tình yêu. Nhưng dù cố gắng hết lần này tới lần khác, Cám vẫn chỉ nhận được sự thờ ơ, lạnh nhạt của nhà vua. Kết thúc tác phẩm Cám đã phải trả giá bằng cái chết.

    Qua nhân vật Cám, bạn đọc hôm nay có thể thấy: Mọi người đều cần có trách nhiệm ngăn chặn cái xấu và cái ác từ khi nó mới thành hình, thờ ơ, im lặng cũng là đồng lõa với cái ác, góp phần làm cái ác ngày một tích tụ, lớn thêm, nguy hiểm thêm lên. Trẻ em nếu được nuôi dạy bằng sự đố kị thì lớn lên chắc chắn sẽ trở thành kẻ lạnh lùng, ích kỉ. Tình yêu và hạnh phúc không thể có bằng lừa lọc, bằng tội ác. Tình yêu và hạnh phúc phải được vun đắp bằng tình yêu thương.

    3. Về nhân vật Tấm.

    Là nhân vật tiêu biểu của cổ tích thần kì, Tấm có cảnh ngộ thật đáng thương. Tấm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại phải sống giữa sự ghen ghét, đố kị của mẹ con Cám. Mặc dù vậy, ở Tấm vẫn hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp. Tấm chăm chỉ lao động, hiền lành, nhường nhịn Cám, giàu tình yêu thương khi chăm sóc cá bống.. Đặc biệt, sống trong nghèo khổ, thường xuyên bị đày đọa nhưng Tấm vẫn luôn ấp ủ một ngọn lửa niềm tin và khao khát vươn lên. Là cô gái nghèo, không có quần áo đẹp nhưng Tấm vẫn ao ước được đi dự hội. Bị dì ghẻ ngăn cản. Tấm đã nhờ Bụt giúp. Nếu Tấm không khóc xin với Bụt, không nhờ đàn chim sẻ, nhờ xương cá bống mà buông xuôi chấp nhận thì chắc hẳn Tấm sẽ mãi mãi ngồi nhặt thóc lẫn với gạo và chẳng bao giờ được gặp nhà vua.. Vừa tới đám hội lại mất chiếc hài, với Tấm đó là điều không may, nhưng rủi ro ấy lại mang tới tình huống "thử hài". Hóa ra trong cuộc sống phải luôn giữ trong mình khát vọng vươn lên. Có khi những mất mát, thiệt thòi lại mang tới cho ta những cơ hội lớn, điều quan trọng là phải tỉnh táo, tự tin để nắm bắt cơ hội.

    Được vào cung, được vua yêu thương là phần thưởng xứng đáng cho cô gái chăm chỉ, thật thà, nhưng vì tin lời dì ghẻ mà Tấm bị hãm hại. Tin Cám, Tấm mất giỏ tép, không được yếm đào. Chủ quan tin dì ghẻ, Tấm bị ngã xuống ao. Như vậy niềm tin đặt không đúng chỗ, đúng người. Tấm mất vật chất và mất cả cuộc đời.

    Khi ở nhà với dì ghẻ, Tấm còn là một cô bé. Cô bé ấy mỗi khi gặp khó khăn đều phải nhờ Bụt giúp. Còn từ lúc vào cung Tấm đã trưởng thành. Hóa thân hết lần này sang lần khác, Tấm đấu tranh với mẹ con Cám để đòi lại sự sống, đòi lại hạnh phúc.

    Nhờ miếng trầu têm cánh phượng mà Tấm được gặp lại nhà vua. Miếng trầu Tấm têm vẫn vẹn nguyên, đẹp đẽ như thủa nào. Miếng trầu ấy đẹp như tấm lòng thủy chung của cô gái hiền thảo. Chính sự kiên trì, đấu tranh bền bỉ và lòng chung thủy chẳng đổi thay đã giúp Tấm tìm lại được hạnh phúc.

    Cổ tích là bài ca của những ước mơ, là niềm tin vào cuộc sống. Đặt cổ tích trong cái nhìn của con người hiện đại ta còn thấy được bao bài học triết lí nhân sinh cao quý.

    Rất nhiều bản kể Tấm Cám dừng ở chi tiết Tấm được đón về cung và sống bên nhà vua hạnh phúc trọn đời. Bản kể về việc Tấm trả thù mẹ con Cám là dị bản được nhắc tới nhiều ở khu vực miền Trung nước ta. Bản kể này nhằm bày tỏ thái độ mạnh mẽ về quan niệm thiện thắng ác và cái ác phải bị tiêu diệt tới tận cùng. Song đoạn kết về việc trả thù theo tôi nên cắt bỏ.

    Về điểm này, tôi nghĩ rất nên tham khảo ý kiến dưới đây của nhà nghiên cứu phê bình Hoàng Ngọc Hiến: "Truyện Tấm Cám - từ rất lâu đời được tích hợp trong kí ức người Việt- là một truyện mang cảm hứng nhân văn nhưng kết thúc của truyện chưa thoát ra được tinh thần của thời dã man: Để trả thù cho hả, Tấm đã cho giết Cám (em cùng cha khác mẹ) một cách hèn hạ và man rợ, cho ướp xác của Cám làm mắm, lại còn đem dọn món mắm này cho mẹ Cám ăn. Có áp bức có căm thù. Nhưng thiếu ánh sáng của những tư tưởng khai hóa văn minh, sự căm thù dễ bùng lên thành sự trả thù" không văn minh ". Nên hiểu truyện Tấm Cám như một bài học để mỗi chúng ta cảnh giác với sự lại giống (atavisime) ở chính mình, kể cả ở những người hiền lành nhất (Tấm vốn là người tốt, người hiền lành). Văn hóa dân gian của ta còn có câu tục ngữ:" No mất ngon, giận mất khôn "." Giận"còn có thể mất khôn huống chi căm thù. (Luận bàn về minh triết và minh triết Việt, NXB Tri thức 2011 tr. 92).

    Đôi điều trao đổi trong bài viết này cũng chỉ dám xem như một hướng tiếp cận trong việc dạy và học truyện Tấm Cám trong nhà trường hiện nay. Rất mong nhận được sự trao đổi từ bạn đọc và phụ huynh.

    Tác giả Vũ Đỗ Quyên.

    (Bài viết in trong báo Văn học và Tuổi trẻ số 6+7, 2015).
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng bảy 2021
  2. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    MỘT SỐ DỊ BẢN ÍT AI BIẾT VỀ TRUYỆN TẤM CÁM

    1. Cô Tấm làng Mai - dị bản ít ai biết về chuyện cổ tích Tấm Cám

    Quê hương của 2 chị em Tấm Cám trong truyện cổ tích được nhắc đến là làng Mai. Ngày nay có rất nhiều lời bài hát hoặc thơ ca khen ngợi những người con gái hiền lành đảm đang được ví như "Cô Tấm Làng Mai". Làng Mai thuộc xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội ngày nay. Làng Mai hiện còn lưu truyền một dị bản về câu chuyện Tấm Cám như sau: Chuyện kể rằng một lần Hoàng từ nhà Đinh về Hội làng Mai, tình cờ nhặt được một chiếc hài gấm rất đẹp. Hoàng tử đã tìm được người con gái đánh rơi hài, cho là duyên kỳ ngộ nên cưới làm Hoàng tử phi. Đó là cô Tấm làng Mai. Trong Hội làng Mai bây giờ, khi các bà người làng Mai vào dâng rượu, dâng hương lên Đinh Tiên Hoàng, đều đội khăn xếp màu vàng, mặc áo lụa vàng, chân đi hài gấm, mô phỏng cô Tấm ngày xưa.

    2. Phiên bản Thần Tích Ỷ Lan Phu Nhân - dị bản ít ai biết về chuyện cổ tích Tấm Cám

    Ở vùng Bắc Ninh, thì truyện Tấm Cám được truyền tụng như là lịch sử Thái phi Ỷ Lan. Quyển Lý triều đệ tam hoàng hậu sự tích đã chép truyện bà Ỷ Lan gắn liền với nhân vật Cám (khác với truyện trên, ở đây gọi ngược lại Tấm là Cám và Cám là Tấm. Ỷ Lan thái phi là Cám) và tước bỏ đi nhiều chi tiết của truyện dân gian: Ở làng Thổ Lỗi (hay Siêu Loại), huyện Gia Lâm, có ông Lê Công Thiết và vợ là Vũ Thị Tinh chuyên trồng dâu nuôi tằm. Một đêm vợ nằm chiêm bao thấy mình nuốt mặt trăng, sau đó sinh một cô gái tên là Cám (hoặc Khiết Nương). Vợ chết, chồng lấy vợ kế là Chu Thị, sinh một gái khác là Tấm. Thế rồi, câu chuyện cũng diễn ra với đủ các tình tiết bắt cá, nuôi bống và nhặt xương bống chôn chân giường đúng như truyện trên vừa kể, chỉ có khác ở chỗ Bụt lại là nhà sư Đại Liên, tu ở chùa Linh-nhân. Và điều khác thứ hai đáng lưu ý là xương bống chôn một trăm ngày đào lên được một đôi hài quý, nhưng khi Cám phơi đôi hài, thì một con quạ thần trông thấy, cắp lấy một chiếc bay đến kinh đô rồi thả xuống sân điện. Vua bấy giờ là Lý Thánh Tông chưa có con, cho đấy là điềm lành, bèn loan báo cho đàn bà con gái khắp nơi đi ướm thử

    Từ đây truyện phát triển hoàn toàn khác với cổ tích nói trên. Vua đi cầu tự ở chùa, xa giá đến đâu mọi người đua nhau đi xem đến đấy. Chỉ có Cám vẫn chăm chỉ hái dâu. Một ông hàng dầu thấy một đám mây che trên đầu Cám, bèn mách cho quan quân biết. Vua cho gọi Cám đến hỏi tại sao không đi xem vua trẩy? Cám tâu là vì dì bắt đi hái dâu. Vua cho ướm chân vào hài thì vừa như in. Vua bèn lấy làm vợ, gọi là Ỷ Lan. Ỷ Lan làm vợ vua lâu ngày vẫn chưa có con. Đại Điên gặp Nguyễn Bông (là người vua sai đến chùa) hỏi: "Có muốn làm hoàng tử không?". Bông đáp: "Muốn". Đại Điên dặn Bông lẻn vào buồng tắm của hoàng hậu trong lúc Ỷ Lan đang tắm. Kết quả, việc làm của Bông bại lộ, Bông bị án chém. Tối hôm ấy, Thánh Tông mộng thấy một tiên ông đưa đến cho một đứa con trai. Quả nhiên Ỷ Lan có mang đẻ ra một hoàng tử. Nhưng hoàng hậu họ Dương lại bắt trộm mất hoàng tử, nói dối là con do mình đẻ ra, và thay vào một con mèo nói là con của Ỷ Lan. Lớn lên, hoàng tử nhận ra mẹ đẻ của mình và giết chết hoàng hậu họ Dương cùng bảy mươi mốt cung nữ. Ở Bắc Ninh còn có người kể xen vào những tình tiết khác. Ví dụ: "Một trong bốn cái lọ đào được có một lọ nước thần, Nhờ lọ nước, Cám tắm vào, da dẻ trở nên trắng trẻo, người đẹp tuyệt trần". Hay là: "Do Đại Điên bày vẽ, Bông lẻn vào trước buồng tắm của Ỷ Lan, bới cát nằm xuống tự vùi mình, khi Ỷ Lan dội nước, cát trôi, Bông lộ nguyên hình".

    3. Phiên bản của G. Jeanneau - dị bản ít ai biết về chuyện cổ tích Tấm Cám

    Sau đây là nội dung truyện kể ở miền Nam mà G. Jeanneau, người sưu tầm truyện cổ Việt Nam sớm nhất đã ghi được ở Mỹ Tho năm 1886.

    Có hai vợ chồng sinh hai cô gái Tấm và Cám, là con sinh đôi. Tấm được bố mẹ chăm nom chiều chuộng rất mực, còn Cám thì bị đối đãi như tôi đòi. Một hôm người cha cũng giao cho mỗi con một cái giỏ, bảo đi bắt cá, ai bắt được nhiều hơn thì được gọi bằng chị. Cám được nhiều hơn, nhưng Tấm bảo đưa giỏ cho mình giữ hộ để đi hái rau thơm về kho cá. Cám trở về thì bao nhiêu cá đã bị Tấm lấy mất chỉ còn một con bống mú. Do đó Tấm được làm chị. Cũng như truyện kể ở miền Bắc, Cám được thần hiện lên bày cho cách nuôi cá bống mú, nhưng nuôi được ít lâu cá cũng bị Tấm tìm cách bắt ăn thịt. Thần hiện lên bày cách bỏ xương cá vào hũ chôn xuống đất, sau sẽ được nhiều vật quý. Một con gà cũng mách cho Cám chỗ vùi xương bống. Sau ba tháng mười ngày, Cám đào lên quả được áo quần đẹp và một đôi giày. Một hôm Cám đem giày đi ra đồng bị ướt, phải đem phơi, bỗng một con quạ cắp mất một chiếc đem bỏ vào cung vua. Hoàng tử bắt được cho rao mời đàn bà con gái mọi nơi về thử, ai đi vừa sẽ lấy làm vợ. Tấm được bố mẹ cho ăn mặc đẹp trẩy kinh, còn Cám thì phải ngồi nhặt một mớ đậu và vừng trộn lẫn. Thần cho bồ câu đến giúp (có người kể con quạ lần trước tha giày đến bày cho Cám cách sàng để nhặt được nhanh). Sau đó Cám đến kinh thử giày, và trở thành vợ Hoàng tử

    Một hôm, Cám nghe tin bố đau nặng bèn về thăm. Thật ra Cám bị lừa, dưới giường chỗ bố nằm có để nhiều tấm bánh đa nướng để khi trở mình nghe tiếng răng rắc. Cám tưởng bố gãy xương thương lắm, khóc rưng rức. Rồi Cám cởi áo trèo cau theo lời bố. Cây cau bị Tấm chặt gãy, Cám rơi vào hố nước sôi chết. Nhờ có mặt mũi giống Cám, Tấm mặc áo quần rồi vào cung mà không ai biết, kể cả hoàng tử, nhưng hoàng tử ngày một nguội lạnh với Tấm. Cám hóa thành chim quành quạch, và cũng như truyện kể ở miền Bắc, chim bay vào cung gặp Tấm đang giặt áo. Chim cũng nói câu: "Phơi áo chồng tao.." và sau đó cũng được hoàng tử đem về nuôi ở lồng. Tấm cũng bắt chim ăn thịt và nói rằng mình có mang thèm ăn thịt chim. Chỗ vứt lông chim mọc lên một măng tre, sau đó bị Tấm chặt làm thức ăn. Vỏ măng hóa thành một cây thị chỉ có mỗi một quả, mỗi lần hoàng tử ở nhà thì cành lá xòa xuống thấp, nhưng khi đi vắng thì cây vươn lên cao vút, vì thế Tấm muốn hái thị ăn mà không được. Sau đó thị rơi vào bị một bà lão ăn mày. Tiên nữ trong quả thị cũng nhiều lần hiện ra giúp bà lão, sau cùng bà lão cũng rình bắt được, bèn xé nát vỏ thị.

    Một hôm, Cám hóa phép làm cỗ bàn rất linh đình để dọn cúng chồng bà lão, nhưng lại ép nài bà đi mời hoàng tử tới dự. Hoàng tử đòi phải có thảm trải từ cung đến nhà mới chịu đi. Quả có thảm trải thật, lại có cả miếng trầu têm rất đẹp làm hoàng tử chú ý, hỏi thì bà lão nói dối là mình têm. Hoàng tử bảo bà thử têm cho mình xem. Cám hóa làm con ruồi vẽ cho bà cách têm, nhưng khi hoàng tử đuổi ruồi thì bà lão lại không têm được, đành phải thú thật là do con gái mình têm. Nhờ đó hoàng tử gặp lại vợ cũ.

    Đoạn kết, Cô Tấm hỏi Cám làm sao lại đẹp. Cám thật thà nói nhờ việc ngã vào hố nước sôi. Tấm nghe theo, nhảy vào nước sôi mà chết. Cám liền làm mắm gửi cho dì ghẻ, dì ghẻ cũng khen ngon, rồi cũng có con quạ đến mách và bị đuổi. Khi ăn gần hết, thấy đầu lâu con gái mẹ Cám lăn ra chết.


    4. Phiên bản của Dumoutier - dị bản ít ai biết về chuyện cổ tích Tấm Cám

    Học giả Dumoutier có sưu tầm được một dị bản, cũng ở Bắc Ninh, có lẽ xuất phát từ nguồn gốc thần tích về Ỷ Lan.

    Vào cuối thời Hùng Vương, có một người tên là Đào Chí Phẩm ở làng Lãm-sơn, huyện Quế Dương (Bắc Ninh), vợ sinh được một con gái là Tấm rồi mất. Đào Chí Phẩm lấy vợ sau là Thị Cao sinh được Cám. Khi chồng chết, Thị Cao bạc đãi con ghẻ. Các tình tiết bắt cá, nuôi bống, ăn thịt bống, nhặt xương bống chôn dưới gầm giường, và đổ lẫn các giống hạt bắt nhặt (ở đây là các giống đỗ) v. V.. đều đại khái giống với các truyện Tấm Cám đã kể. Khi Bụt mách cho Tấm đào những lọ dưới chân giường, Tấm đào được trong lọ một cô gái hầu, các lọ kia là áo giày và ngựa (nhưng về sau không thấy cô gái hầu xuất hiện trong các tình tiết kế tiếp). Do chiếc giày của Tấm đánh rơi khi đi xem hội, mà hoàng tử tìm được Tấm. Thấy nàng đẹp, hoàng tử muốn lấy làm vợ, Tấm bảo về hỏi người mẹ ghẻ. Hoàng tử phái quan đến hỏi, Thị Cao thuận gả nhưng đến ngày cưới lại bảo Tấm đi chơi xa, rồi lấy áo quần Tấm mặc cho Cám, đưa Cám vào cung. Tấm về thất vọng nhảy xuống giếng chết. Hồn Tấm hóa thành chim vàng anh bay vào cung. Thấy Cám giặt áo cho hoàng tử, chim cũng dặn không được phơi bờ rào "rách áo chồng tao". Nghe nói thế, hoàng tử biết mẹ con Thị Cao lừa gạt, bèn hỏi chim: - "Có phải vợ anh chui vào tay áo". Chim bay ngay vào tay áo.

    Truyện không nói đến những hành vi độc ác của Cám và mấy lần tái sinh của Tấm mà cho rằng Cám thấy chim, biết đó là chị nó thì sinh ra hối hận, bèn nhảy xuống giếng chết. Dumoutier còn cho biết, người ta thờ chung cả hai cô vào một đền ở Lãm Sơn. Những lúc có hạn hán, dân làng đến đây cầu đảo thường nghiệm.

    Như đã nêu đầu bài, truyện cổ tích Tấm Cám là một câu chuyện đã có từ thời xa xưa và được truyền miệng, do đó sẽ xuất hiện nhiều dị bản sao cho phù hợp với thời đại. Bạn có thể tin hay không tin những gì được viết ở trên, nhưng xét cho cùng mục đích của cổ tích là giúp con người có thể hy vọng vào những gì tốt đẹp, đem lại những bài học mang giá trị đạo đức cao đẹp. Hãy tin vào phiên bản nào phù hợp nhất với hình ảnh "Cô Tấm" trong lòng bạn, vậy là đủ

    Nguồn: ST
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...