Món Ruốc Của Mẹ Tác giả: DayJoy "Em về ngay đi! Về mà xem mẹ em cho hai đứa ăn cái gì này!" "Anh đã nói nhiều lần rồi, bà lên chơi anh không cấm cản, nhưng đừng có rước theo cái lối sống bần tiện dưới quê. May mà không có khách khứa, không thì đúng là mất mặt!" Thanh âm đầy bực dọc vang lên chát chúa bên tai khiến màng nhĩ chị lùng bùng, thần kinh đau nhói còn hai thái dương thì cứ giật lên liên hồi. Tiếng còi xe inh ỏi phía sau khiến chị giật mình, vội đáp hai tiếng xoa dịu cơn cáu kỉnh của chồng rồi thở dài cúp máy. Không biết đây đã là lần thứ mấy trong tháng chị phải nghe chồng cằn nhằn về mẹ vợ. Thực ra thì chị cũng hiểu, vấn đề chủ yếu nằm ở sự bất đồng trong nếp sống giữa hai bên. Chồng chị sinh ra và lớn lên ở thành phố, gia cảnh giàu có lại là con một. Anh không xấu tính nhưng sâu trong xương vẫn có chút kiêu ngạo của người ở tầng lớp trên, trọng nhất là thể diện và mặt mũi. Mấy năm du học ở trời Tây còn khiến anh sinh ra bệnh sạch sẽ và cái tính sính ngoại. Ngược lại, chị là cô gái xuất thân từ thôn làng lạc hậu, phải trải qua nhiều năm học tập, công tác nơi thành thị và quen biết anh mới dần dần trút bỏ được phong thái quê mùa. Càng đừng nhắc tới mẹ chị. Bà đích thị là mẫu phụ nữ nông thôn điển hình, sống cơ cực lam lũ đã quen nên không bỏ được cái tính xuề xòa, tằn tiện. Dù con rể và con gái chẳng hề yêu cầu, bà vẫn vô thức thể hiện lối sống của người dân chốn quê nghèo trong căn nhà khang trang của anh chị. Bà lên thăm vợ chồng chị được bao nhiêu ngày thì gần như là bấy nhiêu ngày chị phải nghe chồng phàn nàn, than vãn. Khi thì anh bảo tan làm về nhà mà tưởng như bước vào nhà ma, vì bà sợ tốn tiền điện nên chỉ mở một bóng đèn duy nhất trong phòng khách, khiến hai đứa nhỏ ngồi làm bài mà đầu cứ phải cúi gằm xuống, mắt dán sát vào vở. Khi thì anh chê bai khi bà đi vệ sinh quên xả bồn cầu, lau bếp mà để nước nôi lênh láng, nấu nướng mà dầu mỡ bắn tung tóe lên cả máy hút mùi. Và đa phần bất mãn của anh tới từ việc chuẩn bị ngày ba bữa cơm mà từ khi lên chơi, bà vì thương con gái bận bịu mà nhận cả vào người. Dân quê ăn uống đạm bạc đã quen nên mỗi bữa, bà chỉ nấu vỏn vẹn một mặn một chay, thêm bát canh suông nhạt nhẽo. Tối hôm qua là đĩa thịt rang cháy cạnh có tí tẹo với bát nước xương được nêm nếm chút gia vị rồi thả dăm quả thanh trà.. Hôm trước nữa thì chỉ có trứng rán và củ cải luộc. Tuy chỉ toàn những chuyện chẳng mấy to tát nhưng cũng đủ để phô bày rõ sự khác biệt trong lối sống và làm dấy lên bất mãn giữa những người không thuộc cùng một thế giới. Chẳng biết hôm nay lại là chuyện gì nữa đây.. Chị ngao ngán thở dài rồi tiếp tục rồ ga phóng về nhà. Vừa bước vào phòng khách, còn chưa kịp cất túi xách và nghỉ lấy hơi sau một chặng đường dài đầy khói bụi và nắng nóng, chị đã trông thấy khuôn mặt cau có khó chịu của chồng. Anh đang ngồi xem TV. Nhác thấy tiếng đóng mở cửa, anh liền liếc mắt về phía nhà bếp nhằm ra hiệu cho chị rồi lại tỏ vẻ khó ở mà quay đi. Không thấy hai đứa nhỏ, chắc chúng đã về phòng học bài. Chị hít sâu một hơi rồi bước nhanh vào nhà bếp. Mẹ chị đang đứng bên quầy bếp, cặm cụi nhặt nhạnh thứ gì đó. Chị lại gần gọi khẽ rồi rướn người nhìn xuống. Qua bờ vai gầy guộc của mẹ, chị thấy bà đang cầm đôi đũa mảnh, gắp từng gắp ruốc màu trắng ngà ra chiếc bát con. Có lẽ do không quen cầm loại đũa kim loại này mà đôi tay xương xẩu của bà cứ run run, một vài sợi ruốc rơi vãi trên nền đá cẩm thạch đen bóng. Nghe tiếng con gái gọi, mẹ chị quay đầu nhoẻn miệng cười, nụ cười móm mém chân chất làm sáng bừng cả khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ. Bà hồ hởi hỏi chị, "Đi làm về rồi hả con? Ngoài đường có nóng không? Có mệt không? Uống đỡ cốc nước mát rồi gọi chồng ra ăn cơm. Mẹ với hai đứa ăn xong rồi." "Mẹ cho các cháu ăn cơm với gì thế ạ?" "Ruốc cá đây thây! Mẹ tự làm mang lên cho chúng mày, ruốc nhà làm vừa ngon vừa bổ, thế mà mấy hôm trước quên béng đi mất, bữa nay mở tủ mới nhớ ra đấy!" Mẹ chị cầm bát ruốc lên khoe với con gái, giọng nói già nua ẩn chứa niềm phấn khởi khó giấu, "Hai đứa cũng thích, chỉ cơm với ruốc cũng làm hẳn hai bát đầy tú hụ!" Chị hết nhìn mẹ rồi lại nhìn món ruốc giản dị, chợt hiểu ra lý do cho cuộc gọi đầy khó chịu của chồng. Khác với chị, người được nuôi lớn bởi những món ăn thôn quê dân dã, chồng chị khá khó tính và cầu kỳ trong chuyện cơm nước. Anh không thích những món như cà pháo, rau ngâm, cá khô, không thích đồ nhiều dầu mỡ hay được nêm nếm nặng vị. Đặc biệt, anh luôn cảm thấy đồ ăn dưới quê gửi lên không chỉ không đảm bảo về chất lượng nguyên liệu mà còn mất vệ sinh và "không đủ tầm để đưa lên bàn cơm". Hiển nhiên, món ruốc cá nhà làm với màu sắc không mấy bắt mắt, chỗ trắng chỗ vàng, sợi to sợi nhỏ lại còn đậm mùi mắm muối không phải là thứ mà anh muốn trông thấy trong bữa ăn nhà mình. "Mẹ à," Chị cất giọng, "Chồng con không thích món này, các cháu cũng đang tuổi ăn tuổi lớn, cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Mẹ chỉ cho cháu ăn cơm không với ruốc thì sao đủ chất được? Với lại mấy cái đồ này vừa mặn vừa không sạch sẽ, tốt nhất là mẹ bỏ đi. Nếu mẹ thích, chiều mai con ghé siêu thị mua ít ruốc cá hồi về cho mẹ nếm thử." "Gớm! Hồi với chả hiếc! Ruốc cá tự làm, ngon nõn ra thế này, ở quê là món ngon đắt tiền đấy chứ chả rẻ rúng gì đâu. Mà ngày xưa mày chả ăn mãi còn gì, bây giờ là người thành phố rồi, chê đồ nhà quê hả?" Mẹ chị cau mày tỏ vẻ bất mãn. Giọng bà lớn, tiếng nói như đập thẳng vào mặt khiến thái dương chị lại đau nhói lên từng cơn, kiên nhẫn cũng vơi dần. "Con không có chê! Nhưng ở nhà này chúng con không ăn món đó. Mẹ xem, từ ngày mẹ lên, mọi thứ trong nhà đảo lộn hết cả. Chúng con góp ý thì mẹ lại tự ái. Con chỉ xin mẹ làm ơn ăn uống, sinh hoạt theo nếp nhà trên này cho gia đình yên ấm, con cháu bớt ý kiến thôi, thế cũng không được ạ? Còn nếu cảm thấy không ở nổi nữa, mẹ cứ nói, con đặt vé xe cho mẹ về quê!" Nói đến đây, giọng chị vô thức nâng cao. Chị ấm ức lắm, cảm thấy mẹ mình quê mùa, cố chấp, không biết cảm thông cho cái khó của con gái. Gần nửa tháng nay, hầu như chẳng một giây một phút nào chị được thanh thản đầu óc. Vừa chăm lo gia đình vừa bận rộn công việc, lại suốt ngày phải chịu đựng vẻ mặt chê bai và những lời phàn nàn của chồng về mẹ đẻ. Tất cả phiền não tích tụ bấy lâu cộng thêm thời tiết nắng nóng và cơn đau đầu âm ỉ từ sáng khiến chị như muốn bùng nổ, không nhịn được mà to tiếng. Nghe ra sự gắt gỏng trong giọng nói của con gái, mẹ chị hơi bất ngờ. Bà đứng sững tại đó một lúc, hai mắt mờ đục mở lớn nhìn chị trân trân. Đoạn, bà đặt bát ruốc lên bệ bếp rồi quay người đi, chẳng nói chẳng rằng. Chị nhìn theo bóng lưng hơi còng của mẹ. Dưới ánh sáng màu vàng cam của chiếc đèn chùm, trông bà càng thêm lam lũ và tang thương. Cảm giác hối hận chợt dâng lên khiến lồng ngực chị chua xót. Chị toan bước lên hai bước thì tiếng TV vọng lại từ phòng khách như một lời nhắc nhở khiến hai chân chị cứ chần chừ như bị ghim chặt xuống mặt sàn. Biết sẽ khiến mẹ tổn thương nhưng chị buộc phải dùng dao sắc chặt đay rối, có thế thì những ngày tháng sau này mới yên ổn được, cũng phần nào hòa hoãn bớt mối quan hệ bằng mặt không bằng lòng giữa mẹ vợ và con rể. Chị mệt mỏi chống hai tay lên bàn bếp, để hơi lạnh từ đá cẩm thạch giúp đầu óc mình bình tĩnh lại. Thôi, cơm nước xong đã, có gì để tối rồi tính.. Đứng đó một lát rồi chị mới uể oải xoay người đi về phía tủ lạnh. Tâm trạng xấu khiến chị chẳng còn chút khẩu vị nào dù dạ dày đang quặn thắt. Chị thì một bát ngũ cốc cũng coi như xong bữa, nhưng cần phải nấu thêm mấy món phụ cho ông chồng khó tính dùng cơm. Đang cúi người xem xét một miếng thịt bò đông lạnh thì âm thanh lanh lảnh bỗng vang lên. Là chuông điện thoại của chị. Thở hắt ra một hơi, chị đặt miếng thịt lại chỗ cũ rồi quay về bên bàn bếp, nhấc máy lên nhìn. Là bố chị ở quê gọi điện. "Bố ạ?" Chị hắng giọng, có tỏ ra tươi tỉnh. "Ừ bố đây, đang ở nhà hay đi làm? Đã ăn uống gì chưa?" Giọng bố chị sang sảng vang lên từ đầu dây bên kia. "Con vừa đi làm về, đang chuẩn bị rán miếng thịt rồi ăn luôn đây ạ. Thế bố ăn uống gì chưa? Mẹ không ở, bố nhớ phải cơm nước đầy đủ, đúng giờ, đo huyết áp thường xuyên và dùng thuốc bổ con gửi nhé." Chị dặn dò. "Biết rồi biết rồi, khổ lắm nói mãi! Thế thôi cả nhà cơm nước đi, bố gọi điện hỏi thăm tí thôi." Bố chị bật cười, "À, nhớ lấy lọ ruốc cá ra ăn thử. Mẹ mày cũng đãng trí, cất công làm mang lên cho con cho cháu mà mãi hôm nay mới nhớ ra, sáng nay gọi cho bố còn bảo may là chưa hỏng." "Dạ?" Nghe nhắc đến "ruốc cá", chị vô thức đưa mắt nhìn lọ ruốc giản dị đặt trên bàn bếp, bỗng cảm thấy có hơi chột dạ. "Không phải ngày xưa mày thích món này nhất à? Lần nào đi học xa về cũng mè nheo đòi mẹ làm cho một lọ mang đi. Ruốc này mẹ mày làm kỳ công lắm đấy, phải lọ mọ dậy từ bốn, năm giờ sáng bắt xe lên thị trấn canh mẻ cá tươi mới nhất, chọn con nạc thịt nhất, rồi nào là hấp với chả đảo. Mà ruốc này muốn ngon nhé, là không được giã cối hay dùng máy xay đâu, mẹ mày dùng tay xé cả đấy. Khổ, mắt thì mờ, thịt cá thì nóng nhưng mẹ mày vẫn cố làm cho xong để mang lên cho vợ chồng con cái chúng mày thưởng thức." Bố chị còn nói một tràng dài bên tai, nhưng lúc này, chị chỉ cảm thấy trái tim như hẫng đi một nhịp, vành mắt không tự chủ được mà rơm rớm ướt át. Chị đã làm gì thế này? Món ăn mẹ tỉ mỉ nấu nướng bằng tất cả sự quan tâm và tình yêu thương chân chất dành cho con cháu, chị lại chỉ vì chút sĩ diện hão và sự khó tính phi lý của chồng mà chê bai, bác bỏ. Hẳn mẹ đã buồn lòng và thất vọng lắm lắm. Chị vội giục bố nghỉ ngơi sớm rồi cúp máy, sau đó chạy nhanh ra ngoài phòng khách. Chồng chị vẫn đang ngồi xem thời sự buổi tối, thấy chị hớt hải chạy ra, anh chỉ ngước mắt nhìn lên một cách khó hiểu rồi lại chăm chú với bản tin kinh tế trên TV. Chị dáo dác nhìn quanh, đèn phòng cho khách trên tầng hai chưa sáng, phòng khách cũng không thấy bóng dáng mẹ, chẳng biết bà đã đi đâu mất rồi. "Anh! Anh có thấy mẹ đâu không?" Chị hốt hoảng hỏi chồng. "Hả? Mẹ á? Anh không để ý, chắc bà lên phòng rồi." Chồng chị đáp, mắt vẫn dán chặt vào màn hình TV. Chị bất mãn liếc chồng một cái nhưng không có tâm trạng nào để mà đôi co với anh. Chẳng biết từ khi nào, sắc trời bên ngoài đã tối sầm, những hạt mưa to to nhỏ nhỏ đập lộp bộp lên cửa kính, dần dần phủ kín mặt đường. Chỉ trong thoáng chốc, tiếng mưa rào rào vang lên. Cơn mưa mùa hạ nói tới liền tới, bầu trời vốn nhá nhem lại càng thêm tối tăm, xây xẩm. Chị vớ vội chiếc ô gấp treo cạnh giá để giày rồi lao thẳng ra ngoài màn mưa, bỏ lại tiếng gọi với theo của chồng ở đằng sau. Cơn mưa nặng hạt khiến cho tay cầm ô của chị run rẩy ngả nghiêng. Chị chạy chậm dọc khu phố, vừa di chuyển vừa cố gắng căng mắt nhìn xuyên qua màn mưa hòng tìm kiếm thân ảnh gầy gò của mẹ. Cứ chạy được vài bước, chị lại sốt ruột gọi một tiếng "Mẹ!", nhưng đáp lại chị chỉ có âm thanh sàn sạt khi mưa rơi và tiếng cười đùa, chuyện trò vọng ra từ nhà cửa hai bên đường. Ruột gan chị nóng bừng lên, tâm trạng lo lắng và hối hận thay phiên nhau khuấy đảo lồng ngực khiến nước mắt chị vô thức lăn dài, hòa vào nước mưa lạnh ngắt trên mặt. Đi hết con phố, cuối cùng chị cũng tìm được mẹ ở vườn hoa gần nhà. Mẹ đang co ro trú mưa dưới cây cầu trượt màu sắc sặc sỡ của đám trẻ con. Bộ đồ lanh mỏng manh bị nước mưa thấm ướt, dính sát vào tấm thân hao gầy. Có lẽ là lạnh nên bà ngồi bó gối, hai tay khô quắt ôm lấy thân mình, cả người cứ thi thoảng lại run lên khe khẽ. Cảnh tượng ấy đập vào mắt khiến chị đứng khựng lại, sống mũi càng thêm cay xè. Giờ phút này, cõi lòng chị hỗn loạn, tâm trí cũng trống rỗng như bị nước mưa gột trôi hết những điều muốn bày tỏ. Ngoài tiếng "Mẹ!" tha thiết, chị chẳng biết nên nói gì nữa. Chị chạy thật nhanh tới nơi có mẹ, mặc cho chiếc ô đã nghiêng hẳn sang một bên khiến cơn mưa xối ướt đẫm cơ thể. Chị muốn nhào vào lòng mẹ, ghì chặt lấy tấm thân nhỏ bé nhưng mang trong mình tình yêu thương lớn lao, sâu nặng ấy. Chị sẽ đưa mẹ về, xới một bát cơm trắng để ăn kèm với món ruốc cá thơm nức đậm đà vị ấu thơ. Chị sẽ nắm tay mẹ, rồi cùng mẹ nhắc lại những ngày tháng xưa khi vẫn còn là cô bé nhà quê vô tư lự, đi xa đến mẫy cũng chỉ đau đáu nhớ về nhà, nơi có bữa cơm mẹ nấu.. ___END___