Mỗi Ngày Một Bài Học Cuộc Sống - Matsushita Konosuke

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Lenoq, 18 Tháng mười một 2018.

  1. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Một điều giản dị có thể giúp chúng ta vượt qua rất nhiều khó khăn lớn

    Khi không có hy vọng, thì chúng ta thậm chí sẽ chẳng ngước nhìn lên để xem có điều gì tốt đẹp đang xuất hiện hay không.

    Có một câu chuyện cười thế này: Một thanh niên trẻ làm nghề môi giới bất động sản đang rất hăng hái với công việc của mình và quyết tìm cho được khách hàng. Anh bấm chuông cửa một nhà bên đường và một bà cụ ra mở cửa. Trái với những người khác thường nhanh chóng từ chối, bà cụ này kiên nhẫn nghe anh trình bày về những khu đất rộng rãi, những căn nhà ở vị trí đẹp.. Cuối cùng, anh ta "chốt hạ" : "Bác cứ tin cháu, đây là một khoản đầu tư tuyệt vời cho tương lai".

    Bà cụ mỉm cười, đáp: "Con trai, con nghĩ mà xem, ở tuổi này thì ta còn chẳng mua chuối xanh nữa ấy chứ".

    Có một "biến thể" khác của câu chuyện này, là một ông cụ chừng 75-80 tuổi đang chọn mua rượu ở một cửa hàng, thì được nhân viên giới thiệu: "Bọn cháu đang có chương trình giảm giá loại rượu ở quầy kia, sao bác không thử mua vài chai và giữ để dùng dần?". Ông cụ lắc đầu: "Cháu đùa ta phải không? Ở tuổi của ta, ta thậm chí còn chẳng mua chuối xanh ấy chứ".

    [​IMG]

    Cách diễn đạt "không mua chuối xanh" thường mang ý nghĩa không mấy tích cực.

    Cách diễn đạt "không mua chuối xanh" bắt đầu xuất hiện trên báo chí từ những năm 1980, có nghĩa là không có nhiều kỳ vọng vào tương lai, bởi vì chuối xanh mua về thì phải để vài ngày mới chín (và những người nói như vậy muốn nhấn mạnh rằng, chờ đến khi chuối chín thì có lẽ họ cũng.. chẳng còn ở đó mà ăn nữa). Một số người nói "không mua chuối xanh" cũng với ý rằng, phải làm việc gì đó nhanh lên, vì họ không có thời gian chờ đợi. Tóm lại, đây là một cách diễn đạt hơi tiêu cực, ý nói chẳng hy vọng, trông chờ vào thời gian trước mắt.

    Thế nhưng, nhiều khi, kiên nhẫn và hy vọng lại là rất cần thiết, mang tính sống còn. Vào tháng 1/1915, con tàu Endurance bị mắc kẹt và đâm vào băng ở bờ biển Nam Cực. Một nhóm các nhà thám hiểm Nam Cực, dẫn đầu là Ernest Shackleton, đã sống sót và cuối cùng tới được Đảo Voi (Elephant Island) trên ba chiếc thuyền cứu hộ. Giờ thì họ tiếp tục mắc kẹt trên hoang đảo không bóng người này, cách xa những tuyến đường biển của tàu thương mại thông thường.

    [​IMG]

    Hình ảnh con tàu Endurance bị mắc kẹt và thuyền trưởng Ernest Shackleton.

    Họ chỉ còn đúng một hy vọng: Ít lâu sau đó, 22 người sống sót nhìn theo Shackleton cùng 5 đồng đội lên con thuyền cứu hộ nhỏ xíu hướng về South Georgia – một hòn đảo cách đó 800 dặm, để tìm kiếm sự giúp đỡ. Khả năng thành công của họ tưởng như gần bằng 0, và tất nhiên, nếu Shackleton thất bại, thì chắc chắn tất cả những người còn lại cũng chết.

    Bạn có thể tưởng tượng được sự vui mừng của 22 người ở lại khi mà, hơn bốn tháng sau, một chiếc thuyền bỗng xuất hiện ở chân trời. Đứng ở mũi thuyền là Shackleton. Ông hét to: "Các cậu ổn cả chứ?". Và những người anh em của ông trên Đảo Voi hét to đáp lại: "Tất cả đều an toàn! Ổn cả!".

    Điều gì đã giữ 22 nhà thám hiểm đó vẫn ở bên nhau và giữ họ sống sót trong suốt những tháng đó? Sau này, họ đều nói rằng, họ sống được chính là nhờ niềm tin và hy vọng, đặt vào đúng một người – Shackleton. Họ tin rằng ông sẽ tìm ra cách cứu họ.

    [​IMG]

    Đảo Voi – nơi 22 nhà thám hiểm ở suốt 4 tháng để chờ thuyền cứu hộ.

    Bằng chứng rất chân thật này luôn được nhắc đến trong nhiều cuốn sách kinh điển. Kể cả các nhà tâm lý học cũng cho rằng, giữ sự lạc quan, hy vọng là cách để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức lớn.

    Bởi vì nếu không có hy vọng, hẳn chúng ta sẽ bỏ cuộc ngay chứ chẳng bao giờ nhìn về phía chân trời để biết ở đó có xuất hiện chiếc thuyền nào đến giúp hay không.
     
    chiqudoll, vuchung622Đặng Châu thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười một 2018
  2. Đăng ký Binance
  3. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều được ban cho tài năng gì đó

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ai cũng có những năng khiếu, những khả năng riêng. Và phần lớn các tài năng đều được xây dựng, phát triển qua luyện tập.

    Tôi từng nghe câu chuyện về một phụ nữ nhận chăm sóc trẻ em tại nhà mình vào ban ngày. Một hôm, khi cô đang đứng ở cửa đón các em nhỏ được bố mẹ đưa tới, thì một chiếc xe cứu hỏa phóng qua. Bọn trẻ rất phấn khích khi nhìn thấy một con chó đốm ngồi ở ngay ghế trước của xe cứu hỏa - giống y như trong những câu chuyện cũ mà chúng từng được đọc cho nghe.

    Bọn trẻ bắt đầu bàn tán về "trách nhiệm" của "chú chó cứu hỏa". Một cậu bé nói rằng, hẳn người ta dùng chú chó để ngăn không cho đám đông tụ tập quanh những nơi có hỏa hoạn. Một cô bé khác phản đối, cho rằng chó đốm đi theo vì chúng mang lại may mắn. Nhưng rồi cậu bé Jamie kết thúc cuộc tranh cãi khi kết luận: "Người ta dùng chú chó để đánh hơi tìm cột nước cứu hỏa ấy mà!".

    [​IMG]

    Ở nhiều nước phương Tây, việc chú chó đốm ngồi trên xe cứu hỏa là hình ảnh rất quen thuộc.

    Câu trả lời của Jamie có thể không đúng, nhưng cậu bé đã có cách nhìn rất thú vị, đó là tập trung vào khả năng nổi bật của loài chó (là đánh hơi). Nên câu trả lời ấy đã nhắc chúng ta rằng, tất cả chúng ta đều có những khả năng hữu ích. Một số kỹ năng của chúng ta khá rõ ràng. Một số khác thì được ẩn giấu và khó nhìn ra hơn. Một số thậm chí còn chưa được khám phá ra. Một số có thể được cải thiện nếu tập luyện (hầu hết các kỹ năng đều nằm trong nhóm này).

    Bà Marie Curie, người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel (và bà giành được đến hai lần liền), đã nói thế này về tài năng: "Cuộc sống chẳng dễ dàng cho bất kỳ ai trong số chúng ta, nhưng như thế thì sao? Chúng ta phải kiên trì, và trên hết, là tin vào bản thân mình. Chúng ta phải tin rằng mình được ban cho tài năng gì đó, và tài năng đó phải được tìm ra".

    Tôi rất thích điều này. "Chúng ta phải tin rằng mình được ban cho tài năng gì đó". Bạn có tin rằng mình cũng có tài năng gì đó? Và bạn đã biết được "tài năng gì đó" là gì chưa?

    [​IMG]

    Bà Marie Curie và câu nói nổi tiếng: "Hãy tò mò ít hơn về mọi người, và tò mò nhiều hơn về các ý tưởng".

    Cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ - William Floyd - có thể đã từng nghĩ rằng, năng khiếu về thể thao chính là tài năng lớn nhất của mình. Nhưng rồi giữa mùa bóng năm 1995, ông bị chấn thương đầu gối. Vận động viên giỏi giang này phải nghỉ ít nhất là hết cả mùa. Và đó là khi ông tìm ra một tài năng mà lẽ ra ông đã không biết là mình có.

    William Floyd vẫn muốn đóng góp chứ KHÔNG muốn chỉ ngồi buồn bã, hoặc ghen tỵ với đồng đội. Cho nên, vào mỗi buổi luyện tập và trong mỗi trận đấu, ông đều đứng ở đường biên, động viên các đồng đội của mình. Ông cổ vũ và khích lệ; ông an ủi và xoa dịu; ông trở thành người có mặt đều đặn nhất và là nguồn cảm hứng của cả đội. Ông có khả năng ấn tượng trong việc tìm ra những điều tốt nhất ở người khác.

    Vào cuối năm, các đồng đội của Floyd bình chọn ông là cầu thủ "tượng trưng rõ nhất cho cảm hứng và lòng can đảm". Trước đây, họ cần ông trong sân bóng bao nhiêu, thì bây giờ, họ cần ông ở đường biên cũng nhiều như vậy, bởi ông khuyến khích họ trở thành con người tốt nhất họ có thể, và phát huy được tiềm năng cao nhất của họ. Tôi cứ băn khoăn, liệu kỹ năng mới được tìm thấy của Floyd - tài năng động viên một cách tích cực - có được chứng minh là còn hữu ích hơn cả khả năng thể thao của ông?

    [​IMG]

    William Floyd trên sân bóng.

    Sẽ thế nào nếu chúng ta tin rằng mình "được ban cho tài năng nào đó"? Điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt nào?

    Và sẽ thế nào nếu chúng ta tin rằng, mình nên làm điều gì đó để phát huy tài năng ấy? Điều này thì CÓ THỂ tạo nên sự khác biệt nào?

    Tôi nghĩ, cả cuộc sống của bạn, và có thể là của cả những người xung quanh, đều sẽ thay đổi khi bạn cố gắng tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên.
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng mười một 2018
  4. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Những bài học cuộc sống mà chúng ta học được qua thời gian

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chúng ta học về cuộc sống qua những trải nghiệm, dần dần theo thời gian. Nhưng có những điều thực sự quan trọng, mà nếu chúng ta học được sớm thì càng có ích cho bản thân mình.

    Có một bản tóm tắt ngắn về những bài học của cuộc sống như thế này:

    Lúc 5 tuổi: Tôi học được rằng, mọi chuyện đều trở nên dễ dàng hơn khi có ai đó nắm tay bạn.

    Lúc 10 tuổi: Tôi học được rằng, đừng bao giờ hét vào tai một con mèo - hay bất kỳ ai, cho dù bạn đang cáu kỉnh đến đâu chăng nữa.

    Lúc 15 tuổi: Tôi học được rằng, mặc dù rất khó (và rất ngại) để thừa nhận, nhưng một cách bí mật, tôi thấy mừng rằng bố mẹ đã luôn nghiêm khắc với tôi.

    [​IMG]

    Thực ra, bố mẹ nghiêm khắc là để tốt cho chúng ta thôi.

    Lúc 20 tuổi: Tôi học được rằng, nếu bạn muốn làm cho mình vui lên, thì bạn nên cố gắng làm cho ai đó khác vui lên đã (rồi bạn sẽ thấy được kết quả).

    Lúc 25 tuổi: Tôi học được rằng, nếu ai đó nói điều gì đó không tử tế về mình, thì mình phải sống sao cho chẳng ai tin vào điều đó.

    Lúc 30 tuổi: Tôi học được rằng, có những người yêu thương bạn rất nhiều nhưng chỉ không biết cách thể hiện điều đó (hoặc không biết thể hiện theo cách mà bạn thích) mà thôi.

    Lúc 35 tuổi: Tôi học được rằng, người ta càng có nhiều cảm giác tội lỗi, thì người ta càng có nhu cầu đổ lỗi cho người khác.

    Lúc 40 tuổi: Tôi học được rằng, tôi không bao giờ nên cho phép những sự thất vọng trong cuộc sống lấy đi lòng nhiệt tình của mình.

    [​IMG]

    Đừng để những thất vọng trong cuộc sống lấy đi lòng nhiệt tình của bạn.

    Lúc 45 tuổi: Tôi học được rằng, tôi có thể biết rất nhiều về một con người qua cách họ "xử lý" ba điều này: Một ngày mưa và tắc đường, hành lý bị mất, và những dây đèn trang trí bị rối tung.

    Lúc 50 tuổi: Tôi học được rằng, trong hầu hết các trường hợp, cuộc đời sẽ cho bạn một cơ hội thứ hai.

    Lúc 55 tuổi: Tôi học được rằng, tôi không nên đi mãi trên hành trình cuộc sống mà cả hai tay đều đeo găng của người bắt bóng. Tôi cần phải có khả năng trao trả lại cái gì đó, chứ không thể chỉ tìm cách nhận mãi.

    [​IMG]

    Chúng ta không thể chỉ nhận mãi, mà phải biết cho đi.

    Lúc 60 tuổi: Tôi học được rằng, cho dù mối quan hệ của bạn với bố mẹ bạn có tệ đến mức nào, thì bạn cũng vẫn sẽ nhớ họ kinh khủng khi họ không còn trên đời nữa.

    Lúc 65 tuổi: Tôi học được rằng, mọi chuyện đều có mặt tích cực, kể cả những khổ sở và chịu đựng cũng đem lại những "món quà" riêng.

    Lúc 70 tuổi: Tôi học được rằng, bất kỳ khi nào tôi quyết định làm một việc tử tế gì đó, thì đều là tôi đã có quyết định đúng.

    Lúc 75 tuổi: Tôi học được rằng, ngay cả khi tôi có những chuyện khó chịu, thì tôi cũng không cần phải là một kẻ khó chịu.

    [​IMG]

    Một việc làm tử tế là một việc làm đúng đắn.

    Liệu những điều trên có đúng không? Tôi nghĩ là có, và sau khi đọc xong, tôi còn học được một điều nữa: Rằng lúc nào chúng ta cũng có gì đó để học hỏi. Nếu không học hỏi thì chúng ta không thể tự cải thiện. Nếu chúng ta không cải thiện, thì chúng ta không phát triển. Và nếu chúng ta không phát triển, thì chúng ta không phải là đang sống – một cuộc sống trọn vẹn hết mức có thể.

    Hãy cứ học hỏi – cải thiện – phát triển – và sống. Giống như một câu nói cực kỳ nổi tiếng: "Hãy học hỏi như thể bạn có thể sống mãi mãi, và hãy sống như thể bạn có thể chết ngay ngày mai".
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng mười một 2018
  5. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Những khoảnh khắc quý báu nhất không nằm ở quá khứ hay tương lai

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một số lời khuyên về môn đánh golf lại là bài học quan trọng cho cả cuộc sống.

    Tôi chỉ mới chơi đánh golf có mỗi một lần.. À, phải nói cho đúng là tôi không biết chơi đánh golf. Tôi chỉ đi theo một vài người bạn chơi golf và họ cho tôi đánh thử. Thực tế, tôi đã xấu hổ đến mức những lần sau, tôi tự động tìm cách từ chối khi họ rủ đi cùng. Tôi nghĩ khi tôi đánh golf, những người bạn tôi đứng xem hẳn đã phải khó khăn lắm mới nhịn được cười.

    Tuy không mặn mà với môn thể thao này lắm, nhưng tôi lại rất thích những điều mà một người chơi golf dày dạn nói về kinh nghiệm của mình.

    [​IMG]

    Để chơi golf giỏi, cần một số "kỹ thuật tinh thần" mà không phải ai cũng có được.

    Ông ấy liệt kê ba "kỹ thuật tinh thần" để cải thiện kỹ năng đánh golf của bất kỳ ai. Và điều tuyệt vời là thế này: Những kỹ thuật đó không chỉ giúp bạn cải thiện việc đánh golf, mà còn giúp tất cả chúng ta có cuộc sống tốt hơn. Bởi đó là những thái độ sống có thể giúp cả tôi và bạn sống nhiều hơn trong khoảnh khắc hiện tại thay vì sống trong quá khứ hoặc tương lai. Và dưới đây là những lời khuyên về môn đánh golf để có cuộc sống trọn vẹn hơn:

    1. Kìm nén mong muốn vừa chơi vừa cộng những điểm mình đã giành được. Nếu bạn cứ tính toán điểm của mình, bạn sẽ bị sao lãng khỏi nhiệm vụ ngay trước mắt.

    Nói cách khác, bạn hãy sống nhiều hơn trong hiện tại. Dẹp bỏ trong đầu mình những sai lầm và cả những thành công quá khứ, cố gắng chỉ nghĩ về thời khắc hiện tại thôi.

    2. Tập trung. Tuyệt đối tập trung vào việc đánh từng cú thật tốt thay vì lo lắng về những cú đánh dở, hoặc về những gì người khác sẽ nghĩ, sẽ đánh giá mình nếu mình chẳng may đánh trượt. Hãy hình dung việc quả bóng golf bay thẳng tới mục tiêu mà bạn dự định.

    Đây là một kỹ thuật rất quan trọng cho cuộc sống hàng ngày: Tuyệt đối tập trung. Tập trung vào việc làm những gì đang cần ngay trước mắt thay vì lo lắng rằng người khác sẽ nghĩ gì nếu bạn "làm hỏng bét". Và hãy tưởng tượng ra việc mình hoàn thành được những gì mình đang làm, một cách tốt nhất.

    [​IMG]

    Khi đánh golf, bạn nhất định cần tập trung vào từng cú đánh thay vì nghĩ ngợi lung tung.

    3. Giữ tâm trí mình chỉ nghĩ đến mục tiêu ngay trước mắt. Đừng nghĩ về việc cú đánh cuối cùng của mình trong trận này sẽ phải là cú đánh thế nào.

    Đây là kỹ thuật kìm nén thói quen "nghĩ trước". Nếu chúng ta thực sự chú ý vào hiện tại, thì tương lai sẽ tự đến một cách tốt đẹp. Khoảnh khắc hiện tại của chúng ta có rất nhiều sức mạnh trong việc định hình tương lai, và nó xứng đáng nhận được toàn bộ sự chú ý của chúng ta.

    Nào, bạn có để ý thấy những lời khuyên này đều có điểm chung gì không? Chúng đều không nói đến việc chìm đắm trong quá khứ hay suy tính trước tương lai. Chúng chỉ đơn giản là về việc sống ở đúng hiện tại mà thôi.

    [​IMG]

    Hiện tại là khoảnh khắc quý nhất mà chúng ta có.

    Tác giả H. G. Wells có lần đã nói: "Con người không nên cho phép chiếc đồng hồ và quyển lịch che mắt mình khỏi thực tế rằng, mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đều là một điều kỳ diệu và một điều bí ẩn".

    Bất kỳ ai cũng có thể sống trọn vẹn hơn nếu biết tập trung và trân trọng hiện tại. Và chúng ta không chỉ đang nói đến môn đánh golf đâu.
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng mười một 2018
  6. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Chỉ khi thực sự tha thứ, thì tự chúng ta mới thoát khỏi những ràng buộc cũ kỹ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu của sự tha thứ" - Norman Cousins.

    Tác giả Norman Cousins nói rằng, cuộc sống là một cuộc phiêu lưu của sự tha thứ. Tôi nghĩ ông Lawrence Martin Jenco hẳn sẽ đồng ý với điều này.

    Năm 1984, ông Jenco tới Beirut, tận tụy cống hiến hết sức mình để giúp đỡ những người nghèo khó nhất. Tuy nhiên, vào tháng 1 của năm sau đó, ông bị bắt cóc bởi một nhóm người cực đoan và bị giữ làm con tin suốt hơn một năm ròng. Ông nếm trải quãng thời gian bị cầm tù, bị đánh đập, bị bệnh tật và cả những thời điểm tưởng như vỡ vụn vì cô độc, buồn bã và tuyệt vọng. Vài năm sau khi được trả tự do, ông đã viết một cuốn sách, tạm dịch là "Sẵn sàng tha thứ" ( " Bound to Forgive" ) về những trải nghiệm của mình khi bị bắt giữ, và quan trọng hơn nữa, là về sức mạnh của lòng yêu thương và sự tha thứ.

    [​IMG]

    Cuốn sách "Sẵn sàng tha thứ".

    Ông Jenco kể về việc mình bị quấn kín người bằng băng dính, như một xác ướp, từ mắt cá chân tới tận đỉnh đầu – và ông bị như thế mỗi lần được chuyển từ nơi này đến nơi khác. Ông miêu tả rằng mình chỉ được thở bằng mũi bởi miệng luôn bị nhét đầy giẻ và dùng băng dính dính chặt.

    Ông cũng kể về những thời điểm mà những kẻ bắt cóc nói rằng họ sẽ giết ông. Lúc đó, ông chờ đợi cái chết sẽ đến, chấp nhận một viên đạn bắn thẳng vào mình, nhưng cuối cùng thì họ đã không làm thế. Tuy nhiên, có những lúc khác, ông được cho mặc quần áo tử tế và bọn họ nói rằng sẽ trả ông về nhà. Nhưng rồi hy vọng của ông lại bị vùi dập tan nát khi sau đó, bọn họ nói rằng chỉ.. đùa thôi.

    Ông cũng nhớ những khi bị xích chân và tay, bị chụp một chiếc túi nylon lên đầu, và bị nhốt vào một cái tủ tối tăm, chật hẹp. Và ông cũng nhớ rõ mùi hôi của cơ thể mình khi ông không được tắm suốt hơn 4 tháng liền.

    [​IMG]

    Tác giả Lawrence Martin Jenco (ông đã mất năm 1996).

    Về sau này, có người hỏi ông rằng, những người bình thường – những người chưa từng ở trong hoàn cảnh như của ông – có thể học được bài học gì từ trải nghiệm khủng khiếp đó và áp dụng vào cuộc sống thường ngày. Jenco đáp: "Hãy nhìn vào những sự điên rồ diễn ra trên thế giới. Chúng ta kéo lê theo những thù ghét, những căm hận, những thành kiến từ thế hệ này sang thế hệ khác, và cứ chuyển chúng từ người này sang người khác.. Chúng ta cần dừng lại, và nhìn nhau, và nói:" Tôi rất xin lỗi vì những tổn thương đã gây ra cho bạn. Tôi mong bạn tha thứ ". Và rồi chúng ta nên tha thứ và nhận sự tha thứ. Rồi ở đâu đó trên hành trình cuộc sống, chúng ta đều sẽ phải làm điều đó. Tất cả chúng ta đều cần tha thứ".

    Jenco đã tha thứ và ông nói, mình là bằng chứng cho sức mạnh của sự tha thứ. Và mặc dù những tổn thương của chúng ta có thể không giống như của ông, nhưng có thể chúng ta cũng thấy những vết thương của mình chẳng kém đau đớn, chẳng kém nhức nhối – tùy nhận thức của từng người. Và chúng ta cũng cần tha thứ. Bởi nếu chúng ta "thỏa thuận" với cuộc sống rằng, chúng ta thành thật tha thứ cho bất kỳ tổn thương nào đã xảy ra, thì chúng ta sẽ thấy những kết quả tuyệt vời. Chúng ta tìm được sự yên bình bên trong tâm hồn, và thường thì chúng ta sẽ thấy sức khỏe thể chất cũng được cải thiện. Như Tiến sĩ O. A. Battista nói: "Một trong những niềm vui lâu dài mà bạn có thể trải nghiệm chính là cảm giác sẽ bao trùm lấy bạn khi bạn chân thành tha thứ cho kẻ thù của mình – cho dù người đó có biết hay không".

    [​IMG]

    Khi bạn tha thứ, thì bạn là người hạnh phúc đầu tiên.

    Tôi đã nhận ra rằng, sự tha thứ chân thành là rất cần thiết nếu chúng ta muốn tìm được hạnh phúc. Dù việc này có khôi phục được một mối quan hệ đã tan vỡ hay không, thì nó vẫn trả lại tự do cho trái tim chúng ta. Những người tự nhủ với mình rằng họ thực sự tha thứ thì cũng sẽ được giải thoát khỏi những ràng buộc trong quá khứ. Như lời của tác giảJenco: "Tất cả chúng ta đều cần tha thứ". Và những người biết tha thứ thì cũng sẽ nhận được hạnh phúc.
     
  7. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Mỗi người được cho sẵn khuôn mặt, nhưng chúng ta tự tạo nên vẻ ngoài của mình!

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những lời nói cay độc, những thái độ tức tối.. nếu cứ được trao qua ném lại, sẽ phá tan một mối quan hệ.

    Có một câu chuyện rất cũ kể về một cô gái trẻ xin vào sống trong tu viện. Tu viện là một trong những nơi có kỷ luật nghiêm ngặt nhất. Ngoài những nguyên tắc chung, thì riêng tu viện này còn có một đòi hỏi khắt khe nữa: Đó là sự tĩnh lặng. Không ai ở đây được nói một lời nào cả, trừ khi có sự cho phép của tu viện trưởng. Cô gái được giải thích rằng, nguyên tắc về việc im lặng này là tuyệt đối, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, cứ mỗi khi hết một năm, thì mỗi người sẽ được phép nói ba từ. Và chỉ đúng ba từ mà thôi.

    Đến thời điểm một năm kết thúc, cô gái trẻ được cho biết rằng, giờ đây, cô được "thưởng", có thể được thể hiện những gì mình nghĩ qua ba từ, và chỉ bằng ba từ mà thôi. Ba từ đó sẽ là gì? Câu trả lời của cô sẽ là thế nào?

    "Thức ăn tệ!" - Cô gái nói.

    Một năm nữa lại trôi qua và cô gái, một lần nữa, được nói thêm ba từ để thể hiện mình. Vậy lần này cô sẽ nói gì đây?

    "Giường quá cứng!" - Cô gái nói.

    Hết năm thứ ba, cũng là lần thứ ba cô gái được gọi tới sảnh và được cho phép nói ba từ. Lần này, cô gái kêu lên trong giận dữ: "Tôi đi đây!".

    "Được thôi, chúng tôi cũng nhẹ cả người" - Tu viện trưởng đáp - "Kể từ khi cô đến đây, tất cả những gì cô làm chỉ là than phiền mà thôi!".

    Vậy là, dù chỉ được thể hiện mình rất ít, nhưng cô gái kia vẫn khiến cho mọi người trong tu viện không hài lòng.

    [​IMG]

    Những người hay than phiền luôn khiến người khác khó chịu.

    Từ xa xưa, người ta đã nói rằng, chúng ta được cho sẵn khuôn mặt, nhưng chúng ta tự tạo ra những gì mình thể hiện, như vẻ mặt, giọng nói, biểu lộ cảm xúc.. từ đó tạo ra vẻ ngoài nói chung của chúng ta. Bạn có bao giờ để ý đến những điều mà mình đang thể hiện không? Hãy nghe một câu chuyện nữa nhé.

    Bố tôi hay kể lại câu chuyện là ngày chị em chúng tôi còn nhỏ, bố thường chở chúng tôi trên xe ô tô về nhà ông bà vào mỗi cuối tuần, và đó là một chặng đường khá dài. Có một lần, bố lái xe được khoảng nửa tiếng thì chợt nghe tôi rít lên từ ghế sau. Đang cần tập trung lái xe nên khi hai chị em tôi cứ léo nhéo ở đằng sau thì bố rất khó chịu. Bố hỏi: "Có chuyện gì vậy?".

    Tôi mách rằng em trai túm vào cánh tay tôi rất đau. Em tôi lại tuyên bố rằng, nó làm thế chỉ vì tôi đã cấu nó. Xong rồi tôi lại nói rằng, tôi cấu nó vì nó đã nói một câu rất xấu tính. Và em trai lại cáu kỉnh cãi rằng, nó buộc phải nói cái câu xấu xí đó bởi khi nó quay sang nhìn tôi thì tôi đã nhăn mũi và cười khẩy..

    [​IMG]

    Trẻ con thường hay cãi nhau vặt mà không biết điểm dừng.

    Bố tôi mỗi lần kể lại câu chuyện này thì thường không phải để cho buồn cười, mà bố nhắc nhở chúng tôi rằng, thật không may, cái hình mẫu tương tự như câu chuyện cãi nhau vặt rất phổ biến ở trẻ con này, lại có thể xuất hiện trong các mối quan hệ của người lớn nữa. Một người gây khó chịu hoặc tổn thương cho người khác, và người bị tổn thương đáp lại bằng một điều khó chịu hoặc tổn thương tương tự. Tất nhiên, người đầu tiên lại sẽ "trả đòn" bằng một lời xúc phạm nữa. Chẳng bao lâu, sự tức tối và những từ ngữ xấu xí, tồi tệ sẽ phá tan một mối quan hệ.

    [​IMG]

    Bạn tự tạo nên vẻ ngoài cho mình bằng vẻ mặt tươi cười, bằng những lời tử tế..

    Chính vì thế mà người ta luôn nói rằng, những lời nói không thận trọng cũng có thể sắc như dao kiếm, rằng một lời nói cay độc sẽ khuấy động sự giận dữ, còn một câu trả lời nhẹ nhàng lại làm giảm bớt những thù hằn. Đúng vậy, chúng ta được cho sẵn một khuôn mặt, nhưng còn những sự thể hiện của mình, con người mình, thì do chúng ta hoàn toàn tự tạo ra.

    Như một câu danh ngôn bạn có thể đã biết: "Một câu trả lời dịu dàng thường chính là cách để làm mềm một trái tim quá cứng".
     
  8. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Sự phi thường chẳng ở đâu xa - bạn có thể nhìn thấy nó ngay xung quanh mình!

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bạn nghĩ thế nào là một điều lớn lao? Hóa ra, những điều lớn lao nhất không nhất thiết phải "lớn" như chúng ta vẫn nghĩ.

    Sự vĩ đại, lớn lao thường được định nghĩa bằng một hành động can đảm đột phá, hoặc một cuộc đời xuất sắc, hoặc một phẩm chất phi thường nào đó. Nhưng thực ra, những hình ảnh về sự lớn lao có thể được nhìn thấy ở khắp nơi quanh chúng ta, và đặc biệt là ở những người thực sự quan tâm đến người khác.

    Albert Braun là một người như thế. Vốn là một giáo viên, và có một thời điểm, ông được yêu cầu sống giữa những người nghèo khó nhất của thế giới. Ông được đưa tới khu bảo tồn Mescalero Apache ở New Mexico (Mỹ). Tại đây, Braun học cách yêu thương những người thổ dân Apache. Và khi ông sống cùng họ, ông học hỏi từ họ và họ học hỏi từ ông. Họ trở thành một gia đình.

    [​IMG]

    Một hình ảnh về cuộc sống của người Mescalero.

    Ông sống nhiều năm ở khu bảo tồn nhưng cũng rời khỏi đây hai lần để phục vụ trong cả hai cuộc Chiến tranh Thế giới. Ông suýt mất mạng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, khi tham gia vào các lực lượng cố gắng bảo vệ quần đảoPhilippines. Rất nhiều đồng đội của ông đã chết trong các cuộc chiến và bản thân ông bất chấp cả tính mạng mình để đi theo, an ủi, xoa dịu tinh thần cho những người còn đang chiến đấu hoặc những người bị thương. Nhiều lần, ông phải di chuyển qua những chặng đường dài mà không có thức ăn, chỉ có một lượng nước uống rất ít ỏi. Trên những chặng đường đó, cũng nhiều người đã chết. Trong chiến tranh, nhiều mạng sống bị mất đi do cả bệnh tật, thiếu dinh dưỡng..

    Braun đã học được nhiều từ những người thổ dân Apache về cách sống sót khi thiếu thực phẩm. Mỗi khi có cơ hội, ông cố gắng tìm trái cây và những loại rau củ ăn được để đem về bổ sung vào chế độ ăn cho các đồng đội của mình. Có một lần, ông còn kiếm được vắc-xin phòng bệnh bạch hầu và một số loại thuốc khác, mặc dù những việc này rất khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức. Dù bản thân mình cũng suy kiệt, nhưng ông vẫn dành phần của mình cho một đồng đội trẻ tuổi hơn. Cho nên, chẳng bao lâu sau, ông liên tục bị những bệnh như bạch hầu, sốt rét, kiết lỵ và tê phù, rối loạn dinh dưỡng do thiếu vitamin.

    Ông sống sót sau chiến tranh đã là một điều kỳ diệu. Về sau, ông được yêu cầu trở lại bang New Mexico để một lần nữa lại sống giữa các thổ dân Apache. Đến cuối đời, Braun đề nghị được chôn ở khu bảo tồn này, giữa "gia đình" Apachecủa mình.

    [​IMG]

    Những điều phi thường được thể hiện trong từng hành động tử tế, quan tâm.

    Ngày nay, ở những công trình kỷ niệm mà bạn có thể xem ảnh chân dung của những thủ lĩnh và những chiến binh vĩ đại nhất của thổ dân Apache, thì bạn sẽ thấy có cả chân dung của Albert Braun - người đã đến sống giữa những người Apache, như một người bạn, một thành viên gia đình thực sự.

    Braun đã cho thấy sự vĩ đại nhất định của mình, không phải bằng một hành động cực kỳ anh hùng nào cả, mà bằng sự tổng hợp của cả một cuộc đời luôn quan tâm đến người khác.

    Tôi tin rằng, chúng ta luôn có thể nhìn thấy những hình ảnh - dù đôi khi là thoáng qua - của sự lớn lao, sự kỳ diệu, sự phi thường ngay trong cuộc sống của những người biết thực sự quan tâm.
     
  9. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Một cảm giác còn nhẹ nhõm hơn cả khi tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nếu bạn gặp một cơn ác mộng, rồi choàng tỉnh dậy, hẳn bạn cảm thấy rất nhẹ nhõm khi biết những điều tồi tệ mà mình vừa thấy chỉ là một giấc mơ. Nhưng nếu những điều tồi tệ xảy ra trong thực tế thì sao?

    Có một câu chuyện cười thế này: Người phụ nữ nọ được tặng một chú vẹt biết nói, tuy nhiên con vẹt này khá.. hư. Bởi trong số tất cả những gì nó nói thì chẳng có câu nào nghe lọt tai cả. Mỗi lần cô chủ lại gần là con vẹt lại thốt ra những câu rất khó chịu, mặc dù cô cho nó ăn và chăm sóc nó.

    Một hôm, cô chủ đã phát chán và quyết định rằng, nếu con vẹt còn giở trò ăn nói láo lếu nữa thì cô sẽ cho nó một bài học. Y như rằng, sáng hôm ấy, khi cô lại gần, con vẹt lại quen thói, tiếp tục la lên: "Ôi, cô thật xấu xí! Ôi, tôi không thể chịu được cô!". Cô chủ giận dữ lôi con vẹt ra khỏi lồng chim, mở cửa ngăn đá tủ lạnh và tống con vẹt vào đó, đóng lại. Từ trong ngăn đá, con vẹt vẫn tiếp tục la lối khoảng 5 giây nữa, rồi bỗng im bặt.

    [​IMG]

    Có những con vẹt biết nói nhưng chỉ nói những câu khiến chủ của nó khó chịu.

    Cô chủ cũng hơi giật mình, nghĩ: "Ôi, khéo mình làm nó chết mất! Dù gì nó cũng chỉ là một con vẹt". Nên cô vội vàng mở cửa ngăn đá, thấy con vẹt đang đứng nhìn cô chăm chăm, nhưng không thốt ra thêm câu gì nữa. Cô liền nhấc nó ra. Lúc này, con vẹt mới nói:

    - Tôi rất xin lỗi vì những câu nói ngu xuẩn của tôi và tôi hứa với cô rằng tôi sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Kể từ bây giờ, tôi sẽ là một con vẹt biết nghe lời. Cô có tha thứ cho tôi không?

    - Được – Cô chủ đáp – Ta tha thứ cho mi. Lời xin lỗi đã được chấp thuận.

    - Ôi, cô làm tôi nhẹ cả người – Con vẹt nói tiếp – Cảm ơn cô, nhưng tôi có thể hỏi cô thêm một câu nữa không?

    - Được, gì vậy?

    Con vẹt ngoái lại ngăn đá của tủ lạnh, nhìn con gà đã được cấp đông, và rụt rè hỏi:

    - Cái con gà trong đó, nó đã làm gì láo lếu vậy?

    Con vẹt trong câu chuyện cười thì có lý do để cảm thấy nhẹ nhõm khi được tha thứ. Dù chúng ta không ở trong những hoàn cảnh tương tự như con vẹt, nhưng cảm giác được tha thứ đối với con người cũng là rất quan trọng.

    [​IMG]

    Được tha thứ là một cảm giác rất quan trọng.

    Bạn đã bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình hỏng bét vì bạn đã làm điều gì đó đáng xấu hổ, hoặc sai lầm, hoặc thậm chí là phạm tội – để rồi bạn giật mình tỉnh dậy và nhận ra rằng đó chỉ là một cơn ác mộng? Cảm giác đó quả thật sẽ khiến bất kỳ ai thở phào nhẹ nhõm, phải không nào?

    Nhưng sẽ thế nào nếu tình huống trong mơ đó hoàn toàn là thật? Cho dù là bạn hoặc một người thân, một người mà bạn yêu thương, phải chịu đựng?

    Đó là tình huống xảy ra trong một cuốn sách từ thế kỷ thứ 19. Trong đó, nhân vật chính đã ở bên cạnh một chàng trai trẻ đang mất hết lý trí và cũng bị bệnh nặng. Anh ta bị ám ảnh bởi một tội ác mà mình đã gây ra, khiến cả gia đình anh ta cũng rất đau khổ. Cuối cùng, gia đình của người bị hại đã tới và nói rằng thực tế, họ đã tha thứ cho anh ta từ lâu – đó là cách để họ được cảm thấy bình yên mà sống tiếp. Lúc này, nhân vật chính, cũng như chàng trai đang nằm trên giường bệnh và gia đình của anh ấy, mới nhận ra một điều mà hẳn là tất cả chúng ta đều cần biết: Đó là cảm giác được tha thứ. Sự nhẹ nhõm khi bạn thức dậy khỏi một cơn ác mộng vẫn chưa là gì so với việc thoát ra khỏi một nỗi ám ảnh tồi tệ, để nhận thức thực tế rằng bạn được tha thứ. Cảm giác đó được miêu tả là "quá tuyệt diệu đến mức tưởng như không thể là thật".

    [​IMG]

    Người ta miêu tả cảm giác được tha thứ là "quá tuyệt diệu đến mức tưởng như không thể là thật".

    Tha thứ và được tha thứ là điều mà mỗi chúng ta đều sẽ và cần trải qua trong cuộc sống. Cả hai việc đều giúp chúng ta tìm thấy sự yên bình, cho cả bản thân mình và những người xung quanh.
     
  10. Lenoq

    Bài viết:
    47
    Làm sao để tìm thấy cả thành công và hạnh phúc?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong rất nhiều trường hợp, thì điều quan trọng không phải là bạn đang làm thế nào, mà là bạn đang làm gì.

    Tác giả nổi tiếng Harold Kushner đã kể câu chuyện tuyệt vời về một chàng trai trẻ tuổi và thông minh, là sinh viên năm thứ hai của chương trình học dự bị Y khoa, trường Đại học Stanford. Để thưởng cho việc con trai mình đã đạt được những kết quả học tập rất tốt, bố mẹ cậu liền đặt vé máy bay cho cậu đi nghỉ hè một chuyến dài ngày ở châu Á.

    [​IMG]

    Tác giả Harold Kushner.

    Ở đây, cậu đã đi nhiều nơi, và khi tới một vùng nông thôn nước Nhật, cậu xin ở lại vài ngày cùng những người nông dân, bởi không khí tại đây rất trong lành, cuộc sống lại bình yên, thoải mái. Cậu kể về việc học hành liên tục trong suốt những năm vừa qua cho mọi người nghe, và một người già trong làng nói với cậu:

    - Thế này thì cháu đang đầu độc chính tâm hồn mình bằng kiểu sống lúc nào cũng chỉ nhắm tới thành công! Định nghĩa về hạnh phúc của cháu là thức trắng đêm để học cho một kỳ thi nào đó, để rồi cháu có thể được điểm cao hơn bạn bè của mình. Thế rồi sau này, định nghĩa về một cuộc hôn nhân tốt đẹp của cháu cũng không phải là tìm được người phụ nữ sẽ khiến cho bản thân cháu trở nên trọn vẹn hơn, tốt đẹp hơn, mà chỉ là giành được cô gái mà tất cả những người khác phải mong muốn, ghen tỵ. Đó không phải là cách chúng ta nên sống. Cháu nên nghĩ lại đi, và ở lại đây với chúng ta, nơi tất cả đều chia sẻ và thương yêu lẫn nhau.

    Chàng trai này đã học suốt ba năm ở một trường trung học nổi tiếng, đầy cạnh tranh để có thể vào được trườngStanford, rồi lại học hai năm cho chương trình dự bị Y khoa ở trường đại học này, chuẩn bị cho việc trở thành một sinh viên ngành Y. Nhưng cậu rất bất ngờ trước lời nói của vị lão làng. Sau vài ngày nữa để suy nghĩ, cậu gọi điện từ Nhậtvề cho bố mẹ, và bảo bố mẹ rằng cậu sẽ không về nước nữa, sẽ nghỉ học ở Stanford để sống ở vùng nông thôn, trở thành một người nông dân.

    [​IMG]

    Chàng trai quyết định ở lại vùng nông thôn, trở thành một người nông dân.

    Sáu tháng sau, bố mẹ cậu nhận được lá thư này từ con trai mình:

    "Bố mẹ yêu quý. Con biết bố mẹ không vui lòng lắm với quyết định của con vào mùa hè vừa rồi, nhưng con muốn nói với bố mẹ rằng, quyết định đó đã khiến con cảm thấy cực kỳ hạnh phúc – con chưa từng hạnh phúc như thế trong suốt quãng đời đi học của mình. Lần đầu tiên trong đời, con cảm thấy cuộc sống thật thoải mái và bình yên. Ở đây không có sự cạnh tranh, không vội vã, không cố vượt lên trước tất cả những người khác. Ở đây tất cả mọi người là bình đẳng, và mọi người đều sẵn sàng chia sẻ với nhau. Cách sống này rất hợp với tâm hồn con, đến mức chỉ trong 6 tháng, con đã được xếp thứ hai trong danh sách những người nông dân trồng cây giỏi nhất vùng, và con nghĩ sau 6 tháng nữa, con sẽ có thể lên được vị trí thứ nhất!".

    Đây là một câu chuyện thú vị, mặc dù chàng trai này vẫn chưa hiểu rõ rằng, không phải lúc nào sự cạnh tranh và thành quả cũng là những yếu tố gây sức ép và mệt mỏi cho cậu ta. Mà điều quan trọng cũng không phải là luôn làm được nhiều hơn và nhanh hơn người khác. Mấu chốt ở đây không phải là bạn làm THẾ NÀO (cho dù là một người nông dân, cậu vẫn giữ nguyên tính cạnh tranh và muốn trở thành người đứng thứ nhất) ; mà là bạn làm GÌ. Cảm giác thành công liên quan nhiều hơn đến việc bạn làm ĐÚNG việc, làm được việc mà mình yêu thích, đam mê. Bỏ qua yếu tố này, thì chẳng còn điều gì khác có ý nghĩa nữa.

    Có ai đó đã nói theo cách này: "Tôi dành cả đời mình, điên cuồng trèo lên chiếc thang của thành công. Khi lên đến đỉnh, tôi nhận ra rằng cái thang đó đang tựa vào nhầm tòa nhà". Cho dù anh ta lên tới đỉnh trước, thì cũng chẳng có gì khác biệt. Chẳng có gì hạnh phúc hoặc đáng kể khi là người đầu tiên đến nơi, nhưng mà đến nhầm đích, nhầm chỗ.

    [​IMG]

    Là người đầu tiên đến nơi, nhưng là đến nhầm đích, thì cũng không có ý nghĩa gì.

    Bạn có biết sự khác biệt giữa năng lực và hiệu quả? Một người có năng lực sẽ làm một việc theo cách tốt nhất có thể; một người hiệu quả sẽ làm điều tốt nhất có thể. Thường thì tính hiệu quả còn quan trọng hơn cả năng lực. Bởi việc trèo lên đúng cái thang thì thường quan trọng hơn là việc trèo lên cao nhất.

    Thành công là những người đạt được đúng mục tiêu - đạt được điều mà mình yêu thích, mình đam mê, mình sẵn sàng tận tâm. Thành công là những người leo lên núi, dù họ có lên được đến đỉnh hay không, thì họ vẫn biết rằng mình đã chọn đúng đường. Những người này sẽ luôn tìm được thành công và cả hạnh phúc.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...