Mở bài phân tích nhân vật Phương Định Phần mở bài trong một bài văn nghị luận có vai trò vô cùng quan trọng. Mở bài không đơn giản chỉ là nêu vấn đề nghị luận. Muốn đạt điểm cao, tạo ấn tượng cho người đọc, mở bài ngoài đảm bảo yêu cầu chung, còn cần phải hay, sáng tạo. Phần mở bài thường có 3 nội dung chính: + Dẫn dắt vấn đề: Nêu một vài vấn đề liên quan đến vấn đề cần bàn, chuẩn bị tư tưởng dẫn người đọc, người nghe vào vấn đề bàn luận đặt ra ở đề bài. Dẫn dắt vấn đề cần sáng tạo, gây sự chú ý. + Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài. Vấn đề mà mở bài nêu ra chính là vấn đề mà nội dung bài viết cần làm sáng tỏ. Nêu vấn đề cần cách ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ. + Nêu giới hạn vấn đề: Nêu được phạm vi bàn luận trong khuôn khổ nào (1 tác phẩm, 1 đoạn trích văn xuôi, 1 khổ thơ) Phần nêu vấn đề và giới hạn vấn đề thường giống nhau. Mở bài hay hoặc không hay khác nhau chủ yếu ở phần dẫn dắt vấn đề. Có nhiều cách để dẫn dắt vấn đề: Đi từ tác giả tác phẩm, từ hoàn cảnh sáng tác, từ đề tài, từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt.. Mở bài có hai dạng: Trực tiếp và gián tiếp: - Mở bài trực tiếp: Đề cập trực diện vấn đề, dẫn dắt đơn giản (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, thời gian, không gian, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm). - Mở bài gián tiếp: Mở bằng câu chuyện, mở bằng cách nêu câu hỏi, đi từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt.. Sau đây là một số mở bài gián tiếp cho bài văn phân tích nhân vật Phương Định trong truyện Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê. Mở bài 1: "Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường" Khi đất nước gồng mình đau thương trong chiến tranh, có biết bao chàng trai, cô gái đã hi sinh tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời mình lên đường bảo vệ từng ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông. Đối diện với mưa bom, bão đạn, những con người ấy ngời sáng lên tinh thần bất khuất, kiên cường. Chính họ đã làm nên mùa xuân của đất nước muôn đời. Chúng ta có thể bắt gặp họ trong "Tây Tiến", "Ngã ba Đồng Lộc", trong "Tiểu đội xe không kính".. Và họ cũng đi vào những trang văn Lê Minh Khuê với những ấn tượng đẹp nhất. Ba cô gái, ba bông hoa nở trong bom đạn quân thù, ba hình tượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ. Trong câu chuyện "Những ngôi sao xa xôi", đại điện được tập trung miêu tả chính là nhân vật Phương Định. Mở bài 2: "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới" (Mác-xen Pruxt). Đề tài người thanh niên xung phong là một thứ hạt quen thuộc gieo trồng trên mảnh đất văn chương. Nếu cảm xúc không đủ mạnh, không đủ sâu chắc chắn tác phẩm sẽ rơi vào công thức. Nhưng với cách tiếp cận độc đáo, Lê Minh Khuê đã tìm được lối đi riêng, làm cho hình tượng những nữ thanh niên xung phong hiện lên vừa gần gũi, thân quen, như đã gặp trong biết bao tác phẩm khác vừa mang diện mạo mới, bất ngờ, thú vị. Hình tượng nhân vật Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê được viết nên từ những khám phá của "đôi mắt mới" về một vùng đất đã cũ. Mở bài số 3: Trên hành trình gần một thế kỉ, hình tượng con người trong kháng chiến đã trở nên quen thuộc đối với văn thơ cách mạng Việt Nam. Họ xuất hiện trong văn chương một cách giản dị, đời thời nhưng vô cùng lạc quan, dũng cảm. Với cảm hứng ngợi ca, tự hào, nữ sĩ Lê Minh Khuê đã miêu tả rất thành công những hình ảnh chân thực, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Dù là tác phẩm đầu tay nhưng "Những ngôi sao xa xôi" của bà đã để lại ấn tượng khó quên, nhất là hình ảnh cô thanh niên xung phong Phương Định vừa dịu dàng, nữ tính vừa gan góc, kiên cường. Mở bài 4: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bao chàng trai, cô gái đã lên đường chiến đấu bảo vệ non sông, hi sinh tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình. Từ đời thực, họ đã bước vào bao áng văn thơ một cách tự nhiên và anh dũng. Họ trở thành những tượng đài bất tử về lòng yêu nước. Viết về cuộc chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê là truyện ngắn đặc sắc để lại ấn tượng đậm nét về hình ảnh cô gái Phương Định vừa trẻ trung xinh đẹp vừa gan góc kiên cường. Mở bài 5: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Thượng Kinh. Nhắc đến người Hà Nội là nhắc đến vẻ đẹp thanh lịch, duyên dáng đã đi vào câu ca dao muôn thuở. Thanh lịch là thế, duyên dáng là thế nhưng khi cần họ sẵn sàng gác bút để cầm súng cùng dân tộc bước vào cuộc trường chinh "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Họ sẵn sàng lao vào tuyến lửa, sống cùng đồng đội trên mảnh đất lúc nào cũng nóng bỏng đạn bom. Họ là những chàng trai "Người ra đi đầu không ngoảnh lại", nhưng cũng là rất nhiều những cô gái "Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương - Cho đoàn xe kịp giờ ra trận - Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa - Ðánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom.." Cô gái Hà Thành Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê là một trong rất nhiều những cô thanh niên xung phong sáng ngời vẻ đẹp của tinh thần anh dũng.