"Đầu xuôi, đuôi lọt" – phần mở bài của một bài văn nghị luận văn học chỉ khoảng 5 – 7 dòng nhưng nếu không "xuôi" thì sẽ tiêu tốn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng cả bài; không "xuôi" còn khó có thể tạo ấn tượng đối với người đọc, khó khiến người đọc "yêu" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy làm thế nào để viết được một mở bài vừa ấn tượng, vừa nhanh gọn không mất nhiều thời gian? Ngoài cách mở bài trực tiếp: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu đoạn trích và nêu vấn đề, các bạn nên làm quen với cách mở bài gián tiếp. Một trong những cách mở bài gián tiếp dễ nhớ "công thức" nhất là đưa ra một câu danh ngôn, hoặc một vài câu thơ, nhận định văn học.. sau đó mới giới thiệu đến tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận. Có thể khái quát thành công thức: Dẫn thơ (nhận định, danh ngôn, ca dao) -> tác giả -> tác phẩm -> đoạn trích -> vấn đề nghị luận. Tùy từng trường hợp có thể đảo trật tự nhưng nhìn chung là phải đầy đủ các bước giới thiệu trên. Sau đây là phần mở bài gián tiếp cho bài cảm nhận về bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Trần Đăng Khoa: Mở bài Lính đảo hát tình ca trên đảo - Trần Đăng Khoa - Ngữ văn 10, Cánh diều - Mở bài số 1: "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới" (Mác-xen Pruxt). Đề tài người lính là một thứ hạt quen thuộc gieo trồng trên mảnh đất văn chương. Nếu cảm xúc không đủ mạnh, không đủ sâu chắc chắn tác phẩm sẽ rơi vào công thức. Nhưng với cách tiếp cận độc đáo, Trần Đăng Khoa đã tìm được lối đi riêng, làm cho hình tượng người lính hiện lên vừa gần gũi, thân quen, như đã gặp trong biết bao thi phẩm khác vừa mang diện mạo mới, bất ngờ, thú vị. Bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo" của ông được viết nên từ những khám phá của "đôi mắt mới" về một vùng đất đã cũ. Mở bài số 2: Đề tài người lính là một thứ "hạt" quen thuộc được gieo trồng trên mảnh đất văn chương. Trong kháng chiến, họ là những anh hùng ngoài mặt trận: "Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt Máu trộn bùn non Gan không núng Chí không mòn! Những đồng chí, thân chôn làm giá súng Đầu bịt lỗ châu mai Băng mình qua núi thép gai Ào ào vũ bão.." (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu) "Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh." (Tây Tiến – Quang Dũng) Sau năm 1975, hình ảnh người lính vẫn tiếp tục là một đề tài quan trọng trong văn học. Giai đoạn này, người đọc bắt gặp nhiều hơn hình tượng những người lính biển, trong đó có "Lính đảo hát tình ca trên đảo". Bài thơ mang đến cảm nhận thú vị về những chàng lính Trường Sa qua ngòi bút hồn nhiên, dí dỏm đậm chất lính của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Mở bài số 3: Trên hành trình gần một thế kỉ, hình tượng người lính đã trở nên quen thuộc đối với thơ ca cách mang Việt Nam. Họ xuất hiện trong văn chương một cách giản dị, đời thời nhưng vô cùng lạc quan, dũng cảm. Thời chiến, họ là những con người đã làm nên lịch sử, trở thành nhân vật chính của lịch sử thời đại cách mạng bởi tinh thần quả cảm, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chung. Thời bình, họ vẫn kiên cường bảo vệ biên cương Tổ quốc, giữ vững thành quả chiến đấu, hi sinh của cha ông. Hình ảnh những người lính ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương xuất hiện nhiều trong văn học sau 1975. Với cảm hứng ngợi ca, tự hào, Trần Đăng Khoa đã dành cả một chùm thơ viết về họ mà "Lính đảo hát tình ca trên đảo" là một trong số đó. Mở bài số 4: "Thơ tình người lính biển" của Trần Đăng Khoa, "Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Việt Chiến, "Mộ gió" của Trịnh Công Lộc, "Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Phan Quế Mai, "Hào phóng thềm lục địa" của Nguyễn Thanh Mừng, "Người sau chân sóng" của Lê Thị Mây.. là những bài thơ đặc sắc viết về người lính nơi biển đảo xa xôi. Họ trở thành hình tượng nổi bật của văn học sau 1975. Mỗi nhà thơ có một khám phá riêng về hình tượng người lính. "Lính đảo hát tình ca trên đảo" của Trần Đăng Khoa nổi bật trong số đó như một bông hoa mang sắc hương đặc biệt giữa vườn hoa thơ rực rỡ muôn màu. Mở bài số 5: Nhà văn Đức W. Gớt từng khuyên người nghệ sĩ hãy "thọc tay vào tận đáy, vào lòng sâu của cuộc sống con người", ở đó sẽ "tóm" được nhiều điều thú vị. Các nhà văn, nhà thơ lớn thường không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để có thể quan sát được những ngóc ngách của cuộc sống. Trần Đăng Khoa cũng vậy, lăn lộn giữa nắng gió Trường Sa, những trải nghiệm cùng người lính đảo nơi đây đã khơi nguồn cho mạch thơ tuôn chảy. Những quan sát bên ngoài kết hợp với niềm xúc động bên trong đã gọi câu chữ về để ông viết nên những vần thơ độc đáo không giống ai trong "Lính đảo hát tình ca trên đảo". Mở bài số 6: Cảm xúc và suy tư của người nghệ sĩ vốn là chất liệu trực tiếp để những vần thơ khai sinh. Với Trần Đăng Khoa, niềm cảm phục, trân trọng, tự hào về người lính đảo kết hợp với những suy tư sâu lắng về cuộc sống, về vẻ đẹp tâm hồn con người giữa bão táp phong ba đã khơi nguồn cảm hứng để ông viết nên thi phẩm đặc sắc "Lính đảo hát tình ca trên đảo". Bài thơ viết về hình tượng người lính như biết bao bài thơ khác mà đọc lên sao vẫn thấy ngỡ ngàng, thú vị biết bao.